Bức tranh của người khác
Nhưng rõ ràng, dù tớ có ảo tưởng thế nào đi chăng nữa thì bức tranh ấy vẫn là của người khác.
***
1. Tớ thích những bảng màu.
Thế nên tớ chọn công việc part-time tại một cửa hàng sách gần nhà. Ở đó không chỉ có sách, mà còn có một quầy nho nhỏ để tô tượng. Những bức tượng trắng tinh được mọi người tô vẽ. Dù không phải tự tay nhưng chỉ cần được nhìn thôi, tớ cũng thấy rất vui rồi.
Nhưng những người đến đây không đến thường xuyên. Hoặc đến lúc họ quay lại lần nữa, tớ đã quên mất mặt họ rồi. Hoặc là do tần suất cậu đến quá nhiều. Hoặc là do tớ vẫn chỉ chú ý đến mình cậu. Và cô bạn đó nữa.
Cậu thường đến vào mỗi buổi chiều, cùng một cô bạn rất xinh. Cô bạn hay cột tóc cao vào những chiều hạ và thích buông tóc vào những ngày đầu thu. Tớ không biết đã cùng cậu và cô bạn ấy đi qua bao nhiêu mùa. Nhưng chiều Chủ nhật nào, cậu cũng dẫn cô bạn đến. Có những lần đọc sách, nhưng chủ yếu là để tô tượng.
Chắc là cô bạn cũng rất thích màu vẽ. Và cả cậu cũng thích. Hai người vừa nói chuyện vừa cười rất vui vẻ. Thỉnh thoảng, cậu còn tô màu lên mặt cô bạn nữa. Rồi cô bạn sẽ quay mặt đi, vẻ như đang dỗi. Không hiểu sao, tớ cũng thấy cô bạn thật dễ thương.
Cậu thường phải dỗ dành rất mệt. Khuôn mặt cô bạn xị ra, nhưng rồi cậu nói điều gì đó, cô bạn lại cười rất tươi. Thỉnh thoảng tớ tự hỏi, cậu nói điều gì nhỉ? Sẽ là một chầu kem, hay sinh tố, hay trà sữa? Hay chỉ là những lời nói thật ấm áp?
Vẻ như hai người là một đôi. Tớ nghĩ vậy.
2. Tớ vẽ không đẹp.
Nên chỉ thích nhìn người khác vẽ thôi. Cậu và cô bạn thường chọn bức tượng thật to. Mỗi người tô một bên. Nhưng thỉnh thoảng cả hai lại bất đồng về màu sắc. Cậu thích tô mắt màu đen, cô bạn thích tô mắt màu nâu. Cậu thích tô tóc màu nâu, cô bạn thích tô tóc màu vàng.
Cô bạn thích trộn nhiều màu lại với nhau. Tớ nghĩ rằng cô bạn chưa bao giờ hài lòng với những màu sắc sẵn có. Nhưng cậu lại chẳng thấy phiền hà, mặc dù việc ấy khiến hai người luôn phải nấn ná lâu hơn.
Nhiều lúc, tớ thấy cô bạn thật bướng bỉnh. Và cậu sao mà dịu dàng quá đỗi. Tớ thường đứng một góc, nhìn những mảng màu rơi rớt trên bàn. Mỗi khi hai người đến, dường như mọi thứ đều dịu dàng hơn. Hoặc chỉ cần cậu đến thôi cũng được.
Nhưng chiều Chủ nhật nào, hai người cũng đều cùng đến. Chưa lần nào tớ thấy một trong hai người lỡ hẹn, hay đi một mình.
Cả hai giống như một bức tranh tự tô vẽ. Mà đứa vẽ không đẹp như tớ sẽ chẳng bao giờ có một bức tranh đẹp như thế. Nhưng không sao đâu, tớ vẫn có thể đứng sâu trong góc, và nhìn hai người cơ mà.
Có đôi khi, tớ tự an ủi mình như vậy.
3. Đổ vỡ.
Dạo này cậu và cô bạn hay cãi nhau hơn. Chiều Chủ nhật ấy cũng như vậy, vẫn bắt đầu từ những tranh chấp nho nhỏ về màu sắc. Nhưng không giống mọi lần, cậu không hề dỗ dành cô bạn. Cậu mím môi thật chặt rồi tiếp tục tô bức tượng của mình.
Cô bạn cũng lấy một bức tượng khác và tự tô. Lần đầu tiên, cả hai không tô chung một bức tượng. Dường như tớ đã thấy được những vết rạn đầu tiên trong bức tranh mà mình đang ngắm nhìn.
Lúc ra về, cậu đưa bức tượng cho cô bạn như thường lệ. Nhưng cô bạn không đón lấy. Hình như cô bạn cũng không biết cậu sẽ đưa cho mình. Vẻ sửng sốt lẫn kinh ngạc vẫn chưa biến mất trên khuôn mặt cô bạn, khi bức tượng rơi xuống đất vỡ tan tành.
Cậu nhìn cô bạn thật lâu. Cô bạn tránh ánh mắt cậu. Hai người tách nhau ra, cô bạn đi về trước. Cậu không đuổi theo mà ở lại nhặt những mảnh vỡ bừa bãi trên sàn.
Một vài vị khách khác nhìn cậu với ánh mắt dò hỏi. Vì họ chẳng đến đây thường xuyên thôi. Tớ thầm nghĩ, nhưng rõ ràng họ cũng biết cậu và cô bạn đang giận nhau.
Phải vậy, đúng không?
4. Những chiều một mình.
Cô bạn bước ra khỏi bức tranh đầy màu sắc ấy vào một chiều trở gió. Cậu vẫn đến cửa hàng sách như thường lệ, nhưng là một mình. Cậu vẫn chọn tượng và bắt đầu tô. Dường như cậu vẫn như thế, chỉ là đôi mắt cậu buồn thêm một chút. Một chút thôi!
Nhưng chẳng lần nào cậu đủ kiên nhẫn để tô xong bức tượng như ngày trước cùng cô bạn nữa. Những bức tượng dang dở, và lấm lem màu sắc. Cậu tô xong, cậu trả tiền, nhưng không còn cầm tượng về như mọi khi. Cậu để những bức tượng trơ trọi trên bàn.
Tớ nhìn, ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định tự tô tiếp. Dù chẳng phải lần đầu tiên tô tượng, nhưng tớ thấy cảm giác ấy lạ lùng lắm. Giống như tớ đang làm nốt phần tô màu của cô bạn.
Tớ biết cậu thích màu gì, và đều tô theo màu cậu thích. Đôi mắt thì luôn màu đen này. Mái tóc thì luôn màu nâu này. Tớ tô xong rồi cất vào một góc trong cửa hàng.
Dù rằng, tớ rất muốn mang chúng về. Và cất làm của riêng.
5. Bắt đầu bằng những mẩu giấy.
Chủ nhật sau đó, cậu vẫn đến một mình. Tớ xuất hiện, dù không phải lần đầu tiên. Nhưng tớ biết lần này khác lắm. Hình như tớ đã chạm được vào một góc trong bức tranh của cậu rồi.
Tớ nói rằng có một cô bạn đến sau cậu, và đã tô nốt bức tượng dang dở. Cô bạn ấy bảo nếu lần sau cậu đến thì đưa nó cho cậu. Nhưng tớ đã không nói, cô bạn ấy chính là tớ.
Cậu có vẻ ngạc nhiên lắm, nhưng cậu vẫn cất nó vào balo. Động tác thật cẩn thận và dịu dàng. Cậu hỏi tớ, cô bạn ấy trông thế nào? Tớ lúng túng một lúc, rồi vẽ ra chân dung một cô bạn thật dễ thương. Rồi nhân lúc cậu không để ý, tớ đã phải ghi lại thật cẩn thận. Tớ sợ mình sẽ quên mất hình ảnh cô bạn chợt hiện ra ấy.
Rồi cậu ra về, và vẫn để lại bức tượng còn dang dở màu sắc. Tớ tò mò lại gần, bên dưới bức tượng còn được kẹp một mẩu giấy ghi nhớ.
6. Như thể chúng mình đang viết thư tay.
Tớ cứ đóng giả một cô bạn lạ hoắc nào đó, tô nốt tượng cho cậu. Và trả lời những điều cậu chia sẻ trong mẩu giấy trước đó. Chúng ta cứ như thể đang viết thư tay.
Cậu hỏi tớ tên gì. Tớ không nói. Cậu hỏi tớ bao nhiêu tuổi. Tớ bảo cũng tầm tuổi cậu. Cậu hỏi, chúng ta đã gặp nhau bao giờ chưa mà tớ biết mình cũng tầm tuổi cậu. Tớ bảo, tớ gặp cậu rất nhiều lần rồi.
Cậu viết về cô bạn. Hóa ra hai người từng là gà bông thật. Nhưng mà đã chia tay rồi, cách đây không lâu lắm. Tớ hỏi, cậu có buồn nhiều không? Tớ hỏi là nhiều không, vì biết chắc cậu hẳn là buồn rồi.
Cậu bảo, ừ thì buồn lắm. Nhưng khi những tin nhắn thưa dần, khi những cuộc gọi nhạt dần bằng bao lời hỏi han sáo rỗng cũng là lúc cậu biết, vết rạn đang ngày càng lớn. Cậu bảo, cả cậu lẫn cô bạn đều biết rất rõ về điều này. Nhưng cả hai đều nhìn vết rạn ấy, vẻ bất lực.
Tớ chép một đoạn thơ gửi cho cậu, trong một cuốn sách nào đó mà tớ từng đọc trong lúc rảnh rỗi.
"Tình yêu có gì?
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ
Một con ngồi yên một con đổi chỗ..." (*)
Không hiểu sao tớ thấy ghét con mèo đổi chỗ kia ghê lắm...
7. Bước ra khỏi bức tranh của người khác.
Cô bạn gọi cho cậu vào một chiều mưa. Tiếng cô bạn từ đầu dây bên kia đượm buồn. Cậu hỏi, sao thế? Cô bạn lặng im. Cậu viết trong mẩu giấy, hình như cô bạn vừa chia tay với người yêu mới. Cậu bảo, cảm xúc trong cậu hỗn độn lắm. Vừa vui vừa buồn, nhưng cậu vẫn đủ tỉnh táo để nói những lời an ủi.
Rồi trong một bức thư sau đấy vài tuần, cậu bảo, hai người quay lại rồi. Cậu hỏi, chúng mình có thể gặp nhau được không? Thật ra, tớ vẫn đợi câu hỏi này từ lâu lắm rồi. Để không phải giả vờ làm người đưa thư cho một cô bạn lạ hoắc nào đó nữa.
Nhưng hình như lúc này, tớ không còn đợi chờ nó nữa. Tớ tô nốt bức tượng còn dang dở, rồi mang về nhà.
Chiều chủ nhật sau đó, cậu đến. Cùng cô bạn. Bao lâu rồi cô bạn chưa đến đây nhỉ? Tớ tự hỏi như vậy. Rồi mỉm cười thật tươi. Tớ nói rằng, cái cô bạn thường tô tượng nốt giúp cậu nhờ tớ bảo rằng cô bạn ấy sẽ chẳng đến đâu. Và bức tượng cuối cùng kia, tặng cho cô ấy nhé.
Bức tượng ấy chẳng phải của tớ, nhưng tớ muốn mình được ích kỷ. Chỉ riêng lần này thôi. Vì tớ biết, sẽ chẳng còn lần nào cậu phải tô tượng một mình nữa.
Cậu hơi ngạc nhiên, nhưng rồi nhận lời. Tớ vẫn đứng trong một góc, nhìn cậu và cô bạn tô tượng. Dường như lâu lắm rồi tớ mới nhìn thấy cảnh này. Lâu đến mức, tớ tự tưởng tượng rằng mình cũng thuộc về bức tranh ấy.
Nhưng rõ ràng, dù tớ có ảo tưởng thế nào đi chăng nữa thì bức tranh ấy vẫn là của người khác. Tớ đã bước ra khỏi bức tranh của cậu, cùng cô bạn. Vì tớ biết, dù tớ chẳng hề vẽ đẹp đi chăng nữa, tớ vẫn có thể vẽ một bức tranh của riêng tớ cơ mà.
Dù rằng, có thể nó sẽ xấu tệ. Nhưng có hề gì, tớ nhủ thầm khi nhìn những mảng màu. Ngồi xuống bàn đối diện, tớ tự lấy một bức tượng và bắt đầu tô...
(*): Trích trong sách "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ" của Nguyễn Nhật Ánh.
Jathy