Phần XI – Trong trường hợp nào mà Phileas Fogg phải mua một con vật để cưỡi với giá đắt kinh người

Đoàn tàu đã khởi hành đúng giờ quy định. Nó chở một số hành khách, vài sĩ quan những viên chức dân sự và những nhà buôn thuốc phiện và buôn chàm vì công việc buôn bán phải đến phía đông bán đảo.

Vạn Năng ngồi cùng ngăn với ông chủ. Một hành khách thứ ba ngồi trong góc đối diện.

Đó là vị thiếu tướng lữ đoàn trưởng ngài Francis Cromarty, một trong những bạn chơi bài của ông Fogg trong chuyến đi biển từ Suez đến Bombay đang về đơn vị mình đóng ở gần Bénarès.

Ngài Francis Cromarty người cao lớn, tóc vàng hung, chạc năm mươi tuổi, đã tỏ ra xuất sắc trong việc dẹp yên cuộc nổi dậy vừa qua của binh lính Ấn Độ, có thể thật xứng đáng được gọi là người bản xứ. Từ thời trẻ ông đã ở Ấn Độ và chỉ năm thì mười họa lắm mới thấy mặt ở nước nhà. Đó là một người có học thức, có thể sẵn sàng cung cấp những hiểu biết về phong lục, lịch sử, tổ chức của nước Ấn Độ, nếu Phileas Fogg là người muốn hỏi những chuyện đó. Nhưng nhà quý phái này không hỏi gì hết. Ông không di du lịch, ông chỉ vẽ một vòng tròn. Đó là một vật thể có trọng lượng, chuyển động trong một quỹ đạo vòng quanh quả địa cầu, theo những định luật của cơ học thuần lý. Lúc này ông đang nhẩm tính lại trong óc số giờ đã dùng từ buổi ra đi ở Luân Đôn và có lẽ ông đã xoa tay khoan khoái, nếu bản tính ông là người có thể làm một cử động vô ích.

Ngài Francis Cromarty không phải không nhận thấy tính cách kỳ quặc của ông bạn đồng hành, mặc dầu ngài chỉ quan sát ông ta khi cầm quân bài trong tay và giữa hai ván bài. Cho nên ngài có căn cứ để tự hỏi rằng dưới cái vỏ lạnh lùng ấy có một trái tim người đang dập hay không. Phileas Fogg có tâm hồn rung động với những vẻ đẹp thiên nhiên, những khát vọng đạo đức hay không. Với ngài, điều này thành vấn đề. Trong tất cả những người kỳ quặc mà ngài thiếu tướng đã gặp, không ai có thể sánh được với cái sản phẩm này của những ngành khoa học chính xác.

Phileas Fogg không hề giấu giếm với ngài Francis Cromarty kế hoạch đi vòng quanh thế giới của mình và cả những điều kiện để thực hiện kế hoạch ấy. Ngài thiếu tướng chỉ thấy trong vụ đánh cuộc này một chuyện quái gở không nhằm mục đích gì có lợi và nó tất nhiên là thiếu cái “đầu óc làm ăn” cần phải chỉ đạo tất cả mọi con người có lý trí. Theo kiểu này của nhà quý phái kỳ dị, ông hẳn sẽ chết đi mà “không làm được gì” cho ông ta cũng như cho mọi người khác.

Một giờ sau khi rời khỏi Bombay, đoàn tàu vút qua các cầu cạn đã đi hết hòn đảo Salcette và đang chạy trên lục địa. Tại ga Callyan nó bỏ con đường rẽ phải là đường qua Kandallah và Pounah xuống sông nam Ấn Độ rồi nó tới ga Pauwell. Ở điểm này, nó dấn mình vào trong những rặng núi trùng điệp của dãy Ghâtes là những dãy núi có nền đá lục thạch, và đá badan, mà những đỉnh cao nhất cũng được phủ kín rừng rậm.

Thỉnh thoảng ngài Francis Cromarty và Phileas Fogg lại trao đổi với nhau vài lời; câu chuyện thường chuếnh choáng và vị thiếu tướng lúc này muốn nó hào hứng lên bèn nói:

– Ông Fogg này, mấy năm trước mà qua đây chắc hẳn ông sẽ bị một trở ngại làm chậm trễ cuộc hành trình của ông đấy.

– Sao vậy thưa ngài Francis?

– Bởi vì con đường sắt dừng lại ở chân núi này và ta phải qua núi bằng kiệu hoặc ngựa cho đến tận Kandallah ở sườn núi bên kia.

– Sự chạm trổ ấy chẳng đảo lộn chút nào cái kế hoạch khít khao của tôi. Tôi cũng chẳng đã tính trước một số trở ngại bất ngờ.

– Tuy vậy ông Fogg ạ, – vị thiếu tướng lại nói, – ông có thể lâm vào một vụ rắc rối to vì cái chuyện lôi thôi của anh chàng này đấy.

Vạn Năng, chân ủ trong chiếc chăn đi đường, đang đánh một giấc ngủ ngon lành và cũng chẳng nằm mơ thấy người ta nói đến anh.

– Chính phủ Anh cực kỳ nghiêm khắc đối với loại tội phạm này và như vậy là có lý, – ngài Francis Cromarty lại nói. – Chính phủ đòi hỏi trước hết phải tôn trọng các tục lệ tôn giáo của người Ấn Độ và nếu như người hầu của ông bị bắt…

– Ồ thưa ngài, nếu anh ta bị bắt, – ông Fogg đáp, – thì anh ta sẽ bị kết án, anh ta sẽ chịu hình phạt của anh ta và rồi anh ta lại yên ổn trở về Châu Âu. Tôi không thấy vì lý do gì chuyện này có thể khiến ông chủ anh ta phải chậm lại.

Và đến đó câu chuyện lại nhạt dần. Ban đêm đoàn tàu vượt qua vùng núi Ghâtes đi đến Nassik và ngày hôm sau 21 tháng mười, nó phóng nhanh qua một miền tương đôi bằng phẳng, nằm trong địa hạt Khandeish. Giữa cánh đồng xanh tươi rải rác những thôn xóm nhỏ, ngọn tháp chùa vút lên thay cho tháp chuông nhà thờ Châu Âu. Nhiều dòng sông nhỏ, phần lớn là chi lưu và phó chi lưu của sông Godavery, tưới cho miền đất màu mỡ này.

Vạn Năng tỉnh dậy, ngắm nhìn phong cảnh và không thể tưởng tượng rằng mình đang đi ngang qua nước Ấn Độ trong một con tàu của “Đường sắt đại bán đảo”. Điều đó đối với anh có vẻ vô lý. Vậy mà không có gì thật hơn! Cái đầu tàu, được điều khiển bởi cánh tay một người thợ máy Anh và đốt nóng bằng than đá Anh, nhả khói trên những cánh đồng bông, cà phê, đậu khấu, đinh hương, hồ tiêu đỏ. Khói tàu cuốn quanh các khóm cọ giữa đó ẩn hiện những ngôi nhà hai tầng đẹp như tranh vẽ, một vài tu viện bỏ hoang, và đền miếu kỳ lạ được tô điểm bằng nghệ thuật trang trí vô cùng phong phú của kiến trúc Ấn Độ. Rồi đến những khoảng đất rộng mênh mông xa tít, những khu rừng rậm không thiếu rắn rết và hổ báo bị khiếp đảm vì những tiếng còi hú của con tàu và cuối cùng những cánh rừng có đường sắt xuyên qua mà vẫn còn lảng vảng những con voi giương đôi mắt tư lự nhìn đoàn tàu cuộn khói.

Buổi sáng hôm ấy ở quá Malligaum, các hành khách đi ngang qua cái miền thê thảm thường hay đổ máu vì bàn tay các tín đồ của nữ thần Kâli34. Không xa đó nổi lên thành phố Ellora với những ngôi chùa tuyệt đẹp và thành phố Aurungabad nổi tiếng kinh đô của quốc vương Aureng-Zeb dung dữ, ngày nay là tỉnh lị bình thường của một trong những tỉnh từ vương quốc Nizam tách ra. Đây chính là một vùng đặt dưới quyền thống trị của Feringhea, thủ lĩnh dân Thug, quốc Vương của những Người bóp cổ. Những kẻ giết người này, tụ tập trong một tổ chức rất khó lùng bắt, bóp cổ những nạn nhân đủ mọi lứa tuổi không đổ một giọt máu do làm lễ tế Thần Chết, và đã có thời người ta không thể đào bới bất cứ một nơi nào trên miền đất này mà không thấy một thây người. Chính phủ Anh đã ngăn chặn được khá nhiều những vụ giết người như thế nhưng cái hội ghê gớm ấy vẫn còn tồn tại và hoạt động.

Mười hai giờ giữa trưa, tàu đỗ ở Burhampour và Vạn Năng có thể mua ở đây với giá đắt như vàng một đôi giày hàm ếch dát ngọc giả, mà anh xỏ vào chân với một cảm giác hãnh diện ra mặt.

Hành khách ăn trưa vội vàng, và tàu lại đi đến ga Assurghur sau khi đã chạy một quãng ven bờ sông Tapty, con sông nhỏ này chảy vào vịnh Cambaye ở gần Surate.

Cũng nên nói rõ đầu óc Vạn Năng lúc này đang theo đuổi những ý nghĩ gì. Cho đến Bombay, anh cứ tưởng và có thể tưởng như mọi sự sẽ chấm dứt ở đây. Nhưng bây giờ, từ khi phóng vùn vụt qua Ấn Độ, thì đầu óc anh có sự thay đổi quay ngoắt lại. Anh nhanh chóng trở về với bản tính mình. Anh lại tìm thấy những ý nghĩ ngông cuồng thời trai trẻ, anh xem những kế hoạch của ông chủ là chuyện đứng đắn, anh tin là vụ đánh cuộc có thật, và do đó cũng tin ở cuộc đi vòng quanh thế giới này và ở thời hạn tối đa này không được vượt quá. Thậm chí anh cũng đã lo lắng đến những chậm trễ, những tai nạn có thể bất ngờ xảy ra dọc dường. Anh cảm thấy như mình cũng tham dự vào vụ đánh cuộc, và rùng mình nghĩ rằng anh có thể làm hỏng nó vì cái trò ngốc nghếch không tha thứ được của anh hôm trước. Cho nên, không được phớt tỉnh như ông Fogg, anh cũng lo lắng hơn ông nhiều. Anh đếm đi đếm lại những ngày đã trôi qua, nguyền rủa những chặng tàu đỗ. Lên án con tàu chạy chậm và thầm trách ông Fogg đã không treo thưởng cho người thợ máy. Chàng trai trung hậu không biết rằng cái điều làm được trên tàu bể không làm được nữa trên xe lửa với tốc độ quy định.

Về nhiều, con lọt tàu vào những đường hẻm của dãy núi Sutpour ngăn cách địa hạt Khandeish với địa hạt Bundelkund.

Ngày hôm sau, 22 tháng mười, có lần ngài Francis Cromarty hỏi giờ. Vạn Năng giở đồng hồ ra xem trả lời là ba giờ sáng. Và quả thật, cái đồng hồ quả quýt trứ danh ấy luôn luôn lấy giờ theo kinh tuyến Greenwich, ở cách ngót bảy mươi bảy độ về phía tây, tất phải chậm đi và trên thực tế nó chậm bốn giờ.

Cho nên ngài Francis đính chính lại giờ của Vạn Năng, ngài trao đổi với anh điều nhận xét mà Fix cũng đã nói với anh. Ngài cố làm cho anh hiểu rằng anh phải chỉnh đồng hồ mình theo mỗi kinh tuyến mới, và vì anh luôn đi về phương đông, nghĩa là về phía mặt trời, cho nên cứ mỗi độ đi qua thì ngày lại ngắn đi bốn phút. Nhưng vô ích. Dù anh chàng bướng bỉnh có hiểu ra điều nhận xét của ngài thiếu tướng hay không anh vẫn khăng khăng không chịu vặn đồng hồ lên, cứ giữ mãi giờ Luân Đôn, vả lại đây cũng chỉ là một thói tật vô tội chẳng hại gì cho ai.

Tám giờ sáng, còn mười lăm dặm đến ga Rothal thì con tàu dừng lại giữa một chỗ rừng thưa rộng, ven rừng có vài nhà hai tầng và những túp lều công nhân. Bác xa trưởng đi đến trước các toa tàu nói:

“Xin mời hành khách xuống đây”.

Phileas Fogg nhìn ngài Francis Cromarty, ông cũng ngơ ngác không hiểu tại sao đỗ tàu ở giữa một khu rừng me như vậy.

Vạn Năng ngạc nhiên không kém, anh chạy lao lên đường ray và trong chớp mắt đã trở về kêu lên.

– Ông chủ ơi, hết đường tàu rồi!

– Anh bảo sao? – Ngài Francis Cromarty hỏi

– Tôi muốn nói là tàu không chạy nữa!

Ngài thiếu tướng lập tức xuống tàu, Phileas Fogg theo ông không vội vã. Cả hai cùng nói với người xa trường

– Chúng ta đang ở đâu đây? – Ngài Francis Cromarty hỏi

– Ở xóm Kholby – bác xa trưởng trả lời.

– Tàu đỗ tại đây ư?

– Chắc thế. Đường sắt chưa làm xong…

– Sao! Chưa xong à?

– Vâng! Từ đây đến Allahabad còn một đoạn chừng năm mươi dặm chưa đặt ray, rồi từ Allahabad đường sắt mới lại tiếp tục.

– Vậy mà báo chí lại đưa tin con đường sắt này đã hoàn thành!

– Biết làm sao, báo cáo ngài sĩ quan, báo chí đã nhầm.

– Còn các ông thì bán vé từ Bombay đi Calcutta! – Ngài Francis Cromarty đã bắt đầu nóng mặt nói tiếp.

– Tất nhiên. – người xa trưởng đáp. – nhưng mọi hành khách đều biết rõ là họ phải tự tìm lấy phương tiện đi từ Kholby liên Allahabad.

Ngài Francis Cromarty giận điên lên. Vạn Năng hẳn sẵn sàng nện chết lão xa trưởng mà thật ra lão cũng chẳng làm gì hơn được. Anh không dám nhìn ông chủ mình nữa.

– Ngài Francis ạ. – Ông Fogg bình thản nói – nếu ngài vui lòng, chúng ta sẽ tìm cách đến Allahabad.

– Ông Fogg, đây có phải là một sự chậm trễ vô cùng tai hại cho công việc của ông không?

– Không, thưa ngài Francis, điều này đã được tính trước.

– Sao! Ông đã biết là đường xe lửa…

– Biết sao được nhưng tôi biết là một trở ngại nào đó sớm muộn cũng xảy ra dọc đường. Thế nhưng chẳng có gì bị hỏng cả. Tôi đang có dư hai ngày có thể hy sinh. Chuyến tàu bể khởi hành từ Calcutta đi Hồng Kông trưa ngày 25. Hôm nay mới 22 và ta sẽ đến kịp Calcutta.

Với một câu trả lời chắc chắn đến thế thì không có gì phải bàn nữa.

Điều hiển nhiên là công trình đường sắt mới đặt tới điểm này. Báo chí cũng giống như một số đồng hồ nào đó, có cái bệnh chạy nhanh, và họ đã loan báo quá sớm sự hoàn thành con đường sắt. Phần lớn hành khách đã biết đoạn đường đứt quãng này và khi xuống tàu, họ vội chiếm lấy các xe cộ đủ loại, trong làng, xe ngựa bốn bánh, xe bò kéo bằng bò có bướu, xe du lịch giống như những ngôi chùa lưu động, kiệu, ngựa, v.v… Bởi vậy ông Fogg và ngài Francis Cromarty sau khi tìm hỏi khắp làng đã phải trở về không.

“Tôi sẽ đi bộ”. Phileas Fogg nói.

Vạn Năng lúc này đã quay lại gặp ông chủ, anh nhăn mặt đầy ý nghĩa ngắm nghĩa đôi giầy hàm ếch đẹp đẽ nhưng yểu tướng của mình. May thay, anh vốn là con người lắm sáng kiến, và ngập ngừng một chút, anh nói:

– Thưa ông, hình như tôi đã tìm thấy một phương tiện vận tải.

– Phương tiện nào?

– Voi! Con voi của một người Ấn Độ ở cách đây trăm bước.

– Nào, ta đi xem voi, – ông Fogg đáp.

Năm phút sau, Phileas Fogg, ngài Francis Cromarty và Vạn Năng tới bên một túp lều ở kế một miếng đất có hàng rào cao bọc kín. Trong lều có một người Ấn Độ, và trong khu đất rào kín có một con voi. Theo yêu cầu của họ, người Ấn Độ đưa ông Fogg và hai ông bạn vào trong miếng đất rào.

Tại đây, họ đứng trước một con vật đang thuần hóa dở dang, mà người chủ của nó nuôi dạy không phải để thành con vật thồ, mà để thành con vật chọi. Với mục đích ấy ông ta bắt đầu làm thay đổi bản tính vốn hiền lành của con vật, để làm sao đưa dần nó lên tới cực điểm của cơn điên dại gọi là “musơ” trong tiếng Ấn Độ, và muốn vậy, ông nuôi nó trong ba tháng bằng đường với bơ. Cách rèn luyện ấy có vẻ khó mà đem lại hiệu quả mong muốn, nhưng nó vẫn được nhiều người chăn nuôi sử dụng thành công. Rất may cho ông Fogg là con voi này chỉ vừa mới được nuôi theo chế độ đó, và cơn “musơ” vẫn còn chưa nổ ra.

Kiouni – tên con vật – cũng như tất cả mọi đồng loại của nó có thể đi nhanh trong suốt thời gian dài, và vì thiếu vật cưỡi nên Phileas Fogg quyết định dùng nó.

Nhưng voi là giống vật đắt tiền ở Ấn Độ vì ở đây chúng đã bắt đầu hiếm. Những con voi đực chỉ chúng mới thích hợp với những cuộc chọi voi ở rạp xiếc, càng được đặc biệt ưa chuộng. Những con vật này khi đã thuần hóa thì sinh sản rất ít đến nỗi người ta chỉ có thể kiếm được chúng bằng săn bắt. Cho nên chúng được hưởng những săn sóc đặc biệt, và khi ông Fogg hỏi thuê con voi thì người Ấn Độ dứt khoát từ chối.

Ông Fogg cố nài và đặt một giá thuê cực đắt mười livrơ (250 phật lăng) một giờ. Từ chối. Hai mươi livrơ? Từ chối nữa. Bốn mươi livrơ? Vẫn từ chối. Vạn Năng nảy người lên mỗi lần tăng giá. Nhưng người Ấn Độ không chịu mềm lòng.

Món tiền thế là lớn quá còn gì. Cứ cho là con voi đi đến Allahabad mất mười lăm giờ, nó đã đem lại cho chủ nó sáu trăm livrơ (15.000 phật lăng).

Phileas Fogg, không chút bốc đồng, bèn đề nghị với người Ấn Độ bán cho ông con vật và ngay thoạt đầu ông đặt giá một nghìn livrơ (25.000 phật lăng).

Người Ấn Độ không muốn bán! Có lẽ thằng vô lại đã đánh hơi thấy một vụ vớ bẫm.

Ngài Francis Cromarty kéo ông Fogg ra một nơi và khuyên ông nên nghĩ kỹ trước khi dấn thêm nữa. Phileas Fogg trả lời rằng ông ta không có thói quen hành động không suy nghĩ, rằng rốt rục đây là một vụ đánh cuộc hai vạn livrơ rằng con voi này cần cho ông và dù có phải trả đắt gấp hai mươi lần ông cũng sẽ có con voi đó.

Ông Fogg quay lại tìm người Ấn Độ, mà hai con mắt ti hý cháy phừng phừng những ngọn lửa thèm muốn để lộ rõ là đối với hắn chỉ có vấn đề giá cả. Phileas Fogg lần lượt đề nghị một nghìn hai trăm livrơ rồi nghìn rưỡi rồi nghìn tám. Cuối cùng hai nghìn (50.000 phật lăng). Vạn Năng thường ngày mặt đỏ là thế cứ tái nhợt đi vì xúc động.

Đến hai nghìn livrơ, thằng cha Ấn Độ chịu thua.

– Xin thề với đôi giày hàm ếch của tôi – Vạn Năng kêu lên. – sao lại có người đi mua thịt voi với cái giá ghê gớm đến thế.

Ngã giá xong, chỉ còn việc tìm người dẫn dường. Việc này dễ hơn. Một anh thanh niên Parsi có khuôn mặt thông minh đến nhận làm. Ông Fogg chấp thuận và hứa trả công hậu hĩ, điều đó chỉ có thể làm trí thông minh của anh tăng lên gấp bội.

Con voi được dẫn đến và thắng bộ ngay tức khắc. Anh Parsi rất thành thạo nghề “mahu”, nghĩa là nghề quản tượng. Anh trùm một miếng tải lên lưng voi và đặt ở hai bên sườn voi hai ghế có lưng tựa cũng không được đàng hoàng cho lắm.

Phileas Fogg lấy trong cái xắc trứ danh những tờ bạc giấy trả tiền voi cho người Ấn Độ. Quả thật dường như chúng được rút từ trong ruột Vạn Năng. Rồi ông Fogg mời Francis Cromarty cùng với ông đến ga Allahabad. Vị thiếu tướng nhận lời. Thêm một hành khách cũng chẳng làm con vật khổng lồ này phải mệt nhọc.

Lương thực được mua ở Kholby. Ngài Francis Cromarty ngồi vào một ghế. Phileas Fogg ngồi ghế bên kia. Vạn Năng ngồi xoạc cẳng trên miếng tải trùm lưng voi giữa chủ mình và ngài thiếu tướng. Anh Parsi vắt vẻo trên con voi và đến chín giờ thì con vật rời xóm nhỏ dấn sâu vào khu rừng gồi35 rập rạp theo con đường ngắn nhất.

..................

[←34]

Kâli: trong tôn giáo Ấn Độ là vợ của Shiva, nữ thần của sự sinh đẻ và chết chóc. Được miêu tả có nhiều tay, mặt đen, đeo chuỗi hạt tết bằng sọ người.

[←35]

Nguyên tác forêt de latanier, latanier còn được gọi là cây lá gồi. Một loại cây đặc trưng vùng trung du, được trồng nơi khô ráo, nhiều ánh nắng.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện