Phần XXVII – Vạn Năng theo học với tốc độ hai mươi dặm một giờ một giáo trình lịch sử Mormon như thế nào

Trong đêm mồng 5 rạng ngày mồng 6 tháng Chạp, đoàn tàu chạy về đông nam trên một quãng đường khoảng năm mươi dặm: rồi nó ngược lên đông bắc cũng với chừng ấy đường dài, tiến tới Hồ Mặn rộng lớn.

Vào khoáng chín giờ sáng. Vạn Năng đến hóng gió ở các hiên đầu toa. Trời lạnh, bầu trời xám, nhưng tuyết không rơi nữa. Vầng kim ô nở to vì sương mù, hiện ra như một đồng tiền vàng khổng lồ, và Vạn Năng đang thử tính toán giá trị của nó ra đồng bảng Anh, thì sự xuất hiện một nhân vật khá kỳ quặc làm anh lãng quên cái công việc bổ ích ấy.

Nhân vật này lên tàu từ ga Elko, là một người cao lớn, da nâu sẫm, ria mép đen, chân đi bít tất dài đen, đầu đội mũ lụa đen, mặc áo ghi lê đen, quần dài đen, cà vạt trắng, tay đeo găng da chó. Người ta có thể đoán là một giáo sĩ. Ông ta đi từ đầu tàu đến cuối tàu, và trên cánh cửa mỗi toa tàu, ông dán một bản thông cáo viết tay.

Vạn Năng bước tới đọc bản thông cáo và được biết rằng vị “lão trượng” đáng kính William Hitch, giáo sĩ Mormon, nhân dịp ngài có mặt trên tàu số 48, sẽ tiến hành, từ 11 giờ đến giữa trưa, trong toa số 117, một cuộc diễn thuyết về đạo giáo Mormon, ngài mời đến dự cuộc diễn thuyết tất cả các nhà quý phái muốn quan tâm tìm hiểu những bí ẩn của tôn giáo các “Vị Thánh những ngày tận thế”.

“Thế nào ta cũng đến”. – Vạn Năng nghĩ bụng, về đạo giáo Mormon anh mới chỉ biết cái tục đa thê của nó. Nền tảng của xã hội người Mormon.

Tin này truyền đi nhanh chóng trong đoàn tàu có khoảng một trăm hành khách. Trong số đó chỉ ba mươi người là cùng, hào hứng vì thấy cuộc diễn thuyết có vẻ hứa hẹn lắm điều lý thú, đã đến từ 11 giờ chiếm những hàng ghế dài của toa tàu 117. Vạn Năng có mặt trên hàng đầu của các tín đồ. Còn ông chủ anh và Fix đều thấy không cần phải bận mình với chuyện này.

Đến giờ đã định, lão trượng William Hitch đứng lên. và bằng một giọng khá gay gắt cứ như chưa nói đã bị người ta cãi lại, ông kêu lên:

“Tôi đây, tôi xin nói với các ngài rằng Joe Smyth là một người tử vì đạo, em ông là Hvram là một người tử vì đạo, và những sự ngược đãi của chính phủ Liên bang chống lại các nhà tiên tri cũng sắp biến Brigham lang thành một người tử vì đạo! Ai dám phản đối lời tôi nào?”

Không ai dám liều cãi lại nhà truyền giáo, mà vẻ phấn khích thật trái ngược với khuôn mặt vốn điềm tĩnh của ông. Nhưng chắc hẳn cơn giận của ông là do đạo giáo Mormon hiện nay đang phải chịu nhiều nỗi gian truân. Và thật vậy, chính phủ Hoa Kỳ đã vừa mới dẹp tan được, không phải không khó khăn, những con người cuồng tín độc lập ấy. Chính phủ đã làm chủ miền Utah, và đặt nó vào luật pháp Liên bang, sau khi đã bắt giam Brigham lang bị ghép vào tội nổi loạn và đa thê. Từ khi ấy, các đệ tử của nhà tiên tri càng tăng cường hoạt động, và, trong khi chỉ đợi hành sự, họ kháng cự lại bằng lời nói những yêu sách của Nghị viện.

Như ta thấy, lão trượng William Hitch đã lên cả xe lửa để tuyên truyền đạo giáo.

Và thế là, bằng một giọng nói to và những cử chỉ mạnh mẽ khiến câu chuyện càng thêm kích động, ông kể lại lịch sử đạo giáo Mormon từ những thời hết sức xa xưa: “Ở Israël, một nhà tiên tri Mormon trong bộ lạc của Joseph đã công bố cuốn lịch sử của đạo giáo mới và truyền lại cuốn đó cho con ông ta là Morom như thế nào: hàng bao nhiêu thế kỷ sau, cuốn sách quý viết bằng chữ Ai Cập đó được dịch ra như thế nào bởi ngài Joseph Smyth em, một chủ trại bang Vermont từ năm 1825 đã tỏ ra là một nhà tiên tri thần bí: cuối cùng, một sứ giả của Thiên đình đã hiện ra trong một khu rừng sáng chói và trao cha ông cuốn lịch sử của Thượng đế như thế nào…”

Lúc này, một vài thính giả, không hứng thú gì lắm với câu chuyện quá khứ của nhà truyền giáo, rời khỏi toa tàu: nhưng William Hitch tiếp tục kể “Smyth em, tụ tập cha, hai anh trai cùng vài đệ tử lập nên đạo giáo, của các Vị Thánh những ngày tận thế như thế nào, – một đạo giáo không chỉ truyền bá ở Châu Mỹ, mà ở cả Anh, Na Uy, Thuỵ Điển, Đức, trong số tín đồ của nó có những nhà tiểu công nghệ và cả nhiều người làm nghề tự do: một quần thể dân cư được lập nên ở Ohio như thế nào; một ngôi đền được cất lên với giá hai mươi vạn đô la và một thành phố được xây dựng ở Kirkland như thế nào, làm thế nào Smyth trở thành ông chủ ngân hàng táo bạo và nhận được của một kẻ làm trò biểu diễn xác ướp tờ giấy có ghi một câu chuyện do tự tay Abraham và nhiều danh nhân Ai Cập khác viết ra”.

Câu chuyện kéo hơi dài, các hàng thính giả lại càng thưa đi, và cử toạ chỉ còn chừng hai chục người.

Nhưng vị lão trượng, không bận tâm gì đến cảnh đào ngũ đó, vẫn kể lể một cách chi tiết “Joe Smyth bị vỡ nợ như thế nào năm 1837; các cổ phần viên của ông bị phá sản đã lấy hắc ín trát đầy người ông và lăn ông trong đống lông chim như thế nào; làm thế nào người ta lại thấy ông mấy năm sau, vinh hiển và được kính trọng hơn bao giờ hết, ở bang Độc lập, trong lưu vực sông Missouri, và đứng đầu một giáo đoàn thịnh vượng không dưới ba nghìn môn đệ, và khi đã bị truy nã bởi lòng hận thù của những người dị giáo, ông phải trốn tránh sang miền viễn Tây nước Mỹ”.

Mười thính giả vẫn còn ngồi đây, và trong số đó có anh Vạn Năng ngay thật vểnh cả hai tai lên nghe. Nhờ thế mà anh được biết “sau những vụ hành hạ liên miên. Smyth lại xuất hiện trong bang Illinois, và lập ra năm 1839, bên bờ sông Mississippi, thị trấn Nauvoo xinh đẹp, mà dân số lên đến hai vạn rưởi người: Smyth đã thở thành ngài thị trưởng, quan tránh án tối cao, và vị tướng tổng tư lệnh của thị trấn đó như thế nào: và cuối cùng rơi vào một cuộc phục kích ở Carthage, ông bị bỏ tù và bị một tốp người đeo mặt nạ sát hại như thế nào”.

Lúc ấy, chỉ còn lại đúng một mình Vạn Năng trong toa tàu, và vị lão trượng, nhìn thẳng vào mặt anh, mê hoặc anh bằng những lời nói của mình, nhắc cho anh biết rằng, hai năm sau vụ giết hại Smyth, người kế nghiệp ông, nhà tiên tri thần cảm Brigham lang, rời bỏ thị trấn Nauvoo đến lập nghiệp bên bờ Hồ Mặn, và ở đây, trên mảnh đất tuyệt diệu này, giữa vùng đất đai màu mỡ ấy, trên con đường của những người di cư đi qua Utah để đến Californie, cái quần thể mới nhờ chế độ đa thê của đạo giáo Mormon đã phát triển vô cùng mạnh mẽ.

“Thế đấy, – William Hitch nói tiếp, – đó là lý do tại sao lòng ghen ghét của Nghị viện đã chĩa vào chúng tôi! Tại sao quân lính của Liên bang đã giày xéo lên mảnh đất Utah! Tại sao thủ lĩnh của chúng tôi, nhà tiên tri Brigham Lang, đã bị cầm tù bất chấp mọi công lý! Chúng tôi có chịu khuất phục trước sức mạnh không! Không bao giờ! Bị xua đuổi khỏi Vermont, xua đuổi khỏi Illinois, xua đuổi khỏi Ohio, xua đuổi khỏi Missouri, xua đuổi khỏi Utah, chúng tôi sẽ lại tìm thấy một lãnh thổ độc lập nào đó để cắm lều chúng tôi lên đấy… Còn anh, anh tín đồ ngoan đạo của tôi, – ông già nói tiếp, đôi mắt giận dữ trừng trừng nhìn vị thính giả độc nhất của mình, – anh có cắm lều dưới bóng cờ của chúng tôi không?

– Không.” – Vạn Năng dũng cảm đáp và bỏ chạy nốt, để mặc con người hóa dại đứng đó truyền đạo giữa khoảng trống không.

Nhưng trong thời gian cuộc diễn thuyết ấy, con tàu đã phóng nhanh, và vào khoảng mười hai giờ rưỡi trưa, nó tới mỏm Tây Bắc của Hồ Mặn rộng lớn. Từ điểm này, người ta có thể nhìn bao quát, trên một chu vi rộng, quang cảnh biển nội địa ấy. Một biển cũng có tên là Biển Chết và có một dòng sông Jourdain của Châu Mỹ chảy vào. Cái hồ tuyệt thế, bốn bề bao phủ tảng đá hoang dại, rất đẹp, đáy hồ chất những lớp đá to với thời gian đã đóng vẩy muối trắng, bầu nước nguy nga xưa kia chiếm một khoảng rộng hơn nhiều: nhưng với thời gian, bờ của nó cao dần lên. Khiến mặt hồ nhỏ bớt đi mà hồ lại sâu thêm.

Hồ Mặn dài ước chừng bảy mươi dặm, rộng ba mươi dặm, ở độ cao trên mặt biển ba nghìn tám trăm piê. Khác xa với hồ Asphaltite, là một cái hồ trũng xuống một nghìn hai trăm piê dưới mặt biển, nó có độ mặn lớn và trọng lượng chất rắn hòa tan trong nước bằng một phần tư trọng lượng khối nước hồ. Tỷ trọng khối nước ấy là 1170, ta biết tỷ trọng nước cất là 1000. Cho dòng sông Jourdain, sông Weber và các vũng nước khác đổ vào hồ chẳng bao lâu cũng chết trong hồ: nhưng không phải tỷ trọng nước hồ lớn đến nỗi một người không thể chìm trong đó.

Chung quanh hồ, những cánh đồng được trồng trọt đẹp mắt, vì dân Mormon thạo việc đồng áng: những trại ấp có khu nuôi gia súc. Những cánh đồng lúa mì, ngô, lúa miến, những đồng có tươi tốt, những hàng rào hoa hồng dại khắp nơi, những bụi xiêm gai và xưrơng rồng, đó là quang cảnh vùng này sáu tháng sau; nhưng lúc này thì mặt đất bị lấp dưới một lượt tuyết mỏng như phấn rắc.

Hai giờ, hành khách xuống ga Ogden. Con tàu chỉ đến sáu giờ mới lại đi, như vậy ông Fogg, bà Aouda và hai người bạn của họ có thời gian đến thăm thành phố các Thánh theo một nhánh đường xe lửa tách ra từ ga Ogden. Hai tiếng đồng hồ đủ để đi thăm cái thành phố hoàn toàn Mỹ ấy, được xây dựng theo kiểu mẫu tất cả các thành phố của Liên bang, chúng như những bàn cờ rộng bao la với những đường thẳng dài lạnh lùng mang “nỗi buồn ảm đạm của những góc vuông”, theo cách nói của Victor Hugo. Người sáng lập ra thành phố các Thánh không thể thoát khỏi nhu cầu đối xứng ấy nó là đặc điểm của dân Anglo-Saxon. Ở cái đất nước kỳ dị này, mà những con người tất nhiên không có trình độ của các học viện, tất cả đều được thực hiện một cách “thẳng thừng”, những thành phố, những nhà cửa, và những điều ngu xuẩn.

Vậy là lúc ba giờ, các du khách dạo chơi trong thành phố xây dựng giữa tả ngạn sông Jourdain và những dải lô nhô đầu tiên của dãy núi Wahsatch. Họ nhận thấy ở đây không có hoặc ít có nhà thờ, nhưng dinh thự thì có ngôi nhà của đấng tiên tri, tòa án và xưởng đóng tàu, rồi những nhà gạch xanh nhạt có hiên và hành lang, có vườn tược chung quanh, được bao bọc bởi những cây xiêm gai, cây cọ và cây đậu. Một bức thành bằng đất sét và sỏi, xây năm 1853, bao quanh thành phố. Ở phố chính, là phố có chợ, nổi lên một vài khách sạn có treo cờ, trong đó có Khách sạn Hồ Mặn!

Ông Fogg và bè bạn của ông thấy thành phố không đông dân cho lắm. Phố xá hầu như vắng tanh, trừ khu vực Thánh đường, mà họ chỉ đến được sau khi đã qua nhiều khu phố có rào giậu vây bọc, phụ nữ có chồng thấy khá nhiều, nguyên nhân là do kết cấu đặc biệt của các gia đình Mormon. Tuy vậy không nên cho rằng tất cả mọi người Mormon đều theo chế độ đa thê. Họ được tự do, nhưng phải thấy rằng chính những nữ công dân ở Utah muốn được lấy chồng hơn ai hết, bởi vì, theo đạo giáo của nước này, bầu trời Mormon không thu nhận trong thế giới hạnh phúc của mình những phụ nữ độc thân. Những người đàn bà khốn khổ ấy không có vẻ gì phong lưu hoặc sung sướng. Một vài người, chắc hẳn những người giàu nhất, bận áo dài lụa đen có xẻ tà, đội mũ trùm đầu hoặc quàng khăn choàng cổ rất nhã nhặn. Những người khác chỉ mặc áo vải hoa bình thường.

Vạn Năng, với tư cách một anh con trai quyết sống độc thân, ngắm nhìn không phải không với chút kinh hãi những người đàn bà Mormon có nhiệm vụ làm sao cùng đem lại hạnh phúc cho một ông chồng chung. Với lương tri anh, chính người chồng là người anh ái ngại nhất. Thật là một điều khủng khiếp cho anh nếu phải dìu dắt chừng nấy bà một lúc vượt qua những bước thăng trầm của cuộc sống, phải dẫn đưa các bà cả đàn như thế đến tận thiên đường Mormon với cái viễn cảnh được vĩnh viễn thấy lại các bà ở đây cùng với ngài Smyth quang vinh là con người phải làm vẻ vang cho nơi cực lạc này. Tất nhiên anh không có chí hướng ấy, và anh thấy – chỗ này thì có lẽ anh lầm – rằng các nữ công dân thành phố Đại Hồ nhìn anh với những cái nhìn cũng hơi đáng ngại.

Rất may là thời gian anh ở thành phố các Thánh không phải kéo dài. Lúc bốn giờ kém vài phút, các hành khách lại có mặt ở ga và về chỗ trong toa tàu.

Còi tàu rú lên: nhưng vào lúc các bánh xe khởi động của đầu tàu vừa quay tại chỗ trên đường ray vừa bắt đầu chuyển cho đoàn tàu một chút tốc độ nào đó, thì những tiếng kêu: “Dừng lại! dừng lại!” vang lên.

Người ta không hãm lại một con tàu đang chạy. Con người sang trọng thốt lên những tiếng kêu ấy chắc hẳn là một người Mormon bị nhỡ tàu. Ông ta chạy muốn đứt hơi. May cho ông, nhà ga không có cửa cũng không có rào ngăn. Thế là ông lao theo đường sắt, nhảy lên bậc toa cuối cùng và hổn hển ngã lăn vào một cái ghế dài trên toa.

Vạn Năng, vẫn hồi hộp theo dõi những tình tiết của trò thể dục ấy, đến ngắm vị khách nhỡ tàu này mà anh đặc biệt quan tâm, và được biết người công dân xứ Utah đã phải chạy trốn như thế sau một cuộc vợ chồng xô xát.

Khi người Mormon đã hồi sức. Vạn Năng đánh bạo đến hỏi thăm thật lễ phép xem ông. Chỉ riêng mình ông thôi, có bao nhiêu vợ, và theo cái cách ông ta vừa trốn chạy, thì anh phỏng đoán ông này ít ra cũng phải có hai chục bà.

“Một, thưa ngài! – người Mormon đáp lại, hai tay giơ lên trời, – một, và thế là đủ rồi!”.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện