Nguyên Tắc 40

Làm Chủ Đồng Tiền: Sự Hào Phóng Chiến Lược

Quà tặng miễn phí là quà nguy hiểm, thường chứa đựng một cạm bẫy hoặc ngụy trang một món nợ. Điều gì đáng giá thì cũng đáng đồng tiền. Phải biết trả tiền để đừng mang ơn, không mặc cảm và khỏi bị bịp. Và kẻ khôn ngoan thường trả đủ tiền – nếu bạn muốn được thứ tốt nhất thì không nên trả rẻ. Hãy chi tiền rộng rãi để cho đồng tiền luân chuyển, vì sự hào phóng là dấu hiệu quyền lực và thu hút quyền lực.

ĐỒNG TIỀN VÀ QUYỀN LỰC

Trên lĩnh vực quyền lực, mọi thứ phải được xem xét bằng chi phí, mọi thứ đều có cái giá của nó. Điều gì cho không hoặc được giảm giá thường gây tác động về mặt tâm lý – những cảm giác rắc rối về hàm ân, thỏa hiệp với chất lượng khiến ta không được yên ổn. Những quyền lực phải biết cách bảo vệ những tài nguyên giá trị nhất: sự độc lập và phạm vi thao tác. Khi chấp nhận trả trọn giá, họ giữ mình không bị dính líu vào nhiều chuyện phiền hà và nguy hiểm.

Thái độ cởi mở và linh động với tiền bạc cũng giúp ta biết được giá trị của sự hào phóng mang tính chiến lược, chẳng qua là biến thể của cái kế khá xưa là “hãy cho khi ta sắp lấy”. Tặng đúng món quà thích hợp ta đặt người nhận vào tư thế chịu ơn. Thiên hạ sẽ mềm lòng vì sự rộng lượng, từ đó dễ bị bịp. Nếu được tiếng là không câu nệ, ta sẽ để ý đến những trò chơi quyền lực của ta. Biết cách ban phát của cải theo đúng chiến lược, ta làm đẹp lòng những triều thần khác, thu phục được họ thành những đồng minh quan trọng.

Hãy nhìn những bậc thầy về quyền lực – những Caesar, những nữ hoàng Elizabeth, những Michelangelo hoặc Medici: Trong số họ không ai là kẻ keo kiệt. Ngay cả bậc thầy lừa nổi tiếng đều tiêu xài xả láng để bịp thiên hại. Hầu bao thắt chặt quá sẽ không hấp dẫn được ai – khi dấn thân vào một vị chinh phục, Casanova hào phóng xài hết bản thân mình và ví tiền của mình. Người quyền lực hiểu rằng tiền bạc là vật chuyển tải sự biết điều, tính hòa đồng, và món nợ về mặt tâm lý. Họ biến khía cạnh con người của đồng tiền thành vũ khí.

Trên thế gian này, cứ một người biết bày trò với đồng tiền thì lại có hàng ngàn người khác bị chết cứng khi không chịu sử dụng tiền bạc một cách sáng tạo và chiến lược. Những người loại này ở cực ngược lại với kẻ tài ba, và bạn phải học cách nhận ra họ - hoặc để tránh bản chất độc lập của họ, hoặc để lợi dụng tính khư khư của họ:

Con hạm tham lam. Con hạm luôn xóa sạch khía cạnh con người nơi đồng tiền. Lạnh lùng và tàn nhẫn, điều mà họ nhìn thấy chỉ là sổ sách quyết toán vô hồn. Xem người khác như con chốt hoặc vật cản ngoại họ trên con đường mưu cầu phú quý, họ sẽ giẫm đạp lên tình cảm con người và như thế mất đi nhiều đồng minh đáng giá. Không ai muốn giao du với con hạm tham lam, vì vậy qua năm tháng họ sẽ bị cô lập, và đây là thường là nguyên nhân làm họ suy sụp.

Loại người này là mồi ngon của bậc thầy bịp bợm. Bị hấp dẫn bởi đồng tiền dễ kiếm, họ dễ bị dụ vì hầu hết thì giờ đều đầu tư vào những con số (thay vì con người), cho nên họ không biết gì về tâm lý của chính họ. Hoặc bạn tránh xa họ trước khi trở thành nạn nhân, hoặc bạn lợi dụng lòng tham của họ để thủ lợi.

Con ma mặc cả. Người tài ba đánh giá mọi việc qua giá trị của chúng, không chỉ về mặt tiền bạc mà cả mặt thời gian, phẩm cách và tự tại tâm hồn. Và đó chính là điều mà con ma mặc cả không thể. Phí phạm quá nhiều thời gian quý báu cho việc mặc cả, họ luôn thấp thỏm về khả năng tìm được mới khác với giá thấp hơn. Cuối cùng món hàng mà họ cho là “hời” ấy nhiều khi lại quá tệ, phải tốn tiền sửa lại hoặc thay mới. Chi phí phải trả cho việc cầu tìm cái rẻ đó – không phải lúc nào cũng về mặt tiền bạc mà cả thời gian và binh an tâm hồn – sẽ khiến cho người bình thường chùn bước, nhưng đối với con ma mặc cả thì tự thân sự mặc cả đã là cứu cánh.

Hai loại người vừa kể trên có vẻ như chỉ làm hại chính họ, nhưng thái độ họ lại có thể lây lan; Nếu không đủ sức kháng cự, bạn sẽ bị lây nhiễm cái cảm giác rằng lẽ ra mình nên lỗ lực tìm kiếm để phát hiện cái rẻ hơn. Bạn không nên cãi lý hoặc cố thay đổi con người họ. Chỉ cần cộng nhẩm thêm chi phí về thời gian, an tĩnh nội tâm, hao hụt tài chính trá hình trong việc tìm câu phi lý ấy.

Kẻ tàn ác. Những kẻ tàn ác về mặt tài chính thường bày ra nhiều trò quyền lực lại quái gở với đồng tiền nhằm khẳng định thế mạnh. Chẳng hạn họ bắt ta chờ thật lâu để nhận lại số tiền mà họ... nợ ta, vờ nói rằng đã gửi ngân phiếu qua đường bưu điện rồi. Còn khi thuê ta làm việc, họ sẽ can thiệp vào mọi khía cạnh, kiếm chuyện từng chút ta chán ốm. Hình như bọn tàn ác này cho rằng hễ đã trả tiền là họ có quyền lực hành hạ người khác. Nếu lỡ dính dáng với loại người đó, chẳng thà ta chấp nhận thua thiệt một tí về mặt tài chính để rút lui, còn hơn là về lâu về dài sa chân vào những nước cờ tàn phá của họ.

Người biếu xén bừa bãi. Trên con đường mưu cầu quyền lực, sự hào phóng có chức năng nhất định: Thu hút mọi người, làm mềm lòng họ, biến họ thành đồng minh. Nhưng sự hào phóng này phải mang tính chiến lược, chứ không phải là mục đích tự thân. Trong khi đó người biếu xén bừa bãi chỉ hào phóng vì họ muốn được yêu thương và kính nể. Vì vậy sự rộng lượng của họ rất bừa bãi và thiết yếu đến mức không đạt hiệu quả mong muốn: nếu đụng ai cũng cho thì người nhận đâu cảm thấy gì đặc biệt? Loại người biếu xén bừa bãi có vẻ là mục tiêu hấp dẫn, nhưng nếu liên lụy với họ, bạn sẽ cảm thấy nhu cầu tình cảm vô bờ của trở thành gánh nặng.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

El Dorado ảo tưởng

Sau khi Francisco Pizarro chinh phục Peru vào năm 1532, vàng từ đế chế Inca bắt đầu đổ vào Tây Ban Nha, và mọi tầng lớp dân chúng đều mơ về việc làm giàu nhanh chóng ở thế giới mới. Mọi người đồn đại chuyện một lãnh tụ thổ dân phía Đông Peru, cứ mỗi năm đều dát bụi vàng đấy mình rồi lặn xuống ao. Chuyện El Dorado, “Người đàn ông vàng” đó được truyền qua nhiều miệng để cuối cùng trở thành đế chế El Dorado, thịnh vượng hơn cả đế chế Inca, với đường phố và nhà cửa rát vàng. Thiên hạ kháo nhau rằng chuyện như vậy rất có thể có thật, bởi vì một người dám phí phạm bụi vàng như trong ao nước chắc chắn phải trị vì một đế chế vàng. Không lâu sau dân Tân Ban Nha đổ xô sang tìm vàng ở vùng Bắc của Nam Mỹ.

Tháng Hai năm 1541, đoàn thám hiểm lớn nhất do anh của Francisco là Gonzalo Pizarro dẫn đầu rời thủ đô Quito của Ecuador. Hàng ngàn người khí thế hừng hực quyết đòi hỏi cho ra vùng đất vàng. Nhưng có lẽ những thổ dân dọc đường, hoặc là thật tình không biết, hoặc họ muốn giấu đầu mối, nên tất cả đều trả lời chưa bao giờ nghe nói có một vùng đất như vậy. Nổi trận lôi đình, Gonzalo Pizarro tra khảo họ và nếu họ chết thì quăng cho chó ăn. Sự tàn bạo này được nhanh chóng lan truyền, thổ dân hiểu ra rằng cách duy nhất để tránh tai họa là phải thêu dệt nên nhiều chuyện về El Dorado để dẫn Pizarro đi càng xa càng tốt. Chính vì vậy mà cả đoàn thám hiểm lạc vào rừng thiêng.

Lương thực cạn dần, quần áo tả tơi, vũ khí rỉ sét, giày banh ta-lông, tinh thần xuống dốc. Nhóm lao công thổ dân hoặc đã bỏ mạng hoặc trốn mất, người Tây Ban Nha mất phương hướng ngày càng lạc lối. Họ đã ăn hết thực phẩm, heo gà mang theo từ lâu đã không còn, những con lâm tải đạn và chó săn cũng bị thịt tuốt. Với nhóm người Tây Ban Nha ít ỏi còn lại, Pizarro ra lệnh lần dò theo dòng sông trở về Quito. Cuối cùng sang năm sau, nhóm người còn rơi rớt mới về tới nơi. Sau đó họ mới biết mình đã đi lòng vóng trong rừng sâu hơn một năm trời, phí phạm sinh mạng và tiền bạc mà vẫn không tìm ra El Dorado và mỏ vàng ảo tưởng.

Diễn giải

Cho dù đoàn thám hiểm của Pizarro đại bại, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục phái nhiều đoàn khác sang Nam Mỹ quyết tìm cho ra El Dorado. Và cũng như Pizarro trước đó, các conquistador tiếp tục đốt phá làng mạc, tra khảo thổ dân, để rồi sau đó chịu khổ sở trăm bề trong rừng thiêng nước độc, và rồi cuối cùng không tìm được chút vàng nào.

Những cuộc thám hiểm tương tự làm tổn thất hàng triệu sinh mạng của cả thổ dân lẫn người Tây Ban Nha, và sau đó còn góp phần làm sụp đổ đế chế. Vàng trở thành nỗi ám ảnh của nước này. Chút ít vàng do mậu dịch thu được lại chảy về Tây Ban Nha để chi phí cho những chuyến thám hiểm khác, thay vì đầu tư vào nông nghiệp hoặc bất cứ lĩnh vực sản xuất nào khác.

Có nhiều thị trấn ở Tây Ban Nha không còn bóng người vì tất cả đều đổ xô ra nước ngoài tìm vàng. Nông trại bị bỏ hoang, quân đội tuyển không đủ người cho những cuộc chiến ở châu Âu. Đến cuối thế kỷ XVII, dân số Tây Ban Nha đã giảm hẳn một nửa. Từ 400.000 người, thủ đô Madrid lúc đó chỉ còn lại 150.000. Tây Ban Nha tuột xuống con dốc suy tàn và không bao giờ phục hồi lại nổi.

Quyền lực đòi hỏi kỷ luật tự giác. Viễn cảnh giàu sang, nhất là loại giàu sang nhanh chóng đánh rất mạnh vào cảm xúc của chúng ta. Kẻ làm giàu nhanh chóng luôn nghĩ rằng giàu thêm cũng dễ. Ảo tưởng ấy khiến cho kẻ tham lam quên mất những gì mà quyền lực thực sự dựa vào: tự chủ, thiện chí của những người xung quanh v.v. Bạn hãy nhớ rằng chỉ trừ một ngoại lệ duy nhất là cái chết, còn thì hoàn toàn không có thay đổi nào xảy ra chớp nhoáng cho vận hội của cuộc đời. Đồng tiền đến nhanh ít khi lưu cữu, bởi vì nó không đặt trên nền tảng nào vững chắc. Đừng để mãnh lực kim tiền dụ bạn ra khỏi thành trì bền vững của quyền lực thật sự. Hãy lấy quyền lực làm mục tiêu và sau đó tiền bạc tự nhiên sẽ tìm tới bạn. Hãy dành El Dorado cho những kẻ dại dột ngông cuồng.

Tính từng cục gạch

Hồi đầu thế kỷ XVIII tại Anh không ai nổi trội hơn vợ chồng Công tước Marlborough. Sau nhiều chiến dịch chồng Pháp thành công, công tước được xem là vị tường và nhà chiến lược lỗi lạc nhất châu Âu. Về phần bà công tước, sau nhiều thao tác tinh khôn đã trở thành sủng thần của Nữ hoàng Anne. Trận đánh Blenheim năm 1704 khiến cả nước ca ngợi công tước, và nữ hoàng tưởng thưởng cho ông một vùng đất rộng gần trấn Woodstock cùng với ngân quỹ cần thiết để xây dựng cung điện. Đặt tên là Cung điện Blenheim, công tước chọn kiến trúc sư tài ba là John Vanbrugh.

Mặc dù khả năng và thẩm mỹ của Vanbrugh không thể chê vào đâu được, song bà công tước vẫn can thiệp vào công việc của kiến trúc sư và ngay cả thợ thuyền trong từng chi tiết. Mặc dù chính quyền trả tiền vật tư song bà vẫn tính từng xu một. Cuối cùng, vì cứ mãi cằn nhằn cử nhử kiến trúc sư, bà làm rạn nứt quan hệ với nữ hoàng nên bị đuổi khỏi hoàng cung và cấm không cho vào triều. Khi dọn đi, bà công tước gỡ sạch tất cả những gì gỡ được, kể cả tay nắm cửa.

Suốt mười năm sau đó công trình xây dựng tiến hành một lúc lại ngưng vì ngày càng khó giải ngân chính phủ. Bà công tước cho rằng Vanbrugh cố tình hãm hại nên lại càng chi li hơn với từng viên đá cọng kẽm, tố cáo người làm, cai thợ, thầu khoán ăn chặn vật tư. Về phần công tước, vì đã già yếu nên chỉ muốn sớm sủa dọn vào nhà mới để an dưỡng những ngày tháng cuối cùng, nhưng công trình sa lầy vào hàng loạt vụ kiện thưa. Giữa mớ rối bòng bong đó, ông qua đời mà chưa hề ngủ được một đêm nào trong cung điện Blenheim yêu quý.

Công tước chết đi để lại cho vợ tài sản to lớn, quá dư để hoàn thành cung điện. Nhưng không, bà vẫn tiếp tục vặn vẹo bằng cách giữ lại tiền lương của thầy lẫn thợ, và cuối cùng là cho kiến trúc sư nghỉ việc.

Diễn giải

Bà công tước Marlborough dùng tiền để chơi trò quyền lực tàn ác. Bà quan niệm rằng mất tiền bạc là mất quyền uy. Khi cư xử với Vanbrugh, sự méo mó của bà còn tệ hơn thế nữa: vì ông ta là nghệ sĩ lớn nên bà đố kỵ tài sáng tạo và khả năng nổi tiếng quá tầm với của bà. Có thể là bà không có những tài năng đó song lại có đủ tiền bạc đề hành hạ và lạm dụng ông cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất - để cho cuộc đời ông bế mạc luôn.

Tuy nhiên thú tàn ác ấy phải trả giá kinh khủng. Công trình xây dựng lẽ ra chỉ mười năm giờ ngốn mất hai mươi. Thú tàn ác ấy đã đầu độc nhiều quan hệ quý giá, lưu đày bà công tước khỏi triều đình, làm ông chồng đau lòng tột độ (vốn chỉ muốn sống bình yên ở Blenheim), tạo ra nhiều vụ kiện thưa kéo dài, khiến Vanbrugh tổn thọ hết mấy năm. Sau này hậu thế công nhận Vanbrugh là bậc thiên tài, trong khi xem bà công tước hoàn toàn là thứ rẻ tiền.

Kẻ tài ba phải có tâm hồn cao thượng, đừng bao giờ để lộ nét đê tiện nào. Và tiền bạc chính là đấu trường hiển nhiên nhất để phô bày sự rộng lượng hay tính nhỏ nhen. Vì vậy bạn nên xài mạnh tay để được tiếng hào phóng, về lâu về dài sẽ mang lại lãi to. Đừng bao giờ để cho sự tủn mủn về tiền bạc che mất tầm nhìn bao quát, khiến bạn không biết thiên hạ đánh giá mình ra sao. Những cảm xúc tiêu cực của họ sau này sẽ làm bạn trả giá đắt hơn. Và nếu muốn can thiệp vào công việc của những người sáng tạo đang làm mướn cho bạn, tốt hơn bạn nên trả công họ thật hậu hĩ. Đồng tiền sẽ làm họ vui vẻ phục tùng tốt hơn là quyền lực.

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Đồng tiền và vòng xoay quyền lực

Là con của một người thợ đóng giày tầm thường, Pietro Aretino đã vươn lên đài danh vọng nhờ tài viết thi văn châm biếm. Nhưng cũng như mọi nghệ sĩ thời Phục hưng, anh ta cần có mạnh thường quân đỡ đầu, giúp anh ta có thể sống thoải mái nhưng ngược lại không can thiệp vào chuyên môn. Aretino quyết thử một chiến lược mới trong trò chơi bảo trợ.

Rời La Mã đến sống tại Venice nơi mình chưa nổi tiếng, Aretino dùng mớ tiền dành dụm để khoản đãi cả người nghèo lẫn người giàu, bao họ cơm ăn lẫn trò giải trí. Anh ta làm bạn với từng kẻ chèo thuyền, ra tay giúp đỡ người ăn xin, trẻ mồ côi, cô thợ giặt. Thứ dân Venice nhanh chóng đồn đại rằng Aretino không chỉ là văn hào mà còn là người quyền lực – một dạng vương tôn công tử.

Nghệ sĩ và người quyền thế bắt đầu đến nhà Aretino. Chỉ trong vài năm tiếng tăm anh ta đã nổi như cồn. Không quan lớn nào đến Venice mà không ghé thăm anh ta. Tuy làm tiêu tốn khá nhiều tiền dành dụm, nhưng sự rộng lượng đã mua cho Aretino tiếng tăm và ảnh hưởng – nền tảng của quyền lực. Giới quý tộc cho rằng Aretino phải là người có thế lực, vì anh ta xài tiền như người có thế lực. Và bởi vì thế lực của một người thế lực rất đáng mua nên Aretino trở thành mục tiêu của không biết bao nhiêu là bổng lộc. Vương tôn công tử, thương gia giàu có, thậm chí vua chúa, giáo hoàng đều ưu đãi và muốn kết thân với anh ta.

Tất nhiên, sự tiêu sài của Aretino chỉ mang tính chiến lược, và chiến lược đó vận hành rất tốt. Đến lúc này anh ta cần tìm ra một nhà tài trợ với túi tiền không đáy. Sau khi nghiên cứu tình hình kỹ lưỡng, Aretino tập trung vào Hầu tước xứ Mantua, và liền viết một bài anh hùng ca riêng cho hầu tước. Đó là thông lệ thời bấy giời: đổi lại một bài ngợi ca đề tặng, tác giả sẽ đều đặn nhận một khoản tiền nho nhỏ, đủ để sống qua ngày và cho ra sản phẩm kế tiếp, và như thế tác giả luôn sống trong tình trạng lệ thuộc.

Nhưng với Aretino thì khác, anh ta muốn có quyền lực chứ không phải món tiền còm. Anh ta biếu bài anh hùng ca cho hầu tước như là một món quà, chứng tỏ mình không phải là tay bồi bút kiếm tiền độ nhật, qua đó khẳng định người cho và người nhận bình đẳng với nhau.

Việc tặng quà của Aretino không dừng ở đấy: là bạn thân của hai nghệ sĩ tài danh nhất Venice là điêu khắc gia Sansovino và họa sĩ Titian, Aretino thuyết phục họ tham gia vào chiến lược. Vì vậy khi anh ta gửi tặng một lúc những quà tặng từ ba nghệ sĩ lừng danh ở ba lĩnh vực khác nhau, hầu tước mừng không tả xiết.

Chiến lược quà cáp vẫn tiếp tục những tháng sau đó – gươm kiếm, yên cương, vật phẩm nghệ thuật. Và cả ba người bạn cũng nhận đồ lại quả của hầu tước. Và chiến lược còn tiến xa thêm: Khi chàng rể của một người bạn của Aretino bị bắt giam ở Mantua, Aretino nhờ hầu tước can thiệp trả tự do. Là thương gia bậc nhất, người bạn của Aretino rất có thế lực ở Venice và sẵn sàng trả ơn bất kỳ lúc nào Aretino cần. Vòng xoay ảnh hưởng ngày càng lan rộng.

Tuy nhiên về sau mối quan hệ này căng thẳng vì Aretino cho rằng lẽ ra hầu tước phải rộng rãi hơn. Nhưng anh ta không muốn hạ mình xin xỏ hoặc than vãn. Vì việc trao đổi quà tặng đã đặt hai người vào tư thế bình đẳng nên nếu đả động chuyện tiền bạc thì không phải chút nào. Aretino chỉ đơn giản rút lui khỏi vòng thân cận của hầu tước để săn lùng những con mồi giàu có hơn. Đầu tiên anh ta tiếp cận Vua François của nước Pháp, sau đó đến gia đình Medici, rồi Công tước xứ Urbino, kế tiếp là Hoàng đế Charles V và nhiều người khác nữa.

Cuối cùng, có nhiều sư phụ có nghĩa là ta không phải thần phục riêng ai, từ đó quyền lực của Aretino hình như tương đương với những sư phụ ấy.

Diễn giải

Aretino hiểu được hai thuộc tính cơ bản của đồng tiền: Thứ nhất, đồng tiền phải luân chuyển mới phát sinh quyền lực. Điều mà đồng tiền mua không phải là những đồ vật vô tri, nhưng phải là quyền lực đối với mọi người. Khi giữ cho đồng tiền quay vòng không nghỉ, Aretino mua được một vòng xoay ảnh hưởng ngày càng rộng, mà cuối cùng còn mang lại cho anh ta nhiều hơn những gì đã bỏ ra.

Thứ nhì, Aretino hiểu tính chất chủ chốt của quà tặng. Tặng một món quà, điều đó hàm ý rằng ta cao hơn người nhận, hoặc ít nhất cả hai bình đẳng với nhau. Món quà khiến cho người nhận phải mắc nợ hoặc hàm ân. Ví dụ như khi bạn bè tặng ta món gì miễn phí, chắc chắn là họ hy vọng sẽ được lại quả, và ta lại quả vì ta cảm thấy mắc nợ. (Họ có thể ý thức hoặc không ý thức cơ cấu vận hành này, song theo tập quán thì nó là như vậy)

Aretino muốn tránh những vướng mắc tương tự. Thay vì làm lính gác nhờ cậy vào cấp trên để kiếm sống, anh ta hành động ngược lại. Thay vì mắc nợ người quyền lực, anh ta làm cho họ phải mắc nợ trước. Đó là mục tiêu của việc tặng quà, xem như nấc thang đưa Aretino lên đài danh vọng. Đến cuối đời, anh ta trở thành cây bút nổi tiếng nhất châu Âu.

Bạn nên nhớ là tiền bạc có thể quyết định quan hệ quyền lực, nhưng những quan hệ này lại không nhất thiết tùy thuộc vào túi tiền của bạn, mà còn tùy cách bạn xài đồng tiền ấy. Kẻ tài ba tặng cho người khác quà cáp mà không lấy lại tiền vì họ muốn mua ảnh hưởng chứ không cần đồ vật. Nếu vì chưa có tiền tài mà ta phải chấp nhận vị trí thấp kém, có khả năng cả đời ta sẽ không thoát khỏi vị trí ấy. Vậy ta hãy chơi cái trò mà Aretino đã chơi với giới quý tộc Ý: Hãy tưởng tượng mình bình đẳng với họ. Hãy sắm vai vương tôn công tử, hãy ban tặng, hãy mở rộng cửa cho đồng tiền quay vòng, và tạo ra mặt tiền quyền lực qua thuật giả kim biến tiền tài thành danh vọng.

James Rothschild giải khuây dân chúng

Không lâu sau khi làm giàu tại Paris hồi đầu thập niên 1820, Nam tước James Rothschild phải đối đầu với một vấn đề nan giải: Làm cách nào mà một người Đức Do Thái giáo, một người hoàn toàn ngoại lai đối với xã hội Pháp lại có thể thu phục được sự kính nể của tầng lớp thượng lưu Pháp nổi tiếng bài ngoại? Là người hiểu rõ thế nào là quyền lực – ông biết tiền tài sẽ mang lại danh vọng, nhưng nếu bị cô lập về mặt xã hội thì cả tiền tài lẫn danh vọng đều không thể lâu bền. Vì vậy ông quan sát xã hội thời bấy giờ, tự hỏi xem điều gì sẽ làm mềm lòng thiên hạ.

Từ thiện? Dân Pháp không quan tâm. Ảnh hưởng chính trị? Ông đã có rồi, và điều này chỉ làm thiên hạ nghi kỵ ông thêm mà thôi. Cuối cùng ông nhận ra đó chính là sự buồn chán. Trong giai đoạn khôi phục chế độ quân chủ, giới thượng lưu Pháp rất buồn chán, vì vậy Rothschild bắt đầu tiêu xài cực kỳ lớn để giải khuây dân chúng. Ông thuê các kiến trúc sư tài ba nhất nước Pháp thiết kế vườn tược và phòng khiêu vũ; ông mướn Marie-Antoine Carême, tay đầu bếp lừng danh nhất nước Pháp, chuẩn bị các bữa tiệc xa hoa nhất mà Paris chưa từng thấy. Không người Pháp nào có thể cưỡng lại được, cho dù tiệc chủ chính là một người Đức Do Thái giáo. Những buổi dạ tiệc hàng tuần của Rothschild bắt đầu lôi cuốn ngày càng đông khách. Chỉ vài năm sau ông đã nắm được điều duy nhất có thể đảm bảo quyền lực của một kẻ ngoại lai: Sự nhìn nhận xã hội.

Diễn giải

Sự hào phóng chiến lược luôn là vũ khí hiệu quả để xây dựng một căn cứ hỗ trợ, đặc biệt đối với một kẻ ngoại lai. Tuy nhiên Nam tước Rothschild còn khôn ngoan hơn thế nữa: Ông biết chính tiền tài là rào chắn giữa mình và dân Pháp, khiến họ thấy ông xấu xa và khó tin. Cách hay nhất để vượt qua rào cản này chính là phung phí những món tiền khổng lồ, một cử chỉ chứng minh ông xem văn hóa và xã hội Pháp còn quan trọng hơn tiền bạc. Điều Rothschild làm cũng giống như một lễ hội potlatch của thổ dân miền Tây-Bắc nước Mỹ: Một bộ lạc da đỏ thỉnh thoảng tiêu phí hết tất cả của cải vào một chuỗi lễ hội và lửa trại để chứng tỏ sức mạnh vượt trội đối với các bộ lạc khác. Nền tảng sức mạnh đó không là tiền bạc, mà chính là khả năng tiêu xài và niềm tin vào tính ưu việt, vốn sẽ tạo lại cho bộ lạc tất cả những gì mà lễ hội potlatch đã hủy hết.

Rốt cuộc, những buổi dạ hội của Rothschild phản ánh mong muốn hòa nhập không chỉ vào cộng đồng kinh doanh Pháp mà còn vào xã hội. Khi phung phí tiền của vào loại potlatch đó, Rothschild hy vọng chứng tỏ cho dân Pháp thấy sức mạnh của ông còn vượt qua cả tiền bạc để hòa nhập vào lĩnh vực văn hóa quý báu. Khi tiêu xài như vậy, có thể Rothschild đã lấy lòng được xã hội Pháp, nhưng nền tảng hỗ trợ mà ông có được là loại nền tảng mà nếu chỉ có tiền thôi chưa chắc mua nổi. Ông “phung phí” của cải để gìn giữ của cải. Đó là ví dụ ngắn gọn của sự hào phóng chiến lược – khả năng linh động với tiền bạc, làm cho tiền bạc hoạt động hiệu quả, không phải để mua sắm, mà để đắc nhân tâm.

Chiến lược mạnh thường quân

Gia tộc Medici của thành phố Florence thời Phục hưng đã xây dựng quyền lực bao la của họ trên tài sản tạo được từ việc kinh doanh ngân hàng. Nhưng đối với dân Florence có truyền thống cộng hòa hàng bao thế kỷ, ý niệm rằng tiền bạc có thể mua quyền lực đã đi ngược lại mọi giá trị dân chủ mà họ hết sức tự hào. Là người đầu tiên trong họ gia tộc De Medici được vang danh, Cosimo tránh né việc đối đầu trực tiếp bằng cách cư xử thật khiêm nhường. Ông ta không bao giờ khoe khoang của cải. Nhưng đến khi đứa cháu nội Lorenzo lớn lên, tài sản của gia tộc đã quá lớn, và ảnh hưởng của họ hiển nhiên đến nỗi không thể che đậy được nữa.

Lorenzo giải quyết vấn đề theo cách riêng: Triển khai chiến lược làm đãng trí mà giới nhà giàu thường sử dụng. Lorenzo trở thành mạnh thường quân nổi tiếng nhất lịch sử. Không chỉ mạnh tay mua tranh, ông còn sáng lập những trường tập sự tốt nhất Italia cho nghệ sĩ trẻ. Chính tại một trong những ngôi trường đó mà Michelangelo được Lorenzo chú ý, sau đó mời về ăn ở tại nhà. Ông ta cũng khoản đãi Leonardo da Vinci y hệt như vậy. Về dưới trướng Lorenzo, hai bậc danh tài Michelangelo và Leonardo trả ơn bằng cách trung thành với lò nghệ thuật Lorenzo.

Mỗi khi gặp phải đối thủ, Lorenzo lại sử dụng lá bùa mạnh thường quân. Khi thành phố Pisa đe dọa nổi loạn chống lại Florence vào năm 1472, ông ta liền đổ tiền vào tài trợ cho ngôi trường đại học, trước đây từng là niềm tự hào của Pisa nhưng hiện đang xuống cấp. Dân Pisa không làm gì được trước ngón đòn phù phép đó, vì lòng yêu mến văn hóa của họ được xoa dịu và họ không còn lòng dạ nào để gây chiến nữa.

Diễn giải

Chắc chắn Lorenzo rất yêu nghệ thuật, nhưng việc đỡ đầu các nghệ nhân lại là việc làm hết sức thực dụng. Vào thời đó tại Florence, việc kiếm lời từ ngành kinh doanh ngân hàng có lẽ là cách làm giàu bị dè bỉu nhất, đồng thời sức mạnh tài chính đó cũng không mấy được tôn trọng. Ở cực đối diện, nghệ thuật được tôn sùng gần như là một tôn giáo. Lorenzo chi trả cho nghệ thuật để xoa dịu dư luận quần chúng về nguồn gốc xấu xa của tài sản và tạo cho mình một vỏ bọc quý phái. Sự hào phóng chiến lược hiệu quả nhất khi được dùng để xóa mờ một thực tế không mấy thơm tho, đồng thời khoác lên mình một cái áo bào vị nghệ thuật hay tôn giáo.

Louis XIV thật rộng lượng

Cặp mắt sắc bén của Vua Louis XIV của nước Pháp rất am tường sức mạnh chiến lược của kim tiền. Thời điểm Louis lên ngôi, giới quý tộc hùng mạnh đã là cái gai chọc vào sườn hoàng gia, và họ luôn sục sôi tạo phản. Vì vậy nhà vua làm cho họ nghèo đi bằng cách buộc họ phải trả rất nhiều tiền để duy trì chức tước trong triều. Qua thời gian, các nhà quý tộc phải dựa vào bổng lộc hoàng gia mới có thể sống nổi, nhờ vậy Louis bỏ túi họ một cách gọn gàng và sạch sẽ.

Nước cờ tiếp theo của Louis là dùng sự rộng lượng có chiến lược để làm cho giới quý tộc phải quỳ mọp: Mỗi khi phát hiện một triều thần ương ngạnh mà ông muốn thu phục, Louis sẽ dùng tiền để tác động. Trước tiên Louis làm như không biết rằng có hắn trên đời này, điều khiến cho hắn hết sức lo âu. Rồi đột nhiên hắn khám phá ra rằng thằng con trai mình bỗng dưng được bổ nhiệm vào một vị trí có thu nhập cao, hoặc Nhà nước mạnh tay giải ngân cho vùng quê nhà của hắn, hoặc là hắn được tặng một bức tranh trước nay vẫn hằng ao ước. Quà cáp từ tay Louis tuôn ra như suối. Cuối cùng, một thời gian sau Louis sẽ mời nhà quý tộc đó đến để đặt vấn đề về điều mà nhà vua muốn có. Nhà quý tộc ấy vốn trước nay từng thề thốt kiên quyết chống lại hoàng gia, giờ cảm thấy không còn thích chiến đấu. Một món tiền hối lộ thẳng thừng có thể sẽ làm ông nổi giận, nhưng cách lấy lòng của Louis thì êm đẹp hơn nhiều. Biết rằng rễ mềm khó bén trên mảnh đất cằn cỗi khô cứng, Louis làm cho đất xốp trước khi gieo.

Diễn giải

Louis biết có một yếu tố cảm xúc bén rễ sâu xa trong thái độ của chúng ta đối với tiền bạc, một yếu tố bắt nguồn từ thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, đủ loại cảm giác rắc rối của chúng ta đối với cha mẹ đều xuất phát từ quà cáp, đứa bé lúc ấy đồng hóa món quà với tình yêu và sự tán thành. Và yếu tố cảm xúc đó đâu đã phai tàn. Những kẻ nhận quà biếu hay tiền bạc hoặc hình thức tặng dữ nào đó cũng đột nhiên đều yếu đuối như trẻ con, đặc biệt khi món quà đến từ người có quyền lực. Họ không thể không cởi mở, ý chí của họ tơi ra, như Louis đã làm tơi đất.

Khả năng thành công sẽ cao hơn khi món quà đến đột xuất. Phải làm sao cho một món quà có vẻ như vậy trước nay chưa ai được tặng, hoặc trước đó người tặng quà lại có thái độ hờ hững với người được tặng. Bạn càng tặng thường xuyên thì hành động tặng càng mất hiệu quả. Bởi vì dần dà người nhận sẽ nghĩ điều đó là đương nhiên, hoặc là họ sẽ bực bội vì mặc cảm với món quà từ thiện. Món quà đột xuất và bất ngờ sẽ thu phục được nhân tâm.

Cái chén của Fushimiya

Fushimiya là nhà buôn đồ cổ sống tại Edo (ngày nay là Tokyo) hồi thế kỷ XVII. Ngày kia khi dừng chân tại quán trà ở một làng nhỏ, ông xăm xoi cái chén trà và cuối cùng mua nó mang theo. Một thợ gốm địa phương thấy vậy bèn chờ khách ra khỏi quán, xong chạy đến hỏi bà chủ xem khách là ai. Bà bảo đó là người sành điệu bậc nhất ở Nhật Bản và là nhà buôn đồ cổ được sứ quân Izumo quý mến. Thợ gốm liền ba chân bốn cẳng đuổi theo năn nỉ Fushimiya nhường lại cái chén, vì cho rằng nó phải giá trị lắm thì ông ta mới mua. Fushimiya cười thật thà: „Nó chỉ là cái chén bình thường xứ Bizen, loại giá rẻ. Lý do tôi mua là vì hơi nước nóng lơ lửng thật lạ trên miệng chén nên tôi nghi là nó bị nứt đâu đó“. Nhưng vì người thợ gốm vẫn khẩn khoản nên Fushimiya biếu không cho anh ta.

Anh ta liền mang cái chén đi khắp nơi để giới am tường trả được giá cao, nhưng người nào cũng bảo đó là chén thường. Anh bỏ bê cơ nghiệp, lúc nào cũng mơ tưởng cái chén sẽ giúp mình thu về khối bạc. Sau cùng anh ta cũng đến cửa hàng của Fushimiya tại Edo. Nhận thấy chỉ vì vô tình mà mình đã làm người khác điêu đứng, nhà buôn bù đắp bằng cách mua lại cái chén với giá 100 đồng vàng ryo. Fushimiya biết chắc cái chén chẳng có giá trị gì, nhưng vì muốn giúp anh thợ gốm thoát được cơn ám ảnh nên hào phóng bù đắp cho.

Chẳng bao lâu sau, tin đồn về cái chén 100 ryo lan nhanh. Tất cả các tay buôn đồ cổ đều kêu réo Fushimiya, tìm mọi cách để mua lại cái chén. Mặc dù Fushimiya thật thà kể lại hoàn cảnh ông phải bỏ tiền ra nhưng không ai chịu tin, cuối cùng để được yên thân ông ta phải mang ra đấu giá.

Chỉ mới vào lần bỏ giá đầu tiên đã có hai đồng nghiệp cùng hét 200 ryo, cùng cãi nhau ỏm tỏi và cuối cùng ôm nhau vật nhào, làm đổ bàn khiến cái chén rơi thành nhiều mảnh. Cuộc đấu giá xem như chấm dứt. Fushimiya nhặt nhạnh tất cả, dày công dán lại rồi cất đi. Nhưng nhiều năm sau đó bậc thầy về trà đạo là Matsudaira Furnai đến viếng cửa hàng, đề nghị được xem cái chén truyền thuyết. Sau khi xem xét, ông nói: „Nếu là hàng hóa thì nó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng một bậc thầy về trà đạo đánh giá tình cảm và mối tương quan còn cao hơn cả giá trị kim tiền“. Ông bỏ ra món tiền thật lớn để tậu nó. Một cái chén còn thô hơn cả mức bình thường, lại bị vỡ rồi dán lại, vậy mà lại trở thành một trong những đồ vật nổi tiếng nhất nước Nhật.

Diễn giải

Trước tiên câu chuyện cho thấy khía cạnh chủ yếu của đồng tiền: Chính con người đã tạo ra tiền bạc và đặt cho nó ý nghĩa và giá trị. Kế đến, với những vật thể như kim tiền, điều mà kẻ anh tài đánh giá cao chính là những tình cảm và xúc cảm hàm chứa bên trong – vì chính những thứ đó mới làm cho đồng tiền đáng để ta sở hữu. Bài học thật đơn giản: Càng thiết thân với tình cảm, thì những quà cáp và hành động hào phóng của bạn càng hiệu quả. Đồ vật nào, hoặc ý niệm nào vận dụng được tình cảm hoặc có được sợi dây cảm xúc sẽ mạnh mẽ hơn đồng tiền mà bạn lãng phí cho một món quà đắt tiền nhưng rỗng tuếch.

Cái chén của Suzutomo

Một môn đồ trà đạo giàu có tên là Akimoto Suzutomo có lần giao cho gia nhân 100 đồng vàng ryo, dặn đến nhà buôn đồ cổ mua một cái chén. Đến cửa hàng, gia nhân tự ý mặc cả và mua được cái chén với giá 95 ryo, về nhà khoe lại với chủ.

„Nhà ngươi thật quá ngu xuẩn!“ Suzutomo mắng, „Một chén trà mà người ta ra giá 100 ryo hẳn phải là vật gia bảo, mà gia đình chỉ buộc lòng bán đi vì quá ngặt nghèo. Và trong trường hợp này họ còn hy vọng có người sẽ trả nó tới 150 đồng vàng. Vậy nhà ngươi là thứ gì mà không đếm xỉa đến tình cảm của người khác? Ngoài ra, vật quý hiếm với giá 100 ryo rất đáng để ta sở hữu, trong khi vật 95 ryo làm ta có cảm giác làng nhàng. Vậy đừng để ta thấy cái chén này nữa!“. Rồi Suzutomo ra lệnh cất đi, không bao giờ mang ra nữa.

Diễn giải

Khi cò kè trả giá, có thể bạn tiết kiệm được 5 ryo, nhưng bạn đã gây nên sự xúc phạm và cảm giác rẻ tiền, khiến uy tín bạn bị ảnh hưởng. Mà uy tín lại là phần thưởng cao nhất. Hãy học cách trả trọn mức giá vì cuối cùng bạn sẽ được lợi ở khoản khác.

Tuấn mã trong quả bầu

Nhật Bản khoảng cuối thế kỷ XVI. Một nhóm tướng sĩ tiêu khiển bằng trò ngửi mùi đoán nhang. Mỗi người mang theo một vật để làm giải thưởng – cung, tên, yên cương và vài phụ tùng khác của chiến binh.

Tình cờ sứ quân Date Masamune đi ngang qua nên được mời tham gia. Vật mà ông ta đưa ra để góp phần vào quỹ thưởng là bầu nước treo ở thắt lưng. Ai ai cũng cười xòa vì vật đó đâu đáng gì. Cuối cùng cũng có người tùy tùng bằng lòng nhận quả bầu.

Tuy nhiên đến khi cuộc chơi kết thúc và nhóm tướng sĩ đang chuyện trò phía bên ngoài lều, Masamune bước ra dẫn con ngựa quý của mình trao cho người tùy tùng. „Đây là con ngựa từ bầu nước chui ra“. Nhóm tướng sĩ sững sờ và tiếc rẻ vì mình đã xem thường quà tặng của Masamune.

Diễn giải

Masamune biết đồng tiền có khả năng làm cho mọi người hài lòng. Thực hiện được việc này càng nhiều thì ta càng được người khác ngưỡng mộ. Khi hô biến cho con ngựa từ bầu nước chui ra, xem như bạn đã chứng minh được quyền lực hùng mạnh của mình.

Hình ảnh:

Dòng sông. Bạn tưởng được lợi khi xây đập ngăn sông. Tuy nhiên không lâu sau nước ao tù trở thành nhơ nhớp và đầy mầm dịch bệnh. Chỉ những loài ghê tởm nhất mới có thể sống trong vũng nước đọng; không có gì di chuyển đi lại trên mặt nước, mọi mậu dịch đều đình trệ. Hãy phá hủy cái đập. Khi lưu thông và luân chuyển, dòng nước sẽ tạo ra trù phú phì nhiêu và sức mạnh ở quy mô rộng lớn hơn. Sông phải chảy để những điều tốt lành có thể phát triển.

Ý kiến chuyên gia:

Một con người vĩ đại mà lại keo kiệt thì trở thành một thằng ngốc vĩ đại, và đối với người ở vị trí cao, không có sự xấu xa nào tai hại bằng tính ích kỷ tham lam. Kẻ bủn xỉn không thể chinh phục đất đai chức tước gì cả, bởi vì hắn không có nguồn bạn bè để góp sức thực hiện ý nguyện của mình. Muốn có bạn, ta không được ôm ấp tài sản của mình mà phải thu phục bạn bè bằng những món quà thích hợp. Đá nam châm tinh vi hút sắt như thế nào thì vàng bạc cũng thu phục được con tim thiên hạ.

(The Romance of the Rose,

Guillaume de Lorris, khoảng 1200-1238)

NGHỊCH ĐẢO

Người tài ba không bao giờ quên rằng cho vật không chắc chắn phải chứa đựng thủ đoạn. Người nào giúp bạn không công, sau này sẽ đòi hỏi nhiều thứ đáng giá hơn số tiền mà lẽ ra bạn phải trả cho họ. Việc mặc cả luôn che giấu nhiều vấn đề vật chất lẫn tâm lý. Vì vậy bạn hãy học cách trả, và trả cho ngon.

Mặt khác, nguyên tắc này cũng giúp ta có nhiều cơ hội bịp bợm, nếu ta áp dụng nó từ phía ngược lại. Mời ăn trưa miễn phí thường là món hàng trao đổi của thầy lừa.

Về mặt này có lẽ không ai hơn Joseph Weil, hỗn danh „The Yellow Kid“. Từ rất sớm, ông ta đã phát hiện ra rằng mình thành công là nhờ vào lòng tham của thiên hạ. „Cái mong muốn được điều gì đó miễn phí“, ông viết „đã làm cho những ai làm ăn với tôi và với các thầy lừa khác phải trả giá rất đắt… Khi người ta rút được kinh nghiệm – chưa biết họ đã rút được chưa – rằng không thể ăn bánh mà không trả tiền, thì tội ác sẽ giảm thiểu và chúng ta sẽ chung sống hài hòa hơn“. Suốt nhiều năm, Weil nghĩ ra nhiều cách để dụ cho người ta ham muốn đồng tiền dễ kiếm. Weil rêu rao ông sẵn sàng tặng miễn phí một số bất động sản cho những ai chịu tốn 25 đôla tiền đăng ký – liệu ai có thể cưỡng lại món hời này? Trò đăng ký dởm này mang về cho Weil hàng ngàn đôla, trong khi ông ta đưa cho các nạn nhân những giấy chứng nhận dởm. Lần khác, ông lại tung tin mua đứt kết quả đua ngựa, hoặc về loại cổ phiếu sắp tăng 200% giá trị chỉ trong vài tuần lễ. Trong khi triển khai câu chuyện, Weil quan sát nạn nhân mở to mắt tưởng tượng ra bữa ăn trưa miễn phí.

Bài học ở đây là: Dụ nạn nhân với viễn cảnh đồng tiền dễ kiếm. Nhìn chung, thiên hạ muốn làm giàu mà không tốn sức, nên họ sẽ lọt bẫy. Bạn hứa dạy họ cách kiếm tiền nhanh chóng nếu họ chịu bỏ ra một ít học phí, mức học phí này nhân với hàng ngàn nạn nhân thì bạn sẽ giàu to. Lòng tham là thứ dễ dàng làm mờ mắt mọi người, nên ở lĩnh vực này bạn có thể giở được nhiều trò. Và như The Yellow Kid từng nói, một nửa niềm vui đến từ bài học đạo đức ấy: Tham thì thâm.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện