Chương 5
Hôm trời đổ tuyết có hai chuyện cùng xảy ra. Một là trong cung truyền chỉ, Hoàng thượng ban hôn Công chúa Lạc Hy cho Bùi Chiếu; hai là Tự Nương được đưa về Đông cung.
Bùi Chiếu có gia thế khá lớn, mẫu thân gã chính là trưởng Công chúa Bình Nam. Vĩnh Nương kể cho tôi nghe:
– Bùi Tướng quân sinh ra là để làm phò mã.
Nghe đâu người Trung Nguyên rất chú trọng chuyện này, vậy ra đã thân nay càng thêm thân.
Tôi chợt nhớ về giấc mơ mình hay mơ thấy trước kia, bỗng có cảm giác thất vọng. Sau này Bùi Tướng quân làm phò mã rồi, có lẽ còn được thăng quan tiến chức, nếu hắn không làm Kim ngô tướng quân ở Đông cung nữa thì về sau khó có dịp gặp.
Thoạt đầu bặt tiếng Lý Thừa Ngân, bây giờ, đến cả Bùi Chiếu cũng ít khi được gặp.
Vĩnh Nương thu xếp cho Tự Nương ở tòa viện phía tây, bà ấy nói nơi đó yên tĩnh, sức khỏe Tự Nương vốn yếu ớt, cần nơi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Tôi cũng ngẫm ra là vì Lý Thừa Ngân không thích cô ta nên Vĩnh Nương mới chọn nơi cách chính điện rất xa. Vĩnh Nương nói với tôi:
– Triệu Nương đệ là người sắc sảo, Thái tử phi nên đề phòng, tránh va chạm.
Vĩnh Nương nói gì, tôi không hiểu lắm, nhưng cũng biết đại ý bà ấy bảo tôi nên lánh Triệu Nương đệ đi.
Đằng nào thì ở Đông cung này, tôi cũng chẳng thích thú gì cho lắm, may mà sức khỏe A Độ đã có phần hồi phục, chúng tôi tranh thủ lẻn đi chơi.
Hơn hai tháng trời không ra ngoài, dẫu trời vừa đổ tuyết lạnh cóng nhưng vì là giáp Tết nên phố xá vẫn rất tấp nập, nhộn nhịp.
Người xuống phố như nêm, hàng quán mở ra ở khắp nơi, nào thì bán cây tuyết liễu, cờ xuân, nào thì bán đồ ăn vặt lẫn tranh Tết… chưa kể đến ca hát, tạp kỹ, múa rối, đốt pháo, đi dây… Đâu đâu cũng là người với người. Tính tôi vốn ham vui, từ xưa đã thích dắt A Độ hòa mình vào dòng người, ngắm nghía chỗ này một lát, xem xét chỗ kia một tẹo.
Thế mà hôm nay, chẳng hiểu vì sao tôi không thể nào phấn chấn lên được. Lượn lờ một lúc, tôi đã kéo A Độ tới quán Mễ La uống rượu.
Tửu quán vẫn tấp nập như thường ngày, từ đằng xa đã nghe rõ tiếng cười ngân vang như tiếng chuông của Mễ La tỷ.
Bước vào mái lều trúc tôi mới biết, thì ra tỷ ấy đang nói cười với khách, mà vị khách ấy tôi cũng quen, chính là Bùi Chiếu.
Tôi ngẩn người nhìn, không ngờ lại gặp Bùi Chiếu ở đây. Xem vẻ gã ngớ ra, chừng như cũng không ngờ.
Thấy Bùi Chiếu mặc thường phục, bộ dạng thoải mái, tôi liền chắp tay chào hỏi:
– Chào Bùi công tử!
Hắn phản ứng mau lẹ, lập tức đáp lời:
– Lương công tử ghé chơi!
Quán chật ních người, chỉ có bàn Bùi Chiếu đang ngồi là còn chỗ trống. Theo thói phóng khoáng, không quen khách sáo, tôi bảo A Độ ngồi xuống rồi gọi hai hũ rượu.
Có câu gì nhỉ… À… mượn rượu giải sầu…
Dẫu tôi không có muôn nỗi sầu, nhưng trong lòng thấy chán chường quá chừng. Nốc cạn hai bát rượu, mới lấy lại được đôi phần lạc quan.
Tôi cầm đũa gõ bát, ngâm nga một làn điệu dân ca của người Tây Lương chúng tôi:
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.’’
Mấy người trong quán vỗ tay lộp bộp, vậy mà lòng tôi đột nhiên ngao ngán lạ thường. Tôi không nén được tiếng thở dài, lại uống cạn một bát rượu, rồi đụng đũa nhắm món thịt dê thơm phức. A Độ níu áo tôi, tỏ ý khuyên tôi uống ít thôi, song tôi vẫn tảng lờ. Lúc tôi đang mải mê thưởng thức thịt dê, chợt vang lên âm thanh dìu dặt của kèn tất lật. Tôi ngước lên, thảng thốt nhìn Bùi Chiếu đang ngồi ở đầu bàn phía bên kia.
Chẳng hiểu cớ gì A Độ lại đưa cây kèn cho gã, gã say sưa thổi, giai điệu du dương ấy cứ tuôn không ngừng.
Tôi chống cằm lắng nghe tiếng kèn.
Gã thổi tiếp bài dân ca tôi hát dang dở, hẳn là gã chưa từng nghe bài hát ấy, thế nên tiếng kèn dè dặt, tuy âm luật không sai nhưng ngắc ngứ từng hồi, thổi một lúc mới bắt đầu nhịp nhàng, trôi chảy. Làn điệu dân ca này vốn có tiết tấu vui tươi, rộn ràng, song chẳng hiểu sao, lần nào tôi nghe cũng thấy thắt lòng.
Bùi Chiếu thổi thêm một điệu rồi mới đặt cây kèn xuống. Tôi uống cạn thêm một bát rượu, hỏi gã:
– Ngươi giúp ta một việc được không?
Bùi Chiếu vẫn khách khí với tôi:
– Xin công tử sai bảo!
– Ta chưa từng được lên lầu Chu Tước, ngươi có thể lén dẫn ta đến đó chơi không?
Nom vẻ mặt Bùi Chiếu thoáng lúng túng, tôi lẩm bẩm:
– Thôi, coi như ta chưa nói gì.
Chẳng ngờ Bùi Chiếu lại thưa:
– Lén đi thì không hay lắm, nhưng vẫn có cách, có điều công tử phải giả làm tùy tùng của tại hạ, như thế thì e công tử phải khổ một phen rồi.
Tôi lập tức phấn chấn, vỗ tay cười:
– Cái này thì có hề gì.
Tôi và A Độ đóng giả làm tùy tùng của Bùi Chiếu, nghênh ngang theo gã lên lầu Chu Tước.
Lầu Chu Tước là nơi cao nhất ở Thượng Kinh, cao hơn nhiều so với gác Lung Linh ở hồ Thái Dịch chốn Hoàng cung. Nơi đây chính là cổng chốt phía nam trong chín cổng thành của Thượng Kinh nên canh phòng hết sức nghiêm ngặt, ba bước một chòi canh, năm bước một đồn gác. Song Bùi Chiếu vẫn đưa tôi lên lầu thuận lợi, suôn sẻ.
Đứng trên lầu, gió phần phật táp vào mặt, gió tựa những nhát dao rát buốt cứa lên da thịt, nhưng có thể trông xuống nhà nhà treo đèn, kết hoa trong thành, cảnh tượng hùng vĩ vô cùng. Phố thị liền kề như một bàn cờ bày ngay trước mắt, những quán xá rải rác khắp kinh thành, hệt một bồn thạch anh tích tụ những ánh đèn. Phóng tầm mắt nhìn bao quát, thấy cả mái ngói lưu ly nơi Hoàng cung xa xăm trải dài một màu xanh thâm trầm như đại dương chạm tới đường chân trời. Bùi Chiếu chỉ cho tôi xem:
– Đông cung ở kia.
Có ngắm được Đông cung hay không, tôi nào có bận tâm. Tôi kiễng chân, chỉ muốn nhìn về nơi xa xăm.
Chỗ cao thế này cũng chẳng thể trông thấy Tây Lương.
Tôi tiu nghỉu, nhoài người trên tường trỗ, cất giọng ủ ê hỏi Bùi Chiếu:
– Ngươi có nhớ nhà không?
Phải một lúc Bùi Chiếu mới thưa:
– Mạt tướng sinh ra và lớn lên ở kinh thành, chưa xa rời Thượng Kinh được mấy lần, thế lên chưa từng có cảm giác nhớ nhà.
Tôi ngẫm thấy mình thật chẳng ra sao, đành ngượng ngùng ngoái lại nhìn gã. Cổng thành nổi gió, cuốn tay áo choàng tung bay phất phơ. Bùi Chiếu đứng cách tôi một khoảng xa, đến nỗi nơi thành lầu đèn đuốc ảm đạm, tôi không thể nhìn ra thần sắc trên khuôn mặt gã. Tôi nói:
– Thổi một điệu kèn cho ta nghe đi!
A Độ đưa kèn cho Bùi Chiếu, gã chậm rãi thổi, vẫn là khúc dân ca tôi mới hát.
Tôi ngồi bên bờ tường trổ, khẽ ngân nga theo tiếng kèn:
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.’’
Tôi biết, con cáo ấy chẳng đợi ai cả, mà nó đang rất nhớ nhà.
Bẵng đi một lúc, cũng chẳng rõ là bao lâu, tôi mới thôi lầm thầm, nhưng tiếng kèn vẫn văng vẳng, quấn quýt bên người. Làn điệu thân thương ấy khiến tôi thấy yên lòng, nhẹ nhõm… Dẫu ở chốn cổng thành lạnh lẽo, tận đáy lòng tôi vẫn đọng lại một chút ấm nồng, nơi ấy có tiếng gọi của Tây Lương, hơi thở của Tây Lương vẫn trọn vẹn ngay giữa lòng Thượng Kinh phồn hoa, rộng lớn này, nó là thứ duy nhất tôi thân quen, tôi thấu hiểu.
Mây ửng sắc vàng sà xuống ngay đầu, trăng sao chẳng thấy đâu, chỉ có gió quất trên da thịt, đau và rát. Giấc ngủ đến chập chờn, tôi ngáp một cái rồi dựa vào A Độ.
Tiếng kèn nỉ non cất lên, tựa như làn sương mù mùa đông, dập dềnh trong cả những cơn mơ đưa tôi vào giấc ngủ.
Bỗng trên mặt buốt lạnh, tôi ngước đầu trông lên.
Thì ra trời đổ tuyết, tuyết từ trên trời cao từ từ rơi xuống, không hiểu gió đã ngừng thổi tự lúc nào, chỉ có tuyết đáp xuống trong câm lặng. Những bông hoa tuyết óng ánh nối đuôi nhau bung cánh xõa nở giữa đất trời. Trong thành lác đác ánh đèn của nhà dân, bốn bề như được phủ một tấm mành tuyết trắng xóa.
Cuối cùng, Bùi Chiếu thu cây kèn lại, thì ra gã đã thổi liên tục từ bấy đến giờ. Gã ngưng một lúc, cơn ho húng hẵng ào tới từng cơn, chắc đã hít phải khá nhiều gió lạnh. Gã cũng ngốc thật, tôi không bảo ngừng là cứ thổi suốt, cũng chẳng sợ bị viêm phổi. Bùi Chiếu vẫn đang gồng mình dằn cơn ho, gã nói:
– Tuyết rơi rồi, mạt tướng hộ tống Thái tử phi về cung.
Tôi để ý có một đốm tuyết mềm mại đậu trên lông mi gã, chớp mắt đã tan chảy.
Tôi ngoan cố bảo:
– Ta không muốn về.
– Bẩm Thái tử phi…
– Đừng có gọi ta là Thái tử phi.
Bùi Chiếu chẳng hề nao núng, giọng điệu vẫn cung kính như thường ngày:
– Vâng, thưa nương nương!
Lòng thấy buồn tôi bèn hỏi gã:
– Ngươi thích cô Công chúa Lạc Hy à?
Bùi Chiếu sững sờ, không đáp.
Tôi vỗ vai an ủi gã:
– Xem ra ngươi không thích rồi! Chẳng ngờ ngươi cũng bị ép phải lấy một người mình không yêu. Ôi chao, thương thay cho đàn ông Trung Nguyên! Chẳng qua ta cũng chỉ là chó chê mèo lắm lông. Lý Thừa Ngân thân là Thái tử, song không thể phong người mình yêu làm Thái tử phi, còn ngươi, hóa ra ngươi và hắn đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu…
Vốn thành ngữ kém cỏi của tôi chỉ dùng ở mức tầm tầm, chẳng vậy mà sắc mặt Bùi Chiếu trở lên lúng túng, sau cùng chỉ đáp một câu nhạt nhẽo:
– Vâng ạ!
Tôi khẳng khái khuyên:
– Đừng buồn nữa, ta mời ngươi một chầu hoa tửu[1]!
[1] Hoa tửu: Ý chỉ yếu ẩm cùng kỹ nữ nơi kỹ viện
Hình như gã vừa bị sặc nên húng hắng ho một chập. Tôi giở giọng điệu sành sỏi:
– Ta có cô bạn chí cốt ở phường Minh Ngọc! Xinh đẹp tuyệt trần! Hôm nay ngươi sướng rồi nhé!
– Bẩm Thái tử phi…
– Đừng có gọi ta là Thái tử phi nữa! – Tôi háo hức lôi kéo gã bằng được. – Đi nào, đi nào! Ta dắt ngươi đi uống hoa tửu!
Hiển nhiên là Bùi Chiếu không bao giờ biết tôi là khách quen ở những nơi đầy rẫy thói trăng hoa ấy. Gã sửng sốt khi tận mắt chứng kiến danh tiếng của tôi tại phường Minh Ngọc. Chủ yếu là bởi Vương đại nương vừa nhìn thấy tôi đã đon đả cười đón hệt như nhìn thấy bảo vật sống. Bà ấy níu chặt tay áo tôi:
– Ôi chao! Lương công tử đến đấy à? Mấy chị em lầu trên lầu dưới kia ơi, Lương công tử ghé chơi đây này!
Tuy Vương đại nương đẫy đà, phốp pháp nhưng giọng nói thì lanh lảnh, cao vút, vang vọng. Vừa dứt tiếng hô, cả phường Minh Ngọc bỗng xôn xao. Lầu trên lầu dưới, một đám con gái xúng xính váy áo thướt tha, lũ lượt túa ra.
– Lương công tử đến rồi! Lương công tử ơi, sao bấy lâu nay không thấy chàng ghé thăm? Lương công tử quên chúng em rồi chăng…
Tôi đứng giữa vòng vây của các cô gái, hả hê lắm:
– Đâu mà… làm gì có… Bữa nay ta tiện đường…
– Hừ! Hôm nọ Nguyệt Nương còn bảo, Lương công tử mà không đến mau, chúng em sẽ đào sạch mười lăm vò rượu chàng cất ở đây, uống bằng hết thì thôi.
– À đó, dưới gốc cây mai vẫn chôn một vò tuyết, Nguyệt Nương quả quyết rằng phải để dành pha trà mời chàng thưởng thức!
– Hôm nay khéo sao trời đổ tuyết, hay chúng ta lấy chỗ nước tuyết đó nấu rượu nhé!
– Hay quá, hay quá!
Mấy nàng nhao nhao làm tôi hoa mày chóng mặt, tôi hỏi:
– Nguyệt Nương đâu? Sao không thấy tỷ ấy?
– Nguyệt Nương ấy à, ốm rồi!
Tôi rất đỗi ngạc nhiên:
– Ốm á?
– Vâng! Ngã bệnh tương tư rồi còn đâu!
– Bệnh tương tư á?
– Há lại không? Chuyện là, bữa nọ có vị khách quý đến đây uống chén trà, nghe đoạn hát rồi đi luôn, chẳng ngờ Nguyệt Nương lại vấn vương thương nhớ người ta.
– Kẻ nào lại có thể khiến Nguyệt Nương thầm mong trộm nhớ thế?
– Nom dáng dấp như con nhà quyền quý có ăn có học, tướng mạo tuấn tú, lời lẽ thanh tao, khí phách hiên ngang…
Nghe thôi đã biết chẳng phải chuyện đùa. Bao lần lê la quán trà nghe kể chuyện, chỉ thấy tiểu thư con nhà giàu ngầm trao duyên, ước hẹn chuyện trăm năm với các công tử, chứ nào đã nghe công tử sánh vai cùng gái làng chơi! Huống hồ Nguyệt Nương còn là kỹ nữ tài danh bậc nhất chốn phong lưu này, đám công tử quỵ lụy Nguyệt Nương không một nghìn cũng phải đến tám trăm, lý nào tỷ ấy lại đổ bệnh tương tư?
Tôi và Nguyệt Nương vốn là chỗ tỷ muội kết nghĩa, tôi liền lên lầu, đến phòng tỷ ấy hỏi thăm. Quả nhiên tỷ ấy vẫn thức, người uể oải dựa bên lồng hương, tay chống má, mắt đăm chiêu nhìn cây đèn cầy trên bàn, không hiểu đang thả hồn về đâu.
Tôi gọi tên mụ của Nguyệt Nương:
– Thập Ngũ!
Thấy tôi, Nguyệt Nương vẫn thẫn thờ:
– Muội đến đấy à?
Tôi ướm hỏi:
– Tỷ mắc bệnh tương tư thật đấy à?
– Ôi, muội không biết đâu, chàng cứ như người của cõi thần tiên!
– Muội đã nói với tỷ rồi, đàn ông đẹp không mài ra ăn được đâu!
– Người ta không những tuấn tú, khôi ngô, mà còn nho nhã, thanh tao… Đáng quý ở chỗ, chàng không tỏ ý khinh bạc tỷ. – Nguyệt Nương si mê chắp tay trước ngực. – Xin trời cao phù hộ, ngày nào đó cho đôi ta được tương ngộ dẫu chỉ một lần…
Tôi buột miệng ngắt lời:
– Hay cũng là gái giả trai? Ngày trước, khi tỷ biết muội là con gái, tỷ chẳng đã nói, muội không hề có thái độ cợt nhả nên thoạt trông đã biết muội là con gái đấy thôi…
Nguyệt Nương chẳng vì thế mà dao động:
– Làm gì có chuyện chàng là nữ cải trang, trông khí phách chàng đường đường là đấng trượng phu… Chao ôi…
Tôi rỉ tai nói nhỏ với Nguyệt Nương:
– Hôm nay muội dẫn Bùi Chiếu đến đây! Chẳng phải tỷ luôn nóng lòng muốn báo thù hay sao? Hay bày mỹ nhân kế gạt hắn vào tròng, để hắn giúp tỷ báo thù? Cha hắn là đại tướng quân, hắn lại là Kim ngô tướng quân, nghe đâu quyền thế nhà họ Bùi hiển hách lắm!
Nguyệt Nương ngán ngẩm lắc đầu:
– Vô ích thôi. Quyền lực trong tay Cao Vu Minh có sức áp đảo cả trong lẫn ngoài triều, lão đã làm tể tướng hơn hai mươi năm nay, môn sinh của lão rải rác khắp nơi, mà vây cánh cũng nhiều, dù là Bùi gia cũng khó lòng lật đổ được lão. Hơn nữa, tỷ nghe nói, Cao Quý phi chẳng mấy chốc sẽ trở thành Hoàng hậu.
– Cao Quý phi sắp là Hoàng hậu ư?
– Đúng vậy! Trên phố người ta đồn rằng Bệ hạ phế bỏ Trương Hoàng hậu hòng đưa Cao Quý phi lên.
Tôi buộc phải thừa nhận, cái danh xưng thái tử phi của tôi có mà như không, thậm chí tôi chẳng biết ai là người có khả năng được chọn làm hoàng hậu. Hơn nữa, xưa nay tôi chỉ gặp Cao Quý phi có hai lần, đều là lúc vấn an Hoàng hậu thì tình cờ gặp. Tôi vắt óc hồi lâu cũng chỉ nhớ mang máng, chẳng thể nào nhớ nổi hình dáng bà ta thế nào.
Tôi nói:
– Nếu tỷ được gặp Hoàng thượng để bày tỏ nỗi oan khiên của mình thì tốt quá!
Gia đình Nguyệt Nương trước đây cũng làm quan, về sau bị Cao vu Minh hãm hại khiến cả nhà bị tịch biên. Năm đó tỷ ấy chừng sáu, bảy tuổi, tuy may mắn thoát thân song lại bị bán vào chốn thanh lâu làm nghề ca kỹ. Ròng rã mấy năm trời, trong lòng tỷ ấy lúc nào cũng tâm niệm phải báo thù, lần đầu tiên tôi nghe tỷ ấy tâm sự cảnh đời của mình mà rơm rớm nước mắt. Thế rồi chúng tôi có chung nỗi đồng cảm, tiếc thay tôi lại không giúp được gì.
Nguyệt Nương buông tiếng thở dài:
– Dẫu có cơ hội yết kiến Hoàng thượng e cũng chẳng ích gì… Ôi… Mà tỷ cũng chẳng muốn gặp Hoàng thượng… Trong lòng tỷ… bây giờ… chỉ… chỉ không biết bao giờ mới có dịp tái ngộ người ấy.
Nguyệt Nương trông vậy mà đổ bệnh tương tư, đến báo thù nhà cũng quên hết, lại đi nhớ nhung gã công tử nọ.
Tôi xuống nhà, kéo Bùi Chiếu lên lầu, trong phường Minh Ngọc đâu đâu cũng có chậu than, ánh sáng ấm áp lan tỏa tạo nên cảm giác dễ chịu. Nguyệt Nương không hổ là mỹ nữ đẹp nhất của phường Minh Ngọc, vừa vén tấm mành trước phòng tỷ ấy, mùi hương đã tỏa ra ngan ngát. Mấy cô gái túa ra, một mực kéo chúng tôi vào trong. Bùi Chiếu có vẻ bỡ ngỡ, tôi liền xua hết mấy cô nàng xuống lầu, chỉ để Nguyệt Nương tiếp rượu chúng tôi.
Vui vẻ đến tận đêm thâu, bụng dạ đói meo. Đầu bếp của phường Minh Ngọc nấu ngon nổi tiếng, bằng không tôi đã chẳng thường xuyên ghé qua đây. Thoạt đầu vì tâm đầu ý hợp với Nguyệt Nương, sau thì bởi chỗ tỷ ấy có rất nhiều món ngon.
Tôi ăn uống một trận no say, cảm giác khó chịu, chán chường lúc ở trên lầu hứng gió, hứng tuyết đều trôi tuột xuống bụng. Nguyệt Nương ôm đàn tỳ bà, khẽ gảy những nốt nhạc uyển chuyển, rồi hát:
“Cả đời chưa biết tương tư.
Nên vừa tương tư, liền bệnh tương tư.
Thân tựa mây trôi, lòng như bông sợi.
Hơi thở yếu mềm tựa tơ vương…”[2]
[2] Trích bài Chiết quế lệnh- Xuân tình của Tử Tái Tư, đời Nguyên.
Giọng hát yếu ớt quả thật “tựa tơ vương” đúng là giọng ca của người mắc bệnh tương tư đây mà. Tôi liếc sang Bùi Chiếu:
– Sao ngươi không ăn đi?
– Công tử cứ tự nhiên, tại hạ không đói.
Tôi phát hiện ra, ít nhiều Bùi Chiếu đã tiến bộ hơn trước, ít nhất đã thôi mở miệng ra là mạt tướng thế này, mạt tướng thế nọ… Tôi nhấc đũa chỉ cho gã thấy:
– Món cá xắt lát ở đây ngon nhất, nhì Thượng Kinh, tẩm ướp gia vị được mang đến từ Ba Tư, không tanh chút nào, ngươi nếm thử xem!
Tôi nhiệt tình giới thiệu món cá, vậy mà gã chẳng hề động đũa.
Trên đường về cung, Bùi Chiếu đột nhiên hỏi tôi:
– Người con gái ban nãy, liệu có phải thân quyến nhà họ Trần không ạ?
Tôi ngớ người chưa kịp hiểu, gã từ tốn hỏi lại:
– Nguyệt Nương gảy đàn tỳ bà vừa rồi, trước đây mang họ Trần phải không ạ?
Tôi gật đầu, nhân tiện bộc bạch luôn chuyện nhà Nguyệt Nương đáng thương ra sao, tội nghiệp thế nào…
Thấp thoáng đằng xa đã thấy dãy tường cao chót vót của Đông cung, Bùi Chiếu chợt khựng lại, bất ngờ thưa:
– Bẩm Thái tử phi, mạt tướng có chuyện này, không biết có nên nói hay không…
Tôi ghét nhất kiểu người ăn nói vòng vo, bèn nói:
– Có gì ngươi cứ nói đi!
Bùi Chiếu ngập ngừng một lát rồi mới thưa:
– Trời sinh Thái tử phi bản tính hiền lương, Đông Cung lại là nơi đầy rẫy thị phi. Điện hạ thân là đương kim Thái tử, ắt có cái khó của người. Mạt tướng trộm nghĩ, Thái tử phi chớ nên giao thiệp với hạng người như Nguyệt Nương…
Chưa bao giờ tôi thấy Bùi Chiếu đáng khinh như lúc này, tôi cười khẩy, nói:
– Ta biết hoàng thân quốc thích các người luôn xem thường những cô gái như Nguyệt Nương, nhưng cấm ta chơi với bạn mình, chuyện đó e là không thể! Ta không giống kẻ lúc nào cũng xum xoe nịnh bợ như các người, khinh kẻ khác là bần dân nên không thèm kết bạn. Ngươi nói không sai, Nguyệt Nương là gái làng chơi, tối nay quả thật làm vấy bẩn Bùi Tướng quân mất rồi! Nhưng Bùi Tướng quân yên tâm, sau này không bao giờ ta đưa ngươi đến những chỗ như vậy nữa, ngươi cứ an tâm làm phò mã đi!
Có lẽ khi đó tôi đã nói với Bùi Chiếu bằng những lời lẽ gay gắt nhất, nên vừa dứt lời, hồi lâu tôi không thấy gã đáp lại, chỉ nghe tiếng vó ngựa nện xuống con đường phố thị lát những viên đá xanh vuông vức phủ tuyết. Tuyết rơi dày, phủ một lớp mỏng xuống đường khiến ngựa không đi nhanh được, chỉ nhích từng bước.
Suốt dọc đường từ đó về đến chân tường phía nam của Đông cung, tôi kiên quyết không đếm xỉa tới Bùi Chiếu.
Nhưng tôi không hề hay biết chuyện về sau còn có nhiều biến hóa khôn lường. Cũng bởi bây giờ đang dịp giáp Tết, trong cung tất bật tổ chức lễ lạt, năm nay không có Hoàng hậu đứng ra thu vén nên bao nhiêu việc ập xuống đầu tôi. Tôi phải bái yết các mệnh phụ phu nhân cả đôi bên nội ngoại, rồi thì thiết yến… Mặc dù bây giờ, chuyện hậu cung tạm thời do Cao Quý phi tiếp quản, song nói gì thì nói, bà ấy cũng chỉ là quý phi. Vĩnh Nương bảo rằng, mọi người ai cũng thấp thỏm chờ mong đại lễ Nguyên thần, ai cũng đoán già đoán non không rõ Hoàng thượng có để Cao Quý phi đứng ra lo liệu hay không.
– Cao Quý phi sẽ lên làm hoàng hậu à?
Tôi biết không bao giờ Vĩnh Nương tùy tiện phát ngôn những chuyện như vậy, bà ấy kính cẩn nói:
– Nô tì không dám nói xằng. Thái tử phi chớ nên thắc mắc việc này, đây không phải là chuyện phận làm dâu có thể can dự.
Tôi thấy dạo gần đây mình cũng gặp rất nhiều chuyện phiền não, so với chuyện ai sẽ làm hoàng hậu còn phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn chuyện mới đây Triệu Lương đệ cắt xén chi tiêu của Tự Bảo lâm. Tự Bảo lâm này hiền lành nhưng đám cung nữ dưới trướng không phải dạng dễ bắt nạt, sảy ra tranh cãi, song vẫn bị đám cung nữ của Triệu Lương đệ đổ vạ, nói họ trộm đồ trong kho, toan tống khứ bọn họ khỏi Đông cung. Sau này Tự Bảo lâm đến than khóc với tôi, tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Bảo tôi đi tìm lại sổ sách, tra xét thu chi, quyết tâm làm rõ chuyện này thì thà giết tôi đi còn hơn. Tôi đành dịu giọng vỗ về Tự Bảo lâm, song hai cung nữ kia vẫn bị đuổi khỏi Đông cung, tôi bèn sai Vĩnh Nương chọn hai cung nữ khác đến hầu hạ Tự Bảo lâm.
Ngoài mấy chuyện vặt vãnh trong Đông cung, còn một việc quan trọng hơn cả đó là Thái hoàng thái hậu đột ngột nhiễm thương hàn. Đợt ốm này không nặng nhưng mọi người trong cung được phen hết hồn hết vía, chung quy, Thái hoàng thái hậu cũng lên lão bảy mươi rồi. Ngày trước không cần tôi sớm chiều đến thình an, bây giờ quy định đổi khác, ngày nào cũng phải tới cung Thọ Ninh phụng dưỡng thuốc thang.
Lại thêm chuyện Lý Thừa Ngân bất cẩn bị trẹo cổ chân trong lúc cưỡi ngựa, đánh bóng. Tuy đi lại không bị ảnh hưởng lắm nhưng vết thương kia vừa lành chưa được bao lâu, giờ lại sảy ra cơ sự này khiến Hoàng thượng nổi trận lôi đình, triệu hắn đến, mắng cho một trận té tát. Rốt cuộc khi trở về Đông cung, chẳng hiểu Triệu Lương đệ đụng chạm gì khiến hắn thẳng tay tát cô ả một cú trời giáng. Phen này họa ập xuống tới tấp, Triệu Lương đệ tức tưởi ngồi khóc lóc ầm ĩ. Kẻ hầu người hạ xúm vào khuyên can hết lời, ả mới chịu thôi, nhưng tính khí Lý Thừa Ngân nào dễ cho qua, hắn phủi tay bỏ đi luôn, bẵng mấy ngày ở lì trong chính điện.
Mấy bận Vĩnh Nương khuyên tôi đi thăm Lý Thừa Ngân, tôi hiểu ý song vẫn mặc kệ.
Chẳng ngờ tôi không đi tìm hắn thì hắn lại mò tới chỗ tôi.
Tối hôm đó, những bông hoa tuyết lất phất bay, tiết trời giá lạnh, trong điện ủ lồng hương, thoang thoảng dễ dỗ giấc. Tôi nhanh chóng nằm ấm chỗ, bất thình lình Lý Thừa Ngân mò tới.
Hắn chỉ dẫn theo một viên nội quan, may nhờ A Độ tỉnh táo, không thì hắn leo lên giường lúc nào tôi cũng chẳng hay. A Độ lay tôi dậy cũng là lúc tôi đang ngon giấc, tôi ngáp dài, dụi mắt, mơ màng nhìn Lý Thừa Ngân.
– Chàng đến làm gì thế?
– Đến ngủ!
Hắn trả lời dấp dẳng, rồi ngồi xuống nhấc chân lên. Tên nội quan hầu hắn tháo giày, lại hầu hắn cởi áo, hắn phất tay, gã nọ thõng tay lui mất. A Độ lay tôi dậy xong, cũng biến mất đằng nào chẳng hay.
Tôi ngáp ngắn ngáp dài, lăn ra ngủ say như chết, nếu Lý Thừa Ngân không kéo mất cái chăn thì tôi cũng chẳng tỉnh.
Tôi mơ màng nhường nửa tấm chăn cho hắn. Hắn sáp lại gần, không hiểu ai đã cởi quần áo cho hắn, trên người chỉ mặc một bộ quần áo lụa mỏng. Cơ thể đàn ông nóng rực, ấm như lò than. Hắn duỗi tay, chèn dưới cổ tôi, dễ dàng ôm chặt rồi tiện thể kéo tôi vào lòng. Mặc dù nằm thế rất ấm nhưng tôi có cảm giác khó chịu, thiu thiu ngủ một lúc, cuối cùng không chịu được, bèn bảo:
– Đừng phà hơi sau gáy thiếp…
Hắn không nói gì, tiếp tục hôn lên gáy tôi. Như thể có con cún con đang cắn mình, cứ ngứa ngáy mà tê tê, tôi đẩy phắt hắn ra:
– Đừng cắn nữa, cứ cắn thế, thiếp không ngủ được.
Thay vì trả lời, hắn chuyển sang cắn vành tai tôi. Gì chứ tôi sợ nhất là buồn ở tai, cười ngặt nghẽo một lúc đã nhũn cả người, hắn tranh thủ kéo dây áo, tôi tỉnh ngủ ngay tức thì.
– Chàng làm gì thế?
Lúc Lý Thừa Ngân sấn tới hôn môi, tôi mới vỡ lẽ, bất thình lình tung cho hắn một cú đạp:
– Này!
Suýt thì hắn lộn cổ khỏi giường, mùng màn vắt ngang mặt, hắn vật lộn một hồi mới gỡ được đống nhùng nhằng ấy xuống, rồi bực dọc, trợn mắt với tôi:
– Nàng bị làm sao đấy?
– Chàng muốn… làm… việc kia… thì đi mà tìm Triệu Lương đệ ấy!
Đừng mơ tôi chịu làm thế thân cho Triệu Lương đệ. Tuy tôi thích Lý Thừa Ngân thật đấy nhưng còn lâu tôi mới đồng ý để hắn làm chuyện này với mình.
Lý Thừa Ngân chợt cười rộ lên:
– Thì ra là ghen!
Tôi trừng mắt:
– Ai ghen? Chàng bớt kiểu “tự làm tự chịu” đi!
Lý Thừa Ngân bắt bẻ tôi ngay lập tức:
– Là “tự mình đa tình” chứ!
Tôi lựa thành ngữ lúc nào cũng trật lất. Nhưng nghe hắn nói thế, tôi phấn khích hẳn lên:
– Chàng tự biết thế là tốt! Đi tìm Triệu Lương đệ của chàng đi, hoặc Tự Bảo lâm ấy, chắc hẳn người ta đang ngóng chàng lắm đấy!
– Còn nàng? Nàng không mong ta đến à?
– Thiếp có người mình thích rồi!
Trong lòng tôi chợt dâng nỗi chua xót ngậm ngùi, chẳng qua người tôi thích lại không thích tôi, hơn nữa, bây giờ tôi vẫn đang chống chế trước mặt chàng ta đây.
– Thiếp mong chàng đến làm gì! Thích ai, chàng cứ đi tìm người đó. Cứ cưới thêm tám hay mười Lương đệ, Bảo lâm nữa cũng được, thiếp không bao giờ để bụng.
Sắc mặt Lý Thừa Ngân sa sầm thấy rõ. Trước đây nhiều lần tôi nhắc đến Triệu Lương đệ nhưng mặt hắn cũng không khó đăm đăm thế này. Hồi lâu sau hắn bất ngờ buông tiếng cười khảy:
– Đừng tưởng ta không biết. Chẳng lẽ là Bùi Chiếu?
Tôi cứng họng nhìn hắn chằm chằm.
– Đừng quên mình là ai! Nàng là gái đã có chồng. À, ta biết rồi, đằng nào thì người Tây Lương các nàng cũng quen thói bại hoại rồi, bẽ mặt có là gì? Suốt ngày trốn khỏi cung, nhong nhong ngoài đường với Bùi Chiếu, có chút thể diện cũng không biết giữ!
Tôi không ngờ hắn lại biết chuyện tôi xuất cung, càng khó lường hơn là hắn tường tận cả việc tôi đi uống rượu với Bùi Chiếu. Tôi thẹn quá hóa giận:
– Chàng cưới hết người này đến người nọ thì còn nói ai! Thiếp ra ngoài chơi đấy nhưng chẳng làm chuyện gì xấu cả, vả lại giữa thiếp và Bùi Chiếu hoàn toàn trong sạch…
Hắn cười phá lên:
– Hẳn rồi. Bùi Chiếu có gan to bằng trời cũng chẳng dám nhập nhằng với nàng. Hơn nữa, hắn sắp lấy Lạc Hy rồi. Công chúa thiên triều chúng ta không giống loại con gái Tây Lương các nàng, thật là… sinh ra đã thích thói lông bông!
Nghe được mấy chữ cuối cùng, tôi nổi cơn tam bành, nhảy chồm lên vung tay tát hắn. Hắn nhanh nhẹn né được, cái tát sượt qua cằm. Người tôi run lên vì giận:
– Loại người suốt ngày léng phéng với cả đám con gái như chàng thì sao hả? Đã bao giờ ta thèm nói gì chưa? Ừ thì ta và Bùi Chiếu từng uống rượu với nhau vài lần đấy, chàng là cái thá gì mà dám vênh váo với ta? Con gái Tây Lương thì sao nào…? Hạng người như chàng cũng chỉ cậy đông hiếp yếu… Năm xưa, nếu phụ hoàng không ép cha ta phải cầu thân, liệu cha ta có nỡ để con gái đi lấy chồng ở nơi xa xôi thế này không? Chẳng qua là loại chó cậy gần nhà, bằng không ta thèm lấy chàng à? Đàn ông Tây Lương có ai thua chàng nào? Chàng tưởng ta thích lấy chàng lắm à? Tưởng ta thích làm Thái tử phi lắm à? Người ta thích ấy à, giỏi hơn chàng một nghìn, một vạn lần! Đến cọng tóc của người ta, chàng cũng không bì nổi…
Lý Thừa Ngân tức lắm, hắn chẳng thèm mặc áo đã hầm hầm lao xuống giường, sau đó đi thẳng ra cửa rồi quay ngoắt lại, nói:
– Nàng yên âm! Sau này ta không thèm đến nữa, cứ thoải mái tơ tưởng tới gã tốt hơn ta một nghìn, một vạn lần ấy đi!
Chắc hắn bực lắm, đến giày còn để lại đây, chẳng hiểu đi chân trần về kiểu gì nữa?
Tôi kéo chăn trùm kín đầu, bụng dạ cồn cào mãi không thôi. Tôi đuổi Lý Thừa Ngân đi, bởi tôi biết hắn thích Triệu Lương đệ. Tôi chẳng rộng lượng đến nỗi, biết rõ trái tim kia không có bóng dáng mình, song vẫn để hắn được thể gần gũi. Thà hắn cứ như trước kia, thờ ơ, lãnh đạm với tôi còn hơn. Phận nữ nhi đáng thương thế đấy, chỉ vì hắn đẩy tôi, đỡ hộ tôi một nhát kiếm của gã thích khách nọ mà đã khiến tôi liêu xiêu. Nếu hắn cứ ôn tồn, dịu dàng thế này, không biết chừng cả đời này tôi khó dứt được hắn. Lúc đó tôi sẽ đáng thương biết bao, ngày qua ngày mong chờ mòn mỏi, hy vọng hắn bố thì cho mình một cái nhìn, và rồi sẽ chẳng khác gì đám con gái Vĩnh Nương kể, ngày lại ngày ngong ngóng chờ mong… Ôi mòn mỏi…
Không thể để mình sa chân vào bước đường đáng thương ấy được…
Tôi ngồi thao thức tới khuya, sáng ra ngủ quên, may có Vĩnh Nương gọi dậy. Tôi vội vàng chải đầu, thay quần áo rồi vào cung. Dạo gần đây, tình hình sức khỏe của Thái hoàng thái hậu đã ngày một tốt lên, thấy tôi tới, người phấn khởi ban một bát cháo giống người đang ăn.
Chẳng hiểu bát cháo ấy bỏ gì mà có vị lờ lợ, tôi nuốt mấy thìa mà bụng dạ cồn cào, vô cùng khó chịu.
Thấy mặt mày tôi kém tươi tỉnh, Vĩnh Nương vội vàng dâng trà. Bụng dạ cồn cào rất khó chịu, tôi không thiết uống trà, thì thào với Vĩnh Nương:
– Ta buồn nôn…
Thái hoàng thái hậu đã bước sang tuổi bảy mươi song tai vẫn rất thính, tôi nói nhỏ thế mà người vẫn nghe được:
– Hả? Buồn nôn à?
Không đợi người ra lệnh, đám cung nữ đã xúm lấy, cần ống súc miệng, có ống súc miệng, cần nước có nước, cần khăn bông có khăn bông, người vỗ vai, kẻ dâng lồng hương. Ở cung Thái hoàng thái hậu quen dùng long diên hương, ngửi mùi ấy tôi cứ thấy lợm giọng, nhất là khi lồng hương để sát bên người, khói sộc thẳng vào mũi, tôi không kìm được nhưng chẳng nôn được gì ngoài ít nước. Vĩnh Nương bưng hoa lộ cho tôi súc miệng. Sau phen sốt vó ấy, Thái hoàng thái hậu nôn nóng giục giã:
– Mau tuyên ngự y!
– Ấy, dạ thôi…
Chắc tại đêm qua bị nhiễm lạnh đây mà. Lý Thừa Ngân bỏ đi xong, tôi ngồi bần thần tới khuya, quên không đắp chăn. Sáng dậy thấy bụng đau âm ỉ, bây giờ đã chuyển sang tưng tức. Tôi thưa:
– Cháu chỉ là ăn nhầm…
Thái hoàng thái hậu mừng ra mặt:
– Tuyên ngự y mau! Chắc chắn tám phần là có tin vui, cháu đừng ngại! Đơm hoa kết trái âu là lẽ thường tình, có gì mà phải ngượng! Đúng rồi, truyền cả khâm thiên giám[3] nữa, cháu nói xem, đứa bé này nên đặt tên là gì nhỉ…
[3] Khâm thiên giám là cơ quan trông coi về thiên văn và việc làm lịch của các triều đình phong kiến.
Tôi… tôi… suýt thì nôn ra máu… Không ngờ Thái hoàng thái hậu lại nóng vội tưởng tôi có tin vui, nhưng vấn đề là… chúng tôi đã làm gì đâu mà có em bé chứ…
Ngự y chuẩn đoán tôi bị nhiễm lạnh, lại ăn phải cháo thịt hươu nên mới buồn nôn. Thái hoàng thái hậu tỏ vẻ thất vọng thấy rõ, quay sang hỏi đám người hầu:
– Thái tử đâu?
– Khởi bẩm, sắp tới đại lễ Nguyên thần nên hôm nay Điện hạ đã vào Trai cung[4]…
[4] Trai cung là nơi vua vào nghỉ ngơi trai giới trước khi làm tế lễ
Thái hoàng thái hậu đột nhiên nổi giận, dằn mạnh tay xuống bàn:
– Trai cung cái nỗi gì! Bất hiếu có ba tội, không có con nối dõi là tội lớn nhất! Phụ hoàng nó xưa kia, bằng tầm tuổi này đã là cha của ba đứa con trai! Nó hai mươi tuổi đầu rồi mà chưa lên chức cha! Triệu Lương đệ kia cả ngày quấn lấy nó, vậy mà đến quả trứng cũng không biết đẻ như thế nào! Lại còn ả Tự Bảo lâm nọ, đang yên đang lành có đứa con, nói mất là mất ngay được! Cứ thế này, bao giờ ta mới được bồng chắt? Lẽ nào nó muốn ta chết mà không nhắm được mắt?
Trước cơn thịnh nộ của Thái hoàng thái hậu, người trong điện vội quỳ sụp xuống, nơm nớp nói không thôi:
– Xin Thái hoàng thái hậu bớt giận!
Nhưng càng nói càng khiến Thái hoàng thái hậu bực tức:
– Người đâu! Tuyên Lý Thừa Ngân đến gặp ta! Ta không tin ta không nói nổi nó, càng không tin đến sang năm mà ta vẫn chưa có chắt bồng!
Thái Hoàng thái hậu chỉ đích danh cả họ lẫn tên Lý Thừa Ngân giống tôi. Có điều, Thái hoàng thái hậu gọi hắn tới để mắng mỏ, lúc về thế nào hắn cũng đổ cho tôi tội sàm tấu, chưa biết chừng chúng tôi lại có trận cãi vã nảy lửa rồi.
Cãi thì cãi, tôi chẳng sợ.
Nhưng thật không ngờ, Thái hoàng thái hậu lại nghĩ ra cách đó. Lý Thừa Ngân đến nơi, thay vì mắng nhiếc thậm tệ, Thái hoàng thái hậu lại ôn tồn hỏi:
– Tắm gội, xông hương rồi chứ?
Tắm gội, xông hương là những việc bắt buộc phải làm trước khi nhập Trai cung, Lý Thừa Ngân chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, bèn đáp:
– Vâng ạ!
Thái hoàng thái hậu nói:
– Vậy thì tốt! Số cháu may lắm đấy, mấy ngày sau cháu không cần phải thanh tịnh ăn chay nữa, nói gì thì nói, liệt tổ liệt tông cũng không lỡ trách cứ. Người đâu, đưa Thái tử Điện hạ và Thái tử phi đến điện Thanh Vân, chưa có lệnh của ta, không được phép mở cửa!
Tôi ngẩn người, đám cung nữ cứ thế lôi lôi kéo kéo, bằng mọi cách phải đưa chúng tôi vào điện Thanh Vân. Cánh cửa đóng sầm lại, tôi ra sức đẩy, cánh cửa vẫn trơ lì không mở ra.
Lý Thừa Ngân lạnh lùng nguýt tôi, tôi quay ngoắt lại trừng mắt với hắn.
Hắn rít lên hai chữ qua kẽ răng:
– Đê tiện!
Tôi bực mình:
– Mắc mớ gì đến thiếp? Chàng mắng cái nỗi gì?
– Nếu nàng không huyên thuyên trước mặt Thái hoàng thái hậu thì làm gì có chuyện người bắt nhốt chúng ta?
Tôi tức mình mặc kệ hắn. May mà trong điện rất ấm áp, tôi ngồi xuống cạnh bàn, xòe bàn tay, thà chơi với ngón tay mình còn hơn cãi vã với hắn.
Chúng tôi bị nhốt nửa ngày trời, trông ráng chiều dần buông, có cung nữ đưa cơm canh, trà nước qua cửa sổ. Không đợi tôi kịp thốt lên, cửa sổ đã đóng sầm ngay trước mặt.
Thái hoàng thái hậu ắt đã cấm mọi người không được phép tiếp chuyện chúng tôi. Tuy đăm chiêu, ủ dột, song cơm thì vẫn phải ăn. Ngồi không nửa ngày, bụng đói cồn cào, lại còn có hai món mà tôi thích nữa chứ, tôi tự đơm cho mình một bát đầy, đánh chén ngon lành. Thoạt đầu, Lý Thừa Ngân ngồi yên không nhúc nhích, sau đó xem chừng cũng đói, vả chăng mâm cơm có bát bánh canh vừa miệng, bảo sao hắn cũng ăn no căng bụng.
No cơm ấm cật sinh… sinh ra… chán ngắt…
Tôi đi tới đi lui trong điện, cuối cùng nhặt mấy hòn sỏi trong bồn cây, bắt đầu bày trò chơi cờ một mình.
Chẳng rõ chơi được bao lâu, chậu sưởi trong điện không có người thay than, chỗ củi tàn cứ thế lụi dần.
May thay trong điện vẫn còn chậu nữa, tôi chuyển chỗ chơi lên giường, nằm trong chăn rất thoải mái, chỉ tiếc chưa chơi được bao lâu, nến cũng tắt luôn.
Ngoài sân có nến, tôi lập cập toan đi lấy, nhưng vừa đi được mấy bước đã thấy lạnh cóng, bèn kéo luôn cái chăn choàng lên người rồi mò ra ngoài. Thấy Lý Thừa Ngân ngồi ở đằng kia, tôi chùm chăn kín mít, lấy được nến liền tót vào luôn, rảo được mấy bước, nghĩ thế nào lại hỏi:
– Chàng ngồi đấy không thấy lạnh à?
Chẳng buồn liếc tôi lấy một cái, hắn rít lên hai tiếng:
– Không lạnh!
Ơ!
Sao giọng hắn lại run run thế nhỉ?
Một tay tôi túm chặt tấm chăn đang choàng, tay kia nâng giá nến lên soi mặt hắn, chỉ soi thôi chứ có làm gì đâu mà hắn cũng giật mình hoảng hốt.
Dưới tiết trời lạnh giá, trán hắn đẫm mồ hôi, mặt mũi đỏ gay như phát sốt.
– Chàng sốt đấy à?
– Không!
Thấy hắn run rẩy, tôi bèn đặt giá nến xuống, đưa tay sờ trán hắn. Hắn mà ốm thật thì còn gì bằng, chỉ cần hắn đổ bệnh, Thái hoàng thái hậu sẽ thả chúng tôi ngay lập tức.
Tôi mới khẽ chạm vào trán hắn thế thôi, hắn đã khẽ rên rỉ, cánh tay vươn ra tóm gọn tay tôi, kéo phắt tôi vào lòng. Đôi môi ấy nóng giãy, hắn hôn tôi trong cơn run rẩy, cứ ngấu nghiến khiến tôi không thở nổi. Hơi thở nóng bỏng của hắn phả vào mặt làm tôi ngờ ngợ, nhưng sự ngỡ ngàng ấy phụt qua rất nhanh, bất thình lình hắn đẩy tôi ra, nghiến răng nói:
– Trong canh có thuốc.
Thuốc gì? Canh gì có thuốc?
Sao có thể chứ! Thái hoàng thái hậu thương đứa cháu trai này lắm, làm gì có chuyện người cho hắn ăn mấy thứ linh tinh.
Vả chăng bát canh thừa còn nguyên trên bàn, tôi hít hà một hồi, ngửi chán chê vẫn chẳng thấy gì. Lý Thừa Ngân đột nhiên ôm chặt lấy tôi từ phía sau, hắn rà môi lên vành tai tôi.
– Tiểu Phong…
Toàn thân tôi bủn rủn trong vòng tay hắn, cũng không hiểu vì sao, vì những cái hôn nơi vành tai, hay là vì hắn đã gọi tên tôi…
Đây là lần đầu tiên hắn gọi tên tôi, trước đó toàn “ê”, “này”… Mà… sao hắn biết tên tôi nhỉ?
Lý Thừa Ngân xoay mặt tôi về phía hắn, hắn ngậm trọn vành môi, trao tôi sự nồng nàn trước nay chưa từng có, dường như hắn muốn nuốt chửng tôi xuống bụng. Cả người hắn nóng rực, tỏa hơi nóng rực như nồi nước sôi.
Tôi chợt hiểu ra thứ thuốc nào được bỏ vào canh.
Hả?
Á!
Ối!
Thái hoàng thái hậu ơi, người già mà không nên nết!
Vậy mà… mà… lại…
Tôi hộc máu mất thôi… Tôi không còn gì để nói nữa rồi… Tôi gọi trời trời không thấu, gọi đất đất không thưa…
Lý Thừa Ngân đã nhanh tay cởi bỏ quần áo của tôi, vừa cắn tới tấp, vừa đẩy tôi lên giường.
Hai chúng tôi vật lộn một hồi, chẳng mấy chốc tôi đã lép vế và bị lôi tuột lên giường. Tôi hốt hoảng nghĩ, không biết ngày mai hắn có hối hận không, Triệu Lương đệ của hắn mà biết lại chẳng làm ầm lên, và tôi nữa, lại chẳng đáng thương…
Mười tám món võ nghệ tôi đều giở sạch, thế mà quần áo trên người từng chiếc, từng chiếc cứ rơi xuống. Không chỉ cởi áo quần của tôi, ngay cả quần áo trên người mình, Lý Thừa Ngân cũng tự cởi bỏ. Tôi chẳng hiểu quần áo con trai thì cởi kiểu gì, hắn tuột nhanh như chớp, nhoáng cái đã đối diện với cơ thể trần trụi của nhau… Nhìn thế này liệu có bị đau mắt không nhỉ? Tôi chưa thấy Lý Thừa Ngân trong trạng thái thiếu vải bao giờ…
Thấy tôi láo liên đảo mắt, khóe môi Lý Thừa Ngân nhếch lên, hắn cười gian:
– Đẹp không?
Tôi trỏ tay vào hắn:
– Đồ lưu manh chết tiệt! Đẹp cái nỗi gì! Đừng tưởng ta chưa từng nhìn! Chưa từng ăn thịt heo nhưng ta nhìn heo chạy nhiều rồi!
Lý Thừa Ngân không tranh cãi với tôi, trái lại, còn hùa theo, hắn rót vào tai tôi ngọt xớt:
– Vậy… giờ có muốn thử trò heo chạy không?
– Hả!
Trong thời khắc ngàn cân treo sợi tóc ấy, tôi liền gào toáng lên:
– Sắt Sắt!
– Sắt Sắt cái gì!
Tôi lay cánh tay hắn:
– Sắt Sắt là chàng đấy! Nghĩ cho Triệu Lương đệ đi mà, chàng không thể có lỗi với muội ấy được! Chàng đừng phụ lòng muội ấy! Chàng thích muội ấy nhất cơ mà!
– Nàng là vợ ta, ta và nàng đường đường chính chính… Ta chẳng làm gì có lỗi với cô ta cả!
– Điện hạ có thích thiếp đâu!
Hắn rủ rỉ nói:
– Ta thích nàng! Ta thích nàng…
– Tại chàng uống nhầm thuốc thôi!
– Uống nhầm thuốc ta vẫn thích nàng. Tiểu Phong, ta thích nàng, thật đấy.
Thật không thể chịu nổi, đàn ông rặt một lũ cầm thú, đồ cầm thú! Chỉ uống nhầm có chút thuốc bổ vào người mà đã quên phắt Triệu Lương đệ. Mắt hắn lúng liếng nhìn tôi, chỉ thiếu chảy nước miếng nữa thôi. Tôi lay hắn:
– Chàng là thái tử, là thái tử kia mà! Nhịn mấy chuyện tầm thường này đi! Bình tĩnh nào! Đừng để một bước sa chân… Cái gì mà hận ấy nhỉ?
– Một bước xa chân muôn kiếp hận.
– Đúng rồi! Một bước xa chân muôn kiếp hận! Chịu đựng một chút… Vì Triệu Lương đệ… chàng phải giữ thân như ngọc chứ…
Giọng hắn nỉ non như chú cún con:
– Ta không muốn giữ! Sao nàng máu lạnh thế, vô tình thế, tàn nhẫn thế?
Tôi sởn da gà:
– Thiếp máu lạnh đâu! Vô tình đâu! Tàn nhẫn đâu!
– Có chỗ nào nàng không máu lạnh? Có chỗ nào nàng không vô tình? Có chỗ nào nàng không tàn nhẫn?
– Thiếp máu lạnh chỗ nào? Vô tình chỗ nào? Tàn nhẫn chỗ nào?
– Ở đây! Ở đây này! Đây nữa!
Mẹ ơi… Ngờ đâu hắn lại cắn… cứ cắn… Nhục chết mất thôi!
Tên đã lên dây, ngàn cân treo sợi tóc!
Tôi nghiến răng quyết tâm, chụp lấy chiếc gối sứ sau đầu nện cho Lý Thừa Ngân một cú. Trong lúc điên đảo thần hồn, quả nhiên hắn lơ là mất cảnh giác, trán hứng một cú trời giáng.
RẦM!
Ngất rồi!
Ngất thật rồi!
Trán Lý Thừa Ngân sưng to như quả trứng gà, tôi lóng ngóng ép chặt cái gối sứ vào chỗ sưng. Có lần tôi va đầu vào chốt cửa, đầu sưng vù, Vĩnh Nương từng dạy tôi một mẹo, bà ấy bảo cứ đội cái gối sứ lên đầu, hỏi thì bảo mấy vết sưng tấy sẽ nhanh tan.
Đến ngày hôm sau, cục u trên trán vẫn còn đấy, song hắn lại khoan thai trở mình, vừa tỉnh đã trợn mắt nhìn tôi:
– Nàng trói ta làm gì thế?
Tôi vỗ vào mặt hắn ra chiều an ủi:
– Kẻo “một bước sa chân muôn kiếp hận” chứ sao nữa? Chàng chịu khó đi! Chàng muốn lật người hả? Để thiếp giúp chàng.
Ngẫm ra, hắn nằm bất động cả đêm chắc cũng chẳng thoải mái gì, nhưng tôi trói chặt tay chân hắn bằng cái móc vàng dùng để mắc màn, muốn lật người e cũng khó. Tôi đành phải lấy hết sức bình sinh đẩy hắn nghiêng sang một bên, nhưng quá trình xê dịch thật khó khăn, loay hoay thế nào mà tôi ngã đè lên người hắn, tóc tai rối bù móc vào khuy cài màn, gỡ mãi không ra.
Đôi mắt hắn rừng rực như chực trào lửa:
– Nàng có thôi trèo lên người ta không thì bảo?
– Xin lỗi, xin lỗi nhé!
Tôi lúng túng gỡ tóc, mải gỡ nên không để ý hắn hôn mình. Nụ hôn trượt từ bờ vai lên cổ, những cái cắn khẽ đầy đê mê gợi cơn run rẩy kì lạ trong tôi.
– Cởi trói đi. – Hắn cắn vành tai tôi, nói khẽ. – Ta cam đoan không làm chuyện gì xấu xa đâu… Thả ta ra đi…
– Đời nào thiếp tin chàng!
Tôi không việc gì phải khách khí cả, bao năm đấu chọi với hắn rồi, có dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết chắc chắn hắn đang bày trò. Lần mò mãi mới gỡ được tóc, tôi nhổm dậy, không quên nguýt hắn một cái:
– Chàng ngoan ngoãn chịu đựng đi!
– Ta muốn…
– Chàng không được muốn!
– Ta cần lắm!
– Không được phép cần!
Hắn gầm lên:
– Nàng biết điều chút đi! Con người ta có ba cái mót! Sao nàng tối dạ thế? Ta muốn đi giải quyết!
Tôi ngớ ra, nói cũng phải, đúng là con người ta có ba cái mót. Lần trước ở Đông cung tôi cũng đã sốt vó cả lên, suýt nữa khóc đấy thôi. Ngẫm thấy cũng đồng cảm với hắn, dù sao không thể cấm hắn đi nhà cầu được.
Tôi tháo hai chiếc mắc màn đang quấn trên tay áo hắn nói:
– Đi đi!
Giải quyết xong, hắn liền quay về, đúng lúc cung nữ đẩy cửa bước vào, thấy quần áo ngổn ngang dưới đất, bọn họ đỏ bừng mặt. Lại nhìn vết sưng trên trán Lý Thừa Ngân, ánh mắt càng thêm kỳ quái. Cung nữ dâng nước cho chúng tôi súc miệng, lại hầu thay xiêm y, xong xuôi thì đoàn người lập tức rút lui. Đến thần tốc và rút lui chớp nhoáng, không quên khóa trái cửa.
Tôi điên mất, lại tiếp tục nhốt chúng tôi sao?
Bữa sáng dâng lên lại có món canh bỏ thuốc, Lý Thừa Ngân bực mình, gào qua ô cửa sổ:
– Cụ ơi… Cụ muốn hại cháu trai của cụ à?
Tôi thì chẳng sao, cùng lắm thì không ăn.
Lý Thừa Ngân không hề đụng đũa. Chúng tôi nằm dài trên giường với cái bụng lép xẹp, cũng bởi có mỗi giường là nơi ấm nhất.
Thái hoàng thái hậu thật quá đáng, thậm chí chậu than cũng không cho người đến thay.
Lý Thừa Ngân cũng chung tình với Triệu Lương đệ ghê gớm, thà chịu đói còn hơn một bước sa chân muôn kiếp hận…
Nhưng nằm mãi cũng chán, chúng tôi đành chơi cờ, khổ nỗi hắn thắng suốt, hắn nói chơi với tôi chẳng thú vị gì cả nên chán chẳng muốn chơi nữa. Đến tầm trưa, cả hai đã đói muốn chết, Lý Thừa Ngân vẫn hoạnh họe đòi tôi mua vui:
– Hát một bài cho ta nghe đi!
– Sao thiếp phải hát cho chàng nghe?
Lý Thừa Ngân nhổm dậy:
– Không hát chứ gì? Đã thế ta ăn bánh canh vậy.
Tôi níu chặt cánh tay hắn:
– Được! Được! Hát thì hát!
Mà tôi có biết hát bài nào khác đâu, hát đi hát lại mãi một bài:
“Có con cáo nhỏ cô đơn,
Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,
Cơ mà đâu phải ngắm trăng,
Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.
Có con cáo nhỏ bơ vơ,
Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,
Nào đâu cáo muốn sưởi mình,
Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.’’
Lý Thừa Ngân chê tôi hát dở, tôi hát được hai đoạn, hắn cấm tôi hát tiếp. Chúng tôi vẫn nằm dài trên giường, rỗi hơi liền tâm sự mấy chuyện trên trời dưới đất.
Cũng tại buồn tẻ quá nên Lý Thừa Ngân bắt đầu nói liên miên. Hắn kể toàn những chuyện trước nay tôi chưa từng nghe. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Đông cung lại gọi là Đông cung, rồi biết hóa ra hồi nhỏ tay Lý Thừa Ngân này cũng biếng ghê gớm, thậm chí hắn từng nhổ trộm râu của Bùi lão Tướng quân, thêm chuyện bà nhũ mẫu hắn yêu quý nhất qua đời năm ngoái vì bị bệnh khiến hắn buồn lòng một thời gian dài, và cả chuyện lúc nhỏ hắn hay gây gổ với con trai của Trung vương. Hắn còn tiết lộ thêm vài chuyện lùm xùm trong Hoàng cung, toàn mấy tin lạ tai, hóa ra Phổ vương Lý Thừa Nghiệp, em trai cùng cha khác mẹ với hắn thích đàn ông thật, rồi cả lý do Công chúa Vĩnh Ninh nằng nặc đòi xuất gia…
Có nằm mơ cũng chẳng ngờ, có một ngày tôi và Lý Thừa Ngân lại nằm dài trên giường nói chuyện phiếm với nhau.
Thậm chí còn nói chuyện sôi nổi không dứt ra được.
Tôi cũng kể vài chuyện mà mình mắt thấy tai nghe bên ngoài cung cấm mỗi lần lang thang ngoài phố. Đương nhiên Lý Thừa Ngân không ngờ kiến thức của tôi lại sâu rộng đến thế, chuyện nào cũng khiến hắn phấn khích, giật mình.
Lý Thừa Ngân hỏi:
– Nói tóm lại, nàng thấy heo chạy ở đâu?
Tôi ngẩn ra chưa kịp định thần:
– Heo nào?
Hắn tỏ vẻ bực bội:
– Nàng chẳng bảo, chưa ăn thịt heo nhưng đã thấy heo chạy rồi đấy thôi?
– À!
Tôi phấn khích bật dậy, khoa tay múa chân miêu tả phường Minh Ngọc cho hắn nghe. Qua lời kể của tôi, phường Minh Ngọc được tâng thành chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, là nơi trú ngụ của một bầy tiên nữ thông thạo đàn ca sáo nhị, thơ từ ca phú, không gì không biết, không gì không tường…
Sắc mặt hắn chuyển sang tối sầm:
– Nàng dám đến kỹ viện à?
– Kỹ viện gì chứ, đó là phường Minh Ngọc!
– Đường đường là Thái tử phi của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Trời đất ơi, cái miệng của hắn cứ bô bô, lỡ vách nhà có tai thì sao! Tôi bổ nhào đến, bịt miệng hắn, quýnh quáng nói:
– Đừng có gào lên! Gào cái gì! Thiếp chỉ đi mở rộng tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Lý Thừa Ngân liếc xéo tôi, ú ớ nói dưới sức ép của tay tôi:
– Ừ… i… àng… a… ới… ông… (trừ phi… nàng… ta… mới… không)
Đừng bảo lại muốn gặm môi nhé?
Sao bọn đàn ông lại xấu tính thế nhỉ?
Tôi hậm hực nói:
– Hôm qua chàng đã hôn thiếp mấy lần rồi, chúng ta chẳng nợ nhau gì cả.
Lý Thừa Ngân phanh ngực áo, chỉ vào vết sẹo ở ngực:
– Thế cái này thì tính sao? Nàng định trả thế nào đây?
Trông vết sẹo hồng hồng ấy, tôi không khỏi chột dạ:
– Tại tên thích khách đâm đấy chứ, có phải thiếp đâm đâu.
– Tại cứu nàng cả đấy! Ta mà không đẩy nàng ra thì nàng đã chết dưới kiếm của hắn rồi.
Tôi cứng họng bởi những gì hắn nói hoàn toàn là sự thật, song vẫn cố cãi cùn:
– Thế giờ chàng muốn gì?
– Lần sau nếu nàng đến phường Minh Ngọc, phải dẫn ta theo.
Tôi hãi hùng, rướn giọng bảo:
– Chàng… chàng… Đường đường là Thái tử của thiên triều, lại mò tới kỹ viện!
Lần này đến lượt Lý Thừa Ngân bổ nhào đến bịt miệng tôi, quýnh quáng nói:
– Đừng có gào lên! Gào cái gì! Ta chỉ đi mở mang tầm mắt thôi, có làm gì xấu xa đâu!
Tôi buồn ra mặt:
– Đang bị nhốt thế này, đi phường Minh Ngọc chơi kiểu gì… Thái hoàng thái hậu định giam chúng ta đến sang năm sao?
Lý Thừa Ngân nói:
– Lo gì, ta có cách!
Không cách nào tệ hơn cách của hắn, hắn dám xúi tôi giả bệnh.
Tôi giả bệnh thế nào được chứ?
Từ nhỏ tới lớn tôi khỏe như ngựa, mới ốm một lần từ hồi đến Thượng Kinh. Bảo tôi giả bệnh, tôi biết phải giả thế nào?
Lý Thừa Ngân nói tôi cứ nằm im một chỗ là được, nhưng khổ nỗi, chỉ được một lúc là tôi lại phá lên cười. Lý Thừa Ngân sốt ruột nói:
– Nàng không làm được thì để ta làm!
Hắn đóng kịch mới khéo làm sao, vừa vật ra giường đã duỗi thẳng đơ rồi nằm bất động.
Tôi chạy xộc ra cửa sổ, gào lên thất thanh:
– Người đâu! Thái tử Điện hạ ngất rồi! Có ai không…
Sau mấy câu gào, cửa điện mới chịu mở toang, nhiều người hớt hải ùa vào, nội quan tất tả đi truyền ngự y, phen này kích động đến cả Thái hoàng thái hậu thật rồi.
Ngự y bắt mạch hồi lâu, sau cũng kết luận Lý Thừa Ngân mạch phù, tỳ khí hư.
Hai ngày không hạt cơm bỏ bụng, bảo sao tỳ khí hư. Nhưng Thái hoàng thái hậu nào có nghĩ thế, người đinh ninh Lý Thừa Ngân ngất vì kiệt sức. Dù người già không nên nết thì cũng không nỡ nhốt chúng tôi lâu hơn nữa.
Tôi được tiễn về Đông cung, song Lý Thừa Ngân lại xui xẻo bị đưa vào Trai cung, dù gì mai cũng phải làm lễ tế trời. Dẫu đã về tới Đông cung nhưng tôi cũng bận tối mắt tối mũi. Bệ hạ không để Cao Quý phi đứng ra lo liệu đại lễ Nguyên thần, mà việc ấy tạm thời do tôi đảm nhiệm.
Tết nhất bận túi bụi, người tôi lúc nào cũng mệt bã thành ra chẳng thấy thích thú chút nào.
Cái đáng lo nhất bây giờ là đại lễ Nguyên thần, tuy có Vĩnh Nương và Cao Quý phi phụ giúp, nhưng tôi cũng phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để học thuộc bài lễ tiết rườm rà ấy, chưa kể lễ lạt, yến tiệc này nọ lũ lượt kéo tới…
Hằng tối, tôi mệt đến nỗi gà gật cả trong lúc tẩy trang. Thế rồi sáng nào cũng như sáng nào, trời tờ mờ chưa tỏ mặt nhau đã bị Vĩnh Nương đánh thức để trang điểm. Trước kia có Hoàng hậu, tôi chẳng phải lo chuyện gì, giờ thì khổ không biết để đâu cho hết. Ngày nào tôi cũng phải gặp rất nhiều người, có quen lẫn không quen, phải nhận lễ của họ, phải trệu trạo nhai những bữa cơm chán ngắt, tuần rượu nào nghe nữ quan xướng tên, tôi lại phải đứng lên trình bày một bài chúc mừng lấy may, kế đó phải xem mấy bài múa hát nhạt nhẽo, nghe mấy vị mệnh phụ nội ngoại cười nói líu lo.
Bữa yến duy nhất có thể coi là thú vị chỉ có hôm mùng Năm. Hôm đó, tất cả dâu mới trong thiên hạ đều về thăm đằng ngoại, và Hoàng thất thiết yến mời tất thảy các công chúa tới tham dự. Chủ tiệc là hai em gái của Hoàng đế Bệ hạ, sau đó lần lượt là mấy vị trưởng công chúa, đều là cô của Lý Thừa Ngân. Mở màn có Trưởng công chúa Bình Nam đến mời rượu tôi. Tuy tôi là lớp hậu bối, nhưng trước mắt ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, Thái tử phi tôi tạm thời trở thành nữ chủ nhân của hoàng thất.
Tôi nhấp ngụm rượu, đích thân Vĩnh Nương đỡ Công chúa Bình Nam đứng dậy, tôi mới sực nhớ ra, bà ấy chính là mẫu thân của Bùi Chiếu đây mà.
Bùi Chiếu và bà ấy chẳng được mấy nét giống nhau.
Bất giác tôi đảo mắt tìm Công chúa Lạc Hy, chính là cô gái mặc áo chim trĩ đang ngồi đằng kia. Trước kia tôi thật sự không để ý đến Lạc Hy lắm, chung quy cũng tại hoàng thất có quá nhiều công chúa, tôi và các Công chúa không mấy khi gặp gỡ, nhiều người tôi thấy chẳng khác gì nhau. Lần này vì Bùi Chiếu nên tôi mới chăm chăm để ý Công chúa Lạc Hy. Cô ấy không chỉ xinh xắn mà còn tao nhã, mà không ngờ, trông Lạc Hy và Trưởng công chúa Bình Nam hệt như mẹ và con gái. Theo thông lệ cung đình, tiệc rượu thường có tiết mục ngâm thơ, vịnh phú. Vĩnh Nương đã sắp sẵn người viết hộ tôi ba bài Mừng thái bình đâu vào đấy, tôi chỉ việc ngâm nga theo những gì đã thuộc là xong. Công chúa Lạc Hy làm một bài Khúc hát thanh bình, trong đó có nhiều chữ tôi chẳng biết chứ đừng nói xa xôi đến việc hiểu ý thơ. Ai nghe xong cũng trầm trồ khen thơ tôi làm hay, còn Công chúa Lạc Hy chỉ xếp hạng nhì. Bấy giờ tôi nghĩ bụng, có lẽ đàn ông thích một người vợ lá ngọc cành vàng, dịu dàng, nhã nhặn, đa tài đa nghệ như Lạc Hy, nói chung rất xứng với Bùi Chiếu.
Cũng có thể vì quá mệt mỏi nên tôi thấy Tết năm nay chẳng có gì vui vẻ cả. Bẵng đi mấy ngày không thấy bóng dáng Lý Thừa Ngân, nghe nói hắn làm lành với Triệu Lương đệ rồi, hai người lại mặn nồng như xưa. Tự nhiên tôi thấy chạnh lòng, dù sao cả tháng Giêng chỉ có ngày rằm là khiến tôi háo hức nhất.
Tôi thích Thượng Kinh âu cũng bởi tết Nguyên tiêu.