LỜI GIỚI THIỆU

Ebook được thêm nhiều chú thích, sửa lỗi dịch, sửa lỗi đánh máy, lược bỏ ảnh minh họa trong sách in, do đó sẽ có nhiều khác biệt với bản in của dịch giả Duy Lập, NXB Hội Nhà Văn, 2002.

Tất cả chú thích đề Tornad là của người làm ebook; những chú thích không đề đều là của dịch giả; chú thích của tác giả, chỉ có một cái, được ghi ngay giữa nội dung sách, trình bày dựa theo nguyên tác Le Tour du monde en quatre-vingts jours.

Tất cả tên riêng phiên âm trong sách đã được thay thế bằng tên tiếng Pháp bởi người làm ebook – Tornad, dựa theo nguyên tác Le Tour du monde en quatre-vingts jours.

Đặc biệt cảm ơn hai bạn Quỳnh Anh và Ngọc Quỳnh đã nhiệt tình giúp đỡ để phần Lời giới thiệu được thay thế đủ hết các tên riêng.

* * * * *

Giới Thiệu

Năm 1863, khi cuốn tiểu thuyết Năm tuần trên khinh khí cầu của Jules Verne ra đời, dư luận Pháp xôn xao trước một hiện tượng đặc biệt của đời sống văn học: sự xuất hiện một thể loại tiểu thuyết mới, “tiểu thuyết khoa học”. Nhân vật chính là nhà khoa học Fergusson đã chế tạo một khinh khí cầu có điều khiển cùng hai người cộng sự bay đi thám hiểm vùng Trung Phi. Trước Jules Verne, năm 1852 một người Pháp là Henri Giffard đã biểu diễn ở Paris một khinh khí cầu nhưng không chống nổi gió, phải cho khí cầu lên lên xuống xuống để tìm những hướng gió thuận lợi trong các tầng khí quyển khác nhau. Cuốn tiểu thuyết dựa trên những thành tựu khoa học đã đạt được, phóng tầm viễn tưởng trên hai vấn đề: việc đi lại có điều khiển trên không và việc nghiên cứu miền Trung Phi. Đoàn công tác của tiến sĩ Fergusson trong mấy tuần đã làm một công việc mà những người trước phải làm trong nhiều năm. Ra đi từ Zanzibar – một hòn đảo bên bờ Ấn Độ Dương – ngày 18/4/1862 đến ngày 23/4 đã ở trên nguồn sông Nil và ngày 24/5 bay ngang Châu Phi đến các lãnh địa Pháp trên sông Senegal. Jules Verne tiên đoán đúng địa điểm bắt nguồn của sông Nil và dự đoán cả tương lai phát triển của Châu Phi, một lục địa có nhiều tài nguyên phong phú. Cuộc du hành đó là viễn tưởng. Nhưng Jules Verne “thôi miên” độc giả đến nỗi nhiều người tin là có thật và tiến sĩ Fergusson là có thật.

Một năm sau, cuốn tiểu thuyết được dịch ra ở Nga với tên Cuộc du lịch bằng khinh khí cầu qua Châu Phi (1864) và Saltykov-Chtchedrine là người đầu tiên nhiệt liệt ca ngợi nó trên tập Người cùng thời.

Ngay từ những năm đầu xuất hiện trên diễn dàn văn học, Jules Verne đã cho xuất bản liên tiếp bốn tiểu thuyết khoa học xuất sắc: Năm tuần trên khinh khí cầu (1863), Cuộc du lịch vào trung tâm trái đất (1864). Những cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Hatteras (1864). Từ trái đất lên mặt trăng (1865). Những cuốn truyện đó đưa ta đến “Cuộc viễn du kỳ lạ”, đến vùng lục địa nhưng chưa mấy người thám hiểm, vào sâu trong lòng đất không ai tới được, lên những miền hoang vắng đóng băng ở Bắc Cực, vào cả vực thẳm mênh mông khủng khiếp của vũ trụ. Bằng những tác phẩm ấy, Jules Verne đã khẳng định vai trò của tiểu thuyết khoa học như một thể loại văn học độc đáo có tác dụng giáo dục lớn trong quần chúng, nhất là trong thanh niên.

Từ Jules Verne đến nay, tiểu thuyết khoa học mà cách gọi phổ biến này bây giờ là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng – đã nhanh chóng phát triển và Jules Verne được xem như người đã có công lớn nhất đưa nó lên vị trí xứng đáng.

Jules Verne sinh ngày 8/2/1828 ở thành phố cổ Nantes, một trong những cảng lớn nhất của nước Pháp nằm trên bờ sông Loire.

Nantes là thành phố của những người đóng tàu và những người đi biển. Nhà của Jules Verne ở trên một hòn đảo giữa sông. Ở đấy, cậu bé Jules Verne đã lớn lên như trên một con tàu đá bơi xuôi dòng sông Loire. Cậu thường ra khỏi nhà hòa vào đám người đánh cá, say mê nghe những truyền thuyết cổ vùng Nantes và thả hồn theo những chuyến đi xa trên biển. Trong nhà Jules Verne treo ảnh hai cụ tổ là một nhà hàng hải và một ông chủ tàu. Bà mẹ của Jules Verne, bà Sophie Allote cũng là con một dòng họ những nhà đi biển và đóng tàu.

Lòng ham mê du lịch thôi thúc đến nỗi có lần cậu bé bỏ nhà định đi xa. Đó là một sáng mùa hè 1839, cậu bé mười một tuổi trốn theo một con tàu vượt biển đi Ấn Độ. Khi phát hiện ra, gia đình liền đi một canô phóng nhanh hơn đuổi kịp và đưa cậu về nhà. Sau này, khi Jules Verne đã đi khắp các bến bờ Châu Âu, Châu Mỹ, thì cái buổi vượt biển không thành của năm mười một tuổi ấy vẫn là một kỷ niệm không bao giờ quên được.

Jules Verne là con một luật sư, được bố chọn cho theo nghề luật. Học trường trung học Nantes, Jules Verne được giải nhì về tu từ học – tức nghệ thuật hùng biện – khiến ông bố càng khẳng định “năng khiếu” cậu con trai sẽ nối dõi và làm vẻ vang cho nghề nghiệp của mình. Chiều ý gia đình, học xong phần tú tài, Jules Verne lên Paris vào trường Đại học Luật khoa.

Cậu thanh niên Jules Verne đến Paris vào năm 1848, khi không khí cách mạng đang sôi sục ở thủ đô Pháp và ở nhiều nước Châu Âu. Trong gia đình, ông bố là một nhà bảo hoàng kiên định và một tín đồ Gia-tô giáo nhiệt thành. Verne chưa biết gì về cách mạng. Cuộc sống ở Paris đã mở cho cậu những chân trời mới. Paris đã đứng lên, dựng chiến lũy trên đường phố, nhà vua chạy trốn ra nước ngoài, nước Pháp tuyên bố thành lập nền cộng hoà… Jules Verne làm quen với nhiều thanh niên có tư tưởng cách mạng và với các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Verne đỗ luật, và một công việc ở văn phòng luật sư ở Nantes đang dành sẵn chờ anh, nhưng chính lúc này anh quyết định một bước ngoặt. “Số phận đã buộc chặt con với Paris – Jules Verne viết thư về Nantes. – Cái nghề duy nhất hấp dẫn con, mà con khao khát vươn tới, là văn học”. Trong thư trả lời, ông bố bằng lòng để Verne quyết định lấy số phận mình nhưng phải tự kiếm sống. Từ đấy anh không nhận được 100 phật lăng hàng tháng của bố nữa. Anh nhấp nhận cảnh sống khó khăn với món tiền kiếm được mỗi tháng 50 phật lăng.

Ở Paris, Jules Verne làm quen với Alexandre Dumas cha, nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng mà anh coi là “Người cha đỡ đầu” của mình trong văn học. Anh làm việc rất căng thẳng, vừa mê sân khấu và âm nhạc, vừa mê địa lý, thiên văn học, lịch sử, kỹ thuật và những phát minh khoa học. Verne đang nghĩ xem làm thế nào để kết hợp được văn học với khoa học. Vào giữa những năm 50 ông bố viết thư khuyên anh từ bỏ việc viết văn. Verne trả lời: “Con không nghi ngờ tương lai của con. Đến năm ba mươi tuổi, con sẽ chiếm một vị trí vững vàng trong văn học.” Điều tiên đoán đầu tiên đó trong cuộc đời Verne – cũng như nhiều tiên đoán khoa học khác sau này của nhà văn – đã tỏ ra đúng đắn một cách kỳ lạ. Đúng vào năm 1863, năm ông ba mươi lăm tuổi ra đời cuốn tiểu thuyết Năm tuần trên khinh khí cầu như ta đã biết. Jules Verne trở thành một nhà văn nổi tiếng. Dumas – khi đọc xong Năm tuần trên khinh khí cầu rất thích liền giới thiệu với Nhà xuất bản Hetzel. Jules Verne ký hợp đồng với Hetzel nhận hàng năm đưa bản thảo ba cuốn sách (cỡ 160 trang in).

Ngoài tiểu thuyết ông còn viết những loại sách khoa học như Địa lý nước Pháp có minh họa (1868), Lịch sử những cuộc du lịch vĩ đại và những nhà du lịch vĩ đại (1878), Christophe Colomb (1883). Những thành tựu chủ yếu của Jules Verne là những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tập hợp trong bộ Những cuộc viễn du kỳ lạ được giải thưởng lớn của Viện Hàn Lâm Pháp. Cho đến hết đời mình, Jules Verne đã viết trên dưới 80 tiểu thuyết chưa kể những cuốn sách truyền bá khoa học, và nhiều bài thơ và 15 vở kịch, trong đó nổi lên những tác phẩm như Năm tuần trên khinh khí cầu (1863), Những cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Hatteras (1864), Cuộc du lịch vào trung tâm trái đất (1864), Từ trái đất lên Mặt trăng (1865), Những đứa con của thuyền trưởng Grant (1867), Hai vạn dặm dưới biển (1869), Vòng quanh Mặt trăng (1870). Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873), Hòn đảo bí mật (1874), Michael Strogoff (1876), Ấn Độ đen (1877), Người thuyền trưởng 15 tuổi (1878), Năm trăm triệu người xứ Bégum (1879), Tia sáng xanh (1882), Quần đảo bốc lửa (1884), Robur người chinh phục (1886).

Thành công của Jules Verne là kết quả của cả một quá trình tích luỹ và lao động không mệt mỏi. Để viết được Những cuộc viễn du kỳ lạ, Jules Verne đã đi nhiều. Năm 1866 Verne sắm một xuồng máy đánh cá cũ sửa lại thành một con tàu nhỏ có buồm, một thứ du thuyền mang tên Saint-Michel. Vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng, mặt rám nắng, người cứng cáp vì vận động. Verne đã sống và làm việc trên tàu Saint-Michel mà ông gọi là “Căn phòng làm việc nổi” của ông. Chính trên tàu này, ngang dọc biển Manche, ông đã viết Hai vạn dặm dưới biển. Về sau Jules Verne sắm những du thuyền khác mới hơn, tốt hơn, đi xa hơn đưa ông đi Na Uy, Ai Len, Scotland, Biển Bắc, Biển Bantích, Địa Trung Hải…

Sức lao động nghệ thuật của Jules Verne rất lớn. Có những ngày ông làm việc liền từ sáng hôm trước đến mờ sáng hôm sau. Ông tự ví mình như “một con ngựa thồ chỉ nghỉ ngơi ngay trong bộ yên cương của nó”. Có khi viết chưa xong tiểu thuyết này ông đã nghĩ đến một tiểu thuyết khác, và đó là sự “nghỉ ngơi” đầy hứng thú của ông. “Cuộc đời tôi kín đặc không còn chỗ cho sự buồn tẻ”, ông thường nói như vậy. Có lần ông tâm sự: “Khi tôi không làm việc, tôi không cảm thấy mình sống nữa”. Thật vậy, một năm trước khi mất, ông già 76 tuổi vẫn còn cho ra đời tác phẩm Người chủ Thế giới (1904).

“Đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều”, đó chính là tác phong lao động đã góp phần rất quan trọng vào những thành công của Jules Verne.

* * *

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ngày nay đã phát triển với một nhịp điệu chưa từng thấy ở các nước công nghiệp với nhiều phương pháp, phong cách, thủ pháp khác nhau. Với Jules Verne, điều quan tâm trước hết là kết hợp được khoa học chính xác với viễn tưởng, và đây chính là một chỗ mạnh nổi bật của phong cách Jules Verne. Tài năng của ông nhiều làm cho cái “viễn tưởng” mang bộ mặt của hiện thực, khiến người đọc cảm thấy những điều tưởng như thần bí hay viển vông ấy hoàn toàn có thể giải thích được và có thể thực hiện được bằng khoa học.

Trong Từ trái đất lên Mặt trăng, những hội viên Câu lạc bộ Đại bác, mà chủ tịch là Barbicane, muốn phóng người lên mặt trăng phải tiến hành cả một quá trình tính toán những số liệu khoa học chính xác chứ không phải “giả khoa học” tùy tiện: cấu tạo viên đạn bằng gì, hình dáng, kích thước và sức nặng thế nào, lượng thuốc nổ bao nhiêu để có được sáu tỉ lít khí ở dưới viên đạn truyền cho nó cấp độ ban đầu cần thiết 11.000 m/s, rồi lại phải tính xem đặt đại bác ở đâu, bắn lúc nào để được lên Mặt trăng ngắn nhất, v.v… Tất cả những cái đó đều là kiến thức khoa học thật sự. Nhà vật lý và thiên văn học Jules Janssen, nhà toán học Henri Garcet, nhà toán học Joseph Bertrand, thư ký viện Hàn lâm khoa học Pháp đã giúp Jules Verne sửa chữa lại những con tính và kiểm tra sự chính xác của những đường Parabol và Hypebol, xác định hành trình của viên đạn đại bác bác từ trái đất lên mặt trăng… Khi viết Hòn đảo bí mật, Jules Verne được sự giúp đỡ của nhà Địa lý học Gabriel Marcel, nhưng để viết tác phẩm viễn tưởng này bản thân Verne cũng phải “đi thực tế” ở các nhà máy, nghiên cứu kỹ thuật sản xuất hóa chất mà kỹ sư Cyrus Smith áp dụng với quy mô nhỏ hơn trên đảo Lincoln. Viết Ấn Độ đen ông xuống hầm mỏ quan sát lao động của người thợ mỏ và cách khai thác than. “Ở Jules Verne nhà văn và nhà khoa học là một”1.

Trên cơ sở hiện thực và khoa học ấy, bốc cao lên tinh thần lãng mạn chinh phục thiên nhiên của Jules Verne. Dựa chắc vào những chân lý những quy luật khoa học, ông đã tung cánh cho những tưởng tượng và mơ ước hết sức táo bạo. Tác phẩm Từ trái đất lên Mặt trăng của ông đã góp phần ảnh hưởng đến Tsiolkovski, người đặt nền móng cho khoa du hành vũ trụ hiện nay.

Nói đến phương pháp sáng tác thể loại khoa học viễn tưởng, các nhà nghiên cứu thường xác định một số đặc trưng của nó như “Cái Lạ”. Những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Verne vận dụng “Cái Lạ” đến cao độ. “Cái Lạ” ở đây chính là cái viễn tưởng của khoa học, cái sáng tạo mới của trí tuệ của con người. Nó đi vào truyện, vừa là một yếu tố nội dung, vừa là một yếu tố nghệ thuật được Jules Verne sử dụng rất linh hoạt. Điểm đặc biệt của Jules Verne là: đối với tất cả những “Cái Lạ” ấy cuối cùng nhà văn đều giải thích bằng khoa học, và từ đó tạo nên lòng tin mãnh liệt vào khoa học kỹ thuật. Khi nói về tài tiên đoán của Jules Verne nhiều người cho rằng ông đã có một “trực giác thiên tài”. Chiếc tàu ngầm Nautilus đi hai vạn dặm dưới biển qua tưởng tượng của ông để rồi mười năm sau có chiếc tàu ngầm thật của kỹ sư Robert.2 Và điều thú vị là chiếc tàu ngầm thật này dường như được làm ra theo mẫu chiếc tàu ngầm tưởng tượng của ông. Vào thời ấy chưa có đèn điện và điện chưa phải là năng lượng chủ yếu của công nghiệp, nhưng tàu ngầm Nautilus đã dùng điện để thắp sáng và quay tít chân vịt, tạo ra tốc độ gấp đôi tốc độ nhanh nhất của những tàu biển bấy giờ. Nhà du hành vũ trụ Mỹ Frank Borman lái tàu Apollon IX nhận thấy tàu của anh cũng có kích thước và trọng lượng như Jules Verne tính và cũng hạ cánh xuống nước cách điểm hạ cánh trong tiểu thuyết có 4km (trong tiểu thuyết viên đạn qua tàu rơi xuống Thái Bình Dương cách bờ 400 km ở tọa độ 27°7 Bắc và 41°37 Tây theo kinh tuyến Washington, ở đó nó được một tàu biển vớt lên). Frank Borman còn kể khi vợ anh đọc xong Từ trái đất lên Mặt trăng, chị tỏ ra lo ngại cho số phận của chồng, vì cuốn tiểu thuyết dừng lại ở một tình thế rất hiểm nghèo cho những người đang bay trong vũ trụ. Anh khuyên chị đọc tiếp Vòng quanh Mặt trăng (quyển II của tác phẩm bộ hai này), và cuốn sách đã làm chị yên lòng, vì viên đạn toa tàu lại quay về trái đất.

Thật ra cái gọi là “tài tiên đoán” hoặc “trực giác thiên tài” của Jules Verne cũng chẳng có gì thần bí. Đúng hơn, nên xem ông là một con người của thời đại, nhạy bén với những phát hiện khoa học mà ông quan tâm theo dõi thường xuyên và tỉ mỉ: ông đã chuyển vào tác phẩm những thành tựu của các nhà bác học thời đại ông đồng thời nối tiếp những thành tựu ấy bằng một sự ngoại suy minh mẫn. Nhà bác học Nga Mendeleïev cũng ca ngợi Jules Verne là “một thiên tài khoa học”. Tinh thần khoa học cho đến nay vẫn là một điểm tựa chủ yếu của khoa học viễn tưởng. Không có yếu tố khoa học và phương pháp khoa học không có khoa học viễn tưởng.

Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cũng không thể tách rời những vấn đề xã hội, những tư tưởng nhân văn. Những nhân vật chính của Jules Verne là những con người của khoa học, khao khát hiểu biết và có năng lực hành động, đồng thời lại là những phẩm chất cao quý, ngay thẳng, chân thành, giàu tình thương yêu. Điển hình là Phileas Fogg, một “tấm lòng vàng” sẵn sàng nhận hy sinh về mình để cứu người bị nạn (Vòng quanh thê giới trong 80 ngày); là Barbicane, Nicholl, Maston trước tham gia chiến tranh giải phóng nô lệ, khi chiến tranh kết thúc đã cải tạo cái vũ khí giết người thành vũ khí khoa học chinh phục vũ trụ (Từ trái đất lên Mặt trăng); là thuyền trưởng Nemo đã gửi những kho tàng dưới đáy biển của mình cho các phong trào khởi nghĩa.

Verne là một nhà văn có tư tưởng dân chủ và nhân đạo. Ông đã giao du với những nhà báo và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như Paschal Grousset, thành viên của Quốc tế Cộng sản. Louise Michel, “cô gái đỏ” của Công xã Paris. Năm 1888, tại Amiens thành phố quê hương vợ, nơi ông đã sống từ năm 1872. Verne nộp đơn ứng cử vào Hội đồng thành phố trong danh sách những người “cực đỏ”. Ông tuyên bố mặc dầu ông không tham gia đảng phái nào nhưng người xã hội chủ nghĩa vẫn gần gũi với ông hơn cả.

Jules Verne đã chinh phục tâm hồn người đọc không phải chỉ bằng những kiến thức của một trí tuệ thiên tài mà bằng cả một tài năng nghệ thuật điêu luyện. Thật vậy, tài năng nghệ thuật đã làm cho những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của ông có một sức hấp dẫn đặc biệt. Tolstoï rất ham đọc Jules Verne và có thói quen mỗi chiều đọc cho các con nghe một hoặc hai chương trong một cuốn tiểu thuyết mới của Verne. Ông khen “Verne có biệt tài trong nghệ thuật tạo dệt tình tiết”3. Thiên hướng của “những cuộc viễn du kỳ lạ” dễ ngả về loại văn ký sự du ký. Nhưng ở Jules Verne những trang miêu tả phong tục cảnh vật, những tài liệu và số liệu nhằm mục đích truyền bá kiến thức khoa học và kích động lòng ham hiểu biết của người đọc đã nhập hẳn vào cấu trúc tiếu thuyết và đem lại cho thể loại khoa học viễn tưởng một điều căn bản là “hiệu quả tiểu thuyết”4.

Tài năng viết chuyện của Jules Verne bao hàm nhiều yếu tố kết hợp mật thiết với nhau. Chính sự hiểu biết rộng lớn đã nâng cao khả năng hư cấu và tạo ra nhiều tình tiết độc đáo dẫn dắt cốt chuyện phát triển. Trong cuộc viễn du Vòng quanh thế giới trong 80 ngày, ở chặng vượt biển cuối cùng nếu Phileas Fogg không biết con đường tắt của ngành bưu vụ Mỹ từ Queenstown qua Dublin đến Liverpool thì ông sẽ ra sao trên con tàu đã bị phá trụi? Có lẽ phải nhìn trong tổng thể mới hiểu hết được tài năng của Jules Verne: “tầm hiểu biết rộng lớn và tư tưởng táo bạo của ông, trí tưởng tượng không bao giờ cạn và những hư cấu độc đáo của ông, tài năng truyền bá khoa học và kể chuyện của ông, chất “u mua”5 đầy sức sống và lối diễn đạt giản dị của ông, đó là những phẩm chất lớn nhất của các tác phẩm của Jules Verne”6.

Nhiều nhà nghiên cứu và nhà văn lớn đã đánh giá cao tài năng nghệ thuật của Jules Verne. Họ nói: “Verne là một nghệ sĩ sâu sắc quá, bí mật quá, mới quá”7. “Cần phải nhắc lại rằng Verne rất quan tâm đến các vấn đề hình thức, đã luyện được một phong cách thích hợp với mình và làm cho khoa học tham dự như một yếu tố và một chỗ dựa của tính trữ tình”8. Khi giáo sư Zinger, nhà vật lý học nổi tiếng, đến thăm Tolstoï ở Iasnaïa Poliana năm 1891, Tolstoï say sưa nói: “Những tác phẩm của Jules Verne thật tuyệt duyệt! Tôi đã đọc từ tuổi mới trưởng thành và mặc dầu vậy tôi vẫn nhớ tôi say mê chúng biết chừng nào… Và nếu như anh biết Tourgueniev hào hứng nói về ông ta thế nào! Thật tình mà nói tôi chưa thấy Tourgueniev say mê một nhà văn nào đến như Jules Verne”9. Độc giả ham thích Verne từ viện sĩ hàn lâm, các nhà bác học và nhà văn lớn đến quần chúng đông đảo các nước. Một lần du lịch qua Ý, để khỏi bị chú ý. Jules Verne ở khách sạn với cái tên giả Prudent Allotte10. Nhưng ở Venice không biết vì sao bị lộ, quần chúng tập hợp dưới khách sạn để chào mừng Jules Verne. Một cuộc diễu hành cầm đuốc có đốt pháo hoa diễn ra với khẩu hiệu sáng lấp lánh: “Evviva Giulio Verne!”11. Đứng trên bao lơn, nhà văn cảm động chào những người dân Ý đã biểu lộ tình cảm nồng nhiệt với ông12.

Jules Verne là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất trên thế giới. Theo thông kê của UNESCO (Ủy ban giáo dục, khoa học văn hóa Liên Hợp Quốc). Jules Verne là một trong số tác giả được dịch nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Từ xưa Jules Verne đã là đối tượng của bao bài nghiên cứu và sách chuyên khảo, luận văn tiến sĩ. Tham gia nghiên cứu Jules Verne có cả những nhà khoa học tự nhiên như nhà bác học nguyên tử Pháp Charles-Noël Martin với luận văn tiến sĩ văn học của ông. Ở Pháp đã thành lập nhiều tổ chức nghiên cứu Jules Verne “Hội Jules Verne”, “Trung tâm Đại học nghiên cứu Jules Verne”, “Trung tâm nghiên cứu Jules Verne của Thư viện thành phố Nantes”, “Nhà bảo tàng Jules Verne” ở Nantes… Những tổ chức ấy thu thập, truyền bá, xuất bản, những tài liệu thông tin, những công trình nghiên cứu về Jules Verne, những thư từ trao đổi của Jules Verne về các tác phẩm của mình. Và năm 1978, theo quyết định của Hội đồng Hòa bình Thế giới, toàn thế giới đã kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Jules Verne người cha đẻ của nền tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hiện đại.

Vòng quanh thế giới trong 80 ngày là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Jules Verne. Đây là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. “Viễn tưởng” ở chỗ nó đi trước thời gian, nó thực hiện một điều chưa thực hiện được. Bởi vì trước kia các nhà du hành phải đi vòng quanh trái đất mất 300 ngày: thời Jules Verne với những phương tiện mới như tàu hỏa, tàu thuỷ… có tờ báo đã thử làm chuyện vui, tính toán các chặng đường cộng lại thành 80 ngày. Tuy nhiên đó mới chỉ là một “thời gian lý thuyết”, bằng những tính toán sít sao trên giấy. Trên thực tế sẽ vấp phải hàng ngàn vụ bất trắc do tổ chức giao thông còn bấp bênh và những vụ cướp tàu thường xảy ra ở nhiều vùng hoang vu lạc hậu, do những tai nạn tàu xe trục trặc máy móc, do những trận giông bão và sương mù trên biển, v.v… Thế nhưng Phileas Fogg – nhân vật chính của tác phẩm – dám đánh cuộc đi vòng quanh thế giới trong thời hạn ấy.

Qua chuyện này Jules Verne khẳng định sức mạnh của ý chí tinh thần khoa học và những phẩm chất cao quý khác của con người nuôi dưỡng trong chúng ta niềm tin ở khả năng con người: làm chủ thiên nhiên.

Dọc đường, Jules Verne có nhận xét khá tinh tế về một số nét nổi bật của các địa phương. Qua Trung Quốc, ông lưu ý những nét trì trệ của “vương quốc thiên triều”. Qua Nhật, ông để ý những nét của một dân tộc đang lớn lên và sự phát triển mạnh mẽ của ngành quân sự là “cái nghề được trọng vọng ở Nhật”. Qua Mỹ, cái vùng đất mới mà đã có thời dân tứ chiếng đổ xô đến tìm vàng, đánh bạc với “nắm vàng bột tay này, khẩu súng lục tay kia”. Và bây giờ là đất của các nhà doanh nghiệp, đất của chủ nghĩa tư bản trẻ tuổi đang phát triển, ông nêu bật “chất Ianki”13 tích cực, khoa học, táo bạo trong hành động thực tiễn nhưng ngạo mạn và hỗn độn. Ở đó người ta dám liều và thích thú cho xe lửa phóng qua chiếc cầu hư nát thật nhanh để “tốc độ nuốt trọng lượng”, ở đó người ta họp mít tinh đánh nhau túi bụi để bầu một vị “quan tòa hòa giải”!…

Nhưng cái “hiệu quả tiểu thuyết” tạo ra sức hấp dẫn lớn nhất của tác phẩm này là ở tính cách nhân vật chính Phileas Fogg và các tình tiết tạo dệt quanh chuyến đi vòng quanh thế giới của ông ta. Qua nhân vật Phileas Fogg, Jules Verne muốn nêu lên một kiểu người của khoa học, của lý trí, có đầu óc tổ chức chặt chẽ và tính chính xác đến từng chi tiết của cuộc sống, có tính trầm tĩnh, gan góc, quyết đoán, làm chủ được mình và mọi hoàn cảnh, đồng thời sau cái vẻ lạnh lùng của lý trí ấy lại là một tấm lòng nhân hậu…

Lúc ra mắt bạn đọc lần đầu ở Pháp tiểu thuyết Vòng quanh thế giới trong 80 ngày đăng rải rác nhiều kỳ trên báo, được dư luận đặc biệt chú ý ngay và từ trang giấy nó đi vào đời sống lúc nào không biết. Khi đăng tới cuối truyện, lúc Phileas Fogg chỉ còn cách Đại Tây Dương nữa là về tới đích, thì những bức điện của các hãng vận tải đường biển Mỹ gửi tới tấp đến tác giả, hứa tặng những món tiền khổng lồ nếu Phileas Fogg chọn con tàu của hãng họ để đi chặng cuối cùng về nước. Jules Verne đành cho Phileas Fogg mua riêng một con tàu nhỏ vượt Đại Tây Dương. Cuốn tiểu thuyết này, Tolstoï đọc cho các con nghe, hấp dẫn đến nỗi nhà văn vừa đọc vừa minh họa bằng hình vẽ. (Hiện nay còn lưu lại 17 bức tranh của Tolstoï vẽ bằng bút và mực đen minh họa cuốn tiểu thuyết)14.

Nikolaïevitch Ostrovski, nhà văn thân thuộc của thanh niên, tác giả Thép đã tôi thế đấy, cho biết những cảm giác thời niên thiếu của mình khi đọc Jules Verne: “Ông không chỉ là một vị cứu tinh của tuổi thơ tôi, đối với tôi ông còn là một cái gì lớn hơn thế!… Những phát minh kỳ diệu của Jules Verne đã chiếm một vị trí khác thường trong trái tim tôi! Tôi đã xúc động biết bao khi đọc những tập sách dày của ông và đau khổ rằng sớm hay muộn rồi tôi cũng phải đọc đến chỗ kết thúc”15.

Trong thời đại khoa học và kỹ thuật này, có lẽ nền văn học của ta cũng phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về “hiện tượng Jules Verne”. Chúng ta rất cần những tác phẩm văn học, cả sáng tác và dịch, thông qua hình thức hấp dẫn của tiểu thuyết khoa học, khích lệ ở thanh niên tinh thần yêu khoa học kỹ thuật, dám ước mơ, tìm tòi, dám khát vọng hiểu biết và chinh phục thiên nhiên. Cuốn sách của Jules Verne ra mắt bạn đọc với lòng mong muốn đáp ứng được phần nào yêu cầu chính đáng đó.

- DUY LẬP -

____________________

[←1]

L. A. Zenkevich và E. Brandis: Lời giới thiệu Hai vạn dặm dưới biển – Hai vạn dặm dưới biển, tập 1 (Lê Anh dịch). Nxb Kim Đồng. 1975. trang 3.

[←2]

Người viết có lẽ nhầm lẫn. Tàu Nautilus của Robert Fulton (1800) ra đời sớm hơn rất lâu Nautilus của Jules Verne (1870), và Verne cũng công nhận rằng cái tên Nautilus ông đặt dựa theo con tàu của Robert. Tạo hình tàu lấy từ nhiều nguyên mẫu khác nhau, ngoại hình giống với USS Alligator (1862) còn nội thất giống với Plongeur (1863). – Tornad

[←3]

Eugène Brandis, Jules Verne ở Nga và Liên Xô, tạp chí Lettres sovietiques số 230-1978, Tr.177.

[←4]

Theo báo Châu Âu (Europe số tháng 8-9 năm 1977).

[←5]

Từ mượn tiếng Pháp, humour: dí dỏm, hài hước. – Tornad

[←6]

L. A. Zenkevich và E. Brandis: Lời giới thiệu Hai vạn dặm dưới biển – Hai vạn dặm dưới biển, tập 1 (Lê Anh dịch). Nxb Kim Đồng. 1975. trang 3.

[←7]

Raymond Russell ý kiến, trích trong Encyclopædia Universalis.

[←8]

Marc Soriano – Encyclopædia Universalis tập 16, Paris 1968, tr.708.

[←9]

Eugène Brandis – Jules Verne ở Nga và Liên Xô, tạp chí Lettres sovietiqué số 230 – 1978, tr.179.

[←10]

Prudent Allotte là tên bác, cũng là cha đỡ đầu, của Jules Verne. Ông là người có vị trí đặc biệt với Verne và thường xuất hiện thấp thoáng trong các sáng tác của nhà văn.

[←11]

Tiếng Ý, nghĩa là “Hoan hô Giulio Verne!” Evviva là hoan hô, Giulio là phiên bản tiếng Ý của tên thánh Jules. – Tornad

[←12]

Eugène Brandis – Jules Verne được khám phá một lần nữa trong tập Văn học thiếu nhi tiếng Nga, Nxb Văn học thiếu nhi, 1975, tr.176.

[←13]

Yankee, người Mỹ. Từ này từng mang nghĩa miệt thị dành cho người Mỹ thuộc Liên bang miền Bắc trong cuộc nội chiến Mỹ. Tuy nhiên, khi cuộc chiến kết thúc nó không còn mang nghĩa đó nữa. – Tornad

[←14]

Trong cuốn Ba cuộc đời của Jules Verne (Kirill Andreyev) M. 1956 (tiếng Nga: Три жизни Жюля Верна — Кирилл Андреев) có in một số tranh như thế của Tolstoï.

[←15]

Eugène Brandis: Jules Verne ở Nga và Liên Xô, tạp chí Lettres sovietiqué, số 230 – 1978, tr.180.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện