Phần 05 - Chương 04: Loại bỏ chế độ bản vị vàng
Sứ mệnh lịch sử của ngân hàng trao cho Roosevelt Dưới sự chế ước của bản vị vàng, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã khiến cho gánh nặng nợ nần của các nước châu Âu trở nên nặng nề. Nếu không có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tập trung huy động nguồn tài chính cho cuộc chiến thì có lẽ quy mô chiến tranh chỉ ở mức cục bộ.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã mang lại cho các ngân hàng quốc tế một cơ hội làm giàu. Dù có sự hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, song dưới sự khống chế nghiêm ngặt cua bản vị vàng, các ngân hàng cũng không thể yên tâm với lượng tài chính vá víu và khó có thể chống đo nổi một cuộc đại chiến khác ở cấp độ toàn cầu. Vì vậy, việc phế bỏ bản vị vàng đã trở thành nhiệm vụ khẩn cấp của các ngân hàng quốc tế.
Trong diễn biến năm ngàn năm của lịch sử xã hội loài người, vàng đã dần dần trở thành một loại tài sản được các nước trên thế giới công nhận. Mối quan hệ tất yếu của người dân đối với vàng đã trở thành logic tự nhiên trong đời sống. Khi không đồng ý với chính sách và tình hình kinh tế của chính phủ, người dân có thể chọn cách đem tiền giấy mà họ đang nắm giữ trong tay đổi thành tiền vàng rồi đợi thời cơ tốt hơn. Trên thực tế, vấn đề hoán đổi từ tiền giấy sang vàng đã trở thành nền tảng tự do kinh tế cơ bản nhất của người dân, và chỉ có trên cơ sở này, sự tự do của bất cứ nền dân chủ hay hình thức xã hội nào mới có được đầy đủ ý nghĩa thực tế của nó. Việc chính phủ cưỡng chế quyền đổi tiến giấy thành vàng của người dân cũng có nghĩa rằng, sự tự do cơ bản nhất của người dân đã bị tước đoạt.
Trong tình trạng xã hội bình thường, việc phế bỏ bản vị vàng tất sẽ dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng trong xã hội, thậm chí còn có thể gây nên một cuộc cách mạng bạo lực.
Chỉ trong những tình huống bất đắc dĩ, người dân mới đành tạm thời hi sinh quyền lợi của mình. Đây chính là lý do tại sao các ngân hàng lại mong xảy ra khủng hoảng. Trước nguy cơ khủng hoảng và suy thoái kinh tế, người dân thường tỏ ra dễ thoả hiệp nhất, sự đoàn kết giữa họ dễ bị phá vỡ nhất, dư luận dễ bị dẫn dắt nhất, sức tập trung xã hội dễ bị phân tán nhất và mưu kế của các nhà ngân hàng dễ được thực hiện nhất. Vì thế mà nạn khủng hoảng và suy thoái được các nhà ngân hàng xem như một thứ vũ khí lợi hại nhằm chống lại chính phủ và người dân.
Năm 1812, việc Ngân hàng thứ nhất của nước Mỹ bị giải thể đã dẫn đến sự báo thù của gia tộc Rothschild đồng thời làm bùng phát cuộc chiến tranh giữa Anh và Mỹ. Cuối cùng chính phủ Mỹ chịu nhượng bộ và lập nên ngân hàng thứ hai.
Năm 1837, tổng thống Jackson xoá bỏ Ngân hàng thứ hai của Mỹ. Các nhà tài phiệt ngân hàng lập tức bán đổ bán tháo công trái Mỹ trên thị trường London, thu hồi các khoản cho vay, khiến cho nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nghiêm trọng và tình trạng này kéo dài mãi cho đến năm 1848.
Trong các năm 1857, 1870, 1907, vì muốn ép chính phủ Mỹ xây dựng lại ngân hàng trung ương tư hữu, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế lại một lần nữa cùng nhau tạo nên khủng hoảng tài chính. Cuối cùng, họ đã thành lập nên ngân hàng trung ương tư hữu – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – từ đó hoàn toàn khống chế quyền phát hành tiền tệ của Mỹ.
Mục đích cuối cùng của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế trong cuộc đại suy thoái năm 1929 là xoá bỏ bản vị vàng, thực thi chính sách tiền tệ giá rẻ, tạo ra lộ trình tài chính cho cuộc chiến tranh thế giới lần hai.
Ngày 4 tháng 3 năm 1933, Roosevelt nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ khoá 32. Ngay sau khi nhậm chức, Roosevelt đã tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với phố Wall. Thậm chí, ngay trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, ông đã tuyên bố rằng, kể từ ngày 6 tháng 3 năm 1933, các ngân hàng trên toàn quốc phải tạm ngừng kinh doanh để chính phủ chấn chỉnh lại cơ cấu tài chính, chỉ khi nào công tác điều tra sổ sách hoàn thành thì mới được mở cửa trở lại. Việc các ngân hàng bị tạm thời đình chỉ hoạt động được coi như hiện tượng lạ trong lịch sử nước Mỹ và khiến cho dân chúng vui mừng hoan hỉ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tồn tại trong tình trạng “thoi thóp” mà trước đó chưa từng diễn ra vì hầu như không có một ngân hàng nào hoạt động suốt 10 ngày(16).
Tiếp đó, Roosevelt lại giám sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đối với phố Wall vốn đã được bắt đầu từ thời tổng thống Hoover, chĩa mũi nhọn vào gia tộc Morgan. Trong một loạt vụ điều trần, Jack Morgan và cổ đông của ông ta bị xoay như chong chóng trước sự chứng kiến của toàn dân Mỹ.
Những cú đánh của Roosevelt nhắm vào các ngân hàng phố Wall cứ diễn ra liên tiếp, cú sau mạnh hơn cú trước. Cuối cùng, vào ngày 16 tháng 6 năm 1933, Roosevelt lại tung ra một cú đánh mạnh tay hơn nữa: ký “dự luật Glass-Steagall”, theo đó, công ty Morgan bị tách thành hai: Ngân hàng Morgan và Công ty Morgan Stanley. Ngân hàng Morgan chỉ có thể hoạt động theo mô hình truyền thống của một ngân hàng thương mại, còn công ty Morgan Stanley hoạt động theo mô hình của một ngân hàng đầu tư.
Roosevelt không hề nương tay đối với Sở giao dịch chứng khoán New York và đã ban hành các văn kiện như “Pháp lệnh chứng khoán 1933“ và “Pháp lệnh giao dịch chứng khoán năm 1934”, thành lập uỷ ban giao dịch chứng khoán (SEC) đồng thời phụ trách việc giám sát thị trường cồ phiếu.
Chính sách của tân tổng thống Roosevelt đã được dư luận trong xã hội đánh giá cao, giải toả được sự oán giận của dân chúng đối với các nhà tài phiệt ngân hàng phố Wall.
Ngay cả dòng họ Morgan cũng phải thừa nhận rằng: “Sự tôn sùng tổng thống Roosevelt tràn ngập khắp nơi. Mới nhậm chức tổng thống trong một tuần mà ông đã làm được nhiều điều kì diệu khiến cho giới tài phiệt phải lo lắng. Đất nước này chưa từng có những chuyện như vậy(17).
Năm 1933, thị trường cổ phiếu New York phất mạnh với mức tăng trưởng lên đến 54%.
Như một người anh hùng, Roosevelt tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Đám buôn tiền đã tháo chạy khỏi thánh điện văn minh của chúng ta. Giờ đây, chúng ta đã có thể khôi phục lại diện mạo cổ xưa của thánh đường thần thánh này(18).
Vấn đề là, giữa bản chất của sự việc diễn ra và cảm nhận chung được những kẻ thân cận trung gian cố ý tạo nên thường tồn tại một sai lệch rất lớn, trong khi chúng ta khó tránh được ảo giác đối với những trường cảnh được đạo diễn một cách tài tình.
Sau khi tạm thời ngừng hoạt động, rất nhiều ngân hàng ở khu vực miền Tây – Trung Mỹ vốn kiên quyết từ chối gia nhập Cục Dự trữ Liên bang cũng không thể mở cửa trở lại.
Và đó thực sự là một thị trường rộng lớn được giới tài phiệt phố Wall dòm ngó. Người được lựa chọn vào chức Bộ trưởng tài chính của Roosevelt chính là Morgenthau – con trai của Henry Morgenthau đồng thời là một nhân vật có máu mặt ở phố Wall.
Ứng cử viên chức Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán do Roosevelt lựa chọn càng khiến người ta dở khóc dở cười. Đó chính là Joseph Kennedy – nhà đầu cơ cổ phiếu nổi tiếng đã từng lũng đoạn thị trường cổ phiếu trước khi thị trường chứng khoán rơi vào vòng suy thoái trầm trọng năm 1929.
Trong thời kỳ khủng hoảng 1929-1933, sản nghiệp của Joseph đã tăng từ 4 triệu đô-la lên 100 triệu đô-la. Ông cũng là một nhân vật thân thuộc của Jack Morgan đồng thời là cha của tổng thống Kennedy lừng lẫy tiếng tăm sau này.
Người đề xuất dự luật Glass-Steagall để tách công ty Morgan chính là thượng nghị sĩ Glass – người tham gia hoạch định Dự luật Cục Dự trữ Liên bang Mỹ năm đó. Thực ra, dự luật này hoàn toàn không gây thiệt hại nặng nề cho công ty Morgan, ngược lại còn giúp cho công ty này ngày càng ăn nên làm ra. Trong số 425 nhân viên của công ty J.P. Morgan, có 125 người được chọn ra để xây dựng nên công ty Morgan Stanley, trong đó, 90% cổ phần thuộc về Jack Morgan và Ramon. Trên thực tế, sau khi chia tách, hai công ty vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Jack Morgan. Năm 1935, sau khi khai trương công ty, Morgan Stanley đã nhận thầu tiêu thụ lượng công trái trị giá 1 tỉ đô-la Mỹ, chiếm 25% số cổ phiếu của toàn thị trường(19). Trên thực tế, các công ty lớn phát hành công trái vẫn phải dựa vào uy lực này của Morgan người có ảnh hưởng lớn và có thể gây sức ép với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Cuộc điều trần của Quốc hội đối với Morgan được coi là màn kịch thú vị nhất và thu hút được sự quan tâm của dân chúng. Như vậy, Roosevelt đã có điều kiện để bí mật ban hành các pháp lệnh quan trọng nhằm loại bỏ bản vị vàng.
Ngày 11 tháng 3 năm 1933, chỉ một tuần sau khi nhậm chức, Roosevelt đã ban hành mệnh lệnh đình chỉ hoạt động hối đoái vàng của các ngân hàng với cái cớ giữ cho nền kinh tế ổn định. Tiếp đó, ngày 5 tháng 4, ông ta lại ra lệnh cho dân chúng giao nộp lại toàn bộ số vàng họ có cho chính phủ với giá hoán đổi là 20,67 đô-la Mỹ/ounce vàng. Ngoài một số ít tiền vàng hoặc vàng trang sức, bất cứ người nào cất giữ vàng đều sẽ bị phạt 10 năm tù giam và chịu khoản tiền phạt lên đến 250 nghìn đô-la Mỹ. Tuy được Roosevelt biện minh là “phương pháp tạm thời trong tình hình khẩn cấp”, song dự luật này đã kéo dài mãi đến năm 1974 mới được huỷ bỏ. Tháng Giêng năm 1934, Roosevelt lại thông qua “dự luật dự trữ vàng”, định giá vàng 35 đô-la Mỹ/ounce, nhưng người dân Mỹ không có quyền hoán đổi vàng. Vừa mới nộp vàng cho chính phủ với giá 20,67 đô-la/ounce, nay nguồn tích luỹ của họ đã giảm đi quá nửa, trong khi đám “khách hàng ưu tiên” của các ngân hàng quốc tế nhờ biết được thông tin nội bộ trước khi thị trường cổ phiếu suy sụp vào năm 1929 đã rút khỏi thị trường chứng khoán một lượng tiền vốn lớn và hoán đổi thành vàng để vận chuyển đến London. Lúc này, họ có thể bán vàng với giá 35 đô-la/ounce, và như vậy, giá vàng đã tăng tới 69,33% so với giá chính phủ thu mua trước đó.
Khi được Roosevelt hỏi về quan điểm liên quan đến các pháp lệnh định giá vàng, Thomas Gore – vị thượng nghị sĩ khiếm thị uyên thâm của nước Mỹ – đã lạnh lùng đáp rằng: “Rõ ràng đó là một trò ăn cướp, phải không, thưa tổng thống?” Đối với câu trả lời thẳng thẩn của thượng nghị sĩ Thomas Gore, Roosevelt luôn luôn canh cánh trong lòng một nỗi ưu tư. Vị thượng nghị sĩ này chính là ông nội của Al Gore, Phó tổng thống Mỹ sau này.
Vào năm 1948, Howard Buttett – một nghị sĩ khác suốt đời theo đuổi đường lối khôi phục bản vị vàng đã nói rằng:
“Tôi cảnh báo cho các ngài biết, các nhà chính trị của hai đảng đều sẽ phản đối việc khôi phục bản vị vàng. Những người nước ngoài phát tài nhờ chế độ tiền tệ giá rẻ của Mỹ cũng sẽ phản đối việc khôi phục chế độ bản vị vàng. Các ngài cần phải chuẩn bị trí tuệ và sự nhạy bén để đối mặt với sự phản đối của họ”(20).
Dù suốt đời nung nấu ý định khôi phục bản vị vàng nhưng Buffett cha không thể tận mắt chứng kiến sự việc đó, và niềm tin này đã ăn sâu vào tâm tri con trai ông – Warren Buffett – ông vua cổ phiếu với tiếng tăm lửng lẫy khắp thế giới. Năm 1997, với suy nghĩ rằng chế độ tiền tệ pháp định tất yếu sẽ sụp đổ, trong khi giá bạc rớt gần xuống mức thấp nhất trong lịch sử, Buffett đã quyết định mua vào 1/3 lượng bạc trên thế giới.
Việc loại bỏ hoàn toàn vai trò của vàng trong hệ thống tiền tệ không phải là chuyện đơn giản và nhẹ nhàng. Quá trình này phải được thực thi theo ba giai đoạn. Bước thứ nhất là loại bỏ tiền vàng đang được lưu thông cũng như xoá bỏ việc hoán đổi vàng trong phạm vi nước Mỹ. Bước thứ hai là loại bỏ chức năng tiền tệ của vàng trên phạm vi thế giới.
Năm 1944, Quy chuẩn hối đoái đô-la Mỹ (Dollar Exchange Standard) do Bretton Woods System xây dựng đã thay thế Quy chuẩn hối đoái vàng (Gold Exchange Standard). Bước cuối cùng là do Tổng thống Nixon thực hiện vào năm 1971.
Keynes là người phất cờ hô hào, còn các nhà tài phiệt ngân hàng đồng thanh phụ hoạ. Và cuối cùng, với những thủ đoạn lừa gạt, Roosevelt đã xoá bỏ được chế độ bản vị vàng. Cũng chính vì thế mà sự thâm hụt tài chính và tiền tệ giá rẻ đã manh nha hình thành.
Keynes đã từng nói một câu nổi tiếng rằng: “Về lâu dài, chúng ta đều sẽ chết”, nhưng hậu quả của những hành vi mà các nhà ngân hàng đã gây ra thì vẫn còn mãi với lịch sử
-----
Chú thích:
(16) Glyn Davis. Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) – University of Wales Press 2002, tr.512
(17) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgan) – New York: Grove Press 1990); tr. 357.
(18) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgan) – New York: Grove Press 1990); tr. 357.
(19) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgan) – New York: Grove Press 1990); tr. 386-390.
(20) Biên niên sử thương mại và tài chính (The Commercial and Financial Chronicle), 6/5/1948.