Phần XXXV – Vạn Năng không để ông chủ phải ra lệnh đến hai lần như thế nào

Hôm sau, dân phố Saville hẳn rất ngạc nhiên nếu có ai quả quyết với họ rằng ông Fogg đã về. Tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều đóng kín. Không một thay đổi gì xảy ra ở bề ngoài.

Thật vậy, ở ga đi ra, Phileas Fogg đã sai Vạn Năng đi mua vài món thực phẩm rồi ông trở về nhà mình.

Nhà quý phái này đã tiếp nhận với vẻ lì lợm thường lệ của ông cái đòn giáng vào ông. Ông đã bị phá sản! Và do lỗi của tên thanh tra cảnh sát kém cỏi ấy! Sau khi đã đi những bước chắc nịch trong suốt chặng đường dài, sau khi đã khắc phục hàng ngàn trở lực, vượt qua hàng ngàn nỗi nguy hiểm, mà vẫn có thời gian làm vài việc thiện dọc đường, thì thắng lợi đã đến nơi rồi còn để mất, do một sự việc tàn nhẫn mà ông không thể nào dự tính, và để đương đầu với nó thì ông lại bị tước vũ khí; điều ấy thật kinh khủng! Số tiền lớn ông đem theo buổi lên đường chỉ còn lại một ít tiền thừa không đáng kể. Tài sản ông chỉ còn hai vạn livrơ ấy lĩnh ra là để trả cho các bạn đồng sự của ông ở Câu lạc bộ Cải cách. Sau nhiều khoản tiêu pha như thế, ông có được cuộc cũng chẳng giàu lên, và chắc hẳn ông không mưu chuyện làm giàu. Ông thuộc loại người đánh cuộc là vì danh dự, nhưng vụ thua cuộc này đã làm ông hoàn toàn lụn bại. Thế nhưng nhà quý phái có chủ ý rồi. Ông biết mình còn phải làm gì nữa.

Một căn phòng của ngôi nhà phố Saville được dành cho bà Aouda. Người thiếu phụ thật tuyệt vọng. Qua vài câu nói ông Fogg hở ra, bà đã hiểu là ông đang nghiền ngẫm một ý đồ bi thảm.

Thật vậy, ta biết rằng những người Anh có thói quen thiên cuồng59 đôi khi đã đi đến những hành động cực đoan đáng tiếc như thế nào dưới sự hối thúc của một ý nghĩ ám ảnh. Cho nên Vạn Năng, ngoài mặt làm như không để ý gì, vẫn phải canh giữ ông chủ.

Nhưng trước hết, chàng trai ngay thật đã lên buồng mình, tắt ngọn đèn hơi vẫn cháy từ tám mươi ngày nay. Anh thấy trong hộp thư một phiếu thanh toán của Công ty hơi đốt, và anh nghĩ có chấm dứt những phí tổn anh phải chịu này cũng đã là quá muộn.

Đêm đến, ông Fogg đã đi nằm, nhưng ông có ngủ không? Còn Bà Aouda, bà không chợp mắt được một phút. Vạn Năng thì thức canh như một con chó bên cửa buồng ông chủ.

Ngày hôm sau, ông Fogg gọi anh đến, và bằng lời lẽ rất vắn tắt, ông dặn dò anh sửa soạn bữa ăn sáng cho bà Aouda. Về phần ông, ông chỉ cần một tách chè và một miếng bành mì nướng. Bà Aouda hẳn sẵn sàng miễn thứ cho sự vắng mặt của ông trong bữa sáng và bữa ăn trưa, vì tất cả thời gian của ông phải để sắp xếp lại công việc. Ông sẽ không xuống dưới nhà. Chỉ chiều tối ông mới xin bà Aouda cho phép hầu chuyện bà một lát.

Vạn Năng, đã được thông báo chương trình trong ngày, chỉ còn việc theo đó mà làm. Anh nhìn ông chủ anh luôn luôn lì lợm, và không đành lòng ra khỏi phòng ông. Anh rất buồn, lương tâm cắn rứt và hối hận, bởi vì anh tự kết tội hơn bao giờ hết về cái hoạ không cứu vãn được này. Phải! Nếu anh báo trước cho ông Fogg biết, nếu anh thổ lộ với ông những ý đồ của tên cảnh sát, ông Fogg chắc chắn sẽ không kéo lê theo mình tên Fix đến tận Liverpool và nếu thế thì…

Vạn Năng không chịu nổi nữa.

– Thưa ông chủ! Thưa ông Fogg! – anh kêu lên, – ông nguyền rủa tôi đi. Chính vì lỗi lầm của tôi mà…

– Tôi không buộc tội ai hết. – Phileas Fogg đáp lại với giọng bình tĩnh nhất. – Cho anh ra.

Vạn Năng ra khỏi phòng và tìm đến bà Aouda. Anh cho bà biết ý định của ông chủ anh.

– Thưa bà, – anh nói thêm, – tự tôi chẳng thể làm gì được, quả là không làm gì được! Tôi không có một ảnh hưởng gì đối với tư tưởng của ông chủ tôi cả. Còn bà, có thể bà…

– Tôi thì có ảnh hưởng gì, – bà Aouda đáp. – Ông Fogg chẳng chịu ảnh hưởng nào của ai hết! Có bao giờ ông hiểu cho rằng lòng biết ơn của tôi đối với ông lúc nào cũng sẵn sàng muốn trào ra! Có bao giờ ông chịu đọc trong trái tim tôi!… Anh bạn ạ. Anh đừng có phút nào rời ông ra. Anh nói là ông chủ ngỏ ý muốn nói chuyện với tôi chiều nay ư?

– Thưa bà, vâng. Chắc hẳn về việc bào toàn địa vị của bà ở nước Anh.

– Để xem, – người thiếu phụ trả lời, trầm ngâm nghĩ ngợi.

Như thế, ban ngày chủ nhật hôm ấy, ngôi nhà phố Saville như không có người ở. Và lần đầu tiên từ khi sống trong ngôi nhà này. Phileas Fogg không đến Câu lạc bộ, khi chuông đồng hồ trên tháp Nghị viện điểm mười một giờ rưỡi.

Và vì việc gì nhà quý phái ấy phải đến trình diện ở Câu lạc bộ Cải cách? Đồng sự của ông có chờ ông ở đấy nữa đâu. Bởi vì tối hôm trước, vào cái ngày số phận đã định thứ bảy ngày 21 tháng chạp, tám giờ bốn mươi lăm phút. Phileas Fogg đã không có mặt ở phòng khách Câu lạc bộ Cải cách, và ông đã bị thua cuộc. Thậm chí ông cũng chẳng cần phải đến ngân hàng lấy số tiền hai vạn livrơ ấy nữa. Các đối thủ của ông đã nắm trong tay cái ngân phiếu có chữ ký của ông, và chỉ cần một mảnh giấy con gửi Ngân hàng Anh em Baring là đủ để hai vạn livrơ ấy được chuyển sang cho họ.

Vậy thời ông Fogg không cần phải ra khỏi nhà, và ông không ra khỏi nhà. Ông ở trong phòng sắp đặt lại công việc. Vạn Năng hết lên lại xuống cầu thang gác ngôi nhà phố Saville. Thời gian dường như không trôi đi với chàng trai khốn khổ này. Anh nghe ngóng ở cửa phòng ông chủ anh, và làm việc ấy, anh không hề nghĩ rằng mình đã phạm tội thóc mách dù nhỏ nhất! Vạn Năng lúc nào cũng nơm nớp một tai hoạ gì, đôi khi, anh nghĩ đến Fix, nhưng lúc này tư tưởng anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh không thù ghét ông thanh tra nữa. Fix đã nhầm lẫn như tất cả mọi người về Phileas Fogg, và theo hút ông, bắt giữ ông, ông ta cũng chỉ làm phận sự của ông ta thôi, còn anh thì… Ý nghĩ ấy đè nặng lên anh, và anh tự thấy mình là đồ khốn kiếp nhất trên đời.

Cuối cùng, khi Vạn Năng cảm thấy ngồi một mình khổ quá. Anh gõ cửa phòng bà Aouda, anh bước vào phòng bà, anh ngồi một xó chẳng nói chẳng rằng, và anh nhìn người thiếu phụ lúc này cũng trầm ngâm suy nghĩ.

Vào khoảng bảy giờ rưỡi tối, ông Fogg xin được gặp bà Aouda, và một lát sau, chỉ còn mình bà với ông ngồi trong phòng.

Phileas Fogg kéo ghế đến gần lò sưởi, trước mặt bà Aouda, khuôn mặt ông không biểu lộ chút xúc động nào. Cái ông Fogg này trở về vẫn hệt như ông Fogg buổi ra đi. Vẫn một vẻ điềm tĩnh ấy, một vẻ lạnh như tiền ấy.

Ông ngồi im trong năm phút, rồi, ngước mắt nhìn bà Aouda, ông nói:

– Thưa bà, chẳng hay bà có tha lỗi cho tôi đã đưa bà đến nước Anh!

– Tôi ấy ư, thưa ông Fogg!… – Bà Aouda đáp, cố nén những nhịp tim hồi hộp.

– Xin bà cho phép tôi nói nốt, – ông Fogg tiếp. – Khi tôi định đưa bà trốn xa cái vùng đã trở thành vô cùng nguy hiểm cho bà ấy, tôi giàu có, và tôi hy vọng để một phần tài sản của tôi dưới quyền bà sử dụng. Cuộc sống của bà hẳn sẽ hạnh phúc và tự do. Bây giờ, tôi bị phá sản.

– Thưa ông Fogg, điều đó tôi biết, – thiếu phụ đáp, – và đến lượt tôi xin hỏi ông: Chẳng hay ông có tha lỗi cho tôi đã đi theo ông, và biết đâu đã chẳng góp phần làm ông phá sản, do những chậm trễ tôi gây ra?

– Thưa bà, bà không ở lại Ấn Độ được, và bà chỉ có thể an toàn nếu bà lánh đi khá xa để những kẻ cuồng tín kia không thể bắt lại được bà.

– Như vậy, thưa ông Fogg, – bà Aouda lại nói, – đã cứu tôi khỏi một cái chết kinh tởm còn chưa đủ, ông còn tự mình phải bảo đảm cho tôi một địa vị ở nước ngoài nữa hay sao?

– Vâng, thưa bà, – ông Fogg đáp, – nhưng số mệnh đã thù tôi. Tuy vậy, cái phần ít ỏi tôi còn lại, tôi xin và cho phép để quyền bà sử dụng.

– Nhưng còn ông, ông Fogg, ông sẽ ra sao? – Bà Aouda hỏi.

– Tôi ấy ư, thưa bà, – nhà quý phái lạnh lùng đáp lại, – tôi không cần gì hết.

– Nhưng, thưa ông, vậy ông xem xét ra sao cái số phận đang chờ ông?

– Như người ta cần xem xét. – Ông Fogg đáp.

– Dẫu sao, – bà Aouda lại nói, – một con người như ông không thể rơi vào cảnh nghèo hèn được. Các bạn ông…

– Tôi không có bạn, thưa bà.

– Bà con ông…

– Tôi không còn bà con.

– Nếu thế thì thật ái ngại cho ông quá, ông Fogg ạ, bởi vì sống cô độc là một điều đáng buồn. Sao! Ông không có một trái tim nào để cùng chia sẻ những nỗi ưu phiền của ông ư? Vậy mà người ta nói rằng có hai người thì ngay cả sự nghèo khổ cũng dễ chịu!

– Vâng thưa bà, người ta nói thế.

– Thưa ông Fogg, – bà Aouda bèn nói, và đứng lên đưa tay cho nhà quý phái, – ông có muốn cùng một lúc có cả người bà con và một bạn thân tình không? Ông có muốn nhận tôi làm bạn trăm năm của ông không?

Nghe nói thế, ông Fogg đến lượt mình đứng lên. Hình như đôi mắt ông có một ánh gì khác lạ, và đôi môi ông hơi run run. Bà Aouda nhìn ông. Sự chân thành, lòng ngay thẳng, chí kiên nghị và ánh dịu dàng trong đôi mắt rất đẹp ấy của một người đàn bà cao quý dám làm tất cả để cứu con người đã đem lại cho bà tất cả, thoạt đầu khiến ông ngạc nhiên, rồi thấm vào lòng ông. Ông nhắm mắt lại trong giây lát, như thể tránh cái nhìn ấy không xoáy và sâu hơn nữa… Khi lại mở mắt ra, ông chỉ giản dị nói:

– Tôi yêu bà! Vâng, thật vậy, bằng tất cả những gì thiêng liêng nhất trên đời, tôi yêu bà, và tôi hoàn toàn thuộc về bà!

– Ôi!… – Bà Aouda kêu lên, đặt tay lên tim.

Vạn Năng nghe chuông gọi. Anh đến ngay tức khắc. Ông Fogg còn đang cầm trong tay mình bàn tay bà Aouda. Vạn Năng hiểu, và khuôn mặt vành vạnh của anh ngời lên rực rỡ như mặt trời vùng nhiệt đới khi lên tới đỉnh trời.

Ông Fogg hỏi anh nếu bây giờ đi báo Đức cha Samuel Wilson ở nhà thờ Mary-le-Bone có muộn quá không.

Vạn Năng tủm tỉm cười với nụ cười tươi nhất. “Không có gì là muộn cả”, anh nói.

Lúc ấy mới có tám giờ năm phút.

– Vậy là tổ chức vào ngày mai, thứ hai! – anh nói.

– Vào ngày mai thứ hai nhỉ? – ông Fogg nhìn người thiếu phụ hỏi.

– Ngày mai thứ hai! – bà Aouda đáp.

Vạn Năng ba chân bốn cẳng chạy ra khỏi nhà.

............

[←59]

Thiên cuồng (monomane): đầu óc mê man một ham muốn chỉ ám ảnh với một ý tưởng cố định.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện