Phần 02 – Chương 09: Chính sách mới về tiền tệ của Lincoln

9. Chính sách mới về tiền tệ của Lincoln

Không có tiền thì không thể tiến hành chiến tranh, mà nếu vay của ngân hàng quốc tế thì chẳng khác nào tự treo thòng lọng vào cổ mình. Lincoln nghĩ trăm phương ngàn kế để tìm phương án giải quyết. Lúc đó, Dick Taylor – một người bạn cũ của ông ở Chicago – đã đề xuất với Lincoln một ý tưởng: chính phủ tự phát hành tiền tệ!

“Việc yêu cầu Quốc hội thông qua đề án này cũng như vấn đề trao quyền cho Bộ tài chính ấn hành tiền tệ sẽ có đầy đủ hiệu lực pháp luật nhằm giúp chi trả lương bổng cho binh sĩ sau đó sẽ giúp ông giành được thắng lợi trong cuộc chiến mà ông tiến hành”.

Trả lời câu hỏi của Lincoln về việc liệu người dân Mỹ cố tiếp nhận đồng tiền mới này hay không, Dick nói rằng “tất cả mọi người đều sẽ không có sự lựa chọn nào khác trong vấn đề này, chỉ cần ông tạo nên hiệu lực pháp lý đầy đủ cho loại tiền tệ mới này, chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ, và chúng sẽ thông dụng giống như một loại tiền đích thực, bởi vì hiến pháp trao cho Quốc hội quyền phát hành và quyền quy định giá trị tiền tệ”.

Sau khi nghe xong đề nghị này, Lincoln tỏ ra quá đỗi vui mừng, lập tức đề nghị Dick lập kế hoạch cho việc này.

Biện pháp hết sức mới lạ này đã phá vỡ cách làm thường lệ của chính phủ là cần phải vay tiền và chịu lãi suất cao của ngân hàng tư nhân. Loại tiền mới này sử dụng hoa văn màu xanh lục để phân biệt với tiền của các ngân hàng khác và được lịch sử gọi là “tiền xanh”. Chỗ mới lạ đặc biệt của loại tiền mới này nằm ở chỗ nó hoàn toàn không được bảo đảm bằng vàng hay bạc, và lợi tức là 5% cho 20 năm.

Trong thời kỳ nội chiến, nhờ có sự phát hành của loại tiền này mà Mỹ đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt tiền tệ nghiêm trọng của chính phủ ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Điều này đã huy động một cách hiệu quả nhất tất cả các nguồn vốn của miền bắc nước Mỹ, tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho chiến thắng cuối cùng trước quân miền nam. Đồng thời, nhờ có giá thành thấp nên loại tiền này đã trở thành nguồn tích luỹ của ngân hàng miền Bắc, tín dụng ngân hàng của miền Bắc cũng nhờ đó mà được mở rộng, các ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng đường sắt sản xuất nông nghiệp và mậu dịch thương nghiệp đều nhận được sự chi viện tài chính lớn chưa từng có so với trước đó.

Việc phát hiện những mỏ vàng lớn những năm 1848 đã khiến cho nền tài chính Mỹ dần dần thoát khỏi cục diện bất lợi và cực đoan do các ngân hàng châu Âu khống chế, và cũng chính nhờ vào sản lượng lớn những mỏ vàng này nên loại tiền mới của Lincoln mới có thể được người dân tiếp nhận rộng rãi, đặt cơ sở tài chính đáng tin cậy cho việc giành thắng lợi trong cuộc chiến Nam – Bắc. Một điều nữa khiến người ta càng thêm kinh ngạc hơn là, loại tiền mới do Lincoln phát hành không hề gây ra lạm phát tiền tệ nghiêm trọng kiểu như trong thời kỳ diễn ra chiến tranh độc lập. Từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 1861 đến khi kết thúc vào năm 1865, chỉ số vật giá của toàn miền bắc Mỹ chỉ tăng một cách nhẹ nhàng từ 100 lên 216. Xem xét quy mô và sự nghiêm trọng về mức độ phá hoại của cuộc nội chiến so với những cuộc chiến có quy mô tương tự khác trên thế giới, chúng ta không thể không nói rằng đây là một kỳ tích tài chính. Ngược lại, miền nam cũng dùng phương thức lưu thông tiền giấy, nhưng hiệu quả thì khác xa một trời một vực, chỉ số vật giá của miền nam trong cùng một thời kỳ đã tăng từ 100 lên đến 2776(32).

Trong suốt thời kỳ nội chiến Nam – Bắc, chính quyền Lincoln đã phát hành số tiền mới 450 triệu đô-la Mỹ. Nhờ. cơ chế vận hành đồng tiền mới này tốt như vậy cho nên tổng thống Lincoln đã xem xét một cách nghiêm túc việc pháp chế hoá vấn đề phát hành loại tiền tệ không thế chấp này (Debt Free Money). Nhưng chính điều này đã như một đòn đau đánh vào lợi ích căn bản của các nhà tài phiệt quốc tế.

Nếu như mọi chính phủ đều không cần phải vay tiền của ngân hàng mà “thản nhiên” tự mình phát hành tiền tệ, thì sự lũng đoạn của các ngân hàng đối với việc phát hành tiền tệ sẽ không còn tồn tại nữa, như vậy không phải là ngân hàng đã trơ mỏ rồi sao?

Cũng vì thế mà ngay sau khi nghe được tin tức này, tờ London Times đại diện cho ngân hàng Anh đã lập tức dăng tải tuyên bố:

“Nếu như chính sách tài chính mới của Mỹ (tiền xanh Lincoln) khiến người ta chán ghét được thực thi vĩnh viễn, chính phủ có thể phát hành khống nguồn tiền tệ của mình. Chính phủ có thể hoàn trả hết mọi khoản nợ đồng thời sẽ thu được những khoản tiền cần thiết để phát triển thương nghiệp, sẽ biến thành một quốc gia phồn vinh chưa từng có trên thế giới. Nguồn nhân tài ưu tú và mọi tài nguyên vốn có trên thế giới này sẽ chảy dồn về bắc Mỹ. Quốc gia này cần phải bị phá huỷ, nếu không nó sẽ phá huỷ từng quốc gia theo chế độ quân chủ trên thế giới”.

Chính phủ Anh và Hiệp hội Ngân hàng New York đã bày tỏ sự phẫn nộ đòi hỏi phải thực hiện các hành động đáp trả. Ngày 28 tháng 12 năm 1861, họ tuyên bố đình chỉ chi trả bằng tiền kim loại cho chính phủ Lincoln. Một số ngân hàng ở New York còn đình chỉ việc rút vàng của những người gửi tiết kiệm bằng vàng, đồng thời tuyên bố huỷ bỏ việc chấp nhận dùng vàng mua công trái của chính phủ. Các ngân hàng ở nhiều nơi trên nước Mỹ cũng rầm rộ hưởng ứng. Họ đến Washington để đề xuất những phương án thay đổi vô nguyên tắc đối với tổng thống Lincoln, đòi thực hiện lại những cách làm trong quá khứ, đem những công trái có lợi tức cao bán cho các ngân hàng châu Âu; đem vàng của chính phủ Mỹ gửi vào các ngân hàng tư nhân để dự trữ phát hành tín dụng, các ngân hàng phát tài lớn; chính phủ Mỹ trưng thu thuế của các ngành công nghiệp và người dân để chi trả cho chiến tranh.

Đương nhiên, tổng thống Lincoln đã cự tuyệt yêu cầu hoàn toàn vô lý này của các ngân hàng. Chính sách của ông rất được lòng dân, người dân Mỹ đã nô nức mua hết toàn bộ công trái, và căn cứ vào pháp luật, các công trái này được sử dụng như là hiện kim.

Các nhà tài phiệt ngân hàng thấy kế sách bất thành bèn nghĩ ra kế khác. Họ phát hiện thấy rằng trong luật phát hành tiền xanh Lincoln của Quốc hội hoàn toàn không đề cập đến việc có nên dùng vàng để chi trả lãi tức công trái hay không. Vì vậy, họ cho phép dùng loại tiền mới của Lincoln để mua công trái, nhưng phần lợi tức phải được chi trả bằng tiền kim loại. Đây là một bước trong kế hoạch hoàn chỉnh nhằm gắn kết đồng tiền mới của Lincoln tại Mỹ với giá trị của vàng. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu tích luỹ đồng bảng Anh nhiều hơn bất cứ đồng tiền nào thời đó và nhiều hơn so với tiền vàng của Mỹ. Sự thoả hiệp giữa ngân hàng và Quốc hội Mỹ đã khiến cho thế lực tài chính quốc tế lợi dụng việc khống chế tổng lượng xuất nhập khẩu vàng đối với nước này để gián tiếp thao túng giá trị tiền tệ của Mỹ.

----

Chú thích:

(32) Glyn Davis, Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) – University of Wales Press, 2002, tr. 479.

(33) Des Griffm, Trở về thời nô lệ (Descent into Slavery) – Emissary Publications, 1980, Chương 5.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện