Phần 05 - Chương 03: Franklin Delano Roosevelt là ai?

Chính các bạn và tôi đều biết rằng, trên thực tế, các thế lực tài chính trong guồng máy quyền lực vĩ đại từ đời tổng thống Jackson đã bắt đầu khống chế chính phủ. Quốc gia này sẽ phải tiếp tục cuộc đấu tranh với giới ngân hàng từ thời Jackson, chỉ có điều là nó sẽ được diễn ra trên qui mô lớn hơn và rộng hơn mà thôi(10).

Roosevelt, ngày 21 tháng 11 năm 1933

Trong bản “cáo bạch chân tình” này của Roosevelt có một số điểm giống với những gì Wilson phát biểu năm đó.

Nếu Wilson chỉ là một học giả không am hiểu các mưu mô thủ đoạn của các ngân hàng thì Roosevelt lại là một nhân vật từng trải. Ngày 20 tháng 8 năm 1932, trong bài diễn thuyết tranh cử của mình ở bang Ohio, Roosevelt đã nói rằng:

Chúng tôi phát hiện thấy 2/3 nền công nghiệp Mỹ tập trung trong tay mấy trăm công ty, tuy nhiên, trên thực tế, những công ty này bị một nhóm không quá 5 nhân vật quan trọng khống chế. Chúng tôi phát hiện rằng, 30 nhà tài phiệt ngân hàng và kinh doanh chứng khoán là những người đóng vai trò quyết định đối với sự lưu thông tiền tệ của Mỹ. Nói một cách khác, quyền lực kinh tế tập trung cao độ trong tay của một số ít người. Tất cả những điều này là trái ngược với những gì mà tổng thống tiền nhiệm Hoover đã từng nói”(11).

Roosevelt tìm mọi cách để dân chúng Mỹ cảm thấy ông giống với tổng thống Jackson – người không đội trời chung với các nhà ngân hàng và rất được nhân dân mến mộ, một vị tổng thống dũng cảm chấp nhận khiêu chiến với các thế lực tài chính mưu mô xảo quyệt để bảo vệ người dân thấp cổ bé họng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, Roosevelt còn có quan hệ mật thiết với giới ngân hàng quốc tế chẳng thua gì tổng thống Hoover.

James Roosevelt – cố của Roosevelt – là người sáng lập nên Ngân hàng New York vào năm 1784, một trong những ngân hàng xuất hiện sớm nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Ngân hàng này đã bị phát mãi trên thị trường công trái Mỹ vào năm 2006 do có dính líu đến việc thao túng giá công trái. Khi Roosevelt tranh cử tổng thống, ngân hàng này được George – anh họ của Roosevelt – điều hành. Cha của Roosevelt là một đại gia trong ngành công nghiệp Mỹ với sản nghiệp khổng lồ ở khớp nơi như mỏ than đá, đường sắt ông cũng đồng thời là người sáng lập nên công ty chứng khoán đường sắt miền Nam (Southern Railway Security Company) – một trong những công ty chứng khoán đầu tiên của Mỹ. Bản thân Roosevelt cũng đã từng tốt nghiệp khoa luật Đại học Harvard, sau đó hành nghề luật sư với khách hàng chủ yếu là công ty Morgan. Năm 1916, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ngân hàng đồng thời được các thế lực tài chính hỗ trợ, khi mới 34 tuổi, Roosevelt đã được bổ nhiệm làm trợ lý Bộ trưởng Bộ Hải quân Mỹ. Bộ Hải quân chính là cổ đông cao cấp của Morgan và thường xuyên tác động đến Ramon để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho Roosevelt tại Washington.

Roosevelt còn có một người chú đã từng giữ chức tổng thống Mỹ – Theodore Roosevelt – và một người anh họ khác là George E. Roosevelt – một nhân vật có máu mặt ở phố Wall. Trong thời kỳ đại sáp nhập ngành đường sắt, ông ta đã tái tổ chức ít nhất 14 công ty đường sắt, đồng thời còn nắm chức Chủ tịch của các công ty Guaranty Trust Compan, Chemical Bank, Guaranty Trust Company trực thuộc Morgan và hàng loạt các công ty lớn bé khác.

Dòng họ ngoại của Roosevelt cũng thuộc dòng thế phiệt trâm anh, có quan hệ thân thích với 9 đời tổng thống Mỹ.

Trong lịch sử cận đại của Mỹ, không có một vị tổng thống nào có được thế lực chính trị và nguồn vốn ngân hàng lớn hơn Roosevelt.

Năm 1921, Roosevelt thôi việc trong bộ máy chính phủ và về đầu quân cho phố Wall, trở thành chủ tịch hoặc phó chủ tịch của rất nhiều tổ chức tài chính. Lợi dụng mối quan hệ với các chính trị gia và các ông trùm ngân hàng, Roosevelt kiếm được những khoản lợi kếch xù cho các công ty của mình. Trong bức thư gửi cho Meh – một người bạn cũ ở Hạ nghị viện, Roosevelt đã viết rằng: “Vì mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa chúng ta, tôi hi vọng anh sẽ giúp tôi. Tôi đang mong kiếm được một số hợp đồng công trái từ tay Brooklyn mà hầu hết các công trái này đều có liên quan đến công trình thành phố. Tôi hi vọng bạn bè cũ có thể nhớ đến tôi. Lúc này tôi không thể quấy rầy họ, nhưng vì bạn của tôi cũng là bạn của anh, và nếu như có chút tình cảm dành cho tôi thì đó sẽ là sự giúp đỡ to lớn đối với tôi và tôi sẽ không bao giờ quên ơn(12)”.

Trong thư gửi cho một người bạn mới giành được một mối làm ăn lớn với Bộ Hải quân, Roosevelt viết rằng: “Bạn tôi bên hải quân tình cờ nói với tôi về một hợp đồng mua bán đại bác 203mm với công ty anh. Điều này khiến tôi nhớ lại sự hợp tác vui vẻ giữa chúng ta thời tôi còn là trợ lý Bộ trưởng Bộ Hải quân. Đề nghị anh thử xem xét khả năng công ty tôi tiêu thụ một số công trái của các anh. Tôi rất hy vọng anh sẽ cho phép đại diện của tôi gọi điện thoại cho anh để bàn về việc này(13).

Trong một số thương vụ làm ăn có mức lợi nhuận lớn, Roosevelt đã tuyên bố trắng trợn rằng “mối quan hệ hữu nghị cá nhân thuần tuý là chưa đủ”. Khi đọc những bức thư này, chúng ta có thể hình dung ra một tổng thống Roosevelt năng động ra sao.

Năm 1922, Roosevelt tham gia thành lập Công ty đầu tư Liên hợp châu Âu (United European Investors, Ltd), đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này. Trong ban cố vấn và Hội đồng quản trị của công ty này còn có cả nguyên thủ tướng Đức Wilhelm Cuno và Max Warburg – những kẻ chủ mưu gây ra nạn lạm phát tiền tệ siêu cấp ở Đức năm 1923 – và Paul – em trai của Max và là Phó chủ tịch kiêm tổng kiến trúc sư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trong 60.000 cổ phần ưu tiên được công ty này phát hành ra, Roosevelt là người nắm giữ số lượng lớn nhất. Công ty Đầu tư Liên hợp châu Âu chủ yếu thực hiện các vụ buôn bán đầu cơ ở Đức. Trong cơn bão lạm phát tiền tệ siêu cấp ở Đức, khi người dân Đức bị bóc lột đến cùng thì công ty này lại phất nhanh như diều gặp gió(14).

Nạn lạm phát tiền tệ siêu cấp được coi là “cỗ máy thu hoạch siêu hạng”. Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1923 ở Đức, một lượng lớn tài sản của người dân rơi vào tay các nhà tài phiệt. Cuộc khủng hoảng này đã phản ánh một cách chân thực nhất “sự băng hoại đạo đức của một lớp người trong xã hội. Chỉ cần có trong tay một vài đồng đô-la Mỹ hoặc bảng Anh, bất kể ai cũng có thể ăn sung mặc sướng như đế vương. Vài đồng đô-la Mỹ có thể khiến cho người ta trở nên giàu có như phú ông. Người nước ngoài chen nhau đến đây, đâu đâu giá cả cũng rẻ mạt khiến người ta tranh nhau mua nhà cửa, đất đai, sản phẩm nghệ thuật của người Đức(15).

Cũng giống như những gì đã xảy ra trong cơn bão lạm phát tiền tệ siêu hạng ở Liên Xô thời kì đầu thập niên 90, một lượng lớn tài sản xã hội ở Đức đã bị tước đoạt, giai cấp tư sản bậc trung lâm vào cảnh khánh gia bại sản, đồng đô-la Mỹ hay đồng bảng Anh đột nhiên có giá. Keynes đã từng nói: “Việc áp dụng biện pháp tạo ra nạn lạm phát tiền tệ siêu cấp có thể giúp một số người mặc sức tước đoạt tài sản của nhân dân. Trong quá trình đó, phần lớn dân chúng sẽ trở nên bần cùng, trong khi một số ít lại giàu lên trông thấy… Quá trình này tích tụ những nhân tố tiềm ẩn phá hoại quy luật kinh tế mà trong cả triệu người cũng chẳng có ai nhận ra căn nguyên của vấn đề”.

Roosevelt đã từng phê phán kịch liệt mối quan hệ thân mật giữa Hoover và phố Wall đồng thời tự xem mình là vị cứu tinh của dân chúng. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với những gì mà ông đã làm trên thực tế trước đây.

-----

Chú thích:

(10) F.D.R: Thư từ cá nhân (New York: Duell, Sloan and Pearce 1950), tr. 373.

(11) Antony C. Sullon, phố Wall và F.D. Roosevelt (Wall Street and F.D. Roosevelt) – Arlington House Publishers 1975- Chương 1.

(12) Antony C. Sullon, phố Wall và F.D. Roosevelt (Wall Street and F.D. Roosevelt) -Arlington House Publishers 1975- Chương 2.

(13) Antony C. Sullon, phố Wall và F.D. Roosevelt (Wall Street and F.D. Roosevelt) -Arlington House Publishers 1975

(14) Antony C. Sullon, phố Wall và F.D. Roosevelt (Wall Street and F.D. Roosevelt) -Arlington House Publishers 1975-

(15) Marjori Palmer, Cuộc đại lạm phát cúa Đức từ 1918-1923; (1918-1923 German Hyperinflation) – New York: Traders Press, 1967.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện