Phần I – Phileas Fogg và Vạn Năng nhận nhau làm chủ và tớ như thế nào

Vào năm 1872 ngôi nhà số 7 phố Saville, bên công viên Burlington – ngôi nhà tại đó Sheridan đã tạ thế năm 1814 – là nơi ở của ngài Phileas Fogg một trong những hội viên kỳ dị nhất và đặc biệt nhất của “Câu lạc bộ Cải cách Luân Đôn” mặc dầu ông ta vẫn có vẻ cố gắng không làm gì để mọi người chú ý.

Vậy là kế vị cho một trong những nhà hùng biện lớn nhất làm vinh dự cho nước Anh là ông Phileas Fogg này, một nhân vật bí hiểm mà người ta không biết gì ngoài cái điều đó là một con người rất hào hoa phong nhã và là một trong những nhà quý phái điển trai nhất của xã hội thượng lưu Anh.

Người ta bảo ông ta giống Byron – giống ở cái đầu, bởi vì chân ông thì không chê vào đâu được16 – nhưng một Byron có ria mép và râu quai nón, một Byron lạnh như tiền có thể sống nghìn năm cũng không già.

Là người Anh thì nhất định rồi nhưng Phileas Fogg có lẽ không phải người Luân Đôn. Người ta không bao giờ thấy ông ở Sở giao dịch chứng khoán hoặc ở Ngân hàng hoặc ở bất cứ một thượng điểm nào của thành phố. Cả những vũng tàu và những bến tàu ở Luân Đôn cũng chưa bao giờ tiếp nhận con tàu nào có tên chủ tàu là Phileas Fogg. Nhà quý phái ấy không có chân trong bất cứ một ban trị sự nào. Tên tuổi ông không bao giờ vang lên dù trong một hội luật sư hay ở Thánh đường, tại khách sạn Lincoln hay tại khách sạn Gray. Ông không bao giờ cãi ở Tòa án đại pháp quan cũng như ở Cao đẳng pháp viện, ở Tài chính pháp viện cũng như ở Tòa án Giáo hội. Ông không phải một nhà kỹ nghệ hay một thương gia, một lái buôn hay một người làm ruộng. Ông không có chân trong Học việc Hoàng gia Anh hoặc Học viện Luân Đôn, Viện Thủ công nghiệp hoặc Viện Russell, Viện Văn học phương Tây hoặc Viện Luật, cũng không ở trong cái Viện Công nghệ và Khoa học Liên hợp đặt dưới sự bảo trợ trực tiếp của Đức Hoàng Thượng. Cuối cùng ông không tham gia một hội nào trong vô vàn những hội đầy rẫy ở thủ đô nước Anh, từ hội kèn Ácmônica đến hội Côn trùng học lập ra chủ yếu nhằm mục đích trừ diệt những loài sâu bọ có hại.

Phileas Fogg là hội viên của Câu lạc bộ Cải cách có thế thôi.

Giả thử có người nào lấy làm lạ rằng một nhà quý phái bí hiểm như thế sao được là hội viên của cái hội đáng trọng này thì người ta sẽ trả lời rằng ông ta có sự giới thiệu của Ngân hàng anh em Baring, tại đó ông có một khoản tiền đối phiếu giao ngân. Cho nên Phileas Fogg có một “máu mặt” nào đó do những ngân phiếu của ông vẫn được trả đều đặn trước mắt mọi người theo sự thanh toán của nhà ngân hàng đối với một ông chủ nợ cố định.

Ông Phileas Fogg ấy có giàu không? Hiển nhiên là giàu. Nhưng ông ta đã làm giàu như thế nào thì những giới am hiểu nhất cũng không biết đằng nào mà nói, và muốn biết điều đó thì người cuối cùng phải hỏi đến khi có thể là ông Fogg. Dẫu sao mặc lòng ông không hề vung tay quá trán mà cũng không keo bẩn, bởi vì bất cứ ở đâu cần góp tiền cho một công việc cao quý, có ích hoặc từ thiện là ông đều lặng lẽ và thậm chí giấu tên mình mang đến.

Tóm lại không ai kín đáo hơn nhà quý phái này. Ông chỉ muốn thật ít nói và ông càng im lặng lại càng có vẻ bí hiểm. Tuy nhiên, cuộc sống của ông rất minh bạch mà mọi việc ông làm cứ diễn ra máy móc và đơn điệu đến nỗi trí tưởng tượng của mọi người càng bị kích thích cứ muốn tìm hiểu xem đằng sau đó có ẩn cái gì không.

Ông đã đi đây đó chưa? Chắc chắn rồi, bởi vì không ai thông thạo bản đồ thế giới hơn ông. Không một nơi nào dù xa xôi hẻo lánh đến đâu mà ông không tỏ ra có sự hiểu biết đặc biệt. Thỉnh thoảng chỉ qua vài lời gọn và rõ, ông cải chính biết bao câu chuyện đồn đại trong câu lạc bộ về những nhà du lịch mất tích hoặc bị lạc: ông vạch ra những khả năng thật sự và những lời nói của ông thường cứ như được một tài tiên tri mách bảo, vì cuối cùng thì bao giờ chúng cũng được sự kiện xác minh. Con người này hẳn phải đã đi khắp nơi – ít nhất là trong trí.

Tuy nhiên điều chắc chắn là đã từ nhiều năm nay. Phileas Fogg không rời khỏi Luân Đôn. Những người có vinh dự quen biết ông ta hơn người khác một chút chứng thực rằng không ai dám nói là đã thấy ông ở nơi nào khác ngoài con đường thẳng hàng ngày từ nhà đến Câu lạc bộ. Cách tiêu khiển duy nhất của ông là đọc báo và chơi bài “uýt”. Ở cái trò chơi lặng lẽ ấy thật là hợp với bản tính ông, ông thường hay được, nhưng tiền được bạc không bao giờ bỏ hầu bao mà thành một khoản quan trọng trong quỹ từ thiện của ông. Và chẳng cần phải nhận thấy rằng ông Fogg hiển nhiên là chơi để mà chơi không phải để được. Chơi bài đối với ông như một trận đấu, một cuộc vật lộn với khó khăn nhưng một cuộc vật lộn không náo động, không rời chỗ, không mệt nhọc và điều đó hợp với tính cách ông.

Người ta không thấy Phileas Fogg có vợ con gì – điều này có thể xảy ra với những người lương thiện nhất, cũng không thấy họ hàng bè bạn gì cả – điều này quả là hiếm có hơn. Phileas Fogg sống độc thân trong ngôi nhà của ông ở phố Saville không người lai vãng. Chẳng bao giờ có ai kháo chuyện gì về nội tình trong nhà ông. Một người hầu cũng đủ phục vụ ông. Ông ăn trưa, ăn tối ở câu lạc bộ vào những giờ đã định đúng răm rắp cũng vẫn ở trong căn phòng ấy, ở bàn ăn ấy, không tiếp đãi bạn đồng sự, không mời khách và chỉ về nhà để ngủ vào đúng nửa đêm, không bao giờ sử dụng đến những căn buồng rất tiện nghi của Câu lạc bộ Cải cách dành cho các hội viên. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ông sống mười tiếng ở nhà hoặc để ngủ hoặc để tắm rửa. Nếu cần dạo bước thì lần nào cũng như lần nào với bước chân đều đều ông đi lại trong căn phòng ra vào lát gỗ khảm hoặc dọc hành lang vòng quanh nhà dưới một mái vòm lắp kính xanh được chống đỡ bởi hai mươi cột đá vân ban đỏ theo kiến trúc iôních. Nếu ông ăn tối hoặc ăn trưa thì đã có nhà bếp, tủ thức ăn, phòng dọn ăn, cửa hàng cá, cửa hàng sữa của câu lạc bộ, những con người trịnh trọng bận quần áo đen, đi giày có đế lót vải len mềm, dọn cho ông ăn trong một bộ đồ sứ đặc biệt và trên chiếc khăn bàn tuyệt diệu bằng vải Saxe: đã có những cốc pha lê của câu lạc bộ kiểu cổ nay không còn nữa đựng rượu seri, rượu poócto hay rượu clarê17 pha với quế và các hương liệu khác bầy ra, cuối cùng là nước đá của câu lạc bộ – thứ nước đã được chở rất tốn phí từ những hồ ở Châu Mỹ về – nó giữ cho những cốc nước giải khát của ông được tươi mát, uống vào hết sức dễ chịu.

Nếu sống trong những điều kiện như thế mà là người lập dị, thì phải nhận rằng sự lập dị cũng có cái hay.

Ngôi nhà phố Saville chẳng lộng lẫy gì nhưng lại giá trị ở chỗ hết sức tiện nghi. Vả lại, với những thói quen bất di bất dịch của người thuê nhà, công việc phục vụ ở đây chả còn lại bao nhiêu. Tuy nhiên Phileas Fogg đòi hỏi ở người hầu duy nhất của ông một đức tính chính xác đúng quy tắc khác thường. Cũng chính hôm đó, ngày mồng 2 tháng mười, Phileas Fogg đã thải hồi James Forster – anh bồi ấy đã phạm lỗi đưa nước nóng tám mươi tư độ Fahrenheit đến cho ông cạo râu chứ không phải là tám mươi sáu độ và ông đang đợi người thế chân anh ta, người này phải đến trình diện vào lúc giữa mười một giờ và mười một giờ rưỡi.

Phileas Fogg ngồi chững chạc trong chiếc ghế bành, hai chân khép lại như một người lính đang đứng duyệt hình, hai bàn tay chống lên đầu gối, người ưỡn thẳng, đầu ngẩng cao nhìn chiếc kim đồng hồ quả lắc đang chuyển động – một bộ máy phức tạp chỉ cả giờ, phút, ngày, tháng và năm. Đến đúng mười một giờ rưỡi, theo thói quen hàng ngày ông Fogg phải ra khỏi nhà đi đến Câu lạc bộ Cải cách.

Vừa lúc ấy có một tiếng gõ cửa phòng khách nhỏ nơi Phileas Fogg đang ngồi.

James Forster, anh chàng bị thải hồi hiện ra

“Anh hầu mới xin gặp”, anh ta nói.

Một chàng trai chạc ba mươi tuổi ra mắt và cúi chào.

– Anh là người Pháp mà lại tên là John à? – Phileas Fogg hỏi.

– Ngài tha lỗi, thưa tôi là Jean ạ – anh chàng mới đến trả lời – Jean Vạn Năng18 một biệt hiệu người ta vẫn gọi tôi do tôi có năng khiếu trời phú cho là tháo vát mọi công việc. Tôi nghĩ mình là người tử tế, thưa ngài, nhưng, nói cho thật thà, tôi đã qua nhiều nghề. Tôi đã làm người hát rong, làm diễn viên cưỡi ngựa trong rạp xiếc, từng nhào lộn trên mình ngựa như Léotard và nhảy thể dục, để sử dụng có lợi hơn những tài năng của mình, và sau cùng tôi làm đội trưởng đội cứu hỏa ở Paris. Trong hồ sơ thành tích của tôi có ghi cả những đám cháy nổi tiếng. Nhưng thế là đã năm năm nay tôi rời nước Pháp và làm hầu phòng ở nước Anh để được hưởng chút đời sống gia đình. Nay, không có việc làm và được biết ngài Phileas Fogg là con người chuẩn mực nhất và tĩnh tại nhất của Vương quốc Liên hiệp tôi xin đến trình diện ngài với hi vọng được sống yên ổn ở đây và quên cái tên Vạn Năng ấy đi.

– Vạn Năng được đấy – nhà quý phái trả lời – Người ta đã giới thiệu anh với tôi. Tôi được nghe những nhận xét tốt về anh. Anh rõ những điều kiện của tôi chưa?

– Thưa rõ ạ.

– Được. Đồng hồ mấy giờ ?

– Mười một giờ mười hai – Vạn Năng rút từ trong đáy túi áo ghi lê ra một cái đồng hồ quả quýt bằng bạc to tướng đáp.

– Đồng hồ anh chậm rồi – Ông Fogg nói

– Xin ngài thứ lỗi, đời nào thế được ạ.

– Đồng hồ anh chậm bốn phút. Không sao. Chỉ cần biết có sai chệch. Vậy thôi, từ lúc này, mười một giờ hai mươi chín phút sáng ngày thứ tư mùng 2 tháng Mười năm 1872 anh làm cho tôi.

Nói xong Phileas Fogg đứng lên, tay trái cầm mũ, đặt mũ lên đầu với cử động của một người máy và biến đi không nói thêm một lời nào.

Vạn Năng nghe tiếng cánh cửa trông ra phố đóng lại lần thứ nhất: đó là ông chủ mới của anh ra đi, rối lần thứ hai: đó là người làm trước, James Forster đi nốt.

Còn lại một mình Vạn Năng trong ngôi nhà phố Saville.

................

[←16]

Byron (1788-1824) nhà thơ lớn nước Anh, là một người thọt chân, ở đây ý nói Phileas Fogg về hình thể là một người hoàn hảo từ đầu đến chân.

[←17]

Sherry: Một thứ rượu trắng của Tây Ban Nha; Porto: Một thứ rượu vang đỏ hoặc trắng của Bồ Đào Nha rất được ưa chuộng; Claret: Một thứ rượu nho ở Bordeaux (Pháp).

[←18]

Nguyên văn tiếng Pháp: Jean Passepartout. Passepartout là một thứ chìa khóa dùng để mở được nhiều khóa. Chúng tôi không phiên âm mà dịch là “Vạn Năng”, vì đây là một biệt hiệu nói lên một tính cách tiêu biểu của nhân vật.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện