Phần 06 - Chương 02: Ngân hàng thanh toán quốc tế: Trụ sở của các nhà tài phiệt ngân hàng đầu não

Chuyên gia tiền tệ nổi tiếng Franz Pieck đã từng nói: “Số phận của đồng tiền cũng chính là số phận của đất nước”. Tương tự như vậy, số phận của tiền tệ thế giới cũng sẽ quyết định số phận của thế giới.

Trên thực tế, ngân hàng thanh toán quốc tế là tổ chức ngân hàng được thành lập sớm nhất nhưng tiếng nói của nó lại không có trọng lượng nên hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới nó. Vì thế nên giới học giả cũng không thể nghiên cứu đầy đủ về nó được.

Hàng năm, ngoại trừ tháng 8 và tháng 10, còn vào mười tháng kia, cứ mỗi tháng một lần lại có một số nhân vật ăn mặc sang trọng từ London, Washington và Tokyo bí mật cùng kéo nhau đến Basel của Thuỵ Sĩ, và đều ở lại khách sạn Euler để tham dự vào một hội nghị bí mật nhất, thầm lặng nhất nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Để phục vụ cho hội nghị đó cùng với những người tham dự, ngoài việc luôn có hơn 300 người phục vụ trong mọi hoạt động từ lái xe, đầu bếp, vệ sĩ, đưa thư, phiên dịch, tốc ký, thư ký cho tới cả việc nghiên cứu, thì còn có thêm các hệ thống siêu máy tính, sân tennis, hồ bơi, thậm chí là cả các câu lạc bộ với đầy đủ những trang thiết bị hiện đại nhất.

Những người có thể tham gia vào câu lạc bộ siêu cấp này đều phải tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt, và chỉ có những nhà tài phiệt ngân hàng đầu não với khả năng – kiểm soát lãi suất, quy mô tín dụng cũng như nguồn cung ứng tiền tệ theo từng ngày của các nước mới đủ điều kiện để được tham gia vào câu lạc bộ này. Họ chính là các chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ và Ngân hàng Trung ương Đức. Tổ chức này hiện đang nắm giữ khoảng 40 tỉ đô-la Mỹ tiền mặt, công trái chính phủ các nước, và cả một lượng vàng bằng 10% tổng lượng dự trữ toàn thế giới, chỉ đứng sau ngân khố quốc gia của Mỹ. Và chỉ cần sử dụng đúng lợi nhuận từ việc cho vay vàng thì cũng đã có thể chi trả hết được toàn bộ chi phí cho chính ngân hàng đó. Vậy nên, mục đích của hội nghị bí mật hàng tháng chính là để cân đối và khống chế hoạt động tiền tệ của các nước công nghiệp.

Toà nhà đặt trụ sở của ngân hàng thanh toán quốc tế có hầm ngầm tránh bom hạt nhân, đầy đủ các trang thiết bị y tế, hệ thống phòng cháy hiện đại tới mức cho dù có xảy ra cháy lớn thì cũng không cần phải huy động đến lính cứu hoả bên ngoài. Trên tầng cao nhất của toà nhà này có một nhà ăn tráng lệ chỉ dùng riêng cho những thực khách quý cao cấp đến tham dự hội nghị “Basel cuối tuần” này. Tại đây, khi đứng trên bục pha lê lớn nhất trong phòng ăn và phóng tầm mắt về bốn hướng thì đều thấy được cảnh đẹp tráng lệ của ba quốc gia Đức, Pháp và Thuỵ Sĩ.

Ngoài ra, tất cả máy tính tại trung tâm máy tính của toà nhà đều có đường mạng riêng kết nối trực tiếp đến các ngân hàng đầu não của các nước. Chính vì vậy mà mọi số liệu của thị trường tài chính thế giới đều được hiển thị liên tục trên màn hình đặt tại đại sảnh. Mười tám giao dịch viên liên tục giải quyết các giao dịch cho vay ngắn hạn trên thị trường tiền tệ châu Âu. Còn các giao dịch viên về vàng làm việc trên một tầng khác luôn bận rộn với những cuộc giao dịch không ngừng về tiền và vàng giữa các ngân hàng đầu não qua điện thoại.

Đối với mọi loại hình giao dịch thì ngân hàng thanh toán quốc tế hầu như chẳng bao giờ phải chịu bất cứ rủi ro nào, bởi mọi giao dịch đối với cho vay hay vàng đều có tài khoản của các nhà tài phiệt ngân hàng đầu não đảm bảo với phí thanh toán quốc tế ở mức cao. Lúc này, một câu hỏi xuất hiện, đó là tại sao những nhà tài phiệt ngân hàng đầu não này lại chấp nhận để cho ngân hàng thanh toán quốc tế xử lý những nghiệp vụ hết sức cơ bản này với một mức phí cao đến như vậy?

Chỉ có một câu trả lời duy nhất cho điều này, đó chính là “giao dịch bí mật”.

Thành lập vào năm 1930, Ngân hàng thanh toán quốc tế ra đời dúng thời kỳ diễn ra cuộc đại khủng hoảng trên toàn thế giới suy thoái nghiêm trọng nhất. Với tình trạng đó, các ông chủ ngân hàng trên thế giới đã bắt đầu nghĩ tới một hệ thống lớn mạnh hơn so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ý tưởng xây dựng một ngân hàng của các nhà tài phiệt đã ra đời. Khi được thành lập, Ngân hàng thanh toán quốc tế hoạt động chủ yếu dựa vào bản hiệp định The Hague năm 1930. Theo đó, nó hoạt động hoàn toàn độc lập với chính phủ các nước, được miễn nộp thuế cho chính phủ các nước bất kể trong thời chiến hay thời bình. Ngoài ra, nó chỉ giao dịch về những khoản tiền gửi của các ngân hàng trung ương các nước với một mức phí thu khá cao cho mỗi cuộc giao dịch đó. Vào thập niên 30 – 40 – thời điểm nền kinh tế thế giới đang suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng, khi ngân hàng trung ương các nước châu Âu đua nhau gửi vàng vào ngân hàng thanh toán quốc tế – cũng là lúc mà các món nợ thanh toán quốc tế và bồi thường chiến tranh nhất loạt được ti ^ri hành kết toán thông qua ngân hàng thanh toán quốc tế.

Người vạch ra toàn bộ kế hoạch này chính là Hjalmar Schacht của Đức. Năm 1927, chính Hjalmar Schacht cùng với Strong của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York và Norman của Ngân hàng Anh đã bí mật bàn nhau vạch kế hoạch làm rớt giá thị trường cổ phiếu năm 1929. Đến đầu những năm 30, Hjalmar Schacht đi theo con đường chủ nghĩa phát xít. Còn mục đích của việc thành lập ra ngân hàng thanh toán quốc tế là để tạo ra một sân chơi có thể bí mật cung cấp tài chính cho ngân hàng trung ương các nước. Trên thực tế, trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà ngân hàng quốc tế của Anh và Mỹ đã thông qua sân chơi này để cung cấp một lượng tài chính lớn cho nước Đức phát xít, nhằm giúp cho nước Đức kéo dài thêm thời gian cho cuộc chiến đến hết mức có thể.

Sau khi Đức tuyên chiến với Mỹ, hàng loạt vũ khí tối tân của Mỹ dưới danh nghĩa của các nước trung lập đã được vận chuyển vào Tây Ban Nha của Pháp trước khi được chuyển tới Đức. Rất nhiều nghiệp vụ tài chính trong các vụ việc đó đều do chính ngân hàng thanh toán quốc tế kết toán.

Bên cạnh đó, thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng thanh toán quốc tế lại do chính các nhà tài phiệt ngân hàng của hai bên tham chiến dựng nên gồm có: Thomas McKittrick của Mỹ và Hermann Shmitz – nhân vật đầu não của I.G. Farben trong ngành công nghiệp thời Đức quốc xã, nhà tài phiệt ngân hàng Đức – Nam tước Klemens Freiherr von Ketteler, cùng với Walther Funk và Emil Pauhl cửa ngân hàng Đức quốc xã do chính Adolf Hitler chỉ định.

Tháng 3 năm 1938, sau khi chiếm được Áo, quân Đức đã vơ vét hết sạch vàng của Vienna. Lượng vàng này cũng như lượng vàng thu được ở Tiệp Khắc và các quốc gia châu Âu khác được quân Đức mang gửi vào trong kho vàng của Ngân hàng thanh toán quốc tế. Thành viên người Đức trong Hội đồng quản trị đã cấm thảo luận đến vấn đề này trong các cuộc họp hội đồng. Trước đó, số vàng của Tiệp Khắc khi chưa bị Đức chiếm đóng đã được chuyển đến Ngân hàng Anh, nhưng khi đến chiếm đóng, quân phát xít đã ép Ngân hàng Tiệp Khắc để đòi lại số vàng này. Norman của Ngân hàng Anh lập tức đồng ý. Kết quả, số vàng đó được Đức dùng để mua một lượng lớn vũ khí cho chiến tranh.

Ngay khi được một nhà báo Anh tiết lộ ra ngoài, tin này lập tức khiến dư luận hết sức chú ý. Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Mckensey đã đích thân gọi điện thoại cho John Simon, Bộ trưởng tài chính Anh, để xác minh thông tin, nhưng đã bị Simon phủ nhận ngay. Sau này, khi được hỏi về vấn đề này, Thủ tướng Chamberlain trả lời rằng không hề có chuyện đó Sở dĩ Chamberlain trả lời như vậy bởi ông chính là một cổ đông lớn của Imperial Chemical Industries – một bạn hàng thân thiết của I.G. Farben thời Đức quốc xã.

Cochran – người được Bộ tài chính Mỹ cử đến điều tra tình hình Ngân hàng thanh toán quốc tế – đã miêu tả mối quan hệ đối đầu giữa Ngân hàng thanh toán quốc tế với nước Đức quốc xã thế này:

Bầu không khí Basel hoàn toàn hữu nghị. Hầu hết các nhà tài phiệt ngân hàng đầu não đều đã quen biết nhau nhiều năm. Việc gặp lại nhau đều khiến tất cả họ cảm thấy vui mừng vì mỗi lần như vậy, họ đều thu về được một khoản lợi nhuận lớn. Trong số họ có người đề xuất cần phải dẹp bỏ những mối bất hoà giữa đôi bên. Mọi người có lẽ là nên đi câu cá cùng tổng thống Roosevelt, bỏ bớt tính kiêu ngạo và mâu thuẫn cá nhân với nhau để cùng tiến tới một bầu không khí dễ chịu hơn, cũng như để có thể khiến cho mối quan hệ chính trị phức tạp trước mắt được đơn giản hơn(13).

Sau này, khi bị buộc phải thừa nhận rằng số vàng của Tiệp Khắc đã được chuyển giao cho Đức quốc xã, Ngân hàng Anh đã giải thích rằng: đó chỉ là giao dịch nghiệp vụ, còn số vàng đó chưa từng được xuất ra khỏi nước Anh. Tất nhiên, với sự tồn tại của Ngân hàng thanh toán quốc tế thì chỉ cần thay đổi mấy chữ số trên phiếu ghi thanh toán của ngân hàng là việc vận chuyển vàng cho Đức quốc xã sẽ suôn sẻ. Qua đó chúng ta mới thấy thán phục tài năng của Hjalmar Schacht – người đã thiết kế ra một sân chơi tài chính khéo léo đến như vậy vào năm 1930 nhằm hậu thuẫn cho cuộc đại chiến sau này của Đức.

Năm 1940, Thomas H. McKittrick được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng thanh toán quốc tế. Tốt nghiệp Đại học Harvard, từng đảm nhận chức Chủ tịch hội thương mại Anh, thông thạo tiếng Đức, Pháp và ý, có mối quan hệ mật thiết với phố Wall cũng như từng thực hiện thương vụ cho Đức quốc xã vay vàng với số lượng lớn, sau khi nhậm chức không lâu Thomas đã đến Berlin để tiến hành hội đàm bí mật với Ngân hàng trung ương Đức và Gestapo. Các nhà tài phiệt ngân hàng xác định rằng, một khi Mỹ tham dự vào cuộc chiến thì nghiệp vụ ngân hàng sẽ phải được bàn bạc và thông qua cụ thể.

Ngày 27 tháng 5 năm 1941, theo yêu cầu của Bộ trưởng tài chính Morgenthau, Hull – Bộ trưởng ngoại giao Mỹ – đã gọi điện cho đại sứ Mỹ tại Anh yêu cầu điều tra thật rõ mối quan hệ giữa chính phủ Anh và Ngân hàng thanh toán quốc tế dưới sự kiểm soát của phát xít. Kết quả điều tra đã khiến Morgenthau nổi giận khi biết Norman của Ngân hàng Anh luôn có mặt trong Hội đồng quản trị của Ngân hàng thanh toán quốc tế. Thực ra, các nhà tài phiệt ngân hàng của Anh, Pháp và Mỹ đều coi người Đức là những người bạn tốt và thân thiết trong Hội đồng quản trị của ngân hàng, mặc dù trên chiến trường họ là kẻ thù không đội trời chung. Mối quan hệ bằng hữu kỳ lạ này luôn được duy trì cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Ngày 5 tháng 2 năm 1942, sau hai tháng Nhật Bản đánh úp Trân Châu cảng, Mỹ đã bước vào cuộc chiến tranh trực diện với Đức. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cả Ngân hàng trung ương Đức và chính phủ Ý đều đồng ý để cho Thomas H. McKittrick, một người Mỹ, tiếp tục nắm giữ chức Chủ tịch Ngân hàng thanh toán quốc tế cho đến khi kết thúc chiến tranh, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì nghiệp vụ đều đặn với ngân hàng thanh toán quốc tế.

Trước đó, do vẫn luôn giữ thái độ nghi ngờ về mối quan hệ mập mờ giữa Ngân hàng thanh toán quốc tế với Ngân hàng nước này nên Công đảng Anh đã nhiều lần yêu cầu Bộ tài chính phải có sự giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được lời giải thích rằng: “Nhà nước ta được hưởng rất nhiều quyền lợi từ Ngân hàng thanh toán quốc tế, mà điều đó hoàn toàn dựa trên sự thoả thuận giữa chính phủ các nước. Vậy nên việc cắt đứt mối quan hệ với ngân hàng này là không phù hợp với lợi ích của nước ta”. Trong chiến tranh, ngay cả những hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa các quốc gia đều có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào. Vậy mà Bộ tài chính Anh lại chắc chắn về sự thoả thuận giữa các nhà tài phiệt ngân hàng của các nước khiến người khác không thể không “thán phục thái độ nghiêm túc” của người Anh trong chuyện này. Nhưng đến năm 1944, sau khi phát hiện ra Đức quốc xã hầu như đã thu hết lợi nhuận của ngân hàng thanh toán thì sự hào phóng của nước Anh lại khiến người ta không khỏi nghi ngờ.

Mùa xuân năm 1943, bất chấp sự an nguy đến tính mạng, Thomas H. McKittrick vẫn đi lại như con thoi giữa các nước tham chiến. Cho dù không phải là công dân Ý và cũng chẳng phải nhà ngoại giao Mỹ, nhưng McKittrick vẫn được chính phủ Ý cấp hộ chiếu ngoại giao. Khi ở Đức, ông ta còn được cả đặc vụ của Hitler đi theo bảo vệ suốt chặng đường đến Roma, sau đó tới Lisbon xuống thuyền Thuỵ Điển trở về Mỹ.

Tháng 4, ông ta đến New York tiến hành thảo luận chi tiết với các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang.

Sau đó, với tấm hộ chiếu Mỹ, ông ta tới thủ đô Berlin của Đức để truyền đạt thông tin tài chính tuyệt mật cũng như thái độ của giới quyền lực ở Mỹ cho các quan chức của Ngân hàng trung ương Đức biết.

Ngày 26 tháng 3 năm 1943, tại hạ viện, Jerry Voorhis nghị sĩ bang California – đã đề xuất điều tra hoạt động mờ ám của Ngân hàng thanh toán quốc tế nhằm làm rõ “nguyên nhân vì sao một công dân Mỹ đảm nhiệm chức Chủ tịch của ngân hàng do các nước cùng thoả thuận và gây dựng nên”, nhưng Quốc hội Mỹ và Bộ tài chính đều phớt lờ và không tiến hành điều tra.

Đến tháng 1 năm 1944, John Kowfey – một nghị sĩ hạ viện “nhiều chuyện” khác – đã bày tỏ một cách phẫn nộ:

“Chính phủ Đức quốc xã có 85 triệu francs vàng Thuỵ Sĩ cất giữ ở Ngân hàng thanh toán quốc tế. Trong khi tiền vàng của nước Mỹ chúng ta luôn chảy vào đó thì hầu hết các thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng này đều là quan chức Đức quốc xã(14).

Người ta vẫn không hiểu nổi tại sao một quốc gia đang rơi vào tình trạng bốn bề chiến sự như Thuỵ Sĩ mà vẫn giữ được thế “trung lập”, trong khi những quốc gia láng giềng như Vương quốc Bỉ, Luxembourg, Nguy hay Đan Mạch cho dù có muốn duy trì thế trung lập cũng khó mà tránh khỏi gót giày của quân phát xít. Thực ra, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ trụ sở Ngân hàng thanh toán quốc tế được đặt tại Thuỵ Sĩ và đó chính là nơi để các ông chủ ngân hàng Anh – Mỹ cung cấp tài chính nhằm giúp Đức kéo dài cuộc chiến tới mức có thể.

Ngày 20 tháng 7 năm 1944, nội dung được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bretton Systems chính là xoá bỏ Ngân hàng thanh toán quốc tế. Mới đầu, hai tổng công trình sư Keynes và Harry Dexter White đã đồng ý xoá sổ Ngân hàng này khi nhận thấy có quá nhiều cặp mắt hoài nghi đổ dồn vào các hoạt động của Ngân hàng trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng sau đó, cả hai đều nhanh chóng thay đổi hướng suy nghĩ.

Lập tức Keynes tới gõ cửa phòng của Morgenthau, Bộ trưởng tài chính Mỹ, khiến Morgenthau đã hết sức ngạc nhiên khi thấy Keynes – một nhân vật ôn hoà và mực thước – đang bị kích động với sức mặt đỏ bừng. Keynes đã cố hết sức bình tĩnh để nói cho Morgenthau biết rằng Ngân hàng thanh toán quốc tế cần phải tiếp tục được hoạt động cho đến khi Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới mới được thành lập.

Cùng với chồng, vợ của Keynes bỗng chốc cũng trở thành thuyết khách đối với Morgenthau. Chỉ khi nhận thấy Morgenthau đang phải chịu một áp lực chính trị rất lớn về việc buộc phải giải tán Ngân hàng thanh toán quốc tế, Keynes mới nhượng bộ và thừa nhận rằng Ngân hàng này cần phải đóng cửa, nhưng cần chọn thời điểm đóng cửa thật thích hợp, trong khi Morgenthau chủ trương càng nhanh càng tốt”.

Cảm thấy mệt mỏi, Keynes trở về phòng mình và ngay lập tức cho triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của đoàn đại biểu Anh. Cuộc họp đã kéo dài đến 2 giờ sáng, và đích thân Keynes đã viết ngay một bức thư gửi đến Morgenthau với nội dung yêu cầu Ngân hàng thanh toán quốc tế phải được tiếp tục hoạt động.

Ngày hôm sau, đoàn đại biểu của Morgenthau đã khiến cả hội nghị bất ngờ khi thông qua quyết định giải tán Ngân hàng thanh toán quốc tế. Ngay khi biết được quyết định này, Thomas H. McKittrick lập tức viết thư cho cả Morgenthau và Bộ trưởng tài chính Anh. Lá thư nhấn mạnh rằng, sau khi chiến tranh kết thúc thì Ngân hàng thanh toán quốc tế vẫn có một vai trò rất lớn, đồng thời ông cũng bày tỏ rằng mọi sổ sách của ngân hàng thanh toán quốc tế là thứ không thể công khai. Bởi trên thực tế trong vòng 76 năm kể từ năm 1930 đến nay, tất cả sổ sách của ngân hàng này chưa hề được bất kỳ chính phủ nào công bố công khai.

Bất chấp mọi hành động đáng ngờ của Thomas H. McKittrick trong chiến tranh, nhưng Rockefeller vẫn bổ nhiệm ông ta làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Chase Manhattan và đều nhận được sự tán thưởng của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế. Còn Ngân hàng thanh toán quốc tế rốt cuộc cũng không bị giải tán.

Tuy nhiên, sau chiến tranh, Ngân hàng thanh toán quốc tế đi vào hoạt động bí mật dưới hình thức câu lạc bộ trung tâm của sáu, bảy nhà tài phiệt ngân hàng đầu não, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sĩ, Ngân hàng liên bang Đức, Ngân hàng ý, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Anh. Còn Ngân hàng Pháp và các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác đều bị gạt ra ngoài.

Ý đồ lớn nhất của câu lạc bộ này chính là phải kiên quyết không để chính phủ các nước được tham gia vào quá trình đưa ra quyết sách tiền tệ quốc tế. Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sĩ và Ngân hàng liên bang Đức là các ngân hàng tư nhân và hoàn toàn không chịu sự quản lý của chính phủ.

Thậm chí Poor, Chủ tịch của Ngân hàng liên bang Đức thà ngồi xe Limousine của mình còn hơn ngồi máy bay do chính phủ bố trí đến dự hội nghị Basel ở Thuỵ Sĩ. Ở một mức độ nào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng chịu sự kiểm soát của chính phủ, nhưng trong việc quyết định các chính sách liên quan đến vấn đề tiền tệ thì Nhà Trắng và Quốc hội hoàn toàn không được phép can thiệp. Mặc dù Ngân hàng Ý chịu sự quản lý của chính phủ trên danh nghĩa, nhưng vị Chủ tịch của ngân hàng này lại chẳng bao giờ bận tâm đến chính phủ.

Chính thế mà năm 1979, bất chấp việc chính phủ ra lệnh bắt Paolo Baffi – Chủ tịch Ngân hàng Ý – các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã gây sức ép đối với chính phủ Ý buộc phải bãi bỏ lệnh bắt này. Tình hình của Ngân hàng Nhật Bản khá đặc biệt. Sau khi thị trường bất động sản bong bóng ở Nhật những năm 80 bị phá sản thì bộ tài chính bị kết tội, còn ngân hàng Nhật Bản nhân cơ hội này đã thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Ngân hàng Anh tuy bị chính phủ quản lý rất chặt nhưng hội đồng quản trị của nó đều là những nhân vật tai to mặt lớn nên cũng được coi là thành viên hạt nhân. Riêng ngân hàng Pháp thì chẳng được may như vậy, bởi nó chỉ là con rối của chính phủ nên đã bị gạt bỏ ra khỏi câu lạc bộ này một cách kiên quyết.

------

Chú thích:

(13) Charles Higham, Buôn bán với kẻ thù (Trading With the Enemy) (Robert Hale, London 1983).

(14) Charles Higham, Buôn bán với kẻ thù (Trading With the Enemy) (Robert Hale, London 1983).

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện