Chương 130

Vẻ mặt người kể chuyện bỗng trở nên trầm buồn, u ẩn, vẻ mặt của tất cả các danh y cũng trầm buồn, u ẩn không kém.

- Tuy chỉ ghi là hàng trăm loại thảo dược, nhưng “Thần Nông bản thảo kinh” đâu chỉ đơn giản là ghi chép về một trăm loại thảo dược! Các vị đều là thầy thuốc, hẳn là đều có thể tưởng tượng ra nỗi đau đớn khi bị hàng vạn loại độc tốc xâm chiếm, cắn xé. Nhưng, trong cơn đau tột cùng ấy, Viêm Đế vẫn vừa phải xử lý việc nước, vừa kiên trì ghi chép về mọi loại thảo dược mà ngài nếm thử. Tôi chưa từng gặp Viêm Đế, nhưng tôi vừa đọc những ghi chép của ngài vừa khóc, tôi đọc suốt một đêm và cũng khóc suốt đêm. Tôi không thể nói rằng, nỗi đau khổ của tôi chẳng là gì so với những đau đớn mà Viêm Đế phải trải qua. Bởi vì, Viêm Đế là Viêm Đế, còn tôi là tôi. Nhưng có lẽ vì cảm thấu được tấm lòng bao la của bậc đế vương vĩ đại ấy, nên cách nghĩ của tôi về cuộc đời và con người đã có nhiều biến đổi. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì trước đây mình từng xem thường “Thần Nông bản thảo kinh”, càng cảm thấy hổ thẹn hơn khi tôi có được báu vật vô giá mà không chia sẻ cho mọi người. Kể từ lúc đó, tôi mới quyết chí theo học nghề y. Tôi vừa học tập vừa hành nghề. Quầy thuốc của tôi không hề có tiếng tăm to tát gì, những người đến khám bệnh đều là thường dân áo vải. Nhưng chính nhờ tiếp xúc với họ, tôi mới dần ngộ ra và trả lời được câu hỏi này: Người thầy thuốc làm được gì cho mọi người? Người đó không chỉ giúp mọi người loại bỏ cơn đau thể xác, mà còn trả về họ một người khỏe mạnh, mang lại sự yên ấm, hạnh phúc cho cả một gia đình. Bởi vì tôi đã chữa lành bệnh cho cha của một cô gái, nên cô gái ấy không cần phải bán thân. Ngày nào cô ấy và cậu em trai cũng đặt trước quầy thuốc của tôi một giỏ hoa quả. Kể từ đó, tôi mới thực sự nghiên cứu y thuật bằng cái tâm của người thầy thuốc. Các vị đều là những bậc danh y lừng danh thiên hạ. Các vị còn nhớ vì sao mình theo học nghề y không?

Ánh mắt Tiểu Yêu như dòng nước trong veo, quét qua gương mặt từng người.

Vì muốn theo học y thuật, tôi đã thỉnh cầu Hắc Đế Bệ hạ vời cho tôi một người thày, người đó chính là danh y Ngân, ngự y của Bệ hạ. Chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Thực ra tôi có những toan tính nhỏ nhen của riêng mình. Nếu chỉ một mình tôi thì dù y thuật cao siêu đến đâu cũng có những hạn chế nhất định. Bởi vậy, tôi hy vọng, y thuật của danh y Ngân ngày càng cao minh hơn, để ông ấy có thể chăm sóc sức khỏe của Bệ hạ tốt hơn nữa. Bởi vậy, ông ngoại tôi, Hoàng Đế Bệ hạ thường xuyên phải nghe những cuộc tranh cãi giữa tôi và thầy Ngân, khi thì về một loại thảo dược, khi thì về một bài thuốc. Rồi khi ông ngoại nghe tôi nói rằng, “Thần Nông bản thảo kinh” mới chỉ ghi chép những thảo dược mọc ở vùng Trung nguyên, mà chưa ghi chép những vị thuốc có trong lòng biển, ông ngoại tôi đã nảy sinh một ý tưởng. Ngài muốn tập trung trí tuệ của tất cả các bậc danh y trong thiên hạ, để cùng chỉnh lý và biên soạn một bộ y thư, bổ sung những điểm khuyết thiếu của “Thần Nông bản thảo kinh”, cung cấp cho lê dân trăm họ nhiều vị thuốc và bài thuốc hơn nữa.

Tất cả các danh y đều kinh ngạc nhìn Tiểu Yêu. Điên rồ, thật là điên rồ! Vì sao có người nghĩ rằng họ có thể làm được điều gì cao siêu hơn cả “Thần Nông bản thảo kinh”?

Tiểu Yêu bình tĩnh nói tiếp:

- Khi ấy, tôi cũng cho rằng việc này là không thể! Ý tưởng này quá ngông cuồng. Có lẽ chỉ có Hoàng Đế Bệ hạ dám nghĩ dám làm như vậy. Tôi không đủ khí phách như ông ngoại, nên không tin mình có thể biên soạn một cuốn y thư ghi chép đầy đủ mọi bài thuốc và y thuật của toàn Đại hoang. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là, làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuy tôi không vĩ đại như Viêm Đế, sẵn sàng dùng thân mình thử thuốc, nhưng tôi sẽ dốc sức để hoàn thành công việc này, chí ít, tôi sẽ không để bản thân phải cảm thấy hổ thẹn. Nhưng không ngờ, ngày này đã đến, các bậc danh y hàng đầu Đại hoang cùng tề tựu tại Tiểu Nguyệt Đỉnh, ngoài ra còn có các vị lương y, những người được ông ngoại cử đi khắp mọi miền trong Đại hoang để tìm kiếm, thu thập và chỉnh lý các phương thuốc chữa bệnh cứu người đang tồn tại và lưu truyền trong nhân gian. Tôi nghĩ, tâm nguyện của ông ngoại sắp trở thành hiện thực!

Tiểu Yêu thành khẩn nói:

- Mỗi chúng ta theo học nghề y với mục đích không giống nhau. Các vị có mặt ở đây đều là những bậc danh y, y thuật mang lại danh và lợi cho các vị. Nhưng danh và lợi vốn chỉ là vật ngoài thân, cuối cùng rồi cũng tan biến. Biết bao người đã đến và đi trong cuộc đời này như cánh nhạn vụt bay, như bóng câu qua thềm, mấy ai lưu lại dấu tích cho đời sau, mấy người nghĩ cho hậu thế hàng vạn đời sau? Ông ngoại tôi không chỉ ban cho quý vị một cơ hội ngàn vàng để trao đổi, học hỏi và nâng cao y thuật, mà còn mang đến cho quý vị một cơ hội tạo nên sự ảnh hưởng đến muôn đời. Rất lâu rất lâu sau nữa, thành trì dù vững chãi, hùng vỹ, nguy nga đến đâu cũng sẽ sụp đổ, các đời đế vương sẽ lần lượt ra đi, vô số truyền kỳ về các bậc anh hùng rồi sẽ bị quên lãng. Nhưng tôi tin, sách y học mà các vị biên soạn ra vẫn tiếp tục lưu truyền trong nhân gian, giúp cho vô số người cha mạnh khỏe, vô số người con rạng ngời hạnh phúc.

Tiểu Yêu đứng lên, cúi gập người, trịnh trọng vái lạy các bậc danh y:

- Mong các vị hãy chia sẻ những tri thức y thuật quý báu của các vị cho mọi người, để người trong Đại hoang, để hậu thế muôn đời được khỏe mạnh và hạnh phúc nhờ ơn phước của các vị!

Không biết Hoàng Đế xuất hiện tự lúc nào, ngài đứng đó lắng nghe, và lúc này, ngày chậm rãi cất tiếng:

- Các vị đều là những bậc học cao biết nhiều, thông tuệ hơn người, xin các vị nhớ cho, trao đi không có nghĩa là mất đi mà cùng với việc trao đi, các vị sẽ nhận lại rất nhiều.

Tất cả các thầy thuốc đều cúi nhìn cuốn “Thần Nông bản thảo kinh” trên tay, rồi ngước nhìn Hoàng Đế, sau đó nhìn sang Tiểu Yêu. Có người kinh ngạc, có người trầm tư, cũng có người xúc động, nhưng sau rốt, tất cả đều tỏ ra bình tĩnh. Rồi họ lần lượt vái lạy đáp lại thiện chí của Tiểu Yêu:

- Chúng tôi nguyện học theo y tổ Viêm Đế, tận tâm tận lực, góp sức biên soạn y thư.

Hoàng Đế mỉm cười nhìn Tiểu Yêu và các vị danh y đang trong tư thế vái lạy lẫn nhau.

Không còn bóng dáng chiến tranh, thu qua đông lại, xuân qua hè tới, tháng ngày bận rộn trôi đi rất nhanh, thấm thoắt đã mười lăm năm.

Một chiều nọ, Chuyên Húc ghé Tiểu Nguyệt Đỉnh thì thấy Tiểu Yêu và mấy thầy thuốc đang bận rộn chỉnh lý thư tịch, ngoài cửa còn có hai mươi ba vị danh y khác. Trông họ có vẻ đã thấm mệt nhưng nụ cười mãn nguyện vẫn rạng rỡ trên môi, ai nấy đều hồi hộp nhướng mắt vào trong phòng. Ngay cả Hoàng Đế dường như cũng rất sốt ruột, ngài đang thưởng trà và trò chuyện với Cảnh, nhưng chốc chốc lại ngó về phía các thầy thuốc.

Chuyên Húc dừng bước, tò mò nhìn theo.

Một lát sau thì nghe có người nói:

- Xong rồi, xong rồi! Cuốn cuối cùng đã xong!

Tất cả các thầy thuốc cùng ùa đến bên cửa, Hoàng Đế cũng đứng lên.

Tiểu Yêu ôm hai chồng sách dày cộp viết trên vải lụa đi về phía Hoàng Đế, các vị danh y theo sau nàng.

Tiểu Yêu quỳ trước mặt Hoàng Đế, dõng dạc thưa:

- Không phụ sự ủy thác của Bệ hạ, bộ sách đã được hoàn thành sau bốn mươi hai năm. Tham gia biên soạn sách có tất cả sáu mươi tám danh y, ba nghìn bảy trăm ba mươi thầy thuốc phụ trách thu thập và chỉnh lý. Các thầy thuốc của chúng ta đã đi khắp Đại hoang để tìm kiếm và sưu tầm, ba mươi tám vị đã trượt chân và bỏ mạng nơi vách núi, năm mươi người mất tích vì bão lũ, gió tuyết, sáu mươi mốt người bị quái thú ăn thịt, bị trúng độc, trúng chướng khí, và còn cả bảy vị danh y kiệt sức vì bệnh tật ngay trên bàn làm việc, lúc qua đời họ vẫn nắm chắc trong tay cây viết.

Mấy mươi năm nỗ lực, thành tựu được đổi bằng tâm huyết và thậm chí là tính mạng của vô số người. Vừa lắng nghe những lời tổng kết của Tiểu Yêu, các vị danh y vừa lặng lẽ rơi lệ. Tiểu Yêu cũng rưng rưng nước mắt. Nàng nâng cao những chồng sách trong tay:

- Bộ sách này gồm năm mươi lăm quyển, chia thành hai phần lớn: Ba mươi bảy quyển ghi chép các loại thảo dược, bài thuốc và y thuật trong Đại hoang, trình bày và phân tích về quá trình sống - chết. Mười tám quyển ghi chép những phương pháp phòng bệnh, trình bày và phân tích các phương pháp điều dưỡng âm dương. Mời Bệ hạ ban tên!

Có sự kiện trọng đại, kinh thiên động địa nào diễn ra trong Đại hoang mà Hoàng Đế chưa từng trải qua? Lập nước, chinh chiến khắp nơi, thống nhất Trung nguyên, bị ám sát, nhường ngôi… trải bao phong ba bão táp nhưng không ai thấy ngài vui hay buồn bao giờ. Vậy mà lúc này, bàn tay ngài đang run lên khe khẽ.

Hoàng Đế nhẹ nhàng mân mê chồng sách, ngài nói:

- Tuy ta chính là người triệu tập thầy thuốc bốn phương về đây cùng biên soạn ra bộ sách này, nhưng nếu không có Hắc Đế, ta chắc chắn mình không thể làm được. Nhờ có Hắc Đế, chúng ta mới có thể tập trung danh y của tất cả các dòng tộc trong Đại hoang, các thầy thuốc mới có thể đi khắp mọi nơi tìm kiếm thu thập tư liệu, và cùng nhau hoàn thành bộ sách này. Bởi vậy, Chuyên Húc à, cháu hay đặt tên cho bộ sách này đi!

Chuyên Húc đang say sưa chiêm ngưỡng bộ sách, đột nhiên nghe thấy Hoàng Đế gọi tên mình thì có phần bất ngờ, nhưng hắn không từ chối. Hắn bước đến bên cạnh Hoàng Đế, cầm cây viết mà người hầu đã chuẩn bị sẵn, trầm tư một lát, rồi đưa những nét bút khoáng đạt lên chồng sách gồm mười tám quyển: “Hoàng Đế nội kinh”, lại phóng bút trên chồng sách gồm ba mươi bảy quyển: “Hoàng Đế ngoại kinh”.

Những nét chữ khỏe khắn, rắn rỏi tuyên bố sự ra đời của bộ sách y thuật quý hiếm chưa từng có “Hoàng Đế nội kinh” và “Hoàng Đế ngoại kinh”. Tiếng hoan hô rộn rã.

Hoàng Đế thoáng bất ngờ, sau đó thì ngài bật cười sảng khoái. Bộ sách y thuật đã hoàn thành, từ nay người trong thiên hạ sẽ vơi bớt nhiều đau đớn, bệnh tật, sự an lạc của muôn dân là niềm vui của bậc đế vương! Có được một đứa cháu trai như Chuyên Húc, ấy là niềm vui của riêng Hoàng Đế!

Tâm nguyện biên soạn một bộ sách y thuật nay đã hoàn thành. Cuộc sống bận rộn miệt mài suốt mấy chục năm đã kết thúc. Tiểu Yêu cảm thấy thật tuyệt vời, vậy là cuối cùng nàng đã có thể nghỉ ngơi triệt để. Nàng cùng Cảnh đến Hiên Viên Sơn thăm Bạch Đế.

Có lẽ vì không phải lo phê duyệt tấu chương, xử lý chính sự, nên vết thương của Bạch Đế bình phục rất nhanh. Chỉ có điều, vì không được chữa trị kịp thời, nên vết thương đã để lại di chứng, khiến ngài đi lại có chút bất tiện. Tiểu Yêu cảm thấy thật đáng tiếc.

Bạch Đế ngó Cảnh một lát, cười, bảo:

- Ta đã là một ông lão hom hem, làm gì có cô gái nào chịu nhìn ta, đi lại khập khiễng một chút cũng không sao! Nhưng Cảnh thì nên chữa cho lành.

Cảnh mỉm cười, không nói năng chi. Bạch Đế cũng thôi không nhắc thêm về chuyện đó nữa.

Từ ngày chuyển đến Thần Nông Sơn, Hoàng Đế hầu như không rời khỏi Tiểu Nguyệt Đỉnh, nếu không bận tổ chức các danh y biên soạn y thư, ngài sẽ dành thời gian nghiên cứu về trồng trọt. Ngài sử dụng các trận pháp trước kia dùng để đánh trận biến hóa thành các kiểu khí hậu của các vùng miền khác nhau trong Đại hoang, để trồng đủ mọi loại thực vật, từ thảo dược, lương thực, đến cây ăn quả, và cả những giống cây trồng mà Tiểu Yêu cũng không biết là thứ gì. Tóm lại, Hoàng Đế ngày ngày bận rộn với công việc trồng trọt trên Tiểu Nguyệt Đỉnh, ngài chỉ quan tâm đến cây trồng, ruộng nương của ngài và hoàn toàn thờ ơ với mọi sự diễn ra bên ngoài.

Bạch Đế thì ngược lại, ngài không thể ở yên trên Hiên Viên Sơn, ngài thường dẫn Tiểu Yêu và Cảnh xuống núi và ở lại đó.

Bạch Để mở một tiệm rèn tại con hẻm sâu trong thành Hiên Viên. Ngài rèn tất cả mọi thứ từ nông cụ đến đồ dùng bếp núc, nhưng tuyệt đối không rèn binh khí. Tiệm rèn của ngài tuy xa xôi, vắng vẻ nhưng vì tay nghề cao, chỉ hơn chục năm đã gây dựng được tiếng tăm, hàng ngày khách đến đặt hàng nườm nượp như trảy hội. Bạch Đế niềm nở đón tiếp, thái độ thân thiện, hòa nhã, chu đáo, khiến các ông các bà đều yêu mến ông cụ đẹp lão này.

Những lúc rảnh rỗi, Bạch Đế thường tới tiệm rượu nổi tiếng, đã ngàn năm tuổi, mua nửa cân rượu, rồi ngài vừa uống rượu, vừa chơi cờ vây với ông lão giỏi tam huyền cầm, để râu dê.

Bạch Đế thường để thua ông lão râu dê, ông ta hả lòng hả dạ, thường vỗ vai Tuấn Đế và nói:

- Không phải do ông kém cỏi đâu, mà trò này người thường không mấy ai chơi được. Ông biết ai phát minh ra nó không? Là Hoàng Đế đó! Cụ tổ nhà tôi thuộc dòng dõi danh giá, nên mới học được chút ít.

Bạch Đế bật cười khoan khoái, ông lão râu dê cao ngạo vuốt chòm râu của mình.

Trước cửa tiệm rèn có một cây hòe cổ thụ, dưới gốc cây là đống củi lớn.

Cảnh đang bổ củi giúp Bạch Đế, Tiểu Yêu ngồi trên cục gỗ phẳng, hai tay chống cằm, ngẩn ngơ nhìn Bạch Đế, ông lão này thật lạ lẫm đối với nàng. Người này chính là Bạch Đế lạnh lùng, hầu như không khi nào cười, chỉ một cái đưa mắt cũng khiến triều thần kinh hồn bạt vía ư?

Bổ củi xong, Cảnh đến ngồi bên cạnh Tiểu Yêu:

Tiểu Yêu lẩm bẩm:

- Sao có thể biến thành một người hoàn toàn khác như vậy? Nếu Nhục Thu và Câu Mang nhìn thấy cảnh tượng này, chắc bọn họ sẽ sợ chết ngất!

Cảnh nói:

- Có lẽ ngài chỉ trở lại là bản thân mình mà thôi. Người mà bác Thanh Dương của nàng quen biết có lẽ là người như vậy chăng!

Có lẽ vậy. Hiên Viên Sơn đâu thiếu rượu ngon, rượu quý, việc gì người phải uống thứ rượu cay chát ấy. Chắc hẳn không phải vì người yêu thích hương vị của loại rượu đó. Có lẽ vì trong rượu có những kỉ niệm mà người muốn lưu giữ. Tiệm rượu ấy đã ngàn năm tuổi thật ư? Cha và bác cả từng uống với nhau ở đó thật ư?

Tiểu Yêu thở dài:

- Em cứ lo cha ở Hiên Viên Sơn không quen, nhưng xem ra, em lo thừa rồi. Chúng ta không nên ở lại đây làm phiền cha nữa, ngày mai chúng ta về thôi.

Về đến Thần Nông Sơn, Tiểu Yêu chợt nhận ra mình chẳng còn việc gì để làm, cảm thấy có chút hụt hẫng, nàng bàn với Cảnh:

- Chàng thấy em đến Trạch Châu mở một tiệm thuốc được không?

Cảnh đáp:

- Chi bằng đến thành Thanh Khâu mở tiệm thuốc.

- Nhưng Trạch Châu ở gần, Thanh Khâu ở xa, đi về trong ngày không tiện.

- Nếu nàng sống ở Thanh Khâu thì thành Thanh Khâu sẽ gần hơn.

- Hả? Em đến Thanh Khâu?

Tiểu Yêu chưa kịp hiểu.

Cảnh tủm tỉm:

- Phủ Đồ Sơn ở Thanh Khâu đã tu sửa, bài trí xong xuôi, chúng ta có thể cử hành hôn lễ bất cứ lúc nào.

Hai má Tiểu Yêu bỗng ửng đỏ. Cảnh xiết tay nàng, rủ rỉ:

- Tiểu Yêu, chúng ta làm đám cưới nhé! Kể từ dạo đính hôn, ta luôn trông ngóng đến ngày thành thân.

Trong lòng Tiểu Yêu tràn ngập dư vị ngọt ngào, nàng khẽ gật đầu.

Vậy là ngay buổi tối hôm ấy, Cảnh đã bàn bạc với Hoàng Đế và Hắc Đế về ngày thành hôn.

Cảnh không biết phải diễn đạt thế nào, nhưng trực giác mách bảo, Hoàng Đế sẽ vui vẻ gả Tiểu Yêu cho chàng, nhưng Hắc Đế thì không.

Lẽ ra điều này là không thể, vì năm xưa, khi Cảnh và Tiểu Yêu không thể liên lạc với nhau, chính Hắc Đế đã giúp đỡ họ, nhờ vậy Cảnh mới có thể viết thư cho Tiểu Yêu. Sau khi Tiểu Yêu đến Thần Nông Sơn, cũng chính Hắc Đế giúp họ gặp nhau hết lần này đến lần khác ở Thảo Ao Lĩnh. Có thể nói rằng, nếu không nhờ ngài, Cảnh và Tiểu Yêu không thể đến với nhau.

Cảnh cũng từng tĩnh tâm phân tích chuyện này. Thái độ của Chuyên Húc thay đổi từ dạo Ý Ánh mang thai và Tiểu Yêu bị trọng thương. Có lẽ vì chàng đã khiến Tiểu Yêu quá đau lòng, và trong mắt Chuyên Húc, Cảnh không thể sánh với Phong Long, chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú, tài ba, lại chưa vợ. Nhưng Chuyên Húc vẫn đồng ý cho họ đính hôn. Cảnh chỉ có thể kỳ vọng rằng, thời gian sẽ giúp Chuyên Húc thấu hiểu tấm lòng của chàng dành cho Tiểu Yêu. Chàng quyết không phạm sai lầm như trước nữa.

Quả nhiên, khi Cảnh đề nghị cưới sớm, cả Hoàng Đế và Hắc Đế đều bật cười. Có điều, Cảnh cảm thấy, Hắc Đế không lấy gì làm vui vẻ.

Hoàng Đế nói:

- Hai ngươi đính hôn đã nhiều năm, cũng nên cưới đi thôi. Của hồi môn của Tiểu Yêu ta đã lo liệu cả. Chỉ cần nhà Đồ Sơn hoàn tất mọi bề là có thể cử hành hôn lễ bất cứ lúc nào.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện