Chương 8

Sử lý ra sao trong trường hợp như vậy - Tính ích kỉ của bọn chủ đất - Tấm ván đáng nguyền rủa - Cơn phẫn nộ của Hari - Hari hát khúc bi hài - Buổi dạ hội của những người thượng lưu-.Jord mua đàn băng-giô.

Chúng tôi cặp bờ dưới rặng liễu ở công viên Hem-tơn để ăn sáng. Một vị trí thật xinh xẻo. Bờ sông xanh thoai thoải cao ở đây kéo dài tới tận mép nước nơi có những cây liễu rủ. Chúng tôi vừa chạm đến món thứ ba - bánh mì và mứt - thì xuất hiện một quí ông mặc áo ji-lê với chiếc tẩu ngắn ngủn ngậm giữa hai hàm răng, hỏi chúng tôi có biết rằng mình đang vi phạm lãnh thổ của người khác hay không. Bọn tôi đáp rằng chưa có đủ thời gian nghiên cứu nghiêm túc vấn đề nói trên, nhưng nếu lời của ông ta đúng là của một chính nhân quân tử thì chúng tôi sẵn sàng tin như vậy không hề mảy may ngờ vực.

Ông ta đưa lời cam đoan rằng đó đúng là sự thực, chúng tôi liền cảm ơn nhưng tay này vẫn cứ nhấp nhổm ở đó và có vẻ gì không hài lòng, nên tôi hỏi rằng liệu chúng tôi có thể làm gì hữu ích hơn cho ông ta hay không, còn Hari vốn là một tay có phong thái hết sức quần chúng liền mời ông ta xơi một khúc bánh mì cùng với mứt.

Tôi đồ rằng tay này theo trường phái kiêng kị bánh mì và mứt, vì lẽ thấy hắn ta nổi cạu lên với thứ Hari đem ra mời như thể bị chúng tôi xúc phạm đến phẩm hạnh hay đạo đức của hắn, hắn bảo nhiệm vụ của hắn là đuổi cổ chúng tôi ra khỏi chỗ này.

Hari bảo nếu nhiệm vụ của hắn đúng là như vậy thì không nghi ngờ gì việc hắn sẽ phải hoàn thành công việc, nhưng rất tò mò muốn biết hắn sẽ làm cách chi để thực hiện được điều hắn nói. Các vị chắc cũng đã biết Hari thuộc loại "vai năm tấc rộng thân mười thước cao - lù lù một đống anh hào…", bò mộng gặp hắn có lẽ cũng phải vẫy đuôi chào thân thiện, vậy nên tay mặc áo ji-lê thấy khó nhá, hắn bảo sẽ về hỏi thêm ý kiến của ông chủ rồi sau đó sẽ quay lại tống cả người lẫn chó của bọn tôi xuống sông Thêm.

Tất nhiên là chẳng bao giờ còn có hân hạnh gặp lại nhau và thứ hắn cần là một đồng si-ling. Có những tên ba bị như thế, chuyên môn quanh quẩn ở dọc sông vào mùa pich-ních để dọa dẫm đòi tiền của mấy người yếu bóng vía. Trong trường hợp gặp loại ba bị chín quai như vậy, tôi nghĩ các ngài nên bảo hắn mời chủ nhân đích thực đến gặp để hỏi xem du khách đã gây thiệt hại gì cho ông ta, khi họ ngồi trong mảnh đất chỉ bằng chiếc nón ở ven sông. Nhưng đa số khách du thường ngại việc và nhút nhát nên hay xì tiền ra cho xong chuyện, làm như vậy chỉ tổ khuyến khích bọn chúng phát triển đông đúc mà thôi.

Khi đích thực là chủ đất đến gây chuyện quí ngài cũng nên cho hắn thấy thế nào là phải quấy. Lòng tham và tính ích kỉ của bọn chủ đất mỗi năm một lớn. Nếu để tự do chắc chúng sẽ rào luôn con sông Thêm. Hiện nay chúng mới đang rào chắn các chi lưu và vịnh sông, bọn chúng đóng cọc cừ, giăng lưới xích có biển cấm không cho ai đổ bộ lên bờ. Những tấm ván làm tôi hết sức điên tiết, tự dưng bắp tay tôi muốn nổi gân, muốn giật ra đập vào đầu những kẻ đã treo nó cho đến khi chúng củ nghoẻo, và tôi rất vui lòng được dùng những tấm gỗ đó để làm bia mộ cho bọn chủ đất tham lam ích kỉ.

Tôi chia xẻ cơn tức với Hari, hắn bảo đối với vấn đề ấy hắn còn mẫn cảm hơn tôi, nguyện vọng của hắn không chỉ muốn đập bẹp sọ tên đã đặt ván mà còn cả họ hàng hang hốc nhà nó, cả lũ bạn bè thối tha, cần phải đốt hết nhà chúng nó. Tôi cảm thấy Hari hơi quá khích nhưng hắn càng bốc đồng hơn:

- Không quá đáng chút nào! Mà khi nhà chúng cháy bừng bừng tớ còn đặt mấy khổ thơ bi hài để ngâm ca nữa cơ.

Tôi thấy rầu lòng vì thằng cha Hari lại khát máu đến vậy. Không nên để cho bản năng thèm khát trả thù như của người nguyên thủy hoành hành. Tôi phải cố nhắc nhở Hari về tính thiện phải có của người Cơ đốc giáo, nên cuối cùng hắn cũng đồng ý tha cho đám bạn bè và họ hàng hang hốc của thằng cha giăng biển cấm, cũng không tấu mấy khổ thơ bi hài nữa!

Nếu các ngài đẫ từng được nghe Hari tấu khúc bi hài lấy một lần, các ngài sẽ hiểu ngay tôi đã cản được một chuyện đáng sợ như thế nào cho nhân loại. Ý nghĩ rằng mình biết tấu khúc bi hài chẳng hiểu từ bao giờ đã bám chằng vào đầu con bò mộng này như loài đỉa đói, còn bạn bè hắn thì quá sợ cơn đau đẻ khi hắn rặn ra những bài thơ, nên luôn luôn tìm cách ngăn cản thi hứng của hắn một cách kịp thời.

Thường khi có mặt trong buổi tiếp tân nếu có ai đó gợi ý hắn góp vui một vài tiết mục, Hari không bao gìơ để người ta phải mời mọc quá nhiều :

- Sẵn sàng thôi, tôi vừa mới sáng tác một độc tấu hài.

Qua cách nói mọi người có thể nghĩ là ai đã hân hạnh được nghe hắn hát một lần thì có từ biệt thế giới này cũng chẳng còn gì phải tiếc nuối.

- Ôi chao - Nữ chủ nhân mặt tươi như hoa - Mit-xờ-tơ Hari cho chúng tôi thưởng thức một bài đi nào.

Hari đứng lên đi tới cây đàn pi-a-nô với nụ cười làm rạng ngời mọi khuôn mặt tân khách.

- Xin quí vị im lặng cho - Nữ chủ quay sang yêu cầu khách khứa - Mit-xờ -tơ Hari sẽ trình diễn một trích đoạn hài.

- Ôi chao, hay nhỉ - các tân khách thầm thì với nhau, một số vội vàng rời nhà kính chạy đi thông báo cho bạn bè. Khách khứa bỏ dở câu chuyện của họ, dồn hết vào phòng chính để thưởng thức tiết mục có lẽ là rôm rả nhất.

Hari bắt đầu. Tất nhiên là để trình diễn một khúc hài tân khách cũng không chờ đợi một giọng ca danh tiếng, không đòi hỏi kĩ thuật cao về thanh nhạc hay tư thế biểu diễn. Không phải điều quan trọng khi ca sĩ bỗng dưng hẫng giọng phải ngừng lại để chọn nốt khởi đầu trầm hơn, cũng không xầm xì khi người biểu diễn chạy trước hoặc tụt sau nhạc đệm vài ba nhịp, nhưng Hari đã vượt qua sức tưởng tượng thông thường của mọi người.

Lúc này diễn viên đứng cạnh cây đàn dương cầm hướng mặt về phía các thính gỉa đang chờ đợi: “- Nói chung, trích đoạn này, hơi cũ rồi... Các vị…, hừm, tất cả… chắc đều đã nghe. Nhưng tôi không biết bài nào khác.. đó là bài “Cái tạp dề”. Xin..., xin các quí vị… sẽ hát đồng ca… cho phần điệp... điệp khúc…

Tiếng xì xào lan nhanh trong đám tân khách, người thất vọng, người thì hân hoan vì khởi đầu ca sĩ đã có vẻ rất hài. Người đệm dương cầm bắt đầu sốt ruột liền thực hiện rất tốt phần dạo đầu nhưng anh ta chưa kịp về đến hợp âm chủ để nhường lời cho Hari, thì vị ca sĩ sáng giá này đã bắt vào bài hát trước đó hai nhịp. Anh ta cố gắng đuổi theo nhưng việc rượt đuổi này hoàn toàn thất bại vì nó giống như chiếc đèn kéo quân bị hỏng trục xoay, nên nhạc công đành dừng lại một cách bất ngờ.

Hari cười cổ vũ hết sức dễ thương: Thật tuyệt vời, anh đệm nhạc thật là tuyệt vời. Ta tiếp tục đi nhỉ !

Vị nhạc công khốn khổ đã mất hết tính bình tĩnh thường ngày:

- Ở đây hình như có sự lầm lẫn thì phải. Ngài vừa hát bài gì đấy ạ?

Hari trả lời nhanh như một con vẹt:

- Sao anh lại hỏi thế nhỉ?! Đó chính là bài “Chiếc khăn choàng của mẹ tôi”. Chẳng lẽ anh chưa đệm cho bài đó bao giờ à?

Một anh bạn của Hari ngồi tít hàng ghế sau chót kêu lên: Ông tướng ơi, ông bảo ông hát bài “Cái tạp dề “ cơ mà!

Sau một hồi tranh luận về tên bài hát, tay bạn cùng đi với Hari đành nhượng bộ, chỉ yêu cầu Hari đã hát bài gì thi cứ hát một bài cho đến hết. Tuy nhiên việc đột ngột dừng lại rồi nhảy cách quãng từ giọng te-no sang giọng bat-xơ, từ lời bài này sang lời bài khác, làm cho bài ca trở thành đầu Ngô mình Sở và gây khốn đốn cho người đệm đàn, vốn là năng khiếu bẩm sinh của ca sĩ Hari. Hắn sẽ không chịu lui khỏi khán đài nếu như không có một quí bà đáng kính đột ngột lên cơn thần kinh vì quá sức chịu đựng, khiến mấy cô tiểu thư xinh đẹp và nữ chủ nhân phải xúm lại dìu bà ta ra ngoài.

Tuy nhiên con bò mộng của chúng tôi vẫn rất hồn nhiên trong chuyện trình diễn các khúc bi hài mỗi khi có dịp.

Bản thân tôi cũng đã một lần được thửơng thức khúc bi hài độc đáo đến nỗi về sau cứ mỗi lần nhắc đến tôi lại thấy nhột như có con rắn mối đang bò ở sống lưng.

Lần đó là trong một buổi tiếp tân tập hợp một số người danh giá và có học. Tất cả đều mặc đẹp, cố gắng nói những lời có cánh và cảm thấy mình thật là tuyệt vời - phải nói là tất cả chỉ trừ có hai sinh viên kiết xác nghe nói ở Đức mới về - Hai tay này ngồi một cách khiêm tốn, nhút nhát như cô dâu nhà quê mới về nhà chồng ở phố Nhớn.

Chúng tôi chơi những bản giao hưởng của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức. Chúng tôi bàn luận về triết học và luân lý, ai cũng cố đưa ra những cao đàm, cố gắng tỏ ra thông minh, nhã nhặn và đáng yêu với các tiểu thư xinh đẹp. Sau bữa ăn tối người ta còn đọc thơ tiếng Pháp làm mọi người hết sức thích thú, một ma-đam hát bài ca trữ tình bằng tiếng Ý khiến mấy bà mấy cô cảm động đến rưng rưng nước mắt.

Tới lúc đó thì hai chàng sinh viên trẻ tuổi trở nên bạo dạn, họ hỏi chúng tôi có muốn được nghe giáo sư Xlo-xen Bo-xen người Đức hát một khúc ca hài hước hay không (Ông giáo sư này vừa mới tới và ngồi ở cuối phòng ăn).

Trong chừng mực mà tôi nhớ được thì ban đầu có một số người tỏ ra không hưởng ứng lời đề nghị nhưng hai chàng sinh viên cả quyết rằng, đó là bài ca vui nhộn nhất trên thế gian và nếu chúng tôi muốn, họ có thể mời vị giáo sư người Đức này biểu diễn (họ nói là rất quen biết ông ta). Bài hát khôi hài đễn mức khi giáo sư hát nó trong hoàng cung nước Đức, đức vua đã buồn cười đễn nỗi phải khiêng hoàng thượng vào trong giuờng.

Hai sinh viên nói rằng chưa ai hát được bài này hay như giáo sư Xlo-xen Bo-xen. Trong khi trình bày giáo sư gĩư một vẻ nghiêm trang, khiến người ta có thể nghĩ rằng ông đang hát một khúc tưởng niệm đau buồn nhưng chính vì thế mà bài hát càng vui nhộn hơn. Họ lưu ý các tân khách rằng đừng vì thấy vẻ mặt ông nghiêm trang khác với nội dung hài hước mà tỏ vẻ ngạc nhiên, nếu không khéo sẽ phá mất cái hay của bài hát.

Chúng tôi đồng thanh nói rằng rất khao khát được nghe giáo sư trình diễn và sẽ biết cách thưởng thức tài nghệ của nhà hài hước, hai sinh viên liền xuống đón giáo sư lên bục sân khấu. Rõ ràng là giáo sư không có vẻ gì thiếu thoải mái đối với yêu cầu của mọi người vì thấy ông chầm chậm đi lên và ngồi ngay vào đàn dương cầm.

- Giáo sư sẽ làm các ngài vỡ bụng vì cười! - Hai sinh viên nói rồi đi chéo qua căn phòng, chiếm một chỗ ngồi khiêm tốn đằng sau vị giáo sư tài hoa.

Giáo sư Bo-xen tự mình đệm đàn. Không nên nghĩ rằng khúc dạo đầu không phù hợp cho lắm với một bài ca vui nhộn vì nó có vẻ ảm đạm và buồn bã làm người nghe muốn nổi da gà, thính giả chỉ thầm thì với nhau rằng phong cách biểu diễn và sáng tác của người Đức thật là độc đáo.

Tôi không biết đến nửa câu tiếng Đức. Nguời ta có dạy môn này trong truờng phổ thông nhưng tôi đã quên sạch sẽ từ hai năm nay, tuy nhiên tôi không hề muốn tỏ ra đặc cán mai táu trước mặt mọi người ở đây nên nghĩ ngay ra một kế hoạch - theo tôi thì phải hết sức thông minh mới nghĩ ra được - Tôi không rời mắt khỏi hai anh chàng sinh viên và làm theo những gì họ làm. Họ phì cuời, tôi cũng phì cười, họ ha ha tôi phải ha ha to hơn, ngoài ra tôi luôn luôn giữ nụ cười thường trực trên môi, thỉnh thoảng lại gật gù toe toét với vị khách ngồi bên cạnh.

Tôi để ý thấy rằng trong khi giáo sư hát những người có mặt ở đó cũng làm như tôi, nghĩa là không rời mắt khỏi hai anh chàng sinh viên, cũng theo gương họ để phì cười, hô hô ha ha. Hai tay này hết sức khoái trí, họ cười liên tục nên khán thính giả trong phòng cũng cười thả phanh.

Mặc dù khán giả cổ vũ như vậy nhưng không hiểu sao vị giáo sư có vẻ như không bằng lòng. Lần đầu tiên chúng tôi cười, ông ta tỏ ra hết sức ngạc nhiên, vẻ như người biểu diễn có thể chờ đợi mọi điều chỉ có tiếng cười là không mà thôi. Điều ấy khiễn chúng tôi thấy giáo sư hết sức ngộ nghĩnh, mọi tân khách nghĩ rằng chỉ những nhà hài hước đại tài, mới có thể giữ được nét mặt nghiêm trang thậm chí đau buồn khi đang cù người khác.

Chúng tôi cứ tiếp tục cười to để cổ vũ chợt vị giáo sư tỏ vẻ hết bực tức, ông ta ngửng lên phẫn nộ nhìn tất cả chúng tôi (ngoại trừ hai tay sinh viên vì họ ngồi ở sau lưng ông ta), đến đây thì chúng tôi tưởng sắp nứt bụng, nếu không được giới thiệu truớc về phong cách trình bày khúc ca hài hước kiểu Đức, chắc có người đã hoảng sợ trước cái nhìn giận dữ của người biểu diễn.

Khúc ca kết thúc trong tiếng cười đến vỡ nhà. Chúng tôi nói rằng từ bé đến giờ chưa được thưởng thức điều gì vui vẻ như hôm nay. Có tân khách ngạc nhiên rằng sao người Đức có những bài ca buồn cười đến vậy, mà họ thường ít khi tỏ ra hài hước trong giao tiếp, có người hỏi vị giáo sư sao ông ta không dịch sang tiếng Anh để chúng tôi có thể hiểu tường tận nội dung của bài ca hài hước mà ông vừa biểu diễn.

Nhưng giáo sư Bo-xen hình như đã hết sức chịu đựng, ông ta bật ra hàng tràng chửi rủa bằng tiếng Đức (theo tôi không có ngôn ngữ nào thích hợp hơn với người ta trong hoàn cảnh tương tự như thứ tiếng mà vị giáo sư đang dùng), ông ta nhảy cẫng lên, vung nắm đấm, rủa xả cả bằng một số từ tiếng Anh ít ỏi, ông ta quát mọi người rằng trong đời chưa từng bao giờ bị xúc phạm như ở đây!

Té ra bài mà ông ta hát không phải là khúc ca hài hước, đó là bài ca kể về một cô gái trẻ ở miền núi Hat-sa, đã hy sinh cuộc sống để cứu rỗi linh hồn cho người mà cô ta yêu dấu.

Chàng trai chết, linh hồn họ gặp nhau trên cầu mây nhưng chả được mấy nỗi hắn lại lừa dối cô gái để chạy theo linh hồn một cô ả khác. Tôi không hiểu hết mọi chi tiết nhưng đó là một bài ca rất buồn thảm. Ông Bo-xen nói rằng một lần khi ông ta hát bài này, đức vua nước Đức có mặt đã khóc nức nở như một đứa bé. Bài ca này, theo lời vị giáo sư, là bài hát buồn và xúc động nhất trong các bài ca của người Đức.

Mọi người trong bữa tiệc rơi vào một tình cảnh thật sự khủng khiếp nhưng còn biết nói sao? Chúng tôi đưa mắt tìm hai tay sinh viên, những kẻ đã chơi xỏ cả chủ lẫn khách ở đây nhưng bọn chúng đã mất hút mẹ hàng lươn từ lúc bài ca chưa kết thúc.

Buổi tiếp tân hôm đó đã hạ màn thật là rầu rĩ. Lần đầu tiên tôi gặp truờng hợp vào cuối bữa tiệc mọi người lại chia tay nhau ỉu xìu và vội vã đến vậy, có vị còn để quên cả áo khoác ngoài không bao giờ dám đến lấy lại.

Và cũng từ đó tôi cứ giật mình thon thót khi nghe thấy có ai đó hát bằng tiếng Đức!

Chúng tôi đến âu thuyền Xan-be-rin vào lúc bốn ruỡi. Khúc sông ở đây rất đẹp, trên kênh dẫn cũng hết sức nhộn nhịp nhưng đừng nên nghĩ chuyện chèo tay để vượt qua âu thuyền theo con kênh này.

Đã một lần tôi thử làm chuyện đó. Tôi ngồi ở vị trí chèo và hỏi các bạn ngồi ở đằng mũi rằng liệu mình có vượt qua được dòng chảy ngược này hay không. Bọn chúng bảo rất có thể nếu tôi biết cách chèo cho ra trò. Lúc đó cả bọn đang ở dưói cầu vượt giành cho người đi bộ vắt từ bờ này sang bờ kia.

Tôi lấy hết sức bình sinh ra chèo. Tôi mà chèo thì chỉ có từ tuyệt cú mèo trở lên, qua mấy lần đẩy đã đưa con thuyền vào nhịp điệu thép. Tất cả: chân, tay, vai, bụng, mạng sườn, bạng mỡ đều dồn cho mái chèo. Tôi làm việc một cách hăng say, mạnh mẽ, năng động, chắc chắn là hai tên ngồi đằng mũi phải phục sát đất. Qua năm phút chèo chối chết tôi ngửng đầu lên nhìn, chắc rằng mình đã ở ngang với cửa âu nhưng hóa ra vẫn đang ở dưới cầu vượt, đúng ở vị trí tôi đã bắt tay vào công việc, còn hai thằng khốn ngồi ở mũi thuyền thì cất tiếng cười ha ha hi hi rất lộn tiết. Không, lần này thì xin đủ, tên nào muốn thử sức với dòng chảy xin cứ tùy ý!

Gần cầu Uay, sông Uay (một con sông tiếng tăm, có thể theo dòng của nó đi đến tận Gin-pho-đơ, một trong những con sông tôi vẫn thường ao ước được viếng thăm mà chưa có dịp), sông Bơn và sông Be-din-xơ-to-kơ hợp lưu rồi cùng đổ vào sông Thêm. Âu thuyền nằm gần như đối diện thành phố và vật đầu tiên mà chúng tôi để mắt tới khi đến chỗ nó là cái áo dệt của Jord. Đến gần hơn thì thấy chính tên Jord hiện diện ở bên trong chiếc áo.

Con Mon-mo-ran-xi sủa như điên. Tôi quát lên. Hari rống như bò tót. Jord vẫy chiếc mũ rộng vành cũng gào váng lên để đáp lời. Người gác âu thuyền chạy ra với chiếc câu liêm trên tay, tin chắc rằng có ai đó rơi xuống nước nhưng ông ta tỏ ra thất vọng khi thấy mọi chuyện đều ngon lành cả.

Trong tay Jord có một vật lạ lùng bọc trong túi vải sơn, thòi ra một khúc cần dài.

- Cậu có cái gì thế - Hari hỏi - Chảo rang cám à?

- Không -J ord đáp, trong mắt hắn có ánh lấp lánh rất lạ - Đó là...đây là mốt mới nhất của thời đại. Tất cả mọi người đi nghỉ trên sông đều mang nó theo. Cây đàn băng-dô ấy mà!

- Bọn này không hề nghĩ rằng cậu biết chơi băng-dô! - Tôi và Hari cùng lúc thốt lên.

- Mà tớ cũng chưa chơi - Jord đáp - Nhưng người ta nói rằng chơi nó dễ lắm. Với lại khả năng tự học của tớ rất cực kì !..

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện