Phần XII – Phileas Fogg và các bạn mình mạo hiểm qua rừng Ấn Độ như thế nào và những chuyện gì đã xảy ra từ đó
Người dẫn đường, để đi tắt, bỏ lại phía bên phải lối đi cùng con đường sắt đang xây dở. Lối đi này bị vặn vẹo rất nhiều bởi những nhánh núi ngang dọc của dãy núi Vindhias, không theo đường ngắn nhất có lợi cho Phileas Fogg. Anh Parsi, rất thông thuộc đường đi lối lại vùng này, có ý định rút ngắn khoảng hai mươi dặm bằng cách cắt ngang quãng rừng và mọi người chỉ còn biết tin vào anh ta.
Phileas Fogg và ngài Francis Cromarty ngồi thụt đến tận cổ trong chiếc ghế dựa của họ, bị xóc mạnh bởi nước kiệu cứng nhắc của con voi mà người quản tượng thúc phải phóng nhanh. Nhưng họ chịu đựng tình thế với cái vẻ tỉnh khô rất Ănglê, vả lại họ cũng ít nói chuyện và hầu như không trông thấy nhau.
Còn Vạn Năng, ngồi vắt vẻo trên lưng con vật và trực tiếp chịu những cú lắc đi lắc lại, anh rất chú ý đề phòng, theo lời dặn của chủ không dại gì đặt lưỡi giữa hai hàm răng để bị nghiến đứt phăng. Chàng trai trung hậu khi bị ném lên cổ voi, khi bị giạt xuống mông voi làm trò nhào lộn như anh hề nhảy trên một bàn nhún. Nhưng anh pha trò, anh cười đùa giữa những cú nhảy lật mình, và thỉnh thoảng anh lại rút trong xắc ra một miếng đường mà con Kiouni thông minh đớp ngay ở miệng vòi, trong khi vẫn không ngừng nước kiệu đều đặn của nó.
Đi được hai tiếng thì người dẫn đường cho voi dừng lại nghỉ một giờ. Con vật nhai nghiến ngấu những cành lá và cây non sau khi đã đi giải khát ở một đầm nước gần đó. Ngài Francis Cromarty không phàn nàn về đợt nghỉ chân này. Ông đã mệt nhừ. Ông Fogg thì có vẻ khỏe khoắn như vừa bước ra khỏi giường ngủ.
– Ông này mình đồng da sắt chắc! – vị thiếu tướng vừa nói vừa nhìn ông thán phục.
– Thưa, sắt luyện đấy ạ. – Vạn Năng đáp, anh đang chuẩn bị một bữa ăn trưa sơ sài.
Đến trưa, người dẫn đường ra hiệu khởi hành. Chẳng bao lâu quang cảnh miền này mang một vẻ rất hoang dại. Sau những khu rừng lớn tiếp đến những cánh rừng me và cọ lùn mà người ta chặt hàng năm rồi những bình nguyên rộng khô cằn lởm chởm những cây còn xơ xác và rải rác những tảng đá hoa cương lớn. Tất cả miền thượng du Bundelkund ít người qua lại ấy là nơi ở của một cư dân cuồng tín, đã tiêm nhiễm lâu đời những tục lệ khủng khiếp nhất của Ấn Độ giáo. Nền thống trị của người Anh không thể chính thức thiết lập trên một địa hạt nằm dưới ảnh hưởng của các vương hầu Ấn Độ và càng khó vào lọt được những hang ổ hiểm trở của họ trong vùng núi Vindhias.
Nhiều lần, các vị khách cưỡi voi trông thấy những tên người Ấn Độ dữ tợn, họ vung tay giận dữ khi thấy con voi chạy nhanh qua. Vả chăng, anh Parsi luôn tìm cách tránh họ, anh cho rằng gặp những loại người này nguy hiểm. Ban ngày hôm ấy họ nhìn thấy ít thú vật, chỉ có vài con khi vừa trốn chạy vừa làm đủ mọi trò vặn vẹo và nhăn nhó khiến Vạn Năng rất thích.
Trong nhiều ý nghĩ ám ảnh Vạn Năng, có một ý nghĩ làm anh chàng lo ngại. Ông Fogg sẽ giải quyết con voi này như thế nào khi đến ga Allahabad. Ông có đem nó đi theo không? Không thể! tiền vận tải thêm vào tiền mua sẽ khiến nó thành một con vật khuynh gia bại sản. Ông sẽ bán nó đi hay sẽ trả tự do cho nó? Con vật đáng yêu này xứng đáng để người ta coi trọng nó. Nếu may ra mà ông Fogg lại làm quà cho anh, cho chính anh Vạn Năng, thì anh sẽ rất lúng túng. Ý nghĩ ấy không khỏi làm anh bận tâm mãi.
Đến tám giờ, ngọn núi lớn nhất của dãy núi Vindhias đã vượt qua và các hành khách ngồi nghỉ ở chân sườn núi phía bắc, trong một ngôi nhà hai tầng đổ nát.
Chặng đường ngày hôm nay đã được khoảng hai mươi lăm dặm và cũng còn chừng ấy nữa thì đến ga Allahabad.
Trời về đêm lạnh. Bên trong ngôi nhà đổ nát, anh Parsi vun cành khô nhóm lửa, hơi ấm tỏa ra làm mọi người rất dễ chịu. Bữa ăn tối có thực phẩm mua ở Kholby. Các du khách mệt nhoài và đói ngấu ăn ngon lành. Câu chuyện bắt đầu với vài câu nói nhát gừng, chẳng bao lâu kết thúc bằng những tiếng ngáy vang lên. Người dẫn đường thức canh Kiouni, nó ngủ đứng, tựa mình vào một thân cây lớn.
Không có chuyện gì xảy ra đêm hôm ấy. Vài tiếng gầm của những con tiểu báo36 và con báo đôi khi khuấy rối cảnh tĩnh mịch hòa với những tiếng cười nhạo the thé của lũ khỉ. Nhưng những đám thú dữ chỉ một mực kêu hoài mà không biểu thị hành động gì thù địch với các vị khách của ngôi nhà đổ nát. Ngài Francis Cromarty ngủ mê man như một người lính dũng cảm đã chiến đấu mệt nhoài. Vạn Năng, trong một giấc ngủ xáo động, lại mơ thấy những cú ngã bổ chửng ban ngày. Còn ông Fogg thì ngủ yên chẳng khác gì đang ở trong ngôi nhà yên tĩnh phố Saville.
Sáu giờ sáng, đoàn người lại lên đường. Người dẫn đường hy vọng đến ga Allahabad ngay chiều hôm ấy. Nếu thế thì ông Fogg sẽ chỉ mất có một phần số bốn mươi tám giờ đã tiết kiệm được từ buổi bắt đầu chuyến viễn du.
Họ xuống những quãng đường dốc cuối cùng của dãy núi Vindhias. Kiouni đã lấy lại nước đi nhanh của nó. Vào khoảng trưa, người dẫn đường đi vòng quanh làng Kallenger bên bờ sông Cani, một nhánh nhỏ của sông Hằng Hà. Anh vẫn cứ tránh những nơi có người ở, tự cảm thấy an toàn hơn trên những quãng đồng không mông quạnh này là những vùng đất thấp đầu tiên của lưu vực con sông lớn. Ga Allahabad còn cách chưa đây mười hai dặm nữa phía đông bắc. Họ nghỉ chân dưới một khóm chuối, thưởng thức những quả chuối mà họ hết lời ca ngợi là cũng lành như bánh mì, “cũng thơm ngon như kem sữa”.
Đến hai giờ, người dẫn đường đi vào một khu rừng rậm mà anh sẽ phải xuyên qua trên một quãng đường dài nhiều dặm. Anh thích chọn đường rừng khuất nẻo như thế mà đi. Dẫu sao thì cho đến nay anh chưa bị một cuộc đụng độ tai hại nào và cuộc hành trình có vẻ như sắp hoàn thành yên ổn thì con voi bỗng dừng lại, biểu lộ vài dấu hiệu nghi ngại.
Lúc ấy là bốn giờ.
– Cái gì đấy? – Ngài Francis Cromarty hỏi, nhổm đầu lên khỏi cái ghế tựa của mình.
– Báo cáo ngài sĩ quan, không rõ ạ – Anh Parsi đáp, tai lắng nghe một tiếng rì rầm mà hô vọng đến qua vòm lá dày.
Một lúc sau, tiếng rì rầm ấy dễ nhận ra hơn. Nó có vẻ như một cuộc hòa tấu còn ở xa lắm, của những giọng người và giọng kèn đồng.
Vạn Năng căng hết tai mắt ra nghe ngóng. Ông Fogg kiên nhẫn đợi không nói không rằng.
Anh Parsi nhảy xuống đất cột voi vào một thân cây và lao vào quãng rừng rậm nhất. Vài phút sau anh trở lại nói:
“Một đám rước Bà-la-môn đang tiến về hướng này. Tốt nhất ta nên tránh mặt họ”.
Người dẫn đường tháo voi dắt nó vào một chỗ rừng rậm, và căn dặn các hành khách đừng xuống đất. Bản thân anh sẵn sàng nhảy phốc lên mình voi nếu cần phải trốn chạy. Nhưng anh cho rằng đám tín đồ sẽ đi qua mà không thấy anh vì anh đã được vòm lá dày hoàn toàn che khuất.
Hợp âm hỗn độn của những tiếng người và tiếng nhạc cụ đến gần. Những tiếng hát đều đều hòa với tiếng trống và tiếng chũm chọe. Chẳng bao lâu hàng đầu đám rước hiện ra dưới vòm cây cách chỗ ông Fogg và các bạn ông khoảng năm mươi bước. Nhìn qua cành lá, họ dễ dàng nhận rõ những thành phần kỳ lạ của đám lễ tôn giáo này.
Trên hàng đầu, các giáo sĩ đội mũ lễ và bận áo chùng trang sức lòe loẹt. Đi vây quanh họ là đàn ông, đàn bà, trẻ con ê a một giọng tụng kinh ảo não được điểm đều đều bởi những tiếng trống và chũm choẹ. Đằng sau họ, một pho tượng gớm ghiếc hiện ra trên một cái xe có bánh to mà nan hoa và vành bánh kết hình những con rắn quấn vào nhau, được kéo bởi hai cặp bò có bướu phủ vải trùm lưng sặc sỡ. Pho tượng ấy có bốn tay, mình sơn màu đỏ thắm, mắt long lên dữ tợn, tóc rối bù, lưỡi thè lè, môi tô đỏ bằng nước lá móng và lá trầu không. Cổ pho tượng quấn một vòng đeo cổ kết bằng những đầu lâu người, quanh sườn thắt một thắt lưng bằng những bàn tay bị chặt đứt. Pho tượng đứng trên thây một người khổng lồ bị đánh ngã gục và cụt đầu.
Ngài Francis Cromarty đã nhận ra pho tượng đó.
– Nữ thần Kâli, – ông lẩm bẩm, – nữ thần của tình yêu và cái chết.
– Của cái chết, tôi đồng ý nhưng của tình yêu thì không đời nào! – Vạn Năng nói. – Con mụ gớm khiếp này!
Anh Parsi ra hiệu bảo anh im.
Chung quanh pho tượng vùng vẫy, múa may, quằn quại một tốp đạo sĩ khổ hạnh già, trên ngưới vẽ ngoằn nghèo những sọc vàng màu hoàng thổ, khắp mình đầy vết rạch hình chữ thập máu rỉ ra từng giọt, đó là những con người ngu ngốc bị ma làm quỷ ám, thậm chí trong những lễ lớn của Ấn Độ còn lao mình vào dưới bánh xe của xa giá thần Jaggernaut.
Đằng sau họ vài người Bà-la-môn bận quần áo phương đông hết sức lộng lẫy, kéo lê một thiếu phụ đứng không vững nữa.
Người thiếu phụ ấy còn trẻ, da trắng như một phụ nữ Châu Âu. Đầu, cổ, vai, tai, cánh tay, bàn tay, ngón chân cô ta đeo đầy đồ trang sức, những vòng cổ, vòng tay, hoa tai và nhẫn. Một áo dài dát vàng, bên ngoài phủ một tấm vải thưa rất mỏng, làm nổi lên những đường cong của thân mình cô ta.
Theo sau người thiếu phụ ấy, một cảnh trái ngược đập vào mắt, những vệ sĩ kiếm trần giắt lưng và đeo súng lục dài nạm vàng bạc, khiêng một thây người đặt trên một cái kiệu.
Đó là thây một ông già bận trang phục vương hầu sang trọng mang trên mình như khi còn sống, cái khăn vấn đầu dát ngọc, cái áo dài dệt bằng lụa và vàng, cái thắt lưng bằng vải casơmia37 gắn kim cương và những phù hiệu tuyệt đẹp của dòng họ vương hầu Ấn Độ.
Rồi đi sau cùng đám rước là các nhạc công và một đội hậu vệ gồm những người cuồng tín và tiếng kêu la đôi khi át cả tiếng ầm ĩ đinh tai váng óc của kèn trống.
Ngài Francis Cromarty nhìn tất cả cảnh tượng long trọng ấy với một vẻ buồn rầu đặc biệt, và quay sang nói với người dẫn đường:
“Một xátti!”38
Anh Parsi gật đầu và đặt một ngón tay lên miệng. Đám rước dài diễu qua chậm chạp dưới vòm cây và chẳng bao lâu những hàng cuối cùng của nó mất hút trong rừng sâu.
Những tiếng hát tắt dần. Còn vài tiếng kêu ré lên từ xa vang lại và cuối cùng thay cho tất cả cảnh náo nhiệt ấy là sự vắng lặng như tờ.
Phileas Fogg đã nghe được cái tiếng ở miệng ngài Francis Cromarty thốt lên và khi đám rước vừa đi khuất ông hỏi ngay:
– “Xátti” là cái gì?
– Ông Fogg ạ. – viên thiếu tướng đáp. – “xátti” là một lễ tế thần bằng mạng người, nhưng một lễ tế thân tự nguyện. Người đàn bà mà các ngài vừa trông thấy sẽ bị thiêu sống ngày mai khi trời sáng.
– Chà! Những tên vô lại! – Vạn Năng thốt lên, không ghìm được một tiếng kêu phẫn nộ.
– Còn cái thây kia? – Ông Fogg hỏi.
– Đó là thây ông hoàng chồng bà ta. – người dẫn đường trả lời, một vương hầu độc lập xứ Bundelkund.
– Sao thế nhỉ. – Phileas Fogg lại nói, trong giọng nói không hề lộ ra một chút xúc động nào. – những tục lệ dã man ấy sao vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ mà người Anh không triệt đi được ?
– Trên phần lớn đất đai Ấn Độ, – ngài Francis Cromarty đáp, – những lễ tế mạng ấy không còn nữa nhưng ở những vùng hoang vu này thì chúng ta không có ảnh hưởng gì, và nhất là ở địa hạt Bundelkund này. Tất cả triền núi phía bắc dãy Vindhias là nơi diễn ra những vụ giết người cướp của liên miên.
– Khổ thân bà ấy! – Vạn Năng lẩm bẩm, – bị thiêu sống!
– Phải, – viên thiếu tướng lại nói, – thiêu sống, và nếu không, thì các bạn không thể tưởng tượng cô ta sẽ bị các người thân thuộc dồn vào tình trạng khốn khổ như thế nào. Người ta sẽ cạo trọc đầu cô ta, người ta sẽ nuôi cô sống vất vưởng bằng vài nắm gạo, người ta sẽ hắt hủi cô, cô ta sẽ bị xem như một vật nhơ bẩn và sẽ chết trong xó xỉnh nào đó như một con chó ghẻ. Cho nên viễn cảnh một cuộc sống kinh tởm như thế thường đẩy những con người khốn khó ấy đến cực hình hơn là tình yêu hoặc lòng cuồng tín tôn giáo. Tuy vậy cũng có khi sự hy sinh quả thật là tự nguyện, và chính phủ phải kiên quyết can thiệp mới ngăn được. Vậy đó, vài năm trước đây khi tôi ở Bombay, một người vợ goá còn trẻ đến xin ông thống đốc cho phép được tự thiêu cùng với thây chồng mình. Hẳn các bạn cũng nghĩ rằng tất nhiên là ông thống đốc từ chối. Thế là người đàn bà goá rời thành phố đến trốn trên lãnh địa một vương hầu độc lập và ở đó bà ta làm trọn nghĩa vụ hy sinh của mình.
Trong khi viên thiếu tướng kể chuyện, người dẫn đường gật gù xác nhận, và khi chuyện kể xong, anh nói:
– Lễ tế thần sáng mai không phải là tự nguyện.
– Sao anh biết?
– Đó là một chuyện mà bàn dân thiên bạ ở Bundelkund này ai cũng rõ. – người dẫn đường đáp.
– Mà sao con người xấu số này không thấy tỏ vẻ gì kháng cự, – ngài Francis Cromarty nhận xét.
– Đó là vì bà ta đã bị làm cho say bằng khói cây gai và khói thuốc phiện.
– Nhưng họ dẫn cô ấy đi đâu?
– Đến chùa Pillaji, cách đây hai dặm. Bà ta sẽ ở đó đêm nay, để đợi giờ làm lễ tế thần.
– Thế buổi lễ ấy tiến hành bao giờ?
– Ngày mai, khi trời vừa rạng sáng.
Đáp xong người dẫn đường đưa voi ra khỏi chỗ rừng rậm và leo lên cổ con vật. Nhưng đúng lúc anh sắp lùa voi đi bằng một kiểu huýt sáo riêng thì ông Fogg ngăn anh lại và nói với Francis Cromarty:
– Hay là chúng ta cứu người đàn bà kia?
– Cứu người đàn bà ấy ư, ồ ông Fogg ơi! – Vị thiếu tướng kêu lên.
– Tôi còn dư được mười hai tiếng đồng hồ. Tôi có thể dành nó cho việc này.
– Chà! ông quả là một tấm lòng vàng! – Ngài Francis Cromarty nói.
– Đôi khi. – Phileas Fogg giản dị đáp lại. – Khi tôi có thời giờ.
................
[←36]
Guépard: một giống báo nhỏ, mình dài khoảng 73cm không kể đuôi, chạy rất nhanh có thể tới 100 km/giờ, thường ở các khu rừng Châu Phi và Châu Á.
[←37]
Một thứ vải mỏng dệt bằng lông dê ở Casơmi (Cachemire), một hang của Ấn Độ. Casơmia ở vùng biên giới đông bắc Ấn Độ, có một loại dê quý mà lông ở cổ rất nhẹ, mịn và ấm được dùng làm những áo choàng và khăn quàng nổi tiếng trên thế giới.
[←38]
Sutty (suttee): một tục lệ Ấn Độ xưa, buộc người đàn bà góa chết theo chồng, tự thiêu trên giàn hỏa.