Chương 6
“Nếu anh nói anh yêu em thì sẽ thế nào?
Thì sẽ giống như thắp một ngọn nến mập mờ trong căn phòng sáng rực.”
Về đến nhà, Tăng Lý mở ti-vi, kênh nào đó đang chiếu chương trình hồi ký điện ảnh, đúng lúc nhắc đến đạo diễn Michelangelo Antonio, hai câu thoại kia chính là do ông viết lúc sinh thời.
Tăng Lý bưng cốc nước, đứng ngây người trước ti-vi rất lâu.
Câu đối thoại này cô đã được nghe trong một bộ phim điện ảnh từ lúc mới trưởng thành. Một buổi chiều của kỳ nghỉ hè năm học lớp tám, Tăng Lý và mấy cô bạn thân hẹn nhau ở nhà một bạn học, lấy cớ là học nhóm nhưng thực ra là tranh thủ lúc phụ huynh đi vắng mà lén lút xem phim. Ban đầu, các cô xem phim kinh dị, sau đó để làm dịu bầu không khí bèn xem Beyond the clouds.
Đối với những cô học sinh chen chúc nhau ngồi trên sô pha thuở ấy mà nói, nội dung bộ phim là cái gì đều không hiểu, điều thu hút duy nhất chỉ là những cảnh nhạy cảm trên màn hình.
Tăng Lý ngồi thu lu trong góc, dù khiếp đảm, dù không giải thích được, nhưng vẫn phải bắt chước mọi người tỏ ra “chỉ là chuyện nhỏ”.
Ngày hôm sau, bố Tăng về nhà nói với Tăng Lý là sẽ tìm gia sư cho cô, sắp lên lớp chín, việc học cần phải tăng cường.
“Nam hay nữ?”, mẹ Tăng hỏi, “Đừng có người nào cũng tùy tiện đưa về nhà.”
“Cháu trai của bà thím họ. Bà cũng từng gặp rồi đấy thôi, thằng bé đang học ở đại học Bắc Kinh đấy.” Bố Tăng nói.
“Thím nào của ông cơ?”
“Anh họ của mẹ tôi, nhà cậu tư đó.”
“Mấy anh em bên nhà mẹ ông ấy à, chẳng có lấy một ai tử tế.” Mẹ Tăng hễ mở miệng chê gia đình chồng là sẽ liên miên không dứt, hai người lập tức cãi cọ.
Tăng Lý giả vờ đi WC. Cô trốn trong đó, nghe bố mẹ cãi nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện của bậc bề trên đến chuyện trước khi hai người kết hôn, cuối cùng đến chuyện về cô. Tăng Lý cứ tưởng mình đã tập mãi thành thói quen, thế nhưng vẫn không kìm được nước mắt rơi.
Từ lúc cô bắt đầu có khả năng ghi nhớ sự việc, chuyện như thế này không biết đã xảy ra bao nhiêu lần rồi.
Nhiều khi, tới nhà bạn học chơi, thấy gia đình người ta hòa thuận vui vẻ, trong lòng Tăng Lý có một cảm giác rất là kì lạ. Cô thầm nhủ, có lẽ sau khi mình về nhà rồi, nhà họ cũng sẽ cãi cọ đá thúng đụng nia. Cô chỉ có thể nghĩ như vậy để tự an ủi bản thân.
Thế nhưng, ngay cả việc che giấu ấy mà bố mẹ cô cũng không làm nổi, thậm chí chẳng thèm kiêng dè gì trước mặt bạn bè của cô. Vì thế mà dần dà, Tăng Lý càng ít mời bạn bè tới nhà chơi.
Vốn tưởng rằng chuyện gia sư sẽ bị hủy bỏ nhưng cuối tuần ấy, bố Tăng vẫn đưa một người về nhà. Đó không phải lần đầu tiên Tăng Lý gặp Vu Dịch.
Hai nhà tuy rằng chỉ là bà con xa, nhưng có một lần trong tiết thanh minh mọi người về quê tụ họp nên từng gặp nhau. Bữa cơm gia đình ngày đó có hơn chục người, Tăng Lý chẳng có ấn tượng với ai ngoài Vu Dịch, vì lúc ấy bà nội cầm tay cô, bảo cô gọi anh một tiếng: “Chú họ.”
Thế nên hôm gặp Vu Dịch ở nhà mình, Tăng Lý bắt đầu lúng túng. Cô đã không còn biết nghe lời như khi còn nhỏ nữa, không phải người lớn nói gì cũng ngoan ngoãn làm theo. Người thanh niên kia cùng lắm hơn cô vài tuổi, bảo cô mở miệng gọi anh ta một tiếng “chú họ” thật là quá khó.
Bố Tăng nói: “Tiểu Lý, sao không chào chú đi?”
Vu Dịch nở nụ cười: “Gọi tên là được rồi.”
Tăng Lý không có phòng riêng, cô ngủ ở chiếc giường kê ngoài phòng khách, lúc học bài sẽ vào trong phòng ngủ của bố mẹ. Vì vậy, Vu Dịch cũng ở trong đó dạy cô học bài.
Bảy tuổi, Vu Dịch mới nhập hộ khẩu gia đình. Ngay cả bản thân bố mẹ anh cũng không ngờ rằng con trai mình lại cực kì thông minh, học giỏi nổi danh khắp thị trấn. Năm ngoái anh thi đỗ đại học, trường học còn treo cả biểu ngữ đỏ chót ngoài cửa lớn, cứ như sợ người khác không biết.
Vu Dịch về nhà nghỉ hè, rất nhiều người tới mời anh làm gia sư cho con họ, đến lúc bố Tăng có lời nhờ vả, anh khó khăn lắm mới thu xếp được thời gian, dành ra ba buổi sáng Ba, Năm, Bảy để bổ túc tiếng Anh, Toán và Hóa cho Tăng Lý. Ngoài thứ Bảy ra, những hôm khác chỉ có hai người họ ở nhà. Vu Dịch là người thân thích nên mẹ Tăng không lo lắng nhiều, hơn nữa Tăng Lý bản chất trong sáng, vốn không có tơ tưởng gì khác.
Năm học lớp tám kết thúc, Tăng Lý vẫn chưa bước vào tuổi dậy thì. Không biết có phải vì nguyên nhân này mà so với các bạn nữ cùng tuổi, cô khá mù mờ về chuyện nam nữ hay không?
Thứ Bảy của tuần tiếp theo, bố mẹ Tăng Lý lại cãi nhau. Tăng Lý ngồi bên cạnh Vu Dịch, đang nghe anh giảng bài thì bỗng nghe thấy tiếng cãi vã từ bên ngoài truyền vào. Cây bút trên tay Vu Dịch dừng lại, âm thanh ồn ào áp đảo tiếng nói của anh. Không biết phải đợi đến khi nào nên Vu Dịch đứng dậy ra đóng cửa phòng.
Tăng Lý xấu hổ nhìn anh, cho rằng anh đang cảm thấy ngán ngẩm, không ngờ Vu Dịch lại cười và nói với cô: “Đừng để ý tới bố mẹ em. Chúng ta tranh thủ nghỉ ngơi chút đã, anh kể chuyện cười cho em nhé.”
Vu Dịch là một người cởi mở, có tài ăn nói, lại hiểu biết nhiều, anh kể chuyện rất sống động, khiến Tăng Lý nghe chăm chú đến nỗi không rời mắt đi chỗ khác được. Hai người đang cười nói vui vẻ, bỗng nhiên mẹ Tăng đẩy cửa xông vào. Tăng Lý giật nảy người, ngay cả Vu Dịch đang kể chuyện cũng im bặt.
“Tăng Lý, con nói mau, nếu bố mẹ li hôn, con sẽ theo ai?” Mẹ Tăng lớn tiếng nói.
Tăng Lý sững sờ. Vấn đề này, cô đã bị hỏi vô số lần, nhưng có nhất thiết phải hỏi trước mặt người ngoài thế không?
Không đợi Tăng Lý trả lời, bố Tăng đã lao vào, quát lớn: “Li hôn thì li hôn, ai sợ ai. Tôi thấy rõ ràng cô đã tìm được một thằng khác có tiền để dựa dẫm rồi.”
Lời qua tiếng lại, hai người tiếp tục giằng co, phớt lờ Tăng Lý và Vu Dịch. Cuối cùng, bố Tăng giận dữ đẩy cửa bỏ đi.
Mẹ Tăng vẫn không quên đuổi theo cố nói với theo một câu: “Cứ cãi nhau là lại cầm tiền của bà đây ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt. Con gái không mang họ tôi, sao tôi phải lo?”, dứt lời, mẹ Tăng tháo tạp dề ném đi, rồi cầm túi ra khỏi nhà.
Thoáng cái, trận ồn ào lắng xuống.
Vu Dịch bấy giờ mới hỏi: “Bình thường đều cãi nhau như thế à?”
Tăng Lý hoảng loạn nói: “Không phải. Không phải như vậy. Thực sự không có.” Sau đó, cô mím chặt môi.
“Đừng có dùng răng cửa cắn môi như thế, sẽ thành răng thỏ đấy.” Vu Dịch bỗng nói.
Nghe anh nói vậy, Tăng Lý càng hoảng, vội vàng nhả môi ra.
Vu Dịch cố ý bắt chước cô cắn môi, giả vờ làm hàm răng thỏ để trêu Tăng Lý nhưng cô vẫn mặt mày ủ rũ không cười nổi.
Vu Dịch lại nói: “Răng thỏ mới có lợi, biết không?”
“Sao cơ?”
“Lúc gặm dưa hấu sẽ rất tiện, không sợ bẩn mặt.” Vừa nói, anh vừa làm động tác minh họa.
Tăng Lý lần đầu tiên nghe được một điều có ích hay hay như thế, cô bật cười.
Vu Dịch nhìn khuôn mặt tươi cười của cô rồi nói: “Cô bé ngoan”, sau đó anh xoa đầu cô.
Cuối tháng tám, kì nghỉ hè kết thúc, Vu Dịch quay về trường học.
Mùa đông, đang trong một giờ thể dục,Tăng Lý chợt cảm thấy cơ thể có gì là lạ, vội vàng chạy đi WC kiểm ra. Thấy quần mình có dính máu đỏ, cô lập tức hiểu ra chuyện gì.
Tăng Lý không hoảng loạn, cũng không xấu hổ. Ở lớp, cô là nữ sinh bước vào dậy thì muộn nhất, từ lâu đã được nghe các bạn học nói rất nhiều về vấn đề này rồi. Cô bình tĩnh lót một lớp giấy vệ sinh, rồi cầm tiền ra cửa hàng mua băng vệ sinh.
Về nhà, cô nói với mẹ. Mẹ Tăng bình tĩnh nói: “Cái gì cần biết cũng đều biết rồi phải không”.
Vẻn vẹn chỉ một câu nói như vậy.
Có lẽ vì bố mẹ tính tình quá bộc trực, Tăng Lý từ nhỏ đã trầm tĩnh và nhát gan. Gia đình cô ở trong một căn hộ chung cư ngoại thành. Dưới chân tòa nhà có một khoảng sân nhỏ, vốn dĩ là nơi để xe nhưng lại bị cho thuê để tổ chức tang lễ.
Theo tập tục địa phương, khi có người qua đời, phải làm lễ viếng ba ngày rồi mới được đưa đi hỏa táng. Bình thường người ta đều kiêng kị không muốn để trong nhà, trong thành phố lại chẳng mấy nơi có dịch vụ này, vì thế quanh năm suốt sáng khoảng sân trước cửa khu chung cư của Tăng Lý đều bận rộn hết tang lễ này đến tang lễ khác. Thậm chí gia đình mê tín còn mời cả thầy cúng, lập đàn bái cả đêm lẫn ngày. Hàng xóm không phải không có ý kiến, họ từng cãi nhau về chuyện này nhưng vẫn không có kết quả.
Nỗi phiền não của Tăng Lý cũng chính là những thi thể được mang về đây.
Hơn mười năm trước vẫn chưa có kiểu quan tài ướp đá như bây giờ, thi thể được quấn vải trắng và đặt lên một tấm ván gỗ kê trên hai băng ghế dài. Không biết vì sao người ta lại thắp một ngọn đèn dầu ở phía trước thi thể.
Sau này nghe hàng xóm nói, Tăng Lý mới biết, ngọn đèn chính là linh hồn, trong vòng ba ngày không được tắt đèn, nếu không sẽ không tốt, cụ thể không tốt ở điểm gì thì cô cũng không dám tiếp tục tìm hiểu.
Hằng ngày đi đi về về, Tăng Lý đều phải đi qua sân. Mới đứng từ xa, hai mắt cô đã nhìn chằm chằm về phía tấm vải trắng và ngọn đèn dầu, đến gần rồi thì ba chân bốn cẳng chạy thẳng lên nhà.
Lớp chín, học sinh không phải ở lại trường tự học buổi tối nhưng giáo viên thỉnh thoảng sẽ bắt học thêm. Tan học, Tăng Lý đều một mình về nhà, phần vì nhà gần trường, phần vì bố mẹ bận rộn, hơn nữa anh ninh khu này không đến nỗi tệ. Thường thì chín giờ tối là cô về đến nhà. Đây cũng là lúc dưới sân vô cùng náo nhiệt, những người túc trực bên linh cữu đang ngồi đánh bài, nói chuyện phiếm, cắn hạt dưa, tạo nên một bầu không khí khá vui vẻ!
Thế nhưng, thời điểm Tăng Lý sợ nhất không phải là buổi tối mà là lúc sáng sớm.
Mỗi ngày sáu rưỡi cô đã phải dậy, bảy giờ sẽ ra khỏi nhà. Trời mùa đông, bảy giờ còn chưa sáng, mà những người túc trực bên linh cữu cả đêm đã về nhà ngủ, người khác còn chưa tới thay ca, vì thế nhiều hôm ở sân chẳng có lấy một ai, chỉ có thi thể nằm đó bất động và ngọn đèn dầu run rẩy.
Những lúc như thế, hễ xung quanh có một chút động tĩnh nhỏ, Tăng Lý cũng sợ đến mức thét lên chói tai. Về sau, không chịu được nữa, cô tâm sự với mẹ, không ngờ bố mẹ liền kéo cô đi tìm ông chủ khu nhà: “Mấy người làm ăn buôn bán kiểu gì khiến con gái chúng tôi sợ hãi ra nông nỗi này? Tính bồi thường thế nào hả?”
Tiếp đó, hàng xóm xung quanh cũng vậy lại cãi nhau, mỗi lúc một ầm ĩ.
Chẳng mấy chốc kì nghỉ đông đã tới, Vu Dịch lại trở về.
Ngày đó, mọi người lại tập trung ở nhà bác cả ăn cơm đoàn viên, có tất cả bốn bàn ăn. Có thể là do tuổi cao, sức khỏe yếu, cảm thấy không còn sống được bao lâu cho nên bà nội rất thích trong nhà náo nhiệt. Thế nên tết năm nay, bác cả mời toàn bộ họ hàng thân thích của bà nội đến ăn cơm.
Tăng Lý ngồi bên cạnh nghe bà nội nói chuyện qua chuyện lại, giữa rất nhiều khách khứa, cô trông thấy Vu Dịch. Không kìm được lòng, cô gọi anh.
Vu Dịch đến bên cạnh chào bà nội Tăng Lý.
“Ôi dào, bà còn tưởng Tăng Lý gọi ai. Bà dạy cháu thế nào hả? Sau lại thiếu lễ phép như thế?” Bà nội trách yêu cô.
Tăng Lý xấu hổ vừa định nói gì lại thôi, cuối cùng mở miệng kêu một tiếng: “Chú họ!”
Vu Dịch vừa gật đầu, vừa nháy mắt cười hì hì với cô.
Đứa em họ của Tăng Lý cũng tiến lại gần, cô gái này chỉ sinh sau Tăng Lý mấy tháng nhưng chẳng hiểu sao lại có thể vô tư gọi Vu Dịch là “Chú họ”.
Cô gái không ngượng nghịu như Tăng Lý, nhanh mồm nhanh miệng nói: “Chú họ! Cháu chúc chú năm mới phát tài! Chú lì xì cho cháu đi ạ.”
Vu Dịch thuận tay cầm quả cam trên bàn đưa cho cô gái: “Cho cháu.”
“Đây là cam nhà cháu, sao tính là lì xì được.” Cô gái nhất quyết không chịu nghe.
Sau đó, một đám trẻ con choai choai lao đến náo loạn.
Tăng Lý lẳng lặng ngồi một bên quan sát Vu Dịch. Chẳng hiểu sao cô lại cảm thấy có chút mất mát, hóa ra anh chẳng phải là “chú họ” của một mình cô.
Mãi đến khi ăn cơm, mẹ Tăng vẫn chưa xuất hiện, bố Tăng cáu kỉnh nói: “Chắc mẹ Tăng Lý có việc bận, cả nhà ăn cơm thôi.”
Mọi người đưa mắt nhìn nhau.
Sau khi ăn xong, bà nội lại kéo từng người để nói chuyện, bất ngờ hỏi đến chuyện học tập của Tăng Lý.
“Bố cháu nhờ chú Vu Dịch tới dạy thêm cho cháu, có tốt không?” Bà nội hỏi.
“Có ạ.” Tăng Lý đáp.
Vu Dịch cười: “Cuối tháng này chú mới phải về trường học. Hay là mấy hôm nữa tiếp tục tới nhà kèm Tăng Lý học nhé? Nhưng mà chú cũng không nhớ lớp chín học những gì nữa rồi, để lát về xem lại sách đã.”
“Còn không cảm ơn chú đi.” Bà nội thúc giục.
Tăng Lý liếc mắt nhìn Vu Dịch: “Cảm ơn chú.”
“Con bé này chẳng biết ăn nói gì cả. Câu nào cũng phải dạy mới biết nói.” Bà nội thở dài.
Vài ngày sau, Vu Dịch bắt đầu tới nhà phục vụ Tăng Lý. Lần này anh còn mượn được rất nhiều đề thi để ôn tập cho cô, đồng thời giúp cô lên kế hoạch học tập cụ thể.
Thỉnh thoảng Vu Dịch vẫn sẽ thấy bố mẹ Tăng Lý cãi nhau, anh cũng đã quen, hơn nữa trong đầu anh luôn có rất nhiều chuyện cười để kể cho cô nghe.
Có một lần cãi nhau kịch liệt nhất, bố Tăng đập vỡ hết bát đĩa trong bếp, sau đó cả hai cùng bỏ lại đống hỗn độn mà ra khỏi nhà.
Vu Dịch hỏi: “Buổi trưa ăn gì?”
“Trong tủ lạnh còn thức ăn, đem hâm nóng lên là ăn được rồi.”
“Thế tối nay?”
Tăng Lý ngẫm nghĩ một chút: “Lại hâm nóng lên.”
Vu Dịch thở dài, giúp cô thu dọn đống bát vỡ.
“Đừng lo. Thực ra mẹ em không bỏ em đi đâu, lần nào cũng quay về nấu cơm cho em.” Tăng Lý nói.
Vu Dịch nghi hoặc nhìn cô.
Tăng Lý sốt sắng: “Thật đấy!”
“Được rồi, được rồi, anh biết rồi.”
Một lúc sau, Vu Dịch bỗng lên tiếng: “Lần sau nếu muốn nói dối ai đó, em đừng có cuống lên như thế, vừa liếc cái đã phát hiện ra là nói dối rồi. Em chỉ cần cười hì hì mà nói: Thật đấy, còn thật hơn cả ngọc trai.”
Tăng Lý sững sờ nhìn Vu Dịch.
“Cá Nhỏ.” Anh gọi cô.
“Hử?”
“Em phải mau lớn lên, lớn lên rồi có thể ra ngoài tự lập được. Lúc ấy sẽ phát hiện ra bố mẹ thật sự rất tốt với mình.”
“Ừm.” Tăng Lý gật đầu, sau đó nước mắt trào ra.
Vu Dịch vội vàng nói: “Em đừng khóc, khóc nhìn rất xấu. Cười mới đẹp, không chừng còn giống Vương Tổ Hiền.”
Tăng Lý thi vào trường cấp ba trong thành phố rất thuận lợi, kết quả còn tốt hơn giáo viên của cô dự đoán. Tiếc rằng, cuộc hôn nhân của bố mẹ cô lại không thuận lợi như vậy. Sau hơn mười năm sống chung trong cãi vã, rốt cục đường ai nấy đi.
Hai người bắt đầu ở riêng từ sau ngày Tăng Lý nhận được giấy báo vào cấp ba, đó là một ngày khó khăn nhất trong cuộc đời cô.
Ở nhà bà nội, tất cả người thân tề tựu đông đủ để phân xử chuyện bố mẹ cô nhưng thật ra là đến xem hai người diễn tuồng. Mọi thứ đều phân chia rạch ròi, từ sổ tiết kiệm, tiền mặt, cổ phiếu, sau đó đến Tăng Lý, cuối cùng là nhà ở. Mỗi khi bố mẹ không thống nhất được chuyện gì, thì bà nội và mọi người sẽ tham gia góp ý.
Đến lúc nhận nuôi Tăng Lý, mẹ Tăng lập tức nói: “Con gái thuộc về tôi.” Bố Tăng lần này không nói gì. Ông rất ít khi ở nhà, cho nên chuyện nuôi nấng con cái không hiểu nhiều. Vì thế, không để tâm.
Bà nội trong lòng luyến tiếc cháu gái, nói: “Tăng Lý là con gái họ Tăng, sau này con tái giá, đưa về cho nó một ông bố khác thì nó biết làm sao?”
“Các người nuôi nó bao giờ mà nói? Bố dượng thì sao nào? Bố ruột sao không quan tâm nó đi! Nó học hành nhìn tới chưa? Họp phụ huynh đi bao giờ chưa?”
“Tôi không quan tâm bao giờ?” Bố Tăng tức giận.
Sau đó, hai người lại bắt đầu cãi nhau.
Tăng Lý đứng phía trước, có người an ủi, có người lặng lẽ nhìn cô thở dài, trong ánh mắt đều toát lên vẻ tội nghiệp: đứa trẻ này thật đáng thương. Thế nên về sau, rất nhiều đêm Tăng Lý đã nằm mơ, thấy mình đang đi trên đường, đi mãi, đi mãi, đến lúc rất nhiều người nhìn mình, cô mới phát hiện mình quên mặc quần áo.
Sau đó, cô nhìn thấy Vu Dịch ngồi ngoài cùng.
Người chú họ của cô có một gia đình hoàn toàn khác cô.
Anh là con trai út trong gia đình, chị gái nhỏ nhất của anh cũng hơn anh đến mười tuổi, đã kết hôn từ lâu. Cho dù là anh chị ruột hay anh rể chị dâu, tất cả mọi người đều rất quan tâm Vu Dịch, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Hơn nữa, Vu Dịch không phải là một người dễ dàng chịu thua kém người khác, khiến cho mọi người trong gia đình ai cũng tự hào về anh.
Người lên tiếng chấm dứt mạch suy nghĩ của Tăng Lý là bác cả: “Để Tăng Lý tự mình chọn. Cháu muốn theo ai?”
Nước mắt trào ra xối xả: “Con… Con muốn cả bố và mẹ.”
Mẹ Tăng cắn răng nói: “Không được! Có ông ta thì không có mẹ, có mẹ thì không có ông ta.”
Cuối cùng, Tăng Lý chọn mẹ.
Thứ nhất, mẹ Tăng cố ý đòi quyền nuôi con gái, thậm chí có thể không cần căn nhà. Thứ hai, đúng như điều cô nói với Vu Dịch, mẹ Tăng rất lo cho con gái, ngoài miệng nói như vậy, nhưng vẫn trở về nấu cơm cho cô ăn. Cho nên từ đáy lòng cô cho rằng, có lẽ ở với mẹ sẽ tốt hơn.
©STENT
Tăng Lý vào học cấp ba, muốn ở nội trú, mẹ Tăng không phản đối. Rốt cuộc, cô đã được rời khỏi căn nhà tập thể kia, rồi khỏi thị trấn kia, chuyển tới một trường học trong thành phố cách nhà hơn chục cây số.
Mẹ Tăng là một người rất có bản lĩnh. Sau khi công ty bách hóa đóng cửa, bà đăng kí học tại chức kế toán vào buổi tối, sau đó làm kế toán trong một nhà máy nhỏ. Bà có vóc dáng cao gầy, da trắng, tuổi còn khá trẻ, tuy rằng đối với bố Tăng tính tình không tốt, nhưng với người ngoài lúc nào cũng niềm nở cười nói, vì thế li hôn chưa đầy một năm, mẹ Tăng liền tái hôn. Người đàn ông kia tên là Đặng Cương, làm việc cho một ngân hàng trong thành phố, điều kiện xét về mọi mặt đều tốt hơn bố Tăng. Đặng Cương là một người đàn ông tốt, vợ trước qua đời sớm, không có con gái nên ông đối xử với Tăng Lý như con ruột. Thế nhưng Tăng Lý vẫn không thể nhanh chóng tiếp nhận được ông, cô rất ít khi nói chuyện với ông, và vẫn gọi ông là chú Đặng.
Giữa cô và mẹ Tăng cũng không có nhiều chuyện để nói, chuyện học hành thỉnh thoảng nhắc tới một hai câu, mà điều duy nhất có thể nói đó là về các bạn học.
Tăng Lý sang tuổi mười lăm, cơ thể nhanh chóng biến đổi, vóc dáng uyển chuyển, ngực nở nang, đôi môi mọng nước đáng yêu. Thỉnh thoảng có những nam sinh hơn cô mấy tuổi bắt chuyện làm quen, nhưng ngoài các bạn nữ cùng lớp, cùng kí túc ra, Tăng Lý chẳng bao giờ vô tư cười nói với ai, thế nên không tránh được khiến cho người khác cảm giác cô là người lạnh lùng khó gần.
Mỗi đêm sau khi kí túc tắt đèn chính là thời điểm các cô gái tâm sự với nhau đủ thứ chuyện, nào là ở lớp ai thích ai, ai với ai đang hẹn hò, hay có anh nào đó khối mười hai đẹp trai ra sao, cầu thủ đội bóng rổ, bóng chuyền của trường vừa đổi bạn gái,…
Đến kì nghỉ đông, bà nội nói muốn Tăng Lý về nhà chơi vài ngày.
Bởi vì lúc trước không được con gái chọn, cho nên từ sau khi li hôn, bố Tăng trở nên lạnh nhạt với Tăng Lý. Rõ ràng là do ông ngay từ đầu đã không muốn nuôi nấng cô, thế mà cuối cùng lại oán trách con gái không hiếu đạo với mình. Hơn nữa, mẹ Tăng cấm cô và nhà nội qua lại, vì thế nửa năm nay Tăng Lý chưa được về thăm bà nội. Lần này, mẹ Tăng đồng ý cô mới được về.
Bữa cơm đoàn viên vẫn là những người đó, nhưng bố Tăng không thèm để ý tới cô, cũng không gọi cô ngồi bên cạnh. Xung quanh bà nội đã bị đám cháu chắt vây kín, chẳng còn khe hở nào cho cô chui vào.
Tăng Lý đang bối rối không biết nên làm gì thì Vu Dịch đã đi đến bên cạnh, cầm tay cô kéo tới bàn của anh, tay kia cầm một cái ghế nhựa.
Anh nói: “Em ngồi đây đi”, rồi đặt cái ghế xuống bên cạnh chỗ mình.
Bàn của anh toàn là thanh niên trạc tuổi anh. Mặc dù vai vế không giống nhau nhưng mọi người lại cực kì thoải mái vui vẻ. Lúc mới ngồi xuống, Tăng Lý đang định lễ phép chào hỏi nhưng có quá nhiều người, cô có thể chỉ nhớ mặt nhưng không gọi được ra tên. Khó khăn lắm cô mới nhớ ra tên một người, chào người ta xong, những người khác liền không tha cho cô, nhất định bắt cô chào mình.
Tăng Lý quẫn bách cực kì.
Vu Dịch nói: “Cá Nhỏ, mặc kệ họ đi. Ngoài anh ra, em cứ gọi họ là anh hết là được rồi. Hơn nữa, mấy người ấy à, dựa vào đâu mà bắt người ta chào mình chứ?” câu sau là Vu Dịch nói với những người kia.
Vu Dịch là một người có tài ăn nói, ở đâu cũng nổi bật, chỉ một câu nói đùa cũng có thể giải vây giúp người khác ngay tức thì.
Ông anh họ ngồi bên cạnh lại rất hào hứng: “Ơ hay, Vu Dịch, cùng lắm thì em ấy chào tôi một tiếng, tôi uống một chén rượu là được chứ gì!”
Vu Dịch nói: “Cơ hội gớm. Đã được chào lại còn được uống rượu.”
“Vậy anh muốn thế nào?”
“Nhìn đây!” Vu Dịch đứng lên, cười khì nhìn Tăng Lý: “Em gọi anh là gì?”
Tăng Lý không hiểu đột nhiên anh hỏi cái này làm gì, có nhiều người ở đây như vậy cô cũng không dám gọi thẳng tên họ anh, đành phải thành thật đáp: “Chú họ”.
“Được, được, được!” Vu Dịch lên tiếng, không biết lấy từ đâu ra một phong lì xì, đưa cho Tăng Lý: “Cầm lấy, chú họ mừng tuổi.”
Tăng Lý nhận lì xì, những người khác bỗng nhiên vứt hết bát đũa tại chỗ, chạy tới phía Vu Dịch thi nhau gọi mấy câu “chú họ” để đòi lì xì. Tăng Lý cũng bị cảnh tượng ấy làm bật cười.
Sau này cô mới biết, tiền lì xì đó là một phần tiền học bổng của Vu Dịch.
Ra Tết, bắt đầu đi học, Tăng Lý vô tình trông thấy trên bàn học có một quyển tạp chí, bìa trước ghi hai câu thoại mà cô đã được nghe trong bộ phim Beyond the clouds xem hồi lớp tám.
“Nếu anh nói anh yêu em thì sẽ thế nào?”
“Thì sẽ giống như thắp một ngọn nến mập mờ trong căn phòng sáng rực.”
Cô không còn nhớ rõ bộ phim kia nói về cái gì, nhưng khi ánh mắt vừa chạm vào những dòng chữ này, cô lập tức nghĩ tới Vu Dịch, nghĩ tới tình yêu…
Tăng Lý cảm thấy trái tim mình như có một chồi non vừa mới nhú lên.
Suy nghĩ kia bắt đầu sinh sôi nảy nở trong lòng cô.
So với tất cả những bạn nam cùng tuổi xung quanh Tăng Lý, Vu Dịch đều xuất sắc hơn, chín chắn hơn, anh còn rất hiểu cô, hiểu được nỗi lo sợ trong lòng cô, hiểu được sự lúng túng của cô. Anh giống như ánh mắt trời chiếu sáng cuộc sống của cô.
Cô cứ âm thầm mến anh như thế.
Cô chờ mong mỗi lần được gặp anh.
Chức Nữ hằng năm chỉ có thể gặp người thương một lần, còn cô may mắn hơn một chút, một năm gặp được anh hai lần. Mỗi kì nghỉ, cô đều đòi tới nhà bà nội ở vài ngày. Nếu Vu Dịch chưa đến, cô sẽ đi tìm anh, nhưng khi tìm được anh rồi, cô lại không dám tới gần, chỉ len lén đứng từ xa nhìn anh, không để anh phát hiện.
Mỗi khi Vu Dịch tới nhà ăn cơm, cho dù người khác có cưỡng ép thế nào cô cũng nhất định không chịu gọi anh là chú họ.
Từ sau khi có bí mật này, Tăng Lý cảm thấy thế giới dường như rộng lớn hơn. Cô có thể cùng bạn bè tâm sự về Vu Dịch mỗi đêm.
Tăng Lý vẫn gọi Đặng Cương là chú Đặng, nhưng không còn tỏ ra xa lạ như trước đây nữa. Mỗi lần đi công tác về, Đặng Cương đều mua quà cho cô, còn chủ động bảo cô mời bạn học về nhà chơi. Mỗi lần cãi vã với mẹ Tăng, chú Đặng có tức giận đến mấy cũng không đập bát đập đĩa, nếu mẹ Tăng bận việc không đi họp phụ huynh cho cô được, ông sẽ chủ động đi thay, tới lớp gặp giáo viên, ông còn nói: “Con gái chúng tôi nhờ vả cả ở thầy cô!”
Tăng Lý bắt đầu cảm thấy Đặng Cương thật sự là một người rất tốt, trong lòng dần chấp nhận ông.
Ba năm qua, không tính những khi Vu Dịch dạy Tăng Lý học bài thì thời gian hai người ở bên cạnh nhau chưa đến mười ngày. Thế nhưng mỗi lần gặp nhau, mỗi câu nói, mỗi nụ cười của anh, cô đều nhớ kĩ trong lòng, sau đó cô sẽ dùng nửa năm tiếp theo để hồi tưởng về anh.
Cô cứ hèn mọn mà yêu thương người con trai ấy, tự biến mình trở thành một hạt bụi nhỏ bé, ỷ lại, dựa dẫm vào anh, không dám có bất cứ hành động gì. Cô nỗ lực muốn tới gần anh, nhưng sao lại khó khăn đến thế.
Kì nghỉ đông năm lớp mười hai, bố Tăng chủ động vào thành phố thăm cô, còn mua rất nhiều đồ cho cô. Sau đó, ông nói, ông đã tái hôn, và người ấy đã mang thai.
Mẹ Tăng sau khi biết chuyện đã chỉ vào mũi Tăng Lý mà nói: “Ý tứ của bố cô ấy à, chính là bảo cô đừng có về nhà họ phá hỏng cuộc sống gia đình họ nữa.” Vì thế, Tăng Lý không bao giờ về nhà nội nữa. Tết năm ấy, cô không được gặp Vu Dịch. Sau này cô mới biết, thực ra năm ấy anh cũng không về ăn Tết, thời điểm đó, anh sắp tốt nghiệp đại học nên ở lại Bắc Kinh thực tập hoặc tiếp tục học.
Lúc điền đơn nguyện vọng đại học, Tăng Lý không dám kì vọng vào được trường anh, cô chỉ muốn tới Bắc Kinh, cũng anh hít thở chung một bầu không khí. Thế nhưng, mẹ Tăng nói với cô: “Tài giỏi tới đâu mà mơ mộng cao siêu. Thực tế một chút đi. Chọn vào một trường ở đây là được rồi.”
Đêm đó, Tăng Lý vào nhà tắm, vừa tắm vừa khóc. Cô từ nhỏ đã hay khóc, nhưng chưa từng cảm thấy tuyệt vọng như lần này, không kiềm chế được mà bật khóc nức nở. Tiếng khóc bị át đi trong tiếng nước xối xả. Đúng vậy, cô ngốc quá, vốn dĩ cô chẳng thể đuổi kịp bước chân anh.
Bỗng nhiên đến một ngày, cô phát hiện cô đã để lạc mất Vu Dịch.
Tăng Lý tới thành phố A học đại học. Cuối năm ấy, bà nội qua đời. Khoảng cách giữa cô và Vu Dịch càng ngày càng xa. Ngay cả cơ hội nửa năm gặp một lần cũng không còn nữa.
Rất lâu sau đó, Tăng Lý ngẫu nhiên gặp được người anh họ đã trêu chọc cô lần trước. Anh ta nói với cô: “Em không biết sao? Vu Dịch đi Mỹ học rồi.”
“Trường nào ở Mỹ?” Tăng Lý cuống quýt hỏi.
Anh ta suy nghĩ một chút: “Hình như là đại học Pen gì gì Li đó.”
Cô tìm được cái tên của thành phố kia trong danh sách, rồi cô chỉ ngón tay lên một điểm trên bản đồ thế giới. Nửa địa cầu bên kia, rất xa, rất xa…
Kì nghỉ hè năm đó xảy ra chuyện Ngũ Dĩnh trốn nhà đi theo người yêu. Tăng Lý vừa cảm động vừa bội phục dũng khí của Ngũ Dĩnh, rồi cô bắt đầu nghĩ tới chuyện của bản thân.
Tình cờ, một lần đến thư viện, cô đọc được một cuốn tiểu thuyết có tên Bức thư từ cô gái xa lạ. Đọc đến dòng cuối cũng, cô ngồi bên cạnh cửa sổ trong thư viện mà khóc. Chung quanh có bạn học, có giáo viên, có người đến người đi, nhưng cô không quan tâm. Đó là lần đầu tiên cô mặc kệ ánh mắt của mọi người.
Trở lại phòng, Tăng Lý ngồi trước bàn học viết một lá thư gửi cho Vu Dịch. Thư rất dài, rất dài, cô đem toàn bộ tình yêu sau đắm của một thiếu nữ, toàn bộ tâm trí và tình cảm biến hóa thành những câu chữ. Vài vệt nước mắt làm hoen màu mực, nhưng cô không kiềm chế được bản thân, không thể không viết tiếp. Lúc kí tên, cô ghi “Carol”. Đó là cái tên mà chỉ có Vu Dịch biết.
Phong thư không đề địa chỉ người gửi, phần địa chỉ người nhận chỉ có tên Vu Dịch và tên trường đại học Pennsylvania.
Hình như, cô đang đợi phán quyết của số phận. Nếu anh không nhận được lá thư này, thì nó vĩnh viễn sẽ là một bí mật.
Khoảnh khắc bỏ lá thư và thùng thư, Tăng Lý đột nhiên giật trở về, nhìn đi nhìn lại một hồi, cuối cùng cô mở phong thư ra, ghi thêm số di động của mình vào dòng cuối cùng.
Một tuần trôi qua…
Hai tuần trôi qua…
Một tháng trôi qua…
Ba tháng trôi qua…
Đá chìm đáy biển!
Một đêm nọ trước kì nghỉ Tết, di động của Tăng Lý đổ chuông, trên màn hình là một dãy số kì lạ. Chợt có linh cảm điều gì đó, trái tim cô giật thót, cô ấn nút nghe.
“A lô.” Tăng Lý không thể kiềm chế được giọng nói run rẩy của mình.
“Cô là Carol phải không? Tôi là bạn cùng phòng của Vu Dịch.” Giọng một người con trai truyền tới.
“Đúng.” Đôi mắt Tăng Lý hoen đỏ, khó khăn lắm mới thốt lên được một tiếng.
“Nhà Vu Dịch có việc gấp nên cậu ấy đã về nước rồi.”
“Thư của tôi…” Tăng Lý xấu hổ. Anh chắc chắn đã đọc bức thư ấy của cô, nhưng…
“Hiện giờ không thể giải thích rõ ràng cho cô được. Tôi cũng không liên lạc được với Vu Dịch, nếu cô có việc gấp muốn nói với cậu ấy, tôi có thể cho cô số điện thoại.” Đối phương nói.
“Cảm ơn.” Tăng Lý vội vàng tìm bút ghi lại số điện thoại. Cuối cùng, cô đột nhiên hỏi một câu: “Có thể hỏi anh tên gì được không?”
“Ngải Cảnh Sơ.” Anh đáp
Đó là lần đầu tiên Tăng Lý nghe tới cái tên Ngải Cảnh Sơ. Giọng nói của anh ấm áp và trầm tĩnh khiến người nghe có một cảm giác rất lạ, mơ hồ, vừa gần lại vừa xa, nhưng giọng nói ấy lại khiến thế giới của cô trở nên đầy màu sắc.
Giống như âm thanh của thiên nhiên vọng lại, cả đời khó quên!