P6 - Chương 5: Sào huyệt của ác quỷ
Sau khi Đản Đản bị bắt cóc, suốt mấy tháng ròng, mẹ cậu bé đều không xuống nổi khỏi giường, tinh thần hoảng loạn. Người mẹ dường như đã khóc hết nước mắt, đôi khi còn gặp ác mộng. Cô mơ một ngày khi mở mắt ra, rời khỏi cơn ác mộng, đứa con yêu quý sẽ trở về bên mình. Nhưng hết lần này đến lần khác, giấc mộng của cô không trở thành hiện thực. Người mẹ cả ngày chỉ biết nhớ con, gọi tên con, hỏi con ở đâu, con có lạnh không, con có cơm ăn không, con có nhớ mẹ không?
Người chồng tim đau như cắt, nói với vợ: "Chúng ta... cứ coi như con đã chết rồi vậy!"
Người vợ gào thét lên như một kẻ điên dại: "Không! Không! Không! Con tôi không chết!"
Bà nội đứa trẻ bất kể gia đình phản đối, thu xếp khăn gói, cầm một chiếc gậy ra đi. Bà cụ đầu đã bạc này ôm bức ảnh đứa cháu vào lòng, quyết tâm đi khắp nơi tìm bằng được đứa cháu nội.
Đây là một đoạn đường gian khổ và dài đến mức nào.
Bà nội, cũng là một người mẹ đã già nua!
Bất luận ở nông thôn hay thành thị, phần đa những đứa trẻ Trung Quốc đều được bà nội nuôi nấng đến khi thành người. Đây là một phương thức giáo dục truyền thống, khiến mỗi đứa trẻ đều có những kỉ niệm đẹp về bà.
Bà nội giống như vầng mặt trời soi chiếu tuổi thơ, là điều khiến những đứa trẻ sau khi trưởng thành mỗi khi quay đầu nhìn lại đều cảm thấy nhớ thương.
Mỗi bé trai chính là một chòm sao hạnh phúc, có những vệ tinh và hành tinh, tất cả người thân đều quay xung quanh cậu bé. Không có gì để nghi ngờ về việc người mẹ cho rằng đứa trẻ của mình là đứa bé đẹp nhất trên đời. Bà nội thì luôn cho rằng dù có yêu thương cháu mình đến đâu cũng không bao giờ là đủ. Thậm chí có những lúc, bà nội còn bảo vệ cháu mình như một con chim ưng bảo vệ chim non khi bố mẹ chúng có gì tức giận.
Đứa trẻ cũng không phải chưa biết gì. Có những câu triết lí chỉ những đứa trẻ ngây thơ mới có thể nói ra được.
Các nhà khoa học và nhà triết học trước nay đều không thể giải thích được tình yêu là gì. Một cậu bé mẫu giáo đã trả lời một câu kinh điển như thế này: "Tình yêu! Là hãy ôm ấy người khác!"
Cậu bé thống trị những vì sao trên bầu trời, quản lí trăm hoa dưới đất, mỗi đứa trẻ đều là một Thiên sứ, và mỗi gia đình là một Thiên đường. Thế nhưng, địa ngục có ở khắp nơi. Bất cứ lúc nào, bên cạnh chúng ta cũng có thể bật mở một cánh cửa dẫn vào địa ngục. Những đứa trẻ còn đang ê a tập nói, khi đã học được cách gọi bố, mẹ, ông, bà, các bậc cha mẹ bắt đầu dạy chúng cách nói địa chỉ gia đình mình, ghi nhớ tên bố mẹ. Điều đó cho thấy trong thâm tâm các bậc sinh thành, luôn có một nỗi sợ ẩn hiện như một bóng ma giữa cuộc đời: Bắt cóc!
Một đứa trẻ đang sống giữa gia đình hạnh phúc bị quẳng ra đầu đường sương gió.
Một đứa bé lẽ ra được sống trong nhung lụa giàu sang lại phải vác trên mình xiềng xích.
Một đứa con đáng được ôm trong vòng tay mẹ, chơi đùa trên lòng cha, bỗng dưng biến thành một thứ công cụ xin tiền chẳng khác gì những con chó con mèo hoang giữa đường giữa chợ.
Tất cả những điều đó, chúng ta phải đối mặt thế nào đây?
Mất đi một đứa trẻ, ít nhất sẽ có ba gia đình tan vỡ: bố - mẹ, ông nội - bà nội, ông ngoại - bà ngoại. Cả ba gia đình chìm trong tiếng khóc và nước mắt, ba gia đình gặp phải bão táp phong ba. Biết bao ông bố bà mẹ từ đó mà tinh thần trở nên bất thường, biết bao người ông người bà từ ấy mà đổ bệnh, rồi giã từ trần thế.
Chúng ta phải đặt một câu hỏi, trong thời đại lấy con người làm gốc hiện nay, những kẻ phạm tội bắt cóc lại được xử tội nhẹ hơn những kẻ buôn bán thuốc phiện, như vậy cán cân công lí liệu có nghiêng về một bên không?
Một đứa trẻ quỳ trên đường, nghĩa là đang trần thuật lại tội ác của cả nhân loại.
Những đứa trẻ ăn xin giống như những quái vật kì dị giữa thành phố. Cha mẹ đẻ của thứ quái vật ấy mang tên lãnh đạm một cách oan ức và thấy cũng coi như không!
Sự bộc phá của người phụ nữ đôi khi ngoài sức tưởng tượng. Một người mẹ có thể lấy thân mình chèn trước bánh xe để cứu đứa con thơ dại. Một người bà vì tìm kiếm cháu có thể lang thang khắp các thành phố biết bao tháng ngày. Trong những ngày xin ăn ấy, bà gặp được vô số những người tốt bụng, những người này đều đến từ một nơi gọi là - Làng hỏi han. Đó là nơi sinh sống của những người hỏi han từ khắp các miền đất nước. Họ cũng lang thang đầu đường xó chợ, dưới gầm cầu trong công viên, trong đường hầm.
Bà cụ là một người may mắn vô cùng khi gặp được tổ chuyên án. Việc phá một vụ huyết án vô cùng lớn và giải cứu một linh hồn trẻ thơ vô tội đều quan trọng như nhau. Bà cụ và tổ chuyên án đều tin tưởng rằng họ có thể tìm được Đản Đản, và họ hạnh phúc. Những ai không có lòng tin vào bất cứ điều gì sẽ không thể nào cảm nhận được sự hạnh phúc ấy. Bà cụ nghe tin Đản Đản đang ở khu Bành Hộ, thì giống như được nạp điện. Đã trải qua biết bao nhiêu khổ nạn và chua cay, cuối cùng cũng nhìn thấy có chút ánh sáng mặt trời, và theo phản ứng, bà cụ sẽ chạy đến nơi phát ra thứ ánh sáng diệu kì ấy.
Sau đây là cả quá trình:
Bà cụ đã gần tám mươi tuổi này tinh thần như được lên cót, đưa tay chống gậy, bước qua những con ngõ chất đầy rác rưởi, ra khỏi khu làng giữa phố bẩn thỉu và hôi hám kia. Suốt dọc được vừa đi vừa hỏi, đến được khu Bành Hộ. Các công trường xung quanh đầy những lều bạt và chỗ ở tạm thời. Khu Bành Hộ chính là một khu ổ chuột nghèo đói, những người phụ hồ đến đây làm việc đều đã về quê ăn Tết, xung quanh yên ắng vô cùng, một ngọn đèn đường lờ mờ chiếu xuống.
Ở góc đường nọ, bà cụ gặp phải bọn cướp. Hai đứa trẻ đứng nhòm ra từ trong ngõ nhỏ. Một đứa lớn một đứa nhỏ, đứa nhỏ tầm mười tuổi, đứa lớn khoảng mười bốn! Chúng thì thào vài câu rồi xông ra tay đấm chân đá, đánh ngã bà cụ xuống đường.
Đứa lớn có vẻ như là một kẻ trộm nhà nghề, chẳng mấy chốc đã moi được túi tiền giấu kĩ của bà cụ.
Hai đứa bé đều ăn mặc rách rưới, vừa là ăn xin vừa là ăn trộm. Những đứa nhỏ này mỗi ngày đều phải hoàn thành nhiệm vụ nhất định, nếu không kiếm đủ tiền về, chúng sẽ phải ăn đòn thừa sống thiếu chết. Để tránh đòn roi, chúng chỉ còn cách giao nộp sạch sành sanh những gì kiếm được. Những kẻ ăn xin ở với nhau đã thành một tập quán. Ngoài việc phải giao nộp tiền bảo kê cho nhưng kẻ xã hội đen, chúng không phải nộp bất cứ khoản gì khác. Có những kẻ ăn xin hàng tháng có thể thu nhập đến hàng vạn tệ. Một vốn bốn... mươi lời, điều đó khiến càng ngày càng có nhiều đứa trẻ bị bắt cóc rồi ép vào những chốn như thế này.
Bà cụ đứng dậy, lê lết từng bước vào trong sào huyệt của bọn yêu ma kia.
Hai đứa trẻ vừa ăn cướp nhanh chóng trở về chỗ ở. Đó là một căn phòng tạm bợ xây bằng gạch đá, nồi niêu xoong chậu la liệt dưới đất. Trong phòng còn có ba người khác, một đứa bé trai khoảng sáu tuổi ôm đầu gối ngồi thu lu một góc nhà, một người già đang ngủ trên giường, trước cửa có một chiếc xe kéo bằng gỗ, ngồi bên cạnh xe là một người phụ nữ đang đếm tiền lẻ.
Đứa trẻ lớn lên tiếng khoe chiến tích: "Hôm nay cháu vừa tẩn một mụ già một trận ra trò, cháu biết đánh nhau rồi đấy nhá!"
Đứa trẻ mười tuổi ấy chỉ vào mũi mình, nói: "Còn cả cháu nữa, cháu cũng đánh!"
Người phụ nữ cười to rồi nói: "Lần sau, chúng mày thử đi kiếm thằng người lớn ấy."
Đứa lớn nói: "Tiền đây! Cho cô!"
Đứa lớn lấy ra một bọc ni lông, bên trong là một cuộn tiền. Người phụ nữ đưa tay giật lấy, rồi móc tiền ra đếm, sau đó vo đống túi thừa lại ném vào một góc. Đứa bé nãy giờ vẫn im lặng trong góc nhà, quầng mắt thâm đen, vừa bị đánh một trận mà không dám kêu nửa tiếng. Đứa trẻ đáng thương đó chính là Đản Đản.
Nếu là một người lớn, có lẽ sẽ nhặt chiếc túi lên, kiểm tra kĩ càng xem có gì trong đó không. Nhưng đứa trẻ ngốc nghếch này đâu dám làm gì, chỉ ngồi đó, nhìn chiếc túi lăn trong góc tường mà không dám động đến.
Đợi đến khi đã không còn ai chú ý đến nó nữa, cậu bé mới cúi xuống, vừa cúi vừa ôm mông vì đau, và trong giây lát cậu nhìn chiếc túi rồi gọi một tiếng: "Bà nội!"
Mỗi một đứa trẻ nhỏ đều nhớ như in hình ảnh chiếc túi tiền của bà nội.
Đó là túi tiền của bà nội, một chiếc túi ni lông, khăn tay, và túi vải hay đặt trong giỏ rau đi chợ. Túi tiền của bà nội giống như một chiếc hộp nhiệm màu, có thể mua cho những đứa trẻ rất nhiều, rất nhiều đồ ăn ngon.
Trước giờ bà luôn rất tiết kiệm và giản dị, chẳng dám tiêu tiền hoang phí, mỗi lần mua được thứ gì thì vô cùng quý trọng. Đản Đản vẫn còn nhớ rất rõ, bà nội thường xuyên mở chiếc túi này mua cho cậu những túi snack khoai tây giòn tan ngon tuyệt.
Bà nội, chúng con nhớ bà nhiều lắm. Chúng con mãi yêu thương bà!
Bà nội, bà cầm bàn tay nhỏ bé của chúng con, dắt chúng con qua con đường đông đúc, đó là một quãng đường đã sớm chẳng còn trên đời nhưng mãi sống trong tim con.
Bà nội, bà dắt chúng con đi qua những ngày tháng nghèo đói, đó là những gì con luôn nhớ đến mỗi khi ngồi một mình trong ngôi trường đại học xa nhà.
Bà nội, bà dắt chúng con đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông, thật chậm, thật chậm, rồi bà không bước đi được nữa, đến khi chúng con muốn báo hiếu, bà đã không còn nữa rồi, chỉ còn lại sự nhân từ và nụ cười phúc hậu vẫn in hằn trong trí nhớ chúng con.
Đợi đến khi chúng ta lớn lên, bà nội đã về với mây gió, chỉ để lại những hình ảnh hiền từ. Chúng ta đi khắp góc bể chân trời, bận rộn vì cuộc sống, bước trên những con đường dài thật dài, nhưng đến một ngày, chúng ta sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bà nội nữa.
Khẽ gọi một tiếng bà nội, để nước mắt tuôn chảy như mưa!
Đôi mắt của Đản Đản lẩn khuất sau một đám mây đen, đó là do cậu thường xuyên khóc. Giây phút này đây mắt cậu như có một tia sáng hi vọng. Nhưng, cậu lại bỗng sợ hãi vô cớ, nhìn khắp bốn phương. Mỗi cử chỉ hành động của người khác, đều làm lộ ra vẻ sợ hãi của cậu từng phút từng giây cậu đều lo sợ bị đánh, sợ những cái véo của người phụ nữ kia và những trận đòn sấm chớp của ông già. Cậu run rẩy co vào một góc, như một chú mèo con sợ sệt, rồi bốc ăn những miếng thức ăn đã thiu hỏng từ bao giờ. Sau khi ăn xong, cậu nằm xuống dưới thảm, muốn nhắm mắt ngủ.
Ban đầu, khi Đản Đản mới bị bắt cóc, cậu thấy nhớ bà nội biết bao.
Đứa trẻ này không còn tìm được đường về nhà, vô cùng sợ hãi. Để đối phó với sợ hãi, cậu chỉ còn biết nhắm mắt mong chìm vào giấc ngủ. Nhưng chẳng mấy chốc, cậu lại giật mình tỉnh dậy, hoặc có thể cậu chưa hề ngủ chút nào. Đôi mắt cậu lại sợ hãi, từ từ nhìn bốn xung quanh xét nét. Cậu bé ngồi đó, giữa bóng tối bao trùm, có đứa trẻ nào không sợ bóng tối đâu. Đối mặt với bóng đêm, Đản Đản cố căng mắt để không khóc. Một khuôn mặt trẻ thơ vì sợ hãi mà trở nên trắng nhợt. Cậu bé sợ đến mức chẳng dám khóc. Khẽ chớp chớp mắt, một giọt lệ nặng trĩu rơi từ khóe mắt cậu bé xuống, không cầm nổi cảm xúc, lại một giọt, rồi một giọt nữa cứ thế tuôn rơi.
Một tâm hồn bé nhỏ làm thế nào để vượt qua được nỗi sợ hãi này? Suốt cả buổi tối, cậu chỉ có cảm giác cô độc và lạnh lẽo, không giây phút nào không nhớ về mẹ.
Cuối cùng, cậu lấy hết can đảm mà bật khóc, trong tiếng khóc hòa lẫn tiếng gọi mẹ ơi!
Tên bắt cóc bẻ gãy cánh tay cậu. Kể từ đó, cậu không còn dám chống đối, không còn dám khóc, thậm chí không dám cất lời nói. Thằng bé lớn lúc nãy lôi chiếc xe gỗ xuống phố, để thể hiện cho mọi người thấy trên xe có một đứa trẻ gãy tay, chính là Đản Đản. Những kẻ ăn mày xấu số sẽ dễ dàng nhận được sự thương cảm và đồng tình của nhân loại hơn. Rất nhiều ăn mày đều biết cách giả tạo cảnh tật nguyền hoặc bệnh hoạn. Giữa tiếng gào đau khổ ấy, cánh tay của Đản Đản dần dần biến thành dị hình. Sau này, đổi lại thành Đản Đản kéo xe, một đứa trẻ khác vòng chân lên trên cổ mình, giả vờ là người tàn tật để xin tiền.
Những đứa trẻ nhỏ bé nghĩ rằng những con đường dài xa tít kia rồi sẽ có điểm cuối. Chúng cố gắng kéo chiếc xe gỗ đi mãi. Đó không phải một cỗ xe đồ chơi, mà là một cỗ xe cở thú cưng. Cảnh tượng hai đứa chúng chẳng khác gì một con mèo đang kéo một con voi một cách chật vật.
Chỉ khi nào trời mưa, Đản Đản và cậu bé ăn mày trên xe mới có được những giây phút nghỉ ngơi. Chúng đến thư viện để tránh mưa.
Từng có một người cha mang theo đứa con trai của mình đến "chất vấn" vị quản lí thư viện rằng tại sao một nơi như thế lại có thể để cho ăn mày bước vào? Lí do của người cha rất xác đáng, đôi bàn tay của những kẻ ăn xin ăn mày kia vừa đen đúa vừa bẩn thỉu, chúng sẽ làm dơ bẩn những cuốn sách ở đây, rồi những thứ bẩn ấy sẽ gây hại cho con cháu của họ.
Người cha nói: "Thư viện mở cửa với cả ăn mày, tôi không hiểu các ông nghĩ nó có tác dụng gì hả?"
Vị quản thư viện đáp: "Tác dụng của nó là làm giảm đi nghiệp ác của chúng ta. Tác dụng của nó là giúp những đứa trẻ, không cha không mẹ có một bến bờ che chở, dù đó chỉ là nhất thời. Tác dụng của nó là giúp những đứa trẻ không có ăn không có mặc có một nơi để tránh cơn gió lạnh, khiến những người ăn mày run cầm cập vì lạnh giá đó được chút ấm áp từ những đồng loại xung quanh. Thư viện không chỉ dùng để truyền bá tri thức mà nay còn có một sứ mệnh vĩ đại hơn, đó là bảo vệ những đứa trẻ khốn khổ ấy."
Thiên đường là có thật, địa ngục cũng có thật, và cả hai nơi đó đều luôn ở rất gần chúng ta.
Cụ bà từng là lính trinh sát. Cụ lần theo hai đứa trẻ về tới tận cửa. Nhờ thứ ánh sáng yếu ớt trong gian nhà, cụ nhìn thấy Đản Đản đang ngồi co ro nơi góc tường.
Cụ thở hắt ra mệt nhọc, có chút chóng mặt muốn ngất xỉu. Trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng cụ đã tìm được đứa cháu yêu quý của mình. Lẽ ra phải liên lạc với tổ chuyên án để giải cứu cậu bé, nhưng cụ không thể khống chế nổi sự nóng vội và cảm tính của mình cụ chống gậy rồi dùng một thứ dũng khí lạ kì, bước cà nhắc vào trong gian nhà.
Những người trong đó đều vô cùng kinh sợ, chằm chằm nhìn cụ bà.
Đản Đản ngẩng đầu lên, nhìn ra bà nội, mắt cậu ngấn nước.
Bà cụ cũng lệ hai hàng, không nói lời nào, bước vào lôi tay cậu bé định rời khỏi đó. Người phụ nữ kia đã đứng trước mặt chặn đường, hai đứa trẻ ăn mày vừa rồi lại chạy lên đấm đá. Bà cụ dường như đã không còn cảm giác của sự đau đớn, chỉ còn một niềm tin rằng mình phải đưa đứa cháu nội rời khỏi đây, dù chết cũng không buông tay.
Hai bên giằng co nhau ra tới tận ngoài đường, đúng lúc một chiếc xe cảnh sát ngang qua.
Cảnh sát Tiểu Mã giơ chân đạp người phụ nữ kia ngã sang một bên, rồi thì thầm nói gì đó không rõ, nhưng trong đó có nhắc đến Hàn Lộ Quản. Người phụ nữ nghe thấy cái tên đó thì bỏ cuộc, rồi trở về gian nhà kia dọn dẹp đồ đạc, xem ra họ phải bỏ đi ngay trong đêm nay. Tiểu Mã đưa bà cụ và đứa trẻ lên xe rồi hỏi vài câu sơ sơ. Biết cụ chỉ đến đây có một mình, Tiểu Mã liền gọi một cuộc điện thoại.
Hàn Lộ Quản nhanh chóng lái xe trở về. Trước khi chôn sống hai bà cháu, Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã có nói chuyện với nhau thế này:
Tiểu Mã: "Hai tên này không dễ xử lí, tổ chuyên án là người từ Trung ương về."
Hàn Lộ Quản: "Tôi thu tiền bảo kê, nhưng đã chia cho anh một nửa rồi."
Tiểu Mã: "Chúng ta đã ngồi trên cùng một chiếc thuyền rồi."
Hàn Lộ Quản: "Tổ chuyên án mà anh nói ở đâu?"
Tiểu Mã: "Không ở đây."
Hàn Lộ Quản: "Họ không biết sự việc?"
Tiểu Mã: "Không biết họ lên xe của tôi."
Hàn Lộ Quản: "Thế thì đơn giản thôi."
Tiểu Mã: "Đơn giản như thế nào? Bọn tình nguyện viên cũng đang đi tìm thằng nhóc rồi."
Hàn Lộ Quản: "Để chúng khỏi tìm thấy là xong."
Gần công trường có một cái hố chưa lấp cát. Xung quanh không có một ai. Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã vì muốn che giấu hành vi tội ác của mình, đã nhẫn tâm đẩy hai bà cháu xuống hố, định chôn sống họ.
Từng xẻng cát lấp xuống, chẳng mấy chốc nữa thôi hai bà cháu sẽ biến mất không một dấu vết.
Bà cụ không xin tha chết. Cũng có thể, cụ biết rằng dù có xin cũng không ích lợi gì.
Bao Triển có trí nhớ hơn người, chỉ nhìn qua một lần có thể khiến anh ghi nhớ rất lâu. Tiểu Mã từng để lại số điện thoại cho tổ chuyên án. Bao Triển phát hiện ra số điện thoại hiển thị trong cuộc gọi của Hàn Lộ Quản chính là số của Tiểu Mã, điều đó chứng tỏ họ quen biết nhau. Khi lãnh đạo cục cảnh sát thành phố giới thiệu Tiểu Mã cho tổ chuyên án, có nói rằng Tiểu Mã là người phụ trách công tác cứu trợ và giúp đỡ các trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Hàn Lộ Quản chính là một phần tử xã hội đen, một kẻ chuyên vơ vét tiền xương máu của những người làm nghề này. Theo cả hai hướng phân tích, đều có thể phán đoán được mối quan hệ của bọn họ. Tiểu Mã và Hàn Lộ Quản cấu kết với nhau, đó là kết luận không còn gì để chối cãi nữa.
Bao Triển gọi điện thoại cho giáo sư Lương. Giáo sư cho biết Tiểu Mã đã đi đến khu Bành Hộ tìm bà cụ, cộng thêm phần kết luận phía trên để phân tích vấn đề, thì rất dễ dàng đoán ra Tiểu Mã gọi điện cho Hàn Lộ Quản để thương lượng đối sách, và chúng định giết người diệt khẩu.
Bao Triển và Họa Long chặn một chiếc xe trước cổng làng nghỉ dưỡng, rồi hỏa tốc chạy về khu Bành Hộ. Trên công trường ven đường, họ nhìn thấy hai chiếc xe ô tô dừng đối đầu nhau nhưng không tắt máy.
Bao Triển và Họa Long nhanh chóng chạy tới. Họa Long rút súng sẵn sàng hành động.
Bà cụ dưới hố chỉ còn lộ ra nửa người, cát đã lấp đầy tới ngực. Bà vẫn cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng nâng đứa cháu lên đầu.
Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã thấy bị phát hiện, chuyến này tội ác khó tha, Hàn Lộ Quản vội vàng lôi Đản Đản lên, rồi rút một chùm chìa khóa có treo con dao găm nhỏ ra, đặt vào sau gáy cậu bé, uy hiếp Họa Long và Bao Triển: "Đứng yên đấy, đừng có qua đây!"
Họa Long giơ súng, ngắm thẳng đầu Hàn Lộ Quản, mặt lạnh tanh.
Tiểu Mã quát Họa Long: "Bỏ súng xuống."
Họa Long trả lời chỉ một câu: "Chó chết!"
Bao Triển chưa kịp khuyên kẻ tội phạm buông đứa trẻ xuống, Họa Long đã ngắm chuẩn. Tiếng súng vang lên, Đản Đản sợ ngất đi, nhưng không hề bị thương chút nào.
Tiểu Mã sợ quá vội quỳ sụp xuống, hai tay đặt sau gáy Bao Triển định tiến lại còng tay hắn về phía sau thì phát hiện ra mình không mang theo còng tay.
Họa Long tiến lại, đạp một cước vào mặt Tiểu Mã. Cú đá quá mạnh, đầu Tiểu Mã ngửa ra phía sau...
Sau này, khi điều tra sự việc, phía cảnh sát không thể tìm được hộ tịch của Hàn Lộ Quản. Kết quả kiểm nghiệm pháp y cho biết, hắn nhóm máu B, khóe mắt trái có một nốt ruồi màu đen, trên trán có một vết sẹo. Bao Triển nhớ lại bức thư tìm trẻ lạc từng đọc được trước đây, những miêu tả trên đó rất phù hợp với đặc điểm nhận dạng của Hàn Lộ Quản. Trong những ghi chép của cảnh sát phát hiện thấy cậu ta từng phải vào trại cải tạo thanh thiếu niên, rồi có lần vì chặn đường tàu hỏa còn bị cảnh sát bắt về đồn.
Những ghi chép lúc đó có ghi lại rằng, Hàn Lộ Quản bị bắt cóc từ khi sáu tuổi, rồi bị chuyển nhượng từ người này sang người kia bảy tám lần.
Nếu những đứa trẻ không nghe lời, không ngoan ngoãn đi lên phố xin tiền, hắn sẽ bẻ gãy tay gãy chân chúng.
Hắn lớn lên trong môi trường đầy bạo lực và sự tàn nhẫn. Hắn trưởng thành từ những, ngày tháng lưu lạc không nhà.
Hàn Lộ Quản cũng có thể đã từng yêu ai đó. Hắn có lần nói đùa với Tiểu Mã rằng: "Nhìn dặm trăm cây, tìm người ấy nơi chân trời góc bể. Thoáng quay đầu nhìn lại, thì ra người đó ở ngay... trong khách sạn với mình! Ha ha ha..."
Mỗi con người lưu lạc nơi chân trời, càng đến khi về già lại càng nhớ nhà da diết. Tiểu Mã từng giúp Hàn Lộ Quản tìm kiếm gia đình mình, nhưng công lao như muối bỏ bể, chẳng được kết quả gì. Những kí ức của Hàn Lộ Quản về gia đình đã vô cùng mờ nhạt. Lúc đó hắn vẫn còn là một đứa trẻ, chỉ nhớ rằng hồi đó có thể nhìn thấy tàu hỏa ở gần nhà, có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa mạch đã thu hoạch chỉ còn lại gốc khô, rồi cả những cánh rừng xanh um tùm và bất tận.
Một năm nào đó, vào đêm giao thừa, Hàn Lộ Quản quay lưng về phía đầu tàu hỏa, một mình đi trên đường ray.
Thời khắc đó con người vạn ác kia có phải đang nhớ nhà không?
Đợi đến khi tàu hỏa tiến lại gần, hắn vẫn không tránh đường, trong lòng hi vọng con tàu sẽ đi qua đời hắn. Nhưng một điều kì diệu đã xảy ra. Người lái tàu kéo phanh khẩn cấp, cả đoàn tàu dừng lại ngay sát lưng hắn. Hàn Lộ Quản bị bắt giam vào đồn công an mấy hôm. Hắn khai với cảnh sát rằng, đừng hỏi hộ khẩu hộ tịch của tôi làm gì, đừng hỏi nhà của tôi ở đâu, tôi cũng chẳng biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu...
Lại một đêm giao thừa, muôn nhà đốt đèn sáng rực, những đứa con xa nhà về đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm năm mới, khắp nơi là sự vui vẻ của không khí mùa xuân.
Tô My khen Họa Long: "Anh làm tốt lắm! Anh tự tin về tay súng của mình lắm nhỉ!"
Họa Long nói: "Cứ thích nói nhiều với bọn đó làm gì cơ chứ?"
Bao Triển nói đùa: "Dù sao hắn cũng đỡ được khoản phải ra tòa thẩm vấn."
Giáo sư Lương lên tiếng: "Ngoài tòa án của con người dựng lên