Phần XXI – Do đâu mà ông chủ tàu Tankadère suýt nữa mất toi món tiền thưởng hai trăm livrơ
Cuộc vượt biển tám trăm hải lý này, trên một con tàu hai mươi tonnô, và nhất là vào mùa này trong năm, quả là một cuộc ra đi mạo hiểm. Vùng biển Trung Quốc thường hay động, vì nó phơi ra dưới những trận gió khủng khiếp, nhất là trong những thời kỳ ngày đêm bằng nhau, và bây giờ thì người ta đang còn ở những ngày đầu tháng mười một.
Tất nhiên, người hoa tiêu được lợi nếu đưa các hành khách của mình đến tận Yokohama, vì được trả theo ngày. Nhưng nếu cứ liều làm cuộc vượt biển trong những điều kiện như thế thì thật quá kinh suất, và ngay cái việc lên đến Thượng Hải thôi cũng đã là một hành động táo bạo, nếu không phải là liều lĩnh.
Nhưng John Bunsby tin ở tàu Tankadère của mình, nó chồm trên sóng biển như một con mãnh thú, và có lẽ ông đã không lầm.
Nhưng giờ phút cuối cùng của ngày hôm ấy, tàu Tankadère chạy trong những eo lạch ngoắt ngoéo của Hồng Kông, và dù đi kiểu nào, ngang gió hay xuôi gió, nó cũng chạy rất tốt.
– Bác hoa tiêu này, – Phileas Fogg nói khi tàu đã ra khơi, – tôi không cần dặn bác làm sao cho tàu chạy càng nhanh càng tốt.
– Tôn ông cứ tin cậy ở tôi, – John Bunsby đáp, – gió căng buồm được đến đâu, chúng tôi đã cho căng hết. Những lá buồm thượng chẳng có tác dụng gì lúc này đâu, chỉ làm cho con tàu thêm rày rà chạy chậm lại thôi.
– Đó là nghề của bác, không phải nghề của tôi, bác hoa tiêu ạ, và tôi tin ở bác.
Phileas Fogg, người đứng thẳng, chân dạng ra, vững chãi như một thủy thủ, im lặng nhìn mặt biển nổi sóng. Người thiếu phụ ngồi phía sau, cảm thấy trong lòng xao xuyến ngắm nhìn đại dương đã sẫm đi trong bóng hoàng hôn mà bà đang mạo hiểm lao vào trên một con tàu mảnh khảnh. Trên đầu bà, những lá buồm trắng căng phồng như những đôi cánh khổng lồ chở bà lao đi trong không trung. Con tàu, được gió xốc lên, dường như bay trên không.
Đêm ập xuống, mặt trăng bắt đầu bước vào thượng tuần, và ánh sáng yếu ớt của nó chẳng mấy chốc đã tắt đi trong dải sương mù ở chân trời. Những đám mây ùn lên từ phương đông và đã tràn ra chiếm hết một khoảng trời.
Người hoa tiêu cho thắp lửa hiệu, một sự phòng bị cần thiết trong những vùng biển gần bờ rất lắm tàu qua lại này. Tai nạn đụng tàu ở đây không ít, và với tốc độ như nó đang lao đi, một chút va chạm cũng đủ làm con tàu phải tan tành.
Fix ngồi mũi tàu mơ mộng. Ông lánh mình một chố, vì biết bản tính Fogg là người ít nói. Vả chăng ông ghê tởm cái việc mình phải nói chuyện với con người mà ông đã chịu ơn giúp đỡ. Ông nghĩ đến cả chuyện sau này. Ông cảm thấy tên Fogg chắc chắn không dừng lại ở Yokohama, mà sẽ xuống ngay tàu bể đi San Francisco để tới Châu Mỹ, nơi có dải đất mênh mông che chở cho hắn tránh đòn trừng phạt của sở cảnh sát. Ông thấy kế hoạch của Phileas Fogg thật là đơn giản đến hết nước.
Đáng lẽ ở Anh xuống tàu bể đi Hòa Kỳ, như một tên vô lại tầm thường, tên Fogg này đã theo một đường vòng ghê gớm vượt qua ba phần tư quả địa cầu để tới được lục địa Châu Mỹ một cách chắc chắn hơn, ở đó hắn sẽ yên ổn ngồi xơi bạc triệu của ngân hàng, sau khi đã đánh lạc hướng sở cảnh sát. Nhưng khi đã đến Hoa Kỳ thì Fix sẽ làm gì? Buông tha thằng này chăng? Không, một trăm lần không! Và ông sẽ không rời hắn nửa bước cho đến khi nhận được công văn dẫn độ. Đó là bổn phận của ông và ông sẽ thi hành nó đến cùng. Dẫu sao thì hoàn cảnh cũng đã thuận lợi hơn: Vạn Năng không còn ở với chủ của hắn nữa, và nhất là sau những chuyện thầm kín Fix đã thổ lộ, thì càng phải làm sao cho tớ thầy chúng không bao giờ còn thấy được nhau.
Phileas Fogg, về phần mình, cũng không phải không nghĩ đến người hầu biến đi một cách kỳ lạ đến thế. Suy đi tính lại, ông cho rằng rất có thể do một sự hiểu lầm, anh đầy tớ khốn khổ đến phút cuối cũng đã xuống tàu Carnatic. Bà Aouda cũng nghĩ như vậy, bà nhớ tiếc sâu sắc người đầy tớ trung hậu ấy, mà bà đã phải chịu ơn biết bao nhiêu. Vậy thời rất có thể bà lại tìm thấy anh ở Yokohama, và nếu tàu Carnatic đã chở anh đến đó thì cũng dễ hỏi ra thôi.
Khoảng mười gờ, gió mỗi lúc một thổi mạnh. Có lẽ thu bớt buồm lại thì cẩn thận hơn, nhưng người hoa tiêu, sau khi đã quan sát kỹ bầu trời, vẫn để nguyên buồm căng ra như thế. Vả lại, tàu Tankadère, vì có một lườn tàu ngập nước khá sâu nên mang buồm rất tốt, và tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng để thu lại nhanh chóng khi có giông bão.
Đến nửa đêm, Phileas Fogg và bà Aouda lui về phòng, Fix đã về đây trước họ, và nằm dài trên một trong những cái khung thụt sâu trong vách. Còn người hoa tiêu và các nhân viên của ông thì ở suốt đêm trên boong tàu.
Ngày hôm sau, mồng 8 tháng mười một, lúc mặt trời mọc, con tàu đã đi được trên một trăm hải lý. Máy đo tốc độ cho thấy tốc độ trung bình của nó giữa tám và chín hải lý. Tàu Tankadère được gió thổi căng tất cả các cánh buồm, và đi như vậy, nó đạt tốc độ tối đa của nó. Nếu gió cứ thế này thì thật may mắn.
Trong cả ngày hôm ấy, tàu Tankadère không ra xa bờ biển vì những luồng nước gần bờ thuận lợi cho nó. Mạn tàu bên trái cách bờ năm hải lý là nhiều nhất và bờ biển nhấp nhô thỉnh thoảng hiện ra qua những lúc trời hửng. Gió thổi từ đất liền, vì thế biển đỡ động; một hoàn cảnh may mắn cho con tàu, vì những tàu trọng tải nhỏ sợ nhất con sóng dữ phá vỡ tốc độ của chúng, “giết chúng” theo cách nói của các nhà hàng hải.
Vào khoảng giữa trưa, gió biển dịu đi một chút và thổi từ hướng đông nam lại. Viên hoa tiêu cho giương các buồm thượng, nhưng chỉ được hai giờ đã phải thu về, vì gió lại càng ngày càng mạnh.
Ông Fogg và cả người thiếu phụ may thay, chịu được biển không say sóng, họ ăn ngon lành những đồ hộp và bánh bích quy mang lên tàu. Fix được mời cùng ăn và phải nhận lời, vì ông ta thừa hiểu là ăn cho chắc dạ cũng cần như chất hàng cho đằm tàu, nhưng điều đó làm ông ta khó chịu! Du lịch bằng tiền phí tổn của con người này, ăn bằng lương thực của bản thân hắn, ông thấy ở đây có cái gì không ngay thẳng. Tuy vậy ông vẫn ăn, – quả thật là ăn quấy quá, – nhưng rốt cuộc ông vẫn ăn.
Tuy vậy, sau bữa ăn ấy, ông tự thấy cần phải mời riêng “tên Fogg” ra một nơi, và nói với hắn:
“Thưa ông…”
Cái tiếng “ông” ấy làm miệng ông đau nhức, và ông cố ghìm để không đưa tay chộp lấy cổ áo cái “ông” ấy!
– Thưa ông, ông đã hết sức tốt bụng với tôi cùng đi trên tàu của ông. Nhưng mặc dầu khả năng của tôi không cho phép tôi xử sự hào phóng như ông, tôi cũng muốn được trả phần tôi…
– Đừng nói chuyện ấy làm gì, ông ạ, – ông Fogg đáp.
– Phải nói chứ, tôi muốn…
– Không, thưa ông, – Fogg nhắc lại bằng một giọng không cho phép cãi. – Đây là những khoản tiền đằng nào tôi cũng phải chi.
Fix nghiêng mình chào, ông ta nghẹn thở, và đến nằm dài đằng mũi tàu, không nói một lời nào nữa trong cả ngày hôm ấy.
Trong khi ấy con tàu vẫn lao nhanh, John Bunsby tràn trề hy vọng. Nhiều lần ông nói với ông Fogg là tàu sẽ đến Thượng Hải đúng giờ mong muốn. Ông Fogg chỉ đáp lại là ông tin ở điều đó. Vả chăng, toàn đội thủy thủ của cái tàu nhỏ bé đều đã dốc toàn lực. Món tiền thưởng động viên những con người tốt bụng này. Cho nên, không một dây lèo nào không được căng thật cứng! Không một lá buồm nào không được giương thật rộng! Không một lần chạy xiên xẹo nào lỡ xảy ra để có thể trách cứ người bẻ lái! Trong một cuộc đua thuyền của Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia có lẽ cũng không thể thao tác chặt chẽ hơn
Đến chiều, viên hoa tiêu xem máy ghi tốc độ tính ra quãng đường đã đi được từ Hồng Kông là hai trăm hai mươi hải lý, và Phileas Fogg có thể hy vọng đến Yokohama, ông không phải ghi vào chương trình của ông một khoản chậm trễ nào. Thế nghĩa là cái trắc trở nghiêm trọng đầu tiên từ buổi ra đi ở Luân Đôn chắc hẳn không làm ông phải thiệt hại gì.
Ban đêm, vào những giờ bắt đầu của ngày mới, tàu Tankadère tiến thẳng vào eo biển Phúc Kiến ngăn cách hòn đảo lớn Đài Loan với bờ biển Trung Quốc, và nó xuyên qua bắc chí tuyến. Biển rất dữ tại eo biển này, nơi đầy dẫy xoáy nước tạo nên bởi những dòng nước đối lưu. Con tàu đánh vật với sóng nước vất vả. Những con sóng ngắn cản trở bước đi của nó. Đứng được trên boong tàu lúc này rất khó.
Trời rạng sáng, gió thổi càng mạnh. Trên trời có dấu hiệu một cơn gió lốc. Vả lại, phong vũ biểu báo bầu không khí sắp có thay đổi; tốc độ chạy ban ngày của con tàu không đều, và cột thủy ngân thăng giáng thất thường. Người ta cũng thấy mặt biển phía đông nam cuộn lên những đợt sóng dài “có dấu hiệu bão”. Ngày hôm trước, mặt trời lặn trong một bầu sương mù đỏ ối, giữa những chấm lân tinh sáng nhấp nháy của đại dương.
Viên hoa tiêu xem xét hồi lâu cái cảnh tượng không lành ấy của bầu trời và lẩm bẩm những lời gì khó hiểu. Có một lúc, đứng bên vị khách của mình, bác ta thấp giọng hỏi ông:
– Chúng tôi có thể nói hết không dấu gì Tôn ông chứ?
– Được. – Phileas Fogg đáp.
– Thế thì, ta sắp bị một trận gió mạnh.
– Từ bắc hay nam? – Ông Fogg bình thản hỏi lại.
– Từ Nam, Tôn ông xem kìa. Có phải một cơn bão sắp nổ ra không?
– Cơn bão phía nam càng tốt, nó sẽ đẩy ta đi. – Ông Fogg đáp.
– Nếu Tôn ông đã nhìn thấy vấn đề như vậy! – Viên hoa tiêu đáp lại. – thì tôi không còn gì phải nói nữa.
Những linh cảm của John Bunsby không đánh lừa ông ta. Nếu vào một mùa sớm hơn trong năm thì cơn bão, theo lời một nhà khí tượng học nổi tiếng, sẽ trôi qua như một cái thác sáng rực lửa điện, nhưng vào thời kỳ đông phân, cũng đáng ngại là nó có thể nổ ra dữ dội.
Viên hoa tiêu chuẩn bị những biện pháp đề phòng. Ông cho cuộn chặt tất cả các buồm trên tàu lại và ngả cột buồm lên boong. Những cột buồm thượng được hạ xuống. Các con xỏ trên trục buồm được thu lại. Những nắp cửa được chốt chặt. Bây giờ thì không một giọt nước nào có thể lọt vào bên trong vỏ tàu. Chỉ một lá buồm tam giác bằng thứ vải bền là còn kéo lên cột buồm trước để giữ cho tàu đi xuôi gió. Rồi người ta đợi.
John Bunsby đề nghị các hành khách của mình xuống khoang; nhưng trong một khoảng chật hẹp, gần như thiếu không khí, lại bị sóng biển lắc mạnh, sự giam cầm này chẳng có gì thú vị. Cả ông Fogg, cả bà Aouda, và cả Fix đều không chịu rời boong tàu.
Vào khoảng tám giờ, gió mưa bão táp giội xuống tàu. Chỉ với một mẩu vải nhỏ của mình, tàu Tankadère bị cuốn đi như một cái lông bởi cơn gió mà người ta không thể hình dung được chính xác khi nó đã thành cơn bão. So sánh tốc độ của nó với bốn lần tốc độ một đầu tàu xe lửa lao nhanh hết sức cũng còn là dưới sự thật.
Suốt ban ngày hôm ấy, con tàu cứ thế chạy lên hướng bắc, bị những con sóng khổng lồ cuốn đi, mà may thay vẫn giữ được tốc độ nhanh bằng tốc độ của những làn sóng ấy. Hằng chục lần nó suýt bị úp chụp bởi một trong những quả núi nước dựng lên đằng sau nó; nhưng một động tác bẻ lái khéo léo của người hoa tiêu đã tránh được tai họa. Các hành khách đôi khi ướt sũng vì bụi nước, nhưng họ nhận lấy cảnh ngộ ấy tỉnh khô như những nhà triết học. Fix có càu nhàu thật, nhưng bà Aouda gan dạ, hai mắt dán chặt vào người bạn mà chỉ có thể thán phục sự bình bĩnh, đã tỏ ra xứng đáng với ông và sát cánh bên ông đương đầu với cơn giông tố. Còn Phileas Fogg, thì dường như cơn bão này đã ghi sẵn trong chương trình của ông.
Cho đến lúc này, tàu Tankadère luôn luôn đi theo hướng bắc, nhưng về chiều, như người ta có thể lo ngại, cơn gió xoay lại gần thành gió ngược, thổi từ tây bắc. Con tàu liền bị phơi sườn trước sóng, chòng chành một cách khủng khiếp. Biển quật con tàu dữ dội đến nỗi người ta hẳn phải kinh sợ nếu không biết tất cả các bộ phận của một con tàu đã được gắn nối với nhau chắc chắn như thế nào.
Đến đêm, bão càng ác liệt. Nhìn trời tối dần, và cùng với bóng tối cơn giông tố chỉ có tăng lên, John Bunsby cảm thấy lo thắt ruột. Ông tự hỏi phải chăng đã đến lúc nên ghé tàu lại, và ông trưng cầu ý kiến đội thủy thủ của mình.
Lấy ý kiến xong, John Bunsby đến bên ông Fogg nói với ông:
– Thưa Tôn ông, tôi cho rằng có lẽ chúng ta nên vào một bến cảng nào đó bên bờ biển thì hơn.
– Tôi cũng nghĩ vậy. – Phileas Fogg
– A! – viên hoa tiêu reo lên, – nhưng bến cảng nào đây?
– Tôi chỉ biết có một – ông Fogg thản nhiên đáp lại.
– Thưa là?…
– Thượng Hải.
Thoạt đầu viên hoa tiêu phải mất một lúc lâu không rõ câu trả lời ấy có nghĩa thế nào, và ông hiểu những gì ngoan cường, bên bỉ chứa đựng trong đó. Rồi ông kêu lên:
“Dạ, đúng! Tôn ông nói chí phải. Đi Thượng Hải!”.
Và hướng chạy của tàu Tankadère cứ giữ nguyên không thay đổi.
Một đêm thật là dài khủng khiếp! Cái tàu nhỏ bé ấy mà không bị lật úp thì quả là một sự phi thường. Hai lần nó bị dúi vào sóng biển, và tất cả trên tàu có lẽ bị bốc đi hết nếu không có dây chằng. Bà Aouda mệt nhừ nhưng bà không hề một lời than thở. Nhiều lần ông Fogg phải lao về phía bà để che đỡ cho bà chống lại những con sóng dữ.
Trời trở sáng. Cơn bão vẫn nổ ra hết sức ác liệt. Thế nhưng gió thổi chiều thổi từ hướng đông nam. Một thay đổi thuận lợi, và tàu Tankadère lại phóng lên trên cái biển bão táp ấy, những con sóng biển lúc này xô vào những con sóng do hướng gió mới gây ra. Do đó một cuộc xung đột của những con sóng nghịch chiều, và một con tàu kém chắc chắn có thể đã bị nghiền nát.
Thỉnh thoảng người ta nhìn thấy bờ biển qua những dải sương mù bị xé rách, nhưng không thấy bóng một cái tàu nào. Tàu Tankadère là tàu duy nhất đương đầu với bão biển.
Đến trưa, có vài triệu chứng gió lặng, dấu hiệu cho triệu chứng ấy mỗi lúc một rõ hơn khi mặt biển tiếp giao mặt trời ở phía cuối đường chân trời.44
Cơn bão không kéo dài chính là do cường độ mãnh liệt của nó. Các hành khách mệt rã rời, bây giờ có thể ăn uống và nghỉ ngơi một chút.
Ban đêm tương đối yên ổn. Viên hoa tiêu lại cho giương một nửa buồm lên. Tốc độ con tàu đã rất lớn. Ngày hôm sau 11, khi trời vừa sáng, sau khi quan sát bờ biển, John Bunsby đã có thể khẳng định con tàu còn cách Thượng Hải không đầy một trăm hải lý.
Một trăm hải lý! Và chỉ còn có hôm nay nữa để vượt qua. Ông Fogg phải ngay chiều tối nay rời Thượng Hải nếu không muốn nhỡ chuyến tàu đi Yokohama. Giả không có trận bão làm mất của ông bao nhiêu thời gian thì lúc này hẳn ông chỉ còn cách hải cảng không đầy ba mươi hải lý.
Gió dịu đi trông thấy, nhưng may thay biển cũng lặng theo. Con tàu giương hết buồm, và mặt biển sủi bọt nước dưới mũi tàu.
Đến trưa, tàu Tankadère cách Thượng Hải ba hải lý. Một tiếng rủa ghê gớm bật ra từ miệng hoa tiêu… Món tiền thưởng hai trăm livrơ hiển nhiên là sắp tuột khỏi tay ông. Ông nhìn ông Fogg, ông Fogg vẫn trơ trơ, vậy mà tất cả tài sản của ông đang được quyết định trong lúc này đây…
Và cũng vào lúc đó, một hình thoi dài và đen, với làn khói cuồn cuộn bên trên, hiện ra sát mặt nước. Đó là chiếc tàu bể Mỹ vừa khởi hành đúng giờ quy định.
– Mẹ kiếp! – John Bunsby kêu lên, ẩy tay lái ra với một cử chỉ thất vọng.
– Nổi hiệu! – Phileas Fogg bình thản nói.
Một khẩu đại bác nhỏ bằng đồng đen vươn dài đằng mũi tàu Tankadère. Nó dùng để bắn pháo hiệu khi trời sương mù.
Khẩu đại bác được nạp đầy ắp thuốc súng, nhưng khi viên hoa tiêu sắp đặt vào mồi một hòn than đỏ rực, thì ông Fogg nói:
“Treo cờ rủ!”
Lá cờ được kéo lên đến nửa cột buồm. Đó là hiệu xin cấp cứu, và người ta có thể hy vọng rằng chiếc tàu bể Mỹ trông thấy, nó sẽ tạm thời đổi hướng đến thu nhận con tàu này.
“Bắn!” – Ông Fogg nói.
Và tiếng nổ của khẩu đại bác nhỏ bằng đồng đen vang lên trong không trung.
..............
[←44]
Đoạn này bản scan bị mất chữ không thể đọc được, người làm ebook dịch lại từ nguyên tác tiếng Pháp. – Tornad