Phần 04 - Chương 03: Mỹ tham chiến “vì nguyên tắc dân chủ và đạo đức”
3. Mỹ tham chiến “vì nguyên tắc dân chủ và đạo đức”
Khi được một đồng nghiệp là đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức hỏi với thái độ dầy vẻ hoài nghi rằng tại sao Mỹ cần phải gây chiến với Đức, vị đại sứ Mỹ đáp rằng: “Người Mỹ chúng tôi tham chiến vì nguyên tắc đạo đức”. Câu trả lời như vậy khiến cho đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ vò đầu vuốt trán. Tiến sĩ Kissinger đã giải thích về việc này: “Nước Mỹ từ ngày lập quốc đến nay luôn tự cho mình là kẻ khác người. Trên bình diện ngoại giao, họ đã tạo ra hai thái độ mâu thuẫn nhau: một là thúc đẩy chế độ dân chủ trong nước ngày càng trở nên hoàn hảo; hai là quan điểm giá trị của Mỹ khiến cho nhân dân nước này tin rằng họ cần phải truyền bá những quan điểm này ra toàn thế giới”(9).
Quả thật, những gì nước Mỹ trải qua có khác với các quốc gia khác trên thế giới. Khái niệm giá trị dân chủ của Mỹ cũng quả thật là xứng đáng cho người ta ca tụng, nhưng nếu nói rằng nước Mỹ đã tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất chỉ vì đạo đức và lý tưởng, thì có thể tiến sĩ Kissinger đã suy đoán một cách hồ đồ.
Ngày 5 tháng 3 năm 1917, trong bức thư mật gửi cho tổng thống Wilson, đại sứ Mỹ Walter Hines Page – người đang thường trú ở Anh lúc đó – đã nói rằng: “Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ vượt ra ngoài khả năng chịu đựng trong việc cung cấp các khoản vay của công ty Morgan đối với Anh và Pháp. Sự giúp đỡ lớn nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho các nước đồng minh chính là tín dụng. Nếu không khai chiến với Đức, chính phủ của chúng ta sẽ không thể cung cấp tín dụng trực tiếp cho các nước đồng minh”(10).
Lúc này, hệ thống công nghiệp nặng của Mỹ đã chuẩn bị cả năm cho việc tham chiến. Từ năm 1916, lục quân và hải quân Mỹ đã bắt đầu mua một lượng lớn các thiết bị khí tài hạng nặng. Để tăng thêm nguồn tài chính, các nhà tài phiệt ngân hàng và các chính trị gia đã bắt đầu nghĩ ra nhiều kế sách hơn nữa. “Cuộc xung đột khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm một bước phát triển khái niệm thuế thu nhập – một nguồn vốn quan trọng vẫn chưa được khai thác. Dự luật thuế thu nhập đã được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của chiến tranh”(11).
Lưu ý rằng, thuế thu nhập ở đây có nghĩa là thuế thu nhập công ty chứ không phải là thuế thu nhập cá nhân. Trong năm 1916, các nhà tài phiệt ngân hàng đã hai lần tìm cách thông qua Dự luật yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng cả hai lần cuối cùng đều bị Toà án tối cao bác bỏ. Ở Mỹ, quy định đóng thuế thu nhập cá nhân từ trước đến nay vốn chẳng có pháp luật làm căn cứ. Ngày 28 tháng 7 năm 2006, bộ phim “Nước Mỹ từ tự do đến chủ nghĩa phát xít” (America: Freedom to Fascism) được công chiếu rộng rãi khắp nước Mỹ.
Ống kính của Aaron Russo – đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Mỹ từng 6 lần nhận đề cử giải Oscar – đã thể hiện một sự thật trần trụi. Khi được công chiếu tại liên hoan phim Canes năm 2006, bộ phim đã gây chấn động mạnh mẽ cho công chúng. Sau khi chứng kiến một cảnh tượng chân thực về sự khác biệt của chính phủ Mỹ so với những gì họ rêu rao và những thế lực tài chính sau lưng nó thì cảm giác đầu tiên của tất cả khán giả lúc đó thật khó có thể tả nổi.
Trong tổng số hơn 3.000 rạp chiếu của Mỹ, chỉ có 5 rạp dám công chiếu bộ phim này. Sau khi được đưa lên mạng, bộ phim này vẫn tạo nên ảnh hưởng to lớn khắp nước Mỹ, 940.000 người đã tải bộ phim này về xem, 8.100 người tham gia bình luận với những đánh giá cao nhất(12).
Ngày 13 tháng 10 năm 1917, tổng thống Wilson đã phát biểu long trọng rằng: “Nhiệm vụ cấp bách là cần phải huy động triệt để nguồn tài nguyên ngân hàng của Mỹ. Áp lực và quyền lợi từ các khoản cho đồng minh vay cần phải được từng ngân hàng của đất nước này gánh vác. Tôi tin rằng, sự hợp tác ngân hàng như vậy trong thời khắc này là một trách nhiệm yêu nước. Các ngân hàng thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính là sự chứng minh cho chủ nghĩa yêu nước đặc biệt và quan trọng như vậy”(13).
Wilson – một giáo sư đại học – thừa biết ai đã đưa ông đến với con đường quyền lực trong Nhà Trắng. Bản thân tổng thống Wilson cũng không tin vào cuộc thánh chiến “dân chủ cứu vãn thế giới” thường được nhắc đến. Sau này, ông đã thừa nhận rằng “chiến tranh thế giới diễn ra chẳng qua là vì cạnh tranh kinh tế mà thôi”.
Sự thật là, khoản vay 3 tỉ đô-la mà Mỹ cung cấp cho các nước đồng minh và khoản vật tư xuất khẩu trị giá 6 tỉ đô-la Mỹ vẫn chưa được hoàn trả. Nếu như Đức giành thắng lợi thì công trái của các nước đồng minh hiện đang nằm trong tay các nhà tài phiệt ngân hàng sẽ chẳng đáng giá một xu. Vì muốn bảo vệ các khoản cho vay của mình mà Morgan, Rockefeller, Paul Warburg và Schiff đã đồng tâm hiệp lực đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến tranh.
----
Chú thích:
(9) Henry Kissinger, Thuật ngoại giao (Diplomacy) – Simon & Schuster; 4/4/1995, Chương 9.
(10) Eustace Mullins. Bí mật của Cục Dự trữ liên bang (The Secrets of the Federal Reserve) – Bankers Research Institute, 1985, Chương 8.
(11) Cordel Hull, Hồi ký (Macmillan, New York, 1948) tập 1, tr. 76.
(12) http: “www.freedomtofascism.com.
(13) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgan) – New York: Grove Press 1990, Chương 10.