Nguyên Tắc 11

Làm Cho Người Khác Phụ Thuộc Mình

Muốn giữ vững độc lập, bạn phải là người được cần thiết, được yêu cầu. Mọi người càng dựa vào bạn thì bạn càng rộng đường thao tác. Mọi phụ thuộc vào bạn để được hạnh phúc ấm no và bạn không việc gì phải sợ. Đừng bao giờ dạy họ đến mức họ có thể tự lập mà không cần mình.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Vào thời Trung cổ, có một condottiero (tướng đánh thuê) cứu thị trấn Siena thoát khỏi móng vuốt ngoại bang. Vậy cư dân Siena làm gì để tưởng thưởng ông ta một cách xứng đáng? Không tiền bạc hay vinh dự nào có thể sánh với việc gìn giữ được tự do của một thị trấn. Có người đề nghị bầu ông ta làm thị trưởng, nhưng sau khi nghĩ lại thì mọi người bảo như thế hãy còn chưa đủ. Cuối cùng có một người đề nghị nên giết ông ta chết để tôn vinh và thờ phụng như một vị thần hộ mệnh. Mọi người đều đồng ý và thi hành.

Bá tước Carmagnola là một trong những condottieri dũng cảm và năng lực nhất. Năm 1442 khi đã già, ông làm việc cho thành phố Venice, vốn đang lâm chiếm lâu dài với thành phố Florence. Đang ở trận mạc, ông được lệnh trở về Venice. Dân chúng đón tiếp ông thật long trọng và huy hoàng. Theo chương trình thì đêm hôm ấy Carmagnola sẽ ăn tối với quan tổng trấn tại tự dinh. Tuy nhiên trên đường đến dinh ông thấy quân lính đưa mình theo lối khác mọi khi. Vừa băng qua Cầu Than thở, ông đột nhiên nhận ra là họ đang áp tải mình – đến nhà giam. Ông bị vu cáo một tội gì đó và chỉ ngay sáng hôm sau tại quảng trường San Marco, trước đám đông kinh hãi không hiểu tại sao số phận ông thay đổi bi thảm như thế, ông bị chém đầu.

Diễn giải

Nhiều nhà condottieri thời Phục hưng ở Italia đều chịu chung số phận với thành hoàng Siena, cũng như Bá tước Carmagnola. Họ đánh trận nào thắng trận đó, đem vinh quang về cho chủ nhân, để rồi sau đó bị lưu đày, tống giam, hoặc hành quyết. Vấn đề không phải là sự vô ơn, mà là vào thời đó Italia có quá nhiều condottieri tài ba và dũng cảm như họ. Họ là những thành phần có thể thay thế. Nếu giết họ đi thì giới chủ nhân chẳng mất gì cả. Trong khi đó những condottieri trưởng lão ngày càng hùng mạnh, lại sinh thói vòi vĩnh thêm này nọ. Giới chủ quyết định thanh toán họ để mướn người rẻ hơn, trẻ khỏe hơn. Bá tước Carmagnola phải chịu số phận như vậy vì trước đó ông từng tỏ ra quá độc lập. Ông cho rằng quyền lực mình có là đương nhiên, mà không biết sắp xếp để mình thực sự trở thành không thể thiếu.

Đó là số phận (hy vọng là ở cấp độ ít tàn bạo hơn) của những ai không làm cho người khác phụ thuộc mình. Không chóng thì chầy sẽ có ai đó ngang tài ngang sức anh – nhưng trẻ khỏe hơn, ít tốn kém hơn, và ít là mối đe dọa hơn.

Hãy trở thành người duy nhất làm được việc đang làm, và sắp xếp sao cho chủ nhân bạn trở thành người đồng hội đồng thuyền, như thế họ không thể nào thiếu bạn được. Nếu không, sẽ có ngày bạn buộc lòng phải bước qua cây Cầu Than thở.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Khi trở thành thành viên nghị viện Phổ vào năm 1847, Otto von Bismarck mới có 32 tuổi, chưa có đồng minh hay bạn bè nào. Nhìn quanh, ông biết mình sẽ không liên minh với phe cải cách hay bảo thủ trong nghị viện, không kết bè với bất kỳ bộ trưởng nào, và chắc chắn không với nhân dân. Bismarck liên minh với vua Frederick William IV. Đây là sự chọn lựa kỳ quặc (nói như thế hãy còn nhẹ) bởi vì lúc ấy quyền lực nhà vua đang vào thời kỳ suy yếu nhất. Là người nhu nhược và không cả quyết, nhà vua thường nhượng bộ phe cải cách. Vua như người không có xương sống, và là điển hình của thứ mà Bismarck ghét nhất, cả về mặt con người lẫn chính trị. Vậy mà Bismarck ngày đêm lấy lòng vua. Khi các nghị viên phê phán những hành động ấm ớ của vua, chỉ mỗi Bismarck đứng ra bênh vực.

Cuối cùng cuộc đầu tư đã sinh lợi: năm 1851 Bismarck được chức bộ trưởng trong nội các nhà vua, chẳng hạn như để củng cố quân đội, cưỡng lại áp lực của phe cải cách, nói chung là làm đúng như những gì ông ta muốn, Bismarck còn tác động vào tính thiếu tự tin của nhà vua, “khích tướng” để vua kiên quyết hơn và trị vì với lòng tự hào. Và dần dần ông ta phục hồi được uy quyền cho vua, cho đến khi chế độ quân chủ một lần nữa trở thành thế lực mạnh nhất nước Phổ.

Vua Frederick băng hà năm 1861, ngai vàng về tay người em là William. Tân vương rất ghét Bismarck và muốn đẩy ông ta đi thật xa. Nhưng William cũng rơi vào tình huống trước kia của Frederick: kẻ thù đầy dẫy đang muốn bào mòn quyền lực tân vương. William đã muốn thoái vị cho rảnh nợ, cảm thấy mình không đủ sức mạnh để nắm giữ vị trí nguy hiểm và bấp bênh này. Nhưng một lần nữa Bismarck lại động viên vua. Ông ta ủng hộ và tạo thêm sức mạnh cho vua, thúc giục vua ra những quyết định cứng rắn và dứt khoát. Dần dần vua phụ thuộc vào các chiến thuật nặng tay của Bismarck để đẩy lùi kẻ thù, và phải ngậm bồ hòn phong Bismarck làm thủ tướng. Hai người thường tranh cãi về các chính sách – Bismarck bảo thủ hơn – nhưng nhà vua nhận thức sự lệ thuộc của mình. Mỗi khi bị thủ tướng hăm dọa từ chức thì vua lại phải gật đầu với những chính sách do ông ta đưa ra. Trên thực tế chính Bismarck là người thiết lập chính sách quốc gia.

Những năm sau đó, với tư cách thủ tướng nước Phổ, Bismarck quy tụ nhiều bang người Đức hợp thành một quốc gia thống nhất. Đến thời điểm này, ông ta lại động viên nhà vua chấp nhận trở thành hoàng đế nước Đức. Nhưng thật ra chính Bismarck mới đạt đến điểm cao quyền lực. Là cánh tay phải của hoàng đế, là tướng quốc của đế chế và được phong tước cao quý nhất, Bismarck điều khiển tất cả mọi thứ trong triều.

Diễn giải

Hầu hết các chính khách trẻ và tham vọng vào thời nước Đức ở thập niên 1840 sẽ hợp tác xây dựng cơ sở quyền lực với những phe nào mạnh nhất. Nhưng Bismarck lại quan niệm khác. Hợp tác với kẻ nắm quyền chưa chắc đã khôn ngoan: Họ sẽ nuốt chửng ta, như quan tổng trấn Venice nuốt chửng Bá tước Carmagnola. Sẽ không ai đến dưới trướng ta nếu họ thực sự hùng mạnh sẵn. Nếu có nhiều tham vọng, bạn nên tìm đến những vua chúa hoặc chủ nhân đang yếu thế, miễn là bạn tạo được với họ một tương quan phụ thuộc. Bạn sẽ trở thành sức mạnh, trí khôn, và xương sống của họ. Bạn thật quyền lực biết bao! Vì nếu tống khứ bạn đi, nguyên cả cơ đồ sẽ sụp đổ.

Chính hoàn cảnh mới buộc người ta phải chịu phép. Người ta chỉ phản ứng khi bị áp lực. Nếu bạn không đặt người khác vào thế phải cần đến bạn, thì bạn sẽ bị đào thải ngay cơ hội đầu tiên. Nếu ngược lại bạn nắm được quy luật của quyền năng và làm cho người khác phải lệ thuộc bạn để được lợi ích, thì bạn còn bền vững hơn cả chủ nhân của bạn, như trường hợp Bismarck. Bạn sẽ được tất cả mọi lợi thế đến cùng với quyền năng mà không phải canh cánh vì những lo âu đi kèm với vị trí ông chủ.

Do đó một đấng quân vương khôn ngoan sẽ tìm mọi

cách sao cho tất cả tầng lớp dân chúng, trong bất kỳ

tình huống nào cũng phải phụ thuộc vào Nhà nước và

phụ thuộc mình; chỉ như thế họ mới luôn trung thành.

(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Quyền lực tối thượng là loại quyền lực khiến mọi người phải tuân thủ ý ta. Khi nào ta thực hiện được điều đó mà không cần o ép dân chúng hay làm họ thiệt hại, khi nào họ tự nguyện làm theo ý nguyện của ta, thì lúc đó ta đạt được loại quyền lực bất khả xâm phạm. Cách tốt nhất để thành đạt vị trí đó là tạo ra tương quan phụ thuộc. Chủ nhân cần ta giúp đỡ; hắn yếu, hoặc không thể hành động mà không có ta; ta dấn thân vào công việc của hắn sâu đậm đến mức nếu sa thải ta hắn sẽ vô vàn khó khăn, hoặc ít ra cũng mất rất nhiều thời gian quý báu để đào tạo kẻ thay thế ta. Một khi tương quan này được thiết lập xong, ta sẽ ở thế thượng phong, sẽ giật dây cho chủ nhân làm theo ý ta muốn. Đó là trường hợp kinh điển của việc “buông rèm nhiếp chính”. Bismarck chẳng cần nặng tay để vua phải vâng lời. Ông ta chỉ đơn giản nhắn nhủ rằng mình sẽ ra đi nếu không đạt được điều mong muốn, lúc đó mặc vua quay cuồng trong cơn lốc xoáy. Quả nhiên sau đó vua phải khiêu vũ theo sự đánh nhịp của Bismarck.

Đừng như hàng vạn người khác lầm tưởng rằng hình thức tối hậu của quyền lực chính là sự độc lập. Nói quyền lực là phải nói đến tương quan giữa người và người; bạn luôn cần có ai đó làm đồng minh, làm tốt thí, thậm chí làm một chủ nhân nhu nhược để mượn làm mặt tiền. Người hoàn toàn độc lập là người sống trong cái chòi giữa rừng – anh ta có quyền tới lui thoải mái, nhưng chắc là không có quyền lực. Điều tốt nhất mà bạn có thể hy vọng là những người khác lệ thuộc bạn đến mức bạn hưởng thụ một loại độc lập ngược: Vì họ cần có bạn nên bạn được tự tại.

Vua Louis XI nước Pháp là người tin dị đoan và rất sủng ái một chiêm tinh gia. Vị này cho biết trong vòng tám ngày, trong triều đình nhà vua sẽ có một quý nương qua đời. Khi việc diễn ra đúng như tiên đoán, Louis hết sức sợ hãi, cho rằng hoặc nhà chiêm tinh đã ám sát quý nương để chứng minh mình đúng, hoặc tài năng ông ta quá xuất chúng và trở thành mối đe dọa đối với vương quyền. Nhưng dù rơi vào trường hợp nào thì ông ta cũng phải chết.

Tối hôm nọ Louis dặn ông ta đến gặp tại một tháp cao trong tòa lâu đài. Cận vệ được dặn dò khi nào thấy vua ra dấu thì ập vào đền bắt nhà chiêm tinh và quăng ngay ra cửa sổ. Khi nhà chiêm tinh đến cúi chào xong, Louis vội ra dấu và hỏi: “Khanh bảo rằng mình biết chiêm tinh và đoán được số mạng người khác, vậy khanh nói trẫm nghe số phận của khanh và thọ mạng là bao?”

“Muôn tâu, thần sẽ qua đời ba ngày trước khi bệ hạ băng hà,” nhà chiêm tinh đáp. Vua không bao giờ dám ra dấu nữa. Nhà chiêm tinh thoát chết. Louis XI không chỉ bảo vệ kỹ lưỡng sinh mạng ông ta, mà còn ban nhiều bổng lộc cùng với sự chăm sóc của những quan ngự y giỏi nhất triều đình.

Sau khi Louis băng hà, nhà chiêm tinh vẫn còn sống tiếp nhiều năm, cho thấy ông kém tài tiên đoán nhưng lại nắm chắc quyền năng.

Trường hợp kể trên là ví dụ điển hình: Hãy làm người khác phụ thuộc vào bạn. Không dám tống khứ bạn vì sợ tai họa, thậm chí sợ mất cả mạng sống, chủ nhân của bạn sẽ không dám thử thách định mệnh. Có nhiều cách để đạt đến vị trí ưu tiên đó, mà tốt nhất là nên có thực tài và kỹ năng sáng tạo không thể thay thế.

Ở thời kỳ Phục hưng, một họa sĩ không thành đạt được vì gặp cản ngại chủ yếu là không tìm ra đúng người bảo trợ. Nhưng Michelangelo lại giỏi giang hơn đồng nghiệp ở mặt này: Người đỡ đầu ông chính là Đức giáo hoàng Julius II. Nhưng ngày kia hai người lại cãi nhau về việc xây dựng sinh phần bằng cẩm thạch cho giáo hoàng, và Michelangelo chán nản rời bỏ kinh thành La Mã. Trước sự ngạc nhiên của những người thân cận, giáo hoàng không những không sa thải Michelangelo, mà còn cho người tìm ông. Khi tìm được rồi, tuy bằng giọng điệu khá cao ngạo, nhưng quả thật giáo hoàng nài nỉ Michelangelo quay lại. Giáo hoàng biết rằng các nhà danh họa có thể tìm ra người bảo trợ khác, nhưng chính bản thân mình sẽ không bao giờ có một Michelangelo thứ hai.

Bạn không nhất thiết phải tài năng như Michelangelo, chỉ cần có được một kỹ năng hơn hẳn những người khác. Bạn phải xây dựng được một hoàn cảnh, mà theo đó bạn luôn có thể đầu quân ở chỗ khác, nhưng ngược lại chủ nhân bạn lại không thể tìm người có tài như bạn. Và nếu bạn là kẻ không phải thực sự thiết yếu, thì bạn phải tìm cách để cho mọi người nhận thấy rằng không thể thiếu mình. Nếu tạo được cái vỏ bọc kỹ năng và tri thức chuyên môn, bạn sẽ rộng đường làm cho cấp trên tưởng là guồng máy không thể chạy tốt nếu không có bạn. Đối lại, nếu cấp trên thực sự phụ thuộc bạn, thì rõ ràng bạn càng dễ thao túng.

Đó là ý nghĩa của việc đan chéo những số phận vào nhau: Giống như dây leo, bạn quấn lấy người nắm quyền lực, như thế nếu họ định dứt bỏ bạn thì bản thân họ sẽ bị thiệt hại. Nhiều khi bạn không cần phải quấn lấy chủ nhân, vì sẽ có người khác làm động tác này, trong chừng mực mà người ấy cũng thiết yếu cho hệ thống.

Ngày kia Harry Cohn, chủ tịch hãng phim Columbia Pictures, được nhóm cán bộ thuộc quyền báo hung tin: Một nhân viên của hãng, nhà biên kịch John Howar Lawson, bị tố cáo là theo chủ nghĩa Cộng sản. Lúc ấy là vào năm 1951, khi phong trào bài cộng ở Hollywood đang ở đỉnh cao. Ban giám đốc phải sa thải ngay nhà biên kịch, nếu không sẽ bị chính phủ làm khó.

Harry Cohn không phải là người có tư tưởng cởi mở phóng khoáng gì, trái lại ông là đảng viên Cộng hòa kiên định. Chính khách được ông ngưỡng mộ nhất là Benito Mussolini, người mà ông từng thăm viếng, và cho đóng khung ảnh treo trên tường văn phòng làm việc. Nếu ghét ai cay đắng, Cohn mắng hắn là “Thằng cộng sản khốn kiếp”.

Song nhóm cán bộ rất ngạc nhiên khi Cohn khẳng định ông sẽ không sa thải Lawson. Nhà biên kịch được giữ lại không phải vì tài năng – Hollywood rất nhiều nhà biên kịch tài năng. Lawson không bị sa thải là nhờ phản ứng dây chuyền: Ông ta chuyên dựng kịch bản dành riêng cho Humphrey Bogart, mà Bogart lại là minh tinh của hãng Columbia. Nếu gây rắc rối với Lawson, Cohn sẽ mất đi mối quan hệ vô vàn sinh lãi. Tính đi tính lại, mối quan hệ này mang lại cho Cohn nhiều lợi ích, đủ để ông ta chịu tai tiếng là dám giỡn mặt chính quyền.

Henry Kissinger được cái tài xoay sở để sống còn qua những cuộc thanh toán “máu đổ đầu rơi” trong nội bộ Nhà Trắng dưới thời tổng thống Nixon. Được như thế không phải vì ông là nhà ngoại giao lỗi lạc – còn nhiều nhà thương lượng tài ba khác – cũng không vì ông ăn cánh với tổng thống. Thật ra giữa hai người vẫn có trục trặc này nọ. Kissinger sống được qua bao bão táp là biết cách tự gắn mình sâu đậm vào nhiều lĩnh vực của cấu trúc chính trị, cho nên nếu vắng ông ta mọi thứ sẽ hỗn loạn ngay. Quyền lực của Michelangelo là thứ quyền lực tập trung, dựa vào tài năng một cá thể, còn quyền lực của Kissinger mang tính bao quát. Ông ta dính líu vào quá nhiều ban bệ và khía cạnh, đến nỗi sự dính líu này trở thành lá bài trong tay ông. Và vị trí này cũng giúp ông có nhiều đồng minh. Nếu bạn xoay xở tạo được cho mình một ưu thế như vậy, thì ai muốn sa thải bạn hẳn là người đó có rủi ro đùa với lửa – có khả năng làm cháy lan mọi tương quan khác. Tuy nhiên hình thức quyền lực tập trung lại tạo cho bạn sân chơi rộng lớn hơn, nhiều tự do hơn là quyền lực dàn trải, bởi vì người nắm được quyền lực ấy không dựa vào một chủ nhân nhất định, hoặc một vị trí quyền lực nhất định cho sự an nguy của mình.

Trong số nhiều cách làm người khác phụ thuộc mình, có chiến thuật gọi là tình báo bí mật. Nắm được bí mật của người khác, biết được những điều họ muốn giấu giếm, xem như số phận họ gắn liền với số phận bạn. Sẽ ít ai dám động đến bạn. Ở thời đại nào cũng có những tay trùm mật vụ nắm được ví trí vừa kể. Họ có thể kiến tạo hoặc phế truất một ông vua, hoặc, như trường hợp J. Edgar Hoover, một vị tổng thống. Nhưng vai trò này quá nhiều bất trắc và khắc khoải âu lo nên cái quyền lực xuất phát từ đó cũng có thể tự triệt tiêu. Bạn không thể ngủ yên, thì quyền lực để làm gì nếu nó không làm bạn an tâm?

Điều cảnh báo cuối cùng: Đừng tưởng hễ phụ thuộc vào bạn thì cấp trên sẽ yêu mến bạn. Hắn có thể vừa sợ vừa ghét bạn. Nhưng như Machiavelli từng nói, chẳng thà để người ta sợ mình còn hơn là người ta thương. Họ sợ, bạn còn có thể kiểm soát được, còn họ thương thì bạn bó tay. Lệ thuộc vào loại cảm xúc tinh tế và dễ thay đổi như tình yêu hay tình bạn, bạn chỉ tổ bất an mà thôi. Chẳng thà để người khác lệ thuộc vì sợ phải gánh chịu hậu quả khi mất mình, hơn là vì muốn thương yêu kề cận.

Hình ảnh:

Dây leo nhiều gai. Phía dưới thì rễ dây leo ăn sâu và lan rộng trong đất. Phía trên phát triển khắp những bụi cây khác, quấn quanh cây cối, trụ cột, cửa sổ… Muốn bứt phá đám dây leo đó thật tốn công mà nhiều khi còn trầy xước và chảy máu, chẳng thà để cho nó leo tự do.

Ý kiến chuyên gia:

Hãy khiến cho người khác phụ thuộc vào bạn. Sự phụ thuộc ấy nhiều lợi ích hơn là thái độ lịch sự với nhau. Thiên hạ hễ ăn xong thì quẹt mỏ. Một khi sự phụ thuộc không còn thì lễ nghĩa khuôn phép cũng mất theo, kể cả sự tôn trọng. Bài học đầu tiên mà kinh nghiệm cần dạy cho bạn là luôn hướng về phía trước và đừng bao giờ tự mãn, để cho ngay cả một kẻ vương giả phải luôn cần thiết đến mình.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Nhược điểm của việc khiến cho người khác phụ thuộc vào mình là trong chừng mực nào đó ta còn phụ thuộc vào họ. Nhưng nếu cố gắng vượt qua được tình huống đó có nghĩa là ta tống khứ họ - nghĩa là ta đứng một mình, không phụ thuộc ai cả. Đó chính là đường lối theo kiểu độc quyền của một J. P. Morgan hoặc John D. Rockefeller – loại trừ mọi nguồn cạnh tranh để có thể toàn quyền kiểm soát. Bạn thống lĩnh được thị trường thì càng tốt cho bạn.

Nhưng không có độc lập nào mà không phải trả giá. Ta buộc lòng phải tự cô lập. Sức mạnh của độc quyền nhiều khi quay ngược vào trong, tự hủy diệt dưới sức ép nội bộ. Độc quyền cũng dấy lên oán giận, làm cho các địch thủ liên kết lại với nhau để chống lại độc quyền. Xu hướng toàn quyền kiểm soát nhiều khi gây ra đổ nát chứ không mấy lợi ích. Sự tương thuộc vẫn là quy luật chung, còn độc lập chỉ là ngoại lệ hiếm hoi và sinh tử. Vì vậy tốt hơn ta nên đặt mình vào vị trí phụ thuộc lẫn nhau. Như thế ta sẽ không bị sức ép mà kẻ ngồi trên đỉnh cao thường bị, và thực chất người ngồi trên bạn sẽ lệ thuộc bạn, bởi vì hắn cần đến bạn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện