Chương 14: Kĩ năng thứ ba - Nhận biết tác hại
Ta đã nhận biết được các dấu hiệu cũng như các viễn cảnh lí tưởng tạo nên các dấu hiệu ấy. Tuy nhiên, giận dữ, buồn bực, ganh tị hay đau khổ có gì sai? Chẳng phải đó là một phần của cuộc sống con người hay sao?
Không sai, đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống, và những cảm xúc đó không hề sai. Tuy nhiên, hành
động dựa trên những cảm xúc này, cũng như bám víu các cảm xúc tiêu cực có thể làm nỗi đau kéo dài cho tới khi sức khỏe ta giảm sút, các mối quan hệ dần xấu đi, thậm chí có thể khiến ta cảm thấy chán ghét chính mình.
Cảm xúc không hề xấu, các viễn cảnh cũng vậy. Đó là một phần rất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu các viễn cảnh lí tưởng gây hại đến ta và những người xung quanh, có lẽ là ta nên buông bỏ nó đi.
Nếu các viễn cảnh lí tưởng giúp ta làm nên những điều tốt đẹp, thì ta không cần phải buông bỏ. Có nhiều viễn cảnh lí tưởng sẽ giúp ta trở nên rộng lượng, vị tha hơn. Có những lí tưởng ấy trong đầu không hề sai trái. Mà tôi cũng không nghĩ rằng ta có thể tránh không có bất kì một lí tưởng nào trong đầu được.
Tuy nhiên, nếu các viễn cảnh lí tưởng này bắt đầu gây hại cho ta và người khác, thì buông bỏ sẽ rất có lợi.
Ngay khi nhận ra các dấu hiệu và các viễn cảnh là căn nguyên của các dấu hiệu, thì hãy tự hỏi liệu các viễn cảnh này có gây hại hay không. Trong trường hợp viễn cảnh là nguyên nhân tạo nên sự nóng nảy hay những trạng thái cảm xúc tiêu cực khác, thì đa phần những viễn cảnh lí tưởng ấy là tiêu cực.
Khi nhận ra những tác hại của viễn cảnh trong mình, bạn sẽ thấy buông bỏ cũng là một hành động mang tính cảm thông với bản thân mình. Đó là hành động giúp chấm dứt nỗi đau. Buông bỏ có thể rất đau đớn, vì dù gì thì các viễn cảnh này cũng là một phần rất lớn thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, nỗi đau khi buông bỏ không lớn bằng nỗi đau mà những viễn cảnh này có thể gây ra nếu ta cứ khăng khăng không thả tay.
Hãy luyện tập nhận biết các tác hại, sau khi nhận biết các dấu hiệu và viễn cảnh tiêu cực.
Bước này dễ thôi, bạn sẽ giỏi ngay mà.