Chương 132: Hồn mộng chẳng nguội yên

Bước sang tháng tư, tức là chỉ còn cách hôn lễ của Cảnh và Tiểu Yêu một tháng nữa, theo tục lệ, hai người không được gặp nhau. Cảnh phải trở về Thanh Khâu để thử lễ phục, kiểm tra mọi việc, đảm bảo cho hôn lễ tiến hành suôn sẻ, sau đó, việc còn lại của chàng là: Chờ ngày nghênh đón Tiểu Yêu.

Phủ đệ nhà Đồ Sơn được tu sửa hoàn toàn. Khu vườn, nơi sau này sẽ trở thành ngôi nhà của Cảnh và Tiểu Yêu đã được thiết kế và xây dựng theo ý muốn của Tiểu Yêu: Tiểu Yêu thích ăn vặt, vì thế trong vườn sẽ có một nhà bếp. Tiểu Yêu thích uống rượu Thanh Mai, nên trên đồi sẽ trồng vài cây thanh mai. Tiểu Yêu thích nước, nên một hồ nước đã được xây dựng để dẫn nước từ suối nước nóng đổ vào...

Mặc dù Việt trưởng lão đã suy tính rất chu đáo, nhưng khu vườn này là mái ấm của Cảnh và Tiểu Yêu, bởi vậy chàng yêu cầu rất cao. Chàng đã tự mình bài trí lại toàn bộ đồ đạc trong nhà. Thấy chàng hào hứng, hăm hở bày biện, Việt trưởng lão đành để chàng tự lo liệu.

Ngày Hai mươi tháng Tư, Hồ Lung báo tin, Đồ Sơn Chấn ốm nặng, không ăn uống được gì, hễ tỉnh lại là gào khóc đòi cha.

Hồ Lung, anh em ruột của Hồ Á, đều là tâm phúc của Cảnh. Từ ngày Đồ Sơn Chấn chào đời, cậu ta chịu trách nhiệm bảo vệ Đồ Sơn Chấn. Tuy vô cùng căm ghét Ý Ánh và Hầu, nhưng Hồ Lung không hề ghét bỏ Đồ Sơn Chấn, trái lại rất thương cậu bé.

Cảnh không đành lòng chứng kiến Ý Ánh bị thức thần hút kiệt linh lực và tinh huyết cho đến chết, đã nghĩ ra kế, để Ý Ánh giả ốm và giả chết, sau đó âm thầm đưa Ý Ánh rời khỏi Thanh Khâu.

Trước kia Ý Ánh vốn là người ham vui, ưa náo nhiệt, nên không bỏ qua bất cứ buổi tiệc tùng, gặp gỡ nào. Cô ấy có bạn bè khắp các gia tộc, từ vùng Tây Bắc đến miền Đông Nam, rất nhiều người quen biết cô ấy. Nhưng giờ đây, Ý Ánh rất sợ gặp người khác. Nghĩ tới nghĩ lui, Cảnh nhận thấy chỉ có thị trấn Thanh Thủy là nơi Ý Ánh có thể yên ổn nương thân. Vì vậy, chàng đã sắp xếp đưa Ý Ánh đến thị trấn Thanh Thủy.

Tuy không phải tiếp tục dâng linh lực và tinh huyết cho thức thần, nhưng Ý Ánh đã lấy thân mình cúng tế thức thần, nên nguyên khí của cô bị thương tổn nghiêm trọng. Dù gắng sức bồi bổ, tĩnh dưỡng, cô cũng chỉ có thể sống đến lúc bé Chấn trưởng thành. Vì không muốn Ý Ánh cảm thấy buồn bã tuyệt vọng mà tìm đến cái chết, và cũng muốn bé Chấn được ở bên mẹ, nên hàng năm, mỗi mùa xuân hạ, Cảnh đều sai Hồ Lung đưa bé Chấn đến thị trấn Thanh Thủy ở ba, bốn tháng. Năm nay chàng cưới vợ, nên đã căn dặn Hồ Lung chờ đến cuối thu mới đưa bé Chấn trở về. Nhưng không ngờ, bé Chấn đột ngột ốm nặng.

Hồ Lung là người cẩn trọng, tin tức chắc chắn không thể là giả. Còn hơn hai mươi ngày nữa mới tới lễ thành hôn của chàng, đi một chuyến đến Thanh Thủy hẳn là không làm lỡ việc. Nhưng Cảnh cảm thấy bồn chồn không yên, linh tính mách bảo chàng không nên đi. Có điều bé Chấn tuy không phải con trai chàng nhưng lại là cháu ruột chàng. Huống hồ trong lòng bé, chàng chính là cha đẻ của bé. Nếu bé có mệnh hệ gì, chắc chắn Cảnh sẽ không thể tha thứ cho bản thân.

Ngẫm ngợi một lát, Cảnh quyết định đưa Hồ Trân đi cùng, đồng thời ra lệnh cho U dẫn theo tất cả các ám vệ.

Đây là lần đầu tiên Cảnh yêu cầu đội ám vệ hộ tống đông đúc như thế. U thoáng sững sờ, nói:

- Tháng sau là lễ thành hôn, nếu tộc trưởng đã có dự cảm không hay về chuyến đi này thì tốt nhất không nên đi.

Cảnh hỏi:

- Nếu bé Chấn xảy ra chuyện, liệu ta và Tiểu Yêu có thể tổ chức hôn lễ được không?

U cúi người thưa:

- Tôi đã hiểu! Xin tộc trưởng yên tâm, chúng tôi nhất định sẽ đưa người bình an trở về. Chúng tôi tồn tại là để thực thi những nhiệm vụ như thế này.

Trước lúc lên đường, Cảnh viết cho Tiểu Yêu một lá thư, nói rõ lý do vì sao chàng phải đến Thanh Thủy, động viên nàng đừng lo lắng, vì đã có đội ám vệ đi theo bảo vệ chàng, và hứa sẽ nhanh chóng quay về Thanh Khâu.

Tờ mờ sáng hôm sau Cảnh mới đến thị trấn Thanh Thủy.

Ý Ánh ngồi bên giường, mặc áo đen, trùm khăn che mặt, cô ta ăn vận kín mít, hầu như chỉ để lộ đôi đồng tử như hai làn thu thủy ra ngoài.

Cảnh hỏi:

- Bé Chấn thế nào rồi?

Ý Ánh như người mất hồn, trỏ tay về phía chiếc giường, không nói gì thêm. Hồ Trân bước lại, bắt mạch cho bé. Cảnh cúi cuống, dịu dàng gọi:

- Chấn ơi, cha đến rồi này!

Trong cơn mê man, bé Chấn mở mắt, trông thấy Cảnh, bé òa khóc nức nở, vòng tay ôm Cảnh, giọng nấc nghẹn:

- Cha ơi, con khó chịu lắm, có phải con sắp chết không?

Cảnh ôm bé vào lòng:

- Đừng khóc, đừng khóc! Con phải mạnh mẽ lên, cha mời thầy thuốc tốt nhất đến chữa bệnh cho con. Khi nào con khỏe lại, cha sẽ đưa con ra biển chơi.

Bé Chấn yếu ớt nói:

- Con muốn thấy biển rộng.

Cảnh và bé Chấn cùng ngóng đợi Hồ Trân, Hồ Trân chau mày, đặt tay cậu bé xuống, kiểm tra tiếp đầu lưỡi và mắt. Thấy vẻ mặt tối sầm của Hồ Trân, Cảnh mỉm cười nói với bé Chấn:

- Con ngoan, ngủ một lát đi.

Bé Chấn chừng như cũng rất mệt và buồn ngủ:

- Vâng, con ngủ đây, cha ở bên con nhé.

- Ừ. Cha ở đây.

Cảnh đặt tay lên trán bé, bé Chấn chìm vào giấc ngủ sâu.

Lúc này Cảnh mới hỏi Hồ Trân:

- Là bệnh gì?

- Thưa, không phải bệnh mà bé bị trúng độc.

Cảnh lo lắng tới mức không buồn tra xét nguyên nhân, chàng vội hỏi:

- Có giải được không?

Hồ Trân lấy làm hổ thẹn:

- Đây là loại độc hồ sáo[1] , kẻ hạ độc rất xảo trá, tôi không giải nổi, nhưng tiểu thư Tây Lăng thì có thể. Có điều, e là không kịp…

[1] Hồ sáo: một loại cỏ dại, cây cao chừng 1,5 mét, mọc thành bụi, thuộc họ cỏ tai hổ, hoa hình chuông, màu tím hồng hoặc màu vàng, rất độc.

Ý Ánh từ nãy đến giờ vẫn thinh lặng, lúc này đột nhiên lên tiếng:

- Hồ Trân, y thuật của cậu tiến bộ rất nhanh, đã nhận ra được loại độc hồ sáo này. Thực ra, không cần nhọc công tìm kiếm Tây Lăng Đông Lăng gì cả, trực tiếp đòi thuốc giải từ kẻ hạ độc là xong!

Cảnh nói:

- Đúng thế. Nhưng kẻ hạ độc là kẻ nào? Cô có manh mối gì không?

Ý Ánh trỏ vào mình:

- Ngay trước mặt chàng đó.

Hồ Trân thất kinh, lập tức đứng chắn trước mặt Cảnh, phẫn nộ:

- Hổ đói không ăn thịt con, vì sao cô nỡ hạ độc con trai mình?

Cảnh kinh ngạc nhìn Ý Ánh, không tin vào mắt mình.

Ý Ánh cười, nói:

- Những người chàng cử đến đây kẻ nào kẻ nấy khôn ngoan như loài hồ ly, nếu không dùng loại độc hiếm gặp này, khiến chàng tưởng bé Chấn sắp nguy, thì sao “mời” được chàng đến đây.

Cảnh lạnh lùng nói:

- Giờ ta đến rồi, cô mau giải độc cho bé Chấn đi.

Ý Ánh thoáng sững sờ, cười, hỏi:

- Sao chàng không hỏi vì sao thiếp dụ chàng đến đây?

Cảnh bóp mạnh hai cánh tay của Ý Ánh, kéo cô ta đến sát bên giường:

- Mau giải độc!

Vì quá tức giận, giọng chàng trở nên vô cùng lạnh lùng, gương mặt tuấn tú lúc nổi trận lôi đình, trông thật đáng sợ.

Ý Ánh mệt mỏi đổ người xuống giường, ngẩng đầu nhìn chàng, nước mắt ngân ngấn:

- Chàng thật lòng lo lắng cho bé Chấn ư?

Cảnh lạnh lùng quát:

- Mau giải độc!

Cảnh ghì mạnh hơn nữa, khiến Ý Ánh run lên bần bật.

Ý Ánh gắng gượng đáp:

- Thuốc giải nằm trong tay kẻ ép thiếp hạ độc.

Cảnh buông tay, Ý Ánh ngã sóng soài ra đất, chàng gọi lớn:

- Đồ Sơn Hầu!

Hầu bước vào, vẻ cười giễu cợt, hắn thờ ơ nói:

- Con trai ta trúng độc, ta là cha nó còn chưa thấy sốt ruột, cậu em quý hóa cuống quít gì thế?

Cảnh hỏi:

- Rốt cuộc huynh muốn gì?

- Những tên hầu cận của ngươi ở thị trấn Thanh Thủy đều đã bị….

Hầu làm động tác cắt cổ.

Đám ám vệ của ngươi cũng đã bị tóm. Bên ngoài căn phòng này hiện chỉ còn người của ta. Chỉ cần ta hô một tiếng, hàng vạn mũi tên sẽ xuyên qua tim ngươi.

Hồ Trân không tin, gọi lớn:

- Hồ Lung, Hồ Lung, Hồ Lung đâu! Hồ Linh, Bí Đao ơi… U, U đâu….

Nhưng không một ai đáp lại. Hồ Trân phẫn uất:

- Hầu, ngươi đừng quên những lời thề độc trước liệt tổ liệt tông! Nếu ngươi dám hãm hại tộc trưởng, ngươi sẽ phải đền tội!

Như thể vừa nghe câu chuyện hài hước nhất trong số những câu chuyện hài hước, Hầu bật cười ha hả:

- Phải đền tội ư? Ngươi nghĩ ta sợ chết hay sao?

Cảnh hỏi Hầu:

- Muốn giết tôi thì vì sao chưa ra tay?

Hầu nheo mắt cười giễu cợt:

- Từ nhỏ đến lớn, tất cả mọi người đều bảo rằng ngươi tài giỏi hơn ta. Bất kể ta có làm gì đi nữa, ngươi vẫn hơn ta. Lần này, ta muốn một trận quyết đấu công bằng. Cái chết sẽ quyết định ai là kẻ mạnh hơn trong hai chúng ta!

Cảnh nói:

- Điều kiện của tôi là, hãy tha cho Hồ Trân.

Hầu cười, bảo:

- Hắn là tình nhân của ả người hầu của ngươi đúng không? Được, ta đồng ý tha cho hắn, để cô ả không phải rơi nước mắt.

Hồ Trân kêu lên:

- Không được, không được! Tộc trưởng chớ nhận lời hắn…

Hầu phất tay, Hồ Trân lập tức lăn ra đất, bất tỉnh. Hầu xòe bàn tay, cười tít mắt, nói:

- Cuối cùng thì ta đã có thể trò chuyện thoải mái với em trai yêu quý của mình.

Cảnh hỏi:

- Quyết đấu công bằng?

- Đúng vậy, sẽ quyết đấu cho đến khi một kẻ chết đi, kẻ sống sót đương nhiên là kẻ mạnh hơn. Không ai có thể nghi ngờ kết quả cuối cùng! Dù mẹ có sống lại và chứng kiến đi nữa, cũng phải thừa nhận, đúng không?

Cảnh trừng mắt nhìn Hầu, ánh mắt chất chứa nỗi bi thương.

Hầu cười hỉ hả:

- Từ bé đến lớn, lúc nào mẹ cũng bênh ngươi, thiên vị ngươi. Dù ta có làm gì cũng không bằng ngươi. Đồ Sơn Cảnh, ngươi nợ ta một lần quyết đấu công bằng.

Nỗi bi ai trong mắt Cảnh ngày càng thẳm sâu hơn, chàng nói:

- Vì đây là một cuộc đấu công bằng, và huynh đã chọn phương thức thi đấu, nên tôi sẽ là người chọn địa điểm.

Hầu cười khinh khỉnh:

- Được!

- Vậy thì tôi nhận lời với anh!

- Thuốc giải đây.

Hầu ném về phía Ý Ánh một viên thuốc, sau đó quay lưng bỏ đi.

Cảnh lẳng lặng đi theo hắn. Từ nhỏ đến lớn, đã không biết bao lần chàng đi theo Hầu như thế. Chàng theo anh trai đi chơi, theo anh trai đi học, theo anh trai đi săn, theo anh trai đến chào bà nội… Có lẽ hai anh em họ năm xưa chẳng thể ngờ, đến một ngày họ phải quyết sống chết một phen với nhau.

Hai người cưỡi tọa kỵ rời khỏi thị trấn Thanh Thủy. Cảnh chọn khu đất bỏ hoang bên bờ sông Thanh Thủy:

- Tôi chọn chỗ này.

Hầu nói:

Vừa có sông lại có núi, làm nơi yên nghỉ của ngươi được đó!

Hầu làm động tác: Xin mời!

Sương khói mù mịt sau lưng Cảnh, dần tỏa lan khắp vùng đất hoang. Hầu chế nhạo:

- Loài cáo luôn như vậy, không bao giờ dám đối diện trực tiếp với kẻ địch. Cháu con của giống loài này muôn đời không thay đổi được tật xấu đó!

Hầu đưa tay lên bắt quyết, thủy linh tụ lại thành một con mãnh hổ màu lam, mãnh hổ lao đi giữa màn sương trắng xóa.

Hổ dữ lao đến vồ mồi, chú cáo chín đuôi màu trắng náu mình trong màn sương mù dày đặc, vội vã lăn một vòng né tránh.

Hầu cười vang:

- Cảnh, ta biết ngươi nhận lời quyết đấu vì muốn kéo dài thời gian, ngươi hy vọng bọn U sẽ đến kịp. Tháng sau là ngày trọng đại của ngươi, ngươi muốn sống sót trở về để làm chú rể, nhưng ta nói cho ngươi biết, không bao giờ có chuyện đó!

Hầu thúc mãnh hổ xông tới cắn xé cáo chín đuôi. Từ nhỏ Hầu đã rất giỏi chém giết, tiêu diệt đối phương, rõ ràng mãnh hổ đáng sợ hơn cáo chín đuôi rất nhiều, mấy lần ngoạm được cổ cáo. Nhờ có sương mù dày đặc, cáo chín đuôi mới có thể may mắn thoát thân.

Hầu cười cợt:

- Cháu con của loài cáo không phải chỉ có mình ngươi đâu.

Nói đoạn, linh lực trào lên, mãnh hổ màu lam biến thành màu trắng, hổ trắng lẩn mình vào đám sương mù.

Trong đám sương mù trắng xóa ấy bỗng xuất hiện rất nhiều cáo chín đuôi, chúng hết vọt sang trái lại vọt sang phải, khiến hổ trắng tức khí vọt theo, vồ mồi, nhưng không tóm được chú cáo nào. Con hổ mệt quá thở hồng hộc, thân hình của nó cũng dần thu nhỏ lại.

Hầu biết đây là mê thuật của Cảnh, những con cáo chín đuôi ấy toàn là giả, nếu tiếp tục đuổi bắt kiểu này, linh lực của hắn sẽ đến lúc cạn kiệt. Hầu lập tức nhắm nghiền mắt lại, hổ trắng cũng nhắm mắt theo.

Khi mắt không thấy gì thì mọi trò mê thuật sẽ trở nên vô dụng. Cáo chín đuôi nhảy nhót tưng bừng bên cạnh, nhưng hổ trắng vẫn im lìm bất động, nó náu mình trong màn sương dày đặc, đôi tay vểnh lên cảnh giác.

Hầu mừng thầm vì đã đả thương cổ họng và cánh tay của Cảnh, khiến Cảnh không thể hát và không thể đàn lên những thanh âm mê hoặc. Người đời chỉ biết công tử Thanh Khâu với tài đàn và giọng hát tuyệt đỉnh đã trở thành giai thoại đẹp trong dân gian, nhưng không biết rằng, đó là những mê thuật mà Cảnh dày công tu luyện từ nhỏ. Nếu bây giờ Cảnh thi triển mê thuật âm thanh thì có lẽ Hầu sẽ phải bịt cả hai tai lại. Khi ấy, một con hổ vừa mù vừa điếc thì làm gì nổi loài cáo chín đuôi.

Vành tai hổ trắng khẽ động đậy, nó đột ngột chồm người lao lên không trung, cứ tưởng nó muốn tấn công cáo trắng ở bên trái, nào ngờ chiếc đuôi cứng như xích sắt của nó quật thật mạnh vào chú cáo trắng ở bên phải. Cáo trắng vọt ra bên ngoài tránh né, phần thân thoát nạn, nhưng hai đuôi cáo đã bị chém đứt.

Máu huyết dồn lên cổ họng Cảnh, trào ra khóe miệng chàng. Sương mù tan đi nhiều, hổ trắng ngày càng lớn thêm.

Mất đi hai chiếc đuôi, cáo trắng không còn linh hoạt như trước nữa, thêm vào đó, màn sương cũng đã loãng dần, cáo chẳng còn chỗ náu thân, đành mặc cho hổ kia dữ dằn lao tới xâu xé. Chỉ một lát sau, cáo chín đuôi đã lại bị hổ dữ ngoạm đứt hai chiếc đuôi nữa.

Hầu nói:

Cảnh, nếu ngươi chịu thua, thừa nhận ngươi không bằng ta, ta sẽ cho ngươi được chết thoải mái.

Sắc mặt nhợt nhạt, Cảnh mím chặt môi, không nói lời nào. Hầu tiếp tục:

- Vậy ta sẽ cắt đứt từng chiếc đuôi của ngươi, khiến ngươi chết trong tột cùng đau đớn!

Hổ dữ lại ngoạm đứt một chiếc đuôi khác của cáo trắng. Cảnh vừa phải chống chịu với cơn đau tan xương nát thịt vừa phải tiếp tục chiến đấu với Hầu.

Vuốt sắc của con hổ dữ lại chém đứt một chiếc đuôi nữa của cáo trắng. Hầu quát lớn:

- Cảnh, ngươi thà bị phanh thây còn hơn phải thừa nhận ngươi thua kém ta ư?

Cảnh run lên bần bật, nhưng giọng chàng vẫn rất đỗi điềm tĩnh:

- Nếu là người anh trai thuở xưa, ta sẽ lập tức thừa nhận, bởi vì ta thua kém huynh ấy đủ đường. Nhưng bây giờ ngươi hỏi ta, ta chỉ có thể nói cho ngươi biết, ta coi thường ngươi! Ngươi chỉ là một kẻ yếu hèn, bị nỗi hận thù làm cho mù quáng, mê muội mà thôi!

Hầu nổi điên, mặt mày méo mó biến dạng, hắn gầm lên một tiếng.

Tiếng gầm của hổ dữ, hệt như tiếng sấm động, khiến núi rừng dường như cũng rung chuyển. Con hổ chồm lên, vồ lấy cáo trắng, kẹp chặt dưới móng vuốt.

Cảnh ngã vật ra đất, vết máu loang lổ khắp cơ thể.

Hầu gầm gừ:

- Bây giờ thì ai là kẻ yếu hèn, hả? Ngươi còn dám coi thường ta nữa không? Ai là kẻ yếu hèn?

Cảnh chẳng buồn lên tiếng, cũng chẳng buồn nhìn Hầu.

Con hổ dùng móng vuốt xé đuôi cáo, Cảnh đau đớn tê dại. Hầu gầm lên:

- Rốt cuộc ai mạnh hơn ai? Hãy trở lời ta! Ai mạnh hơn ai? Trả lời đi...!

Hai chân sau của con hổ kẹp chặt cáo trắng, thân trước của nó rướn cao, cặp vuốt sắc phía trước của nó chuẩn bị bổ xuống thân thể cáo trắng, chừng như muốn xé nát chú cáo nhỏ.

Bỗng, Hầu khựng lại, tiếng gầm thét tắt lịm, thân thể con hổ trắng dần tan biến.

Hầu kinh ngạc cúi xuống, nhìn thấy một mũi tên khắc hình chim uyên ương đang cắm thẳng vào ngực mình. Hắn chạm tay vào hình chim uyên ương trên mũi tên, lẩm nhẩm:

- Ý Ánh!

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện