Phần XXVI – Chuyến đi trên đoàn tàu tốc hành tuyến đường sắt Thái Bình Dương diễn ra như thế nào

“Từ Đại dương đến Đại dương”, những người Mỹ vẫn nói như thế, và mấy tiếng ấy đáng lẽ phải là tên gọi chung của “trục đường lớn” xuyên qua nước Hoa Kỳ theo bề ngang rộng nhất của nó. Nhưng trên thực tế, con “Đường sắt Thái Bình Dương” chia làm hai phần tách biệt: “Thái Bình Dương Trung tâm” ở giữa San Francisco và Ogden, và “Thái Bình Dương Liên hợp” ở giữa Ogden và Omaha. Nơi đây là đầu mối của năm tuyến đường đặc biệt, đặt Omaha trong mối liên lạc thường xuyên với Nữu Ước.

Như vậy, Nữu Ước và San Francisco hiện nay được nối liền với nhau bởi một dải đường sắt liên tục không dưới ba nghìn bảy trăm tám mươi sáu dặm. Giữa Omaha và Thái Bình Dương, con đường sắt băng qua một miền còn dân da đỏ và thú dữ, – một lãnh thổ rộng lớn do những người Mormon bắt đầu khai khẩn vào khoảng 1845, sau khi đã bị xua đuổi khỏi bang Illinois.

Xưa kia, trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, người ta phải mất sáu tháng để đi từ Nữu Ước đến San Francisco. Bây giờ chỉ mất có bảy ngày.

Chính là vào năm 1862, mặc dầu sự phản đối của các nghị sĩ miền Nam muốn có một tuyến đường thiên xuống phía Nam hơn, lối đi của con đường sắt đã được quyết định giữa vĩ tuyến bốn mươi mốt và vĩ tuyến bốn mươi hai. Tổng thống Lincoln, con người mà cái chết để lại biết bao thương tiếc, đã đích thân ấn định khởi điểm của hệ thống đường sắt mới là ở thành phố Omaha, trong bang Nebraska. Công việc lập tức được khai triển với tinh thần tích cực của người Mỹ vốn rất xa lạ với thói giấy tờ quan liêu. Sự khẩn trương của thi công không hại gì đến chất lượng con đường. Ở đồng bằng mỗi ngày đặt một dặm rưởi. Một đầu tàu hỏa lăn bánh trên đường ray của ngày hôm trước, đem đến đường ray cho ngày hôm sau, và những đường ray này đặt đến đâu thì đầu tàu chạy ngay đến đó.

Trên dọc đường của nó, con đường sắt Thái Bình Dương chẽ ra nhiều nhánh ở các bang Iowa, Kansas, Colorado và Oregon. Rời khỏi Omaha, nó chạy dọc tả ngạn sông Platte đến tận cửa sông của nhánh sông phía bắc, đi theo nhánh sông phía nam, băng qua miền Laramie và dãy núi Wahsatch, vòng quanh bờ Hồ Mặn, đến thành phố Hồ Mặn, thủ đô của những người Mormon, dấn sâu vào lưu vực sông Tuilla, đi dọc sa mạc Châu Mỹ, những ngọn núi Cédar và Humboldt, sông Humboldt, sông Sierra Nevada, rồi lại xuôi theo sông Sacramento xuống tận Thái Bình Dương, mà con đường sắt ấy không vì độ dốc mà dài thêm quá một trăm mười dặm hai piê trên một dặm50 ngay cả khi qua vùng Núi Đá.

Tuyến đại lộ mà các đoàn tàu phải đi trong bảy ngày là như thế, và nó sắp cho phép ngài Phileas Fogg đáng kính tới kịp – ít ra ông cũng hy vọng như vậy – chuyến tàu bể đi Liverpool vào ngày 11 ở Nữu Ước.

Toa tàu ông Phileas Fogg ngồi như một thứ ô tô chở khách dài đặt trên hai bệ, mỗi bệ bốn bánh xe, sự cơ động ấy cho phép qua được những khúc đường cong có bán kính nhỏ. Bên trong toa tàu không chia thành từng ngăn; hai dãy ghế đặt hai bên, thẳng góc với trục bánh xe, giữa để một lối đi dẫn đến những buồng rửa mặt và các buồng khác mà toa nào cũng có. Suốt dọc con tàu, các toa thông với nhau bằng những cầu nối, và các hành khách có thể đi lại từ đầu đến cuối đoàn tàu, tới những toa phòng khách, toa trần, toa ăn, toa giải khát. Chỉ còn thiếu toa rạp hát. Nhưng một ngày mai những toa này rồi cũng có.

Trên các cầu nối toa đi lại không ngớt những người bán sách báo và người bán rượu, bán thực phẩm, bán thuốc lá, mà khách mua lúc nào cũng sẵn.

Hành khách ra đi từ ga Oakland lúc sáu giờ chiều. Bây giờ đã là đêm, một đêm lạnh, tối mù mịt; bầu trời u ám với những đám mây muốn tan ra thành tuyết. Con tàu chạy không nhanh lắm. Kể cả lúc tàu đỗ, nó không đi được quá hai mươi dặm một giờ, tuy vậy tốc độ này vẫn cho phép nó băng qua nước Hoa Kỳ trong thời gian quy định.

Trong toa người ta ít nói chuyện. Vả chăng các hành khách đều buồn ngủ. Vạn Năng ngồi gần viên thanh tra cảnh sát, nhưng không trò chuyện gì với ông ta. Sau những sự việc gần đây, quan hệ giữa họ lạnh nhạt hẳn đi. Không còn cảm tình, không còn thân mật gì với nhau nữa. Fix trước sau vẫn thế, Vạn Năng, ngược lại, hết sức giữ miệng, sẵn sàng bóp cổ ông bạn cũ vì một chút nghi ngờ nhỏ nhất.

Đoàn tàu khởi hành được một giờ thì tuyết rơi – một thứ tuyết mỏng, may mắn thay, không thể làm chậm tốc độ con tàu. Qua các cửa sổ chỉ còn thấy một màn trắng mông mênh, trên đó những dải khói tàu cuộn lên xam xám.

Đến tám giờ, một nhân viên trên tàu bước vào toa và loan báo với các hành khách đã đến giờ đi ngủ. Toa tàu này là một “toa nằm”, và chỉ trong vài phút đã biến thành phòng ngủ. Những lưng tựa của các ghế dài được gập lại, những giường nằm gói bọc cẩn thận được trải ra nhờ một cách bố trí rất khéo, toa tàu được ngăn ra ngay thành từng buồng, và mỗi hành khách chẳng mấy chốc đã có một cái giường tiện lợi được những tấm màn dày che kín khỏi mọi con mắt tò mò. Nệm trắng, gối êm. Chỉ còn việc nằm và ngủ – việc ấy mọi người đều làm, chẳng khác gì đang ở trong căn buồng đầy đủ tiện nghi của một tàu bể, – trong khi đó thì con tàu phóng hết tốc lực qua bang Californie.

Địa hạt nằm giữa San Francisco và Sacramento51 này tương đối bằng phẳng. Đoạn đường xe lửa mang tên “Đường sắt Thái Bình Dương Trung tâm” trước tiên xuất phát từ Sacramento, rồi tiến về phía đông gặp con đường sắt từ Omaha lại. Từ San Francisco đến thủ đô bang Californie, con đường sắt chạy thẳng lên đông bắc, dọc theo sông Mỹ Châu, con sông đổ vào vịnh San Pablo. Quãng đường một trăm hai mươi dặm nằm giữa hai thành phố quan trọng này được vượt qua trong sáu giờ, và vào khoảng nửa đêm, khi các hành khách mới chợp mắt được ít lâu, họ đã đi qua Sacramento. Vậy là họ không nhìn được gì ở cái thành phố lớn này, thủ phủ của cơ quan lập pháp bang Californie, không nhìn thấy những bến tàu ngoạn mục của nó. Những đường phố rộng, những khách sạn tráng lệ của nó, những công viên, những đền đài của nó.

Ra khỏi Sacramento, con tàu, sau khi đã qua các ga Junction, Roclin, Auburn và Colfax, tiến vào dãy núi Sierra Nevada. Bảy giờ sáng thì tàu qua ga Cisco. Một giờ sau, phòng ngủ lại trở thành một toa tàu bình thường, và các hành khách có thể qua cửa kính thoáng nhìn thấy những cảnh ngoạn mục của xứ miền núi này. Tuyến đường sắt uốn theo địa thế gập ghềnh khúc khuỷu của dãy Sierra, chỗ này nó bám vào sườn núi, chỗ kia nó treo trên vực thẳm, khi thì tránh những góc đột ngột bằng những đường “cua” táo bạo, khi thì lao vào các hẻm núi chật hẹp tưởng chừng không lối ra. Cái đầu tàu, lấp lánh như một hòm đựng xương thánh, với cái đèn hiệu lớn hắt ra một ánh sáng đỏ quạch, cái chuông trắng như bạc, cái “gậy đuổi bò” vươn ra như một đinh thúc ngựa, hòa những tiếng rít và tiếng gầm của nó vào tiếng suối chảy xiết và tiếng thác đổ ầm ầm, và quấn làn khói của nó vào vòm lá đen của những cây phong.

Trên chặng đường này ít có hoặc không có đường hầm và cầu. Con đường sắt chạy vòng quanh các sườn núi, không tìm con đường thẳng ngắn nhất từ điểm này sang điểm khác, và không cưỡng lại địa thế tự nhiên của trời đất.

Vào khoảng chín giờ, qua thung lũng Carson, con tàu tiến vào bang Nevada, luôn luôn theo hướng đông bắc. Đến trưa, nó rời ga Reno, sau khi các hành khách đã có hai mươi phút nghỉ ăn trưa tại dây.

Kể từ điểm này, con đường sắt chạy ven sông Humboldt, theo dòng sông ngược lên hướng bắc trong vài dặm. Rồi nó ngả về phía đông, và không rời dòng sông cho đến khi bắt gặp dãy núi Humboldt, nơi bắt nguồn của con sông, ở gần đầu cùng phía đông của bang Nevada.

Sau bữa ăn trưa, ông Fogg, bà Aouda và các bạn bè của họ lại về chỗ ngồi trong toa tàu. Phileas Fogg, người thiếu phụ, Fix và Vạn Năng ngồi nhàn nhã ngắm cảnh vật thay đổi diễu qua trước mắt mình – những đồng cỏ rộng, những ngọn núi in hình phía chân trời, những vũng nước cuộn sóng bạc đầu. Có khi một đàn bò tót rất đông, tụ tập từ xa, hiện ra như một cái đê di động. Những đội quân di động trùng trùng điệp diệp ấy nhiều khi thành vật chướng ngại mà con tàu không vượt nổi. Người ta từng thấy hàng nghìn con vật ấy chen chúc nhau diễu đi hết giờ này qua giờ khác băng qua đường sắt. Khi đó cái đầu tàu bắt buộc phải dừng lại và đợi cho đến khi con đường sắt được giải tỏa.

Đó chính là điều xảy ra lần này. Vào khoảng ba giờ chiều một đàn từ mười nghìn đến mười hai nghìn con chắn ngang đường ray. Con tàu, sau khi đã giảm bớt tốc độ, cố thử thúc cái “đinh thúc ngựa” của nó vào sườn đội quân lớn mênh mông. nhưng nó phải dừng lại trước cái khối đặc không xuyên qua được ấy.

Người ta thấy những con vật nhai lại này – những “con trâu”, như người Mỹ vẫn gọi sai đi – thủng thẳng bước đi như thế, thỉnh thoảng rống lên những tiếng ghê gớm. Chúng có một thân hình lớn hơn những con bò mộng châu Âu, chân và đuôi ngắn, vai u lên thành một cái bướu thịt, sừng roãng ra, đầu, cổ và vai phủ một cái bờm dài. Không nên nghĩ đến việc chặn cuộc di cư này lại. Khi những con bò tót đã chọn một hướng đi, không gì ngăn chặn hoặc thay đổi được cuộc diễu hành của chúng. Đó là một dòng thác thịt sống mà không một cái đê nào có thể cản được.

Hành khách đứng tản mác trên các hiên đầu toa, ngắm nhìn cái cảnh kỳ lạ này. Nhưng con người đáng lẽ phải vội hơn ai hết là Phileas Fogg thì vẫn ngồi nguyên tại chỗ và chờ đợi như một nhà triết học những con trâu ấy vui lòng nhường đường cho ông. Vạn Năng giận điên lên vì sự chậm trễ do khối quần tụ súc vật này gây ra. Anh hẳn muốn bắn sả vào chúng bằng cả cái kho súng lục của anh.

“Cái xứ quái gở! – anh kêu lên! – chỉ bò mà cũng chặn được tàu, và xem chúng đi kia, dẫn rượu, chẳng vội vã gì hơn khi chúng không cản trở giao thông! Mẹ kiếp! Không biết ông Fogg có dự kiến cái trở ngại này trong chương trình của ông không! Và thợ máy gì mà chẳng dám lao tàu qua cái đám súc vật chướng ách ấy!”

Người thợ máy không cố lật đổ vật chướng ngại, và anh ta làm thế là khôn ngoan. Chắc hẳn anh ta có thể nghiền nát những con trâu đầu tiên bị cái “đinh thúc ngựa” của đầu tàu đánh ngã, nhưng dù con tàu có khoẻ đến đâu chẳng mấy chốc cũng sẽ bị chặn lại, không tránh khỏi trật bánh và lâm nạn.

Vậy thời tốt hơn hết là kiên tâm chờ đợi, rồi sau sẽ gỡ lại thời gian đã mất bằng cách tăng tốc nhanh tốc độ con tàu. Cuộc diễu hành của đàn bò lót kéo dài ba giờ đằng đẵng, và con đường sắt chỉ được giải phóng vào chập tối. Lúc này, những hàng cuối cùng của đàn bò vượt qua đường ray, trong khi những hàng đầu đã mất hút dưới đường chân trời phương nam.

Vậy là vào tám giờ, đoàn tàu vượt qua những đường hẻm núi của dãy núi Humboldt, và chín giờ rưỡi nó tiến vào địa hạt Utah, vùng Hồ Mặn rộng lớn, xứ sở kỳ lạ của những người Mormon.

................

[←50]

Một dặm Anh = 1.000m. Tức là trên mặt quãng đường 1.609m theo bản đồ, con đường thực tế dài thêm, do độ dốc, không quá 0,3246 × 112 = 36,3776m.

[←51]

Sacramento là thủ đô bang Californie nằm trên bờ sông Sacramento, con sông dài 120 km chảy vào vịnh San Francisco.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện