Thắp lên ngọn nến thay vì nguyền rủa bóng đêm
Thời gian qua, tôi đã nghe nhắc nhiều đến bí quyết tuyệt vời để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn này. Đây là bí quyết cực kỳ đơn giản và hiệu quả nhưng thường bị chúng ta bỏ qua. Đúng như tên gọi, bí quyết này khuyên chúng ta hãy tiến những bước lạc quan (dù nhỏ) để giải quyết vấn đề thay vì than phiền về chúng, nghĩa là bạn cần tìm kiếm giải pháp thay vì trầm trọng hóa những rủi ro. Tôi cho rằng công sở chính là nơi lý tưởng để thực hành bí quyết này.
Chúng ta thường dễ sa vào thói quen xấu là dành thời gian và năng lượng để ghi nhớ và than phiền về những tiêu cực của cuộc sống, chẳng hạn như nền kinh tế khủng hoảng, những đồng nghiệp xấu tính, thói tham nhũng, tệ quan liêu và nhiều thứ khác nữa. Nếu bạn muốn tìm những bằng chứng để củng cố cho kết luận rằng thế giới đầy rẫy những điều tồi tệ, cả đời bạn cũng sẽ tìm không hết.
Nhưng điều đó không mang đến cho bạn điều gì tốt đẹp. Càng chú ý đến những điều tiêu cực, bạn sẽ càng nhớ nhiều về những thực tế đáng buồn mà bạn không muốn chấp nhận hoặc ước gì chúng khác đi; và điều này càng khiến bạn nản lòng hơn mà thôi.
Tuy nhiên, nếu hành động theo quan điểm “thắp lên một ngọn nến”, không chỉ bạn có thể giải quyết phần nào rắc rối mà nó còn giúp bạn giảm thiểu căng thẳng. Nói một cách đơn giản, đó là lúc bạn quyết định hướng đến những suy nghĩ tích cực, tập trung tìm kiếm giải pháp thay vì bận lòng về những rủi ro.
Chẳng hạn, bạn cảm thấy khó chịu với tình trạng ngồi lê đôi mách trong công ty. Thay vì tỏ thái độ giận dữ và phẫn nộ, bạn hãy xem liệu mình có thể làm gì để giải quyết tình trạng này. Bạn có thể tập hợp mọi người và nhẹ nhàng nêu ra vấn đề. Thay vì lên án một nhóm người cụ thể, bạn chỉ tập trung nêu những hướng giải quyết của bản thân cho tình trạng này. Hãy thú nhận với mọi người rằng bạn cũng không đúng khi thỉnh thoảng có tham gia vào những câu chuyện ngồi lê đôi mách kia; và tuyên bố mình sẽ nỗ lực để từ bỏ thói quen xấu này. Hãy nhẹ nhàng bày tỏ thiện chí khuyến khích các đồng nghiệp cùng cố gắng với bạn. Tập trung nêu lên những lợi ích của việc dẹp bỏ thói quen này – ví dụ nó sẽ giúp mọi người cảm nhận tốt hơn về nhau, không còn phải lo lắng người khác nhận xét gì về mình, giảm thiểu căng thẳng… Trong nhiều trường hợp, đồng nghiệp sẽ chỉ làm theo bạn một khi bạn có cố gắng trước. Ngay cả trong trường hợp họ không làm theo, thì bạn cũng đã tiến được một bước đáng kể trong việc giảm bớt thói quen xấu này. Dù sao thì bạn cũng chiến thắng!
Bạn thấy đó, đâu khó để đốt lên một ngọn nến, phải không?