Chương 2: Con gà mất đầu
Giới cảnh sát của ba tỉnh Đông Bắc thường truyền tai nhau một câu nói: " Nếu muốn dọa một cảnh sát thì có thể nói "Cậu không làm việc cho đến nơi đến chốn là tôi điều cậu đến phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh đấy!"
Bà lão mặt mèo đủ sức doạ trẻ con, còn phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh khiến các chiến sĩ cảnh sát nghe mà khiếp sợ.
Tổ chuyên án vòng vèo lên dốc xuống đèo suốt hai ngày trời mới đến được địa điểm gây án. Họ ngồi máy bay đến thành phố Cáp Nhĩ Tân, rồi lại ngồi xe ô tô đến huyện thành Tháp Lâm, sau khi ăn thịt nướng ở nhà ga xe lửa, cả bốn người đều bị “Tào Tháo đuổi”, gian khổ thực không kể xiết. Lúc đến đồn cảnh sát thị trấn Bạch Hoa cũng đã sâm sấm tối, họ nghỉ ngơi một đêm, ngay sáng sớm ngày hôm sau đồn trưởng đã gọi hai cỗ xe ngựa đưa họ đến lâm trường quốc doanh Thập Bát Lý Phố.
Thường ngày, người đánh xe ngựa này chỉ chuyên chở mộc nhĩ và nấm hương, nhưng anh ta nói chuyện lại rất có trình độ, anh ta nói thế này với tổ chuyên án: “Cứ đi thẳng về phía trước chính là Thập Lý Phố, đi xa hơn chút nữa sẽ đến Thập Bát Lý Phố, nhưng đến đó thôi đừng đi thêm nữa, bởi vì đi xa hơn sẽ gặp bãi phân to xụ.”
“Bãi phân to xụ” mà anh ta nói đến chính là trung tâm xử lí rác thải của huyện thành, chất thải của tất cả các thị trấn xung quanh đều đổ dồn về đây để làm phân bón cho lâm trường quốc doanh. Phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh nằm ở giữa lâm trường và bài phân, một năm bốn mùa đều ngửi mùi thối nhức mũi. Phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh nằm dưới chân dải núi Đại Hưng An Lĩnh, đó là một ngôi nhà vô cùng sơ sài.
Một phân cục cấp huyện nhưng lại không có toà nhà văn phòng, trong sân có ba dãy nhà ngói đỏ đang toả khói, xung quanh là rừng rậm nguyên sinh vô cùng hoang vu.
Cảnh sát lâm nghiệp là một bộ phận quan trọng được hợp thành từ hai ngành lâm nghiệp và cơ quan an ninh quốc gia, họ có đầy đủ tính chất vũ trang, kiêm cả chức năng chấp pháp hình sự và chấp pháp hành chính. Phân cục này thuộc về ngành lâm nghiệp, có điều nó vẫn giậm chân ở tình trạng phát triển từ những năm 90, bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ quản lí trật tự trị an lâm khu, bảo vệ rừng và quản lí xã hội…
Địa điểm xảy ra án mạng thuộc phạm vi quản lí của phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh.
Thôn gần với nơi xảy ra án mạng là thôn Hướng Dương. Thôn Hướng Dương nằm ngay chân núi, cách phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh không xa lắm, hai mẹ con nạn nhân đang đi trên con đường từ thôn dẫn đến huyện thành thì bị sát hại, ruột xổ ra ngoài, sắc mặt trắng bợt, trên cổ có dấu răng.
Khi tổ chuyên án đến nơi thì phân cục trưởng đang đứng giữa sân quát mắng một tân binh mới được điều chuyển về phân cục.
Phân cục trường nói: “Văn hay chữ tốt như cậu, lại vừa biết về tranh, vừa biết làm thơ, nói năng nho nhả, thái độ giác ngộ cuộc sống cao như cậu, nói thật mình tôi vật ngã ba thằng.”
Viên cảnh sát trẻ đứng nghiêm trang, mắt ngậm lệ, nhỏ nhẹ giải thích với vẻ oan ức: ”Tôi đến đây là để thực hiện ước mơ của mình!”
Phân cục trưởng trề môi: “Người gió thổi bay như cậu thử hỏi có được ước mơ gì lớn lao?”
Viên cảnh sát trẻ đáp: “Ước mơ của tôi là đấu tranh không ngừng nghỉ với mọi hoạt động phạm tội cho đến giọt máu cuối cùng! Tôi muốn phá các vụ án lớn!”
Phân cục trưởng tung một cước đá chân cậu ta quát: “Biến! Đi vác gỗ đi! Không làm xong đừng nghĩ đến việc ăn cơm.”
Phân cục trưởng phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh họ Tào, trác ngũ tuần, là mẫu đàn ông vùng Đông Bắc điển hình, tính tình nóng nảy bộc trực. Tuy họ của anh ta khá hiếm nhưng vẫn là một trong những dòng họ hiện có ở Trung Quốc, nghe đâu anh ta còn là hậu duệ của Tào Tháo. Họ Tào phân bố khá rộng rãi khắp cả nước nhưng chỉ có hơn một trăm ngàn người dân mang họ này.
Tên đầy đủ của phân cục trưởng là Tào Đơn Bình, tuy tính tình hào sáng nhưng hay nói tục chửi bậy. Khi tâm trạng tốt thì dẫu bị người ta gọi thẳng biệt danh là “Tào lao” hay “Phân cục trưởng tào lao”, anh ta cũng chẳng bận tâm, nhưng gặp lúc tâm trạng không tốt thì dù cấp dưới chỉ trêu đùa, anh ta cũng lập tức trở mặt, đập tay bồm bộp xuống bản mà chửi bới.
Phân cục trưởng Tào rất thích uống rượu, việc đầu tiên anh ta làm khi vừa mở mắt chính là uống rượu, nhưng chưa ai thấy anh ta uống say bao giờ.
Phân cục trưởng Tào bày tiệc khoản đãi bốn thành viên của tổ chuyên án, thế mà anh ta lại lấy bình đựng thuốc sâu để đựng rượu trắng, trên thành bình còn ghi rõ tên thuốc trừ sâu là DDVP. Phân cục trưởng nói ở đây chẳng có rượu Mao Đài mà uống, nên anh ta lấy bình thuốc sâu DDVP đựng rượu. Đây là bí kíp độc môn của phân cục trưởng Tào. Mùa hè, anh ta ngâm rượu dưới giếng một đêm, còn mùa đông thì hâm nóng vài phút trong ấm tích, làm như vậy rượu sẽ có mùi y hệt mùi rượu Mao Đài.
Chỉ mình Họa Long uống rượu cùng phân cục trưởng, ba thành viên còn lại đều không dám uống, nói gì thì nói uống rượu đựng trong vỏ bình vốn dựng thuốc trừ sâu loại kịch độc chắc chắn là sự khảo nghiệm đòi hỏi lòng can đảm ghê gớm.
Họa Long nói: “Phân cục trưởng làm vậy vì muốn đề phòng kẻ khác uống trộm rượu của anh phải không?”
Phân cục trưởng cười lớn: “Ha ha! Đúng là thành viên của tổ chuyên án có khác! Đoán trúng phóc!"
Sau ba tuần rượu, phân cục trưởng Tào liền kể chiến tích huy hoàng nhất trong cuộc đời mình.
Có ai biết mùa đông ở Đại Hưng An Lĩnh rốt cuộc lạnh đến mức nào không? Mùa đông năm đó phải nói là mùa đông lạnh nhất từ trước đến nay. Anh ta ngồi thả buồn trên tuyết, vì bị táo bón nên anh ta phải ngồi tương đối lâu khiến thỏi phân vừa bậy ra bị đóng băng cứng đanh như thép. Vừa lúc ấy có con sói mẹ đói vàng mắt lẳng lặng áp sát đến gần, anh ta quay người đứng dậy, cầm thỏi phân đóng băng ném trúng mắt con sói. Nó rú lên như bị chọc tiết rồi bỏ chạy. Đó chính là chiến tích huy hoàng nhất trong cuộc đời anh ta, ném cứt đuổi chó sói bỏ chạy.
Tô My khen: “Phân cục trưởng tài tình thật đấy! Mà mùa đông ở Đại Hưng An Lĩnh lạnh đến mức ấy thật sao?”
Phân cục trưởng Tào gật đầu: ”May mà quý cô đây đến vào mùa xuân, chứ nếu cô đến vào mùa đông thì chắc chắn mùa đông của Đại Hưng An Lĩnh sẽ biến có thành người băng ngay.”
Một vài viên cảnh sát đã cơm no rượu say, họ cởi cảnh phục ra, ngồi trên phản đất bắt đầu đánh bạc ăn tiền. Hôm nay là ngày họ được phát lương.
Tô My thì thầm vào tai Bao Triển: “Đánh bạc ngay trong đồn cảnh sát thì còn coi vương pháp ra gì? Mà không ngờ họ lại ngủ trên phản đất.”
Phân cục trưởng Tào nói: “Các cô cũng có thể chơi vài ván, đừng khách sáo làm gì, cứ coi đây như nhà mình nhé!”
Giáo sư Lương gật đầu: “Được thôi! Nhập gia tùy tục vậy!"
Họa Long uống cạn chén rượu cuối cùng, anh cầm ví tiền, chen vào chiếm chỗ, rồi ngồi trên phản đất đánh bạc, nhưng chưa được mấy hồi đã thua cháy túi. Họa Long liền quay sang Bao Triển hỏi vay tiền, Tô My giữa chặt ví của Bao Triển, kiên quyết không cho Họa Long vay. Họa Long đành phải hâm hực nuốt giận vào bụng. Hai viên cảnh sát dân sự bắt đầu to tiếng vì tranh chấp trong ván bài, phân cục trưởng Tào quát lớn: “Tất cả ra hết ngoài kia vác gỗ cho tôi!”
Quát xong, phân cục trưởng Tào quay sang giáo sư Lương phàn nàn: “Chúng tôi là cảnh sát lâm nghiệp, công việc rất vất vả nhưng mỗi tháng chỉ được lĩnh vỏn vẹn hơn một ngàn tệ tiền lương, số tiền đó còn ít ỏi hơn tiền bán trứng gà. Nhờ các anh phản ánh với lãnh đạo cấp trên giùm chúng tôi xem có thể tăng lương thêm chút đỉnh không?"
Giáo sư lắc đầu ý bảo chuyện đó hoàn toàn vượt quá quyền hạn của tổ chuyên án.
Phân cục trưởng nói: “Tôi mời tổ chuyên án đến chủ yếu vì nhân sự chỗ chúng tôi hiện rất thiếu thốn, chúng tôi vừa phải lo đề phòng cháy rừng, lại vừa lo vấn đề an ninh trong khu vực. Thực ra, ở nơi đây, cháy rừng còn quan trọng hơn án mạng rất nhiều, một khi rừng bốc cháy thì không biết bao nhiêu người trong huyện thành dưới chân núi này phải bỏ mạng. Thậm chí nếu chẳng mấy lửa cháy sang biên giới của Nga thì phiền phức to, nói không chừng lại châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần thứ ba bùng nổ ấy chứ!"
Giáo sư Lương thấu hiểu: “Tôi cũng nhận thấy các anh là những người vất vả và mệt mỏi nhất trong ngành cảnh sát Trung Quốc, không chỉ lo bảo vệ rừng, bảo vệ trật tự khu vực mà còn phải vác gỗ và làm những việc nặng nhọc của nhà nông nữa.”
Phân cục trưởng sắp xếp hai viên cảnh sát cho tổ chuyên án sai vặt, một người có biệt danh là Đèn cù, còn người kia có biệt danh là Đèn cầy.
Đèn cù là viên cảnh sát lớn tuổi nhất ở phân cục Cảnh Sát rừng Đại Hưng An Lĩnh, ông sắp đến tuổi nghỉ hưu, ngày trẻ từng đi bộ đội, làm công tác cần vụ trắc họa, ông dành cả cuộc đời phục vụ cho phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh này. Mỗi khi hút tẩu là ông lại ho sặc sụa, trông ông có vẻ rệu rã, già yếu và “không muốn ra gió”.
Còn Đèn cầy chính là cậu lính trẻ mới được phân về đây. Đèn cầy người miền Nam, cậu ta ôm hoài bão rất lớn lao nên muốn về công tác tại phân cục này, kết quả phát hiện lí tưởng và hiện thực cách nhau quá xa, vụ án lớn nhất mà cậu ta từng xử lí chẳng qua là vụ đánh lộn. Hai người đàn ông Đông Bắc không quen nhau, một người hỏi: "Nhìn gì mà nhìn?”, người kia đáp: “Nhìn anh chứ nhìn gì! Sao hả?" Thế là họ lao vào đánh nhau túi bụi, chẳng cần nguyên nhân gì, chẳng qua họ nhìn đối phương thấy không thuận mắt mà thôi... mãi đến khi Đèn cầy mặc cảnh phục lao vào can và lôi họ ra, họ mới chịu dừng tay.
Họa Long nói: “Tốt rồi! Phân cục trưởng Tào quả là xem trọng chúng ta, anh ấy ban cho chúng ta hai đại tuớng, thì một là ông lão sắp xuống lỗ còn một là đứa trẻ miệng còn hôi mùi sữa."
Mọi người phá lên cười.
Trước đó, khu vực này từng xảy ra hai vụ án giết người hút máu nhưng đã cách đây khá lâu rồi, giờ đã thành án treo. Hai vụ án đó rất khó điều tra ra chân tướng vì các dấu vết và manh mối đã bị xóa sạch, bởi vậy tổ chuyên án quyết định bắt đầu từ vụ án giết người hút máu mới xảy ra.
Thôn Hướng Dương cách phân cục cảnh sát rừng Đại Hưng An Lĩnh chẳng bao xa, nhưng do chân giáo sư Lương không tiện đi lại, đường núi lại gập ghềnh lồi lõm, xe cộ không thể lưu thông nên ông bác Đèn cù đành phải tìm cỗ xe ngựa cho giáo sư Lương và Tô My ngồi, còn những người khác đều đi bộ. Chẳng mấy chốc, mọi người đã đến thôn Hướng Dương.
Nạn nhân là một cặp mẹ con sống trong thôn, hôm xảy ra án mạng là ngày họ xuống huyện thành mua đồ, nhưng vừa ra khỏi thôn đã gặp nạn.
Một vài người dân phản ánh, trong rừng ngay cạnh thôn có quái vật thường xuyên lảng vảng quanh đó.
Tổ chuyên án tìm được một số nhân chứng từng nhìn thấy quái vật, có người nói con quái vật đó có bộ lòng trắng toát, mặt giống mặt mèo, dáng vẻ như bà lão bị gù lưng; có người lại nói quái vật giống dã nhân, có thể đứng thẳng khi đi lại, nhưng phần lớn vẫn di chuyển bằng cách bò. Mọi người bàn tán sôi nổi, mỗi người một ý kiến nhưng có một điểm có thể khẳng định là con quái vật giết người là để hút máu!
Khi đi thăm dò tình hình, Bao Triển được biết lúc bị sát hại, nạn nhân mang theo gần một ngàn tệ, định bụng xuống huyện thành mua vé tàu hỏa. Sau khi biết sát hại trên đường núi cách cổng thôn không xa thì tiền cũng không cánh mà bay, ngay cả nhẫn vàng đeo trên tay cũng biến mất. Chính vì vậy, tổ chuyên án càng kiên định với nhận định của mình: Vụ án này do con người gây ra chứ không phải quái vật giết người.
Có điều mọi người vẫn không thể lí giải nổi, nếu chỉ đơn thuần là vụ án giết người cướp của thì tại sao sau khi hai mẹ con họ chết, hung thủ lại hút máu nạn nhân?
Căn cứ theo kết quả giám định vết thương được ghi trong báo cáo khám nghiệm tử thi của viện pháp y thì các vết cào trên cơ thể nạn nhân hoàn toàn trùng khớp với cự li các ngón tay của con người. Nếu đây là vụ án do con người gây ra thì hung thủ có được nguồn sức mạnh kinh hồn đó bằng cách nào? Làm sao y chỉ cần dùng ngón tay là có thể cào rách bụng và giết cả hai mẹ con.
Giáo sư Lương hỏi: “Mọi người nói hung thủ là bà lão mặt mèo hay dã nhân gì đó, nhưng có ai có bằng chứng không?”
Một vài người nông dân vỗ ngực nói mình đã tận mắt nhìn thấy, có thể lấy nhân cách của mình ra đảm bảo những gì vừa kể hoàn toàn là sự thực.
Đèn cầy nói: “Chúng ta nên tin vào khoa học. Trên đời này làm gì có quái vật!”
Bác Đèn cù mỉm cười: “Chàng trai ơi! Cậu không biết đó thôi, trong khu rừng này và trên ngọn núi này ẩn chứa nhiều điều tà mị lắm."
Để chứng thực cho quan điểm của mình, một người dân đã dẫn mọi người ra cổng thôn, ở cổng thôn có một miệng giếng cổ, ngay bên cạnh giếng có hai ngôi nhà. Một ngôi nhà là trạm xá của thôn, còn ngôi nhà bên cạnh đóng cổng im ỉm, bên trong vọng ra tiếng quai búa chan chát, đó là xưởng rèn sắt thủ công của một người dân trong vùng. Người nông dân nọ cầm cây gậy lùa vào bụi cỏ cạnh giếng như muốn tùm vật gì đó. Một lát sau, anh ta cười hì hì vào bảo: "Nó đây rồi!"
Một con gà nhớn nhác chạy từ trong bụi cỏ ra, mọi người tròn mắt kinh ngạc khi nhìn thấy con gà.
Bởi nó bị mất đầu!