Nguyên Tắc 39

Đục Nước Béo Cò

Về mặt chiến lược, cảm xúc và sân hận hết sức phản tác dụng. Bạn phải luôn bình tĩnh và khách quan. Nhưng nếu có thể chọc cho kẻ thù nổi giận trong khi bạn vẫn giữ được bình tĩnh thì rõ ràng bạn được rất nhiều lợi thế. Hãy làm cho đối thủ mất quân bình: Hãy tìm cho ra khe hở trong tính cách của họ để chọc vào, xem như bạn nắm quyền điều khiển.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Tháng giêng 1809, Napoléon vội vã tạm gác những trận đánh với Tây Ban Nha để trở về Paris. Nhóm tình báo vừa xác nhận tin đồn rằng vị bộ trưởng ngoại giao của ông là Talleyrand thông đồng với bộ trưởng công an Fouché để chống lại ông. Về đến kinh thành, Napoléon lập tức triệu tập nội các họp khẩn. Trong không khí căng thẳng, Napoléon đi tới đi lui dông dài bóng gió về bọn âm mưu tạo phản, về lũ đầu cơ lũng đoạn thị trường chứng khoán, về những nhà lập pháp cố tình trì hoãn chính sách - và chính nội các đang phá hoại ông.

Talleyrand thản nhiên dựa và lò sưởi như thể không có liên quan cả. Nhìn thằng vào mặt viên bộ trưởng, Napoléon nhấn mạnh đến sự mưu phản. Nhưng Talleyrand chỉ mỉm cười, vẻ mặt bình tĩnh nhưng chán chường.

Thái độ này làm Napoléon điên tiết lên, không dằn lòng được nên thét lên: “Ngươi là tên hèn nhát, không có lòng trung. Với ngươi không có gì là thiêng liêng cả. Ngay cả cha ngươi, ngươi cũng có thể bán. Ta đã ban cho ngươi của cải ngập đầu, vậy mà ngươi không từ bất kỳ việc gì để hãm hại ta”. Các vị bộ trưởng khác nhìn nhau không thể nào tin - chưa bao giờ họ chứng kiến vị đại tướng anh dũng này, người vừa chinh phục hầu hết châu Âu lại trong tình trạng mất bình tĩnh như thế.

“Lẽ ra ta phải nghiền nát ngươi như kính vỡ,” Napoléon tiếp tục sôi máu. “Ta có thể dễ dàng làm điều đó, nhưng không thèm làm cho bẩn tay. Tại sao ta lại không cho treo cổ ngươi lên công điện Tuileries nhỉ? Nhưng không sao, vẫn còn dịp mà”. Mặt đỏ ngầu, mắt dần lồi ra, Napoléon hét đến hụt hơi: “Nhân tiện ta nói cho biết, ngươi chỉ là cục phân trong chiếc vớ lụa... Còn vợ ngươi thì sao? Ngươi chưa bao giờ báo ta biết rằng San Carlor chính là tình nhân của vợ ngươi sao?” “Quả nhiên, thưa hoàng thượng, thần không hề nghĩ rằng thông tin đó có ảnh hưởng gì đến sự vinh quang của ngài hay của bề tôi này ạ”. Talleyrand điềm nhiên trả lời, không chút bối rối. Chửi bới thêm vài câu nữa, Napoléon bỏ đi. Talleyrand từ từ bước ra cửa với dáng khập khiễng quen thuộc. Trong khi một phụ tá giúp ông mặc áo khoác, ông quay lại các vị bộ trưởng đang sững sờ: “Tội quá, thưa các vị, thật tội khi một người vĩ đại mà lại cư xử khiếm nhã như thế”.

Tuy rất giận dữ nhưng Napoléon lại không hạ lệnh bắt giữ Talleyrand mà chỉ truất hết quyền hành và trục xuất khỏi chính phủ, cho rằng trừng phạt ông ta bằng cách làm nhục như thế cũng đủ rồi. Napoléon không ngờ những lời lẽ hồ đồ của ông được gió mang đi rất xa – dân chúng biết rõ về việc hoàng đế mất hết tự chủ bị Talleyrand làm bẽ mặt bằng thái độ điềm tĩnh và tự trọng.

Diễn giải

Phải còn sáu năm nữa mới diễn ra trận Waterloo, nhưng Napoléon đã bắt đầu xuống dốc, mà cột mốc xâm lược bất thành vào năm 1812 ở Nga. Talleyrand là người đầu tiên nhận thấy sự suy thoái đó, đặc biệt là cuộc chiến phi lý với Tây Ban Nha. Ông ta cho rằng Napoléon phải ra đi để cho tương lai châu Âu được ổn. Từ đó ông bắt tay với Fouché.

Có thể mưu đó đơn giản chỉ là một cái kế để đẩy Napoléon đến bờ vực. Có thể cả hai chỉ quậy cho nước đục lên, làm hoàng đế mất phương hướng và sa chân. Tất cả mọi người đều chứng kiến việc Napoléon giận quá mất khôn, từ đó tin đồn truyền lan ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh công cộng của ông ta.

Đó là cái giá phải trả khi ta giận dữ. Thoạt tiên trận lôi đình có thể gây ra sợ hãi, nhưng chỉ với vài người, và khi trời quang mây tạnh thì nhiều hiệu ứng khác mới xuất hiện – ngượng ngùng, khó chịu và hờn ghét. Khi mất bình tĩnh, ta luôn lên án một cách bất công và thái quá. Chỉ cần vài lần như vậy là mọi người bắt đầu tính đến xem ta còn tại vị bao lâu.

Biết rõ hai vị bộ trưởng quan trọng trong âm mưu tạo phản, Napoléon có quyền nổi giận. Nhưng khi phản ứng sân si và công khai như thế, ông chỉ chứng tỏ được rằng mình thất bại, rằng mình không còn điều khiển được tình thế. Đó là loại hành động của một đứa trẻ phải khóc lên để được nuông chiều. Người mạnh mẽ không bao giờ để lộ điểm yếu đó.

Trong tình huống kể trên, Napoléon vẫn còn cách khác. Ông có thể đối thoại với họ để hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ chống đối. Ông có thể thuyết phục họ. Thậm chí ông vẫn có thể âm thầm thanh toán họ, tống giam hay xử tử để chứng tỏ quyền lực của mình. Không phải nhiều lời, không nên ấu trĩ, không hiệu ứng bất lợi - chỉ cần hạ thủ thất dứt khoát và êm thấm.

Bạn hãy luôn nhớ rằng cơn giận dữ không bao giờ làm người khác vì sợ mà phải trung thành. Giận dữ chỉ làm người khác khó chịu và nghi ngờ về uy quyền của bạn mà thôi. Những trận bộc phát lôi đình đó để lộ những nhược điểm và báo trước sự sụp đổ.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Vào cuối thập niên 1920, Haile Selassie đã tiến dần đến mục tiêu kiểm soát toàn bộ đất nước Ethiopia. Đang giữ vai trò nhiếp chính cho nữ hoàng Zauditu, người sắp kế vị ngai vàng. Selassie đã bỏ nhiều thời gian và công sức để mài mòn sức chống phá các sứ quân khắp Ethiopia. Giờ đây chỉ còn một trở ngại thực sự cho cơ đồ Selassie: nữ hoàng và chồng của bà, Ras Gugsa. Biết cả hai đều ghét bỏ và muốn tống khứ mình, Selassie liền ra tay trước bằng cách bổ nhiệm Gugsa làm tỉnh trưởng tỉnh cực Bắc Begemeder.

Suốt nhiều năm Gugsa ẩn nhẫn làm tròn nhiệm vụ, nhưng Selassie vẫn không tin tưởng, vì biết rằng cả hai vợ chồng đều nung nấu phục thù. Vì thời gian cứ trôi nhưng Gugsa vẫn án binh bất động, cơ hội mưu đồ càng lúc càng tăng. Selassie quyết quậy phá cho Gugsa bất ổn, khích hắn động thủ trước khi hắn hoàn toàn chuẩn bị xong.

Từ nhiều năm nay bộ lạc Azebu Gallas ở miền Bắc luôn tiềm tàng nổi loạn chống lại vương triều, thường xuyên cướp phá và từ chối đóng thuế. Selassie không ra tay dẹp loạn mà cứ để yên cho họ ngày một hùng mạnh. Đến năm 1929 ông lệnh cho Gugsa dẫn quân tiễu phạt. Mặc dù ngoài mặt vâng lệnh nhưng trong lòng giận sôi – Gugsa không chút ác cảm nào đối với dân Azebu Gallas. Vì không thể bất tuân thượng lệnh, anh ta vẫn tổ chức đoàn quân, nhưng song song lại cho người tuyên truyền rằng Selassie thông đồng với giáo hoàng, dự định cải tạo lại đất nước sang Công giáo La Mã, biến Ethiopia thành thuộc địa của Italia. Quân đội của Gugsa ngày càng lớn mạnh, và đã có vài bộ lạc bí mật chấp nhận cùng chiến đấu chống Selassie.

Tháng 3 năm 1930, đội quân hùng mạnh 35.000 người cất bước, không Bắc tiến để tiễu phạt Azebu Gallas mà lại hướng về thủ đô Addis Ababa. Gugsa giờ đây công khai mở cuộc thánh chiến để hạ bệ Selassie và trả đất nước về cho những người công giáo thực sự. Nhưng anh ta không phát hiện cái bẫy đã giăng sẵn.

Trước khi lệnh cho Gugsa tiến đánh Azebu Gallas, Selassie đã tranh thủ Giáo hội Ethiopia. Mặt khác, ông ta mua chuộc các đồng minh chủ chốt của Gugsa. Khi đoàn quân Gugsa Nam tiến, máy bay chính phủ rải truyền đơn cho biết các giới chức cao cấp của Giáo hội Ethiopia đã công nhận Selassie là lãnh đạo Công giáo thật sự của đất nước, đồng thời đã rút phép thông công đối với Gugsa vì tội tạo phản. Lập tức tinh thần của đạo hùng binh kia nao núng. Khi giờ tập kết xung trận sắp điểm, chờ mãi vẫn không thấy các cánh quân đồng minh xuất hiện, binh sĩ của Gugsa bắt đầu bỏ trốn hoặc chạy sang hàng ngũ đối phương.

Phiến quân hoàn toàn sụp đổ. Rus Gugsa không chịu đầu hàng nên tử trận. Nữ hoàng tuyệt vọng và vài ngày sau qua đời. Đến 30 tháng 4, Selassie ban hành tuyên cáo tự phong hoàng đế Ethiopia.

Diễn giải

Haile Selassie luôn tính trước nhiều nước. Ông ta biết nếu để Gugsa chọn thời gian và địa điểm tiến hành đảo chính, mối nguy sẽ to hơn là dụ anh ta hành động theo các điều kiện của mình. Vì vậy Selassie khích Gugsa động thủ: Chọc tức tự ái đàn ông bằng cách sai anh ta tiến đánh bộ lạc không thù không oán, mà lại nhân danh người mình ghét nhất. Vì đã dự tính sẵn, Selassie chắc chắn cuộc nổi loạn sẽ chẳng về đâu và còn trở thành cái cớ để thành toán cùng lúc hai địch thủ cuối cùng.

Đây chính là cốt yếu của Nguyên tắc này: Khi vũng nước còn tĩnh thì đối phương sẽ đủ không gian thời gian sắp xếp lớp lang những động tác mà chúng sẽ khởi sự và kiểm soát. Vì vậy ta phải quậy cho nước vẩn đục, buộc cá phải trồi lên, giục đối phương phải hành động trước khi hoàn toàn sẵn sàng, xem như ta đã giành thế chủ động. Cách hay nhất là thao túng những cảm xúc khó kiểm soát – tự hào, kiêu căng, yêu ghét. Càng sân si, đối phương càng khó kiểm soát tình huống, và cuối cùng sẽ chết đuối vì bị cuốn vào trũng nước xoáy mà ta tạo ra.

Quốc chủ chớ nên tiến quân trong cơn giận dữ,

lãnh tụ không được khởi chiến giữa lúc lôi đình

(Tôn Tử)

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Người giận dữ rốt cuộc trông thật lố bịch vì phản ứng của họ quá trớn nếu so với nguyên nhân của cơn giận. Họ nhận thức sự việc quá nghiêm trọng, cường điệu sự xúc phạm mà họ phải chịu. Họ nhạy cảm với mọi đụng chạm nên cho đó là chuyện cá nhân, vì vậy mới nực cười. Mà điều buồn cười hơn nữa chính là việc họ tưởng cơn giận bùng nổ là đồng nghĩa với sức mạnh. Sự thật lại ngược hẳn: Dễ cáu là dấu hiệu của sự yếu kém. Khi ta nổi giận, người khác có thể tạm thời e sợ, nhưng cuối cùng họ hết kính nể ta. Họ cũng nhận ra rằng họ có thể dễ dàng làm ta suy yếu một kẻ ít tự chủ như thế.

Tuy nhiên giải pháp không phải là đè nén cơn giận hay những phản ứng xúc phạm khác, bởi vì sự đè nén làm tổn hao sinh lực và khiến ta cư xử lạ lùng. Ngược lại, ta cần thay đổi góc nhìn: Phải nhận thức rằng ở lĩnh vực xã hội, và trong trò chơi quyền lực, không gì mang tính cá nhân cả.

Ai cũng bị cuốn vào một chuỗi sự kiện từ lâu xa đã an bài giây phút hiện tại này. Cơn phẫn nộ của ta thường xuất phát từ các vấn đề thời trẻ nhỏ, từ các vấn đề của cha mẹ, mà vấn đề của cha mẹ lại bắt nguồn từ thời niên thiếu của họ… Cơn phẫn nộ của ta cũng bắt rễ từ sự tương tác với người khác, từ những thất vọng và đau thương chất chồng. Một cá nhân nào đó có vẻ là người chọc giận, nhưng thật ra sự giận dữ này rắc rối hơn nhiều, đi xa hơn nhiều điều mà cá nhân đó gây ra. Nếu có người đùng đùng nổi giận với ta (và có vẻ như quá lố khi so với điều mà ta gây cho họ), ta hãy tự nhủ rằng cơn giận đó không hoàn toàn dành riêng cho ta. Nguyên nhân có thể to lớn hơn, sâu xa hơn, liên quan đến những tổn thương trong quá khứ, và thật ra không đáng để tìm hiểu. Thay vì cho đó là chuyện cá nhân, ta hãy quan niệm rằng sự bột phát giận dữ ấy ngụy trang một nước cờ hiểm, một mưu toan kiểm soát hay tiến công ta, mưu toan được đặt sau bình phong vết thương lòng và cơn uất hận.

Việc đổi góc nhìn giúp ta chơi trò chơi quyền lực một cách mạnh mẽ và sáng suốt hơn. Thay vì phản ứng quá trớn và mắc mưu vào xúc cảm của thiên hạ, ta nên lợi dụng việc họ mất bình tĩnh để thủ lợi.

Vào thời Tam quốc khi cuộc chiến đang hồi ác liệt, các phụ tá của Tào Tháo khám phá nhiều tài liệu chứng minh một số tướng soái có thông đồng với địch. Họ trưng bày bằng cớ ra và dục Tháo ra lệnh xử tử, nhưng ông ta chỉ đốt bỏ những tài liệu ấy và không nhắc tới nữa. Vào thời điểm trận đánh đang cao trào, nếu mất bình tĩnh sẽ có hại: Nếu Tháo phẫn nộ và làm lớn chuyện, toàn quân sẽ biết các tướng soái bất trung và tinh thần bị tác động. Tháo giữ được bình tĩnh và quyết định sáng suốt.

Ta thử so sánh hành động trên với cách mà Napoléon đối xử với Talleyrand: Thay vì chấp nhận vào âm mưu của vị bộ trưởng và xem đó là xúc phạm cá nhân, hoàng đế nên ứng xử như Tháo, cẩn thận ước lượng hậu quả những việc sắp làm. Rốt cuộc, cách đáp trả hay nhất vẫn là phớt lờ Talleyrand, hoặc dần dà đưa ông ta về “đường ngay nẻo chánh” để trừng trị sau.

Cơn giận dữ chỉ làm ta mất quyền lựa chọn, mà người quyền lực lại không thể lớn mạnh nếu không có quyền lựa chọn. Một khi đã rèn luyện được khả năng không xem mọi việc như là khiêu khích cá nhân, và kiểm soát được phản ứng về mặt cảm xúc, ta đã đưa mình lên vị trí quyền lực: Từ nay trở đi, ta có thể thao túng phản ứng xúc cảm của người khác. Với kẻ dễ bị dao động, ta hãy khích họ động thủ bằng cách chọc vào nam tính, làm họ lầm tưởng sẽ dễ chiến thắng. Ta giả vờ yếu hơn để họ ra tay nhanh chóng mà không kịp suy nghĩ. Một tướng lãnh đạo quân đội tấn công quân thù đông gấp đôi. Ông ra lệnh binh sĩ thắp trăm ngàn bó đuốc khi tiến vào đất địch, hôm sau chỉ thắp một nửa số lượng ấy và ngày kia thắp ba mươi ngàn. Vào đêm hôm đó tướng soái địch tuyên bố quân kia làm đám hèn nhát, chỉ ba ngày sau binh sĩ đã đào ngũ hết nửa. Vì vậy tướng địch để lại phần lớn bộ binh di chuyển chậm, quyết định chớp thời cơ dẫn theo lực lượng trang bị nhẹ tấn công. Tướng này ra lệnh rút lui dụ địch vào hẻm núi, phục kích và tiêu diệt binh tướng địch. Số quân địch còn lại như rắn không đầu nên nhanh chóng đại bại.

Đối diện kẻ thù đang sôi máu, hành động hay nhất là không hành động. Hãy bắt chước Talleyrand: Không gì làm đối thủ điên tiết bằng việc chứng kiến ta vẫn điềm nhiên tự tại. Nếu thích hợp, ta hãy sắm bộ quý phái, vẻ mặt chán trường, không cần chế giễu hay vênh váo mà chỉ thờ ơ. Lúc đó đối phương sẽ phát sốt gần đứt cầu chì và có những lời nói cử chỉ không thể kiềm chế.

Hình ảnh

Ao cá. Ao trong nước lặn cá ẩn mình. Bạn hãy khuấy đục cho cá trồi lên. Khuấy mạnh thêm chúng sẽ nhô lên mặt nước để đớp bất kỳ vật gì trong tầm, kể cả miếng mồi chứa lưỡi câu.

Ý kiến chuyên gia:

Nếu địch nóng tính ta hãy chọc giận. Nếu địch ngạo mạn ta hãy khích vào tính tự cao… Có tài dụ địch manh động là người tạo ra tình huống mà địch không cưỡng lại được, lôi kéo địch bằng chính cái điều mà địch chắc chắn sẽ muốn giành lấy. Ta nhử cho địch luôn manh động rồi tấn công bằng tinh binh.

(Tôn Tử, thế kỉ IV trước công nguyên)

NGHỊCH ĐẢO

Hãy cẩn thận khi thao túng xúc cảm của người khác. Luôn tìm hiểu đối phương thật kỹ lưỡng: Có những con cá mà tốt hơn bạn nên để chúng yên dưới đáy ao.

Giới cầm quyền Tyre, thủ đô nước Phoenicia cổ xưa, tự tin là sẽ chống cự được Alexander đại đế, người từng chinh phục phương Đông những vẫn chưa tiến công Tyre vì thành phố này được bảo vệ bởi vùng biển bao quanh. Họ phái sứ giả đến gặp Alexander bảo rằng mặc dù công nhận ông là hoàng đế nhưng vẫn không cho ông vào Tyre. Tất nhiên điều này khiến ông tức giận và ra lệnh bao vây. Qua bốn tháng, Tyre vẫn đứng vững, cuối cùng Alexander tự nhủ cuộc chiến này là không xứng đáng, tốt hơn nên phái sứ giả đến giảng hòa với Tyre. Nhưng giới cầm quyền Tyre lại quá tự tin khi cho rằng mình đủ sức chống cự, họ từ chối thương lượng và giết sứ giả.

Giọt nước này làm tràn ly. Alexander không còn quan tâm sẽ tốn hao tốn bao nhiêu thời gian hay binh lực để vây hãm Tyre, vì ông dư sức làm điều đó. Ông ra lệnh tổng tiến công liên tục và chỉ vài ngày sau đã hạ thành, ra lệnh đốt sạch không chừa một thứ gì, rồi bán cư dân làm nô lệ.

Bạn có thể nhử kẻ mạnh ra khỏi hang và phân tán lực lượng hẳn như người xưa từng làm, nhưng trước đó nhớ cân nhắc kỹ mọi yếu tố xem kẽ hở ở chỗ nào. Nếu địch không có kẽ hở thì bạn sẽ chẳng lợi ích gì khi chọc tức họ, mà còn có thể mất tất cả. Hãy suy xét kỹ lưỡng xem mình đang nhử loại cá nào, và đừng bao giờ khuấy động cá mập.

Cuối cùng, thỉnh thoảng cũng có lúc việc đùng đùng nổi giận là có ích, với điều kiện là bạn phải ngụy tạo ra cơn giận và kiểm soát được. Lúc ấy bạn có thể lựa chọn nên giận dữ như thế nào, và giận ai. Đừng bao giờ dấy lên những phản ứng về lâu dài sẽ chống lại bạn. Và chỉ nên sử dụng trận lôi đình đó trong những trường hợp rất hiếm, như thế sự giận dữ có hiệu quả và ý nghĩa hơn. Cho dù giận thật hay giận giả, nếu bùng lên quá thường xuyên thì chúng sẽ mất đi sức mạnh.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện