P8 - Chương 1: Câu đố bảy chữ
Ngày hôm sau, người ta tìm thấy thi thể một người phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng. Nạn nhân đã bị xâm hại trước khi bị giết, trên cơ thể phát hiện dấu vết bị đánh đập. Hung thủ dùng một vật tù đánh vào sau gáy nạn nhân, dẫn đến tử vong. Phía cảnh sát tìm thấy chất dịch nam giới trong cơ thể nạn nhân, và ngay lập tức thông báo tình hình cho bộ công an.
Tổ chuyên án được cung cấp những bức ảnh chụp hiện trường vụ án. Trên tóc, tay và quần áo của người phụ nữ đều dính các vết bẩn từ nhà vệ sinh, trên khớp ngón tay phải có vết sơn dầu màu đỏ, thi thể nạn nhân nằm ngang trên nền xi măng của nhà vệ sinh.
Mặc dù hiện trường vụ án có vẻ thảm khốc, nhưng tổ chuyên án chỉ tiếp nhận những vụ việc mang tính chất vô cùng nghiêm trọng, vụ án này phía cảnh sát địa phương hoàn toàn có thể giải quyết được. Họa Long quay sang nhìn Bạch Cảnh Ngọc một cách khó hiểu, một vụ án cưỡng bức giết người chẳng lẽ cũng phải nhờ tới tổ chuyên án ra tay sao?
Bạch Cảnh Ngọc nói: "Trên người nạn nhân còn có bảy chữ, ý nói nạn nhân là một kẻ dâm phụ."
Tô My lên tiếng hỏi: "Hung thủ có vẻ là một kẻ biến thái, sau khi giết hại nạn nhân còn viết lại những từ làm nhục nữa?"
Giáo sư Lương trầm ngâm đáp: "Không đơn giản như thế đâu! Phía cảnh sát địa phương đã phải nhờ đến tổ chuyên án, chứng tỏ tình tiết vụ án nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều."
Bạch Cảnh Ngọc nói tiếp: "Trong dạ dày của người phụ nữ đó... có cả phân nữa."
Một người dân dậy sớm đi vệ sinh đã phát hiện ra cái xác, hiện trường vụ án đã bị những người dân tò mò đến xem phá hủy hoàn toàn, do đó các tình tiết của vụ án cũng đã bị lộ ra ngoài. Người dân tại đó đang đồn thổi về việc trong huyện có một kẻ biến thái giết người không chớp mắt, giữa đêm cưỡng hiếp, giết hại phụ nữ, không những thế hắn còn hành hạ và ép nạn nhân phải ăn những thứ bẩn thỉu, sau cùng viết chữ để lại trên người nạn nhân.
Giáo sư Lương phân tích: "Bảy chữ trên người nạn nhân ngoài mục đích làm nhục thanh danh ra, có thể còn có ý nghĩa nào đó nữa."
Bao Triển nói: "Bỗng nhiên cháu nhớ lại vụ án ngày 19 tháng 1 ở Lam Kinh mà đến giờ vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Trong vụ án đó cuối cùng cũng để lại một câu đố bảy chữ bỏ trống. Mấy ngày nay, cháu vẫn đang suy nghĩ nhưng chưa tìm ra lời giải đáp. Theo những gì chúng ta phân tích, trước khi hung thủ sát hại Điêu Ái Thanh, kẻ đó đã ép cô gái phải viết lại những điều hắn muốn. Điêu Ái Thanh trong lúc viết đã ý thức được rằng mình lành ít dữ nhiều, nên cố tình để trống lại mấy chữ làm đầu mối cho những người phá án sau này. Bảy chữ đó là: Mở, năm, là, người, biểu, và treo. Để tìm lời giải đáp cho câu đố này, cháu còn tìm hiểu cả về mã Moóc-xơ[1] và thỉnh giáo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Trong lúc nguy cấp, Điêu Ái Thanh chỉ có thể dùng các kí tự giản đơn để tạo mã, cụ thể hơn đó là dùng số nét của chữ Hán. Nhưng dù thế đi nữa, những trường hợp có thể xảy ra cũng rất nhiều. Chữ "mở" và "năm" đều có bốn nét, rất có thể chữ mà nạn nhân muốn biểu đạt là hung thủ, vì hai chữ này cũng có bốn nét. Lần theo phương hướng đó, có thể xảy ra mấy trường hợp như sau:
Thứ nhất, hung thủ là người x và x.
Thứ hai, hung thủ là x nhi và x (vì chữ "người" và chữ "nhi" đều có hai nét và tương đối giống nhau).
Thứ ba, hung thủ là x đao và x (chữ "đao" cũng có hai nét)."
Giáo sư Lương bổ sung: "Còn có một trường hợp nữa, đó là phần ghi chép đó vẫn chưa đủ, mà còn thiếu một phần nữa thì sao?"
Bao Triển cúi đầu suy nghĩ một hồi, rồi bỗng ngẩng nhanh lên đọc rành mạch từng chữ một: "Hung thủ là Đà Nhi và Quân..." Chữ cuối cùng có sáu nét, trong bảng chữ Hán có đến 587 chữ có sáu nét. Nơi cuối cùng mà nhân chứng nhìn thấy Điêu Ái Thanh là đường Thanh Đảo, và một nơi ném xác tương đối xa là ở gần Thang Sơn Lam Kinh, tất cả những người ở đây đều biết người sống ở đó là...
Bạch Cảnh Ngọc ngắt lời Bao Triển, nói: "Phía cảnh sát Lam Kinh đã thông báo tên gù đó bị xe cán chết rồi lái xe đã bỏ chạy."
Họa Long lên tiếng: "Ở khu Thang Sơn có một tòa nhà được bảo vệ rất nghiêm ngặt và thần bí. Tòa nhà đó đã rất cũ rồi, nghe nói khi vừa giải phóng có người phát hiện ra ở đó có một đường hầm ngầm bí mật. Người dân dùng đèn pin chiếu xuống lỗ thông gió nhưng chiếu mấy cũng không thấy đáy đâu, bên dưới chỉ thấy một màu đen dày đặc. Họ lấy một chiếc giỏ rồi dùng dây thả mấy chú chó xuống dưới thám thính, nhưng dây đã thả cả trăm mét cũng không thấy chạm đáy. Đang giữa lúc lúng túng chưa biết giải quyết ra sao, thì nghe có tiếng chó rống lên thảm thiết. Họ vội vàng kéo lên thì thấy chúng đã chết... Từ đó tòa nhà này bị nghi là sào huyệt của ác quỷ, tiếng tăm của nó cũng lan đi khắp vùng. Đến tận bây giờ, nơi đó vẫn là vùng cấm địa, những người dân thường đều không được phép vào trong. Tôi từng đến đó một lần cùng với thủ trưởng, hai hàng thông trước khu nhà trông rất âm u, và điều lạ là cành cây đều mọc hướng về phía tòa nhà. Cả tòa nhà có ba tầng, chủ yếu được thiết kế theo lối kiến trúc phục vụ cho mục đích quân sự. Nghe nói nguyên liệu xây tòa nhà đó đều được chuyển bằng không vận từ Mỹ sang. Ở phía bên phải của cửa chính, trên mặt đất có một vết cháy, mà tới giờ vẫn bị đồn là "vết cháy hình người" vì dù cọ rửa kiểu gì cũng không thể sạch được. Phía dưới tòa nhà có một mật thất rộng lớn và vô cùng thần bí, cụ thể được dùng vào mục đích gì thì những người ngoài đều không rõ. Khi tôi bước vào trong đó, cứ có cảm giác cả tòa nhà như đang ẩn giấu một cái bẫy nào đó, nếu không có người dẫn đường, thì chỉ có nước lạc trong đó mà thôi. Cửa các căn phòng đều rất thấp, những cửa bên đều được thiết kế kiểu chìm. Vào trong đó điện thoại mất sóng, và ở vào trạng thái chết màn hình. Tầng một có một lối đi bí mật thông với mật thất, cửa vào đường hầm bí mật được chắn kiên cố bằng lưới thép. Khi bước vào trong, chỉ có một màu đen, không biết cuối đường dẫn đến nơi nào."
Tô My nói: "Có một số nơi ngay cả công an cảnh sát cũng không được phép vào."
Giáo sư Lương giải thích: "Những nơi đó, họ có cơ quan trinh sát và thẩm án riêng biệt."
Bạch Cảnh Ngọc lên tiếng ngắt ngang cuộc thảo luận của mọi người, rồi nói nhát gừng: "Từ sau đừng ai nhắc đến vụ án đó nữa!"
Mọi người trầm ngâm. Vụ án Điêu Ái Thanh có thể sẽ trở thành một câu đố không lời giải, và mãi mãi sẽ không bao giờ biết được sự thật là gì.
Tổ chuyên án lại bắt đầu một cuộc trường chinh khác, một chuyến đi mà rất có thể cuối đường chính là địa ngục.
Vụ án giết người lần này xảy ra tại huyện Thọ Đảo, nằm ở khu vực tam giác châu thổ sông Hoàng Hà, là huyện thuộc diện nghèo cấp quốc gia. Nền kinh tế của vùng này vô cùng lạc hậu, không có người đầu tư khai thác, nhưng trong đội cảnh sát huyện lại có một nhân vật vô cùng tiếng tăm. Người này họ Cao, là bác sĩ pháp y. Ông là chuyên gia mang tầm quốc gia trong việc giám định các chất thải cơ thể. Mỗi khi các địa phương khác xảy ra vụ việc có liên quan đến lĩnh vực này, ông thường là lựa chọn đầu tiên mà họ nghĩ đến. Mấy năm gần đây, ông đã giúp phá giải không ít các vụ án từng làm chấn động cả Trung Quốc.
Tổ chuyên án nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của lực lượng cảnh sát huyện Thọ Đảo. Tô My cảm thấy những người cảnh sát ở nơi đây chẳng giống cảnh sát chút nào, có người vẫn đi giày vải, điện thoại thì bỏ trong một cái túi rồi treo cạnh hông, giọng nói oang oang, có phần thô thiển, ai không quen chắc sẽ nghĩ rằng họ đang cãi nhau.
Giáo sư Lương có yêu cầu đặc biệt về việc mời vị chuyên gia giám định chất thải cơ thể đến hỗ trợ việc phá án.
Lãnh đạo cục công an và tổ chuyên án cùng nhau tới phòng giải phẫu nhưng không gặp được chuyên gia đó. Họ tìm hết các phòng xung quanh cũng không thấy bóng dáng ông ta đâu. Lãnh đạo cục công an có phần lo lắng, vội gọi điện cho chuyên gia hỏi thăm tình hình nhưng ông ta cũng không thèm nhấc máy.
Lãnh đạo cục công an đành ngượng ngùng quay sang nói với tổ chuyên án: "Ông này cậy có tài nên hơi kiêu ngạo, hay làm cao. Chúng ta cứ đi ăn cơm trưa lấy sức đã, rồi vừa ăn vừa bàn bạc về vấn đề này vậy."
Tổ chuyên án theo lãnh đạo cục công an đến nhà ăn chung của đơn vị thì phát hiện ra chuyên gia kia cũng đang ở đó. Ông ta đặt những loại rau trong giỏ ra bàn theo từng loại và từng mã hiệu, có vẻ đang rất bận rộn, đến mức dao giải phẫu cũng đặt đầy trên mặt bàn chưa kịp thu dọn.
Lãnh đạo cục công an lên tiếng giới thiệu: "Anh Cao, mấy vị đây là người của tổ chuyên án, được mời đến để giúp chúng ta phá án đấy!"
Chuyên gia không thèm ngẩng mặt lên, chỉ lí nhí vài câu nhưng nghe vẫn rõ ràng: "Trong mắt của tôi, họ cũng chỉ là những kẻ chân ướt chân ráo thôi."
Họa Long bỗng thấy khô cổ rồi ho lên hai tiếng, cảm giác mình có chút sốt nhẹ, có lẽ là do toát mồ hôi quá nhiều. Anh thấy trên bàn đang đặt một chiếc nhiệt kế, liền tiến lại định mượn để đo nhiệt độ cơ thể.
Họa Long vừa cầm chiếc nhiệt kế lên, chuyên gia liền chậm chạp nói: "Đó là nhiệt kế chuyên để phá án, thường thì hay cắm vào miệng hoặc hậu môn của xác chết."
Mọi người phá lên cười, riêng Họa Long có phần ngượng ngùng, rồi vội bỏ chiếc nhiệt kế về chỗ cũ.
Lãnh đạo cục cảnh sát mời tổ chuyên án ăn cơm cho đúng giờ đã, rồi nghiêm khắc lệnh cho chuyên gia kia bỏ hết những công việc đang làm lại, cùng ăn cơm. Trong giờ cơm, chuyên gia giới thiệu với giáo sư Lương: "Tôi đã xét nghiệm thử rồi, còn dùng cả kính hiển vi để kiểm tra lượng chất xơ nữa. Với một nơi nghèo như huyện chúng tôi, trong phân không thể nào "cao cấp" như thế được."
Tô My vừa gắp lên một miếng cá, nghe thấy vậy thì cau mày, rồi lại từ từ bỏ xuống.
Lãnh đạo cục công an cho biết họ đã điều tra ra danh tính của nạn nhân. Cô ta tên là Trần Lộ, là một giáo viên dạy ngữ văn tại một trường trung học trong huyện, là người có chút nhan sắc, nhưng tính tình khép kín.
Khi mọi người đang định nâng cốc, thì chuyên gia lại bắt đầu giảng giải về thành phần cụ thể trong mẫu chất thải tìm thấy trong dạ dày nạn nhân, cả bốn người của tổ chuyên án lại đành bỏ cốc xuống, ngồi nghe tường tận.
Chuyên gia nói: "Phần chất thải đó thực ra ban đầu đều là sơn hào hải vị cả, sau khi ăn vào thì mới thành phế phẩm như thế. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong mẫu chất thải tìm thấy vẫn còn sót lại rất nhiều phần chưa tiêu hóa hết của thịt chuột Hà Lan, thịt ốc sên Pháp, và bông cải xanh. À, xuýt nữa thì quên, còn có cả một ít ngọn đậu ván nữa. Ở cái phố huyện nghèo nàn này của chúng tôi, có tìm cũng chẳng thấy nhà hàng nào đủ cao cấp mà chế biến mấy món đó cả."
Bao Triển nghi hoặc, hỏi: "Chẳng lẽ... nạn nhân đã ăn từ trước khi về đến đây sao?"
Lãnh đạo cục công an thì nghĩ rằng: "Cũng có thể hung thủ đã ép nạn nhân ăn chất bẩn ở ngay gian đó."
Chuyên gia giải thích: "Chúng tôi đã kiểm tra rất kĩ trong nhà vệ sinh nơi xảy ra vụ án rồi, không hề phát hiện thấy dấu hiệu của chất thải cùng loại, cả những gian khác cũng không thấy có."
Giáo sư Lương bỗng hỏi ngược lại: "Tại sao mọi người lại đều cho rằng hung thủ ép nạn nhân ăn những chất thải đó nhỉ?"
Lãnh đạo cục công an quả quyết: "Nhất định là kẻ đó đã uy hiếp nạn nhân rồi!"
Giáo sư Lương bình tĩnh giải thích: "Vẫn còn một khả năng khác nữa."
Lãnh đạo cục công an vội vã hỏi: "Là gì?"
Giáo sư Lương trả lời: "Nạn nhân tình nguyện ăn..."
Lãnh đạo cục công an cười to, phản đối: "Ha ha! Làm sao như thế được. Ai mà lại muốn ăn mấy thứ ấy cơ chứ!"
Chuyên gia rất bình tĩnh, nói: "Tôi từng thử nếm rồi nhưng tất nhiên đó là vì mục đích nghiên cứu... Ơ mà sao các vị không ăn thức ăn đi?"