Nguyên Tắc 14

Bên Ngoài Làm Bạn, Bên Trong Rình Mò

Nắm bắt thông tin địch thủ là việc cực kỳ quan trọng. Hãy sử dụng thám báo để thu thập thông tin và có kế hoạch đón đầu. Hay hơn nữa là bạn tự mình do thám. Hãy tập luyện điều tra ở những cuộc gặp gỡ xã giao. Hãy hỏi những câu gián tiếp nhằm kích thích người khác nói về nhược điểm và chủ tâm họ. Không có cơ hội nào không là thời cơ cho bậc thầy do thám.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Joseph Duveen chắc chắn là người buôn tranh tài ba nhất thời ông ta – từ năm 1904 đến 1940, ông ta gần như độc quyền thâu tóm thị trường sưu tầm tranh của những tay triệu phú Mỹ. Chỉ trừ một mỏ vàng chưa khai thác được: kỹ nghệ gia Andrew Mellon. Duveen “quyết chí biến Mellon thành khách hàng, nếu không sẽ chết không nhắm mắt.

Bạn bè bảo Duveen rằng đó là giấc mơ không tưởng. Mellon là tay cứng cỏi ít lời. Nhưng chuyện từng nghe về tay Duveen nào đó lắm mồm xởi lởi còn làm Mellon thêm bực – và tuyên bố rằng mình không muốn gặp tay đó. Vậy mà Duveen đảm bảo với bạn bè rằng “Mellon sẽ không những mua tranh của tôi, mà chỉ mua tranh của tôi mà thôi.” Suốt nhiều năm ông ta theo dõi con mồi, biết hết những thói quen, khẩu vị, và kiêng cữ. Để nắm được những thông tin đó, Duveen hối lộ nhiều nhân viên của Mellon. Đến thời điểm hành động, ông ta biết rõ Mellon không thua gì bà vợ của y.

Năm 1921 Mellon đến London và ngụ ở tầng ba khách sạn Claridge’s. Duveen cũng đăng ký một loạt dãy phòng ở tầng hai, và sắp xếp cho người hầu trở thành bạn thân của người hầu cho Mellon. Đến ngày đã chọn ra tay, người hầu của Mellon nói với người hầu của Duveen rằng mình mới giúp chủ nhà mặc áo khoác, và ông ta đang bước ra hành lang thang máy.

Chỉ vài giây sau Duveen bước vào buồng thang máy, và thật là tình cờ, Mellon đang đứng bên trong. “Thưa ông Mellon, ông khỏe chứ ạ?” Duveen chào và tự giới thiệu. “Tôi đang trên đường đến National Gallery để ngắm vài bức tranh.” Cũng thật tình cờ khi đó lại là điểm đến của Mellon. Và như thế Duveen có dịp hộ tống con mồi đến địa điểm hết sức thuận tiện cho thắng lợi của mình. Duveen tỏ tường sở thích của Mellon như lòng bàn tay, và trước khi hai người lang thang khắp nhà trưng bày, nhà buôn tranh đã làm kỹ nghệ gia lóa mắt vì tri thức chuyên môn. Và lại thật là tình cờ thêm một lần nữa, cả hai đều có sở thích hết sức giống nhau.

Mellon ngạc nhiên thích thú: Duveen không phải như ông tưởng. Người này rất duyên dáng và dễ chịu, và rõ ràng là có khẩu vị thượng thặng. Khi trở về New York, Mellon đến xem phòng trưng bày độc đáo của Duveen và mê mệt bộ sưu tập. Lạ lùng thay, mọi thứ trong phòng đều đúng y hệt loại tranh mà ông ta muốn ở hữu. Từ đó đến cuối đời, Mellon trở thành khách hàng sộp nhất của Duveen.

Diễn giải

Với một người tham vọng và bon chen như Duveen thì chẳng có việc gì là tình cờ cả. Thật không mấy ích lợi khi phải ứng phó tình thế, hoặc giả hy vọng rằng mình sẽ hấp dẫn được khách hàng. Hành động như vậy chẳng khác gì bịt mắt bắt dê. Hãy tự trang bị thêm một tí hiểu biết, bạn sẽ thấy có tiến bộ.

Tuy Mellon là phi vụ ngoạn mục nhất, song thật ra Duveen do thám cùng lúc nhiều nhà triệu phú. Ông ta lén mua chuộc tất cả gia nhân của con mồi để luôn nắm được những thông tin quý giá về đường đi lối về, thay đổi sở thích, và những mẩu tin nho nhỏ khác giúp ông ta đi trước một bước. Khi tìm cách chài mồi tay tài phiệt Henry Frick, một địch thủ cạnh tranh với Duveen lấy làm lạ là cứ mỗi lần mình đến viếng Frick thì Duveen luôn có mặt ở đó trước, chừng như ông ta có giác quan thứ sáu. Những mối cạnh tranh khác cũng nhìn nhận rằng hình như đi đâu cũng gặp Duveen, và ông ta luôn nắm thông tin trước họ. Khả năng phân thân đó khiến nhiều địch thủ phải nản lòng bỏ cuộc.

Đó là sức mạnh của nghệ thuật tình báo: Nó giúp ta có vẻ toàn năng và toàn trí. Càng hiểu biết nhiều về con mồi thì ta càng đoán trước được ý nghĩ của hắn. Trong khi đó, các địch thủ khác không biết từ đâu ta có nguồn sức mạnh ấy, và nếu không biết thì họ không thể tiến công ta.

Giới cầm quyền thấy hết là nhờ gián điệp, cũng như những

con bò nhờ khứu giác, Bà La Môn nhờ kinh văn, và số

đông còn lại là nhờ cặp mắt thông thường.

(Kautilya, triết gia Ấn Độ, thế kỷ III TCN)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Muốn nắm quyền, bạn nên kiểm soát được ít nhiều những gì sắp xảy ra. Vì vậy một phần vấn đề của bạn là làm sao biết được những suy nghĩ, cảm xúc, và kế hoạch của đối tượng. Nếu làm chủ được những gì họ nói ra, các đối tượng sẽ che giấu điều quan trọng nhất của tính cách – những nhược điểm, chủ đích, đam mê. Hậu quả là bạn không thể tiên đoán được nước cờ của họ. Ngón nghề ở đây là bạn phải tìm ra cách điều tra để phát hiện những bí mật và chủ đích mà đừng để họ biết.

Việc này không khó như bạn nghĩ. Nấp sau cái bình phong hữu nghị, bạn có cơ hội thu lượm thông tin ở cả phe ta lẫn phe địch. Mặc cho người khác đi bói bài hoặc đoán số tử vi, ta đã có biện pháp cụ thể để biết trước tương lai.

Cách do thám thông thường nhất là lợi dụng người khác, như Duveen đã làm. Phương pháp này đơn giản và hữu hiệu nhưng có rủi ro: Chắc chắn bạn có được thông tin, nhưng lại khó kiểm soát đám mật thám ấy. Có khả năng họ sơ suất làm hỏng việc, hoặc giả cố ý phản phé. Vì vậy tốt hơn bạn nên tự thực hiện công việc, giả dạng làm đồng minh để tiến hành do thám.

Chính khách người Pháp Talleyrand là một trong những bậc thầy do thám. Ông ta cực kỳ khéo léo trong việc moi bí mật của người khác qua những cuộc đàm đạo xã giao. Nam tước De Vitrolles, người đương thời của Talleyrand từng viết: “Ông ta nói chuyện rất duyên dáng và trí tuệ. Ông có nghệ thuật che giấu ý nghĩ hoặc ác tâm đằng sau tấm mạng trong suốt những từ ngữ bóng gió thật thâm trầm súc tích. Chỉ khi nào cần, ông ta mới đưa tính cách riêng của mình vào”. Mấu chốt ở đây chính là việc Talleyrand biết cách che mất cái tôi của mình trong câu chuyện, dụ cho đối phương huyên thuyên về họ, từ đó vô tình để lộ những gì ông ta muốn biết.

Suốt cuộc đời Talleyrand, ai ai cũng bảo ông ta là người có tài nói chuyện – mặc dù thực tế ông rất ít nói. Talleyrand không bao giờ nói về những gì mình nghĩ, mà chỉ khích người khác nói. Ông hay tổ chức những buổi họp mặt, trong đó chuẩn bị phần đố vui cho các nhà ngoại giao, qua đó ông cân đong đo đếm cẩn thận từng lời của họ, rồi tạo điều kiện thân mật cho họ tâm sự, và moi nhiều thông tin quý giá cho nước Pháp, mà ông là vị bộ trưởng ngoại giao. Tại Hội nghị Vienna (1814-1815), Talleyrand lại do thám theo cách khác: Ông ta “lỡ lời” tiết lộ một bí mật (được ngụy tạo rất khéo từ trước) để xem xét phản ứng đối phương. Chẳng hạn trong buổi gặp gỡ họp thân mật các nhà ngoại giao, ông bảo có nguồn tin cậy cho biết là Nga hoàng định bắt giữ vị tướng quân hàng đầu vì tội phản nghịch. Quan sát phản ứng các đồng nghiệp khác, ông dò xem ai khoái chí khi quân đội Nga suy yếu – biết đâu chính phủ họ có ý đồ gì với nước Nga? Như Nam tước Von Stetten nói: “Monsieur Talleyrand bắn chỉ thiên để xem ai phóng mình ra ngoài cửa sổ.”

Trong những cuộc gặp gỡ xã giao, họp mặt vô thưởng vô phạt, bạn hãy quan sát. Đó là lúc thiên hạ bất cẩn. Hãy giấu tính cách mình và tạo điều kiện cho họ bộc lộ. Cái độc đáo của chiêu này là làm sao cho đối phương cảm thấy những câu nói dẫn đường của ta là sự quan tâm hữu nghị, được như vậy ta không chỉ kiếm được thông tin, mà còn kiếm được đồng minh.

Tuy nhiên bạn nhớ thi hành chiến thuật này thật cẩn trọng. Nếu thiên hạ phát hiện là bạn làm bộ nói chuyện để moi tin, họ sẽ lánh xa ngay. Hãy nhấn mạnh vào câu chuyện xã giao, đừng chăm bẵm vào thông tin quý giá. Tiến trình thu thập từng viên ngọc thông tin không được diễn ra quá lộ liễu, nếu không những câu hỏi điều tra của bạn sẽ để hở sườn, giúp đối phương phát hiện chủ đích và con người thật của bạn.

Bạn có thể thử cái mánh từ điều La Rochefoucauld viết: “Thiên hạ ít ai trung thực, và thường khi trung thực là họ mưu mẹo khôn ngoan nhất – ta trung thực để moi những điều thầm kín và bí mật của người khác.” Làm bộ cởi mở cõi lòng ra cho người khác, thật ra bạn khiến hàng muốn thổ lộ tâm tình. Hãy kể cho họ nghe một lời thú nhận giả, và họ sẽ đáp lễ bằng một thú nhận thật.

Arthur Schopenhauer đưa ra mánh khác: Cãi chày cãi cối thật kịch liệt để chọc tức đối phương, khuấy đảo họ mất phần nào kiểm soát đối với lời nói. Khi cảm xúc dâng cao, họ sẽ hé mở đủ loại sự thật về bản thân, những sự thật để bạn dành sau này chơi họ.

Có một cách do thám gián tiếp là thử đối phương, đặt những chiếc bẫy nho nhỏ để cậy miệng họ. Chosroes II, vị vua nổi tiếng khôn ngoan của xứ sở Ba Tư hồi thế kỷ thứ VII, có nhiều cách dò xét quần thần mà họ không hề hay biết. Chẳng hạn nếu để ý thấy hai quan cận thần bỗng dưng quá thân thiệt, Chosroes sẽ nói với người thứ nhất rằng người kia rắp tâm tạo phản và sắp bị hành hình. Vua bảo rằng mình tin tưởng vị này nên mới cho biết và dặn đừng để tiết lộ. Sau đó vua quan sát cả hai. Nếu thấy thái độ quan cận thần thứ hai không có gì thay đổi, vua kết luận là người thứ nhất biết giữ bí mật, sẽ thăng chức cho y, rồi lại cho vời y đến để đính chính: “Ta định xử trảm bạn đồng liêu của ngươi vì một số thông tin bất lợi, nhưng sau khi ta cho điều tra lại mới thấy nguồn tin đó sai lạc.”

Còn nếu thấy quan cận thần thứ hai có ý tránh né mình và bồn chồn lo lắng, Chosroes biết là bí mật đã bị lộ. Vua sẽ cho gọi y đến cho biết toàn bộ sự thật của cuộc thử nghiệm, rằng y không có lỗi gì, song vua vẫn không còn tin dùng và cho ra khỏi cung. Còn đối với cận thần thứ nhất, Chosroes ra lệnh đày biệt xứ vĩnh viễn.

Cách vừa kể không chỉ có thể nắm bắt thông tin mà còn biết được tính cách con người. Tuy có vẻ kỳ cục nhưng thường lại là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trước khi chúng trở nên trầm trọng.

Cứ nhử người khác ra tay, bạn sẽ biết được những suy nghĩ, tính cách, lòng trung của hắn, cùng nhiều điều khác nữa. Và thường khi đó lại là thứ hiểu biết đáng giá nhất: có tri thức này rồi, bạn sẽ tiên đoán hành động tương lai của họ.

Hình ảnh:

Con mắt thứ ba của thám báo. Ở xứ sở của những người hai mắt, thì con mắt thứ ba sẽ giúp bạn được toàn tri như Thượng đế. Bạn nhìn xa hơn họ, và nhìn sâu vào bên trong họ.

Ý kiến chuyên gia:

Giờ đã rõ, lý do vì sao một vị vua thông minh và một tướng lãnh khôn ngoan luôn chiến thắng kẻ thù trong mọi đường đi nước bước, vì sao hành động của họ luôn hơn hẳn người thường, chính là nhờ họ tiên đoán tình hình của địch. Sự “tiên tri” này không nhờ đến thần thánh hay ma quỷ nào, không dự vào tử vi bói toán hoặc mọi hiện tượng tương tự trong quá khứ. Tiên tri ấy có được nhờ những người biết rõ tình thế của địch – nhờ điệp báo.

(Tôn Tử, thế kỷ IV trước Công nguyên)

NGHỊCH ĐẢO

Thông tin là chỗ dựa của quyền lực, nhưng khi do thám người khác, bạn chuẩn bị tinh thần để bị người khác do thám lại. Vì vậy một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong trận chiến thông tin chính là phát ra thông tin sai lạc. Như Winston Churchill từng nói, “Sự thật quý báu đến mức phải luôn được hộ tống bởi những lời nói dối.” Bạn phải có được sự hộ tống như vậy, nhằm ngăn chặn mọi xâm nhập. Tung được loại thông tin như ý, bạn sẽ làm chủ cuộc chơi.

Năm 1944, Đức Quốc Xã bỗng dưng tăng cường tấn công London bằng bom bay. Hơn hai ngàn hỏa tiễn V-1 cắm xuống thành phố giết chết nhiều người. Tuy nhiên nhìn chung thì phần lớn những quả V-1 ấy đã không trúng đích. Nhiều quả nhắm vào khu đông dân cư như Tower Bridge hoặc Piccadilly lại rơi vào những chỗ thưa người. Nguyên nhân là vì lính Đức đã dựa vào tin tình báo của gián điệp trên đất Anh để bắn hỏa tiễn. Họ không ngờ rằng người Anh đã phát hiện bọn gián điệp đó nhưng cứ để yên, rồi tương kế tựu kế phát đi những thông tin sai lạc. Càng ngày những quả bom bay càng rớt xa mục tiêu, và đến cuối chiến dịch chúng chỉ gây thương vong cho lũ bò cái ngoài đồng.

Bạn sẽ nắm được ưu thế khi cung cấp cho địch thủ loại thông tin lừa bịp. Nếu hành vi do thám giúp bạn có thêm con mắt thứ ba, thì loại thông tin đánh lạc hướng sẽ móc bớt mất một con mắt của địch thủ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện