Nguyên Tắc 29
Trù Liệu Tương Lai: Vạch Kế Hoạchnhất Quán Đến Tận Cùng
Mục đích là tất cả. Hãy lập kế hoạch cho đến cùng đích, nghi nhận mọi hậu quả, chướng ngại và may rủi khả dĩ đánh đổ công sức của mình và làm người khác vinh quang. Hãy lên kế hoạch cho đến cùng, bạn sẽ không bị các tình huống lấn át và bạn sẽ biết khi nào nên dừng. Hãy nhẹ nhàng dẫn lối cho cơ may và góp phần định hướng tương lai bằng cách tiên liệu thật xa.
VI PHẠM NGUYÊN TẮC
Năm 1510 một chiếc thuyền khởi hành từ đảo Hispaniola (hiện nay là Haiti và Cộng hòa Dominica) để đến Venezuela, với nhiệm vụ giải cứu một thuộc địa của Tây Ban Nha đang bị vây hãm. Thuyền ra khơi được vài hải lý, người ta thấy một kẻ đi lậu chui ra từ tủ đựng thực phẩm. Đó là Vasco Núñez de Balboa, một quý tộc Tây Ban Nha từng đến Thế giới Mới tìm vàng nhưng sau đó đã sạt nghiệp nợ lút đầu và lẩn trốn các chủ nợ bằng cách trốn trong tủ.
Balboa bị vàng ám ảnh từ khi Columbus trở về Tây Ban Nha với những chuyện kể về một vương quốc mang tên El Dorado chưa bao giờ được khám phá. Balboa là một trong những người đầu tiên lên đường tìm xứ sở vàng ấy với quyết tâm rằng mình sẽ là người đầu tiên phát hiện. Bây giờ khi không còn bị chủ nợ rượt đuổi, sẽ không có gì ngăn cản ông được.
Rủi thay chủ tàu Francisco Fernández de Enciso, một luật gia giàu có lại nổi trận lôi đình khi biết tin kẻ đi lậu vé nên ra lệnh thủy thủ trói Balboa bỏ lên hòn đảo đầu tiên bắt gặp. Tuy nhiên khi chưa kịp tìm ra hải đảo nào thì Enciso nhận được tin báo cái thuộc địa cần phải giải cứu kia giờ đã được sơ tán. Đây là cơ hội bất ngờ cho Balboa. Ông ta kể cho thủy thủ đoàn nghe về những chuyến du hành trước đó đến Panama và về những gì mình nghe thấy về thiên đường vàng. Đám thủy thủ phấn khích, thuyết phục Enciso tha mạng cho Balboa và thiết lập một thuộc địa tại Panama, đặt tên là “Darien”.
Thống đốc đầu tiên của Darien là Enciso, nhưng Balboa không phải là kẻ để cho người khác cướp sáng kiến. Ông ta rỉ tai các thủy thủ và sau đó họ nói thẳng là đã bầu Balboa làm thống đốc. Sợ bị sát hại, Enciso trở về Tây Ban Nha. Vài tháng sau, một đại biểu của vương triều Tây Ban Nha đến trình thư bổ nhiệm mình chính thức làm thống đốc mới, nhưng ông bị thuộc địa từ chối. Trên đường trở về Tây Ban Nha ông bị chết đuối. Mặc dù cái chết này là do tai nạn, nhưng luật lệ Tây Ban Nha thời bấy giờ cho rằng chính Balboa đã sát hại quan thống đốc để soán quyền.
Trước đây, tính khoác lác từng cứu Balboa được nhiều bàn thua nhưng giờ đây mọi hy vọng vinh hoa phú quý xem như đổ biển. Giả dụ có may mắn tìm được El Dorado và muốn tuyên bố quyền sở hữu thì ông cũng phải được sự chấp thuận của vua Tây Ban Nha – mà tư thế một kẻ ngoài vòng pháp luật như Balboa sẽ không bao giờ nhận được. Chỉ còn một giải pháp duy nhất. Các thổ dân da đỏ ở Panama đã kể cho ông nghe về một đại dương mênh mông ở bờ bên kia eo đất Trung Mỹ, và nếu hướng về phía nam theo bờ biển phía tây eo đất đó, ông sẽ đến một vùng đất đầy vàng mà thổ dân gọi một cái tên gì đó giông giống như “Biru”. Balboa quyết định mình sẽ du hành xuyên qua những rừng rậm đầy bất trắc của Panama và trở thành người châu Âu đầu tiên vọc chân xuống đại dương mới ấy. Từ đó ông sẽ tiến đến El Dorado. Nếu nhân danh vua Tây Ban Nha mà thực hiện việc này, ông sẽ nhận được lòng biết ơn vĩnh viễn của nhà vua cùng với lệnh ân xá - với điều kiện là phải ra tay trước khi chính quyền Tây Ban Nha đến bắt ông.
Vì vậy vào năm 1513, Balboa khởi hành với 190 binh lính. Mới nửa cuộc hành trình băng qua eo đất (khoảng 90 dặm), đoàn chỉ còn 60 lính, phần còn lại đã bỏ mạng vì các điều kiện khắc nghiệt – côn trùng hút máu, những trận mưa như thác, sốt rét rừng. Cuối cùng, từ một đỉnh núi cao, Balboa trở thành người Âu châu đầu tiên trải mắt nhìn Thái Bình Dương. Những ngày sau đó, ông phất cờ Castile và tuyên bố vùng biển, đất liền và hải đảo thuộc về hoàng gia Tây Ban Nha.
Khi thổ dân đến tặng ông nhiều vàng bạc đá quý, Balboa hỏi xuất xứ thì họ chỉ về hướng Nam, vùng đất dân Inca. Nhưng lúc đó vì chỉ còn sót vài binh sĩ nên Balboa quyết định trở lại Darien, gửi ngọc ngà châu báu về Tây Ban Nha để tỏ thiện chí, đề nghị cấp trên chi viện một đạo quân lớn nhằm giúp ông chinh phục El Dorado.
Khi những tin này truyền về tới Tây Ban Nha, tên tội phạm cũ trở thành anh hùng và phút chốc được bổ nhiệm làm thống đốc vùng đất mới. Tuy nhiên trước khi tin đó tới được Tây Ban Nha thì nhà vua đã sai Pedrarias xuất một đoàn thuyền đi bắt Balboa về xử, sau đó năm quyền khu thuộc địa. Đến khi tới Panama, Pedrarias mới nhận được lệnh hỏa tốc của vua tha tội cho Balboa và cả hai cùng chia sẻ quyền thống đốc.
Về phần mình Balboa cũng không thoải mái. Ông chỉ mơ có vàng và chỉ ao ước đến được El Dorado. Ông từng suýt mất mạng mấy lần trong khi theo đuổi mục tiêu này và sẽ không thể chấp nhận chia sẻ vinh hoa phú quý với gã mới tới. Balboa cũng được tin rằng Pedrarias là người ganh tỵ và rất khó chịu với tình huống phát sinh. Một lần nữa, Balboa chọn giải pháp dẫn đầu đoàn quân đông đảo, mang theo vật liệu và đồ nghề đóng tàu, xẻ rừng ra biển. Ông nói với Pedrarias rằng một khi đến bờ Thái Bình Dương, ông sẽ thành lập đội hải thuyền tiến chiếm lãnh thổ Inca. Pedrarias chấp thuận kế hoạch này, có lẽ đoán là nó sẽ không thể thành công.
Hàng trăm người đã bỏ mạng trong chuyến băng rừng lần thứ hai, những cây gỗ mang theo để đóng thuyền đều mục vì thời tiết. Như thường lệ, Balboa không mảy may nản chí và khi đến bên kia eo đất, ông cho binh sĩ đốn cây làm thuyền. Tuy nhiên số người còn lại quá ít và bệnh yếu, không thể tiến hành xâm lược, vì vậy một lần nữa Balboa phải quay về Darien.
Pedrarias mời Balboa ra ngoài doanh trại để bàn bạc một kế hoạch mới, với sự hiện diện của Francisco Pizarro, người bạn cũ từng đồng hành với Balboa lần đầu tiên băng qua eo đất. Tuy nhiên lần này Balboa sập bẫy vì Pizarro dẫn theo hàng trăm lính bắt Balboa để giao cho Pedrarias xử trảm về tội phản nghịch. Vài năm sau đó, Pizarro dẫn quân đến Peru và mọi kỳ công của Balboa rơi vào quên lãng.
Diễn giải
Hầu hết mọi người đều hành xử bằng trái tim chứ không bằng khối óc. Kế hoạch của họ mơ hồ và khi gặp tình huống, họ phải ứng biến. Nhưng ứng biến chỉ giúp bạn chống chọi cho đến khi gặp đợt khủng hoảng tiếp theo. Ứng biến không thể nào thay thế được việc trù bị trước nhiều bước và vạch ra kế hoạch cho đến tận cùng.
Tuy ước mơ được vinh hoa phú quý nhưng Balboa lên kế hoạch rất mơ hồ. Do đó những công trạng táo bạo của ông, việc phát hiện Thái Bình Dương đều bị quên lãng, bởi vì ông phạm phải lỗi lầm lớn nhất trong thế giới quyền lực: Chỉ đi nửa đường, để cửa cho người khác vào chiếm mất. Một người quyền lực thực sự sẽ nhìn xa trông rộng, thấy được đối thủ đang muốn giành phần, những con kền kền sắp lao xuống khi nghe được tiếng “vàng”. Lẽ ra Balboa nên giữ kín thông tin về lãnh thổ Inca cho đến khi xâm lược Peru. Chỉ như vậy thì tài sản và tính mạng ông mới bảo toàn. Khi Pedrarias vừa đến nơi, nếu là người quyền lực và sáng suốt, lẽ ra Balboa đã thủ tiêu hoặc bắt giam hắn, sử dụng đạo quân của hắn để tiến chiếm Peru. Chỉ như vậy thì tài sản và tính mạng ông mới bảo toàn. Khi Pedrarias vừa đến nơi, nếu là người quyền lực và sáng suốt, lẽ ra Balboa đã thủ tiêu hoặc bắt giam hắn, sử dụng đạo quân của hắn để tiến chiếm Peru. Nhưng Balboa như gà mắc tóc, chỉ biết phản ứng theo cảm xúc chứ không có tư duy sáng tạo.
Có được ước mơ lớn nhất thế giới mà làm gì nếu để người khác cuỗm mất mọi lợi lộc và vinh quang? Bạn đừng để bị lạc hướng với một ước vọng mơ hồ và bỏ ngỏ - hãy trù liệu cho đến mục đích sau cùng.
TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC
Năm 1863, thủ tướng Phổ là Otto von Bismarck sát sao theo dõi bàn cờ quyền lực Âu châu. Các kỳ thủ chính là Anh, Pháp và Áo. Bản thân Phổ là một trong những nước thành viên của liên minh Đức. Là thành viên chi phối liên minh, nước Áo xoay xở để những thành viên khác luôn chia rẽ và trong thế yếu để chịu cúi đầu. Bismarck tin rằng nước Phổ phải làm điều gì lớn lao hơn là tên hầu cho nước Áo.
Sau đây là những nước cờ của Bismarck. Trước tiên ông gây chiến với nước Đan Mạch nhỏ bé để thu hồi những vùng đất trước đây của Phổ là Schleswig-Holstein. Biết rằng tin về một nước Phổ độc lập sẽ làm Pháp và Anh quan ngại, Bismarck nêu tên nước Áo trong cuộc chiến đấu, tuyên bố rằng mình thu hồi Schleswig-Holstein vì nước Áo. Vài tháng sau khi chiến tranh đã ngã ngũ, ông đòi hỏi rằng những vùng đất ấy phải thuộc về Phổ. Tất nhiên người Áo rất điên tiết, nhưng họ phải thỏa thuận: Trước hết họ ứng thuận cho Phổ lấy Schleswig, và một năm sau cũng bán luôn Holstein cho Phổ. Thế giới bắt đầu thấy Áo đang yếu thế và Phổ đang lên.
Nước cờ thứ hai của Bismarck là nước cờ táo bạo nhất: Năm 1866 ông thuyết phục vua William rút lui khỏi khối liên minh Đức và như thế có nghĩa là lâm chiến với Áo. Cả hoàng hậu, cả thái tử cùng cả lãnh đạo những vương quốc khác trong khối đều phản đối cuộc chiến này. Nhưng Bismarck vẫn ngoan cường dấn thân, và cuối cùng quân đội hùng mạnh của Phổ đánh tan quân Áo trong cuộc chiến rất tàn bạo được gọi là “Chiến tranh bảy tuần”. Lúc đó vua và các tướng lãnh Phổ muốn tiến về thủ đô Vienna, chiếm được của Áo càng nhiều đất càng tốt. Nhưng Bismarck ngăn cản họ và tỏ rõ khuynh hướng hòa bình. Kết quả là ông ký được với Áo một hiệp ước, theo đó Phổ và các nhà nước Đức khác được toàn quyền tự quyết. Giờ đây Bismarck đã đưa Phổ lên hàng thế lực thống trị ở Đức và đứng đầu Hiệp bang Bắc Đức vừa được thành lập.
Pháp và Anh bắt đầu so sánh Bismarck với Attila gã hung nô và e sợ Bismarck có tham vọng đối với toàn châu Âu. Mỗi khi đã dấn thân vào con đường chinh phục rồi thì sẽ không có gì ngăn cản ông được nữa. Và tất nhiên ba năm sau đó, Bismarck gây chiến với Pháp. Thoạt tiên ông ra vẻ bằng lòng để cho Pháp thôn tính nước Bỉ, rồi đến phút chót ông lại đổi ý. Với trò mèo vờn chuột như thế, Bismarck khiến hoàng đế Napoléon III nổi điên, rồi Bismarck lại còn thúc giục vua Phổ chống lại nước Pháp. Năm 1870 không ai ngạc nhiên khi chiến tranh nổ ra. Liên minh Bắc Đức nhiệt tình tham gia đánh Pháp, và một lần nữa bộ máy quân sự hùng mạnh của Phổ và các đồng minh đánh tan quân địch chỉ trong vài tháng. Mặc dù Bismarck không dự tính chiếm bất kỳ phần đất nào của Pháp, song cuối cùng các tướng lãnh thuyết phục ông đưa Alssace-Lorraine vào liên minh.
Giờ đây khắp châu Âu đều e sợ nước tiếp theo của con quái vật Phổ. Quả đúng như vậy, một năm sau Bismarck thành lập đế chế Đức, mà tân hoàng đế chính là vua Phổ. Nhưng sau đó xảy ra việc lạ là Bismarck không gây ra cuộc chiến nào nữa cả. Và trong khi các thế lực Âu châu giành giật đất đai ở những châu lục khác để thành lập thuộc địa, ông nghiêm khắc giới hạn việc nước Đức lập thuộc địa. Ông không cần có thêm đất đai cho người Đức, mà chỉ cần thêm an ninh. Phần còn lại của cuộc đời, ông dành cho việc gìn giữ hòa bình tại châu Âu và ngăn chặn nhiều cuộc chiến. Mọi người bảo rằng ông đã thay đổi, năm tháng đã xoa dịu con người này. Nhưng họ không hiểu thấu sự thật là ông đã đi đến tận cùng của kế hoạch.
Diễn giải
Tại sao hầu hết mọi người đều không biết khi nào nên dừng cuộc tấn công? Bởi vì họ không có ý niệm cụ thể gì về mục đích cuối cùng. Mỗi khi chiến thắng họ lại muốn chiến thắng nữa. Việc dừng lại - nhắm đến mục tiêu rồi bám theo mục tiêu ấy – hình như không phải là tính cách của con người. Nhưng thật ra đó mới là cốt yếu để duy trì quyền lực. Những ai đi quá xa trong đà chiến thắng sẽ tạo ra phản ứng trước sau gì cũng đưa đến chỗ suy vong. Giải pháp duy nhất là trù bị kế hoạch dài lâu. Hãy thấy trước tương lai thật rõ ràng như những vị thần trên non Olympus có khả năng nhìn xuyên mây và thấy rõ đoạn kết của nhiều điều.
Từ khi khởi đầu sự nghiệp chính trị, Bismarck chỉ có một mục tiêu duy nhất: thành lập một Nhà nước Đức độc lập do Phổ đứng đầu. ông ta khai chiến với Đan Mạch không để chiếm đất mà dấy lên tinh thần dân tộc Phổ và sự đoàn kết quốc gia. Ông gây chiến với Áo chỉ để giành độc lập cho Phổ (chính vì thế mà ông không muốn lấn đất của Áo). Và ông khởi chiến với Pháp là để quy tụ các vương quốc Đức chống lại kẻ thù chung, từ đó chuẩn bị cho việc hình thành nước Đức thống nhất.
Khi đã đạt được mục đích, Bismarck dừng lại. Ông không để men chiến thắng làm mê mờ đầu óc, cưỡng lại hồi còi thúc giục giành thêm. Bismarck nắm cương thật chặt và mỗi khi các tướng lãnh, vua quan hoặc nhân dân Phổ muốn thấy nhiều cuộc chinh phục nữa, ông cản họ lại. Ông không để bất kỳ điều gì làm hỏng vẻ đẹp công trình của mình, chắc chắn không phải là một cơn mê say giả tạo vốn có khả năng thúc đẩy nhiều người quanh ông vượt quá mục tiêu ban đầu mà ông đã dự trù kỹ lưỡng.
Kinh nghiệm cho thấy rằng, hễ ai có khả năng tiên liệu
thật xa các ý đồ sẽ thực hiện, thì người đó có thể
hành động chớp nhoáng khi thời cơ đến.
(Hồng y Richelieu, 1585 - 1642)
CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC
Theo vũ trụ quan Hy Lạp cổ đại, các vị thần có khả năng biết trước tương lai. Họ biết đường tơ kẽ tóc những gì sắp xảy ra. Mặt khác, loài người bị xem là nạn nhân của số phận, kẹt trong cái bẫy thời gian và cảm xúc, không thể thấy điều gì phía sau những hiểm nguy trước mắt. Những anh hùng như Odysseus vốn có khả năng nhìn xa hơn hiện tại để tính trước nhiều bước, có vẻ như họ thách thức số phận, gần như là những vị thần trong việc tiên đoán tương lai. Sự so sánh này cho đến nay vẫn có giá trị - trong số chúng ta, ai có khả năng dự báo và kiên nhẫn thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra, người đó có quyền lực như thần.
Vì hầu hết mọi người quá bị kẹt trong thời gian nên không thể lên kế hoạch lâu dài, cho nên khả năng phớt lờ những mối nguy và khoái lạc trước mắt đồng nghĩa với quyền lực. Đó là cái khả năng chiến thắng khuynh hướng tự nhiên của con người là phản ứng với tình huống, buộc mình phải lùi lại để trù liệu những gì to lớn hơn đang hình thành ở phía sau điều đang diễn ra trước mắt. Nhiều người tưởng mình nhìn thấy tương lai, rằng mình biết lên kế hoạch và trù liệu. Nhưng thật ra họ chỉ làm theo điều mong muốn, theo hình ảnh về một tương lai mà họ muốn phải như thế. Kế hoạch họ mơ hồ, dựa vào trí tưởng tượng hơn là thực tế. Họ tưởng mình đã tổ chức chu đáo đến tận cùng, nhưng thật ra họ chỉ tập trung vào một loại kết thúc có hậu, tự đánh lừa bằng sức mạnh của mơ ước.
Năm 415 TCN, cư dân thành phố Athens tấn công đảo Sicily vì tin rằng chiến thắng sẽ mang về của cải, quyền lực và một kết thúc có hậu cho Cuộc chiến Peloponnese kéo dài 16 năm. Họ không cân nhắc hết những mối nguy khi tiến hành chiến tranh xâm lược quá xa nhà, họ không ngờ rằng người Sicily càng chống trả mãnh liệt hơn khi mọi việc diễn ra trên sân nhà họ, họ không dự trù trường hợp tất cả những kẻ thù khác của Athens thừa cơ này liên kết chống lại, họ không tưởng tượng được cuộc chiến này mở ra quá nhiều mặt trận, dàn lực lượng họ ra quá mỏng. Cuộc viễn chinh ấy là một tai họa trăm phần, dẫn đến việc hủy hoại một trong những nên văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử. Động cơ thúc đẩy người Athens tham chiến chính là những cảm xúc chứ không phải tư duy. Họ chỉ thấy cơ may chiến thắng chứ không thấy những mối nguy lờ mờ từ xa.
Hồng y De Retz, một người Pháp hồi thế kỷ XVII từng tự hào về những cái nhìn thấu đáo về những ý đồ của con người và nguyên nhân thất bại chủ yếu của những ý đồ ấy đã phân tích câu chuyện sau: Năm 1615 khi vua Louis XIV còn trẻ, một số thành phần đã nổi loạn tạo phản. Đột nhiên nhà vua và triều đình rời bỏ Paris đến cư ngụ ở một cung điện bên ngoài thủ đô. Trước đó, sự có mặt của vua quá gần với đầu não trung ương của lực lượng cách mạng đã tạo rất nhiều khó khăn cho họ, vì vậy khi vua rời đô, họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng sau này họ mới hiểu ra mình đã sai lầm, vì khi rời khỏi Paris, triều đình dễ bề xoay sở hơn. Hồng y De Retz nhận xét: “Nguyên nhân phổ biến nhất khiến mọi người phạm lỗi là họ quá sợ mối nguy trước mắt, nhưng không đủ sợ về những gì ở xa hơn.”
Ta sẽ tránh được biết bao lỗi lầm nếu dự liệu những nguy hiểm từ xa. Ta sẽ bỏ ngay một số kế hoạch nếu biết rằng mình đang tránh một vỏ dưa nhỏ chỉ để dẫm lên một vỏ dừa lớn hơn. Ở đây sức mạnh không xuất phát từ những gì ta làm, mà chính từ những gì ta không làm - những hành động bừa bãi và dại dột mà ta dằn lại được trước khi chúng dẫn ta vào rắc rối. Hãy lên kế hoạch chi tiết trước khi hành động. Liệu điều đó có những hậu quả khôn lường nào? Liệu ta có tạo thêm những kẻ thù mới? Trong đời, điều bất hạnh phổ biến hơn là sự may mắn - đừng để những kết cục có hậu của trí tưởng tượng làm bạn lạc hướng.
Những cuộc bầu cử tại Pháp năm 1848 chủ yếu là sự so kè giữa Louis Adolphe Thiers, người chủ trương trật tự và tướng Louis Eugène Cavaignac, kẻ kích động quần chúng thuộc phe hữu. Khi ý thức rằng mình bị bỏ rơi khá xa phía sau, Thiers cuống cuồng tìm phương cứu chữa. Ông để ý đến Louis Napoléon, cháu hai đời của cựu hoàng, hiện là một thành viên mờ nhạt trong Nghị viện. Gã Napoléon này nhìn có vẻ khờ khờ, nhưng ngược lại chỉ với cái họ của ông ta thôi cũng đủ để đắc cử trong một đất nước đang khát khao một nắm đấm quyền lực. Thiers chọn ông ta làm bù nhìn và dự định xong xuôi sẽ đẩy ông về vườn. Phần một được thực hiện đúng kế hoạch, Louis Napoléon thắng đậm. Vấn đề ở chỗ Thiers đã không tiên liệu một sự thật đơn giản: Cái “gã khờ” đó thật ra là một gã đầy tham vọng. Chỉ ba năm sau, Louis Napoléon giải tán nghị viện, tự xưng hoàng đế và trị vì nước Pháp suốt 18 năm liên tiếp trước sự sững sờ của Thiers và đồng đảng.
Mục tiêu là tất cả. Đó là kết thúc của loạt hành động xác định xem ai được vinh quang, được giàu sang, được lợi lộc. Bạn phải vạch mục tiêu thật rõ ràng và luôn nhớ nghĩ đến nó. Bạn phải nghĩ cách xua đuổi bầy kền kền đang vần vũ chực chờ bổ nhào xuống xơi tái công trình của bạn. Và phải tiên liệu những tình huống khả dĩ buộc bạn ứng biến. Bismarck vượt qua hiểm nguy là nhờ ông đã lên kế hoạch đến tận cùng, giữ vững hướng đi đã định xuyên qua bão tố, và không để kẻ khác giành mất vinh quang. Khi đã đạt được kế hoạch đề ra, ông rút lui vào vỏ như một con rùa. Sự tự chủ đó chính là thần lực.
Khi đã thấy trước nhiều nước cờ và tính toán mọi chuyện đến cùng, bạn sẽ không còn bị giục giã bởi xúc cảm hoặc toan tính ứng biến. Cái nhìn xuyên suốt và trong trẻo kia sẽ giúp bạn quẳng đi những mối lo lắng và hồ nghi vốn là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người thất bại. Bạn thấy rõ mục tiên và không chấp nhận bất kỳ sự chệch hướng nào.
Hình ảnh:
Những vị thần trên đỉnh Olympus. Từ trên nhìn xuống xuyên mây, họ biết trước mọi kết cục của những giấc mơ vàng dẫn đến bi kịch và tai họa. Và họ cười nhạo vì con người không thể nhìn xa hơn thời điểm hiện tại, vì con người tự đánh lừa mình.
Ý kiến chuyên gia:
Chúng ta không nên như cọng lau sậy kia, khi mới nhú lên thì lao thẳng một đường dài, nhưng sau đó như thể đã hụt hơi… lại sinh nhiều mấu cứng, chứng tỏ không còn hơi sức và sinh lực ban đầu. Tốt hơn ta nên khởi hành nhẹ nhàng và từ tốn, để dành hơi cho cuộc chạm trán, để dành sức đột phá để hoàn thành kế hoạch. Khi bắt đầu, chúng ta điều khiển và làm chủ sự việc. Nhưng thường thì khi đã khởi động rồi, chính sự việc lại lèo lái và càn lướt chúng ta.
(Montaigne, 1533-1592)
NGHỊCH ĐẢO
Điều đã trở thành thông lệ với các chiến lược gia là kế hoạch luôn phải linh động và có phần trù bị những phương án thay thế. Điều này chắc chắn đúng. Nếu bám cứng nhắc vào một kế hoạch, bạn sẽ không thể ứng phó khi thời cơ lật lọng. Khi đã xem xét kỹ lưỡng mọi khả năng và chọn xong mục tiêu, bạn phải xây dựng các phương án thay thế, để ngỏ cho những lộ trình mới tiến tới mục tiêu.
Tuy nhiên nếu so sánh giữa việc bám quá cứng vào kế hoạch hoặc kế hoạch hóa quá trớn, với một kế hoạch mơ hồ và khuynh hướng tùy cơ ứng biến thì hầu hết chúng ta sẽ thiệt nhiều hơn khi rơi vào trường hợp sau. Vì vậy đi tìm một nghịch đảo cho nguyên tắc này là không có lợi, vì chắc chắn sẽ không tốt đẹp gì khi ta không tiên liệu và lên kế hoạch đến tận cùng. Nếu đủ khả năng sáng suốt và nghĩ xa, bạn sẽ hiểu rằng tương lai thật bất định, và bạn nên sẵn sàng thích nghi. Chỉ khi nào đã xác định mục đích rõ ràng và thảo xong kế hoạch cặn kẽ rồi, bạn mới đảm đương nổi quyền tự do linh động đó.