Chương 6

Thượng Kinh vào dịp tết Nguyên tiêu được miêu tả thế này: hoa đăng mười dặm, lầu cao chín tầng, pháo rộ tám phương, Thất Tinh bảo tháp, sáu phường rộn rã, ngũ tự rền vang, bốn cổng mở toang, Tam Doãn hân hoan, đôi lứa sánh vai, một đời yên ổn. Phải mấy ngày nữa mới là rằm tháng Giêng nhưng phố phường đã nhộn nhịp chăng đèn kết hoa, con phố Chu Tước trải dài mười dặm cũng không phải ngoại lệ. Đèn được làm khéo léo vô cùng, cứ ba bước một cảnh, năm bước một màu, nào đèn sơn thủy, nào đèn nhân vật, chim trời cá nước từ to đến nhỏ, muôn hình vạn trạng, rực rỡ sắc màu, chất đầy núi, lấp đầy sông, nom đến hoa cả mắt, đẹp vô cùng. Đêm Nguyên tiêu, Thượng Kinh không cấm pháo bông, nhất là ở tháp Thất Tinh, nơi ấy là tháp gạch, địa thế lại cao, nhiều xưởng pháo nổi tiếng thường chọn tháp Thất Tinh làm địa điểm luân phiên bắn pháo, hay còn gọi là “so hoa”. Lúc đó, người dân khắp Thượng Kinh sẽ được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Tết Nguyên tiêu cũng là dịp để tiểu thư khuê con nhà các công khanh[1] thuộc sáu phường được phép ra ngoài bát phố. Đêm đó, con gái ở Thượng Kinh sẽ nô nức rủ nhau xuống phố ngắm đèn, ngắm người. Sau tiếng chuông cầu quốc thái, dân an của chùa Ngũ Phúc, bốn cổng thành chính nam, chính bắc, chính đông, chính tây của Thượng Kinh sẽ đồng loạt rộng mở, không cấm người đi lại, dân chúng vùng nông thôn cũng có thể vào thành ngắm hoa đăng. Còn núi Tam Doãn chính là nơi cầu duyên thiêng nhất trong thành, nghe truyền đạo quán trên núi Tam Doãn có từ đường thờ Nguyệt Lão, phàm là nam nữ độc thân mà đến đó dâng hương vào ngày rằm tháng Giêng ắt sẽ thiêng. Đôi ngả song quy vốn là tập tục của Thượng Kinh, những chị em đã yên bề gia thất vào ngày này chắc chắn phải đi ngắm hoa đăng cùng phu quân của mình để thỉnh cầu một năm mới bình an, thịnh vượng, còn những người chưa thành thân thì cũng sớm gặp được ý trung nhân. Tết Nguyên tiêu còn là dịp để nam thanh nữ tú hẹn hò gieo duyên mà vẫn trong phạm vi cho phép của lễ giáo.

[1] Công khanh: viết tắt của tam công cửu khanh, tức ba chức quan đầu chiều và chín chức quan phụ trách các công việc khác nhau.

Tết Nguyên tiêu năm ngoái, tôi và A Độ đến Tam Doãn ngắm đèn lồng, chen chúc đến nỗi tuột cả giày. Nghe đâu tối hôm đó, số giày bị thất lạc lên đến mấy nghìn đôi, sau này, những đạo sĩ trên núi Tam Doãn quét dọn, thu gom đống giày ấy quyên cho người nghèo, phải huy động mấy chiếc xe lớn mới kéo hết.

Năm nay bụng bảo dạ phải lấy dây da quấn ủng cho chặt kẻo lại tuột mất. Một ngày náo nức như thế, đương nhiên không thể thiếu tôi rồi.

Hôm Mười bốn tháng Giêng, mớ bòng bòng yến tiệc bái yết cuối cùng cũng tạm vãn, tôi tranh thủ trốn việc về Đông cung đánh một giấc say sưa, lấy tinh thần đi chơi tết Nguyên tiêu. Đang ngủ say thì bị Vĩnh Nương gọi dậy:

Tôi vẫn gật gà liêu xiêu, vừa ngáp vừa hỏi:

– Lại gì thế?

– Người ta tìm thấy một tấm bùa gỗ dưới gầm giường của Tự Bảo lâm, nghe nói đồ yểm bùa, ghi ngày sinh tháng đẻ của Triệu Lương đệ. Giờ Triệu Lương đệ bắt Tự Bảo lâm, đôi bên đang hầu ngoài điện, muốn mời Thái tử phi đứng ra xử trí.

Đang mệt và buồn ngủ, tôi càng thêm bực mình:

– Thật nhiều chuyện! Có mỗi khúc gỗ cũng làm ầm cả lên, lại còn đương ngày Tết! Tự Bảo lâm có ngốc đâu, vả lại khúc gỗ thì rủa chết được Triệu Lương đệ chắc? Ả vẫn sống sờ sờ ra đấy thôi!

Vĩnh Nương nghiêng nét mặt, nói:

– Bùa ngải vốn là thứ cấm kỵ. Có lẽ Thái tử phi không biết, mười năm trước, Trần Trưng vì làm bùa yểm thánh thượng mà bị tử hình, tru di cả nhà. Thiên triều ta buổi đầu lập quốc có Ngô hậu bị phế thành thứ dân cũng tại làm bùa yểm Hứa phi, thậm chí con trai ruột cũng không được phép phong vương…

Tôi sợ nhất Vĩnh Nương đem những chuyện từ mấy trăm năm trước ra giảng giải, thật khiến tôi đau đầu. Tôi đành bật dậy, gọi cung nữ hầu thay xiêm y, gấp gáp rửa mặt, chải đầu. Vĩnh Nương thưa:

– Tuy chuyện Tự Bảo lâm đặt bùa có phần khó tin, nhưng dù sao Thái tử phi cũng phải hết sức cẩn thận, chớ để mắc mưu.

Tôi thành thật hỏi:

– Theo bà, ta nên giải quyết thế nào?

Vĩnh Nương bẩm:

– Đáng lẽ Thái tử phi nên tìm cớ thoái thác, rồi tấu lên Hoàng hậu để người phán xử, hiềm nỗi hiện nay ngôi vị Hoàng hậu còn bỏ ngỏ, lại đương ngày Tết, không phải lúc thích hợp để bàn những chuyện không may mắn. Nô tì thiết nghĩ, Thái tử phi đừng ngại tấu chuyện này với Thái tử Điện hạ để người tự cân nhắc, quyết định.

Tuy không nói gì nhưng tôi tự nhủ, vụ này mà giao cho Lý Thừa Ngân thì Tự Bảo lâm bị khép tội là cái chắc.

Triệu Lương đệ là người thương của hắn, bất chấp phải trái thế nào, kiểu gì hắn cũng nổi giận khiến Tự Bảo lâm phải chịu oan ức. Mà Tự Bảo lâm cũng tội nghiệp, Lý Thừa Ngân vốn chẳng ưa gì nàng ấy, lần trước vào cung thăm nom thấy cô ấy khóc mãi, lần này xảy ra chuyện, cô ấy đành ngậm đắng nuốt cay chứ biết làm sao? Tôi nghĩ mãi, chỉ thấy không đành lòng.

Thấy tôi đăm chiêu, Vĩnh Nương liền tiếp lời:

– Bẩm nương nương, giữa chốn ao tù nước đục này, người nên lo cho mình trước.

Tôi gắt lên:

– Lo cho mình tức là bảo ta mặc kệ Tự Bảo lâm, để Lý Thừa Ngân tự xử trí sao? Ta không muốn!

Vĩnh Nương định khuyên thêm mấy câu, tôi liền sửa sang tay áo, nói:

– Truyền Triệu Lương đệ và Tự Bảo lâm vào!

Vĩnh Nương là người nắm vững cung quy, lại thêm mấy chục năm giáo dưỡng, lần nào tôi giở thói ngang tàng của Thái tử phi, cuối cùng, Vĩnh Nương cũng đành bất lực, phải cung kính vâng lời.

Gặp tôi, Triệu Lương đệ vẫn tỏ vẻ kính cẩn, quỳ lạy theo đúng quy cách. Tôi sai Vĩnh Nương dìu ả dậy, ban ngồi.

Nhưng Tự Bảo lâm vẫn quỳ dưới sàn, nom gò má đỏ ửng, mắt cũng đỏ hoe, hình như vừa khóc.

Tôi hỏi cung nữ:

– Sao không đỡ Tự Bảo lâm dậy?

Đám cung nữ không dám trái lời, liền vội vàng vực Tự Bảo lâm dậy. Tôi nói bâng quơ:

– Hôm nay nắng đẹp, hai tỷ muội rủ nhau đến chúc Tết ta đấy à?

Có vậy thôi mà khiến mặt Triệu Lương đệ đỏ bừng rồi lại trắng nhợt.

Đáng ra, theo quy định của Đông cung, mùng Một đầu năm bọn họ phải mặc trang phục hoàng tộc đến khấu đầu vấn an tôi, hiềm vì Lý Thừa Ngân chỉ lo tôi gây khó dễ với Triệu Lương đệ nên suốt ba năm qua, hắn không bao giờ để ả tự mình lại tẩm điện của tôi, tục lệ bị bãi bỏ từ đó. Giờ nghe tôi nói thế, chắc Triệu Lương đệ nghĩ tôi đang mỉa mai ả. Nhưng thực ra hôm đó trong cung bận bịu tổ chức đại lễ Nguyên thần, mãi khuya tôi mới được về Đông cung, làm gì có thời gian để bày vẽ lễ tiết này nọ, thậm chí Tự Bảo lâm cũng chẳng đến khấu đầu.

Bấy giờ tôi nào có nghĩ xâu xa thế, sau này nhờ Vĩnh Nương thủ thỉ tôi mới hay. Lúc đó chỉ thấy sắc mặt Triệu Lương đệ là lạ, cứ ngỡ tại mình tỏ vẻ hòa nhã với Tự Bảo lâm, tôi bèn vỗ về Tự Bảo lâm mấy câu rồi sai người đưa khúc gỗ kia lên.

Bùa ngải vốn bị coi là vật ô uế nên tấm gỗ kia được đặt trên khay, do cung nữ bưng tới, Vĩnh Nương không để tôi phải chạm tay vào. Tôi ngắm nghía tám chữ ngày sinh tháng đẻ được khắc rõ ràng trên đó một hồi mà chẳng thấy gì, bỗng dưng nhớ ra một chuyện:

– Sao đột nhiên lại lục soát gầm giường của Tự Bảo lâm?

Tôi vừa dứt lời, mặt Triệu Lương đệ thoắt biến sắc vẻ khó hiểu.

Chuyện là con chó do Triệu Lương đệ nuôi tự dưng chạy đi đâu không rõ, cung nữ tìm khắp nơi không thấy, có người thấy thì bảo nó chạy vào sân viện của Tự Bảo lâm, thế là người của Triệu Lương đệ liền xộc vào tìm. Tự Bảo lâm khăng khăng không thấy con chó nào chạy vào đây cả, nhưng cung nữ hầu hạ Triệu Lương đệ không tin, làm ầm ĩ cả lên, nhốn nháo chạy đi lục soát, chẳng ngờ thay vì tìm ra chó, lại thấy tấm bùa này.

Triệu Lương đệ thưa:

– Xin Thái tử phi giúp thần thiếp phân xử vụ này.

Tôi hỏi Tự Bảo lâm:

– Rốt cuộc thứ này ở đâu ra?

Tự Bảo lâm quỳ sụp xuống:

– Thần thiếp quả thật không rõ, xin Thái tử phi minh xét.

– Đứng lên, đứng lên đi!

Tôi vốn ghét những người hở một tí là quỳ, bên quay sang nói với Triệu Lương đệ:

– Có lửa thì mới có khói, Tự Bảo lâm sao phải đi yểm bùa muội? Ta cảm thấy chuyện này không đơn giản…

Triệu Lương đệ lạnh lùng lên tiếng:

– Chứng cứ rành rành ra đó, Thái tử phi nói vậy, phải chăng có ý thiên vị Tự Bảo lâm?

Ả đốp lại chẳng kiêng nể gì, mắt long lên vẻ đờ đẫn. Không đợi tôi lên tiếng, Vĩnh Nương đã thưa:

– Ý của Thái tử phi là phải điều tra nguyên do rõ ràng, không hề có ý thiên vị, mong Lương đệ ý tứ ngôn từ.

Ả ta đứng phắt dậy, vái tôi rồi nói:

– Vậy thần thiếp sẽ chờ Thái tử phi điều tra rõ ràng vụ này, chỉ mong sớm có ngày cháy nhà ra mặt chuột, đến lúc đó mong Thái tử phi sẽ cho thần thiếp một lời giải thích rõ ràng.

Ngừng một lát rồi ả tiếp lời:

– Thần thiếp xin được cáo lui!

Rồi không lằng nhằng thêm nữa, cũng chẳng đợi tôi đồng ý, ả đã nghênh ngang dẫn người bỏ đi.

Vĩnh Nương tức mình, nói:

– Há lại như thế, mạo phạm đến thế là cùng!

Tôi không nói gì, Triệu Lương đệ ghét tôi cũng phải thôi, tôi cũng chẳng ưa gì ả.

Tự Bảo lâm quỳ dưới sàn từ nãy đến giờ, rụt rè đưa mắt nhìn tôi. Tôi thở dài, đích thân đỡ cô ấy dậy, hỏi:

– Kể ta nghe đầu đuôi chuyện ngày hôm nay, xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Dường như Tự Bảo lâm vẫn chưa hết bàng hoàng, cho đến khi Vĩnh Nương sai người rót trà nóng, cô ấy chậm rãi nhấp môi, sau đó mới nói được ngọn ngành.

Nơi Tự Bảo lâm sống vốn khuất nẻo. Tết này, trong cung ban thưởng theo thông lệ. Với tôi và Triệu Lương đệ thì những món ấy chẳng đáng là bao, nhưng với Tự Bảo lâm âu cũng là những vật quý hiếm. Tự Bảo lâm vốn chân chất, hiền lành, hai cung nữ tôi sai tới lại rất mực ngoan ngoãn, nghe lời, Tự Bảo lâm mới dấm dúi lấy bánh trái chia cho họ ăn. Mà vật ngự ban không được phép biếu tặng kẻ khác, nên đành phải lén lút khóa trái cửa, phòng có người đi qua bắt gặp.

Đúng lúc đó, người của Triệu Lương đệ bất thình lình gõ cửa, bọn họ giật mình hốt hoảng, thấy chột dạ nên mới vừa giữ cửa vừa hớt hải giấu chỗ bánh trái kia đi. Người của Triệu Lương đệ vừa xộc vào đã sục sạo khắp nơi, Tự Bảo lâm chột dạ, kiên quyết không để bọn họ xông vào làm bừa, nhưng đám người Triệu Lương đệ phái đến chẳng biết nể nang ai, đôi bên lời qua tiếng lại, chẳng mấy chốc đã thành cãi cọ ầm ĩ. Người hầu của Triệu Lương đệ xưa nay quen thói không làm thì thôi, đã làm phải làm tới cùng, thế là chúng xới tung cả phòng của Tự Bảo lâm, chẳng ngờ chó thì không thấy, lại thấy tấm bùa nằm dưới gầm giường của Tự Bảo lâm. Phen này đúng là chọc phải tổ ong vò vẽ rồi, đám tay chân của Triệu Lương đệ, người quay về bẩm báo với chủ nhân, kẻ giam lỏng Tự Bảo lâm lẫn hai cung nữ kia. Triệu Lương đệ vừa nhìn thấy tấm bùa, giận đến run rẩy cả người, chẳng nói chẳng rằng liền lôi thẳng Tự Bảo lâm đến gặp tôi.

Tự Bảo lâm nước mắt lưng tròng:

– Thần thiếp quả thực không biết thứ đó ở đâu ra… Xin Thái tử phi minh xét…

Minh xét cái nỗi gì… Hai người bọn họ trời chẳng chịu đất, đất chẳng chịu trời, xoay tôi mòng mòng như thế này thì tôi còn minh xét cái gì được nữa, song khúc gỗ này hẳn không phải từ trên trời rơi xuống. Tôi hỏi Tự Bảo lâm:

– Đồ ở ngay dưới gầm giường, lẽ nào muội không biết ai đặt vào đó hay sao?

Tự Bảo lâm tưởng tôi hạch tội, giật mình quỳ phịch xuống:

– Bẩm nương nương, thần thiếp tự biết thân biết phận, tuyệt đối không có ý tranh giành với ai, nào dám oán rủa gì Lương đệ…

Trông sắc mặt Tự Bảo lâm tái mét vì sợ, tôi liền bảo:

– Ta không có ý đó, ta chỉ muốn nói, không phải tự dưng vật này lại ở ngay dưới gầm giường của muội. Cả ngày muội quanh quẩn trong phòng, hai cung nữ kia ngày qua ngày ở bên hầu hạ, dạo gần đây có kẻ nào khả nghi ghé qua chỗ muội, hoặc có chuyện gì đáng ngờ không?

Tự Bảo lâm nghe thế mới dần trấn tĩnh lại, vắt óc nhỏ lại xem có chỗ nào đáng nghi.

Sau một hồi ngẫm nghĩ, cuối cùng vẫn thưa:

– Thần thiếp không nhớ ra có kẻ nào khả nghi…

Thôi, Tự Bảo lâm thì có khác gì tôi, cùng dạng đểnh đoảng.

Tôi có thiện ý an ủi cô ấy vài câu rồi cho lui. Thấy Tự Bảo lâm vẫn bán tín bán nghi, tôi bèn nói:

– Năm dài tháng rộng, sẽ có ngày sự thật được phơi bày, không phải sợ, đợi sau rằm hãy tính.

Cô ấy trông tôi có vẻ tự tin, đoán chừng tôi đã chắc chắn mọi chuyện mới trịnh trọng vái chào tôi rồi lui về.

Vĩnh Nương hỏi:

– Thái tử phi đã có diệu kế để tìm ra hung thủ của vụ án này chăng?

Tôi ngáp dài:

– Ta thì có kế gì, mấy vụ như thế này ta không biết gì đâu.

Vĩnh Nương dở khóc dở cười, lại hỏi:

– Vậy Thái tử phi định giải thích thế nào với Triệu Lương đệ?

Tôi trợn mắt nhìn bà ấy:

– Có phải ta đặt bùa dưới gầm giường đâu, việc gì ta phải giải thích với ả?

Vĩnh Nương nghe tôi nói mà khóc dở mếu dở, cằm rằm khuyên tôi mãi, nhưng tôi buồn ngủ díp mắt, chẳng nghe được mấy câu đã vẹo đầu ngủ khì.

Đang say giấc nồng, bỗng nhiên có người xốc tôi dậy. Nói thực, tôi vẫn đang mơ màng ngái ngủ. Tuy Vĩnh Nương thường xuyên sai người kéo tôi ra khỏi giường, nhưng chí ít cũng phải vừa ẵm vừa đỡ, chứ đâu xấc xược như người này.

Tôi hé mắt nhìn. Ối, là Lý Thừa Ngân! Hắn không chỉ xốc tôi dậy mà còn lên tiếng:

– Nàng vẫn ngủ được cơ à?

Thôi, tôi xong rồi!

Nhất định ả Triệu Lương đệ kia đã mách lẻo gì với hắn rồi, chẳng trách giờ hắn hoạch họe tôi. Tôi xẵng giọng:

– Có gì mà không ngủ được! Chuyện Tự Bảo lâm chưa điều tra rõ chứ sao, Điện hạ gào lên phỏng ích gì!

Hắn nhíu mày nhìn tôi:

– Tự Bảo lâm lại có chuyện gì thế?

Hả? Hắn chưa biết sao? Triệu Lương đệ chưa thủ thỉ gì sao? Tôi liếc mắt, cười nịnh bợ:

– À… không có gì, không có gì! Chàng tìm thiếp có chuyện gì thế?

– Mai là tết Nguyên tiêu rồi!

– Thiếp nhớ chứ!

Nhảm thật, bằng không hôm nay tôi cố ngủ nướng cả ngày để làm gì? Là để dồn sức cho tối mai, để đi ngắm hoa đăng chứ còn gì nữa.

Thấy tôi vẫn tỉnh bơ, hắn mới nói:

– Mai ta phải hầu phụ hoàng lên lầu Chu Tước, cùng dân đón tết Nguyên tiêu.

– À, thiếp biết.

Đương nhiên phải biết chứ! Năm nào cũng vậy, cứ độ tết Nguyên tiêu, Bệ hạ và hắn đều xa giá đến Thừa Thiên Môn, vẫy chào dân chúng trong thành, nghe bách dân trăm họ tung hô “vạn tuế”, gọi một cách hoa mỹ là “cùng dân đón tết Nguyên tiêu”, còn nói thẳng ra là đứng hứng gió mất nửa đêm. May thay phận nữ nhi trong hoàng thất không phải đi theo, không thì kiểu gì tôi cũng đông cứng thành cột băng trên cổng thành, đóng băng chỉ là chuyện nhỏ, bỏ lỡ hội hoa đăng mới là chuyện lớn.

Hắn gườm gườm, tỏ vẻ bực mình, khó chịu:

– Nàng đã hứa với ta gì nào?

Có một câu, phải nói thế nào nhỉ, gần vua như gần hổ, lòng vua khó dò. Câu này quá chí lý, tiếp con trai của hoàng đế khác gì tiếp hổ con, ý tứ khó dò y như nhau, hắn đang nghĩ gì tôi đoán mãi không ra, bèn rụt rè hỏi:

– Thần thiếp đã hứa gì với Điện hạ ư?

Thấy tôi ngơ ngác, hắn liền cao giọng:

– Quả nhiên nàng quên sạch rồi! Nàng hứa sẽ dẫn ta đến kỹ viện chơi.

Ôi trời ơi! Câu này hà tất phải gào lên như thế sao?

Tôi bổ nhào đến chặn đứng miệng hắn lại:

– Bé cái miệng chứ!

Vĩnh Nương biết Lý Thừa Ngân đến, lòng thấp thỏm không yên, chỉ sợ chúng tôi cãi vã, liền bước vào nội điện, khéo thế nào mà bà ấy vừa thò đầu vào, đập vào mắt bà ấy là cảnh tôi như con cua tám càng quắp chặt thân hình Lý Thừa Ngân, xiêm y chẳng những xộc xệch mà tay còn đang bụm chặt miệng hắn. Về phần Lý Thừa Ngân, hắn vừa xốc tôi dậy khỏi giường, hai bàn tay vẫn ghì chặt eo tôi… Quả thật trông tôi y như con khỉ đang vắt vẻo trên cành cây. Nói chung tư thế của hai đứa bảo mập mờ thì rất mập mờ, nói khả nghi, đúng là có thừa khả nghi… Bà ấy chưa kịp nhìn rõ sự tình đã giật mình quay đầu mất hút.

Tôi thấy bực mình, lần trước là A Độ, lần này đến lượt Vĩnh Nương, hà tất họ cứ phải nhằm lúc này để xông vào?

Lý Thừa Ngân có vẻ háo hức ra mặt:

– Dậy nào, ta sai người chuẩn bị quần áo ổn thỏa cả rồi. Sau tết Nguyên tiêu, ta sợ không còn dịp nào nữa.

Tôi cứ tưởng sau khi làm lành với Triệu Lương đệ, hắn đã quên chuyện này rồi chứ, ai mà biết hắn còn nhớ.

Quả nhiên hắn đã chuẩn bị sẵn một túi lớn toàn quần áo mới. Trước kia tôi chưa từng được ngắm một Lý Thừa Ngân trong trang phục thường dân, sao cứ thấy có nét gì đó là lạ, khó nói nên lời. Cũng không thể nói là chướng mắt, có điều không giống với dáng vẻ thường ngày của hắn lắm.

Hắn hí hửng lấy từ trong túi bộ râu giả đưa cho tôi xem:

– Có cần dán râu giả không? Thế này chắc chẳng ai nhận ra chúng ta.

Hắn hớn hở lôi từ trong túi bộ quần áo đưa cho tôi xem:

– Có phải vận quần áo màu đen không? Thế này tha hồ vượt tường, leo nóc nhà.

Rồi hắn lại lục trong túi gói thuốc mê đưa tôi xem:

– Có phải mang thuốc mê theo không? Thế này thì có mười tên cũng không thành vấn đề.

Tôi điên mất thôi! Điện hạ ơi là Điện hạ, người đến kỹ viện chứ có phải đi giết người, cướp của, phóng hỏa ở tiệm bạc hay lương khố đâu… Tôi nóng nảy gắt lên:

– Mang tiền là đủ rồi.

Cái này thì khỏi phải nói, Lý Thừa Ngân không những có tiền mà còn rất hào phóng nữa chứ. Tôi vừa dứt câu “mang tiền là đủ rồi”, hắn liền vét đáy túi lấy ra một đống vàng, chậc chậc, cả đống thế này phải bao trọn phường Minh Ngọc luôn ấy chứ!

Tôi thay đồ nam xong, Lý Thừa Ngân cứ tủm tỉm cười. Tôi gườm gườm, dọa sẽ không dẫn hắn theo nữa, cố gắng lắm hắn mới nín được cười.

Tôi khăng khăng đòi dẫn A Độ theo, Lý Thừa Ngân sống chết không chịu, tôi nói:

– Không có A Độ bên cạnh, thiếp không quen.

Hắn nghiêm nghị bảo:

– Có ta bên cạnh nàng là đủ rồi.

– Thế nhưng nhỡ đâu…

– Nàng không tin ta có đủ sức bảo vệ nàng ư?

Tôi thở dài, lần trước kẻ nào bị thích khách đâm cho một nhát sống dở chết dở, suýt thì chết hả… Sực nhớ đến gã thích khách nọ, bỗng dưng tôi thoáng thấy áy náy, tức thì cũng mềm lòng, tôi bèn lén ra hiệu cho A Độ sẽ ngầm bám theo chúng tôi.

Thế là tôi và Lý Thừa Ngân cùng lén ra khỏi Đông cung mà thần không biết, quỷ không hay. Thế nào Vĩnh Nương cũng đinh ninh tôi và Lý Thừa Ngân đang ở trong điện, không một kẻ nào phát hiện ra hành tung của chúng tôi. Bỗng dưng tôi thấy háo hức vô cùng, thì từ xưa tôi đã thích xuất cung, long nhong bên ngoài mà, dù hôm nay phải dẫn theo Lý Thừa Ngân nhưng tôi vẫn rất đỗi vui sướng.

Ra khỏi Đông cung mới nhận ra trời đang mưa. Làn mưa rét buốt táp vào mặt, lạnh thấu xương, bất giác tôi thấy lo lo, nếu mưa to hơn, chỉ e hội hoa đăng ngày mai sẽ kém vui. Năm kia trời cũng mưa to, tuy trên phố vẫn dựng lều trúc, vẫn chăng đèn, nhưng trăng lên tù mù, nào có biển hoa đăng để mà ngắm đâu.

Con đường lát đá ngập nước, tiếng vó ngựa vang lên lộc cộc. Nhành liễu tuốt lá lưa thưa buông thõng như làn tóc rối, tô điểm cho quán xá hai ven đường, trong quán nhen nhóm ánh đèn vàng, đèn lồng nối đuôi nhau chạy dọc con đường dài trước mắt. Mai là ngày rằm tháng Giêng, nơi tửu lâu, quán trà tấp nập người ra người vào, ngựa xe như nêm. Thượng Kinh lúc nào cũng khoác lên mình vẻ phồn hoa, nhất là giáp tết Nguyên tiêu, cả nét yên ả, e ấp nữa, hệt như tân nương sắp về nhà chồng, nàng dày công trang điểm, vận xiêm y rực rỡ, chỉ đợi đến ngày mai.

Dừng trước phường Minh Ngọc, chúng tôi xuống ngựa, tiểu nhị ân cần, niềm nở chạy đến giữ cương, dắt chúng tôi vào tàu ngựa phía sân sau.

Tối nay phường Minh Ngọc nhộn nhịp hơn hắn, lầu trên lầu dưới đâu đâu cũng kín người. Chúng tôi ướt sũng, Vương đại nương nhìn tôi mà như nhìn bảo vật sống, ngoác miệng cười mãi, giọng vẫn sang sảng như mọi khi, may mà tôi kịp cướp lời bà ấy:

– Đại nương tìm phòng để chúng tôi thay quần áo trước đã, vị đại ca này lần đầu tới đây, vẫn còn lạ lẫm.

Vương đại nương nhìn chằm chằm Lý Thừa Ngân, đôi mắt sắc sảo vừa trông thấy viên minh châu trên mũ đội đầu của Lý Thừa Ngân, lập tức cười híp cả mắt:

– Vâng, vâng, vâng, đương nhiên rồi, mời hai vị công tử đi lối này.

Lúc lên lầu, tôi hỏi Vương đại nương:

– Nguyệt Nương đâu?

– Mới có khách đến gọi Nguyệt Nương đi hầu đàn rồi.

Tôi thấy là lạ, lần trước Nguyệt Nương mắc bệnh tương tư, nể mối thâm tình lâu nay giữa chúng tôi, Nguyệt Nương đàn có hai bài mà mặt ủ mày chau. Nguyệt Nương không chỉ là hoa khôi của phường Minh Ngọc, mà trong đám ca kỹ hàng đầu ở Thượng Kinh, Nguyệt Nương không xứng danh đệ nhất cũng phải là đệ nhị, tỷ ấy còn chẳng thèm đả động tới đám người quyền cao chức trọng nữa là… Thậm chí lần tôi dẫn Bùi Chiếu đến, tỷ ấy có bận lắm đâu. Tôi hiếu kỳ hỏi:

– Vị khách nào mà ghê gớm vậy?

Vương đại nương cười tươi rói:

– Còn ai vào đây nữa! Thì là vị lần trước khiến Nguyệt Nương nhà ta xuyến xao, bồi hồi mãi đấy thôi, hôm nay lại đến rồi.

Hả?

Bản tính tò mò trong tôi trỗi dậy, tôi liền chèo kéo đòi Vương đại nương dẫn đi xem bằng được. Vương đại nương bối rối bảo:

– Chuyện này… Khách đang uống rượu trong phòng… không thể phá luật được…

Tôi nói mãi, mềm nắn rắn buông đủ cả, vậy mà Vương đại nương nhất quyết không chịu. Bà ấy làm ăn không phải chỉ ngày một ngày hai, chắc không nỡ hủy hoại danh tiếng đã gây dựng bấy lâu. Bà ấy ân cần dẫn chúng tôi lên một gian phòng đẹp đẽ, lộng lẫy, còn gửi hai bộ quần áo, gọi hai đứa a hoàn xinh xắn vào giúp chúng tôi thay đồ, sau đó tự mình đi chuẩn bị tiệc rượu thết chúng tôi.

Đợi bà ấy đi khuất, tôi mới xua hai đứa đầy tớ ra ngoài, tự thay bộ quần áo ướt sượt trên người, âu cũng vì sợ lòi cái đuôi mình là con gái. Lý Thừa Ngân khẽ hỏi:

– Nàng định làm thế nào?

Tôi cười ngô nghê nhìn hắn:

– Làm thế nào cái gì cơ?

– Nàng đừng giả ngốc! Ta biết chắc chắn nàng có cách để đi xem mặt gã khách kia!

– Đương nhiên rồi! Nguyệt Nương là tỷ muội kết nghĩa với thiếp, nếu bị gã đàn ông xấu xa kia lừa thì sao? Thiếp phải đi xem mặt hắn ta mới được!

Lý Thừa Ngân “hừ” một tiếng, bảo:

– Nàng thì hiểu gì về đàn ông mà tốt với chẳng xấu?

Sao lại không hiểu? Tôi thừa hiểu nhé!

Tôi trỏ vào mũi hắn:

– Chàng đừng khinh thường thiếp! Loại người như chàng, đích thị là hư hỏng!

Sắc mặt Lý Thừa Ngân tối sầm:

– Thế ai mới là người đàn ông tốt?

Đàn ông đích thực đương nhiên là cha tôi rồi, nhưng bây giờ, tôi mà lấy cha tôi ra nói, thế nào hắn cũng sẽ cãi cho bằng được. Tôi nhanh trí nói:

– Như Phụ hoàng ấy, người mới là đàn ông chân chính.

Y như rằng, sắc mặt Lý Thừa Ngân càng khó coi hơn, tím tái như bị ngạt thở, nhưng hắn không thể bảo cha mình không phải người đàn ông tuyệt vời được, thế là hắn câm như hến, không dám tranh cãi với tôi nữa.

Tôi dẫn hắn ra ngoài, băng qua dãy hành lang, thấy bốn bề không bóng người tôi mới lôi tuột hắn vào một gian phòng.

Phòng không ánh đèn, tối như bưng, giơ bàn tay còn không nhìn thấy đủ năm ngón. Tôi mau chóng lần mò khóa trái cửa lại, rồi lại sờ soạng đai lưng trên người Lý Thừa Ngân.

Thấy tôi vừa trở gót đã ôm chầm lấy mình, Lý Thừa Ngân bất giác cũng gồng mình, nhưng vẫn không đẩy tôi ra, trái lại, còn để tôi thỏa sức lần mò. Khổ nỗi tôi mò mãi chưa xong, hắn tò mò hỏi:

– Nàng định làm gì thế?

– Suỵt! Chàng mang theo ngòi châm lửa đúng không? Đưa đây xem nào.

Lý Thừa Ngân hậm hực móc ngòi châm lửa, dúi vào tay tôi, xem chừng có vẻ giận dỗi, nhưng ngày nào hắn chẳng chơi bài hờn dỗi với tôi, thôi chẳng thèm bận tâm. Châm nến trên bàn xong, tôi nói:

– Bây giờ thiếp phải cải trang đã, rồi lát nữa đi xem mặt gã khách quý của Nguyệt Nương.

Lý Thừa Ngân nói:

– Ta cũng muốn đi!

Tôi mở hòm xiểng, vừa lấy đồ vừa nói với hắn, không buồn ngẩng lên:

– Chàng không được đi!

– Sao nàng được đi mà ta lại không?

Tôi xếp phấn hồng, bột nước ra bàn, cười tít mắt hỏi:

– Thiếp định trang điểm thành con gái, chàng đi được không?

Quả nhiên Lý Thừa Ngân cứng họng. Lúc tôi hí hửng ngồi xuống, soi gương dặm phấn thì Lý Thừa Ngân chợt buông thõng câu:

– Ta cũng cải trang thành con gái!

Tôi ngã khỏi ghế, mông đánh phịch xuống nền.

Ôi, cái mông của tôi! Đau quá… Đến khi Lý Thừa Ngân kéo tôi dậy, mông vẫn còn ê ẩm.

Lý Thừa Ngân nói:

– Kiểu gì cũng được, ta quyết phải đi cùng nàng.

Tôi bất lực ngước hỏi trời cao:

– Thiếp đi xem mặt gã kia, liên quan gì đến chàng mà chàng đòi theo?

– Nàng chẳng bảo cô Nguyệt Nương kia đẹp đến mức chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn còn gì…

Tôi tức đến chết mất thôi, vẫn biết Lý Thừa Ngân là gã lưu manh, nhưng không ngờ hắn còn trắng trợn đến nỗi sẵn sàng hạ mình, không ngại hy sinh thể diện, hóa thân thành con gái chỉ để ngắm hoa khôi Nguyệt Nương.

Tôi nguýt hắn:

– Thôi được, chàng qua đây!

– Làm gì?

Tôi soi gương, nở nụ cười nham hiểm:

– Đương nhiên là thiếp… trát phấn tô son cho chàng, chứ còn sao nữa!

Lý Thừa Ngân vẫn sẵn nét khôi ngô, trang điểm lên ắt hẳn sẽ kiều diễm chẳng kém mỹ nhân nào.

Tôi chải đầu, dặm phấn, cài trâm, đeo bông tai, điểm hoa văn lên trán hắn… Chưa hết, còn phải lục đáy hòm, tìm trong tủ một bộ váy cỡ lớn cho hắn mặc, quả là… Phớt tay áo, tha thướt như nàng tiên, rồi nhành hoa gì mà trĩu hạt mưa xuân đầm ấy nhỉ…

Điều khiến tôi thất vọng nhất là, lúc chúng tôi soi gương, nom hắn còn đẹp hơn cả tôi chứ!

Ai bảo da hắn mịn sẵn rồi, lại thêm lớp phấn khiến khí khái anh hùng biến đi đằng nào, chỉ còn thấy một bóng hồng xinh đẹp.

Điểm trở ngại duy nhất chính là vóc người cao lênh khênh của hắn, mặc đồ nữ vào trông hơi thô. Lúc xuống gác, không ít gã vẫy tay đong đưa với chúng tôi vì tưởng chúng tôi là những cô nương ở phường Minh Ngọc. Tôi cười giả lả, lách bên này, tránh bên nọ, chật vật lắm mới tới được cửa sau, bất thình lình bị một gã say chặn đường. Gã cười hềnh hệch, chụp lấy bả vai tôi:

– Tiểu nương tử ơi, qua đây ngồi với ta nào!

Miệng gã phả đầy hơi rượu làm tôi choáng váng. Tôi chưa kịp xoay xở, Lý Thừa Ngân đã vung tay giáng cho gã một cái tát.

“Bốp!”

Gã nọ bị đánh cho đờ người, tôi bèn nặn ra một nụ cười:

– Có… có con muỗi…

Rồi kéo Lý Thừa Ngân chạy biến.

Chạy một mạch ra tới lầu sau mới nghe tiếng gào như lợn bị chọc tiết vẳng lại từ lầu trước.

– Ối! Nó dám đánh người…

Phía lầu trước thoáng xôn xao, gã khách nọ la hét om sòm, nhưng thế nào cũng có người đến giải quyết ngay ấy mà. Bước ra đằng sau yên tĩnh hơn nhiều, tuy có cầu mái hiên nối liền, nhưng gian nhà phía sau chỉ dành để thết đãi thượng khách. Tiếng đàn ca thỉnh thoảng chen lẫn một vài câu nói cười lọt qua ô cửa sổ. Bên ngoài, tơ trời rả rích tuôn rơi, dường như phụ họa theo tiếng đàn thánh thót văng vẳng trong căn phòng. Khoảnh sân tĩnh lặng như tờ, vốn trồng lưa thưa vài loại cây chưa đến mùa nảy lộc, trông chỉ một màu tối đen. Tôi tò mò bèn kéo Lý Thừa Ngân chạy băng qua cầu mái hiên. Tai nghe xiêm y sột soạt, quét lê dưới đất, rồi tiếng bội ngọc va vào nhau thánh thót. Đèn lồng phía xa, từng chiếc nối đuôi nhau tỏa ánh đỏ mông lung, tưởng là xa nhưng hóa ra thật gần. Nhận ra mình đang nắm tay người nào đó, tôi sực nhớ ra, hình như đây là lần đầu tiên chúng tôi tay trong tay, chẳng hiểu vì sao vành tai tôi bỗng nóng bừng. Những ngòn tay tôi nằm gọn trong bàn tay mềm mại, ấm áp của hắn. Tôi không dám ngoái nhìn, cũng không rõ mình sợ hãi điều gì. May sao cây cầu rất ngắn, chẳng mấy chốc tôi đã kéo Lý Thừa Ngân vào một gian phòng.

Căn phòng được bài trí vô cùng tinh tế, lửa nhảy nhót trên bấc nến đỏ, khắp phòng thơm nức mùi trầm, đạp chân lên tấm thảm đỏ trải sàn mềm mại như đạp lên một đám tuyết. Tôi biết Nguyệt Nương thường tiếp thượng khách ở đây, tôi nín thở, rón rén tiến lên phía trước. Ghé mắt nhìn qua lớp bình phong, loáng thoáng thấy bóng dáng một gã đang ngồi giữa, Nguyệt Nương ngồi cạnh, vừa gảy đàn tỳ bà, vừa hátVĩnh ngộ lạc. Đáng ghét nhất là tấm mành rủ hờ sau tấm bình phong, che lấp gần hết thân hình gã khách kia, khiến tôi chẳng nhìn rõ gì cả.

Tiếng bước chân bất thình lình vang lên khiến tôi chết đứng, cứ tưởng gã nát rượu ban nãy đuổi tới nơi, hóa ra là Du Nương với mấy ca nhi. Thấy tôi và Lý Thừa Ngân, Du Nương giật mình hoảng hốt, tôi níu tay áo muội ấy thì thào:

– Du Nương, ta đây mà!

Du Nương bụm miệng giật lùi nửa bước, mãi sau mới cười nói:

– Sao Lương công tử lại ăn vận như thế này, làm em suýt nữa không nhận ra.

Rồi cô ấy đảo mắt sang Lý Thừa Ngân đang đứng sau lưng tôi:

– Đây là vị tiểu thư nào, nhìn lạ quá!

Tôi cười giả lả, nói:

– Nghe nói chỗ Nguyệt Nương có thượng khách đến chơi, ta ghé qua xem cho biết thôi.

Du Nương cười, bảo:

– Ra thế!

Tôi ghé tai Du Nương nói nhỏ với cô ấy mấy câu, sắc mặt Du Nương có phần đăm chiêu, song tôi vẫn cố năm nỉ:

– Tôi chỉ liếc một cái rồi đi luôn, đảm bảo không gây chuyện gì đâu.

Ở phương Minh Ngọc này, ngoài Nguyệt Nương ra thì Du Nương với tôi cũng là chỗ thân tình. Con người Du Nương vốn hiền lành, dễ bị lung lay trước màn chèo kéo của tôi, cuối cùng, cô ấy đành gật đầu đồng ý. Tôi sung sướng, quay sang hỏi Lý Thừa Ngân:

– Chàng biết múa không?

Cứ đinh ninh Lý Thừa Ngân sắp hộc máu, không ngờ hắn hỏi tôi tỉnh bơ:

– Múa điệu gì?

– Đạp ca[2]

[2] Đạp ca là một hình thức nghệ thuật vừa múa vừa hát, mang tính truyền thống của dân tộc Hán.

Chỉ chờ câu “không biết” của hắn là tôi sẽ cắt đuôi ngay lập tức, không ngờ hắn thẳng thừng buông hai từ:

– Ta biết!

Mình ngốc quá! Hắn là thái tử, cứ độ tháng Ba hằng năm, trong cung làm lễ Kỳ yên[3], năm nào cũng do thái tử đạp ca, mình thật ngốc quá đi mất!

[3] Theo tục lệ cũ, mùa xuân, mùa thu hằng năm làm lễ trừ tà ở bến nước. Vào mùa xuân, lễ Kỷ yên thường được tổ chức vào ngày Tị, thượng tuần tháng Ba âm lịch.

Tôi cố níu kéo chút hy vọng:

– Nhưng đây là điệu múa của con gái mà.

– Ta xem không biết bao nhiêu lần rồi, giống nhau cả thôi.

Thôi thì… đã đến nước này rồi, đâm lao đành phải theo lao vậy.

Trong phòng, tiếng đàn tỳ bà của Nguyệt Nương đã ngừng, tiếng sáo dìu dặt vang lên, trong đó ắt hẳn còn một đội chuyên đàn sáo nữa. Làn điệu thúc dục đám ca nhi ra sân khấu, nhịp phách lững lờ chậm rãi, uyển chuyển mà tao nhã.

Tôi hít một hơi thật sâu. Nhận quạt lụa từ tay Du Nương, Lý Thừa Ngân và tôi nối đuôi mấy ca nhi tiến vào.

Lúc ấy, Nguyệt Nương đã se sẽ cất giọng ca: “Chàng là trăng trên cao…”

Giọng Nguyệt Nương hay quá, mượt mà như châu như ngọc, mới hát một câu đã khiến người ta mê đắm… Tôi nghe tim mình đập rộn rã, cuối cùng cũng được thấy mặt mũi gã khách nọ ngang dọc ra sao, vừa háo hức, vừa phấn khởi lại vừa tò mò… Đám ca nhi chúm chím mỉm cười, chuyển mình xoay người lại, tôi và Lý Thừa Ngân cũng quay theo. Mọi người đồng loạt hạ tay quạt, chỉ có tôi vừa hạ quạt xuống đã cứng đờ người.

Chết trân tại chỗ…

Mà không chỉ mình tôi…

Lý Thừa Ngân ắt cũng thảng thốt như tôi. Những ca nhi khác đã bắt đầu hòa mình vào điệu múa, chỉ có tôi và hắn chững lại, đờ người.

Thì bởi vì, tôi có quen vị khách kia, không chỉ tôi, ngay cả Lý Thừa Ngân cũng biết.

Mà đâu chỉ quen biết bình thường…

Trời cao ơi…

Xin người cho chúng con một cái lỗ để chui xuống…

Hoàng thượng ơi…

Người có nhớ cánh sen trong cơn mưa mùa hạ bên bờ hồ Đại Minh không?

Bên cạnh tôi, những ống tay áo muôn màu bồng bềnh phiêu diêu theo điệu hát, tà váy tựa như có làn gió chao nghiêng, như băng tuyết tan chảy, lay động và đi vào lòng người. Tôi và Lý Thừa Ngân đứng ngây ra như khúc gỗ. Du Nương liên tục nháy mắt ra hiệu, tôi phải nhéo mình một cái, rồi lại cấu Lý Thừa Ngân… Phải chăng mình đang mơ? Nhất định là mơ rồi?

Bệ hạ… Phụ hoàng… Trời ơi tại sao lại là người? Người… người… người… bảo nhi thần và Thái tử Điện hạ nên trốn vào đâu đây… Nhi thần chỉ muốn đào một cái lỗ…

May thay, Bệ hạ không hổ là Bệ hạ, dù chúng tôi đứng chết trân vì quá đỗi kinh ngạc thì người vẫn rất điềm tĩnh quét mắt nhìn qua chúng tôi rồi thản nhiên nhấc chén trà, nhấp môi.

Lý Thừa Ngân là người lấy lại tinh thần trước, hắn kéo tay áo tôi, lả lướt nhún nhảy từng bước theo đám ca nhi. Vừa múa vừa quay đầu lại, thấy Nguyệt Nương đang trợn mắt nhìn mình, chắc tỷ ấy đã nhận ra tôi rồi. Tôi bèn nháy mắt, đáp lại tôi là cái lườm của Nguyệt Nương. Chắc tỷ ấy sợ tôi quấy quả làm thượng khách mất hứng, nhưng có đánh chết tôi cũng không dám làm trò xằng bậy trước mặt vị khách này.

Chẳng dễ gì qua được khúc đầu tiên, Nguyệt Nương mỉm cười đứng dậy toan lên tiếng thì vị khách liền nói:

– Điệu ca này quả không tệ!

Nguyệt Nương khéo léo nói:

– Vẫn còn chưa hay, may đại nhân không chê. Chi bằng tạm cho họ lui xuống, Nguyệt Nương đàn mấy bài hầu hạ đại nhân nghe.

Thượng khách gật đầu:

– Cũng được.

Nguyệt Nương vừa buông tiếng thở phào nhẹ nhõm, vị khách lại giơ tay chỉ:

– Bảo hai ca nhi này nán lại.

Ngón tay của vị khách trỏ vào Lý Thừa Ngân, kế đó chuyển sang tôi, không sai lệch chút nào. Nguyệt Nương như sắp ngất, nụ cười trên môi cứng đờ:

– Thưa đại nhân… giữ lại… giữ lại bọn họ là sao ạ?

– Kỹ thuật múa của hai ca nhi này rất khá, giữ lại để hầu rượu ta.

Lời thượng khách nói, ai dám khước từ! Thế là Nguyệt Nương ái ngại liếc tôi, tôi ái ngại ngó sang Lý Thừa Ngân, Lý Thừa Ngân ái ngại nhìn Bệ hạ, mà Bệ hạ ái ngại… khụ khụ, người đang nhìn xoáy vào chúng tôi.

Tóm lại, tất cả lui ra ngoài, bao gồm cả những nghệ nhân chơi nhạc, trong phòng chỉ còn bốn người ngơ ngác nhìn nhau, người nào người nấy đều có suy tính riêng.

Sau cùng, vị thượng khách lên tiếng:

– Nguyệt Nương, đi xem có món gì không!

Bấy giờ Nguyệt Nương luýnh quýnh nhìn tôi một lúc, rồi lại đưa mắt nhìn sang vị khách quý nọ. Trông vị đại nhân kia vẫn bình thản như không, dù tôi đã nháy mắt ra hiệu, song quả thực Nguyệt Nương chẳng hiểu ý tôi. Về sau lại sợ vị khách kia sinh nghi, Nguyệt Nương đành vái chào rồi lui ra ngoài.

Đầu gối bủn rủn, tôi quỳ sụp xuống, sợ thì không sợ, mà do là người. Vừa nhảy múa mệt phờ, đám ca nhi dưới trướng Du Nương đều là những ca kỹ có tiếng ở kinh thành, bở hơi tai mới bắt kịp bọn họ.

Lý Thừa Ngân cũng bắt chước tôi quỳ xuống, cảm giác trong phòng có điều gì đó khác thường, bầu không khí cũng thật lạ lùng.

Đừng có phạt tôi chép sách nữa nhé! Tôi rầu rĩ nghĩ, phen này mình gây họa lớn thật rồi, dám dẫn Thái tử Điện hạ đến kỹ viện, lại còn bị Hoàng đế Bệ hạ bắt tại trận nữa chứ! Bây giờ phạt mình chép ba mươi lần Nữ giới, chết chứ làm sao sống nổi!

Nhưng tôi sực nhớ ra một chuyện, Bệ hạ cũng đến thanh lâu kia mà. Chẳng hóa ra, cả nhà rủ nhau đến kỹ viện rồi còn gì, chắc người không nỡ phạt tôi chép sách đâu.

Tôi đang mải suy nghĩ thì bỗng nghe Bệ hạ hỏi:

– Ngân Nhi, sao con lại ở đây?

May mà Lý Thừa Ngân dõng dạc đáp:

– Do con hiếu kỳ, muốn đến xem cho biết ạ!

Bệ hạ chỉ vào tôi, hỏi:

– Thế Thái tử phi thì sao?

Lý Thừa Ngân vẫn hùng hồn đáp:

– Do Thái tử phi cũng thấy hiếu kì nên con mới dẫn theo.

Có tình có nghĩa đấy! Bấy giờ, tôi chỉ muốn vỗ vai Lý Thừa Ngân nói: “Không ngờ chàng lại trượng nghĩa đến thế! Nể tình chàng ra tay nghĩa hiệp, lần sau thiếp nhất định sẽ báo đáp.”

Bệ hạ cất tiếng “ờ” nhàn tản, sau đó nói:

– Không ngờ phu thê hai con lại sắt son như vậy.

Vẻ mặt Lý Thừa Ngân tỉnh bơ:

– Con xin mạo muội hỏi phụ hoàng, sao người cũng có mặt ở đây?

Thật không ngờ Lý Thừa Ngân lại to gan đến thế, thì cả nhà ngao du kỹ viện chứ có gì đâu, hà tất phải nói trắng ra như thế, chỉ làm khó xử hơn. Nhưng Bệ hạ vẫn cười, nói:

– Chấp chính không khó, miễn là không đắc tội với các danh gia thế tộc[4], thân là Thái tử, lẽ nào con không hiểu đạo lý đó?

[4] Trích Mạnh Tử.

– Những gì phụ hoàng chỉ bảo, nhi thần luôn ghi lòng tạc dạ, song phụ hoàng cũng từng nói, tiền triều diệt vong, căn nguyên bởi kết bè kết cánh, đảng phái trong triều mọc lên như nấm, lệnh vua như không, lại thêm dịch châu chấu triền miên, giang sơn xã tắc vì lẽ đó mà tuột khỏi tầm tay, đại nghiệp từ đó mà mất.

Họ nói gì mà tôi chẳng nghe lọt câu nào. Rõ ràng hai người họ đang bàn chuyện triều chính, chứ ngao du kỹ viện gì chứ!

Tôi thấy chán ngán, bỗng Bệ hạ cười phớt, nói:

– Trước mắt con định xử trí ra sao?

– Lật lại bản án ạ!

Bệ hạ lắc đầu:

– Án cũ từ mười năm trước, đâu dễ lật được. Vả chăng nhân chứng, vật chứng giờ đây đã thất lạc hết rồi, phải lật lại từ đâu đây?

Lý Thừa Ngân cũng cười, nói:

– Cần bao nhiêu vật chứng, ắt sẽ có bấy nhiêu. Về phần nhân chứng… Phụ hoàng đã thân chinh vi hành tới đây, tất phải biết nhân chứng đã ở đây rồi.

Bệ hạ bật cười, thở dài, nói bảo:

– Con thật là…

Tôi nhớ mỗi lần nghịch ngợm đòi cưỡi con ngựa bất kham, cha luôn mắng yêu tôi bằng câu nói vẻ bất lực ấy. Nỗi nhớ cha gợi lên trong lòng tôi một cảm giác ấm áp, thân thương, dù tôi không hiểu hai cha con họ đang nói gì. Lát sau, chợt vang lên tiếng bước chân hớt hải, liền đó, một ca nhi vốn quen biết đứng ngoài gõ cửa, cuống quýt gọi tôi:

– Lương công tử! Lương công tử!

Cả Bệ hạ và Lý Thừa Ngân đều đổ dồn ánh nhìn về phía tôi, tôi luýnh quýnh bật dậy:

– Có chuyện gì thế?

– Có kẻ tự nhiên xông vào, bảo Dư Nương nợ tiền hắn rồi trói Dư Nương lại, bây giờ đang đòi bắt Dư Nương đi!

Tôi vừa nghe đã thấy nóng gáy:

– Mau dẫn ta đi xem!

Lý Thừa Ngân kéo tay tôi nói:

– Ta đi cùng nàng!

Tôi ngoái đầu nhìn Bệ hạ, khẽ giọng nói:

– Chàng ở lại với Phụ hoàng đi!

Bệ hạ gật đầu với chúng tôi:

– Các con cứ đi đi, ta có người bảo vệ rồi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện