Ba Chàng Cùng Hội Cùng Thuyền
Tác giả: Jord Jerome Clapka
Nguồn: BNS
Lượt xem: 782
Số chương: 19
Tên tiếng Anh: Three Men in a Boat (To Say Nothing of the Dog)
Tên bản dịch khác: Ba gã cùng thuyền (Chưa kể con chó)
Một con sông cổ kính. Chuyến đi dấn thân ngược dòng của những chàng trai trẻ dễ xúc cảm đầy thử thách và hiểm nguy. Nơi bắt đầu không thể lường trước. Cuối cùng là sự trở về với thực tại khủng khiếp. Đây đúng là một tiểu thuyết Anh hết sức kinh điển thời tiền Edward.
Nhưng không phải là Heart of Darkness, dòng sông cũng không phải dòng Congo. Mà là dòng sông Thames, người dẫn chuyện không phải là Marlow mà là J, hay Jerome, K Jerome. Được xuất bản năm 1889, 10 năm trước tiểu thuyết của Conrad(*), Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó) là một viên ngọc của thể loại hài hước trong ngôn ngữ Anh. Cũng là một sự tình cờ. “Ban đầu tôi đâu định viết một tác phẩm gây hài,” tác giả từng nói.
Sự hài hước trong văn chương thường không được nghiêm túc nhìn nhận như nó đáng được hưởng. Tuy nhiên, vẫn có những cuốn sách thực sự hài hước tồn tại mãi với thời gian. Ba Gã Cùng Thuyền là một trong số đó. Bề ngoài là câu chuyện về ba gã trai thành phố trên chuyến du ngoạn bằng thuyền, câu chuyện đôi khi, trái với ý muốn của tác giả, trá hình một cẩm nang du lịch, Ba Gã Cùng Thuyền nằm lửng lơ giữa một thứ dài dòng kể lể và những vở hài cuối thời Victoria.
Vậy nội dung tác phẩm là gì? Jerome K Jerome thường nói kiệt tác của ông là “chỉ dài có một trăm và năm mươi trang”, nhưng tôi nghĩ Ba Gã Cùng Thuyền nói về niềm tin của tình bạn, về sự tồn tại nực cười, về những kỳ nghỉ cắm trại, những lần cúp học, những bài hát buồn cười, và những kỷ niệm ngọt ngào về khoảng thời gian đã mất. Bạn cũng có thể xem đây như một bản điếu cho thời kỳ phong kiến vương quốc Anh. Liệu tôi có quên nói rằng tác phẩm cũng nhắc đến một chú chó tên là Montmorency? Một cách ngắn gọn, như tất cả những lối viết kinh điển khác, vô cùng nhiều thứ mà cũng như chẳng có gì.
Jerome K Jerome gần như đã bị lãng quên. Thời đó, ông là một nhà văn, nhà báo tự do vừa mới kết hôn và cần chu cấp cho gia đình. Được người vợ mới Georgina khích lệ, Jerome dự tính câu chuyện về kỳ nghỉ trên thuyền sẽ trở thành một cẩm nang du lịch phổ biến cho một thị trường mới bùng nổ. Cuối thời Victoria trào lưu chèo thuyền tiêu khiển từ Kingston đến Oxford trên sông Thames bắt đầu xuất hiện. Đây là giai đoạn hoàng kim của giải đua thuyền Henley. Thuyền chèo mái, tàu hơi nước, thỉnh thoảng là thuyền đáy bằng: khi vào mùa, mỗi ngày có đến 800 lượt chèo qua cửa đập Boulter gần Maidenhead. Đây chính là độc giả cho một cuốn cẩm nang du lịch trên sông. Tuy nhiên, thực tế, những miêu tả của Jerome về Hampton Court, Marlow và Medmenham là tất cả những gì sót lại từ dự định ban đầu về một cuốn sách du lịch. Nhưng có một điều thú vị đã xảy ra trong quá trình xuất bản, có thể bởi nó lần đầu được đăng theo kỳ trên tạp chí. Giọng lan man hài hước của Jerome bỗng trở thành điểm chú ý. Chuyến đi trên sông cùng những người bạn George và Harris (và Montmorency) của ông trở thành phông nền cho loạt chuyện vặt vãnh khôi hài chẳng mấy liên quan đến chuyến đi.
Các đề tài của Jerome rất đời thường và đặc Anh – chèo thuyền, đánh cá, thời tiết, sự khó nhằn của đồ ăn xứ Anh và thăng trầm cuộc sống nơi ngoại ô – hoàn hảo hòa quyện cùng dòng văn xuôi hài hước nhẹ đã ảnh hưởng đến các tác phẩm của PG Wodehouse, James Thurber, và Nick Hornby cùng nhiều người khác. Một trích đoạn ưa thích của tôi là chương về dứa đóng hộp.
Ba chàng thủy thủ đã có một ngày dài vất vả trên dòng sông. Họ tới điểm bỏ neo buổi tối, mệt lử và đói cồn cào. Khi George mò được một hộp dứa, Jerome viết, “cuối cùng chúng tôi cảm thấy rằng cuộc sống mới đáng quý làm sao”. Ông viết, họ, tất cả họ đều rất thích dứa. Để tiếp tục làm tăng sự kỳ vọng, ông đã thêm một câu tuyệt hảo vào cuốn sách vốn đã đủ hài hước. “Chúng tôi nhìn vào bức hình in trên hộp,” Jerome viết; “chúng tôi đã mơ đến nước ép.” Rồi họ phát hiện ra rằng họ không có cái gì để mở nắp. Theo sau đó là một đoạn văn của một thiên tài hài hước xoay quanh không gì hơn ngoài sự tầm thường của cuộc sống thường ngày. Hãy đọc. Đoạn văn đó (“một cuộc chiến đáng sợ”) chính là cao trào rực rỡ của chương 12.
Ba Gã Cùng Thuyền là một trong số hiếm những tác phẩm kinh điển dám bất chấp mọi thử thách. Jerome K Jerome sau này có viết một vở kịch tại West End gây sốt, The Passing of the Third Floor Back, nhưng ông không bao giờ lấy lại được sự hài hước bất cần xuyên suốt những trang tuyệt tác bất tử của ông nữa.
- MP (theo Guardian)-
Cảm nhận:
"Truyện đọc rất vui, hài hước, không phải kiểu đùa cợt thô lỗ đâu mà là những tiếng cười thâm thúy, sâu sắc và đầy trí tuệ, khiến độc giả phải vỗ đùi đánh đét mà khen hay. Ngay từ cái bối cảnh kể về “3 gã cùng thuyền, chưa kể con chó” đã báo trước 1 câu chuyện vui nhộn rồi. Dù rằng câu chuyện đã xảy ra từ cách đây rất lâu, rất lâu, nó vẫn giữ nguyên giá trị châm biếm trong thời hiện đại.
Cuốn sách mỏng, nhưng giá trị nó mang lại cho người đọc không bé nhỏ chút nào."
- Đan nhận -