4. ÁP DỤNG TƯ DUY THỰC TẾ
"Trách nhiệm đầu tiên của một người lãnh đạo là xác định thực tế. " - Max Depree, Chủ tịch danh dự Công ty Herman Miller
Những người vừa ra trường được một vài năm thường gặp phải khoảng cách rất lớn giữa kiến thức trong trường đại học và thế giới thực tại. Thật sự là, trong những năm đầu làm việc của mình, tôi phải tạm rời bỏ sự nghiệp mà mình theo đuổi vì sợ rằng quá nhiều suy nghĩ thực tế sẽ lấn át tư duy sáng tạo của mình. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi hiểu rằng tư duy thực tế thực sự giúp mình có thêm nhiều điều bổ ích cho cuộc sống để mình tái tạo sự nghiệp.
KIỂM TRA THỰC TẾ
Thực tế có sự khác biệt giữa những gì chúng ta mong ước đạt được và những gì chúng ta đã có. Phải mất một khoảng thời gian nhất định để chúng ta có thể trở thành một người có tư duy thực tế. Quá trình này cần được thực hiện qua nhiều bước. Đầu tiên, tôi không hào hứng tham gia vào việc suy nghĩ thực tế. Sau một khoảng thời gian nhất định, tôi nhận ra rằng tư duy thực tế rất quan trọng nên tôi bắt đầu tham gia vào nó thường xuyên. Tôi từng không thích nó vì cho rằng nó quá cực đoan. Cuối cùng, tôi thấy mình cần phải suy nghĩ thực tế để có thể giải quyết những vấn đề từ những sai lầm của bản thân. Và có lúc, tôi đã thực sự thấy thích tư duy thực tế trước cả khi gặp phải vấn đề và nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ngày nay, tôi khuyến khích những nhà lãnh đạo chủ chốt suy nghĩ một cách thực tế. Chúng tôi coi tư duy thực tế là nền móng của việc kinh doanh vì tôi có thể cảm thấy sự chắc chắn và an toàn khi áp dụng nó.
TẠI SAO BẠN CẦN NHẬN RA TẦM QUAN TRỌNG CỦA TƯ DUY THỰC TẾ?
Nếu bạn là một người lạc quan từ bé, như tôi, bạn sẽ cảm thấy không mong muốn được trở thành một người có tư duy thực tế. Nhưng những thu hoạch từ khả năng tư duy thực tế không làm giảm lòng tin của bạn về con người và cũng không giảm khả năng kiếm tìm và nắm bắt những cơ hội. Ngược lại, tư duy thực tế sẽ giúp bạn tăng giá trị cuộc sống bằng những cách sau đây:
1. Tư duy thực tế làm giảm thiểu những rủi ro phía sau
Hành động của con người thường để lại những hậu quả, tư duy thực tế có thể giúp bạn khắc phục những hậu quả đó. Điều đó thật quan trọng vì chỉ khi nhận định và xem xét những hậu quả, bạn mới có thể đặt ra kế hoạch cho chúng. Nếu đưa ra được kế hoạch cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra bạn có thể giảm thiểu những rủi ro phía sau.
2. Tư duy thực tế cho bạn một mục tiêu và kế hoạch
Tôi từng được biết nhiều doanh nhân không có tư duy thực tế. Đây là điều tốt: họ rất lạc quan và có nhiều niềm tin cho việc kinh doanh của mình. Nhưng đây lại là điều xấu: niềm tin không phải là một chiến lược.
Tư duy thực tế dẫn đến những thành tựu xuất sắc trong lãnh đạo và quản lý vì nó yêu cầu mọi người phải đối mặt với sự thật. Họ bắt đầu xác định mục tiêu của mình và vạch ra kế hoạch nhằm phác họa đường đi nước bước. Khi mọi người tham gia vào tư duy thực tế, họ cũng bắt đầu đơn giản hóa những thủ tục rườm rà hàng ngày làm cho công việc có tính hiệu quả cao hơn.
Thật ra, trong kinh doanh, chỉ có một vài quyết định quan trọng. Những người có tư duy thực tế hiểu sự khác biệt giữa những quyết định quan trọng và những quyết định không thực sự cần thiết trong việc kinh doanh thông thường. Những quyết định có tính quan trọng liên quan mật thiết đến mục đích của bạn. James Allen đã đúng khi viết: "Chỉ đến khi suy nghĩ được gắn liền với mục đích thì ta mới có thể đạt được những thành quả thực sự mang tính trí tuệ".
3. Tư duy sáng tạo là chất xúc tác cho những thay đổi
Những người chỉ coi hy vọng là con đường duy nhất dẫn đến thành công gần như không bao giờ coi thay đổi là một ưu tiên lớn. Nếu bạn chỉ có hy vọng, bạn tự ngụ ý rằng thành tựu và thắng lợi sẽ nằm ngoài tầm tay của mình. Đấy là một vấn đề của sự may mắn và hên xui. Bận tâm làm gì?
Tư duy thực tế loại bỏ suy nghĩ sai lầm đó. Không gì khác ngoài việc đặt thực tại trước mặt một người để giúp người đó nhận ra sự cần thiết thay đổi. Thay đổi không thể làm nên sự phát triển nhưng bạn không thể phát triển nếu không thay đổi.
4. Tư duy thực tế tạo cảm giác an toàn
Một khi bạn đã nghĩ đến những kế hoạch tồi tệ nhất có thể xảy đến và đề ra kế hoạch dự phòng cho nó, bạn sẽ cảm thấy tự tin và an toàn hơn. Thật chắc chắn khi bạn biết rằng mình không bị bất ngờ. Thất vọng nằm ở khoảng cách giữa hy vọng và thực tế. Tư duy thực tế giúp thu nhỏ khoảng cách đó.
5. Tư duy thực tế đưa đến cho bạn sự tín nhiệm
Tư duy thực tế giúp mọi người tin vào người lãnh đạo và tầm nhìn của người đó. Người lãnh đạo thường xuyên bị bất ngờ vì những điều không chuẩn bị trước sẽ mất tín nhiệm từ cấp dưới. Mặc dù vậy, những nhà lãnh đạo có tư duy thực tế và biết đặt ra kế hoạch một cách chỉn chu sẽ có khả năng dẫn dắt cấp dưới của mình đến thành công. Việc làm này khiến những người cấp dưới tin tưởng vào họ hơn.
Các nhà lãnh đạo giỏi nhất thường đặt ra những câu hỏi thực tế trước khi định ra tầm nhìn. Họ hỏi bản thân mình những câu hỏi như:
• Việc này có khả thi không?
• Ước vọng này là của tất cả mọi người hay chỉ của một vài người?
• Tôi đã xem xét và kết nối những điều có thể khiến ước vọng này khó thực hiện?
6. Tư duy thực tế thiết lập nền móng xây dựng vững chắc
Thomas Edison nhận thấy: "Giá trị của một ý tưởng tốt là ở việc sử dụng nó". Điểm then chốt của tư duy thực tế là nó giúp bạn làm cho một ý tưởng có thể sử dụng được bằng cách loại bỏ những yếu tố "mơ tưởng". Hầu hết những ý tưởng không thể đạt được kết quả như mong muốn là bởi chúng dựa quá nhiều vào những gì mà chúng ta mong ước có được hơn là những gì chúng ta thực sự có được.
Bạn không thể xây một ngôi nhà giữa không trung, nó cần một nền móng vững chãi. Ý tưởng và kế hoạch cũng như vậy. Chúng cần một thứ gì vững chắc để xây lên. Tư duy thực tế cho chúng ta nền móng vững chắc đó.
7. Tư duy thực tế là bạn đồng hành của những người thường gặp phải rắc rối
Nếu sáng tạo là việc phải làm khi bạn không sợ thất bại thì thực tế là việc giải quyết những vấn đề khi nó thực sự xảy ra. Tư duy thực tế đem đến cho bạn một điều gì đó chắc chắn để bạn có thể nương tựa trong lúc hoạn nạn. Sự chắc chắn giữa đám sương mờ của sự không chắc chắn đem đến sự ổn định.
8. Tư duy thực tế biến những ý tưởng thành sự thật
Tiểu thuyết gia người Anh John Galsworthy đã viết: "Duy tâm luận gia tăng cùng chiều với khoảng cách giữa bạn và vấn đề của bạn". Nếu bạn không tiệm cận với một vấn đề, bạn không thể giải quyết nó. Nếu bạn không có một cái nhìn thực tế với ước vọng của mình và những gì bạn cần để đạt được nó, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được ước vọng đó. Tư duy thực tế giúp việc dọn đường để biến những ý tưởng thành hiện thực.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA TẦM QUAN TRỌNG CỦA TƯ DUY THỰC TẾ?
Vì là một người lạc quan chứ không thực tế từ bé nên tôi phải thực hiện từng bước một để phát triển tư duy của mình trong lĩnh vực này. Sau đây là năm việc tôi đã làm để tăng cường tư duy thực tế của mình:
1. Rèn luyện việc tán đồng cho sự thật
Tôi không thể trở thành một người có tư duy thực tế cho đến khi tán đồng và hưởng ứng nó. Điều đó có nghĩa là học để nhìn nhận và tận hưởng sự thật. Tổng thống Harry S. Truman đã nói: "Tôi không bao giờ đưa họ tới địa ngục. Tôi nói sự thật và họ tưởng đó là địa ngục". Đó là cách rất nhiều người phản ứng trước sự thật. Mọi người thường hay "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại". Họ sống theo Luật của Ruckert, tin rằng không có gì là quá nhỏ để có thể bị văng ra khỏi luật cân bằng.
Thật tiếc, rất nhiều người hiện nay sống như cách mà Winston Churchill nói trong câu châm ngôn: "Con người thường xuyên đối mặt với sự thật. Nhưng hầu hết họ đều tảng lờ đi và coi như không có chuyện gì xảy ra". Gần đây, nhà báo Ted Koppel quan sát: "Xã hội chúng ta nhận thấy rằng sự thật là một liều thuốc quá mạnh để tiêu hóa mà không bị đầy hơi. Trong dạng nguyên chất của nó, sự thật không phải là một cái vỗ nhẹ trên vai. Nó tiếp cận ta một cách mạnh mẽ". Theo cách khác, sự thật làm cho bạn trở nên tự do nhưng lúc đầu nó sẽ làm cho bạn trở nên giận dữ! Nếu bạn muốn trở thành một người có tư duy thực tế, mặt khác, bạn phải cảm thấy thoải mái đối diện với sự thật và chỉ sự thật mà thôi.
2. Làm bài tập về nhà
Quá trình tư duy thực tế bắt đầu giống như việc làm bài tập về nhà của bạn. Bạn phải thu thập những thông tin xác thực trước. Cựu thống đốc, nghị sĩ và đại sứ Chester Bowles nói:"Khi bạn tiếp cận một vấn đề, hãy rũ bỏ những định kiến và những quan niệm có sẵn, học hỏi và sắp xếp những thông tin xác thực về tình huống đó, đưa ra một quyết định có vẻ trung thực nhất đối với bạn gắn liền với nó". Không quan trọng việc ý tưởng của bạn nghe "kêu" như thế nào nếu nó dựa trên những thông tin sai lệch và mò mẫm. Bạn không thể suy nghĩ một cách đúng đắn nếu thiếu những thông tin xác thực (hoặc thừa những thông tin sai lệch, không có chứng cứ).
Bạn cũng có thể tìm ra những người khác đã làm như thế nào ở tình huống tương tự. Hãy nhớ rằng, suy nghĩ của bạn không cần thiết phải nguyên bản, chúng chỉ cần chắc chắn. Tại sao không học tất cả những điều đó từ những nhà tư duy giỏi, những người đã từng vấp phải trường hợp tương tự trong quá khứ? Nhiều ý tưởng trong số những ý tưởng hay nhất của tôi bắt nguồn từ người khác!
3. Suy nghĩ về những cái lợi và cái hại
Không có gì tốt hơn việc dành thời gian để thực sự xem xét những cái lợi và hại của một vấn đề để giúp bạn có một "liều thuốc" thực tế đủ mạnh. Hiếm khi có thể đơn thuần lựa chọn hành động nào đó với nhiều cái lợi nhất vì tất cả những cái lợi và cái hại không có "trọng lượng" bằng nhau. Nhưng điều đó không phải là vấn đề. Thực ra, nó giúp bạn đào sâu những thông tin xác thực, xem xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau và thật sự tính đến cái giá phải trả cho một hành động nào đó của mình.
4. Đưa ra hệ quả tồi tệ nhất
Sự tinh túy của tư duy thực tế là phát hiện, hình dung và xem xét những hệ quả tồi tệ nhất. Bạn cần hỏi bản thân những câu như:
• Sẽ thế nào nếu doanh thu không được như mong đợi?
• Sẽ thế nào nếu ngân khố giảm xuống mức sàn? (Không phải là mức sàn của một người lạc quan mà là mức sàn thật).
• Sẽ thế nào nếu chúng ta không thắng trong đợt kí hợp đồng này?
• Sẽ thế nào nếu khách hàng không trả tiền cho chúng ta?
• Sẽ thế nào nếu chúng ta phải làm việc này với tình trạng không đủ nhân công?
• Sẽ thế nào nếu tất cả đồng nghiệp bác bỏ đề nghị của mình?
• Sẽ thế nào nếu thị trường đảo lộn?
• Sẽ thế nào nếu những tình nguyện viên bỏ việc?
• Sẽ thế nào nếu không một ai có mặt?
Bạn đã hiểu ra rồi đấy. Điểm nhấn ở đây là bạn phải suy nghĩ về những tình huống xấu nhất dù bạn đang điều hành một công ty kinh doanh, làm chủ một tòa nhà, làm linh mục cho một nhà thờ, huấn luyện đội thể thao hoặc lập kế hoạch chỉ tiêu cá nhân. Mục tiêu bạn đặt ra không nên là một mục tiêu tiêu cực hay chờ đợi những gì xấu nhất xảy ra, bạn chỉ nên sẵn sàng để đề phòng trường hợp xấu thực sự xảy ra mà thôi. Theo cách đó, bạn vẫn cho mình cơ hội để có được một kết quả như mong đợi - dù có thế nào đi chăng nữa.
Nếu bạn hình dung một tình huống xấu nhất và xem xét nó một cách trung thực thì bạn thực sự đã trải nghiệm một bài kiểm tra thật sự. Bạn đã sẵn sàng cho bất cứ việc gì. Khi bạn làm việc đó, hãy nhớ đến lời khuyên sau đây của Charles Hole:"Cân nhắc một cách thận trọng, nhưng hành động một cách quả quyết và chịu đựng với sự uyển chuyển hoặc phản đối với sự chắc chắn".
5. Điều chỉnh suy nghĩ của bạn cho phù hợp với tài nguyên của mình
Một trong những chìa khóa để tối ưu hóa tư duy thực tế của bạn là điều chỉnh suy nghĩ phù hợp với tài nguyên mà bạn có. Xem xét những cái lợi và cái hại, hình dung những tình huống tồi tệ nhất sẽ giúp bạn nhận ra tất cả những khoảng trống từ những gì bạn mong ước có được đến những gì bạn thực sự có được. Một khi bạn đã biết được những khoảng trống đó, bạn sẽ có thể sử dụng những tài nguyên của mình để lấp đầy chúng. Rốt cuộc đó cũng chính là mục đích của các tài nguyên.
SIÊU CÚP, SIÊU SÂN VẬN ĐỘNG, SIÊU AN NINH
Đất nước chúng ta nhận được bài học từ tư duy thực tế sau thảm họa 11/9/2001. Sự sụp đổ tòa nhà Thương mại Thế giới ở New York vượt quá tình huống xấu nhất mà bất kì người nào có thể hình dung được. Sau vụ việc đó, chúng ta nhận ra rằng không thể có "vinh hạnh" được chối bỏ hoặc không thể trốn tránh tư duy thực tế.
Tôi nhớ đến sự kiện này vào Chủ nhật ngày 3 tháng 12 năm 2002, khi tôi đến xem trận Super Bowl ở New Orleans, Louisiana. Trước đây, tôi đã đến đây để xem hai trận đấu lớn, để cổ vũ cho hai đội nhà - đầu tiên là San Diego và rồi Atlanta và chứng kiến thất bại của cả hai đội! Nhưng trước vụ khủng bố, tôi chưa hề chứng kiến sự phong tỏa nghiêm ngặt ở đây.
Sự kiện hôm 3 tháng 12 được cho là Sự Kiện Đặc Biệt của sở Mật Vụ. Nghĩa là Mật Vụ Hoa Kì sẽ giám sát trận đấu, sĩ quan quân đội sẽ làm việc với chính quyền địa phương và an ninh sẽ được đặt ở mức cao nhất. Mật Vụ đem theo hàng trăm điệp viên và phong tỏa khu vực. Để chuẩn bị cho trận đấu, sân Super Dome hoàn toàn bị giới hạn, với lưới và rào chắn dày đặc. Những người có thẩm quyền phong tỏa các ngả đường, đóng cửa đường quốc lộ gần đấy và chỉ định khu vực này là vùng cấm bay.
Chúng tôi đến sân sớm vì các nhà chức trách đề nghị cổ động viên đến sớm trước trận đấu 5 tiếng. Và chúng tôi ngay lập tức nhận thấy dấu hiệu của những biện pháp an ninh phòng ngừa. Những hàng rào cao hơn 2 mét bao trùm cả khu vực, những rào chắn bằng bê tông đề phòng việc những phương tiện giao thông không có thẩm quyền đến gần khu vực. Có thể nhìn thấy lính bắn tia được bố trí ở địa điểm gần đó, trong đó có ở trên cả nóc của những tòa nhà lân cận. Khi chúng tôi đến gần một cánh cổng, các sĩ quan cảnh sát và nhân viên an ninh yêu cầu chúng tôi dừng lại và kiểm tra tất cả tài sản cá nhân của mỗi người. Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một máy dò kim loại. Chỉ sau đó họ mới để chúng tôi vào trong sân.
"Như thế thật là tốt", bạn có thể nói "nhưng sẽ như thế nào nếu lại có một vụ khủng bố diễn ra?" Mật Vụ đã lo chuyện này, vì họ đã tính đến những tình huống xấu nhất. Kế hoạch di tản đã được chuẩn bị trước và những nhân viên ở sân Super Dome đã được huấn luyện để chỉ dẫn mọi người những việc cằn phải làm trong trường hợp khẩn cấp.
Thị trưởng New Orleans, ông Marc Moria nói một ngày trước trận đấu rằng: "Chúng tôi muốn gửi lời nhắn đến toàn thể du khách rằng New Orleans sẽ trở thành nơi an toàn nhất trên nước Mỹ". Chúng tôi đã nhận được lời nhắn đó và chúng tôi không cảm thấy lo lắng chút nào. Vậy đó, đây là những gì xảy ra khi người lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của tư duy thực tế.
CÂU HỎI SUY LUẬN
Tôi có đang xây dựng cho mình những tiền đề vững chắc bằng suy nghĩ thực tế không?