Nguyên Tắc 28

Phải Xuất Chiêu Thật Táo Bạo

Nếu không biết rõ chiều hướng sự việc, tốt hơn bạn không nên thử. Những nghi ngờ và do dự sẽ ảnh hưởng đến hành động của bạn. Nhút nhát sẽ là nguy hiểm, chẳng thà xuất chiêu thật táo bạo. Bất cứ lỗi nào lỡ phạm phải trong lúc táo bạo sẽ được dễ dàng sửa chữa bằng mức táo bạo cao hơn. Người nào cũng thán phục kẻ táo bạo, không ai tôn vinh kẻ nhút nhát.

TÁO BẠO VÀ DO DỰ: SO SÁNH TÂM LÝ

Sự táo bạo và do dự dấy lên những phản ứng tâm lý rất khác nhau nơi đối tượng: Sự do dự dựng nên nhiều chướng ngại trên đường đi của ta, còn táo bạo lại quét sạch chúng. Một khi hiểu điều này rồi, ta sẽ thấy cốt yếu là mình phải khắc phục tính nhút nhát bẩm sinh và thực hiện nghệ thuật của sự táo bạo. Dưới đây là những điểm tâm lý nổi bật nhất của sự táo bạo và nhút nhát.

Lời nói dối càng táo bạo càng hiệu quả. Chúng ta ai cũng có điểm yếu, và nỗ lực của ta không bao giờ hoàn hảo. Nhưng nếu táo bạo ra tay, ta sẽ che giấu được nhược điểm. Các bậc thầy lừa đảo biết rằng lời nói dối càng táo bạo thì càng thuyết phục. Câu chuyện càng trơ tráo thì mọi người càng tin. Khi chuẩn bị lừa đảo hoặc sắp bước vào cuộc thương lượng, ta hãy nhấn sâu hơn dự kiến. Hãy đòi cho được mặt trăng và ta sẽ ngạc nhiên tại sao có được quá dễ dàng.

Sư tử bao vây con mồi chần chừ. Giác quan thứ sáu của con người có thể phát hiện sự yếu đuối của kẻ khác. Nếu trong lần đầu tiên gặp gỡ mà ta đã tỏ ý muốn thỏa thuận hoặc thoái lui, ta sẽ mở cũi cho con sử từ trong lòng ngay cả những người không hề khát máu. Mọi thứ đều tùy vào tri giác ấy, và một khi bị phát hiện là người dễ bước lui, là người muốn mặc cả và dễ cúi đầu, ta sẽ bị xỏ mũi một cách không thương tiếc.

Sự táo bạo giáng đòn sợ hãi, sợ hãi tạo ra uy quyền. Động tác táo bạo giúp ta trông lớn lao và mạnh mẽ hơn thực tế. Nếu động tác đó xảy ra đột ngột và nhanh chóng như rắn mổ, đối thủ còn sợ hơn nữa. Được như vậy, xem như ta thiết lập một tiền lệ: mỗi lần đụng độ, kẻ thù sẽ lâm vào thế thủ, lo âu về chiêu tiếp theo của ta.

Đi không hết đường, làm không hết lòng là tự đào mồ. Nếu ra tay mà không được niềm tin trọn vẹn, ta đã tự dựng chướng ngại trên đường của mình. Khi gặp vấn đề, ta sẽ lúng túng, tưởng có nhiều lựa chọn nhưng thật ra thì không, từ đó tạo thêm nhiều vấn đề nữa. Nhác thấy thợ săn, chú thỏ rừng hoảng sợ đâm đầu chạy ngay vào bẫy sập.

Do dự tạo kẽ hở, táo bạo bịt kín chúng. Khi phải mất thời gian suy nghĩ đắn đo, ta đã tạo ra kẽ hở, tạo cơ hội cho thiên hạ suy nghĩ. Cho dù đồng minh của ta có nhiệt huyết cách mấy thì sự nhút nhát của ta cũng lây sang họ, làm họ lúng túng. Rồi sự nghi ngờ sẽ bung ra từ mọi phía. Sự táo bạo sẽ bịt kín những khe hở ấy. Thao tác nhanh và hành động quyết liệt không chừa cho kẻ khác thời gian nghi ngờ và e ngại. Khi chinh phục, hễ do dự là ta chết – vì lúc đó đã bị nạn nhân phát hiện ý đồ.

Sự táo bạo giúp ta nổi bật giữa đám cừu. Sự táo bạo giúp sự hiện diện của ta thêm phần cụ thể, biến ta to lớn hơn thực tế. Kẻ nhút nhát chìm mất trong nền giấy dán tường, còn người táo bạo thì thu hút sự chú ý, và điều gì thu hút chú ý thì thu hút quyền lực. Chúng ta không thể rời mắt khỏi kẻ gan dạ - ta luôn ngóng xem hành động táo bạo tiếp theo sẽ là gì.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Monsieur Lustig

Vào năm 1925, năm trong số những đại gia thành công nhất trong ngành thu mua phế liệu ở Pháp bỗng được mời dự cuộc họp “chính thức” nhưng “hết sức bí mật” với ông phó một tổng cục thuộc Bộ Bưu điện. Cuộc họp được tổ chức tại Hotel Crillon, lúc đó là khách sạn sộp nhất Paris. Khi các đại gia tới, đích thân ông tổng cục trưởng, Monsieur Lustig, tiếp đón họ tại một dãy phòng sang trọng ở tầng chót.

Các doanh gia không biết chủ đề của cuộc họp và tất cả đều thắc mắc. Sau tuần rượu khai vị, tổng giám đốc giải thích: “Thưa các vị, điều tôi sắp nói là vấn đề khẩn cấp, đòi hỏi bí mật tuyệt đối. Chính phủ sắp phải tháo dỡ nguyên ngọn tháp Eiffel.” Các đại gia sững sờ ngồi im lặng nghe tổng giám đốc nói tiếp rằng, như thông tin báo chí, hiện ngọn tháp hết sức cần được đại tu. Nhưng vì hiện nay nước Pháp đang trong giai đoạn khủng hoảng tài chính nên chính phủ không thể bỏ ra tiền triệu để trùng tu. Nhiều cư dân Paris coi bảo tháp này như cái gai đâm vào mắt và tỏ ý hoan hô nếu chính phủ dẹp quách nó đi. “Thưa các vị,” Lustig kết luận, “Chính phủ mời các vị đưa ra giá thầu hấp dẫn nhất cho tháp Eiffel.”

Tổng giám đốc phát cho các doanh gia nhiều hồ sơ đầy số liệu, chủ yếu là khối lượng sắt thép của tháp. Họ trợn tròn mắt khi tính nhẩm số tiền kiếm được từ đống phế liệu ấy. Sau đó Lustig mời họ ra chiếc ô tô sang trọng đang chờ sẵn chở họ ra chân tháp. Mang vào một phù hiệu chính thức, ông ta dẫn họ tham quan một vòng khu vực, vừa đi vừa kể chuyện tiếu lâm. Đến lúc kiếu từ, ông cảm ơn và nhắc họ nhớ gửi hồ sơ dự thầu đến khách sạn trong vòng bốn ngày.

Thời gian sau, đại gia P. nhận được thư thông báo mình là người trúng thầu, và để bảo đảm vụ mua bán, ông phải đến khách sạn trong vòng hai ngày, cầm theo tấm ngân phiếu hơn 250.000 franc (tương đương 1.000.000 USD hiện nay) - một phần tư giá bán. Điều kiện là khi giao ngân phiếu, ông sẽ nhận được tài liệu chứng nhận quyền sở hữu tháp Eiffel. Monsieur P. rất phấn khích, bởi lẽ lịch sử sẽ ghi nhận ông là người đã mua và tháo dỡ cái cột mốc khó ưa đó. Nhưng khi cầm ngân phiếu đến khách sạn, ông lại bắt đầu nghi ngờ về toàn bộ chuyện này. Tại sao lại gặp gỡ trong khách sạn thay vì trụ sở Nhà nước? Tại sao mình chưa nghe tăm hơi gì của các viên chức chính phủ khác? Hay đây chỉ là cú lừa? Trước khi Lustig đang bàn bạc các chi tiết tháo dỡ, doanh nhân do dự và tính chuyện rút lui.

Nhưng đột nhiên ông nhận ra là ngài tổng cục trưởng vừa đổi giọng. Thay vì nói về ngọn tháp, ông ta lại than phiền về đồng lương không đủ sống, về việc bà xã ao ước có cái áo lông thú, nào là công việc nặng nhọc nhưng thu nhập không bao nhiêu. Ông P. chợt hiểu ra rằng ngài tổng cục trưởng đang muốn được hối lộ. Thay vì tức tối, đằng này ông nhẹ hẳn cả người. Giờ thì ông đã chắc ăn rằng nhân vật Lustig là thật, vì những quan chức Pháp trước đây ông từng liên hệ, người nào cũng đòi tí bôi trơn. Lấy lại được lòng tin, P. nhét cho ngài tổng cục trưởng vài vé, rồi trao ngài tờ ngân phiếu. Ngài Lustig giao cho P. toàn bộ hồ sơ tháp Eiffel, trong đó có một giấy chứng nhận mua bán trông thật ấn tượng. P. rời khách sạn với những hình ảnh vàng son về tiền tài và danh vọng sắp thu về.

Tuy nhiên vài ngày sau trong khi chờ hồi đáp của chính phủ, ông ta ý thức rằng có điều gì đó không ổn. Chỉ vài cú điện thoại sau đó đã khẳng định là chẳng có tổng cục trưởng nào tên là Lustig cả, và cũng không có kế hoạch tháo dỡ Eiffel: Ông vừa bị bịp mất hơn 250.000 franc!

Ông P. không bao giờ đến cảnh sát khai báo. Ông biết thanh danh mình sẽ ra sao nếu mọi người đồn đại rằng mình là nan nhận của một trong những cú lừa ngoạn mục nhất lịch sử. Ngoài sự nhục nhã nơi công cộng, còn là việc tự sát về mặt kinh doanh.

>

Diễn giải

Nếu tay đại bịp Bá tước Victor Lustig thử rao bán Khải hoàn môn, một chiếc cầu trên sông Sein, một tượng bán thân của Balzac có lẽ sẽ không ai tin ông mà bị mắc lừa. Nhưng tháp Eiffel thì to lớn quá, không lẽ nào người ta lại trâng tráo lừa bịp bằng cách rao bán nó? Khả năng này thấp đến nỗi sáu tháng sau cú lừa kể trên, Lustig trở lại Paris để rao bán một lần nữa tháp Eiffel cho một tay buôn phế liệu khác với một giá cao hơn - số tiền đó ngày nay tương đương 1.500.000 USD!

Mắt người ta bị lừa một khi quy mô quá lớn. Cái to lớn sẽ làm người ta phân tâm và sợ hãi, cái to lớn nó hiển nhiên đến mức chúng ta không thể tưởng tượng có ai đó mang ra lừa bịp. Vậy bạn hãy tự trang bị bằng sự to lớn và táo bạo - mở rộng cú lừa của bạn cho hết cỡ, rồi lại vượt qua cỡ đó. Nếu cảm thấy gã nhẹ dạ kia có nghi ngờ, bạn hãy làm như Lustig đã làm: Thay vì nhượng bộ, thay vì giảm giá, ông ta lại tăng giá, bằng cách yêu cầu và được hối lộ. Khi ta thừa thắng xông lên thì đối phương sẽ lui một bước, xem như ta đã loại trừ được tác động ăn mòn của sự thỏa hiệp và hiềm nghi.

Ivan Bạo chúa

Trong giờ phút lâm chung vào năm 1533, Vasily III, Thượng công vùng Moscow đồng thời là người trị vì một nước Nga bán thống nhất đã tuyên bố đưa con trai ba tuổi là Ivan IV làm người kế vị. Vợ ông là Helena được chỉ định nhiếp chính cho đến khi Ivan trưởng thành và có khả năng trị vì. Giới quý tộc - bọn boyar - mừng thầm trong bụng: Từ nhiều năm nay, các công tước vùng Moscow luôn ra sức mở rộng lãnh thổ sang lãnh địa của boyar. Với cái chết của Vasily, với đứa con mới ba tuổi và một thiếu phụ nhiếp chính, bọn boyar sẽ có cơ chiếm đoạt sở hữu của các vị công tước, giành quyền lãnh đạo đất nước và làm nhục hoàng gia.

Sau 5 năm nhiếp chính, bỗng dưng Helena lăn đùng ra chết vì độc dược của gia tộc Shuisky, băng boyar đáng sợ nhất. Kế tiếp, bọn này giành chính quyền và giam lỏng Ivan trong cung điện.

Và như thế năm lên tám tuổi, Ivan như một bóng ma thất thểu, rách rưới, đói khát ngay trong cung điện của mình, thường khi phải tránh mặt bọn Shuisky, nếu không sẽ phải ăn đòn. Thỉnh thoảng chúng lại truy cho ra Ivan, bắt nhà vua trẻ con mặc đủ long bào, cầm trượng và ngồi lên ngai vàng - một dạng chế giễu để chúng cười nhạo kỳ vọng làm vua của Ivan. Sau đó chúng lại suýt đuổi Ivan đi chỗ khác chơi. Tất cả những ai có quan hệ với Ivan đều bị ngược đãi tương tự, kể cả đức Tổng giám mục.

Ivan phải liên tục ngậm đắng nuốt cay như thế. Bọn boyar xem như kế hoạch mình đã thành công: Ivan đã trở thành một thằng khờ khiếp đảm và ngoan ngoãn. Đến giai đoạn này thì chúng có thể yên tâm và bỏ mặc mà không cần theo dõi. Nhưng vào đêm 29 tháng 12 năm 1543, khi đó được 13 tuổi, Ivan mời vương tôn Andrei Shuisky đến phòng mình để tham vấn. Khi bước vào phòng, Shuisky kinh ngạc nhận thấy quân ngự lâm đông kín. Trỏ thẳng vào mặt Shuisky, Ivan ra lệnh bắt giam, sau đó hành quyết hắn rồi quăng thây cho đám chó săn trong cũi. Những ngày sau đó, tất cả những ai có liên quan mật thiết với Shuisky đều bị bắt. Không kịp trở tay vì sự táo bạo thần tốc, rất cả các boyar giờ đây sống trong sự khiếp đảm chết người đối với chàng trai đó, mà sau này được mệnh danh là Ivan Bạo chúa. Ivan đã trù hoạch và chờ đợi suốt 5 năm để thực hiện tiết mục táo bạo và thần tốc, bảo đảm quyền lực ổn định trong suốt nhiều thập niên tiếp theo.

Diễn giải

Thế giới này đầy dẫy các boyar - những người ghét bỏ ta, e sợ tham vọng của ta và khư khư ôm lấy cái vương quốc đang teo dần của họ. Ta muốn thiết lập quyền uy và nhận được sự kính trọng, nhưng khi vừa cảm thấy điều đó thì chúng lập tức ngăn cản bước tiến của ta. Khi gặp trường hợp tương tự, Ivan giả tảng, không tỏ ra giận dữ, không tiết lộ tham vọng. Khi thời cơ đến, Ivan ra đòn nhanh như chớp và bọn Shuisky không kịp phản ứng.

Với bọn boyar, nếu thương lượng tức là ta tạo thời cơ cho chúng. Chúng sẽ biến sự thỏa thuận thành bàn đạp để tiến công ta. Ta phải ra tay nhanh chóng và táo bạo, không bàn bạc hoặc cảnh báo gì cả, như thế mới dẹp tan những bàn đạp ấy mà thiết lập uy quyền. Ta làm những ai từng hồ nghi và khinh miệt ta phải giật mình hoảng sợ, đồng thời chiếm được niềm tin của số đông luôn ngưỡng mộ và tôn vinh kẻ táo bạo.

Tay biếm táo bạo

Năm 1514, chàng trai Pietro Aretino 22 tuổi là kẻ giúp việc hèn mọn cho một gia đình La Mã giàu có. Anh có tham vọng trở thành cây bút sắc sảo, cho cả thế giới biết đến tên mình, nhưng làm sao mà một tên hầu vô danh lại có thể thành tựu những ước mơ ấy?

Cùng năm đó, Giáo hoàng Leo X được Bồ Đào Nha gửi tặng nhiều món quà quý báu, mà nổi bật nhất là một con voi, con đầu tiên được nhìn thấy kể từ thời đế chế. Giáo hoàng rất thích con voi và làm mọi chuyện để săn sóc nó thật chu đáo. Nhưng dù vậy, thời gian sau voi Hanno vẫn bệnh nặng và chết.

Chỉ vài ngày sau có bài viết được lưu truyền khắp La Mã khiến mọi người cười đau bụng. Với tựa đề “Ước nguyện cuối cùng và di chúc của voi Hanno”, sách có đoạn: “Tôi để lại cho người thừa kế là Hồng y Santa Croce cặp đầu gối để ông có thể bắt chước tôi quỳ… Để lại cho Hồng y Santi Quatro các quai hàm để ông dễ bề nhai nuốt tất cả tiền đóng góp… Để lại cho Hồng y Medici đôi tai, giúp ông nghe hết những chuyện của người khác...” Vì nổi tiếng háo sắc, Hồng y Grassi được voi truyền lại cho bộ phận tương ứng và to quá khổ trên thân thể.

Bài viết cứ tiếp tục như thế và không chừa những gương mặt bự nào ở La Mã, ngay cả Giáo hoàng. Mỗi người đều bị biếm bằng chính cái thói hư tật xấu của họ. Bốn câu thơ cuối bài viết gián tiếp cho biết tác giả là Aretino xấu mồm xấu miệng.

Diễn giải

Chỉ với một bài chỉ trích, Aretino, một tên hầu và là con một ông thợ đóng giày đã nổi tiếng ngay. Tất cả mọi người ở La Mã đều đổ xô đi tìm hiểu xem ai là người táo bạo đó. Ngay cả Giáo hoàng cũng cảm thấy buồn cười vì sự dám làm ấy nên sai người tìm cho ra chàng trai và cuối cùng cũng cho anh ta một công việc trong tòa thánh. Sau này mọi người gọi Aretino là “Tai họa của các ông hoàng”, và ngòi bút chua ngoa của anh ta làm nhiều ông lớn phải e dè và ngán ngẩm, từ vua nước Pháp đến hoàng đế Habsburg.

Chiến lược của Aretino thật đơn giản: Khi quá nhỏ bé và vô danh như David trước kia, ta hãy tấn công đối thủ cỡ Goliath. Mục tiêu càng to thì ta càng được chú ý. Cú tấn công càng táo bạo thì ta càng nổi bật khỏi đám đông và càng được ngưỡng mộ. Xã hội này đầy những kẻ dám nghĩ nhưng lại không dám làm. Bạn hãy nói lên những gì công chúng nghĩ - biểu lộ những cảm xúc được sẻ chia luôn là một sức mạnh. Hãy tìm ra mục tiêu to lớn nhất rồi bung cho hắn một phát ná mạnh bạo. Thế giới sẽ thích thú với cảnh này và hoan hô kẻ yếu thế - chính là bạn đấy.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Hầu hết chúng ta đều nhút nhát. Ta tỏ ra dễ thương để tránh những căng thẳng và xung đột. Có thể ta muốn chuyện táo bạo nhưng ít khi dám ra tay. Ta sợ hậu quả, sợ ý kiến thiên hạ, sợ thái độ thù địch sẽ dấy lên nếu ta dám bước ra khỏi chỗ đứng thường lệ của mình.

Mặc dù che giấu sự nhút nhát sau bức bình phong là nể nang người khác, là để không đụng chạm họ, nhưng thực tế lại khác – ta chỉ quan tâm đến bản thân, lo âu cho chính mình, e dè những gì người khác nghĩ. Ngược lại sự táo bạo lại hướng ra ngoài và làm cho chủ thể cảm thấy dễ chịu hơn, vì mức độ tự giác và dồn nén thấp hơn.

Điều này dễ thấy ở lĩnh vực chinh phục. Kẻ tán gái giỏi nhất luôn là người mặt dày nhất. Sự táo bạo của Casanova không phải là việc ông ta dám xáp vô bất kỳ phụ nữ nào, không phải là những lời lẽ liều lĩnh để lung lạc nàng. Đó là khả năng dâng nộp mình hoàn toàn cho người đẹp và làm nàng tin rằng ông ta sẽ làm mọi thứ trên đời này vì nàng, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Người phụ nữ được lựa chọn ấy biết rằng ông ta không giấu nàng bất cứ điều gì, và điều này rõ ràng là giá trị hơn những lời ca ngợi. Trong quá trình chinh phục, không bao giờ Casanova để lộ chút do dự hoặc hồ nghi, đơn giản bởi vì ông không có những xúc cảm ấy.

Chúng ta thích thú khi được người khác ve vãn một phần là vì ta cảm thấy tràn ngập, không còn là mình và quên đi những hoài nghi thường nhật. Nếu kẻ chinh phục do dự trong chốc lát thì xem như sự mê hoặc tan mất, vì ta đã ý thức được những gì đang diễn ra, ý thức được chủ tâm chinh phục của hắn. Sự táo bạo hướng sự chú ý ra phía khác và giữ cho ảo tưởng luôn sống động. Sự táo bạo không bao giờ làm cho ta bị lọng cọng hoặc lúng túng. Vì vậy ta ngưỡng mộ người táo bạo, luôn muốn ở gần người ấy, bởi vì vẻ tự tin của họ lan sang ta và lôi kéo ta ra khỏi thế giới suy nghĩ hướng nội.

Ít ai táo bạo bẩm sinh. Ngay cả Napoléon cũng phải tập thói quen ra chiến trường, mà ông ta biết rằng đó là vấn đề sống chết. Ở những nơi hội họp lịch sự, ông thường vụng về và e dè, nhưng sau đó ông tập vượt qua những điểm yếu ấy để trở nên táo bạo mọi lúc mọi nơi, vì ông đã nhận ra sức mạnh lớn lao của sự táo bạo, vốn làm cho một người trở nên lớn lao hơn. Chúng ta cũng thấy điều tương tự xảy ra nơi Ivan Tàn bạo: Một đứa bé hiền lành đột nhiên trở thành càng thiếu niên mạnh mẽ và quyền uy, đơn giản chỉ nhờ dám chỉ thẳng ngón tay và ra chiêu táo bạo.

Bạn phải thực hành và phát triển tính táo bạo. Bạn sẽ thường xuyên dùng đến. Chỗ tốt nhất để bắt đầu là lĩnh vực tế nhị của việc thương lượng, đặc biệt là khi nào bạn được mời ra giá trước. Biết bao lần ta tự hạ thấp khi đưa ra yêu cầu quá nhỏ bé. Khi đề nghị triều đình Tây Ban Nha tài trợ cho chuyến hải hành đến châu Mỹ, Christopher Columbus đưa ra yêu cầu ngông cuồng là được phong chức “Đại đô đốc trùng dương”. Triều đình chấp thuận. Cái giá ông đưa ra là cái giá ông nhận được – ông đòi hỏi mọi người phải kính trọng mình thì ông được kính trọng. Henry Kissinger cũng biết rằng khi thương lượng, những yêu cầu táo bạo sẽ có lợi hơn là bắt đầu bằng những nhượng bộ từng phần để hy vọng gặp được phe bên kia ở nửa đường. Hãy đặt giá thật cao, và rồi như Bá tước Lustig đã làm, ta lại nâng giá cao thêm nữa.

Bạn hiểu như thế này: Nếu tính táo bạo không bẩm sinh thì sự nhút nhát cũng không. Đó là thói quen mắc phải, hình thành từ ước mong né tránh sự đối đầu. Nếu lỡ đã bị nhút nhát bám rễ thì bạn hãy nhổ bật rễ nó đi. Việc bạn sợ hậu quả của việc làm táo bạo thì không cân xứng với thực tế, và thật ra hậu quả của sự nhút nhát còn tồi tệ hơn nữa. Giá trị của bạn bị hạ thấp và bạn tạo ra một cái vòng luẩn quẩn từ nghi ngờ sinh tai họa. Hãy nhớ: Những vấn đề gây ra bởi một hành động táo bạo rất dễ được ngụy trang, thậm chí sửa chữa được bằng hành động táo bạo hơn nữa.

Hình ảnh:

Hổ và thỏ. Bước tiến của hổ không có kẽ hở - động tác của nó quá lẹ làng, hàm răng nó quá nhanh và khỏe. Con thỏ đế sẽ làm mọi thứ để thoát nguy, nhưng trong khi vội vàng rút lui bỏ chạy, nó lại rơi tòm vào miệng hố.

Ý kiến chuyên gia:

Tôi tin chắc rằng hễ mãnh liệt thì hay hơn là cẩn trọng, bởi vì thần may mắn là một phụ nữ, và nếu muốn làm chủ nàng, nhất thiết bạn phải chinh phục bằng sức mạnh. Và ta có thể nói rằng nàng sẽ cúi đầu trước người táo bạo hơn là những kẻ rụt rè. Và vì thế, giống như một phụ nữ, nàng luôn là bạn của tuổi trẻ, bởi vì tuổi trẻ ít cẩn trọng, khí thế hơn và làm chủ nàng táo bạo hơn.

(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

NGHỊCH ĐẢO

Ta không nên lấy tính táo bạo làm chỗ dựa cho tất cả mọi chiến lược. Táo bạo là một vũ khí chiến thuật, phải dùng đúng thời điểm. Ta phải suy nghĩa và trù tính trước, đến phút chót mới xuất chiêu táo bạo để giành thắng lời. Nói cách khác, vì táo bạo là một phản ứng phải rèn luyện mới có, nên ta phải tập làm chủ và sử dụng nó tùy ý. Trên đời này nếu chỉ dùng mỗi tính táo bạo, ta có thể suy yếu và mất mạng. Ta sẽ gặp rủi ro mất lòng quá nhiều người, điều mà những kẻ không làm chủ được sự táo bạo của mình đã chứng minh. Ví dụ như Lola Montez: Nhờ táo bạo nàng đã chinh phục được vua Bavaria và đạt đỉnh vinh quang. Nhưng vì không làm chủ được tính nết ấy nên sự táo bạo cũng làm nàng rớt đài. Chỉ cần táo bạo thêm chút nữa thì đã thành tàn ác, thậm chí điên rồ. Ivan Bạo chúa cũng bị cùng số phận: Khi sức mạnh của sự táo bạo đưa ông đến thành công thì ông lại sa lầy vào đó, đến mực sự táo bạo ấy đã trở thành một mô hình của tàn nhẫn và bạo dâm suốt một đời. Ivan đã không còn khả năng nhận biết khi nào nên táo bạo khi nào không.

Sự nhút nhát không có chỗ trong lĩnh vực quyền lực. Tuy nhiên sẽ có lợi khi thỉnh thoảng ta làm bộ nhút nhát. Tất nhiên vào những thời điểm đó thì không còn là tính nhút nhát nữa mà là thứ vũ khí tấn công: Ta đang đánh lừa người khác bằng màn trình diễn e thẹn, với mục đích để sau đó xuất chiêu vũ bão hơn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện