Đừng căng thẳng vì những vị sếp khó tính
Phần lớn chúng ta đều đã hoặc đang làm việc với những vị sếp khó tính. Giống như những thời hạn, thuế má hay ngân sách, các vị sếp khó tính cũng là một thực tế công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ của nhiều người. Ngay cả khi bạn không thật sự làm việc với một vị sếp như vậy thì bạn cũng không tránh khỏi việc tiếp xúc với những đồng nghiệp khó tính hoặc những khách hàng cáu kỉnh.
Khi ứng xử với những vị sếp này, bạn cũng có thể có hai thái độ trái ngược. Đầu tiên, cũng giống như đa số những người khác, bạn than phiền, nói xấu họ sau lưng, ước gì họ mất chức, mong họ bị ốm, và hậu quả là lúc nào bạn cũng cảm thấy căng thẳng khi gặp họ. Thứ hai, bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận về các vị sếp và cố gắng (dù rất khó) tìm thấy những mặt tích cực trong tính cách của họ.
Với tôi, bí quyết này cực kỳ khó thực hiện bởi tôi luôn ghét phải miễn cưỡng làm điều gì đó. Tuy nhiên, sau thời gian tiếp xúc cũng như làm việc với những vị sếp lắm đòi hỏi, tôi nhận thấy hai điều tốt lành.
Điều tốt lành đầu tiên là nhìn chung, những vị sếp khó tính đặt yêu cầu với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng mình tôi. Nói cách khác, tôi không phải là “nạn nhân” duy nhất. Trước khi nhận ra điều này, như nhiều người khác, tôi cho rằng sếp cố ý “đì” mình. Tôi tưởng chỉ mình tôi bị “đì” và cảm thấy hết sức nặng nề. Tệ hại hơn, tôi tập trung phân tích về động cơ của sếp và tự liệt kê trong đầu mình những lý do để cảm thấy “mình có quyền nổi giận”. Thậm chí, tôi còn mang chuyện này về nhà và kể lể than phiền với vợ.
Tất cả những suy nghĩ tiêu cực kể trên đều biến mất khi tôi nhận ra rằng các vị sếp chẳng hề có ý định “đì” tôi gì cả. Thật sự, họ không cố ý bắt nạt ai mà chỉ là họ bị mắc kẹt trong vai trò của một cấp trên đối với cấp dưới. Tất nhiên, cách nhìn nhận này đã giúp tôi chấp nhận tình trạng hay đòi hỏi của sếp dễ dàng hơn.
Và sau đây là điều tốt lành thứ hai. Vài năm trước, tôi phải viết một cuốn sách dưới sự thúc ép gắt gao của một nhà biên tập. Trong thời điểm khó khăn ấy, một người bạn đã hỏi tôi câu hỏi quan trọng: “Anh có nghĩ chính những người thúc ép anh, khiến anh cảm thấy mệt mỏi chính là người đã giúp anh phát huy, nâng cao năng lực của mình không?”. Khi nhìn lại quá trình làm việc của mình, tôi thấy đúng là như vậy. Chính những vị sếp khó tính đã phát huy tốt nhất khả năng của tôi. Tất cả những kỹ năng của tôi – từ phong cách trình bày, trình độ sử dụng máy tính cho tới khả năng diễn thuyết – đều được phát triển từ khi tôi làm việc với những vị sếp khó tính, thậm chí là những người “khó chịu” và cáu gắt.
Sếp của Suzanne được mô tả là “một người cực kỳ đòi hỏi”. Mô tả về vị sếp này, các nhân viên thường cho rằng ông ta “đơn giản là người thích đòi hỏi”. Họ vừa tỏ ra e sợ vừa giận dữ khi đề cập đến vị sếp thích ra lệnh này. Nhưng Suzanne thì không như vậy. Cô sáng suốt nhìn thấu phía bên trong “cái tôi” quá lớn và những hành vi khó chịu của sếp. Cô cố gắng tìm kiếm những khía cạnh tốt đẹp thay vì ghét bỏ ông ta. Cô tận dụng mọi cơ hội để học hỏi thay vì để ý đến những điểm yếu của sếp. Chẳng bao lâu sau, khi nhận ra Suzanne luôn điềm tĩnh dù môi trường làm việc rất khắc nghiệt, sếp đã cất nhắc cô lên một vị trí thú vị ở bộ phận khác.
Từ khi nhận thấy mặt tích cực của các vị sếp khó tính, cả cuộc sống lẫn công việc của tôi đều trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Nếu trước đây, tôi dễ dàng nổi giận và tức tối với các vị sếp thì bây giờ tôi đã có thái độ khác hẳn. Tôi mở lòng để học hỏi từ họ những điều bổ ích. Và sự thay đổi diễn ra thật đáng kinh ngạc. Khi tôi không tỏ thái độ hiềm khích, các vị sếp cũng trở nên dễ chịu hơn với tôi. Tôi nhận ra rằng chính phản ứng thái quá của mình đã khiến họ cư xử khó chịu. Khi nhận ra điều này và sẵn sàng nhận phần trách nhiệm về phía mình, tôi đã được tưởng thưởng bằng một cuộc sống dễ chịu hơn. Tất nhiên, tôi không ủng hộ thói hợm hĩnh hay xu nịnh và vẫn xem đó là những tính cách tiêu cực. Tuy nhiên, tôi đã học được cách vượt qua và xem nó như là một “chuyện nhỏ”. Hãy thử xem, bạn cũng có thể làm được như vậy đấy!