Nguyên Tắc 41

Thoát Khỏi Bóng Tiền Nhân

Việc gì diễn ra lần đầu cũng có vẻ hay hơn, độc đáo hơn những gì đến sau. Nếu tiếp nối công việc của một vĩ nhân hoặc có người thân quá nổi tiếng, bạn phải có thành tựu gấp đôi mới mong tỏa sáng hơn họ. Đừng để cái bóng của họ phủ chụp lên bạn, đừng bám víu vào một quá khứ không phải do bạn tạo ra. Hãy xây dựng tên tuổi mình bằng lộ trình khác. Hãy thủ tiêu hình ảnh của bậc tiền bối cao ngạo, bạn mới thu gom quyền lực bằng sự tỏa sáng theo cách của riêng mình.

VI PHẠM NGUYÊN TẮC

Năm 1715 khi Louis XIV băng hà sau 55 năm trị vì vẻ vang, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía đứa cháu cố được chọn kế vị, tức vua Louis XV tương lai. Liệu đứa bé năm tuổi này mai đây có khả năng trở thành vị lãnh đạo vĩ đại như Vua Mặt trời? Louis XIV đã biến một đất nước trên bờ nội chiến thành quyền lực số một ở châu Âu. Tuy những năm cuối cùng trị vì khá khó khăn vì ông đã già yếu, song mọi người vẫn hy vọng đứa cháu sẽ trở thành một lãnh đạo hùng mạnh để mang lại sức sống mới cho đất nước và củng cố tiền đồ mà Louis XIV đã tạo lập.

Vì vậy những bộ óc lỗi lạc nhất nước Pháp được mời đến dạy dỗ vị vua tương lai, việc giáo dục ngài không còn sót một thứ gì. Nhưng khi lên ngôi vào năm 1726, Louis XV đột ngột thay đổi: Không chịu học hành, không làm theo lời khuyên bảo hoặc chứng tỏ tài năng. Ông ta đứng một mình trên đỉnh một đất nước lớn lao, trong tay biết bao quyền lực và của cải. Ông ta toàn quyền làm theo ý thích.

Như muôn đời, triều đình cũng rập theo ý thích của kẻ trị vì. Ăn chơi cờ bạc như cơm bữa. Lũ quần thần không quan tâm gì đến tiền đồ tổ quốc, bao nhiêu công sức bỏ ra chỉ để làm đẹp lòng vua, để mưu cầu bổng lộc sao cho phú quý cả đời, tranh giành chức vị nào lao động ít mà hưởng thụ nhiều. Hàng đống ký sinh ùa về triều đình, công nợ ngày càng chồng chất.

Chưa hết, Louis XV còn nổi tiếng về những vụ tình ái mà nổi bật là hai gương mặt Madame de Pompadour và Madame du Barry. Cả hai đều tha hồ thao túng triều chính vì nhà vua không màng chuyện chính trị. Thời gian qua đi, nhiều tay lừa đảo và lang băm chọn Versailles làm chỗ vinh thân, mê hoặc vua bằng những điều mê tín. Louis XV ngày càng hư đốn.

Khẩu hiệu gắn liền với triều đại của ông: „Sau ta là cơn hồng thủy“, thật xác đáng bởi vì sau khi Louis qua đời vì trác táng, tình hình đất nước vô cùng suy thoái. Đứa cháu nội Louis XVI thừa kế một lãnh thổ đang vô vọng trông chờ đổi mới với một bàn tay cứng rắn hơn.

Diễn giải

Uy quyền của Vua Mặt trời Louis XIV to lớn như truyền thuyết. Và mặc dù ông có nhiều cung phi, song quyền lực của họ chỉ giới hạn trong phòng ngủ. Triều đình của vị vua này quy tụ những bộ óc sáng giá nhất thời bấy giờ. Louis XIV đưa một đất nước bên bờ vực nội chiến thành thế lực số một ở châu Âu.

Trái lại, Louis XV là điển hình của những ai thừa hưởng tiền đồ quá lớn, hoặc kẻ tiếp bước một tiền nhân quá vĩ đại. Thoạt trông thì kẻ hậu bối sẽ dễ dàng tiếp tục xây dựng trên nền tảng vững chắc mà bậc tiền bối để lại, nhưng trên lĩnh vực quyền lực thì điều ngược lại là có thật. Trong hầu hết mọi trường hợp, đứa con cưng sẽ tiêu pha vung vít tài sản thừa kế, bởi vì hắn không bắt đầu sự nghiệp bằng nhu cầu lấp đầy những khoảng trống như tiền nhân đã làm. Như Machiavelli từng nói, nhu cầu là động cơ thúc đẩy hành động, và khi không còn nhu cầu thì mọi thứ bị bỏ bê đến rữa nát. Louis XV không thể nào tránh khỏi tính ì. Vì vậy dưới thời ông ta, Versailles không còn là biểu tượng mặt trời chói lọi mà chỉ còn là một cung điện xoàng xĩnh, đại diện cho những gì nông dân căm ghét.

Louis XV chỉ có một con đường thoát khỏi cái bẫy đang chờ kẻ kế vị của một người như Vua Mặt trời: Về mặt tâm lý, phải bắt đầu từ con số không, chối bỏ quá khứ và di sản, tiến về hướng hoàn toàn mới, tạo ra thế giới của riêng mình. Nếu có quyền chọn lựa, ta nên tránh toàn bộ tình huống sẵn có, đặt mình vào khoảng trống quyền lực, nơi ta là người vãn hồi trật tự giữa chốn hỗn mang mà không bị so sánh với một vì sao khác trong vũ trụ. Quyền lực chỉ đến khi ta có vẻ vĩ đại hơn người khác, vì vậy nếu bị che mờ bởi bóng của tiền nhân, ta sẽ không có được quyền lực đó.

Nhưng khi bắt đầu thừa kế quyền lực tối cao,

bọn trẻ nhanh chóng tụt hậu so với cha ông; và thay vì

cố gắng để sánh kịp cha ông, chúng lại nghĩ rằng một ông hoàng chẳng còn gì để làm ngoài việc trội hơn tất cả mọi người về

mặt biếng nhác, say mê và mọi thứ lạc thú khác.

(Niccolò Machiavelli, 1469-1527)

TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC

Từ thời thanh niên, Alexander (mà sau này được gọi là Đại đế) luôn căm ghét cha mình, Vua Philip xứ Macedonia. Anh ghét lối cai trị cẩn trọng và xảo trá của vua cha, ghét những lời khoa trương, những bàn tiệc thâu đêm với rượu ngon gái đẹp, ghét việc Philip yêu thích xem đấu vật cùng với những trò tiêu tốn thời gian khác. Alexander ý thức rằng mình phải làm ngược lại những hành động của người cha độc đoán: Anh quyết trở thành kẻ táo bạo và liều lĩnh, sẽ ít nói để làm chủ cái lưỡi, sẽ không mất thì giờ vào việc truy tìm những niềm hoan lạc không mang lại vinh quang. Alexander cũng căm ghét việc Philip đã xâm chiếm hầu hết nước Hy Lạp: „Cha tôi sẽ tiếp tục cho đến khi không còn gì đặc biệt để cho tôi chinh phục“. Trong khi con cái những người tài ba khác rất hài lòng thừa hưởng phú quý và sống một cuộc sống khoái lạc, Alexander chỉ muốn vượt qua cha mình, làm lu mờ tên tuổi của ông trong lịch sử bằng những chiến tích lẫy lừng hơn nữa.

Alexander rất nóng lòng chứng tỏ cho mọi người thấy mình còn hơn cha xa lắc. Một ngày kia có kẻ buôn ngựa từ Thessaly tới bán cho Philip con tuấn mã Bucephalus. Không một chuyên gia nào có thể đến gần con ngựa chứng này và Philip mắng tên lái buôn vì đã dâng một con ngựa bất kham. Đứng nhìn toàn bộ vụ việc, Alexander quắc mắt lớn tiếng phê bình nhiều lần: „Bọn họ sắp mất một con ngựa quý chỉ vì không đủ tài năng và tinh thần để chế ngự nó!“. Nghe con lặp đi lặp lại mãi điều này, Philip phát cáu và thách con nhảy lên lưng ngựa, thầm mong con vật hoang dã kia sẽ làm cho nó ngã và rút ra bài học cay đắng. Nhưng chính Alexander mới là thầy dạy: Không chỉ nhảy được lên lưng ngựa, anh ta còn tùy ý điều khiển con tuấn mã lừng danh mà sau này luôn có mặt cùng Alexander Đại đế trong những cuộc viễn chinh.

Năm Alexander lên 18 thì Philip bị một triều thần bất mãn ám sát. Khi tin này lan truyền khắp Hy Lạp, từng trấn một thi nhau nổi loạn chống người Macedonia thống trị. Đám quân sư của Philip khuyên Alexander nên hành động cẩn trọng, làm theo gương Philip để chinh phục bằng mưu mô xảo quyệt. Nhưng Alexander gạt hết ngoài tai để làm theo ý mình: Dẫn quân trực chỉ những miền xa xôi hiểm trở nhất, dẹp tan bọn phản loạn và tái thống nhất vương quốc bằng loại bạo lực vô cùng hiệu quả.

Thông thường, khi chàng thanh niên nổi loạn già đi thì sự chống đối cũng dần phai nhạt và anh ta càng giống với người mà anh ta từng thách thức. Nhưng việc Alexander ghét bỏ cha mình không dừng lại với cái chết của Philip. Khi bình định xong Hy Lạp, anh ta ghé mắt sang Persia, cái giải thưởng mà cha anh chưa thể sờ tới.

Alexander dẫn 35.000 binh mã sang châu Á để đối đầu với đội quân trên một triệu người của Persia, và cuối cùng đã chiến thắng. Mọi người những tưởng đại đế sẽ dừng lại, vì đó là vinh quang quá lớn đủ để lưu danh hậu thế. Nhưng Alexander nghĩ khác: Việc chinh phục Persia đã là quá khứ và ông ta không bao giờ muốn ngủ quên trên nhành nguyệt quế, không muốn để cho quá khứ tỏa sáng hơn hiện tại. Ông xuất quân nhắm Ấn Độ trực chỉ.

Diễn giải

Alexander tượng trưng cho loại người hiếm thấy trong lịch sử: Con của một người tài ba và nổi tiếng nhưng lại vượt qua cả cha mình về mặt vinh quang và quyền lực. Tại sao hiếm thấy? Vì trong hầu hết mọi trường hợp, người cha gom thu đất đai và của cải vì ông ta khởi đầu từ con số không. Ông ta chỉ có một con đường là phải thành công và không có gì để mất. Người cha này có lý khi tin vào chính mình, tin rằng cách của mình là tốt nhất, bởi vì nói cho cùng, cách đó đã thành công.

Khi một người cha như thế có con, ông ta trở nên độc đoán và áp đặt mọi bài học lên đầu đứa con, vốn bắt đầu cuộc đời theo những hoàn cảnh hoàn toàn khác với khi cha mình bắt đầu. Thay vì để cho con theo hướng mới, ông ta sẽ cố buộc con mình vào nếp cũ, thậm chí nhiều khi thầm mong thằng bé thất bại. Người cha ganh tỵ với sức lực trẻ trung của con cái, luôn muốn điều khiển và thống trị. Con cái của những người cha như vậy thường có khuynh hướng nhút nhát và thận trọng, rất sợ đánh mất những gì cha mình đã gặt hái được.

Đứa con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi cái bóng của cha, trừ khi áp dụng chiến lược của Alexander: Từ chối quá khứ, tự tạo vương triều, đẩy cha mình vào bóng tối thay vì để ông ta che lấp. Nếu không thể khởi nghiệp từ bàn tay trắng – ta đâu có điên mà từ chối tài sản thừa kế - ít ra ta cũng bắt đầu từ con số không về mặt tâm lý. Chỉ có kẻ yếu đuối mới ngủ quên trên chiến thắng và đầu độc mình bằng quá khứ vinh quang. Thời gian nghỉ ngơi là điều không thể có trong trò chơi quyền lực.

CỐT TỦY CỦA NGUYÊN TẮC

Tại một số vương quốc cổ xưa như Sumatra và Bengal, sau một thời gian trị vì lâu dài, nhà vua sẽ bị quần thần mang ra xử tử. Một phần vì đây là nghi lễ đổi mới, nhưng cũng là để ngăn ngừa khả năng ông ta trở nên quá hùng mạnh – vì thông thường nhà vua sẽ cố gắng thiết lập một trật tự lâu bền, thiệt thòi cho những gia tộc khác và cho cả con cái mình. Thay vì bảo vệ và lãnh đạo bộ lạc như trong thời chiến, nhà vua có khuynh hướng thống trị. Sau khi bị xử tử, nhà vua sẽ được bộ lạc tôn làm thánh thần. Trong khi đó ngai vàng sẵn sàng đón chào một vị vua mới trẻ trung hơn.

Thái độ có vẻ mâu thuẫn đối với nhà vua hoặc người cha như vừa kể cũng hiện diện trong truyền thuyết về những anh hùng xuất chúng không biết cha mình là ai. Moses bị bỏ trong bụi cỏ chỉ nên không bao giờ biết cha mẹ là ai. Không có gương mặt tiền nhân để so sánh hoặc hạn chế hành vi, ông ung dụng đạt đến tầm cao quyền lực. Dũng sĩ Hercules có cha không phải là người trần thế, mà là thần Zeus. Đến tuổi trung niên, Alexander Đại đế cho loan tin đồn rằng ông là con của Jupiter Ammon chứ không phải con của Philip vua xứ Macedonia. Những huyền thoại như thế thường loại bỏ ông cha trần thế vì ông tượng trưng cho sức mạnh hủy hoại của quá khứ.

Quá khứ ngăn cản người anh hùng trẻ tuổi trong việc tạo ra thế giới của riêng mình. Người anh hùng này phải cúi mình trước đấng tiền nhân và tuân thủ tiền lệ với truyền thống. Thành công trong quá khứ buộc phải chuyển tải về hiện tại, cho dù hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều. Quá khứ cũng làm vướng chân người anh hùng trẻ với một di sản mà anh ta rất sợ đánh mất, làm cho anh ta e dè và nhút nhát hơn.

Có được quyền lực hay không tùy vào việc ta có thể lấp đầy khoảng trống, choán giữ một lĩnh vực đã được trút sạch gánh nặng của quá khứ. Chỉ sau khi hình bóng của ông ta đã được dọn dẹp xong xuôi thì ta mới có đủ không gian cần thiết để sáng tạo và thiết lập một trật tự mới. Để thực hiện việc này ta có nhiều chiến lược khác nhau – những biến thể của việc xử tử nhà vua, nhưng được ngụy trang thành các hình thức dễ chấp nhận hơn về mặt xã hội.

Có lẽ cách đơn giản nhất để thoát khỏi cái bóng của quá khứ là làm cho nó giảm giá trị, trưng ra sự đối kháng muôn đời giữa các thế hệ, khích lớp trẻ chống lớp già. Muốn vậy ta phải tìm sẵn một gương mặt làm mốc để bêu riếu.

Khi đứng trước một nền văn hóa kiên cường chống lại mọi đổi thay, Mao Trạch Đông thao túng tâm lý đố kỵ đối với sự hiện diện bao trùm của Khổng Tử. Đánh giá được mối nguy khi phải lạc vào quá khứ, tổng thống Kennedy tìm cách phân biệt triệt để nhiệm kỳ của mình với nhiệm kỳ của người đi trước là Dwight Eisenhower, và cả với thập niên 1950 mà Eisenhower là hình tượng. Chẳng hạn Kennedy không chơi môn golf buồn tẻ và chậm chạp – biểu tượng của sự về hưu và khá giả, niềm đam mê của Eisenhower. Trái lại ông chơi bóng bầu dục ngay trên sân cỏ Nhà trắng. Mọi khía cạnh của chính phủ Kennedy đều phản ánh sinh lực trẻ trung, ngược lại với hình ảnh rề rà nặng nhọc của Eisenhower. Kennedy khám phá một sự thật lâu đời: Tuổi trẻ dễ bày tỏ thái độ đối kháng với tuổi già, vì tuổi trẻ nóng lòng tạo chỗ đứng của riêng mình trong xã hội, đồng thời dị ứng với cái bóng của cha ông.

Khoảng cách do bạn tạo ra với người đi trước thường đòi hỏi một vài biểu tượng, vài cách tự quảng cáo công khai. Louis XIV từng tạo ra những biểu tượng tương tự khi bác bỏ cung điện truyền thống của các vua Pháp và cho xây dựng cung điện riêng ở Versailles. Vua Philip II của Tây Ban Nha cũng làm như vậy khi tạo ra trung tâm quyền lực của riêng mình – El Escorial, sừng sững giữa chốn đồng không mông quạnh. Nhưng Louis còn đi xa hơn khi không chấp nhận làm giống như các tiên vương: Ông không đội vương miện hay cầm vương trượng và ngồi trên ngai vàng, mà lập ra uy quyền riêng với những biểu tượng và nghi thức của chính ông. Louis đã biến những nghi thức thời cha ông trở thành các di tích buồn cười của quá khứ. Bạn hãy noi gương đó: Đừng để thiên hạ bảo rằng mình chỉ đi theo vết của tiền nhân. Còn nếu cứ theo vết thì bạn sẽ chẳng bao giờ vượt qua họ được. Bạn phải thực sự chứng tỏ sự khác biệt bằng một phong thái và tính biểu tượng làm bạn nổi bật.

Hoàng đế La Mã Augustus rất hiểu điều này khi kế nhiệm Julius Caesar. Caesar là một vị tướng vĩ đại, một gương mặt rất kịch thường xuyên tổ chức những màn biểu diễn để làm vui dân chúng, một tình nhân cũng vĩ đại khi sẻ chia chăn gối với nữ hoàng Cleopatra. Vì vậy Augustus quyết đua tranh với Caesar không bằng cách vượt qua, mà làm khác ông ta: Augustus đặt quyền lực của mình trên nền tảng của việc trở về với nét đơn giản thuần túy La Mã, khá khắc khổ về phong cách lẫn nội dung. Đối kháng với ký ức về một Caesar vũ bão, Augustus sắm một tư thế trầm lặng và đĩnh đạc tính đàn ông.

Một khi tiền nhiệm quá bề thế trở thành vấn đề khi hắn đã lấp kín tầm nhìn bằng những biểu tượng của quá khứ, bạn không còn chỗ nào để tạc lấy tên mình. Để xử lý tình huống này, bạn phải tìm ra khoảng trống – những vùng còn để trống trong nền văn hóa mà bạn có thể là gương mặt đầu tiên và chủ chốt sẽ tỏa sáng.

Khi sắp khởi nghiệp chính khách, Pericles của Athens suy tìm thử xem nền chính trị của thành phố này còn thiếu điều gì. Hầu hết các chính khách lỗi lạc đã liên minh với giới quý tộc và tất nhiên bản thân Pericles cũng có cùng khuynh hướng ấy. Nhưng cuối cùng ông quyết định ngả theo hàng ngũ những người dân chủ. Mặc dù không dính líu gì với những niềm tin của bản thân, song sự lựa chọn đó đã đưa sự nghiệp của ông lên tầm cao mới. Chỉ vì nhu cầu thiết thực, Pericles đã trở thành con người của quần chúng. Thay vì phải ganh đua trong đấu trường đầy dẫy hình ảnh các lãnh tụ vĩ đại của cả quá khứ lẫn hiện tại, ông muốn tạo tên tuổi riêng ở nơi không có cái bóng nào che khuất tên tuổi ấy.

Khi bắt đầu sự nghiệp, họa sĩ Diego de Velázquez biết mình không thể nào tranh đua về mặt tinh xảo và kỹ thuật với những bậc thầy thời Phục hưng. Ngược lại ông chọn một phong cách mà thời đó cho là thô ráp, một phong cách chưa từng thấy. Và ông lại xuất sắc ở phong cách ấy. Sự mới mẻ của Velázquez đã khích lệ tinh thần nhiều họa sĩ của triều đình Tây Ban Nha, và họ muốn chứng minh mình chia tay với quá khứ. Nhiều người tuy chưa dám táo bạo đoạn tuyệt với truyền thống, nhưng họ âm thầm ngưỡng mộ những ai có thể từ biệt những hình thái cũ và mang lại sức sống mới cho nền văn hóa. Chính vì vậy mà bạn sẽ được nhiều quyền lực khi bước vào khoảng trống.

Theo chiều dài lịch sử luôn lặp đi lặp lại một điều dại dột làm cản ngại việc mưu cầu quyền lực: Đâm đầu tin rằng hễ người đi trước thành công bằng phương thức A, B và C thì mình cũng sẽ thành công nếu lặp lại phương thức ấy. Cách tiếp cận rập khuôn này sẽ làm khoái chí người không sáng tạo, bởi vì nó dễ làm, đồng thời hấp dẫn tính e dè và sự lười biếng của họ. Nhưng hoàn cảnh thì không bao giờ lặp đi lặp lại y hệt.

Khi tướng Douglas MacArthur nắm quyền tổng tư lệnh lực lượng Mỹ tại Philippines trong Thế chiến II, một phụ tá trình ông quyển sách ghi lại các phương pháp giúp những vị tổng tư lệnh tiền nhiệm thành công. MacArthur hỏi quyển này có bao nhiêu bản. Sáu, viên phụ tá đáp. “Được, anh thu lượm hết sáu quyển đó rồi đốt bỏ - đốt sạch hết cả sáu. Tôi sẽ không bị ràng buộc với những tiền lệ. Mỗi khi có vấn đề phát sinh tôi sẽ có quyết định tức khắc”. Bạn hãy có cùng chiến lược liều lĩnh như vậy đối với quá khứ: Hãy đốt hết sách, và tự rèn luyện để phản ứng với tình thế mới phát sinh.

Có thể bạn tưởng mình đã chia ly với hình ảnh của người cha hoặc người tiền nhiệm, nhưng khi dần lớn tuổi, bạn phải luôn cảnh giác nếu không bạn sẽ trở thành cái hình ảnh mà bạn từng chống đối. Khi còn trẻ, Mao Trạch Đông không thích cha mình, và khi chống lại cha, Mao đã tìm thấy bản sắc riêng, cùng với một hệ thống giá trị mới. Nhưng khi già đi, phong cách của ông cha lại âm thầm xâm chiếm. Trước đây cha ông từng đánh giá lao động chân tay cao hơn trí óc, và Mao đã chế giễu thái độ đó. Nhưng khi già đi, Mao vô tình trở về quan điểm của cha và triển khai những ý tưởng lạc hậu lỗi thời bằng cách cưỡng bức cả một thế hệ trí thức Trung Quốc phải đi lao động chân tay, một lỗi lầm như cơn ác mộng khiến chế độ của Mao phải trả giá đắt. Bạn hãy nhớ rằng mình chính là cha mình. Đừng để xảy ra tình trạng phải mất nhiều năm để sáng tạo bản sắc riêng, rồi sau đó mất cảnh giác để cho hồn ma quá khứ hiện về.

Cuối cùng, như ta đã thấy trong câu chuyện của Louis XV, sự thịnh vượng phì nhiêu có khuynh hướng làm ta lười biếng và ì ạch. Khi quyền lực an toàn rồi thì ta không muốn hành động. Đây là một mối nguy, đặc biệt đối với những ai đạt đến quyền lực và thành công khi còn trẻ. Nhà biên kịch Tennessee Williams chẳng hạn, chỉ nhờ quyển The Glass Menagerie mà một sớm một chiều từ chỗ tối tăm đã vươn lên đài danh vọng.

“Cuộc sống của tôi trước lần thành công đó”, ông kể lại, “là thứ cuộc sống đòi hỏi ta phải kiên gan, phải bươi cào, nhưng đó là cách sống tốt bởi vì đó là thứ cuộc sống mà cơ thể loài người đã được tạo ra để thích nghi. Tôi không biết đã bỏ ra bao nhiêu sinh lực cho cuộc đấu tranh ấy, mãi cho đến khi kết thúc đấu tranh, cuối cùng cũng được an tâm. Tôi ngồi xuống nhìn quanh và đột nhiên hết sức chán chường”. Williams bị sa sút về mặt tinh thần, nhưng có lẽ trạng thái đó lại cần thiết: Bị dồn tới bờ vực tâm lý, ông lại có thể bắt đầu viết với sinh lực tràn trề như trước và cho ra đời tác phẩm A Streetcar Named Desire. Tương tự như Fyodor Dostyevsky, chỉ khi nào ông lâm vào thế túng thiếu thì mới cảm thấy cần phải sản xuất. Vì vậy ông quyết đem bao nhiêu tiền dành dụm nướng hết vào sòng bạc. Lúc đó ông mới viết được và viết hay.

Bạn không nhất thiết phải cực đoan như vậy, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần trở lại con số không về mặt tâm lý thay vì trở nên mập béo lười nhác bởi vinh hoa. Pablo Picasso luôn thay đổi phong cách tạo hình, thường khi lại đoạn tuyệt với những gì đã giúp ông nổi tiếng trước đó. Biết bao lần vinh quang cũ đã biến ta thành bức tranh biếm họa của chính mình. Người tài ba luôn phát hiện ra những cái bẫy đó. Như Alexander Đại đế, họ luôn đấu tranh để tái tạo mình. Hình ảnh người cha không được phép trở về, hễ thấy là phải thủ tiêu ngay.

Hình ảnh:

Người cha. Ông phủ chụp cái bóng to lớn lên bầy con, trù úm chúng trong vòng nô lệ sau khi ông đã ra đi, bằng cách trói buộc chúng với quá khứ, nghiền nát tinh thần tươi trẻ của chúng, ép chúng bước vào lối mòn mệt mỏi mà ông đã qua. Và ông có rất nhiều mánh khóe. Ở mỗi ngã rẽ, bạn phải thủ tiêu hình ảnh ấy và bước ra khỏi cái bóng ám chướng.

Ý kiến chuyên gia:

Coi chừng bước vào lối mòn của một vĩ nhân – bạn sẽ phải có thành tựu gấp đôi mới mong vượt qua người ấy. Ai theo bước thì bị xem là bắt chước. Cho dù có đổ bao nhiêu mồ hôi thì họ vẫn không thể rũ bỏ gánh nặng ấy. Phải có tài năng xuất chúng mới tìm ra con đường mới để tỏa sáng, một lộ trình mới để vang danh. Có muôn nẻo dẫn đến sự phi thường, nhưng không phải ai cũng biết. Những lối mới nhất có thể là cam go nhất, song đó lại là lối tắt dẫn đến sự lớn lao.

(Baltasar Gracián, 1601-1658)

NGHỊCH ĐẢO

Cái bóng của một tiền nhiệm vĩ đại có thể hữu ích nếu ta dùng nó làm nước cờ, làm chiến thuật mà ta phải bỏ đi ngay sau khi đạt được quyền lực. Napoléon III đã sử dụng tên tuổi và huyền thoại của ông chú Napoléon Bonaparte để leo lên vị trí tổng thống đầu tiên của nước Pháp, rồi sau đó là hoàng đế. Yên vị trên ngai vàng rồi, ông ta cắt đứt với quá khứ, nhanh chóng chứng tỏ triều đại của ông rất khác, để cho dân chúng không mong chờ ông sẽ có thành tựu đỉnh cao mà Bonaparte đã đạt được.

Quá khứ thường có nhiều yếu tố đáng giá, nhiều phẩm chất mà ta không dại gì từ bỏ với lý do là ta muốn tạo ra sự khác biệt. Ngay cả Alexander Đại đế cũng nhìn nhận mình chịu ảnh hưởng bởi tài nghệ người cha khi tổ chức quân đội. Nếu không khéo khi khoa trương cách làm khác với tiền nhân, bạn sẽ có vẻ ấu trĩ và thiếu kiềm chế.

Joseph II, con của nữ hoàng Maria Theresa nước Áo, chơi nổi bằng cách làm ngược lại mẹ - ăn mặc y hệt dân thường, trọ trong khách điếm thay vì cung điện, ra vẻ ta đây là “hoàng đế của quần chúng”. Còn Maria Theresa rất vương giả, nhưng lại được nhân dân mến yêu nhờ lối trị vì khôn ngoan. Nếu bạn đủ trí không và bản năng chỉ đúng đường, thì việc chơi trò nổi loạn sẽ không nguy hiểm. Nhưng nếu chỉ là người xoàng xĩnh như trường hợp Joseph II so với mẹ, tốt hơn bạn nên học tập kinh nghiệm của tiền nhân vì kinh nghiệm đó được đặt trên nền tảng thực tế.

Cuối cùng, bạn nên để ý đến giới trẻ, những đối thủ quyền lực tương lai. Bạn cố xóa bỏ hình ảnh ông cha như thế nào thì chúng sẽ sớm chơi đúng trò đó, từ bỏ tất cả những gì bạn đạt thành tựu. Bạn nổi trội bằng cách chống lại quá khứ như thế nào thì cũng nên dè chừng thế hệ kế tiếp, không để xổng cây gậy cho chúng đập lên lưng bạn.

Pietro Bernini là họa sĩ và kiến trúc sư theo trường phái Baroque, và ông có tài đánh hơi các đối thủ trẻ tiềm năng, để rồi sau đó giữ họ mãi trong cái bóng của ông. Ngày kia có người thợ trẻ đẽo đá, tên Francesco Borromini đến trình Bernini xem những bản phác thảo. Nhận ra ngay tài năng của chàng thanh niên, Bernini liền thuê cậu ta làm phụ tá. Dĩ nhiên Francesco rất hài lòng, đâu dè rằng ông chủ đang cố tình giữ mình trong tầm tay để có thể tác động tâm lý, tạo cho anh ta một loại mặc cảm tự ti. Và quả nhiên cho dù Francesco có giỏi giang cách mấy thì chính Bernini mới là người hưởng hết danh lợi. Đây là chiến thuật mà Bernini luôn dùng cả đời: Sợ rằng nhà điều khắc đại tài Alessandro Algardi sẽ soán mất tiếng tăm, Bernini liền sắp xếp để Algardi không thể có đơn đặt hàng, trừ việc làm phụ tá cho ông ta. Và bất kỳ phụ tá nào dám chống lại Bernini hoặc tính chuyện ra riêng, chắc chắn người đó sẽ sạt nghiệp.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện