Bình thơ "Vịnh Lý Chiêu Hoàng"
Nguyễn Thanh Kim
Thương cảm trước số phận của Lý Chiêu Hoàng, nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) đã viết lên bài thơ "Vịnh Lý Chiêu Hoàng" như một lời cảm thông sâu sắc với thân phận của một nữ hoàng ở vào buổi suy tàn của triều đại; trước sự thịnh suy, trước dòng chảy của thời gian để nhớ về một nhân vật đặc biệt nhất trong lịch sử Nam.
Quả núi Tiêu Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những chuyện huê tình có biết không?
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo
Khách khứa nhà ai áo mũ đông.
Cố thi SĨ Tản Đà coi cả đời là "một kiếp thi nhân" trong bài thơ Lý Chiêu Hoàng đã ngưng lại cái phút chót vương triều Lý giai đoạn suy vong, chấp chính là Lý Chiêu Hoàng (con gái thứ của Huệ Tông). Câu thơ mở đầu như ngược dòng thời gian mang nặng sự cảm thán. Quả núi Tiêu Sơn có nhớ công của ngưỡng vọng Tiên Tổ, tiếc thương cho suy vong cả một triều đại từng rực rỡ, huy hoàng do lòng si mê của người con gái. Mà em đem nước để theo chồng. Nghe nói khi viết câu thơ này, Tản Đà đã nghĩ lung lắm, ông có chữa chữ bán thành chữ đem, nhà thơ không nỡ đổ lỗi cho Lý Chiêu Hoàng vì một chút lầm lỡ si mê Trần Cảnh mà dẫn đến tất yếu sụp đổ của triều Lý.
Nghĩ cho cùng, lỗi này không phải là ở họ mà ở quy luật lịch sử, ở âm mưu lật đổ triều chính từ tay kẻ khác trong thoán đoạt quyền lực thời phong kiến. Chẳng có gì trong sáng và thánh thiện bằng tình yêu - biểu hiện bản chất con người, nhưng trớ trêu thay chuyện đó cũng bị lợi dụng trong trò "mưu bá đồ vương" nơi cung cấm.
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những chuyện huê tình có biết không?
Cố thi sĩ Tản Đà, người đã từng nếm trải mọi vinh nhục của đời sống trước cách mạng, từng làm bạn với rượu để bày tỏ tâm sự của mình trước nhân tình thế thái: "Rót đau lòng ấy vào lòng này" (Trần Huyền Trân - uống rượu với Tản Đà), làm sao ông lại không cảm thông vào thời tao loạn và sự suy sụp của triều đại này.
Một giọng cảm hoài, u uẩn chìm khuất trong nỗi niềm nhà thơ đối với kiếp người, thăng trầm của thế sự và thời gian mà cảm thương cho Lý Chiêu Hoàng vào buổi hoàng hôn của thời đại mình:
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong...
Cái họa nhà Lý cũng lại từ chùa Chân Giáo sau khi Lý Huệ Tông bị Trần Thủ Độ buộc phải thắt cổ chết.
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo
Khách khứa nhà ai áo mũ đông
Cái nơi cửa Phật "am thanh cảnh vắng" trừ những kỳ tế lễ mà "áo mũ đông" thì thật không ổn rồi. Hai câu thơ khép lại tưởng chừng như chỉ bày ra mà người chứng kiến tấm thảm kịch triều Lý là sư cụ, do "một phút lầm lỡ, nghìn thu di hận" - cuộc tình người con gái, sự sụp đổ tất yếu ấy mà trớ trêu thay của lịch sử cứ cứa vào lòng người nỗi xót thương vô hạn.
Bài thơ "Vịnh Lý Chiêu Hoàng" của cố thi sĩ Tản Đà mở đầu khởi nghiệp nhà Lý từ chùa Tiêu Sơn và kết thúc suy vong là chùa Chân Giáo như một tiền định (Vốn là triều đại mộ Phật sùng Phật và có công phát triển đạo Phật ở nước ta thời kỳ này) trong vòng khép kín hợp - tan do nhân duyên và thuyết nhân quả. Bài thơ được viết rất chặt chẽ theo thể thơ thất ngôn bát cú, đối ý đối lời một chỉnh thể nghiêm ngặt mà giọng thơ cảm hoài của ông cứ vang mãi, động mãi tâm trí.
Nỗi niềm "Vịnh Lý Chiêu Hoàng" khóc thương cho thân phận người con gái si mê ấy, tiếc nhớ cho cả một thời đại huy hoàng đã đi qua và cũng là tâm sự của nhà thơ, của riêng ông "công không thành, danh chẳng toại", trước sự hưng vong, thịnh suy của kiếp người và thời đại, trước dòng chảy thời gian không cùng ấy.