Phần 02 – Chương 08: Khởi nguồn cuộc nội chiến Mỹ: Thế lực tài chính quốc tế châu Âu

8. Khởi nguồn cuộc nội chiến Mỹ: Thế lực tài chính quốc tế châu Âu

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc nội chiến chia tách nước Mỹ làm hai nửa liên bang có thực lực tương đối yếu đã được các thực tài chính châu Âu hoạch định từ rất sớm.

Bismarck – Thủ tướng Đức.

Lịch sử phát triển của nước Mỹ gắn liền với sự can thiệp và âm mưu của các thế lực quốc tế. Điều khiến người ta kinh ngạc nhất chính là sự thâm nhập và lật đổ của các thế lực tài chính quốc tế đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng chính là những điều ít được biết đến nhất.

Cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất xảy ra trên chính lãnh thổ của mình trong lịch sử của nước Mỹ chắc chắn thuộc về cuộc nội chiến Nam – Bắc. Cuộc chiến đổ máu kéo dài suốt bốn năm này đã lôi kéo 3 triệu người tham gia, chiếm 10% nhân khẩu của nước Mỹ, 600 nghìn người tử trận, vô số người tàn phế, một lượng của cải khổng lồ bị huỷ hoại trong ngọn lửa chiến tranh, và vết thương mà cuộc chiến này để lại cho người dân đến nay sau hơn 140 năm vẫn chưa được hoàn toàn khôi phục.

Ngày nay, những tranh luận liên quan đến nguyên nhân cuộc nội chiến Nam – Bắc phần lớn xoay quanh vấn đề đạo lý của cuộc chiến, tức là loại bỏ sự hiện hữu của chế độ nô lệ, đúng như Sydney E. Ahlstrom đã nói (nếu không có chế độ nô lệ thì sẽ không có chiến tranh. Nếu không có sự lên án đạo đức đối với chế độ nô lệ thì sẽ không có chiến tranh”(30).

Nhưng thực tế, liên quan đến chế độ nô lệ tại Mỹ trong thế kỷ 19, lợi ích kinh tế được xếp hàng thứ nhất, trong khi vấn đề đạo đức lại đứng hàng thứ hai. Trụ cột kinh tế miền Nam thời đó chính là nền sản xuất bông dệt vải và chế độ nô lệ, và nếu như phế bỏ chế độ nô lệ thì các chủ trang trại buộc phải trả công cho những người nô lệ ban đầu theo giá trị trường công lao động của người da trắng, và như vậy, toàn bộ sản nghiệp sẽ chịu hao tổn, kết cấu kinh tế xã hội sẽ sụp đổ. Nếu nói chiến tranh là sự kế tục của đấu tranh chính trị thì phía sau xung đột lợi ích chính trị chính là sự tính toán lợi ích kinh tế. Trên bề mặt của sự tính toán lợi ích kinh tế này nổi lên sự khác biệt về lợi ích kinh tế giữa hai miền Nam Bắc, nhưng bản chất của nó vẫn là sách lược chơi trò “chia để trị” của các thế lực tài chính quốc tế.

Bismarck – Thủ tướng Đức, người có dây mơ rễ má với dòng họ Rothschild – đã nói rất chính xác rằng “Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc nội chiến chia tách nước Mỹ làm hai nửa liên bang có thực lực tương đối yếu đã được các thế lực tài chính châu Âu hoạch định từ rất sớm”.

Thực chất, chính các nhà ngân hàng trục “London – Paris – Frankfurt” là những kẻ ném đá giấu tay sau cuộc chiến Nam – Bắc của Mỹ.

Để kích động cuộc nội chiến tại Mỹ, các nhà ngân hàng quốc tế đã tiến hành việc hoạch định lâu dài, cẩn trọng và chu toàn. Sau chiến tranh độc lập của Mỹ, nền công nghiệp dệt của nước Anh và các tầng lớp chủ nô ở miền Nam nước Mỹ dần dần xây dựng được mối quan hệ làm ăn mật thiết với nhau. Các nhà tài chính ở châu Âu đã nắm ngay lấy cơ hội này, thừa cơ bí mật phát triển một mạng lưới các nhân vật chủ chốt có thể kích động được cuộc xung đột Nam – Bắc trong tương lai. Ở miền nam thời đó, các đại diện đủ kiểu của các nhà tài chính Anh hiện diện khớp nơi, và cùng với các thế lực chính trị bản địa, họ tham gia hoạch địch các âm mưu, tạo ra đủ mọi loại tin tức cũng như dư luận hòng tách khỏi liên bang. Họ đã khéo léo lợi dụng sự xung đột lợi ích kinh tế về vấn đề chế độ nô lệ ở hai miền Nam – Bắc, không ngừng tạo ra căng thẳng, xung đột và làm cho vấn đề thêm trầm trọng so với bản chất, và cuối cùng đã thành công trong việc đẩy vấn đề chế độ nô lệ thành mâu thuẫn gay gắt không thể dung hoà như nước với lửa giữa hai miền.

Các ngân hàng quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ chiến tranh nổ ra là có thể vơ vét được những món lợi lớn. Trong quá trình kích động chiến tranh, chiêu thức mà họ quen dùng là “bắt cá hai tay”, bất kể ai là kẻ chiến thắng.

Những khoản nợ kếch xù của chính phủ phải chi cho chiến tranh đều là bữa tiệc thịnh soạn nhất của các ngân hàng.

Mùa thu năm 1859, trong vai một người du lịch, nhà tài phiệt ngân hàng nổi tiếng nước Pháp Salomon de Rothschild từ Paris đến Mỹ. Ông là người điều phối chung mọi kế hoạch vốn có, đi lại giữa hai miền nam – bắc, tiếp xúc với các nhân vật quan trọng trong giới chính trị và giới tài chính Mỹ, đem mọi thông tin tình báo thu thập được chuyển về cho Nathaniel de Rothschild đang trấn giữ ở London. Trong cuộc hội đàm với các giới chức miền nam, ông đã công khai tuyên bố sẽ nỗ lực chi viện cho miền nam về mặt tài chính, đồng thời bày tỏ sẽ tận lực giúp miền nam độc lập nhằm có được sự thừa nhận của các quốc gia lớn ở châu Âu(31).

Đại diện ở miền bắc của ngân hàng quốc tế là August Belmont – một nhân vật hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng gốc Do Thái được mệnh danh là “vua của Đại lộ thứ năm” ở New York. Ông là đại diện của Ngân hàng Rothschild Frankfurt, cũng là người có quan hệ thân thích với dòng họ này.

Năm 1829, khi mới 15 tuổi, August đã bắt đầu kiếm sống trong lĩnh vực ngân hàng. Ông cũng đã bắt đầu làm việc cho Ngân hàng Rothschild ở Frankfurt đồng thời sớm bộc lộ được khả năng tài chính thiên phú của mình. Ông tinh thông các ngoại ngữ Đức, Anh, Pháp, Ý. Năm 1837, ông được phái đến New York. Nhờ mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ, nên Belmont nhanh chóng trở thành nhân vật cấp cao của giới tài chính New York, và được tổng thống tín nhiệm bổ nhiệm vào vị trí cố vấn tài chính. Ông đại diện cho ngân hàng Rothschild ở Anh và Frankfurt đồng thời bày tỏ ý muốn ủng hộ tài chính cho tổng thống Lincoln ở miền bắc.

Để tăng áp lực lớn hơn về mặt quân sự đối với quân miền bắc, cuối năm 1861, nước Anh đã tăng thêm 8.000 binh lính đến Canada, sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với sự tấn công của quân miền nam đồng thời uy hiếp chính phủ Lincoln ở biên giới phía Bắc. Năm 1862, liên quân Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã đổ bộ vào cảng Mexico, hoàn thành đợt tập kết ở biên giới phía nam của nước Mỹ, khi cần thiết sẽ xâm nhập vào miền nam nước Mỹ và trực tiếp khai chiến với quân miền Bắc. Ngày 3 tháng 10 năm 1863, Yelet – vị tướng Pháp lại tăng thêm 30.000 quân, và chiếm lĩnh thành phố Mehico.

Khi chiến tranh mới nổ ra, đội quân miền nam đánh đâu thắng đó, các cánh quân của châu Âu như quân Pháp đã mạnh lại càng mạnh hơn, Lincoln đã rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Các ngân hàng đã tính toán chính xác sự trống rỗng trong quốc khố của tổng thống Lincoln khi đó, và chẳng còn cơ hội nào tốt hơn để kiếm một khoản lợi kếch xù từ cuộc chiến tranh này. Kể từ khi cuộc chiến tranh với Anh kết thúc năm 1812, thu nhập quốc khố của nước Mỹ thâm hụt nhiều năm liền, và đến trước khi Lincoln lên nắm quyền, mọi khoản thâm hụt của chính phủ Mỹ đều được đem bán cho ngân hàng dưới hình thức công trái, rồi ngân hàng lại chuyển tiếp cho Ngân hàng Rothschild ở Anh và ngân hàng Paris (đây là một hình thức mua bán nợ chính phủ). Như vậy, chính phủ Mỹ phải chi trả lợi tức khá cao, và những khoản nợ tích luỹ nhiều năm như thế này đã tạo ra gánh nặng nợ nần cho chính phủ.

Các ngân hàng đã đề xuất ra một kế hoạch tài chính trọn gói và đưa ra điều kiện của mình. Khi nghe đến khoản lãi yêu cầu từ 24% đến 36% của các ngân hàng, tổng thống Lincoln đã mời ngay các ngân hàng ra khỏi cửa trong cơn tức giận bầm gan tím mật. Đây là một chiêu độc nhằm đẩy chính phủ Mỹ rơi vào cảnh phá sản hoàn toàn, và Lincoln biết rằng người dân Mỹ mãi mãi không thể trả hết khoản nợ hàng nghìn tỉ này.

----

Chú thích:

(30) Sydney E. Ablstrom, Lịch sử tôn giáo của người Mỹ (A Religious History of the American People) – Yale University Press, 1972, tr. 649.

(31) Lịch sử người Do Thái trong cuộc nội chiến (Jewish History in Civil War), Jewish -American History Documentation Foundation, Inc. 2006.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện