Phần XX – Fix bắt đầu giao du trực tiếp với Phileas Fogg như thế nào
Trong khi đang diễn ra cái cảnh tượng có thể đe dọa tương lai mình nghiêm trọng đến thế. Ông Fogg đưa bà Aouda đi dạo chơi các phố trong thành phố Anh. Từ khi bà Aouda nhận lời để ông đưa bà đến Châu Âu, ông đã phải chăm lo đến mọi chi tiết cần cho một cuộc hành trình dài như vậy. Một người Anh như ông đi vòng quanh thế giới với cái xắc cầm tay còn tạm được; nhưng một phụ nữ không thể cùng đi một cuộc hành trình như thế trong điều kiện ấy. Do đó đẻ ra nhu cầu phải sắm những quần áo và vật dụng cần thiết cho cuộc viễn du. Ông Fogg làm tròn nhiệm vụ với vẻ điềm tĩnh vốn có của ông, và đáp lại mọi lời xin lỗi hoặc phản đối của người quả phụ trẻ tuổi sượng sùng trước những ân cần như thế, ông chỉ một mực nói:
“Đó là vì lợi ích cuộc viễn du của tôi, cái đó nằm trong chương trình của tôi”.
Sắm sửa xong, ông Fogg cùng người thiếu phụ trở về khách sạn và ăn tối ở bàn ăn khách sạn, phục vụ rất sang trọng. Rồi bà Aouda, người hơi mệt, lui về buồng riêng, sau khi đã bắt tay “theo kiểu Anh” vị ân nhân trơ như đá của mình.
Còn nhà quý phái đáng kính thì mải mê suốt buổi tối với tờ Thời báo và tờ Báo ảnh Tin Luân Đôn.
Nếu ông là người dễ ngạc hiên, hẳn ông phải lấy làm lạ không thấy người hầu có mặt vào giờ đi ngủ. Nhưng vì đã biết là tàu đi Yokohama chỉ sáng hôm sau mới rời Hồng Kông, ông hoàn toàn yên trí không bận tâm cái gì khác nữa. Ngày hôm sau, khi ông Fogg bấm chuông gọi, thì Vạn Năng không thấy đến trình diện.
Nhà quý phái đáng kính này nghĩ gì khi được tin người hầu của ông chưa trở về khách sạn, điều đó chẳng ai biết được. Ông Fogg chỉ cầm lấy cái xắc, bảo bà Aouda chuẩn bị, và cho gọi một cái kiệu.
Lúc đấy tám giờ, theo kế hoạch thì đến chín giờ rưỡi tàu Carnatic sẽ lợi dụng nước triều lên để ra khỏi các eo lạch.
Khi kiệu đỗ trước khách sạn. Ông Fogg và bà Aouda ngồi lên cái phương tiện vận chuyển an nhàn đấy, còn hành lý thì một cái xe cútkít chở theo sau.
Nửa giờ sau, họ xuống bến tàu, và tại đây. Ông Fogg được biết tàu Carnatic đã đi từ hôm trước.
Ông Fogg cứ tưởng được thấy cùng một lúc cả tàu thủy với người hầu của mình, té ra mất cả chì lẫn chài. Nhưng không một dấu hiệu thất vọng nào lộ ra trên mặt ông, và khi bà Aouda lo lắng nhìn ông, ông chỉ đáp lại:
“Đó là một sự cố, thưa bà, không có gì hơn”.
Lúc ấy, một người vẫn chăm chú quan sát ông tiến lại gần. Đó là viên thanh tra Fix, ông ta chào ông và nói:
– Thưa ngài, có phải ngài cũng như tôi là một trong những hành khách của tàu Rangoon đến đêm qua.
– Thưa ông, vâng, – Ông Fogg lạnh nhạt đáp lại, – nhưng tôi không có hân hạnh…
– Xin lỗi ngài, nhưng tôi cứ tưởng được thấy anh hầu của ngài ở đây.
– Ông có biết anh ấy ở đâu không, thưa ông? – người thiếu phụ cuống quýt hỏi.
– Sao kia! – Fix giả bộ ngạc nhiên đáp – anh ấy không đi với bà hay sao?
– Không. – Bà Aouda đáp. – Tối hôm qua không thấy anh ấy quay về. Hay là anh ta đã không đợi chúng tôi và xuống tàu Carnatic trước rồi?
– Không đợi ông bà ư, thưa bà…? – viên thanh tra đáp. – Nhưng, bà thứ lỗi cho câu hỏi của tôi, vậy ra ông bà cũng định đi chuyến tàu này?
– Thưa ông, vâng.
– Tôi cũng vậy, thưa bà, và bà cũng thấy tôi hết sức thất vọng. Tàu Carnatic chữa xong đã rời Hồng Kông sớm hơn hai tiếng đồng hồ mà không báo cho ai biết, và bây giờ thì phải đợi tám ngày mới đến chuyến sau!
Khi nói lên những tiếng “tám ngày” Fix cảm thấy trong lòng sướng rơn. Tám ngày! Fogg nán lại tám ngày ở Hồng Kông! Thừa đủ giờ để nhận được lệnh bắt. Rốt cuộc, thì số phận may mắn vẫn đứng về phía người đại diện cho pháp luật.
Cho nên ta thử tưởng tượng cái đòn sét đánh giáng xuống đầu Fix, khi ông nghe Phileas Fogg nói với giọng điềm tĩnh của ông ta.
– Nhưng theo tôi thì ngoài tàu Carnatic ra, ở cảng Hồng Kông vẫn còn nhiều tàu khác nữa.
Và ông Fogg, đưa tay dìu bà Aouda, họ đến các bến tàu để tìm một cái tàu sắp chạy.
Fix bàng hoàng, bước theo ông. Dường như có một sợi dây vô hình đã buộc Fix vào với người đàn ông này.
Tuy vậy, vận may có vẻ thật sự từ biệt con người mà cho tới nay nó đã phục vụ tận tình đến thế. Trong ba giờ, Phileas Fogg chạy ngược chạy xuôi khắp cảng, nhất quyết nếu cần sẽ phải thuê hẳn một cái tàu chở ông đến Yokohama; nhưng ông chỉ thấy những tàu đang lấy hàng hoặc đang dỡ hàng, và do đó chưa thể sẵn sàng đi được, Fix lại bắt đầu hy vọng.
Nhưng ông Fogg không hề bối rối và lại tiếp tục đi tìm, dù có đến tận Ma cao, nhưng vừa lúc đó tại cảng ngoài, một người thủy thủ đến bên ông.
– Thưa Tôn ông cần một cái tàu ạ – người thủy thủ ngả mũ nói với ông.
– Bác có sẵn tàu chạy à! – Ông Fogg hỏi.
– Thưa Tôn ông, vâng, một cái tàu hoa tiêu, số hiệu 43, cái tốt nhất trong đội tàu.
– Chạy nhanh không?
– Vào khoảng giữa tám và chín hải lý. Mời Tôn ông đến xem.
– Được.
– Tôn ông sẽ hài lòng. Tôn ông muốn đi chơi biển ạ?
– Không. Một chuyến đi xa.
– Đi xa?
– Bác có nhận đưa tôi đến Yokohama không?
Người thủy thủ nghe nói đứng sững sờ, tay buông thõng, mắt tròn xoe.
– Tôn ông nói đùa đấy chứ ạ? – ông ta nói.
– Không! Tôi nhỡ tàu Carnatic, và chậm nhất ngày 14 phải có mặt ở Yokohama, để kịp tàu đi San Francisco.
– Rất đáng tiếc, người hoa tiêu đáp, – nhưng không thể được.
– Tôi trả bác một trăm livrơ (2.500 phật lăng) mỗi ngày, và một khoản tiền thưởng hai trăm livrơ nếu đến kịp.
– Thưa có thật thế không ạ? – người hoa tiêu hỏi.
– Rất thật. – Ông Fogg đáp.
Người hoa tiêu đứng lánh ra một chỗ. Ông nhìn mặt biển, rõ ràng ông đang bị giằng xé giữa lòng ham muốn kiếm được món tiền kếch xù và nỗi sợ phải mạo hiểm đi xa đến thế. Fix thì phấp phỏng như ngồi trên đống lửa.
Trong thời gian ấy, ông Fogg quay lại nói với bà Aouda.
– Thưa bà, bà không sợ chứ? – ông hỏi.
– Đi với ông, tôi không sợ gì hết, ông Fogg ạ. – người thiếu phụ đáp.
Bác hoa tiêu lại đến gặp nhà quý phái, vần vần cái mũ trong tay.
– Thế nào, bác hoa tiêu? – ông Fogg nói.
– Dạ, thưa Tôn ông, – người hoa tiêu đáp, tôi không thể hy sinh cả đội thủy thủ của tôi, cả tôi, cả bản thân Tôn ông trong một chuyến vượt biển dài đến thế trên một cái tàu chưa đầy hai mươi tonnô43 và vào mùa này trong năm. Vả chăng, chúng ta sẽ không đến kịp, vì từ Hồng Kông đi Yokohama những một nghìn sáu trăm năm mươi hải lý.
– Một nghìn sáu trăm thôi. – ông Fogg nói.
– Thì cũng vậy.
Fix hít vào một hơi khoan khoái.
– Nhưng, – người hoa tiêu nói thêm, – cũng có thể có cách khác.
Fix nín thở.
– Cách nào? – Phileas Fogg hỏi.
– Cách đi Nagasaki, mỏm cực Nam nước Nhật, một nghìn năm trăm hải lý, hoặc chỉ đi Thượng Hải thôi, cách Hồng Kông tám trăm hải lý. Nếu đi Thượng Hải, ta không ra xa bờ biển Trung Quốc, đó sẽ là một thuận lợi lớn, nhất là những dòng hải lưu ở đây lại chạy ngược lên phía bắc.
– Bác hoa tiêu này – Phileas Fogg đáp – chính là ở Yokohama tôi mới có tàu đi Mỹ, chứ không phải ở Thượng Hải hay Nagasaki.
– Sao lại không ạ? – người hoa tiêu đáp. – Tàu đi San Francisco không xuất phát từ Yokohama. Nó ghé qua Yokohama và Nagasaki nhưng bến xuất phát của nó là Thượng Hải.
– Bác dám chắc về những điều bác nói chứ?
– Chắc chắn.
– Vậy khi nào thì tàu ấy rời Thượng Hải?
– Ngày 11, bảy giờ tối. Như vậy chúng ta có bốn ngày. Bốn ngày, tức chín mươi sáu giờ, và tốc độ trung bình tám hải lý một giờ, nếu chuẩn bị tốt, nếu gió cứ giữa hướng đông nam, nếu biển lặng, thì chúng ta có thể vượt ngon lành tám trăm hải lý ngăn cách ta với Thượng Hải.
– Vậy khi nào bác đi được?…
– Một giờ nữa. Thời gian để mua lương thực và sửa soạn đi.
– Vậy là thỏa thuận… bác là chủ tàu?
– Vâng. John Bunsby, chủ tàu Tankadère.
– Bác có cần tiền đặt trước không?
– Nếu điều đó không làm phiền Tôn ông.
– Đây là hai trăm livrơ tạm ứng… Thưa ông, – Phileas Fogg quay lại nói thêm với Fix, – nếu ông muốn nhân cơ hội này…
– Thưa ngài, – Fix quả quyết đáp lại, – tôi đang muốn xin ngài cái đặc ân đó.
– Tốt. Nửa giờ nữa chúng ta xuống tàu.
– Nhưng còn anh chàng khốn khổ kia… – bà Aouda nói, hết sức băn khoăn về sự mất tích của Vạn Năng.
– Tôi sẽ vì anh ta làm tất cả những gì tôi có thể làm được – Phileas Fogg đáp lại.
Và trong khi Fix nóng nảy, hăm hở, giận giữ đi đến tàu hoa tiêu, thì cả hai ông bà cùng đến sở cảnh sát Hồng Kông. Tại đây, Phileas Fogg trình báo hình dạng của Vạn Năng, và để lại một số tiền đủ cho anh ta về nước; thủ tục ấy cũng được thực hiện tại lãnh sự quán Pháp, và cái kiệu, sau khi đã đỗ ở lại khách sạn để các hành khách lấy hành lý, lại đưa họ ra cảng ngoài.
Ba giờ vừa điểm, tàu hoa tiêu số 4, với đầy đủ đội thủy thủ và lương thực dự trữ trên tàu, và sẵn sàng lên đường.
Tàu Tankadère là một loại tàu nhẹ và nhỏ cỡ hai cột buồm, sức chứa hai mươi tonnô, thân tàu chẽn lại về đằng trước, dáng rất thanh thoát, thon thon rẽ nước. Người ta tưởng như đây là một chiếc thuyền đua. Những đồ đồng bóng lộn của nó, những đồ sắt mạ thiếc của nó, boong tàu trắng như ngà của của nó chứng tỏ người chủ tàu John Bunsby biết giữ gìn cẩn thận. Hai cột buồm của nó hơi ngả về phía sau. Nó có đủ những lá buồm hình thang ở cột buồm sau, buồm tam giác ở cột trước, buồm nhỏ ở trên cột buồm thượng, và có thể giương cả một lá buồm vuông phụ thêm nếu chạy xuôi gió. Nó hẳn phải chạy rất tốt, và trên thực tế, nó đã đoạt giải nhiều lần trong các cuộc thi tàu hoa tiêu.
Đội thủy thủ tàu Tankadère gồm có ông chủ tàu John Bunsby và bốn người nữa. Đó là những thủy thủ gan dạ, bất kể thời tiết nào cũng sẵn sàng xông pha đi tìm kiếm tàu bè và thuộc các biển vùng này như lòng bàn tay, John Bunsby, một người trạc bốn lăm, tráng kiện, da đen rám nắng, mắt sáng, khuôn mặt cương nghị, cơ thể cân đối, rất thạo việc, có thể làm yên lòng những người yếu bóng vía nhất.
Phileas Fogg và bà Aouda xuống tàu, Fix đã ở đó. Qua một nắp cửa phía sau tàu, họ đi xuống một căn phòng hình vuông có hốc tường bốn bên tạo thành một đivăng quanh phòng. Ở giữa phòng kê một cái bàn có ngọn đèn chiếu sáng. Căn phòng nhỏ bé nhưng sạch sẽ.
“Tôi lấy làm tiếc đã không thể mời ông chỗ ở tốt hơn” – Ông Fogg nói với Fix, Fix lẳng lặng nghiêng mình đáp lễ.
Viên thanh tra cảm thấy có gì nhục nhã trong việc lợi dụng như thế những sự giúp đỡ ân cần của tên Fogg.
“Khỏi nói, – ông ta nghĩ, – hắn là một tên vô lại hết sức lịch sự, nhưng vẫn cứ là một tên vô lại!”.
Ba giờ mười phút, giương buồm. Lá cờ Anh phấp phới trên ngọn cột buồm cao nhất của tàu. Các hành khách ngồi trên boong. Ông Fogg và bà Aouda nhìn lần cuối lên bến, xem có thấy Vạn Năng hiện ra không.
Fix quả tình rất lo sợ nếu anh đầy tớ khốn khổ mà ông đã xử tệ đến thế lại tình cờ dẫn xác đến chỗ này, và khi ấy một cuôc đối chất sẽ nổ ra không lợi gì cho ông cả. Nhưng anh chàng Pháp ta không thấy ló mặt và chắc hẳn anh còn đang chết lịm đi vì chất ma túy làm u mê con người.
Cuối cùng, ông chủ tàu John Bunsby đã đưa tàu ra đến biển khơi, và chiếc Tankadère, hứng gió vào những cánh buồm hình thang và hình tam giác của nó, chồm lên trên các con sóng.
.................
[←43]
Tonneau: đơn vị đo sức chứa của tàu (1 tonnô quốc tế là 2,383m).