Phần 04 - Chương 04: Các nhà tài phiệt ngân hàng đại phát tài nhờ đại chiến

4. Các nhà tài phiệt ngân hàng đại phát tài nhờ đại chiến

Ngay sau khi Mỹ tham chiến vào ngày 6 tháng 4 năm 1917, Wilson đã trao quyền lực chủ yếu của đất nước cho những người có công giúp ông nhiều nhất trong cuộc tranh cử là: Paul Warburg – nắm giữ hệ thống ngân hàng của Mỹ; Bernard Baru – nắm giữ chức chủ tịch uỷ ban công nghiệp thời chiến (War Industries Board); Eugene Meyer – kiểm soát công ty tài chính thời chiến (War Finance Corporation).

Anh em nhà Warburg

Max Warburg – anh trai cả của Paul đảm nhận chức Cục trưởng Cục tình báo Đức, còn Paul trở thành Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – người chịu trách nhiệm gần như là cao nhất về tài chính của Mỹ; người em trai thứ ba Felix là cổ đông cao cấp của công ty Kuhn Loeb, em trai thứ tư Fritz – giữ chức Chủ tịch Sở Giao dịch Vàng Hamburg, từng đại diện cho nước Đức bí mật giảng hoà với Nga. Toàn bộ bốn anh em đều là những nhân vật chóp bu trong dòng tộc ngân hàng Do Thái.

Liên quan đến anh em nhà Paul, ngày 12 tháng 12 năm 1918, báo cáo bí mật của Hải quân Mỹ có viết rằng: “Paul Warburg: New York, gốc Đức, năm 1911 nhập quốc tịch thành công dân Mỹ. Năm 1912, được hoàng đế Đức trao tặng huân chương. Từng giữ chức Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Có một người anh em giữ chức Cục trưởng Cục tình báo Đức”(14). Trong một báo cáo khác đề cập đến “hoàng đế nước Đức”, William đệ nhị đã từng đập bàn quát vào mặt Max rằng, “lẽ nào anh luôn đúng sao?”, nhưng sau đó vẫn tử tế lắng nghe ý kiến của Max về vấn đề tài chính(15).

Điều khiến người ta cảm thấy kỳ lạ là tháng 5 năm 1918, Paul đã từ chức ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhưng trong bản báo cáo này lại không đề cập đến. Sau khi Mỹ tham chiến, vì anh trai của Paul đang đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục tình báo Đức, nên về lý thuyết, Paul có thể bị nghi ngờ là thông đồng với địch, nhưng trên thực tế, nước Mỹ chẳng có ai năng động đến mức có thể nắm giữ được mạch máu tài chính. Tháng 6 năm 1918, ngay sau khi từ chức ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Paul đã viết cho Wilson một mẩu tin nhắn rằng: “Tôi có hai người anh em hiện đang là chủ các ngân hàng ở Đức. Theo lẽ đương nhiên, họ phải tận lực giúp đất nước mình, cũng giống như tôi đang giúp đất nước ta vậy(16).

Bernard Baruch – Sa hoàng công nghiệp Mỹ thời chiến

Với bản chất của một người nhờ đầu cơ mà phất nhanh, Baruch đã hợp nhất 6 công ty thuốc lá quan trọng của Mỹ vào năm 1896, thành lập nên Công ty thuốc lá Liên hợp (Consolidated Tobacco Company). Sau đó, ông lại giúp dòng họ Guggenheim thâu tóm nền công nghiệp khai khoáng đồng của Mỹ và còn hợp tác với Harriman – một nhân vật dưới trướng của Schiff – để khống chế hệ thống vận chuyển ở New York.

Năm 1901, Baruch cùng các anh em của mình thành lập công ty mang tên Baruch Brothers.

Sau khi được tổng thống Wilson bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch uỷ ban Công nghiệp thời chiến Mỹ vào năm 1917, ngay lập tức Baruch đã có được quyền sinh sát đối với các công ty công nghiệp ở Mỹ. Thu nhập mỗi năm của Baruch lên đến 10 tỉ đô-la và ông ta trở thành người quyết định giá mua bán vật tư chiến tranh của chính phủ Mỹ. Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội năm 1935, Baruch nói rằng:

“Tổng thống Wilson giao cho tôi một bức thư, trao quyền cho tôi tiếp quản bất cứ doanh nghiệp công nghiệp và công xưởng nào. Tôi và Chủ tịch Judge Gay của công ty gang thép Mỹ có đôi chút hiềm khích, nhưng ngay sau khi được xem bức thư này, ông ta nói: “Xem ra chúng ta cần phải giải quyết xích mích giữa đôi bên”, và quả thực ông ta đã làm như vậy(17).

Có một số Nghị sĩ Quốc hội tỏ ra nghi ngờ tư cách của Baruch trong các quyết định mang tính sinh sát đối với nền công nghiệp Mỹ, cho rằng ông ta vừa không phải là nhà công nghiệp, lại chưa từng biết thế nào là công xưởng, và ngay tại buổi điều trần trước Quốc hội, ông ta cũng đã tự thừa nhận nghề nghiệp chính của mình là “nhà đầu cơ”. Tờ The New Yorkers đã từng đăng tải thông tin rằng, sau khi biết được Washington tung ra tin hoà bình giả, Baruch đã kiếm được đến 750 nghìn đô-la Mỹ trong một ngày.

Công ty tài chính thời chiến của Eugene Meyer.

Cha của Eugene Meyer là đồng sở hữu ngân hàng Lazard Freres – một ngân hàng quốc tế nổi tiếng. Eugene là người có lòng nhiệt tình khác thường đối với kinh doanh. Ông đã từng hợp tác với Baruch để lập ra Công ty khoáng sản vàng Alaska, đồng thời còn cùng hợp tác trong một số giao dịch tài chính khác.

Một trong những sứ mệnh quan trọng của Công ty Tài chính thời chiến chính là phát hành và tiêu thụ công trái Mỹ, cung cấp những khoản tài chính cho chiến tranh.

Không có một hành động nào của Công ty Tài chính thời chiến do Eugene điều hành khiến người ta kinh hãi hơn việc làm giả sổ sách. Sau này, khi bị Quốc hội điều tra, công ty này đã tăng ca thường xuyên vào ban đêm để sửa lại sổ sách, rồi sáng hôm sau đưa cho các nhân viên điều tra của Quốc hội xem. Dưới sự điều hành của nghị sĩ Mcfadden, trong hai cuộc điều tra đối với công ty này vào các năm 1925 và 1930, người ta đã đã phát hiện ra nhiều vấn đề: “Số lượng công trái trùng lặp lên đến 2.314 nhóm, số lượng chiết khấu trùng lặp lên đến 4.698 nhóm, giá trị tiền mặt từ 50 đô-la Mỹ đến 10.000 đô-la Mỹ, thời gian hối đoái đến tháng 7 năm 1924. Trong đó, một số dữ liệu trùng lặp là do nhầm lẫn, còn số khác thì do làm giả sổ sách”(18).

Chẳng thế mà sau khi chiến tranh kết thúc, Eugene đã có thể mua lại Công ty liên hợp hoá học và thuốc nhuộm (Allied Chemical and Dye Corporation), sau đó lại mua tiếp tờ Washington Post. Căn cứ theo tính toán, số lượng sổ sách làm giả của Eugene ít nhất đã tạo nên mức thâm hụt công trái đến hàng mấy trăm triệu đô-la Mỹ(19).

Edward Stettinius – người sáng lập Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Edward Stettinius là một người hết sức cẩn trọng, câu nệ từng chi tiết, trước đây phát tài nhờ nghề đầu cơ lương thực ở Chicago. Trong thời kỳ chiến tranh, ông được Morgan cân nhắc và bổ nhiệm chức quản lý Bộ phận xuất khẩu (Export Department), chủ yếu phụ trách mua sắm vũ khí đạn dược.

Ông trở thành người chi tiền nổi tiếng trên thế giới trong thời kỳ chiến tranh. Số vật tư quân sự mua sẩm mỗi ngày lên đến 10 triệu đô-la Mỹ, sau đó đem những vật tư này sắp xếp xuống thuyền, niêm phong, vận chuyển đến châu Âu. Ông đã đem hết sức mình để nâng cao năng suất sản xuất cũng như năng suất vận chuyển. Tại trụ sở 23 phố Wall, chỉ cần ông ra lệnh một tiếng thì vô số các đại lý hay các nhà buôn thiết bị quân sự bổ nhào đến. Tại mỗi cửa phòng làm việc hầu như đều có cảnh sát bảo vệ. Mỗi tháng, lượng mua sắm của ông tương đương với tổng giá trị sản xuất của người dân thế giới 20 năm trước. Người Đức không thể ngờ rằng, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà nước Mỹ đã có thể chuyển từ môi trường sản xuất thời bình sang quỹ đạo sản xuất công nghiệp quân sự thời chiến.

Davison – thân tín của Morgan.

Nhờ đổ công sức lập ra đế chế Morgan và là cổ đông cao cấp của công ty J.P. Morgan nên Davison đã nhận được miếng mồi béo bở này từ Hội Chữ thập đỏ Mỹ, từ đó đã khống chế khoản tiền khổng lồ lên đến 370 triệu đô-la Mỹ do người dân Mỹ quyên tặng.

----

Chú thích:

(14) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) – Bankers Research Institute, 1985, Chương 8.

(15) Max Warburg, Hồi ký của Max Warburg, Berlin, 1936.

(17) Lời khai của Baruch trước Uỷ ban Nye, 13/9/1937.

(18) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) – Bankers Research Institute, 1985, Chương 8.

(19) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) – Bankers Research Institute, 1985, Chương 8.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện