P9 - Chương 2: Xác chết gõ cửa

Sau vụ án đứa trẻ áo đỏ, phố núi này còn xảy ra một loạt các vụ việc kì lạ liên quan đến cái chết của những đứa trẻ nữa.

Gần trường trung học thực nghiệp của thành phố mới mở một tiệm bún phở, khách hàng chính là các học sinh. Chủ tiệm ăn là cặp vợ chồng họ Sái. Ngày 14 tháng 12, khoảng 7 giờ 40 phút tối, đã không còn chút ánh mặt trời nào, bà chủ cửa hàng văn phòng phẩm bên cạnh bỗng hộc tốc chạy sang, gọi: "Nhanh lên! Thằng bé nhà anh chị xảy ra chuyện rồi!"

Hai vợ chồng vội vã chạy lại, thì thấy đứa con bốn tuổi của mình đang treo trên một sợi dây điện thoại của bốt điện thoại trước cửa tiệm văn phòng phẩm. Chân đứa trẻ cách đất chỉ vài centimet, đã bất tỉnh nhân sự. Sau khi đưa tới bệnh viện, bác sĩ tuyên bố đứa trẻ đã qua đời, việc mất con khiến đôi vợ chồng vô cùng đau đớn. Đứa con duy nhất của họ cứ thế chết một cách không rõ ràng, họ yêu cầu phía cảnh sát phải điều tra làm rõ. Cảnh sát hình sự địa phương loại trừ khả năng đứa trẻ bị sát hại, căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài cho thấy bé trai họ Sái chết do nguyên nhân ngoài ý muốn. Sau sự việc đó, dân tình vô cùng phẫn nộ, rất nhiều người cho rằng hung thủ đã treo đứa trẻ lên dây điện thoại, vì khả năng bật cao của một đứa bé là có hạn, đứa bé không thể nào nhảy lên đến độ cao của dây điện được.

Mấy ngày sau, sau khi đôi vợ chồng họ Sái lo xong việc ở nhà tang lễ, một người làm việc ở đó bỗng nói với họ: "Đứa trẻ nhà anh chị chết có phần trùng hợp."

Người phụ trách việc đốt lửa nói một câu khiến họ đều tim đập chân run: "Đứa bé nhà anh chị là đứa trẻ họ Sái thứ bảy chết trong tháng này ở đây rồi đấy."

Vợ chồng họ Sái bỗng thấy lạnh gáy, bảy đứa trẻ họ Sái lần lượt qua đời không rõ nguyên nhân, làm sao có thể trùng hợp thế được?

Một người trong nhà tang lễ nhìn tờ giấy chứng tử, rồi nhìn hai vợ chồng kinh ngạc nói: "Đứa bé nhà anh chị sinh ngày 18 tháng 8 năm 2005 à? Hôm đó là ngày 14 tháng 7 âm lịch mà."

Một người khác thốt lên: "Rằm tháng bảy!"

Đứa trẻ đó sinh ra chính vào ngày xá tội vong nhân.

Những người làm nghề này đều có những kiêng kị riêng của mình. Họ gọi ngày xá tội vong nhân là "tết ma". Trong ngày "tết ma" này có một truyền thuyết rằng vào đêm 14 tháng 7, quỷ môn quan mở cửa để các linh hồn được ra ngoài du ngoạn, đến đêm 15 tháng 7 cánh cửa này sẽ đóng lại. Những đứa trẻ sinh ra vào ngày này được gọi là "quỷ tể" nghĩa là đứa trẻ ma, và thông thường chúng chỉ đón sinh nhật theo lịch dương mà thôi.

Bảy đứa trẻ họ Sái, trong đó có hai đứa trẻ trên trán có vết kim châm, phía cảnh sát đều kết luận đó là tử vong ngoài ý muốn.

Hai đứa trẻ đó chết đuối, một trai một gái, sống trong cùng một làng. Trên đường đi học về bị ngã xuống ao nước sâu phía dưới đường núi. Phía cảnh sát không thể giải thích được hai vết kim châm trên trán chúng từ đâu mà có. Những đứa trẻ khác chết do ngộ độc thức ăn, bị điện giật, tai nạn xe, và do lên cơn hen, cộng với đứa bé mới tử vong trên dây điện thoại nữa là bảy.

Bảy đứa trẻ họ Sái, đứa bé nhất bốn tuổi, đứa lớn nhất cũng mới mười hai, phía cảnh sát cho rằng điều đó không hề liên quan gì đến nhau.

Những người dân trong làng vô cùng phẫn nộ, tát cạn ao với mong muốn tìm ra chứng cứ giết người, nhưng không có thu hoạch gì cả. Hai đứa trẻ chết đuối không được hỏa táng, cha mẹ chúng và người dân trong làng mang con họ đến cửa cơ quan tỉnh để đòi một lời giải thích rõ ràng.

Tâm lí người dân vùng phố núi ngày một bất ổn, trước cổng các trường học giờ đây ngày ngày đều tập trung rất nhiều phụ huynh đến đưa đón con, việc hàng loạt trẻ em tử vong không rõ nguyên nhân khiến nơi này bị bao phủ bởi một màn đêm vô hình.

Cảnh sát thành phố nhờ tới sự giúp đỡ của tổ chuyên án để hỗ trợ điều tra. Cục trưởng cục công an của thành phố tên là Vương Lệnh Quần, một anh hùng chống tội phạm rất nổi tiếng trong giới cảnh sát. Ông cả đời cống hiến cho nghề, từng giành được vô số giải thưởng, là một trong mười cảnh sát nhân dân xuất sắc nhất Trung Quốc, và cũng là một hình mẫu anh hùng hiếm có. Ông là người vẻ ngoài ôn hoà và nội tâm vững vàng, cách làm việc lạnh lùng của ông từng một thời nổi tiếng trong giới cảnh sát Trùng Khánh, người dân ở phố núi này mỗi khi nhắc đến ông đều phải giơ ngón cái lên tán thưởng.

Tô My nói: "Cục trưởng Vương lần này gặp phải vụ án khó rồi. Cục trưởng chắc cũng không muốn để tiếng xấu muôn đời."

Bao Triển lên tiếng: "Người tài giỏi như cục trưởng Vương mà còn phải cúi đầu nhờ đến sự trợ giúp của chúng ta, chứng tỏ đây là một vụ án không hề dễ dàng gì."

Giáo sư Lương nói: "Tôi từng đọc hai cuốn sách do cục trưởng Vương viết là "Tuyển tập luận văn hiệp hội giám định pháp y quốc tế 2004" và "Kiểm nghiệm dấu vết và trinh sát phá án"."

Họa Long cảm khái, nói: "Đây đúng là một anh hùng thực sự trong giới cảnh sát cả nước, đáng để tôi gọi một tiếng "anh cả" cũng chỉ có cục trưởng Vương thôi."

Vương Lệnh Quần dùng nghi thức cao nhất để tiếp đón tổ chuyên án. Từ trước tới giờ tổ chuyên án mỗi khi nhận nhiệm vụ đều được cảnh sát các nơi tiếp đãi vô cùng long trọng. Có nơi sắp xếp yến tiệc ở khách sạn năm sao, có nơi tổ chức họp báo chào đón một cách rầm rộ. Nhưng Vương Lệnh Quần thì hoàn toàn khác, ông mời tổ chuyên án ra quán đồ nướng ven đường gần đồn công an làm một bữa tẩy trần.

Mấy người ngồi trên ghế gấp, ăn đồ nướng, uống bia, chủ quán tay cầm một chiếc quạt nan rách, quạt nhanh tay làm những viên than củi trong lò bốc lên đỏ rực rồi nhanh tay rắc gia vị lên những xiên thịt đang bốc khói thơm lừng. Cách một bức vách, có mấy bàn nhậu, từ đó vọng sang tiếng hò dô của mấy người gánh thuê đang chúc tụng lẫn nhau.

Tô My nói đùa: "Cục trưởng Vương sao lại keo kiệt thế? Chỉ mời chúng cháu ăn đồ xiên nướng thế này thôi ạ?"

Vương Lệnh Quần trả lời: "Đây là cách tiếp đón long trọng nhất của tôi rồi đấy. Ăn mặc bảnh bao đi khách sạn lớn là cách chào đón khách thôi, còn ngồi với nhau giữa chỗ như thế này uống bia mới là bạn bè thực sự. Tôi coi mọi người như những người bạn chứ không phải như những vị khách kia."

Họa Long nói: "Cục trưởng quả nhiên là một người hào sảng, Họa Long phải đổi một bát lớn để uống mới xứng với người bạn lớn thế này được, bát này nhỏ quá."

Vương Lệnh Quần lên tiếng gọi sang bên cạnh: "Chủ quán, cho mấy cái bát lớn. Nào, mời mọi người! Giáo sư Lương Thư Dạ, nghe danh đã lâu, nay mới được gặp. Xin mời!"

Giáo sư Lương nói: "Xem ra hôm nay không say thì không về được rồi!"

Tô My vừa cười vừa nói: "Cục trưởng Vương, tôi và Bao Triển xin được dùng cốc thường thôi. Các vị cứ uống bát lớn cho đúng khí thế anh hùng. Mà cục trưởng uống say về nhà không sợ bà xã tính tội sao?"

Vương Lệnh Quần cũng không vừa, quay sang hỏi: "Cô bé, trông cô xinh xắn thế này, đã có người yêu chưa hả? Có cần tôi giới thiệu cho một cậu không?"

Tô My trả lời rất tự nhiên: "Tôi còn chưa biết chọn chồng như thế nào đây!"

Vương Lệnh Quần vừa cười vừa nói: "Câu này mà hỏi vợ tôi, chắc chắn câu trả lời sẽ là: Lấy ai thì lấy, đừng lấy cảnh sát!"

Mọi người phá lên cười vui vẻ. Trong hoàn cảnh như thế này hoàn toàn không phù hợp để nói chuyện công việc, nhưng mấy người gánh thuê ở bàn kế bên bắt đầu bàn tán về cục trưởng Vương Lệnh Quần, mọi người có phần im lặng lắng nghe.

Những người gánh thuê này là dân lao động bán sức kiếm cơm ở vùng núi này, họ có mặt khắp các ngõ xóm, trong tay chỉ có đòn gánh và gậy trúc, làm công việc vận chuyển hàng thuê. Họ là tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội nơi này.

Một người kể: "Cục trưởng Vương Lệnh Quần ngày nào cũng phải mặc đồ chống đạn đi ngủ, vì đắc tội với nhiều kẻ xấu quá!"

Một người khác lên tiếng: "Nghe nói cục trưởng Vương hay lái taxi giả làm dân thường đi thị sát. Hồi còn ở vùng Đông Bắc, ông ấy còn được cánh phu xe xích lô ba bánh vô cùng tôn trọng. Mấy người ấy có không ít là dân về hưu, thường xuyên bị bọn lưu manh đầu gấu o ép bắt nạt. Vương Lệnh Quần hạ lệnh bắt hết bọn đầu gấu, không những phải trừng trị theo pháp luật, mà còn thu giữ toàn bộ số tiền phi pháp của bọn chúng, trả lại cho các phu xe. Có một câu chuyện mà ai cũng biết: Một hôm trời đã tối khuya, Vương Lệnh Quần từ đơn vị đi bộ về nhà. Một người phu xe nhận ra ông, vội đạp xe lại, nằng nặc đòi đưa ông về nhà nhưng ông không từ chối, Mới đi được khoảng vài trăm mét, thì thấy phía sau có một đoàn xe mười mấy chiếc đi theo hộ tống."

Một người gánh thuê cảm khái, nói: "Nước mình có thêm vài vị thanh quan như thế, thì xã hội đã thái bình rồi!"

Bốn người tổ chuyên án không ai nói gì, cùng nhau mời cục trưởng Vương một cốc.

Một người làm quan cho dù nhận được bao nhiêu huân huy chương, giành được bao nhiêu giải thưởng, tất cả đều chỉ là hư vinh. Giá trị đích thực của họ được tạo nên bởi chính những lời nói và nhận xét của người dân lương thiện. Những vị lãnh đạo cao cấp, xuất hiện trong bao nhiêu sự kiện trọng đại, nếu có thể cảm nhận được sự gian khổ của nhân dân, đi trên một chuyến tàu về quê dịp tết, thì nỗi khổ mỗi độ xuân về của dân đen chắc đã được giải quyết từ lâu rồi. Những quan viên ăn uống no say bằng tiền công quỹ, mở cả trăm cuộc họp bàn về việc giải quyết vấn đề dân sinh, chẳng bằng ngồi ăn ở một quán xiên nướng ven đường, nghe tiếng lòng thực sự của những con người nghèo khó và gian khổ, gần gũi và cảm nhận một cuộc sống đích thực của nhân dân.

Lực lượng cảnh sát tại thành phố này đang trong giai đoạn cuối của cuộc vận động thanh trừ các thế lực xã hội đen. Súng đạn bất hợp pháp, các vụ án tích tụ lâu ngày chưa giải quyết, những tội phạm bỏ trốn, cục trưởng Vương đang phải bù đầu giải quyết hết những thứ ung nhọt ấy của xã hội. Vụ đứa bé áo đỏ và bảy đứa trẻ họ Sái khiến hình ảnh gần gũi dân của cảnh sát nơi này bỗng dưng bị nghi hoặc. Vương Lệnh Quần mời tổ chuyên án đến, với hi vọng họ sẽ tìm ra được lời giải đáp có giá trị, làm yên lòng dân chúng.

Tổ chuyên án phân tích cho rằng trong vụ bảy đứa bé họ Sái, có năm vụ có thể xác nhận là tử vong ngoài ý muốn.

Trong vụ án đứa trẻ họ Sái chết treo tại bốt điện thoại, tổ chuyên án sau khi kiểm tra hiện trường, đã có kết luận như sau: Bốt điện thoại hình tròn, cao hai mét mốt, dưới để ba chiếc ống hình bán nguyệt làm bằng thép không gỉ dùng để gia cố bốt điện thoại. Những ống đó cách mặt đất lần lượt là 48, 30 và 11 centimet. Báo cáo kiểm nghiệm vi lượng cho thấy trên ống thứ hai có vết trèo nhưng không rõ rệt, có thể đứa trẻ đã trèo lên đó và không may bị siết cổ vào dây diện thoại dẫn đến tử vong.

Trên trán hai đứa trẻ chết đuối đều có dấu kim châm trên trán giống như đứa trẻ áo đỏ, do đó nguyên nhân cái chết cả ba đứa trẻ này rất khả nghi, tổ chuyên án đã liệt trường hợp ba đứa trẻ đó vào danh sách đối tượng quan trọng cần điều tra.

Mở bản đồ vùng núi, tổ chuyên án chọn một đồn công an gần nhất và cách đều nơi ba đứa trẻ gặp nạn. Vương Lệnh Quần không thể sắp xếp thêm lực lượng cảnh sát để hỗ trợ tổ chuyên án được, nên phái một cảnh sát họ Đường đến giúp đỡ tổ chuyên án điều tra. Trợ lí Đường cho biết đồn cảnh sát mà tổ chuyên án chọn rất đơn sơ, thực chất là một trạm kiểm soát, nằm ở lưng chừng núi, điều kiện không được tốt cho lắm, chỉ có phong cảnh xung quanh là đẹp thôi.

Trên đỉnh núi, khách đến chật một ngôi miếu thờ, khói hương mù mịt. Khách đến đây chủ yếu để cầu phúc và cầu an.

Dưới chân núi có buổi hội làng, không khí náo nhiệt, trợ lí Đường và tổ chuyên án khi đi thị sát gặp một đạo sĩ. Vị đạo sĩ tầm ngoài năm mươi, để râu dài, trên người mặc một bộ đồ đạo sĩ dài tay và rộng, ngồi trên nền đất, trước mặt đặt bản đồ bát quái Chu dịch và các công cụ bói toán như giáp cốt, đồng xu và cỏ thi. Đạo sĩ không đi dép, tự xưng là "Một đôi chân trần, đâu quản hạ xuân, ngao du thiên hạ, kết trồng lương duyên."

Bao Triển từ trước đến giờ đều rất tôn kính những người tu hành. Cậu viết ra ngày sinh tháng đẻ của mình nhờ đạo sĩ bói cho một quẻ.

Đạo sĩ nọ nhắm mắt, có vẻ rất thần bí. Một lát sau, ông giật mình mở mắt rồi nói: "Tôi ẩn cư nơi lều cỏ, trước giờ chưa từng gặp người có mệnh đại hung mà đại quý thế này."

Bao Triển giọng đầy kính cẩn, nói: "Đạo trưởng, xin chỉ giáo!"

Đạo sĩ chân trần nói Bao Triển có một tuổi thơ vất vả, từng trải qua nhiều kiếp nạn. Bao Triển im lặng, chỉ gật đầu.

Sau đó, đạo sĩ nói một tràng những câu mà không ai hiểu nghĩa là gì:

"Mặc dĩ quan vân, năng vong thương hải, giang hồ vô lộ thượng hạ cầu sách.

Hàm chi sở kiến, quân tử tháo đao, đồ hướng nhân dương.

Diện bích sở văn, lân nhân khốc thanh, thương sanh trắc ẩn;

Thái bình loạn thế, chúng tinh quy vị."

Đạo sĩ đã đoán chính xác rằng tổ chuyên án đến thành phố này để phá án, nhưng hi vọng phá được án rất mong manh, trừ khi... "nửa đêm ma gõ cửa, giữa ngày quỷ nhập xác". Những lời nói ma quái đó khiến Tô My cảm thấy rất hiếu kì, rồi cũng ghi ngày sinh tháng đẻ của mình nhờ đạo sĩ xem giúp tình duyên của mình ra sao. Đạo sĩ lại nói những lời không ai hiểu gì, như: Chính quan, phiến quan, tân bỉ kiên v.v... Tô My tỏ ra mơ hồ không hiểu, đạo sĩ viết lên lòng bàn tay cô một chữ khiến mặt cô biến sắc, vô cùng ngạc nhiên.

Khi đạo sĩ viết, ống tay áo rộng che phủ bàn tay Tô My nên không ai biết ông đã viết gì lên đó.

Trên đường lên núi, mọi người đều rất hiếu kì, Bao Triển hỏi: "Ông ấy viết gì thế?"

Họa Long cũng tò mò hỏi: "Có phải tên chồng tương lai của cô không?"

Tô My trả lời: "Viết tên một trong hai người đấy. Nhưng mà, tôi không nói đấy!"

Khi họ đến lưng chừng núi thì trời cũng đã sẩm tối, mọi người định nghỉ lại một đêm tại đồn công an trên núi rồi ngày mai sẽ đến ngôi làng của cậu bé áo đỏ và hai đứa trẻ chết đuối để bắt đầu điều tra. Đồn công an này thực ra là một trạm kiểm tra, ban ngày có người trực ban, đến tối thì không có ai ở lại. Công việc của họ chủ yếu là kiểm tra xe cộ qua lại, cấm các hoạt động khai thác sản vật rừng trái phép. Thường ngày còn phải đi tuần trên núi, để kiểm soát vấn đề cháy rừng.

Mấy gian nhà ngói đã cũ, phía sau cỏ mọc um tùm trên nóc nhà cỏ dại cũng mọc cao phơi phới, đồn công an trong màn đêm trông cũng đáng sợ như một ngôi nhà ma vậy. Nửa đêm, tiếng gõ cửa vang lên, chẳng lẽ những lời đạo sĩ kia nói đã ứng nghiệm rồi sao? Nửa đêm ma gõ cửa?

Họa Long kiểm tra một lượt vẫn không thấy có bóng người nào, nhưng cả bốn người tổ chuyên án và trợ lí Đường đều nghe rất rõ ràng có người gõ cửa.

Mọi người đều thấy rất ma quái, ngẩng đầu lên nhìn, phát hiện ra trên cửa có một dấu tay nhỏ.

Trên núi về đêm có chút lạnh lẽo, từng cơn gió thổi không ngừng, dấu tay kia nhìn vào vô cùng đáng sợ. Đó không phải dấu tay bằng máu, mà chỉ giống như một bàn tay nhỏ lạnh ngắt đập vào cửa, trên của còn vương lại một chút chất lỏng, bốc ra mùi hôi thối. Bao Triển cúi gần lại ngửi thử, không ai quen thuộc thứ mùi này như anh rồi, đó chính là... mùi của xác chết.

Trong đầu tổ chuyên án và trợ lí Đường xuất hiện một cảnh tượng vô cùng ma quái: Một cái xác đứng lắc lư trước cửa, giơ cánh tay còn nhớp nháp của mình lên... gõ cửa.

~~~~~~~~~~~~~~~

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện