Nguyên Tắc 15
Nhổ Cỏ Phải Nhổ Tận Gốc
Từ thời Moses cho đến ngày nay, mọi lãnh tụ đều biết rằng hễ đánh địch là phải triệt tiêu. Nếu còn chút than hồng âm ỉ trong đống tro tàn, cho dù có yếu cách mấy thì sẽ có lúc ngọn lửa lại bùng lên. Chẳng thà diệt sạch còn hơn để dang dở: Địch thủ sẽ phục hồi và báo thù. Hãy tàn sát chúng, không chỉ về thể chất mà cả tinh thần.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Trong lịch sử Trung Hoa, không có sự kình địch nào làm tốn nhiều giấy mực hơn cuộc chiến giữa Hạng Vũ và Lưu Bang. Khởi đầu sự nghiệp, họ là bạn thân và là đồng đội. Là con nhà quan, Hạng Vũ to lớn vạm vỡ, tính tình nóng nảy hung bạo, tuy hơi tối dạ nhưng lại là chiến binh dũng cảm luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió. Lưu Bang xuất thân nông dân, ít có tính khí của binh gia, thích rượu ngon gái đẹp hơn là đao kiếm. Thật ra ông ta ít nhiều là người du thủ du thực. Song Lưu Bang lại khôn ngoan, có khả năng phát hiện và thu phục hiền tài, biết nghe lời họ khuyên. Chính ưu điểm đó đã giúp ông tiến thân trong sự nghiệp.
Năm 208 TCN, quân khởi nghĩa chia thành hai mũi dùi, rầm rộ tiến về Hàm Dương. Một đạo tiến về hướng Bắc dưới sự chỉ huy của chủ soái Tống Nghĩa, Hạng Vũ làm phó tướng. Lưu Bang dẫn đạo quân thứ hai trực chỉ kinh đô. Cả hai hẹn gặp tại Hàm Dương. Là người tính nóng và không kiên nhẫn, Hạng Vũ không thể để cho Lưu Bang đến trước và có cơ hội được thăng tiến thống lĩnh toàn quân.
Ở mặt trận phía Bắc, Tống Nghĩa do dự chưa muốn cho quân lâm trận, Hạng Vũ nổi giận bước vào lều chỉ huy, điểm mặt Tống Nghĩa kết tội phản rồi rút gươm chém bay đầu, sau đó tự phong nguyên soái. Không chờ lệnh vua, Hạng Vũ xuất quân tiến thẳng về Hàm Dương. Tự tin vào tài điều quân, ông ta chắc chắn mình sẽ đến kinh đô của quân địch trước Lưu Bang. Nhưng đến nơi, Hạng Vũ mới té ngửa ra khi thấy Lưu Bang đã tiến chiếm Hàm Dương rồi, nhờ đạo quân tuy ít người hơn nhưng năng động hơn. Quân sư của Hạng Vũ là Phạm Tăng góp ý: “Tay trưởng thôn Lưu Bang này nổi tiếng là tham tài háo sắc, nhưng từ khi vào thành đô đến giờ vẫn chưa tơ tưởng tiền tài của cải hay tửu sắc gì cả. Điều đó chứng tỏ hắn còn nhắm xa.”
Quân sư khuyên Hạng Vũ nên khử Lưu Bang trước khi quá muộn, bằng cách tổ chức tiệc rượu ở ngoại vi kinh đô, mời hắn đến rồi nhanh tay hạ thủ trong lúc binh sĩ biểu diễn màn múa kiếm. Thư mời gửi đi, Lưu Bang đến dự. Nhưng đã qua mấy tuần rượu mà Hạng Vũ vẫn do dự chưa ra lệnh bắt đầu màn múa kiếm. Đến khi quyết định ra dấu cho binh sĩ thì Lưu Bang đã đánh hơi thấy âm mưu nên nhanh chân tẩu thoát. Phạm Tăng thất vọng kêu trời: “Nếu không trừ khử được Lưu Bang, hắn sẽ thu tóm cả cơ đồ và thanh toán chúng ta.”
Hạng Vũ liền ra lệnh tấn công Hàm Dương, lần này quyết bêu đầu địch thủ. Lưu Bang là người không bao giờ nghênh chiến khi sự tình bất lợi nên bỏ ngỏ kinh thành mà thoát thân. Hạng Vũ chiếm Hàm Dương, sát hại thái tử nhà Tần, phóng hỏa đốt sạch thành bình địa. Nhiều tháng tiếp theo, Hạng Vũ miệt mài truy đuổi, cuối cùng dồn được Lưu Bang vào một thị trấn nhỏ. Bị vây hãm, lương thực thiếu thốn, binh sĩ rối loạn, Lưu Bang phải đầu hàng.
Phạm Tăng khuyên Hạng Vũ giết ngay địch thủ, nếu không sẽ ân hận sau này. Song Hạng Vũ lại muốn bắt sống Lưu Bang dẫn độ về Sở, tại đó buộc Lưu phải tôn vinh mình là chủ soái. Nhưng những gì Phạm Tăng e sợ đã diễn ra: Lợi dụng tiến trình đàm phán làm Hạng Vũ xao lãng, Lưu Bang bỏ trốn với toán quân trung thành. Hạng Vũ tức tốc đuổi theo, tưởng chừng đã mất trí vì cơn giận dữ ngất trời. Trong cơn hỗn loạn, Hạng Vũ bắt được cha của Lưu Bang, cho trói gô lại và bêu cao cho Lưu Bang thấy: “Nếu không đầu hàng, ta sẽ nấu cháo cha người!”. Lưu Bang bình tĩnh đáp lại: “Chúng ta là anh em kết nghĩa, vì vậy cha ta cũng là cha ngươi. Nhưng nếu ngươi can tâm nấu cháo, thì nhớ gửi cho ta một bát.” Hạng Vũ chùng tay, và cuộc chiến đấu tiếp diễn.
Sau đó vì một số sai lầm chiến thuật nên Hạng Vũ thua nhiều trận đánh, binh đội mỏng dần. Trong một lần tiến công thần tốc, Lưu Bang vây doanh trại chính của Hạng Vũ. Gió đã đổi chiều, giờ đến lượt Hạng Vũ cầu hòa. Quân sư của Lưu Bang bảo nhất định phải hạ thủ Hạng Vũ chứ không nên thả hổ về rừng. Lưu Bang gật đầu.
Tuy nhiên sau đó Hạng Vũ thoát thân được là nhờ đội cận vệ trung kiên liều mình cứu chúa. Thân cô thế cô và bị truy đuổi gắt gao, đến khi cùng đường, Hạng Vũ nói với tàn quân: “Nghe nói Lưu Bang treo giá cái đầu ta đến ngàn vàng và thái ấp vạn hộ. Vậy nay ta tưởng thưởng lòng trung của các ngươi.” Nói xong tự vẫn.[6]
Diễn giải
Hạng Vũ nổi tiếng hung bạo và ít khi chùng tay với kẻ thù. Song với Lưu Bang thì Hạng Vũ lại làm khác, muốn đánh bại địch thủ trên trận mạc để làm cho Lưu Bang tâm phục khẩu phục mà quy hàng. Bắt được Lưu Bang rồi Hạng Vũ vẫn do dự, vì dù sao đây vẫn là địch thủ đáng nể, từng là đồng đội và nghĩa đệ. Đến khi quyết chí tiêu diệt Lưu Bang thì quá trễ, xem như Hạng Vũ đã ký tên vào án tử. Trái lại khi gió đổi chiều, Lưu Bang không ngần ngại.
Đó là số phận chờ đợi ta nếu ta nương tay với địch thủ, cho dù đó là vì thương hại hay dự định làm hòa. Như thế chúng sẽ thù hằn ta thêm mà thôi. Ta đã đánh bại và làm chúng mất mặt, thì không nên tiếp tục để những con rắn độc ấy sống thêm mà báo thù. Nói quyền lực thì không thể nói nhân nghĩa. Đã bắt được địch thì phải nghiền nát, đập tan, và triệt tiêu mọi cơ hội sau này báo oán. Điều này còn đúng hơn với trường hợp một đồng chí cũ giờ trở thành kẻ thù. Quy luật đối với nguyên tắc đối đầu sinh tử là không thể làm hòa. Nếu một bên khả thắng thì phải toàn thắng.
Lưu Bang thấm nhuần quy luật ấy. Sau khi chiến thắng Hạng Vũ, gã nông dân tiếp tục tiến lên thống lĩnh toàn quân Sở. Nghiền nát đối thủ kế tiếp – vua Sở, tức là chủ cũ của mình – Lưu Bang tự phong hoàng đế, dẹp tan không nương tay một chướng ngại trên đường đi, trở thành một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của Trung Quốc, Hán Cao Tổ, người sáng lập nhà Hán.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Ra đời năm 625, Võ Mỵ Nương là ái nữ một đại thần, nổi tiếng sắc hương, được nhập cung làm phi cho Đường Thái Tông hoàng đế.
Hậu cung là nơi nguy hiểm, với đám cung phi luôn bày mưu lập kế để lấy lòng hoàng thượng. Hương sắc và tài trí đã giúp Võ sớm thắng cuộc chiến thầm lặng ấy, nhưng vì biết hoàng đế cũng như bao người quyền lực khác, sẽ mưa nắng bất thường và chẳng do dự gì sủng ái người khác, nên Võ lên kế hoạch tầm xa.
Võ rắp tâm chinh phục Đường Cao Tông, đứa con phóng đãng của hoàng đế. Mỗi khi có dịp gặp riêng chàng, chẳng hạn như trong phòng vệ sinh của thái tử, Võ đều ra sức ve vãn mơn trớn. Ấy vậy mà khi hoàng đế băng hà, Võ phải chịu số phần đám phi tần truyền thống và luật lệ đã quy định: cạo đầu lui vào chùa cho đến cuối cuộc đời. Suốt bảy năm liền Võ luôn làm thân với hoàng hậu, Võ thuyết phục hoàng đế ban chỉ cho phép hồi cung. Sau đó, một mặt Võ liếm gót hoàng hậu trong khi vẫn lén lút thông dâm với hoàng đế. Tuy có hay biết nhưng hoàng hậu không ngăn cả - vẫn chưa sinh được rồng con nên vị trí rất bấp bênh, bà cần có Võ làm đồng minh tài chí.
Năm 654 Võ Mỵ Nương sinh con. Khi hoàng hậu đến thăm và vừa ra khỏi, Võ liền giết con ruột của mình để mọi nghi kỵ đổ dồn vào hoàng hậu, vốn nổi tiếng ganh tỵ. Không lâu sau, hoàng hậu bị kết tội mưu sát và chịu án tử. Võ Mỵ Nương được phong hoàng hậu. Vị hoàng đế phóng đãng đã sẵn sàng giao việc triều chính cho nàng, và từ đó trở đi mọi người gọi là Võ hậu.
Mặc dù ở vị trí quyền lực tột bực song Võ không yên tâm. Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, hậu không hề hạ thấp cảnh giác. Năm 41 tuổi, hậu sợ cô cháu trẻ đẹp sẽ được lòng hoàng thượng nên sai người hạ độc. Đến năm 675 con đẻ của hậu vì được tôn làm thái tử nên cũng bị hạ độc luôn. Đứa tiếp theo, mặc dù là con hoang nhưng vẫn có tiềm năng kế vị, vì vậy sau đó bị vu cáo và lưu đày. Tám năm sau, khi hoàng đế băng hà, Võ lại sắp xếp để quần thần tuyên bố rằng đứa con áp út của bà không đủ điều kiện lên ngôi. Có nghĩa là đứa con út khờ khạo sẽ kế vị để hậu tiếp tục nhiếp chính.
Những năm sau đó liên tiếp diễn ra nhiều vụ đảo chính không thành và tất cả bọn chủ mưu đều bị xử tử. Đến năm 688 thì không còn ai đủ sức mạnh và dũng cảm để đối đầu Võ hậu. Hai năm sau đó, hậu đạt được ước nguyện tột cùng: Tự cho là hậu duệ của đức Phật, bà tự xưng Đại Chu Thánh Võ hoàng đế, được mọi người gọi là Di Lặc tái thế.
Võ lên ngôi hoàng đế không còn đối thủ. Nhờ vậy bà tiếp tục trị vì suốt hơn một thập niên.[7]
Diễn giải
Những ai đã biết Võ hậu đều thán phục sự tinh khôn và năng lực của bà. Vào thời đó, phụ nữ không còn niềm vinh quang nào khác là được tuyển vào hậu cung vài năm, nhưng sau đó nếu không may sẽ phải giam mình suốt đời trong tu viện. Suốt tiến trình chậm mà chắc để vươn lên đỉnh cao, chưa bao giờ Võ thực sự ngu ngơ cả. Nàng biết rằng bất kỳ do dự nào, cho dù chỉ mềm yếu trong chốc lát, cũng đồng nghĩa với kết liễu cuộc đời. Nếu một lần vừa thanh toán địch thủ này xong thì địch thủ khác xuất hiện, với nàng giải pháp thật đơn giản: Tàn sát, nếu không chính mình sẽ bị sát hại. Nhiều hoàng đế trước đó cũng hành động như vậy, nhưng Võ – một phụ nữ, hầu như không có cơ hội nào để giành được quyền lực – cần phải tàn nhẫn hơn.
Bốn mươi năm trị vì của Võ hậu là một trong những triều đại lâu dài nhất lịch sử Trung Quốc. Mặc dù không phải ai cũng tán đồng cách trị vì bằng bàn tay sắt nhuốm máu của bà, song phải nhìn nhận rằng Võ Tắc Thiên là một trong những lãnh tụ có năng lực và hiệu quả nhất của thời đại.
Tướng quân Ramón Maria Narváez (1800-1868), một chính
khách Tây Ban Nha đang hấp hối. Thầy tư tế hỏi ông:
“Ngài có tha lỗi cho tất cả kẻ thù không?”
“Ta không cần phải tha lỗi cho họ,”
Narváez đáp, “Ta đã cho bắn sạch cả bọn rồi.”
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Không phải bỗng dưng mà cả hai câu chuyện minh họa nguyên tắc này đều đến từ Trung Quốc: Lịch sử nước này đầy những chuyện kể về việc tha tội cho các kẻ thù, rồi sau đó chúng quay lại làm hại mình. “Nhổ cỏ tận gốc” là nguyên tắc chiến lược của Tôn Tử, tác giả thiên Binh pháp hồi thế kỷ thứ IV trước công nguyên. Không có gì khó hiểu: Kẻ thù muốn làm hại ta. Họ không muốn gì hơn là trừ khử ta. Nếu trong quá trình chiến đấu, ta dừng ở nửa đường hoặc thậm chí ba phần tư đường vì lòng nhân hoặc giả muốn làm hòa, thì ta chỉ khiến chúng căm giận ta sâu sắc hơn, kiên định hơn, và ngày nào đó chúng sẽ báo thù. Trước mắt chúng sẽ cư xử thân thiện, chỉ bởi vì chúng vừa thua ta. Chúng không còn sự lựa chọn nào khác là phải chờ thôi.
Giải pháp: Không khoan dung gì cả. Ta phải nghiền nát kẻ thù cũng như chúng sẽ nghiền nát ta. Kẻ thù không thể nào mang đến cho ta sự an toàn và bình yên cả, trừ khi chúng không còn tồn tại nữa.
Mao Trạch Đông, người am tường binh pháp của Tôn Tử và lịch sử Trung Quốc nói chung, hiểu rõ tầm quan trọng của nguyên tắc này. Năm 1934 vị lãnh tụ Cộng sản này cùng 75.000 quân lính thiếu thốn trang thiết bị phải trốn vào vùng núi hoang sơ phía Tây Trung Quốc để tránh sự truy đuổi của đại quân Tưởng Giới Thạch. Chiến thuật lui quân này được gọi là cuộc Trường chinh.
Tưởng quyết tâm tiêu diệt cho đến người Cộng sản cuối cùng, và vài năm sau đó Mao chỉ còn khoảng 10.000 quân. Đến năm 1937 khi Nhật xâm lăng Trung Quốc, Tưởng cho rằng lực lượng Cộng sản không còn là mối đe dọa, nên bỏ cuộc truy đuổi và tập trung đánh Nhật. Mười năm sau, phe Cộng sản phục hồi đủ mạnh để đánh bại Tưởng, vì ông này đã quên câu châm ngôn nhổ cỏ tận gốc. Nhưng Mao lại không quên. Tưởng bị Mao truy đuổi ráo riết đến mức phải trốn ra hải đảo Đài Loan. Hoa lục ngày nay không còn chút dấu ấn nào của chế độ Tưởng.[8]
Câu châm ngôn nói trên cũng cổ xưa như Kinh thánh: Moses từng học được triết lý này từ chính Thượng đế, khi ngài vẹt nước Hồng Hải ra cho dân Do Thái, để cho ba đào chảy ngược càn quét người Ai Cập, nhằm tiêu diệt cho đến tên cuối cùng.
Khi trở về từ núi Sinai với Mười điều răn và nhận thấy nhiều người Do Thái lại sùng bái Bê Vàng, Moses giết sạch những người theo tà giáo, không chừa một ai. Và trước khi từ giã cõi đời để vào Miền đất hứa, Moses nói với các môn đồ rằng khi đã đánh bại các bộ tộc Canaan, họ phải “hoàn toàn tiêu diệt chúng… không được thỏa hiệp gì cả, không được khoan dung với chúng.”
Mục đích toàn thắng là tiền đề của mọi cuộc chiến hiện đại, và được hun đúc bởi Carl von Clausewitz, triết gia hàng đầu về chiến tranh. Phân tích các chiến dịch của Napoléon, ông ta viết: “Chúng ta khẳng định rằng việc tiêu diệt hoàn toàn mọi lực lượng thù địch luôn phải là mối quan tâm chủ đạo… Một khi đạt được thắng lợi quan trọng, không được nói đến chuyện nghỉ ngơi hay thở một chút... mà là phải truy đuổi, tiếp tục tiến công địch quân, tiến chiếm thủ đô của chúng, tiến công lực lượng dự phòng và bất cứ những gì có khả năng cung cấp viện trợ và tiện ích cho chúng.” Lý do Clausewitz viết như vậy là vì lúc chiến tranh đình chỉ thường xảy ra thương lượng và phân chia lãnh thổ. Nếu chiến thắng không trọn vẹn, khi thương lượng ta sẽ mất đi những gì mình đạt được trong chiến tranh.
Giải pháp thật đơn giản: Không chừa cho kể thù bất kỳ lựa chọn nào. Cứ tiêu diệt chúng trước, rồi sau đó ta tha hồ cắt xén đất đai như thế nào tùy ý. Mục đích của quyền lực là hoàn toàn khống chế kẻ thù, buộc chúng phải răm rắp vâng lời. Bạn không thể chỉ làm dang dở. Nếu không được quyền chọn lựa, chúng sẽ phải tuân thủ ta thôi. Nguyên tắc này còn được áp dụng ra ngoài lĩnh vực quân sự. Thương lượng là con thú hiểm ác sẽ nuốt chửng chiến thắng của ta, vì vậy ta không chừa cơ hội cho kẻ thù được thương lượng, được hy vọng, được dở trò. Chúng bị tiêu diệt, và thế là xong.
Hãy nhớ lấy điều này: Trong quá trình tranh giành quyền lực, bạn sẽ khuấy động lên nhiều sự kình địch và tạo ra kẻ thù. Sẽ có những thành phần mà bạn không thể thuyết phục lôi kéo, và sau đó dù gì đi nữa thì họ cũng ở tư thế đối đầu chứ không phải là đồng minh. Bạn chỉ nhớ rằng giữa hai bên sẽ không còn khả năng hòa bình, nhất là khi bạn trụ ở tư thế quyền lực. Nếu để họ quanh quẩn, họ sẽ tìm phương báo oán, chắc chắn như hết ngày lại đêm. Đợi đến lúc họ lật bài ra thì bạn sẽ trở tay không kịp.
Bạn hãy thực tế: Ta sẽ không bao giờ an toàn khi có kẻ thù trước ngõ. Hãy nhớ lấy những bài học từ lịch sử, từ sự khôn ngoan của Moses và Mao: Đừng bao giờ làm việc gì nửa vời.
Tất nhiên đây không phải là tội cố sát, mà chỉ là vấn đề lưu đày. Bị tàn phế, rồi bị lưu đày vĩnh viễn khỏi triều đình ta, kẻ thù không còn lợi hại. Họ không còn hy vọng phục hồi, luồn lách xâm nhập trở lại hại ta. Còn nếu vì lý do nào đó mà không tống khứ họ được, bạn cứ tin rằng họ đang âm mưu chống lại ta, vì vậy ta không được tin vào bất kỳ dấu hiệu thân thiện nào mà họ bày tỏ. Trong những tình huống như thế, vũ khí duy nhất của ta là sự cảnh giác cao độ. Nếu không trục xuất họ được ngay, ta hãy chuẩn bị thời cơ gần nhất để ra tay.
Hình ảnh:
Một con rắn lục bị gót chân bạn giẫm nát nhưng vẫn còn sống, nó ngóc cổ lên cắn bạn với liều nọc độc gấp đôi. Kẻ thù chưa bị tận diệt sẽ như con rắn còn ngắc ngoải, tận dụng thời gian để phục hồi, để nọc độc tăng cường độ.
Ý kiến chuyên gia:
Cần phải lưu ý rằng đối với một con người thì hoặc phải nuông chiều, hoặc phải tận diệt. Nếu chỉ bị tổn thương nhẹ, hắn sẽ trả thù, nhưng nếu bị tổn thất nặng nề thì hắn sẽ không thể; vì vật khi gây tổn thất cho ai, ta phải làm sao mà không sợ hắn trả thù.
(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)
NGHỊCH ĐẢO
Nguyên tắc này chỉ có thể được bỏ qua trong trường hợp hết sức hãn hữu. Nhưng sẽ có lúc tốt hơn bạn nên để các địch thủ tiêu diệt nhau, nếu có thể được, thay vì mình tự ra tay. Trong chiến tranh chẳng hạn, một vị tướng giỏi biết rằng khi bị dồn vào chân tường, địch quân sẽ đánh trả dữ dằn hơn. Chính vì thế đôi lúc ta nên chừa cho chúng con đường thoát. Khi rút lui, sức lực địch sẽ bị bào mòn, và việc lui quân còn làm cho chúng xuống tinh thần nhiều hơn là nếu bị thua trên chiến địa. Do đó trong tình thế có nhiều địch thủ đang sắp cạn kiệt sức – và phải chắc chắn là chúng không còn khả năng phục hồi – bạn có thể để chúng tự hủy diệt.
Cuối cùng khi bị ta nghiền nát, địch thủ thù ta sâu đậm đến nỗi nhiều năm sau vẫn tìm cách báo oán. Hòa ước Versailles gây ra hiệu ứng tương tự đối với người Đức. Về sau này có người lý luận rằng có lẽ tốt hơn nếu hòa ước ấy khoan dung hơn. Vấn đề là khi khoan dung ta bị rủi ro khác – tạo điều kiện cho kẻ thù có cơ hội phục hận. Trong hầu hết trường hợp, tốt hơn ta nên nghiền nát đối phương.