Phần IV: Tự Chủ Thời-Đại (Thời Kỳ Nam Bắc Phân Tranh)

Trần Trọng Kim

Việt Nam Sử Lược

Phần IV : Tự Chủ Thời-Đại (Thời Kỳ Nam Bắc Phân Tranh)

PIV-Chương 1

Lịch Triều Lược Kỷ

(1528 - 1802)

1. Nam-triều Bắc triều

2. Trịnh Nguyễn phân tranh

Nước Nam ta từ khi Ngô Vương Quyền đánh đuổi được quân Nam- Hán, vua Đinh Tiên-hoàng dẹp yên được loạn Thập-nhị Sứ-quân lập thành một nước tự-chủ, đời nọ qua đời kia kế truyền được non 600 năm. Đến đầu thập-lục thế-kỷ, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc chính-trị đổ-nát, cho nên trong nước loạn-lạc, nhà Mạc nhân dịp mà làm sự thoán-đoạt. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công-đức của vua Thái-tổ và vua Thánh-tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê trung- hưng lên ở phía nam, lập ra một Triều-đình riêng ở vùng Thanh-hóa, nghệ- an để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam-triều và Bắc-triều; hai bên đánh nhau trong năm sáu mươi năm trời.

Đến khi nhà Lê nhờ có họ Trịnh giúp rập, dứt được nhà Mạc, tưởng là giang-sơn lại thống-nhất như cũ, ai ngờ họ Trịnh và họ Nguyễn lại sinh ra lòng ghen-ghét, gây nên mối thù-oán, rồi mỗi họ hùng-cứ một phương, chia nước ra làm hai mảnh: họ Nguyễn giữ xứ Nam, họ Trịnh giữ xứ Bắc, mỗi họ chiếm-giữ một Xứ để làm cơ-nghiệp riêng của mình. Từ đó giang-sơn chia rẽ, Nam Bắc phân tranh, ấy là một thời-đại riêng trong lịch-sử nước ta vậy.

Nhà Hậu-Lê từ khi trung-hưng lên, con-cháu vẫn giữ ngôi làm vua, nhưng quyền chính-trị ở cả họ Trịnh. Còn ở phía nam thì từ sông Linh-giang trở vào là cơ-nghiệp của họ Nguyễn. Tuy vậy, hai họ chỉ xưng chúa, chứ không xưng vua, và bề ngoài vẫn tôn-phù nhà Lê. Sau này ta hãy chép tóm cả các đời vua và các đời chúa để cho rõ sự kế truyền. Còn những công-việc về thời bấy giờ thì ta sẽ bàn riêng rẽ từng mục cho rõ-ràng.

I. NAM TRIỀU BẮC TRIỀU

Lê Trang Tông (1533-1548) Niên hiệu: Nguyên-hòa

Trang-tông húy là Duy-Ninh, con rốt vua Chiêu-tông. Ông Nguyễn Kim lập ngài lên làm vua ở đất Cầm-chân (Lào), sau đưa ngài về Thanh-Hóa, lập hành-điện ở Vạn-lại.

Trang-tông làm vua được 16 năm, thọ 31 tuổi.

Lê Trung Tông (1548-1556) Niên hiệu: Thuận-bình

Trung-tông húy là Duy Huyên, con vua Trang-tông. Ngài làm vua được 8 năm, thọ 28 tuổi.

BẮC TRIỀU

Thái Tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529) Niên hiệu: Minh-Đức

Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1530-1540) Niên hiệu: Đại-chính

Nhà Lê trung-hưng lên ở Thanh-hóa.

Hiến Tông Mạc Phúc Hải

(1541-1546) Niên hiệu: Quãng-hòa

Lê Anh Tông (1556 - 1573) Niên hiệu: Thiên-hữu (1557) Chính-trị (1558-1571) Hồng-phúc (1572-1573)

Anh-tông húy là Duy-bang, cháu huyền-tôn ông Lê Trừ, anh vua Thái-tổ ngày trước. Vua Trung-tông không có con, cho nên ông Trịnh Kiểm mới đi tìm ngài về lập nên làm vua.

Khi Trịnh Kiểm mất rồi, quyền về Trịnh Tùng, ngài phải trốn về Nghệ-an. Trịnh Tùng sai người đuổi theo bắt về giết đi. Ngài làm vua được 16 năm, thọ 42 tuổi.

Lê Thế Tông (1573 - 1599) Niên hiệu: Gia-thái (1573-1577) Quang-hưng (1578-1599)

Thế-tông húy là Duy-Đàm, con thứ 5 vua Anh-tông. Trịnh Tùng lập ngài lên làm vua từ lúc còn 7 tuổi.

Trong đời ngài làm vua, Trịnh Tùng dứt được họ Mạc, lấy lại đất Đông-đô. Ngài làm vua được 27 năm, thọ 33 tuổi.

Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên (1546 - 1561) Niên hiệu: Vĩnh-Định (1547) Cảnh-lịch (1548-1553) Quang-bảo (1554-1561)

Mạc phúc Nguyên cố đánh lấy Thanh-hóa nhưng không được.

Mạc Mậu Hợp (1562-1592) Niên hiệu: Thuần-phúc (1562-1565) Sùng-khang (1566-1577) Diên-thành (1578-1585) Đoan-thái (1586-1587) Hưng-trị (1588-1590) Hồng-ninh (1591-1592)

Mạc Mậu Hợp làm vua được 30 năm. Sau bị Trịnh Tùng bắt được đem về chém ở Thăng- long và đem đầu vào bêu ở Thanh-hóa.

Nhà Mạc mất ngôi từ đấy. Nhưng con cháu được nhờ nhà Minh bênh-vực, còn được giữ đất Cao-bằng ba đời nữa.

II. TRỊNH NGUYỄN PHN TRANH

Lê Kính-tông (1600-1619) Niên hiệu: Thận-đức (1600) - Hoằng-định (1601-1619)

Kính-tông húy là duy-tân, con vua Thế-tông. Ngài làm vua đến năm kỷ-mùi (1619) bị Trịnh Tùng bắt phải thắt cổ mà tự tận. Trị-vì được 20 năm, thọ 32 tuổi.

TRỊNH

Bình An Vương Trịnh Tùng (1570 - 1620) Miếu hiệu: Thành tổ Triết Vương

Trịnh Tùng tranh quyền của anh, nối nghiệp Trịnh Kiểm đánh phá nhà Mạc, lấy lại đất Đông-đô. Lập ra nghiệp chúa Trịnh, nhưng vẫn tôn vua Lê.

NGUYỄN

Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (1600 - 1613)

Truy tôn là Thái-tổ Gia-dụ Hoàng-đế , đương thời gọi là chúa Tiên .

Ông Nguyễn Hoàng là con thứ hai ông Nguyễn Kim, vào trấn đất Thuận-hóa và Quảng- nam lập ra nghiệp chúa Nguyễn.

Lấy đất của Chiêm-thành lập ra phủ Phú-yên. Mất năm quí- sửu (1613), thọ 89 tuổi.

Thụy Quận Công Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635)

Truy tôn là Hi-tông Hiến văn Hoàng-đế, đương thời gọi là chúa Sãi. Ngài là con thứ 6 ông Nguyễn Hoàng, cải họ là Nguyễn-phúc.

Lê Thần Tông (1619-1643) (lần thứ nhất) Niên-hiệu: Vĩnh-tộ (1620-1628) Đức-long (1629-1643) Dương-hòa (1635-1643)

Thần-tông húy là Duy-Kỳ, con vua Kính-tông. Làm vua đến năm quí-mùi (1643) thì nhường ngôi cho Thái-tử, mà làm Thái-thượng-hoàng.

TRỊNH

Trịnh Tùng mất năm quí-hợi (1635).

Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623 - 1657) Miếu-hiệu là: Văn-tổ Nghị-vương

Trịnh Tráng đánh họ Mạc ở Cao-bằng và khởi sự đánh nhau với họ Nguyễn ở đất Quảng- bình.

NGUYỄN

Ông Nguyễn-phúc Nguyên chống với họ Trịnh ở Quảng- bình. Mất năm ất-hợi (1635), thọ 73 tuổi.

Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)

Truy tôn là Thần-tông Hiếu- chiêu Hoàng-đế, đương thời gọi là chúa Thượng .

Ông Nguyễn-phúc Lan là con thứ hai chúa Sãi, đánh nhau với họ Trịnh ở Quảng-bình.

Lê Chân Tông (1634-1649) Niên-hiệu: Phúc-thái

Chân-tông húy là Duy-Hữu, con vua Thần-tông, làm vua được 6 năm, thọ 20 tuổi.

Trong đời ngài, vua nhà Minh là Quế-vương đóng ở Quảng-tây sai sứ sang phong cho ngài là An-nam quốc-vương.

TRỊNH

Trịnh Tráng đánh họ Nguyễn ở phía nam.

NGUYỄN

Ông Nguyễn-phúc Lan mất năm mậu-tí (1648), thọ 48 tuổi.

Dũng Quận Công Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)

Truy tôn là Thái-tông Hiếu- triết Hoàng-đế, đương thời gọi là chúa Hiền.

Ông Nguyễn-phúc Tần đánh nhau với họ Trịnh ở đất Nghệ- an. Lấy đất Chiêm-thành lập ra phủ Ninh-hòa và phủ Diên- khánh (tức là đất Khánh-hòa bây giờ).

Lê Thần Tông (1649-1662) (lần thứ hai) Niên-hiệu: Khánh-đức (1649-1652) - Thịnh-đức (1653-1657) - Vĩnh-thọ (1658-1661) - Vạn-khánh (1662)

Chân-tông mất không có con. Trịnh Tráng lại rước Thần- tông Thái-thượng-hoàng về làm vua. Lần thứ hai này ngài làm vua được 13 năm thì mất, thọ 56 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Tráng mất năm đinh- dậu (1657)

Tây Vương Trịnh Tạc (1657-1682) Miếu-hiệu: Hoằng-tổ Dương-vương

Trịnh Tạc đánh con cháu nhà Mạc lấy lại đất Cao-bằng. Đặt ra lệ vào chầu vua không lạy, sớ tấu không viết tên, và đặt giường ngồi ở bên tả ngai vua ngự.

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Tần (Chúa Hiền)

Lê Huyền-tông (1663-1671) Niên-hiệu: Cảnh-trị

Huyền-tông húy là Duy-Vũ, con thứ hai vua Thần-tông. Trong đời ngài làm vua mới khởi đầu thông sứ với nhà Thanh, và cấm đạo Gia-tô. Ngài làm vua được 9 năm, thọ 18 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Tạc

NGUYỄN

Nguyễn phúc Tần (Chúa Hiền)

Lê Gia Tông (1672-1675) Niên-hiệu: Dương-đức (1672-1773) - Đức-nguyên (1674-1675)

Gia-tông húy là Duy-Hội, con thứ ba vua Thần-tông. Lúc ngài lên hai tuổi thì Thần-tông mất, Trịnh Tạc đem về nuôi trong phủ. Khi vua Huyền-tông mất, không có con, Trịnh Tạc lập ngài lên làm vua, được 4 năm, thọ được 15 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Tạc

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Tần (Chúa Hiền)

Lê Hi Tông ( 1676-1705) Niên-hiệu: Vĩnh-trị (1678-1680) - Chính-hòa (1680-1705)

Hi-tông húy là Duy-Hợp, con thứ tư vua Thần-tông. Khi Thần-tông mất, bà Trịnh-thị mới có thai được bốn tháng, Trịnh Tạc đem về nuôi ở bên phủ. Gia-tông mất không có con, Trịnh Tạc lập lên làm vua được 29 năm rồi truyền ngôi cho Thái-tử mà làm Thái-thượng-hoàng.

TRỊNH

Trịnh Tạc mất năm nhâm- tuất (1682)

Định Vương Trịnh Căn (1682-1709) Miếu-hiệu là: Chiêu-tổ Khang-vương

Trịnh Căn làm chúa được 28 năm thì mất, truyền ngôi chúa cho cháu huyền-tôn là Trịnh Cương.

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Tần mất năm đinh-mão (1687), thọ 68 tuổi.

Hoằng Quốc Công Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691)

Truy tôn là Anh-tông Hiếu- nghĩa Hoàng-đế, đương thời gọi là chúa Nghĩa .

Lập phủ ở Phú-xuân là chỗ kinh-đô bấy giờ. Mất năm tân- mùi (1691), thọ 43 tuổi.

Tộ Quốc Công Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725)

Truy tôn là Hiến-tông Hiếu- minh Hoàng-đế, đương thời gọi là Quốc-chúa .

Ông Nguyễn-phúc Chu lấy hết nước Chiêm-thành (nay là đất Bình-thuận) và lại lấy đất Gia-định, Hà-tiên của Chân-lạp.

Lê Dụ Tông (1706-1729) Niên-hiệu: Vĩnh-thịnh (1706-1719) - Bảo-thái (1720-1729)

Dụ-tông húy là Duy-Đường, làm vua được 24 năm, bị Trịnh Cương bắt phải truyền ngôi cho Thái-tử là Duy-Phương. Mất năm tân-hợi (1731), thọ 52 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Căn mất năm kỷ-sửu (1709).

An Đô Vương Trịnh Cương (1709 - 1729) Miếu-hiệu là: Hi-tổ Nhân-vương.

Mất năm kỷ-dậu (1729).

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Chu mất năm ất-tị (1725), thọ 51 tuổi, có 146 người con.

Đỉnh Quốc Công Nguyễn Phúc Trú (1725-1738)

Truy tôn là Túc-tông Hiếu- ninh Hoàng-đế, mở-mang đất Gia-định, và bảo-hộ nước Chân- lạp.

Lê Đế Duy Phương (1729-1732) Niên-hiệu: Vĩnh-khánh

Duy-phương làm vua được 3 năm, bị Trịnh Giang vu cho tư thông với vợ Trịnh Cương, phải bỏ, giáng xuống làm Hôn-đức- công, rồi đến năm nhâm-tí (1732) thì bị giết.

TRỊNH

Trịnh Cương mất.

Uy Nam Vương Trịnh Giang (1729 - 1740) Miếu-hiệu là: Dụ-tổ Thuận-vương

Trịnh Giang làm chúa xa-xỉ và hung-ác quá độ, giặc-giã nổi lên rất nhiều.

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Trú.

Lê Thuần Tông (1732-1735) Niên-hiệu: Long-đức

Thuần-tông húy là Duy-Tường. Ngài là con vua Dụ-tông, trước đã được lập làm Thái-tử, sau bị Trịnh Cương bỏ để lập Duy- Phương. Trịnh Giang lại bỏ Duy-Phương lập ngài lên làm vua, mất năm ất-mão (1735), thọ 37 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Giang

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Trú

Lê Ý Tông (1735-1740) Niên-hiệu: Vĩnh-hữu

Ý-tông húy là Duy-Thìn, con vua Dụ-tông, Trịnh Giang bỏ con vua Thuần-tông mà lập ngài.

Năm canh-thân (1740) Trịnh Doanh bắt ngài phải nhường ngôi cho con vua Thuần-tông, rồi làm Thái-thượng-hoàng, mất năm kỷ-mão (1759), thọ 41 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Giang bị bỏ năm canh- thân (1740), làm Thái-thượng- vương. Em là Trịnh Doanh lên thay.

Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1740 - 1767) Miếu-hiệu là: Nghị-tổ n-vương

Trịnh Doanh đánh-dẹp giặc- giã trong nước.

NGUYỄN

Nguyễn-phúc Trú mất năm mậu-ngọ (1738), thọ 43 tuổi.

Vũ-Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765)

Truy tôn là Thế-tông Hiếu-võ Hoàng-đế.

Ông Nguyễn-phúc Khoát đánh Chân-lạp mở thêm đất ở Gia-định.

Lê Hiển Tông (1740-1786) Niên-hiệu: Cảnh-hưng

Hiển-tông húy là Duy-Diêu, con vua Thuần-tông. Làm vua được 46 năm, thọ 70 tuổi.

TRỊNH

Trịnh Doanh mất năm đinh- hợi (1767).

Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) Miếu-hiệu là: Thánh-tổ Thịnh-vương

Trịnh Sâm dẹp yên giặc ở xứ Bắc. Lấy đất Thuận-hóa và Quảng-nam của chúa Nguyễn. Nhưng vì say-đắm nàng Đặng thị Huệ, mới bỏ con trưởng lập con thứ, làm thành ra cái mối biến-loạn. Mất năm nhâm-dần (1782).

Tôn Đô Vương Trịnh Cán

Làm chúa được 2 tháng bị quân Tam-phủ bỏ đi, lập anh là Trịnh Khải lên làm chúa.

Đoan Nam Vương Trịnh Khải (1783 - 1786)

Bị Tây-sơn bắt được, phải tự tử năm bính-ngọ (1786).

NGUYỄN

Võ-vương Nguyễn-phúc Khoát xưng vương-hiệu năm ất- dậu (1765).

Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777)

Truy tôn là Diệu-tông Hiếu- định Hoàng-đế.

Đời ngài làm chúa bị Trương phúc Loan chuyên quyền. Quân Tây-sơn nổi lên đánh phía nam, quân họ Trịnh đánh phía bắc.

Sau quân chúa Trịnh vào lấy mất Phú-Xuân, Định-vương chạy vào Gia-định bị tướng Tây-sơn là Nguyễn văn Huệ giết mất. Ngài thọ 24 tuổi.

Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh

Tức là vua Thế-tổ Cao-hoàng- đế nhà Nguyễn khởi binh ở Gia- định.

Lê Mẫn Đế (1787-1788) Niên-hiệu: Chiêu-thống

Mẫn-đế là cháu đích-tôn vua Hiển-tông. Ngài bị quân Tây-sơn đánh thua chạy sang Tàu cầu-cứu, sau đánh thua lại trở sang Tàu, bị quan Tàu làm nhục, rồi mất ở Yên-kinh.

TRỊNH

n Đô Vương Trịnh Bồng

Khi quân Tây-sơn về Nam rồi, đảng họ Trịnh lại lập Trịnh Bồng lên làm chúa. Vua gọi Nguyễn hữu Chỉnh ra đánh họ Trịnh, Trịnh Bồng bỏ đi tu.

NGUYỄN

Nguyễn-vương Nguyễn-phúc Ánh khôi-phục đất Gia-định.

Trần Trọng Kim

Việt Nam Sử Lược

Phần IV : Tự Chủ Thời-Đại (Thời Kỳ Nam Bắc Phân Tranh)

PIV-Chương 2

Nam triều - Bắc triều

(1527-1592)

1. Chính-trị nhà Mạc

2. Việc nhà Mạc giao-thiệp với nhà Minh

3. Họ Nguyễn khởi nghĩa giúp nhà Lê

4. Quyền về họ Trịnh

5. Trịnh Tùng thống-lĩnh binh-quyền

6. Khôi-phục thành Thăng-long

7. Nhà Mạc mất ngôi

8. Việc nhà Hậu-Lê giao-thiệp với nhà Minh

9. Con-cháu nhà Mạc ở Cao-bằng

1. Chính-Trị Nhà Mạc.

Năm đinh-hợi (1527) Mạc đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua, đặt niên-hiệu là Minh-đức.

Nhà Mạc tuy đã làm vua, nhưng còn sợ lòng người nhớ nhà Lê, cho nên công-việc gì cũng theo phép nhà Lê cả, rồi lại tặng phong cho những người vì nhà Lê mà tuẩn-tiết, và lục dụng những con-cháu các quan cựu thần, phong cho quan-tước để dụ về với mình. Nhưng mà kẻ thì trốn-tránh vào ở chỗ sơn-lâm, kẻ thì đi ra ngoại-quốc, kẻ thì đổi họ tên, không mấy người chịu phục. Lại có kẻ tức-giận vì họ Mạc làm điều gian-ác, tụ họp những người nghĩa-khí nổi lên đánh phá, như Lê công Uyên, Nguyễn Ngã, Nguyễn thọ Trường, khởi-nghĩa ở đất Thanh-hóa, nhưng vì thế-lực không đủ, cho nên phải thua. Sau lại có Lê Ý nổi lên đánh họ Mạc ở đất Mã-giang, mấy phen đã được thắng trận, nhưng cũng vì khinh địch cho nên đến nỗi phải bị bắt.

Mạc đăng Dung bắt chước lối nhà Trần, làm vua được ba năm thì nhường ngôi cho con là Mạc đăng Doanh rồi về ở Cổ-trai, làm Thái-thượng- hoàng.

Năm canh-dần (1530) Mạc đăng Doanh lên làm vua, đặt niên-hiệu là Đại-chính. Đăng Doanh tuy làm vua nhưng công việc trong nước thường do Đăng Dung quyết đoán cả.

Mạc đăng Doanh làm vua được 10 năm, đến năm canh-tí (1540) thì mất, truyền ngôi lại cho con là Mạc phúc Hải.

Mạc phúc Hải lên nối ngôi, đổi niên-hiệu là Quảng-hòa.

2. Việc Nhà Mạc Giao-Thiệp Với Nhà Minh.

Từ khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê rồi, quan nhà Lê đã có người sang kêu cầu bên Tàu để xin viện binh. Vua nhà Minh đã sai quan đi đến Vân-nam cùng với quan Tuần- phủ sở-tại tra-xét bên An-nam thực hư thế nào.

Quan nhà Lê sang Vân-nam kể rỏ việc họ Mạc làm điều thí nghịch. Quan nhà Minh tâu với vua xin cử binh-mã sang đánh.

Việc định sang đánh họ Mạc không phải là vua nhà Minh có vị gì họ Lê, nhưng chẳng qua cũng muốn nhân lúc nước Nam có biến, lấy cớ mà sang làm sự chiếm giữ như khi trước sang đánh họ Hồ vậy. Ta phải biết rằng phàm những việc nước nọ giao-thiệp với nước kia thì thường là người ta mượn tiếng " vị nghĩa " mà làm những việc " vị lợi " mà thôi.

Năm đinh-dậu (1537) vua nhà Minh bèn sai Cừu Loan làm Đô-đốc, Mao bá Ôn làn Tán-lý-quân-vụ, đem quân sang đóng gần cửa Nam-quan rồi truyền hịch đi mọi nơi, hễ ai bắt được cha con Mạc đăng Dung thì thưởng cho quan-tước và hai vạn bạc. Lại sai người đưa thư sang cho Mạc đăng Dung bảo phải đưa sổ ruộng-đất nhân-dân sang nộp và chịu tội, thì được tha cho khỏi chết.

Mạc đăng Dung sai bọn Nguyễn văn Thái sang sứ nhà Minh để xin hàng.

Đến tháng 11 năm canh-tí (1540), Mạc đăng Dung thấy quân nhà Minh sửa-soạn sang đánh, sợ-hãi quá chừng, bèn để Mạc phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng với bọn Vũ như Quế cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam-quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền-thổ và sổ dân-đinh, lại xin dâng đất 5 động: là động Tê-phu, động Kim-lạc, động Cổ-xung, động Liễu-cát, động La-phù, và đất Khâm-châu. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho nhà Minh.

Quan nhà Minh tuy làm bộ hống-hách nói đem binh sang đánh, nhưng cũng sợ phải cái vạ như mấy năm bình-định ngày trước, và lại được tiền bạc của Đăng Dung rồi, cái lòng nhiệt thành vị quốc cũng nguội đi, cho nên mới tâu với vua nhà Minh xin phong cho Mạc đăng Dung làm chức Đô- thống-sứ hàm quan nhị-phẩm nhà Minh.

Mạc đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ-cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh-giá cho trọn-vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú-quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm-sỉ.

Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn-ở của loài người, là không có nhân-phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang-sơn nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh-vực mặc lòng, một cái cơ-nghiệp dựng lên bởi sự gian-ác hèn-hạ như thế, thì không bao giờ bền-chặt được. Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung-hưng lên được.

3. Họ Nguyễn Khởi-Nghĩa Giúp Nhà Lê.

Khi Mạc đăng Dung làm sự thoán-đoạt thì các quan cựu thần trốn-tránh đi cũng nhiều. Thủa ấy có người con ông Nguyễn hoằng Dụ, tên là Nguyễn Kim (hay là Nguyễn hoằng Kim) 97

làm quan Hữu-vệ Điện-tiền Tướng-quân An-thanh-hầu, trốn sang Ai-lao. Vua nước ấy là Xạ-đẩu cho đến xứ Sầm-châu (thuộc Trấn-man phủ, đất Thanh-hóa). Ông Nguyễn Kim đến ở Sầm-châu rồi cho người đi tìm con-cháu nhà Lê để đồ sự khôi-phục. Đến năm quí-tị (1532) tìm được một người con rốt vua Chiêu-tông tên là Duy-Ninh lập lên làm vua, tức là Trang- tông.

Khi ấy lại có một người tướng giỏi tên là Trịnh Kiểm, ở làng Sóc-sơn, huyện Vĩnh-lộc, phủ Quảng-hóa. Ông Nguyễn Kim thấy người có tài, gả con gái là Ngọc Bảo cho, để cùng ra sức giúp nhà Lê, dứt nhà Mạc.

Vua tôi nhà Lê nương-náu ở Sầm-châu để chiêu-tập quân-sĩ, mãi đến năm canh-tí (1540), ông Nguyễn Kim mới đem quân về đánh Nghệ-an. Năm nhâm-dần (1542) Trang-tông mới cất quân về đánh Thanh-hóa và Nghệ-an, qua năm sau (1543) thì thu phục được đất Tây-đô, quan Tổng-trấn nhà Mạc là Dương chấp Nhất ra hàng.

97

Xem sách Việt Nam Khai Quốc Chí truyện, thì ông Nguyễn Kim tức là ông Nguyễn Hoằng Kim, là con ông Nguyễn Hoằng Dụ, cháu ông Nguyễn Văn Lang, đều làm quan nhà Lê cả. 4. Quyền Về Họ Trịnh.

Năm ất-tị (1545) ông Nguyễn Kim đem quân tiến đánh Sơn-nam, đi đến huyện Yên-mô, bị Dương chấp Nhất là hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Những binh-quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm.

Trịnh Kiểm rút quân về Thanh-hóa, lập hành-điện ở đồn Vạn-lại (thuộc huyện Thụy-nguyên, Thanh-hóa) để cho vua ở, rồi chiêu-mộ những kẻ hào-kiệt, luyện-tập quân-sĩ, tích trữ lương-thảo để lo việc đánh họ Mạc.

Bấy giờ có những người danh-sĩ như là các ông Phùng khắc Khoan (tức là trạng Bùng), ông Lương hữu Khánh đều

vào giúp nhà Lê. Giang-sơn bấy giờ chia làm hai: từ Thanh-hóa trở vào thuộc nhà Lê, làm Nam-Triều; từ Sơn-nam trở ra thuộc về họ Mạc, làm Bắc-Triều.

Năm bính-ngọ (1546) Mạc phúc Hải mất, truyền ngôi lại cho con là Mạc phúc Nguyên, niên-hiệu Vĩnh-định.

Năm mậu-thân (1548) vua Trang-tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái-tử tên là Duy Huyên lên làm vua, được 8 năm thì mất, tức là Trung-tông.

Vua Trung-tông mất không có con, mà bấy giờ dòng-dõi họ Lê cũng không có ai, việc binh-quyền thì ở trong tay Trịnh Kiểm cả.

Tục truyền rằng Trịnh Kiểm đã lưỡng-lự muốn tự xưng làm vua, nhưng còn chưa dám định hẳn bề nào, các quan cũng không ai biết làm thế nào cho phải. Sau Trịnh Kiểm cho người lẻn ra Hải-dương hỏi ông Nguyễn bỉnh Khiêm 98 , tức là Trạng Trình, xem nên làm thế nào.

Ông Nguyễn bỉnh Khiêm không nói gì cả, chỉ ngảnh lại bảo đầy-tớ rằng: " Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ ". Nói rồi lại sai đầy-tớ ra bảo tiểu quét-dọn chùa và đốt hương, để ông ra chơi chùa, rồi bảo tiểu rằng: " Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản ".

Sứ-giả về kể chuyện lại cho Trịnh Kiểm nghe. Trịnh Kiểm hiểu ý, mới cho người đi tìm con cháu họ Lê. Sau tìm được người cháu huyền-tôn ông Lê Trừ, là anh vua Thái-tổ, tên là Duy Bang, ở làng Bố-vệ, huyện Đông- sơn, rước về lập lên làm vua.

98

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan nhà Mạc, được phong là Trình Quốc Công cho nên mới gọi là Trạng Trình, sau về trí sĩ ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương.

Bấy giờ nhà Lê thì lo đánh họ Mạc để khôi phục lại đất Đông-đô, nhà Mạc thì muốn trừ họ Lê để nhất-thống thiên-hạ. Nhưng từ khi ông Nguyễn Kim mất rồi, và trong mấy năm về đời vua Trung-tông, Trịnh Kiểm cứ giữ thế thủ ở đất Thanh-hóa, để sửa-sang việc binh-lương, đợi ngày ra đánh họ Mạc.

Nhà Mạc sai Mạc kính Điển, là chú Mạc phúc Nguyên cầm quân đi đánh họ Lê.

Mạc kính Điển đem binh vào đánh Thanh-hóa cả thảy kể hơn mười phen, phen nào cũng phải thua trở về, Trịnh Kiểm cũng ra đánh Sơn-nam kể vừa 6 lần, nhưng không có lần nào được toàn thắng. Chỉ có năm kỷ-mùi (1559) Trịnh Kiểm đem 6 vạn quân ra đánh mặt Bắc, đã lấy được những tỉnh Sơn-tây, Hưng-hóa, Thái-nguyên, Kinh-bắc, Lạng-sơn, và các huyện ở mặt Hải-dương, tưởng đã sắp thành-công, nhưng lại bị Mạc kính Điển đem một đạo quân đi đường bộ vào đánh Thanh-hóa nguy-cấp lắm, Trịnh Kiểm lại phải bỏ miền Bắc về giữ đất Tây-đô. Thành ra hai bên cứ giữ nhau mãi: nhà Lê tuy đã trung-hưng, nhưng giang-sơn vẫn chưa thu được lại như cũ, mà nhà Mạc có làm vua, thì cũng chỉ làm vua ở miền Bắc mà thôi.

Năm tân-dậu (1561) vua nhà Mạc là Phúc Nguyên mất, con là Mạc mậu Hợp lên nối ngôi làm vua.

Việc tranh chiến vẫn cứ như trước: khi thì Trịnh Kiểm ra đánh Sơn- nam, khi thì Mạc kính Điển vào đánh Thanh-hóa, hai bên không bên nào được hẳn.

5. Trịnh Tùng Thống-Lĩnh Binh-Quyền.

Năm canh-ngọ (1570) Trịnh Kiểm mất, trao quyền lại cho con trưởng là Trịnh Cối để lo việc đánh dẹp. Nhưng Trịnh Cối hay say đắm tửu sắc, tướng-sĩ không mấy người phục; lại có em là Trịnh Tùng ý muốn cướp quyền của anh, bèn cùng với bọn Lê cập Đệ, Trịnh Bách rước vua về đồn Vạn-lại, rồi chia quân ra chống với Trịnh Cối.

Đương khi hai anh em họ Trịnh đánh nhau, thì Mạc kính Điển lại đem hơn 10 vạn quân vào đánh Thanh-hóa, Trịnh Cối liệu thế địch không nổi, bèn đem quân về hàng họ Mạc, được giữ quan-tước như cũ. Quân nhà Mạc thừa thế tiến lên đến sông Mã-giang, tràn sang đóng ở đất Hà-trung, rồi đến vây đánh An-trường (thuộc huyện Thụy-nguyên) là chỗ vua nhà Lê đóng.

Bấy giờ vua Anh-tông về ở Đông-sơn, phong cho Trịnh Tùng làm tả- thừa-tướng, tiết chế chư quân, để chống giữ với quân nhà Mạc. Trịnh Tùng sai các tướng giữ mọi nơi rất là chắc-chắn. Mạc kính Điển đánh mãi không được, lâu ngày hết lương phải rút quân về Bắc.

Quân nhà Mạc rút về rồi, vua phong cho Trịnh Tùng làm Thái-úy Trưởng-quốc-công, và thăng thưởng cho các tướng-sĩ. Lại sai ông Phùng khắc Khoan đi chiêu-tập những hoang dân ở Thanh-hóa về yên-nghiệp làm ăn, và chỉnh-đốn việc chính-trị lại.

Bấy giờ việc gì cũng do Trịnh Tùng quyết-đoán cả, uy-quyền hống- hách, vua cũng lấy làm lo. Lê cập Đệ thấy vậy, mưu với vua để trừ họ Trịnh, nhưng Trịnh Tùng biết ý dùng mưu giết Cập Đệ, vua Anh-tông biết sự không thành, lo sợ lắm, bèn cùng với bốn hoàng-tử chạy vào Nghệ-an.

Trịnh Tùng thấy vua xuất ngoại rồi, bèn cho người đi rước hoàng-tử thứ năm là Duy Đàm, ở làng Quảng-thi, huyện thụy-nguyên về làm vua, rồi sai Nguyễn hữu Liêu đem binh đi đuổi theo vua Anh-tông.

Anh-tông vào đến đất Nghệ-an, thấy quân đuổi đến, vội-vàng ẩn vào trong vườn mía, nhưng bị Hữu Liêu tìm thấy đưa về, đến huyện Lôi-dương thì Trịnh Tùng sai người đến giết đi, rồi nói rằng vua thắt cổ chết.

Trịnh Tùng giết vua Anh-tông rồi, thăng thưởng cho những người đồng đảng với mình, và chia quân ra phòng giữ các nơi để chống với quân nhà Mạc.

Từ năm quí-dậu (1573) cho đến năm quí-mùi (1583) vừa 10 năm, Trịnh Tùng cứ giữ vững đất Thanh-hóa, Nghệ-an, để cho quân nhà Mạc vào đánh phải hao binh tổn tướng. Trong bấy nhiêu năm, tướng nhà Mạc là Mạc kính Điển, Nguyễn Quyện, và Mạc ngọc Liễn, khi thì vào đánh Thanh-hóa, khi thì vào đánh cả mặt Thanh và mặt Nghệ, nhưng mà không bao giờ thành công, phen nào cũng được một vài trận rồi lại thua, phải rút quân về.

Từ năm ất-mão (1579) trở đi, Mạc kính Điển mất rồi, Mạc đôn Nhượng đem binh vào đánh họ Lê, nhưng cũng không được trận nào.

6. Khôi-Phục Thành Thăng-Long.

Đến năm quí mùi (1583) Trịnh Tùng xem thế mình đã mạnh, mới cử binh mã ra đánh Sơn-nam lấy được thóc gạo đem về. Từ đó về sau năm nào cũng ra đánh, bắt quân nhà Mạc phải đổi thế công ra thủ. Và nhà Mạc thấy thế nhà Lê một ngày một mạnh, bèn bắt quân-dân đắp ba từng lũy, đào ba lần hào ở ngoài thành Đại- la để làm kế thủ-bị.

Quân nhà Lê ra đánh trận nào được trận ấy, Trịnh Tùng bèn quyết ý cử đại binh ra đánh Thăng-long.

Năm tân-mão ( 1591 ) Trịnh Tùng sai Diễn-quận-công Trịnh văn Hải, Thái-quận-công Nguyễn thất Lý đem binh trấn-thủ các cửa bể và các nơi hiểm-yếu. Sau Thọ-quận-công Lê Hòa ở lại giữ ngự-dinh và cả địa hạt Thanh-hóa. Phòng bị đâu đó rồi, bèn đem hơn 5 vạn quân chia ra làm 5 đội, sai quan Thái-phó Nguyễn hữu Liêu, quan Thái-úy Hoàng đình Ái, Lân-quận- công Hà thế Lộc, Thế-quận-công Ngô cảnh Hữu, mỗi người lĩnh một đội, còn Trịnh Tùng tự lĩnh 2 vạn quân ra cửa Thiên-quan (Ninh-Bình) qua núi Yên mã (ở huyện An-sơn ) đất Tân-phong (tức là Tiên-phong ) rồi kéo về đóng ở Tốt-lâm ( ? ) .

Vua nhà Mạc là Mạc mậu Hợp cũng điều-động tất cả quân bốn vệ và quân năm phủ được hơn 10 vạn, sai Mạc ngọc Liễn và Nguyễn Quyện lĩnh hai đạo tả hữu, Mậu Hợp tự dẫn trung-quân đến đóng đối trận với quân Trịnh Tùng.

Trịnh Tùng thấy quân Mạc đã đến, bèn tự mình dốc tướng-sĩ thề đánh cho được để báo thù. Quân họ Trịnh đánh rất hăng, quân nhà Mạc đánh không nổi, thua to, chết đến hàng vạn người. Mạc mậu Hợp bỏ chạy. Quân họ Trịnh thừa thế đuổi tràn gần đến thành Thăng-long. Nhưng vừa đến tết Nguyên-đán, cho nên Trịnh Tùng đình-chiến lại cho quân-sĩ nghỉ- ngơi ăn tết. Qua sang tháng giêng năm nhâm-thìn ( 1592 ) Trịnh Tùng lập đàn tế trời đất và các vua nhà Lê rồi đặt ba điều ước để cấm quân-sĩ.

1. Không được vào nhà dân mà lấy đồ ăn và củi-đuốc.

2. Không được cướp lấy của-cải và chặt lấy cây-cối.

3. Không được dâm hiếp đàn-bà con-gái, và không được

vì tư thù mà giết người.

Ai phạm ba điều ấy thì cứ theo quân-pháp mà trị. Đoạn rồi, tiến quân lên đánh Thăng-long thành.

Mạc mậu Hợp thấy quân nhà Lê lại tiến lên, bèn sai Mạc ngọc Liễn, Bùi văn Khuê, Nguyễn Quyện và Trần bách Niên ở lại giữ thành Thăng-long, rồi đem quân sang sông Nhị-hà về đóng ở làng Thổ Khối.

Trịnh Tùng sai tướng chia quân vây đánh các cửa thành. Quân nhà Mạc giữ không nổi, ba tầng lũy đều phải phá cả bọn Mạc ngọc Liễn, Bùi văn Khuê phải bỏ thành mà chạy, Nguyễn Quyện thì bị bắt.

Trịnh Tùng lấy được thành Thăng-long rồi bắt quân phá những hào lũy đi, sau phẳng ra làm bình địa, rồi về Thanh-hóa đem tin thắng trận cho vua biết.

Sử không nói rõ tại làm sao Trịnh Tùng đã lấy được Thăng-long mà không đánh rấn đi, lại bỏ về Thanh-hóa. Có lẽ là tại quân họ Trịnh tuy thắng trận, nhưng tướng sĩ đều mỏi-mệt cả, vả lại thế họ Mạc hãy còn mạnh, ở lại giữ không nổi, cho nên phải bỏ mà về.

Trịnh Tùng đã bỏ Thăng-long về Thanh-hóa, nhưng Mậu Hợp không biết nhân lấy dịp ấy mà sửa sang việc võ-bị, chỉnh-đốn việc chính-trị, lại cứ say đắm tửu sắc, bạc đãi các tướng-sĩ, đến nỗi công-việc hỏng nát, thân mình bị hại.

Bấy giờ Bùi văn Khuê có người vợ tên là Nguyễn-thị nhan sắc hơn người, Mạc mậu Hợp muốn giết Văn Khuê đi để lấy Nguyễn-thị làm vợ.

Văn Khuê biết ý đem vợ vào ở huyện Gia-viễn ( thuộc Ninh-bình ) Mậu Hợp cho quân vào bắt. Văn Khuê phải xin về hàng với Trịnh Tùng.

7. Nhà Mạc Mất Ngôi.

Trịnh Tùng được Văn Khuê về hàng, mừng lắm, liền sai Hoàng đình Ái ra đón Văn Khuê rồi đem đi làm tiền đội, tự mình lại đem đại binh trở ra Tràng-an, gặp quân nhà Mạc ở sông Thiên-phái ( ở về cuối huyện Ý-yên và huyện Phong-doanh, tỉnh Nam-định ), đánh nhau một trận, lấy được 70 chiếc thuyền, tướng nhà Mạc là Trần bách Niên về hàng.

Quân Trịnh Tùng kéo ra Bình-lục, sang Thanh-oai đóng ở bãi Tinh- thần ( bây giờ là xã Thanh-thần ở huyện Thanh-oai ) rồi tiến lên đến sông Hát-giang, cửa sông Đáy ra sông Hồng-hà, gặp tướng nhà Mạc là Mạc ngọc Liễn, đánh đuổi một trận lấy được chiến thuyền kể hằng nghìn chiếc.

Mạc mậu Hợp được tin quân mình thua to, bỏ thành Thăng-long chạy sang Hải-dương về đóng ở kim-thành thuộc Hải-dương.

Trịnh Tùng ra đến Thăng-long, rồi sai Nguyễn thất Lý, Bùi văn Khuê và Trần bách Niên sang đánh Mậu Hợp ở Kim-thành, lấy được vàng bạc của cải nhiều lắm, và bắt được mẹ Mậu Hợp đem về.

Mạc mậu Hợp thấy quân mình thua luôn, bèn giao quyền chính-trị cho con là Mạc Toàn rồi tự mình làm tướng đem quân đi đánh.

Bấy giờ quan nhà Mạc là bọn Đỗ Uông, Ngô Tạo, cả thảy 17 người về hàng nhà Lê.

Trịnh Tùng sang đóng quân ở huyện Vĩnh-lại, rồi sai Phạm văn Khoái đem quân đi đuổi đánh Mậu Hợp ở huyện Yên-dũng và huyện Vũ-ninh ( nay là Vũ-giang ). Mạc mậu Hợp phải bỏ thuyền chạy lên bộ, vào ẩn trong cái chùa ở huyện Phượng-nhỡn. Văn Khoái đuổi đến đấy, có người chỉ dẫn bắt được đem về Thăng-long, làm tội sống ba ngày, rồi chém đầu vào bêu ở trong Thanh-hóa.

Bấy giờ có con Mạc kính Điển là Mạc kính Chỉ ở đất Đông-triều biết tin Mạc mậu Hợp đã bị bắt, bèn tự lập làm vua, đóng ở huyện Thanh-lâm. Con cháu họ Mạc hơn 100 người và các quan văn võ đều về đấy cả, rồi treo bảng chiêu mộ quân-sĩ, chẳng bao lâu được sáu bảy vạn người. Mạc Toàn là con Mạc mậu Hợp cũng theo về với Mạc kính Chỉ.

Trịnh Tùng thấy Kính Chỉ lại nổi lên, thanh thế to lắm, quan quân đánh mãi không được, bèn đem quân sang đánh ở huyện Cẩm-giang và Thanh-lâm, bắt được Kính Chỉ và con cháu họ Mạc cùng các quan cả thảy hơn 60 người.

Trịnh Tùng đánh được trận ấy, rồi về Thăng-long, sai quan vào rước vua Thế-Tông ra Đông-đô, mở triều và thăng thưởng cho các tướng-sĩ.

Năm sau, tướng nhà Mạc là Mạc ngọc Liễn tìm được một người con Mạc kính Điển là Mạc kính Cung lập lên làm vua, chiếm giữ châu Yên-bác ở đất Lạng-sơn để làm căn-bản. Nhưng chẳng bao lâu quan Thái-úy là Hoàng đình Ái đem binh lên đánh. Mạc kính Cung và Mạc ngọc Liễn phải chạy sang Long-châu. Ít lâu Ngọc Liễn chết có để thư lại dặn Kính Cung rằng : " Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là số trời đã định; còn dân ta thì có tội gì, mà ta nỡ để khổ sở mãi về việc chiến-tranh ? Vậy ta nên đành phận lánh mình ở nước ngoài, chứ đừng có đem lòng cạnh-tranh mà lại mời người Tàu sang làm hại dân nước mình . "

Trung-hậu thay, mấy lời dạy lại của Mạc ngọc Liễn! Chỉ tiếc vì họ Mạc không ai chịu theo!

Từ đó nhà Mạc mất ngôi làm vua, ngày sau tuy Mạc kính Cung nhờ có nhà Minh bênh-vực được về ở đất Cao-bằng, nhưng cũng là ở một chỗ nhỏ-mọn gần chỗ biên-thùy mà thôi.

Nhà Mạc làm vua từ Mạc đăng Dung cho đến Mạc mậu Hợp là từ năm đinh-hợi ( 1527 ) đến năm nhâm-thìn ( 1592 ) kể vừa được 65 năm.

Trịnh Tùng tuy đã lập được công to dứt được nhà Mạc, lấy lại được đất Đông-đô, nhưng nhà Minh vẫn có ý bênh nhà Mạc không chịu nhận nhà Lê. Và con cháu nhà Mạc hãy còn nhiều; nay xưng vương chỗ này, mai khởi loạn chỗ khác, cho nên Trịnh Tùng phải một mặt dùng trí mà giữ cho nhà Minh khỏi quấy nhiễu, và một mặt dùng lực mà đánh dẹp dư-đảng họ Mạc.

8. Việc Nhà Hậu-Lê Giao-Thiệp Với Nhà Minh.

Khi Trịnh Tùng đã thu-phục được thành Thăng-long rồi, người nhà Mạc sang kêu với vua nhà Minh rằng họ Trịnh nổi lên tranh ngôi, chứ không phải con-cháu nhà Lê.

Vua nhà Minh sai quan đến Nam-quan khám-xét việc ấy.

Tháng 3 năm bính-thân ( 1596 ) vua Thế-tông sai quan Hộ-bộ Thượng-thư là Đỗ Uông và quan Đô-ngự-sử là Nguyễn văn Giai lên Nam- quan tiếp quan Tàu. Sau lại sai hai ông hoàng-thân là Lê Cánh, Lê Lựu cùng với quan Công-bộ tả-thị-lang là Phùng khắc Khoan đem 10 người kỳ-mục, 100 cân vàng, 1,000 cân bạc, cái ấn An-nam Đô-thống-sứ của nhà Mạc và cái ấn An-nam-quốc-vương của vua nhà Lê ngày trước, sang cho quan nhà Minh khám. Nhưng quan nhà Minh lại bắt vua Thế-tông phải thân hành sang hội ở cửa Nam-quan.

Trịnh Tùng sai Hoàng đình Ái, Nguyễn hữu Liêu đem một vạn quân đi hộ giá, đưa vua sang phó hội. Sang đến nơi, quan nhà Minh lại đòi phải nộp người vàng và ấn vàng như tích cũ, rồi không chịu đến hội. Vua chờ lâu, không xong việc lại phải trở về.

Đến tháng tư năm sau, sứ nhà Minh lại sang mời vua Thế-tông lên hội ở Nam-quan. Triều-đình sai quan Thái-úy Hoàng đình Ái đem 5 vạn quân đi hộ giá sang hội ở Nam-quan.

Đến khi xa giá về, Trịnh Tùng đem các quan đi đón mừng rồi sai Công-bộ tả-thị-lang Phùng khắc Khoan làm chánh-sứ, quan Thái-Thường tự- khanh Nguyễn nhân Thiệm làm phó sứ, đem đồ lễ sang Yên-kinh cống nhà Minh và xin phong.

Vua nhà Minh chỉ phong cho vua Thế-tông làm An-nam Đô-thống- Sứ. Ông Phùng khắc Khoan dâng sớ tâu rằng : " Đô-thống-sứ là chức cũ của họ Mạc, chứ vua nước Nam là dòng dõi họ Lê, mà phong cho chức ấy thì không xứng-đáng

" . Vua nhà Minh trả lời rằng : vẫn biết họ Lê không ví như họ Mạc, nhưng lúc đầu mới phong hãy tạm cho chức ấy, rồi về sau sẽ phong vương.

Ông Phùng khắc Khoan phải chịu mà về. Từ đó nhà Minh với nhà Lê lại thông sứ như trước.

9. Con cháu nhà Mạc ở Cao-Bằng.

Từ khi Mạc mậu Hợp và Mạc kính Chỉ bị bắt rồi, con cháu họ Mạc ẩn ở các nơi để mong đường khôi- phục. Bấy giờ có Mạc kính Chương xưng làm Tráng-vương, chiếm-giữ từ huyện Đông-triều cho đến đất Yên-quảng.

Năm bính-thân ( 1596 ) Trịnh Tùng sai quan Trấn-thủ Hải-dương là Phan Ngạn đánh bắt được Kính Chương.

Lại có người Mạc kính Dụng là con Mạc kính Chi chiếm-giữ đất Yên- bắc ( Lạng-sơn ) xưng làm Uy-vương, nhưng cũng chẳng bao lâu bị quân họ Trịnh bắt được.

Còn Mạc kính Cung trước đã chạy sang ở Long-châu, sau lại về cùng với đảng mình đánh phá ở đất Cao-bằng và đất Lạng-sơn. Trịnh Tùng sai quan lên đuổi đánh, nhưng Mạc kính Cung sang kêu với nhà Minh, vua nhà Minh cho đưa thư sang bắt nhà Lê phải để đất Cao-bằng cho con cháu họ Mạc.

Nhà Lê bất-đắc-dĩ phải để đất Cao-bằng cho họ Mạc ở.

Trần Trọng Kim

Việt Nam Sử Lược

Phần IV : Tự Chủ Thời-Đại (Thời Kỳ Nam Bắc Phân Tranh)

PIV-Chương 3

Trịnh-Nguyễn phân tranh

1. Họ Trịnh xưng chúa miền Bắc

2. Họ Nguyễn xưng chúa miền Nam

1. Họ Trịnh xưng Chúa Miền Bắc.

Từ khi Trịnh Tùng dứt được họ Mạc, thu giang sơn lại cho nhà Lê rồi, mỗi ngày một kiêu hãnh, chiếm giữ lấy quyền chính trị và lại hà hiếp nhà vua. Họ Nguyễn ở trong Thuận-hóa thấy họ Trịnh chuyên quyền, cũng tự xưng độc-lập ở miền Nam, làm thành ra Nam Bắc đôi nơi và gây nên sự chiến tranh rất là tàn-hại cho nước nhà.

Năm kỷ-hợi ( 1599 ) đời vua Thế-tông nhà Lê, Trịnh Tùng thu-xếp xong việc thông sứ với nhà Minh, và đã chịu nhường đất Cao-bằng cho con- cháu nhà Mạc rồi, trong nước đã yên dần, bèn tự xưng làm Đô-nguyên-súy Tổng-quốc-chính Thượng-phu Bình-an-vương rồi định lệ cấp bổng cho vua được thu thuế 1.000 xã, gọi là lộc thượng-tiến, cấp cho vua 5.000 lính để làm quân túc-vệ. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc về họ Trịnh cả. Chỉ có khi nào thiết triều hay là tiếp sứ thì mới cần đến vua mà thôi.

Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh.

Uy quyền họ Trịnh bấy giờ hống-hách như thế và các quan lại theo về họ Trịnh cả. Giả-sử Trịnh Tùng có muốn dứt nhà Lê đi mà làm vua, thì cũng không khó gì. Tuy vậy mà Trịnh Tùng không dám làm, là tại sao ? Tại lẽ rằng ở phía Bắc sợ nhà Minh sinh sự lôi thôi, lại có họ Mạc còn giữ đất Cao-bằng nhỡ có làm điều gì phản-trắc, thì e quân nghịch nổi lên lấy thù Lê thảo Trịnh làm cớ.

Và chăng mặt Nam còn có họ Nguyễn, thế-lực cũng chẳng kém-hơn gì, mà lại có ý độc-lập để tranh quyền với họ Trịnh. Chi bằng không lấy nước cũng như lấy nước, không làm vua mà lại hơn vua. Vì bao giờ có phải đi đánh-dẹp nơi nào, vẫn lấy lệnh thiên tử mà sai khiến mọi người, không ai bắt-bẻ gì được. Bởi thế cho nên họ Trịnh đành chịu ngôi thứ nhì trong nước mà giữ quyền cả nước.

2. Họ Nguyễn Xưng Chúa Miền Nam.

Nguyên khi xưa ông Nguyễn Kim khởi-nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đi lấy được đất Thanh- nghệ rồi , sau đem quân ra đánh Sơn-nam bị hàng tướng nhà Mạc nhà Mạc là Dương chấp Nhất đánh thuốc độc chết, binh quyền giao cả lại cho rể là Trịnh Kiểm để đánh giặc.

Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong là Lang-quận-công, người em là Nguyễn Hoàng được phong là Thái-úy Đoàn-quận-công.

Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Còn Nguyễn Hoàng cũng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, chưa biết thế nào mới cho người ra Hải-dương hỏi ông Nguyễn bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng : " Hoành-sơn nhất đái, vạn đại dung thân

" nghĩa là một dãy Hoành-sơn 99

kia có thể yên thân được muôn đời.

Nguyễn Hoàng mới nói với chị là bà Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam.

Năm mậu-ngọ ( 1558 ) đời vua An-tông, Trịnh Kiểm mới tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận-hóa. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống-sơn cùng những quân lính ở đất Thanh-nghệ nhiều người đưa cả vợ con theo đi. Nguyễn Hoàng vào đóng ở Xã Ái-tử ( sau gọi là kho Cây- khế ), thuộc huyện Đăng-xương, tỉnh Quảng-trị.

Nguyễn Hoàng là một người khôn-ngoan mà lại có lòng nhân-đức, thu-dùng hào-kiệt, yên-ủi nhân-dân, cho nên lòng người ai cũng mến-phục.

Đến năm kỷ-tỵ ( 1569 ) ông ra chầu vua ở An-tràng. Qua năm sau Trịnh Kiểm gọi quan tổng-binh ở Quảng-nam là Nguyễn bá Quýnh về giữ đất Nghệ-an, và lại cho ông vào trấn cả đất Thuận-hóa và đất Quảng-nam. Lệ mỗi năm phải nộp thuế là 400 cân bạc, 500 tấm lụa.

Năm nhâm-thân ( 1572 ) nhân lúc Trịnh Kiểm mới mất, con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào đánh Thanh-hóa và sai tướng là Lập Bạo đem một toán quân đi 60 chiếc thuyền, bởi đường hải- đạo kéo vào đóng ở làng Hồ-xá và ở làng Lạng-uyển ( thuộc huyện Minh-linh ) để đánh Nguyễn Hoàng.

99

Núi Hoành Sơn là núi Đèo Ngang ở tỉnh Quảng Bình

Ông mới sai một người con gái đẹp là Ngô-thị giả làm cách đưa vàng bạc sang nói với Lập Bạo xin cầu hòa. Lập Bạo mừng rỡ, không phòng bị gì cả, bị quân họ Nguyễn đánh lẻn, bắt được giết đi, và đánh tan quân nhà Mạc.

Năm quí-tị ( 1593 ) Trịnh Tùng đã lấy được thành Thăng-long, bắt được Mạc mậu Hợp, nhưng mà đảng nhà Mạc còn nhiều, phải đánh dẹp nhiều nơi, Nguyễn Hoàng đưa quân-binh và súng-ống ra Đông-đô, ở hằng 8 năm, giúp Trịnh Tùng để đánh họ Mạc, lập được nhiều công to. Nhưng mà Trịnh Tùng vẫn có ý ghen ghét không muốn cho ngài về Thuận-hóa, mà ngài cũng không có dịp gì mà về được.

Năm canh-tý ( 1600 ) nhân vì họ Trịnh kiêu hãnh quá, các quan có nhiều người không phục ; bọn Phan Ngạn, Ngô đình Hàm, Bùi văn Khuê khởi binh chống lại với họ Trịnh ở cửa Đại-an ( thuộc Nam-định ), Nguyễn Hoàng mới đem bản bộ tướng-sĩ giả cách nói đi đánh giặc, rồi theo đường hải-đạo về Thuận-hóa.

Nguyễn Hoàng về Thuận-hóa rồi, sợ họ Trịnh nghi-ngờ, bèn đem người con gái là bà Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng là con trai Trịnh Tùng. Ngài ở giữ đất Thuận-hóa, cho người con thứ sáu vào trấn đất Quảng-nam dựng ra kho tàng, tích-trữ lương thực.

Từ đấy trở đi, Nam Bắc phân-biệt, bề ngoài thì làm ra bộ hòa-hiếu, nhưng bề trong thì vẫn lo việc phòng-bị để chống cự với nhau.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện