Chương 16: Vụ án Beldory
Khoảng 20 năm trước ngày câu chuyện này xảy ra, Arnold Belrody, người Lion, đến Paris có dẫn theo một người vợ xinh và cô con gái nhỏ, hoàn toàn còn là con nít. Belrody là một người đàn ông đứng tuổi, béo phí, thích tận hưởng cuộc đời chung thủy với bà vợ kiều diễm của mình và không thành đạt trong một lĩnh vực nào cả, là hội viên của một hãng buôn rượu vang. Hãng buôn nhỏ và mặc dù hoạt động kinh doanh của hãng thuận lợi, nhưng không đem lại cho Belrody khoản thu nhập đặc biệt. Gia đình Beldrody có một căn hộ nhỏ và ban đầu họ sống rất tằn tiện.
Mặc dù địa vị bình thường của thương gia Belrody, vợ ông ta nhanh chóng chen chân được vào giới thượng lưu của xã hội Paris. Trẻ và xinh xắn, có kiểu cách hành vi hấp dẫn, bà Belrody lập tức khơi dậy sự chú ý của mọi người, đặc biệt là khi bắt đầu lan truyền tin đồn về một bí mật hấp dẫn nào đó bao quanh sự ra đời của bà ta. Người ta nói rằng, bà ta là con gái ngoài giá thú của một bà bá tước Nga vĩ đại. Người khác lại cam đoan rằng, bà ta là con gái của hoàng thân Áo và cuộc hôn nhân là hợp pháp, mặc dù không môn đăng hộ đối. Nhưng mọi câu chuyện đều gặp nhau ở một điểm, là có một bí mật nào đó bao quanh việc ra đời của Jeanne Belrody. Khi những người hiếu kỳ quấy rầy Jeanne bằng những câu hỏi, bà Belrody không bác bỏ tin đồn này. Ngược lại, bà ta cho thấy là, mặc dù bà ta phải ngậm miệng, tất cả những tin đồn này đều có cơ sở cả. Với những người bạn thân, bà ta "cởi mở" nhiều hơn một chút bằng cách kể về các âm mưu chính trị, những giấy tờ quốc gia và những nguy cơ chưa từng biết dường như đang đe dọa bà ta. Cùng với điều đó, bà ta nhắn qua về sự trung gian sắp tới của mình trong việc bán đá quý trong ngân khố của sa hoàng.
Trong số bạn bè người quen của gia đình Belrody có một trạng sư tên Georges Conneau. Sau này người ta bắt đầu hiểu rõ rằng, cô Jeanne đầy sức quyến rũ đã hoàn toàn làm chủ trái tim chàng trai. Bà Belrody khuyến khích sự ve vãn của chàng thanh niên, nhưng không khi nào quên nhấn mạnh sự chung thủy của mình đối với người chồng không còn trẻ nữa. Tuy nhiên những miệng lưỡi độc ác đã cam đoan rằng, chàng Conneau là nhân tình của Jeanne, hơn nữa còn là nhân tình duy nhất.
Khi gia đình Belrody sống gần 3 năm ở Paris, trên "sân khấu" còn xuất hiện một nhân vật nữa. Đó là Hiram P. Trapp, người Mỹ, rất giàu có. Người ta giới thiệu anh ta với bà Beldory kiều diễm và bí ẩn, và anh ta mau chóng trở thành nạn nhân của sắc đẹp Jeanne. Tình yêu của anh ta là rõ ràng, mặc dầu anh ta cố gắng giấu điều này.
Khoảng thời gian đó, bà Belrody trở nên "cởi mở" hơn trong các ý kiến của mình. Với một vài người bạn tin cậy bà thông báo rằng bà rất lo lắng về người chồng của mình. Ông ta dường như bị lôi kéo vào một trò chơi chính trị lớn và được tin cậy giao cho giữ những giấy tờ quý giá nào đó có chứa đựng một "bí mật" có tầm quan trọng đối với toàn châu Âu. Người ta đang săn lùng những giấy tờ đó. Vì thế, bà Beldory dường như hoàn toàn mất ăn mất ngủ và trở nên bẳn tính. Đặc biệt bà ta lo sợ về mối quan hệ của chồng với những nhà cách mạng nguy hiểm ở Paris.
Tai họa xảy ra ngày 28 tháng 11. Người phụ nữ hàng ngày đến quét dọn và nấu ăn cho gia đình Beldory rất ngạc nhiên khi thấy cửa nhà bị mở toang. Khi nghe thấy những tiếng rên khẽ từ phòng ngủ, người giúp việc chạy vào đó. Trước mắt bà ta hiện ra cảnh tượng khủng khiếp. Bà Beldory nằm trên giường tay chân bị trói, miệng khẽ rên rỉ, bởi vì bà ta đã làm tuột được miếng giẻ nhét vào mồm. Trên sàn, Beldory nằm trên vũng máu, bị dao đâm vào tim.
Lời kể của bà Beldory tương đối đơn giản. Bị đánh thức bất ngờ, bà ta nhìn thấy hai người đàn ông cúi xuống ngay trước mặt mình. Bà ta chưa kịp kêu thì đã bị nhét giẻ vào mồm và bị trói. Sau đó họ đòi ông Belrody phải cung cấp "điều bí mật" quan trọng.
Nhưng nhà kinh doanh rượu vang không biết sợ đã kiên quyết từ chối việc thỏa mãn yêu cầu của chúng. Tức giận vì bị từ chối, một trong hai tên hung thủ đã đâm dao vào tim ông ta. Bằng chìa khóa lấy được của người chết, chúng mở két đặt ở góc phòng và lấy đi nhiều giấy tờ. Cả hai người đàn ông đều rậm râu và mang mặt nạ. Nhưng bà Beldory tuyên bố dứt khoát rằng đó là người Nga.
Vụ án đã gây ra một ấn tượng mạnh mẽ. Vụ án được gọi là "Bí mật Nga". Thời gian trôi qua, còn những người rậm râu bí ẩn thế là không tìm thấy được. Và chính sự hứng thú của công chúng đối với vụ này bắt đầu giảm thì lại xảy ra những sự kiện kỳ lạ, bà Beldory bị bắt và bị buột tội giết chồng.
Vụ án lại làm mọi người chăm chú theo dõi. Tuổi trẻ và sắc đẹp của bị cáo, nguồn gốc bí ẩn của bà ta đã làm cho vụ án có tiếng vang lớn. Công chúng bị chia rành rọt ra thành phái ủng hộ và phái chống bị cáo. Nhưng những người bảo vệ bị cáo bị liền mấy đòn nặng nề: quá khứ lãng mạn, dòng máu quý tộc của bà ta và những âm mưu bí ẩn chỉ là kết quả trong trí tưởng tượng của bà ta mà thôi.
Người ta đã chứng minh được rằng, cha mẹ Jeanne Beldory là những người khiêm nhường và rất được kính trọng, làm nghề bán hoa quả ở ngoại ô Lion. Còn vị bá tước Nga vĩ đại, những âm mưu ở chốn cung đình, những mưu toan chính trị và các huyền thoại khác là kết quả của trí tưởng tượng của chính Jeanne. Người ta cũng đã chứng minh được là Jeanne đã lấy một số tiền khá lớn của những người tin cậy bà ta, tin vào câu chuyện bịa đặt về "đá quý trong ngân khố của Sa hoàng". Những đá quý nói trên té ra chỉ là đồ giả làm bằng đất sét. Toàn bộ lịch sử cuộc đời Jeanne bị bóc trần một cách không thương tiếc. Cái cớ dẫn đến việc giết người là Hiram P. Trapp mà Jeanne đã quyết định sẽ lấy làm chồng. Người Mỹ giàu có này định lẩn tránh, nhưng trong cuộc hỏi cung chéo cứng rắn đã phải thừa nhận là có yêu Jeanne và nếu Jeanne là một phụ nữ không chồng thì sẽ hỏi làm vợ. Jeanne Belrody định biện hộ bằng cách viện dẫn đến tính chất lý tưởng của các mối quan hệ với P. Trapp nhưng việc đó chỉ làm cho tình cảnh của bà ta xấu đi. Người ta đã chứng minh được rằng, bà ta không có khả năng trở thành nhân tình của người Mỹ, vì bản tính đơn giản và trung thực của người này, nên đã nghĩ ra một kế hoạch ghê tởm nhằm thoát khỏi người chồng đứng tuổi và chả có gì nổi bật cả.
Trong suốt thời gian vụ án, bà Belrody đã giữ được toàn vẹn tính tự chủ và bình tĩnh. Lời khai của bà ta không bao giờ thay đổi. Bà ta một mực tuyên bố rằng mình xuất thân từ một gia đình quý tộc và đã bị đổi làm con một người bán hoa quả từ lúc còn bé. Và mặc dù mọi lời tuyên bố này đều là phi lý và hoàn toàn không có căn cứ, nhiều người vẫn tin tuyệt đối vào tính chân thực của chúng.
Nhưng công tố viên là người không biết thương xót. Ông ta chứng minh rằng, những người Nga đeo mặt nạ chỉ là huyền thoại, còn tội phạm do chính bà Belrody và nhân tình của bà ta là Georges Conneau thực hiện. Sau đó đã có lệnh bắt Conneau, nhưng ông ta đã khôn ngoan biến mất kịp thời. Kết quả giám định xác nhận rằng, những sợi dây dùng để trói bà Belrody buộc rất lỏng và bà ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi tình trạng bị trói.
Cuối vụ án, công tố viên nhận được một bức thư đánh rơi ở Paris. Bức thư của Georges Conneau. Không cho biết nơi mình đang ở, ông ta hoàn toàn thú nhận đã phạm tội. Conneau tuyên bố rằng, thực tế ông ta thực hiện tội ác này là do bà Belrody xúi giục. Tôi này do cả hai người cùng nghĩ ra. Tin rằng chồng bà Belrody đối xử không tốt với vợ và bị tình yêu say đắm làm cho mất trí, ông ta đã đánh một đòn chí tử nhằm giải phóng người đàn bà mình yêu khỏi những xiềng xích đáng căm thù. Conneau tin rằng Jeanne cũng yêu mình đến điên cuồng. Bây giờ, khi nghe nói về Hiram P. Trapp, Conneau hiểu rằng người đàn bà mà mình yêu đã phản bội mình. Bà ta muốn tự do không phải vì mình, mà là để có thế lấy một người giàu có. Bà ta đã biến Conneau thành công cụ của mình. Bây giờ, sua khi đã sáng mắt ra và nổi cơn ghen, ông ta quyết định kể lại trung thực mọi chuyện để trả thù cho sự phản bội.
Đến lúc này bà Belrody đã chứng tỏ rằng mình là một phụ nữ khác thường. Bà ta dứt khoát từ bỏ lối bảo vệ trước đây của mình và thú nhận rằng mình đã nghĩ ra câu chuyện hoang đường về những "người Nga" có râu, rằng hung thủ thật sự chính là Georges Conneau. Bị tình yêu làm cho mù quáng, ông ta đã thực hiện tội ác này và đe dọa, nếu bà ta không im lặng thì sẽ trả thù thật khủng khiếp. Bị những lời đe dọa làm cho sợ hãi, bà ta đã im lặng. Ngoài ra, bà ta dường như sợ nói ra sự thật còn bởi vì bà ta có thể bị nghi là tòng phạm. Nhưng bà ta khẳng định chắc chắn là không dính gì đến kẻ đã giết chồng mình. Vì thế Conneau đã trả thù bà ta bằng cách viết thư buộc tội. Bà ta trịnh trọng thề rằng không tham gia vào việc chuẩn bị gây tội ác. Quả là bà ta đã tỉnh giấc vào cái đêm đáng nhớ này và nhìn thấy Georges Conneau cầm con dao dính máu.
Các quan tòa lưỡng lự, vì hiểu rằng vị tất đã có thể tin hoàn toàn vào lời khai của bà Belrody. Nhưng người đàn bà này, người được những người xung quanh tin một cách quá dễ dàng vào những huyền thoại của mình, có một nghệ thuật kỳ lạ bắt mọi người phải tin bà ta. Những lời bà ta nói với các hội thẩm là mẫu mực của nghệ thuật đó. Với bộ mặt giàn giụa nước mắt, bà ta nói về đứa con nhỏ của mình, về danh dự của người phụ nữ, về nguyện vọng muốn giữ cho danh tiếng khỏi bị hoen ố vì đứa con. Bà ta thú nhận rằng Georges Conneau là nhân tình của bà ta nên có lẽ bà ta chịu trách nhiệm về mặt đạo đức trước tội ác này, nhưng chỉ trước Chúa và chỉ có thế mà thôi. Bà ta biết rằng đã phạm một sai lầm to lớn là không tố cáo Georges Coneau trước tòa, nhưng bà ta nói bằng giọng mệt mỏi rằng không một người đàn bà nào lại có thể làm việc đó. Bà ta yêu Georges Conneau. Liệu bà ta có thể đẩuy Conneau lên máy chém bất chấp tình cảm vĩ đại này được không? Bà ta có lỗi nhiều, nhưng không phải trong tội trạng khủng khiếp mà người ta định buộc cho bà.
Dù sao chăng nữa thì sự khả ái và khéo léo của bà ta cũng đã giành được thắng lợi. Sau vụ án không ai nghe nói gì hơn về bà Belrody nữa. Mang theo đứa con, bà ta rời Paris để bắt đầu một cuộc đời mới.