Phần III – Làm thế nào mà nổ ra một cuộc chuyện trò có thể rất tai hại cho Phileas Fogg
Phileas Fogg rời ngôi nhà phố Saville của mình vào mười một giờ rưỡi và sau khi đã đặt năm trăm bảy mươi lăm lần bàn chân phải trước bàn chân trái và năm trăm bảy mươi sáu lần bàn chân trái trước bàn chân phải, ông đến Câu lạc bộ Cải cách, một tòa nhà lớn dựng lên ở phố Pall-Mall20 với số tiền xây nhà không dưới ba triệu bạc.
Phileas Fogg đến ngay nhà ăn, môt căn phòng có chín cửa sổ trông ra một cái vườn ngoạn mục mà cây cối về mua thu đã vàng rực. Ở đó ông ngồi vào bàn ăn quen thuộc, trên bàn đã bày sẵn bộ đồ ăn của ông. Bữa ăn trưa của ông gồm một món ăn khai vị, một con cá luộc rưới nước xốt hảo hạng, một đĩa thịt bò quay đỏ rói có điểm thêm nấm làm gia vị, một cái bánh ngọt nhân đại hoàng và quả phúc bồn tử xanh, một miếng phó mát chester21 và cuối cùng là một vài tách chè thượng hạng, thứ chè được đặc biệt mua về cho nhà ăn của Câu lạc bộ Cải cách.
Mười hai giờ bốn mươi bảy phút trưa, nhà quý phái đứng lên đi đến phòng đại sảnh, một căn phòng lộng lẫy trang trí những bức họa đóng khung sang trọng. Ở đây một người hầu đưa ông Thời báo chưa rọc và Phileas Fogg cần mẫn mở tờ báo với một bàn tay thành thạo, chứng tỏ ông đã rất quen với cái thao tác khó khăn này. Phileas Fogg đọc tờ báo ấy đến ba giờ bốn mươi lăm và thời gian đọc tờ Ngọn cờ tiếp theo kéo dài đến bữa tối. Bữa ăn này cũng được thực hiện trong những điều kiện như bữa trưa, có phụ thêm món “nước xốt hoàng gia Anh”.
Đến sáu giờ kém hai mươi, nhà quý phái lại có mặt trong phòng đại sảnh và mải mê đọc tờ Thời sự Buổi sáng.
Nửa giờ sau, một số hội viên Câu lạc bộ Cải cách bước vào và đến ngồi bên lò sưởi đốt than đá. Đó là những bạn chơi bài quen thuộc của Phileas Fogg cũng máu mê bài “uýt” như ông: kỹ sư Andrew Stuart, các chú ngân hàng John Sullivan và Samuel Fallentin, nhà công nghệ sản xuất rượu bia Thomas Flanagan và Gauthier Ralph một trong những ủy viên quản trị của Ngân hàng nước Anh, – những nhân vật giàu có và được kính nể, ngay cả trong Câu lạc bộ này mà hội viên không thiếu những tay tai to mặt lớn của giới kỹ nghệ và tài chính.
– Ông Ralph này. – Thomas Flanagan hỏi – cái vụ mất trộm ấy ra sao rồi?
– Chà. – Andrew Stuart đáp – Nhà hàng mất toi món tiền ấy rồi.
– Trái lại. – Gauthier Ralph nói – tôi hy vọng chúng ta sẽ tóm được thủ phạm. Nhiều viên thám tử, những tay khá sành sỏi đã được phái sang Châu Mỹ và Châu Âu, ở tất cả các bến cảng quan trọng nơi hành khách lên xuống tàu, và thằng cha kia khó mà thoát được tay họ.
– Vậy người ta đã biết hình dạng tên kẻ trộm rồi ư? – Andrew Stuart hỏi.
– Trước hết đây không phải một tên trộm – Gauthier Ralph nghiêm trang trả lời.
– Sao, cái thằng cha đã xoáy năm mươi lăm ngàn livrơ22 tiền giấy (1 triệu 375.000 phật lăng) mà lại không phải là một tên trộm à?
– Không. – Gauthier Ralph đáp.
– Vậy thời đó là một nhà công nghệ? – John Sullivan hỏi.
– Báo Thời sự Buổi sáng khẳng định là một nhà quý phái.
Con người đưa ra câu trả lời đó chẳng phải ai khác mà chính Phileas Fogg, lúc bấy giờ mới ló đầu ra khỏi chồng báo chất quanh ông. Đồng thời Phileas Fogg chào các bạn đồng sự và nhận lại lời đáp lễ.
Sự kiện họ đang bàn đến, và được các báo chí Vương quốc Liên hiệp tranh cãi sôi nổi. Một bó bạc giấy gồm số tiền khổng lồ năm mươi lăm ngàn livrơ bị mất cắp trên ngăn ván để tiền của viên chánh thủ quỹ Ngân hàng Anh.
Nếu ai ngạc nhiên rằng môt vụ trộm như vậv lại có thể dễ dàng xảy ra đến thế, ngài phó Giám đốc Gauthier Ralph chỉ trả lời chính vào lúc ấy, viên thủ quỹ đang bận vào sổ một khoản nhập basilinh sáu penxơ23 và người ta không thể để mắt đến tất cả.
Nhưng cũng cần nói rõ ở đây – điều này khiến sự việc dễ hiểu hơn – là nhà Ngân hàng Anh kỳ lạ ấy có vẻ lo lắng quá đáng đến lòng tự trọng của công chúng. Không người bảo vệ, không lính gác, không lưới sắt! Vàng bạc ngân phiếu được bày ra thả cửa và có thể nói là phó mặc cho bất cứ một anh cha căng chú kiết nào. Người ta không thể đặt nghi vấn về phẩm giá một khách qua lại nào đó. Một trong những nhà quan sát giỏi nhất về phong tục Anh còn kể chuyện này: Một hôm có mặt trong một căn phòng của Ngân hàng, ông đã nảy ý hiếu kỳ muốn nhìn thật kỹ một thỏi vàng nặng khoảng bảy đến tám livrơ24 bày trong ngăn ván để tiền của viên thủ quỹ: ông cầm lấy thỏi vàng đó, ngắm nghía nó, chuyền tay cho người bên cạnh, người này lại chuyền cho người khác, cứ thế thỏi vàng được chuyền mãi đến tận cuối một cái hành lang tối om và chỉ nửa giờ sau mới trở về chỗ cũ mà viên thủ quỹ vẫn chưa hề ngẩng đầu lên.
Nhưng vào ngày 29 tháng chín, sự việc xảy ra không đúng hẳn như thế. Cái bó bạc giấy không quay trở lại và khi chiếc đồng hồ tráng lệ đặt trên bàn giấy phòng khách điểm đúng năm giờ là giờ đóng cửa công sở thì Ngân hàng Anh chỉ còn việc chuyển khoản tiền năm mươi lăm nghìn livrơ sang mục lỗ lãi.
Vụ trộm đã được chính thức thừa nhận hai năm rõ mười, những viên chức, những “nhà thám tử” chọn trong số người tài giỏi nhất được phái đến các hải cảng lớn, đến Liverpool, Glasgow, Le Havre, Suez, Brindisi, Nữu Ước, v.v… với lời hứa hẹn nếu tìm ra thủ phạm sẽ được thưởng hai nghìn livrơ (50.000 phật lăng) và năm phần trăm số tiền thu hồi được. Trong khi chờ đợi những tin tức do cuộc điều tra đã bắt đầu liền đó đưa lại, các viên thanh tra ấy có nhiệm vụ quan sát cẩn thận những hành khách đến hoặc đi lại các bến cảng này.
Thế nhưng, đúng như tờ Thời sự Buổi sáng đã viết, người ta có lý do để cho rằng thủ phạm vụ trộm không nằm trong một tổ chức trộm cắp nào ở nước Anh. Trong ngày 29 tháng chín ấy người ta đã để ý có một nhà quý phái ăn vận sang trọng, cử chỉ lịch sự, điệu bộ nhã nhặn, đi lại trong phòng trả tiền nơi xảy ra vụ trộm. Cuộc điều tra đã cho phép khôi phục lại khá đúng hình dạng nhà quý phái ấy và hình dạng này lập tức được loan báo cho tất cả các thám tử ở Vương quốc Liên hiệp và trong lục địa. Cho nên một vài người thành thạo – trong đó có Gauthier Ralph – tự thấy có cơ sở để hy vọng rằng tên trộm sẽ không trốn thoát.
Đúng như người ta nghĩ, sự kiện này đã thành chuyện thời sự ở Luân Đôn và khắp nước Anh. Người ta tranh cãi, người ta sôi nổi bàn tán khẳng định hoặc bài bác những triển vọng thành công của sở cảnh sát chính quốc. Cho nên chẳng có gì lạ nếu thấy các hội viên Câu lạc bộ Cải cách cũng bàn luận vấn đề này nhất là khi một Phó Giám đốc của Ngân hàng cũng có mặt trong số họ.
Ngài Gauthier Ralph đáng kính không muốn nghi ngờ kết quả cuộc điều tra vì cho rằng món tiền thưởng hẳn sẽ đặc biệt kích thích lòng hăng hái và trí thông minh của các viên chức. Nhưng người bạn đồng sự của ông Andrew Stuart lại không chút chia sẻ niềm tin ấy. Thế là cuộc tranh luận cứ tiếp tục giữa các nhà quý phái cùng ngồi ở một bàn chơi bài “uýt”. Stuart ngồi trước Flanagan, Fallentin ngồi trước Phileas Fogg. Trong khi chơi bài người chơi không nói gì, nhưng giữa các ván bài câu chuyện bị ngắt quãng trở lại càng sôi nổi hơn.
– Tôi cho rằng, – Andrew Stuart nói, – tên kẻ trộm vẫn có cơ trốn thoát, hắn tất nhiên phải là một tay quỷ quyệt lắm!
– Thôi đi! – Ralph đáp lại, – không còn xó xỉnh nào cho hắn ẩn náu được nữa đâu.
– Nói lạ!
– Vậy ngài muốn hắn đi đâu?
– Tôi biết được, – Andrew Stuart trả lời, – nhưng dù sao trái đất vẫn khá rộng.
– Ngày xưa thì rộng đấy… – Phileas Fogg khẽ lẩm bẩm – Đến lượt ngài bắt cái, – ông nói tiếp và chia cỗ bài cho Thomas Flanagan.
Ván bài bắt dầu, cuộc tranh cãi tạm gác. Nhưng chẳng bao lâu Andrew Stuart lại khơi chuyện:
– Ông nói sao, ngày xưa á! Hay là trái đất đã bé đi chăng?
– Đúng thế. – Gauthier Ralph đáp lại – Tôi đồng ý với ông Fogg. Trái đất đã bé đi bởi vì bây giờ ta đi khắp trái đất nhanh gấp mười lần một năm trước. Và chính điều đó trong trường hợp ta đang xét sẽ khiến cho những cuộc tìm kiếm nhanh hơn.
– Và cuộc trốn chạy của tên trộm cũng nhanh hơn!
– Đến lượt ngài, thưa ngài Stuart ! – Phileas Fogg nói.
Nhưng ông Stuart đa nghi vẫn không chịu thua và hết ván hài ông lại nói:
– Thưa ngài Ralph, phải thừa nhận ngài đã tìm được một cách bông đùa khá thú vị là trái đất bé đi! Như vậy, bởi vì ngày nay người ta đi vòng quanh trái đất mất ba tháng…
– Tám mươi ngày thôi. – Phileas Fogg nói.
– Đúng vậy! thưa các ngài, – John Sullivan nói thêm, – tám mươi ngày, từ khi “Đường sắt bán đảo Đại Ấn” đã mở thêm đoạn đường giữa Rothal và Allahabad và đấy là sự tính toán của báo Thời sự Buổi sáng:
Từ Luân Đôn đến Suez qua Ngọn núi Cenis và Brindisi, xe lửa và tàu thủy: 7 ngày
Từ Suez đến Bombay, tàu thủy: 13 ngày
Từ Bombay đến Calcutta, xe lửa: 3 ngày
Từ Calcutta đến Hồng Kông (Trung Quốc), tàu thủy: 13 ngày
Từ Hồng Kông đến Yokohama (Nhật Bản), tàu thủy: 6 ngày
Từ Yokohama đến San Francisco, tàu thủy: 22 ngày
Từ San Francisco đến Nữu Ước, xe lửa: 7 ngày
Từ Nữu Ước đến Luân Đôn, tàu thủy và xe lửa: 9 ngày
Tổng cộng: 80 ngày
– Phải, tám mươi ngày, – Andrew Stuart kêu lên, vô ý đánh ra một con bài chủ, – nhưng không kể đến thời tiết xấu, ngược gió, tai nạn đắm tàu, trật đường ray, v.v…
– Kể hết, – Phileas Fogg vừa đáp lại vừa chơi tiếp, vì lần này thì cuộc tranh luận không còn kể gì đến ván bài “uýt” nữa.
– Kể cả trường hợp bọn Ấn Độ hoặc bọn da đỏ lột đường ray! – Andrew Stuart kêu lên, – cả trường hợp chúng chặn đánh các đoàn tàu, cướp bóc các toa tàu, giết hại hành khách!
– Kể hết, – Phileas Fogg đáp, và hạ bài xuống nói tiếp: “Hai a-tu chủ”25.
Andrew Stuart đến lượt phải chia bài vừa vơ bài vừa nói:
– Về lý thuyết ngài có lý, ngài Fogg ạ nhưng trên thực tế thì…
– Trên thực tế cũng vậy thưa ngài Stuart.
– Tôi rất muốn được thấy thực tế của ngài.
– Tùy ngài thôi. Ta cùng đi nào.
– Lạy Chúa tha cho! – Stuart kêu lên – nhưng tôi đánh cuộc bốn nghìn livrơ tròn (100.000 phật lăng) rằng một cuộc viễn du như vậy thực hiện trong những điều kiện như thế là không thể được.
– Rất-có-thể-được, trái lại. – Ông Fogg đáp.
– Chà vậy thì ngài thử đi xem
– Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày?
– Phải.
– Tôi sẵn sàng
– Bao giờ?
– Ngay bây giờ.
– Thật điên rồ! – Andrew Stuart kêu lên, bắt đầu khó chịu với thái độ khăng khăng của ông bạn cùng chơi bài. – Thôi! Chơi tiếp đi thôi.
– Thế thì ngài sửa lại cho, – Phileas Fogg đáp, – vì ngài chia nhầm rồi.
Andrew Stuart thu các quân bài về trong bàn tay run run, rồi bất thần đặt cỗ bài xuống bàn:
– Đã thế thì được ông Fogg ạ, – Stuart nói, – được, tôi đánh cuộc bốn nghìn livrơ!…
– Ông bạn Stuart thân mến của tôi ơi, – Fallentin nói, – xin ông bình tĩnh cho. Có phải chuyện đùa đâu.
– Khi tôi nói: tôi đánh cuộc, – Andrew Stuart đáp, – thì không bao giờ là chuyện đùa.
– Được! – Ông Fogg nói. Rồi ông quay lại các bạn đồng sự của mình:
– Tôi có hai vạn livrơ (500.000 phật lăng) đang gửi ở ngân hàng anh em Baring. Tôi sẵn sàng bỏ ra số tiền đó…
– Hai vạn livrơ! – John Sullivan kêu lên – Hai vạn livrơ mà chỉ một sự chậm trễ bất ngờ cũng có thể làm ngài mất toi đấy!
– Sự bất ngờ không tồn lại. – Phileas Fogg giản dị đáp lại.
– Nhưng thưa ông Fogg, cái khoảng tám mươi ngày ấy chỉ mới tính toán như một thời gian tối thiểu.
– Một sự tối thiểu biết sử dụng là đủ cho tất cả.
– Nhưng nếu không muốn vượt quá thời hạn ấy thì ngài phải nhảy như máy từ tàu hỏa xuống tàu thủy và từ tàu thủy lên tàu hỏa.
– Tôi sẽ nhảy như máy.
– Ngài cứ đùa!
– Một người Anh tử tế không bao giờ đùa khi đứng trước một chuyện nghiêm chỉnh như một vụ đánh cuộc, – Phileas Fogg đáp lại, – tôi đánh cuộc hai vạn livrơ với bất cứ ai muốn tôi đi vòng quanh trái đất trong tám mươi ngày hoặc ít hơn tức là một nghìn chín trăm hai mươi giờ hoặc một trăm mười lăm nghìn hai trăm phút. Các ngài có nhận không?
– Chúng tôi nhận. – Các ông Stuart, Fallentin, Sullivan, Flanagan và Ralph trả lời sau khi đã bàn bạc nhất trí với nhau.
– Tốt. – Ông Fogg nói. – Chuyến tàu đi Douvres khởi hành tám giờ bốn mươi lăm. Tôi sẽ đi chuyến đó.
– Ngay chiều nay? – Stuart hỏi.
– Ngay chiều nay, – Phileas Fogg đáp. – Vậy thôi, – ông vừa nói tiếp vừa xin một cuốn lịch túi, – vì hôm nay là thứ tư mồng hai tháng mười, tôi phải trở lại Luân Đôn tại chính phòng khách này của Câu lạc bộ Cải cách, vào ngày thứ bảy 21 tháng chạp lúc tám giờ bốn mươi lăm phút tối, nếu không thì số tiền hai vạn livrơ hiện đang đứng tên tôi tại Ngân hàng anh em Baring sẽ thuộc các ngài trên thực tế và trên pháp luật. Đây là ngân phiếu số tiền đó.
Một biên bản vụ đánh cuộc được thảo ra và ký ngay tức khắc bởi sáu người tham gia. Phileas Fogg vẫn lạnh lùng. Tất nhiên ông không đánh cuộc để kiếm lời và ông chỉ đặt cuộc hai vạn livrơ ấy – một nửa tài sản của ông – vì ông dự tính có thể phải tiêu nửa tài sản kia để hoàn thành thắng lợi cái kế hoạch khó khăn nếu không nói là không thể thực hiện được này. Về phía các đối thủ của ông họ có vẻ xúc động không phải vì số tiền đặt cuộc lớn mà vì họ tự thấy có gì áy náy khi thi đấu trong những điều kiện như thế.
Lúc ấy đồng hồ đánh bảy giờ. Người ta đề nghị ông Fogg nghỉ chơi bài để có thể chuẩn bị lên đường.
“Tôi vẫn luôn luôn sẵn sàng!” – nhà quý phái lạnh như tiền ấy trả lời và lật cây bài, ông hỏi:
– Tôi đánh ca rô. Đến lượt ngài, ngài Stuart.
.................
[←20]
Một phố ở Luân Đôn, khu vực các câu lạc bộ.
[←21]
Thứ phó mát làm ở thành phố Chester ở Anh nổi tiếng là ngon.
[←22]
Livre: đồng tiền Anh
[←23]
Silinh (shilling): tiền Anh bằng 1/20 đồng bảng (livre sterling); penxơ (pence): đồng xu ở Anh bằng 2/12 silinh, tức 1/240 livrơ.
[←24]
Livre, ở đây là một đơn vị đo trọng lượng ngày xưa giá trị thay đổi. Có người cho rằng vào khoảng nửa kilôgam.
[←25]
A-tu, từ mượn tiếng Pháp atout: con bài chủ. Trong bài uýt (whist), các lá a-tu luôn có giá trị cao hơn các lá phi a-tu, ý tác giả muốn nói Fogg đã thắng đậm. – Tornad