6. KHÁM PHÁ TƯ DUY TRIỂN VỌNG
"Không có gì đáng xấu hổ bằng việc nhìn một người làm một việc gì đó mà bạn nói là mình không thể làm được. " - Sam Ewing
Những người có tư duy triển vọng có thể làm được những việc mà với nhiều người khác dường như không thể thực hiện được vì họ tin vào những giải pháp. Sau đây là một số lý do tại sao bạn nên trở thành một người có tư duy triển vọng:
1. Tư duy triển vọng tăng cường khả năng của bạn
Khi bạn tin rằng mình có thể làm được một điều gì khó - và bạn thành công - rất nhiều cánh cửa sẽ mở ra trước mắt bạn. George Lucas đã thành công trong việc sản xuất bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao. Mặc dù trước đó có người nói rằng nhiều kĩ xảo trong phim không thể thực hiện được thì lại có rất nhiều cơ hội khác mở ra trước mắt ông. Công ty Ánh sáng và Phép thuật Công nghiệp (ILM), nơi ông thực hiện những hiệu ứng "bất khả thi" đã trở thành nguồn vốn liếng dồi dào giúp ông ươm mầm những dự án tiếp theo của mình, ông cũng đã tìm được nguồn vốn nữa từ việc quảng cáo và doanh số bán hàng. Sự tự tin của ông đã ảnh hưởng lớn đến những nhà làm phim khác cũng như đông đảo khán giả xem phim. Nhà văn Chris Salewicz đánh giá: ''Đầu tiên trực tiếp bằng công việc của mình và sau đó gián tiếp ảnh hưởng từ ILM, George Lucas đã độc chiếm thị phần rạp chiếu phim trong suốt hai thập kỉ". Nếu bạn chào đón tư duy triển vọng, bạn sẽ đến được với nhiều triển vọng khác.
2. Tư duy triển vọng mang cơ hội và mọi người đến với bạn
Trường hợp của George Lucas giúp bạn hiểu làm thế nào để trở thành một người có tư duy triển vọng và có thể tạo ra những cơ hội thu hút mọi người đến với mình. Người có tư duy lớn sẽ thu hút được những vị "sếp lớn" đến với mình. Nếu bạn muốn đạt được những thành công lớn bạn phải có tư duy triển vọng.
3. Tư duy triển vọng tăng cường khả năng của mọi người xung quanh
Người có tư duy lớn thường mang đến triển vọng cho người khác. Sở dĩ có được điều đó, một phần, vì nó có tính lan truyền rất cao. Bạn không thể không trở nên tự tin hơn và tư duy rộng hơn khi bạn ở bên những người có tư duy triển vọng.
4. Tư duy triển vọng cho phép bạn mơ những giấc mơ lớn
Dù nghề nghiệp của bạn là gì, tư duy triển vọng cũng có thể giúp bạn mở rộng tầm nhìn và có những mơ ước lớn lao hơn. Giáo sư David J. Schwartz tin rằng: "Những nhà tư duy lớn là những chuyên gia trong việc vẽ nên những bức tranh tích cực, có ý chí vươn lên trong đầu của chính mình và trong trí óc của người khác". Nếu bạn sử dụng tư duy triển vọng, những ước mơ của bạn sẽ phát triển từ kích cỡ của một quả đồi nhỏ đến kích cỡ của một ngọn núi và vì bạn tin vào những khả năng, triển vọng, bạn sẽ tự đặt mình vào vị thế để đạt được chúng.
5. Tư duy triển vọng giúp bạn có thể vượt lên trên mức trung bình
Trong những năm 70 của thế kỷ 20, khi giá dầu tăng vọt, những nhà sản xuất xe hơi nghĩ cách phải làm thế nào để sản xuất được những chiếc xe hơi vừa tốn ít nhiên liệu vừa thân thiện với môi trường và hợp với túi tiền người tiêu dùng. Một nhà sản xuất đã nhờ một nhóm kĩ sư cao cấp nghĩ ra cách để làm giảm trọng lượng của những chiếc xe mà họ đang thiết kế. Nhóm kĩ sư đã làm việc và tìm kiếm những giải pháp, nhưng cuối cùng họ kết luận việc sản xuất những chiếc xe nhẹ hơn là không thể thực hiện được vì sẽ tốn quá nhiều chi phí và gây nên những mối lo ngại về tính an toàn. Họ không thể tránh khỏi việc bị cuốn vào vòng xoáy của kiểu tư duy trung bình.
Vậy cuối cùng giải pháp của nhà sản xuất là gì? Họ đưa vấn đề ra cho một nhóm kĩ sư trẻ ít kinh nghiệm. Nhóm kĩ sư mới này đã tìm ra cách giảm thiểu đáng kể trọng lượng của những chiếc xe hơi. Đó là vì họ tin rằng việc đưa ra một giải pháp cho vấn đề này là hoàn toàn có thể và thực tiễn đã chứng minh đúng như vậy. Rõ ràng, mỗi khi bạn loại bỏ cái mác "không thể" cho một việc gì đó, bạn sẽ tăng khả năng tư duy của mình từ mức trung bình lên mức dẫn đầu.
6. Tư duy triển vọng tiếp thêm năng lượng
Có mối liên hệ trực tiếp tồn tại giữa tư duy triển vọng và mức độ năng lượng của một người không? Có ai nhận được năng lượng từ sự thất bại không? Nếu bạn biết một việc gì không thể thành công liệu bạn có thể chấp nhận đầu tư thời gian và năng lượng vào đó không? Thực tế không ai đi tìm kiếm ngõ cụt. Bạn đầu tư chính bản thân mình vào những gì bạn tin là có thể thành công. Khi có tư duy triển vọng, bạn tin vào những gì mình làm và điều đó tiếp thêm cho bạn năng lượng.
7. Tư duy triển vọng không cho phép bạn bỏ cuộc
Trên tất cả, những người có tư duy triển vọng luôn tin rằng họ có thể thành công. Denis Waitley, tác giả của cuốn The Psychology of Winning (Tâm lý học của sự chiến thắng), nói:"Những người chiến thắng trong cuộc sống luôn suy nghĩ trên nền tảng của mệnh đề: Tôi có thể, tôi sẽ và tôi là. Nhưng những người thua cuộc lại tập trung suy nghĩ của mình vào những việc mình đã nên làm, hay cần làm nhưng lại không làm". Nếu bạn tin không thể làm được điều gì, thì kể cả khi bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì coi như bạn cũng đã thua cuộc rồi. Nếu bạn tin mình có thể làm được việc gì, bạn nghiễm nhiên đã thắng được hơn nửa cuộc chiến rồi.
Thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani là một người đã chứng tỏ mình là một nhà tư duy triển vọng tuyệt vời. Vào những giờ sau thảm kịch tại Trung tâm Thương mại Thế giới 11/9, Giuliani không chỉ chèo lái đưa thành phố vượt qua sự hỗn độn của cuộc đại họa mà còn truyền sự tự tin đến cho mọi người. Sau đó, ông đã chia sẻ những tâm sự về trải nghiệm của mình như sau:
"Tôi rất tự hào về những người tôi gặp trên đường. Không hề có sự hỗn độn nhưng ở họ vẫn toát lên sự sợ hãi, bối rối và dường như họ cần phải nghe điều gì đó từ trái tim tôi. Tôi cố gắng nghĩ: Mình có thể tìm được những vụ việc tương tự như vụ việc này không? Những bài học gì có thể rút ra từ vụ việc đó để định hướng cho việc giải quyết thảm họa này? Và tôi bắt đầu nghĩ đến Churchill, bắt đầu nghĩ đến việc chúng tôi phải hun đúc lại nhiệt huyết của thành phố. Vậy thì còn ví dụ nào tốt hơn việc Churchill đã hâm nóng nhiệt huyết của người dân London trong vụ Blitznăm 1940 để giúp họ vượt qua bom rơi, đạn nổ? Đó thật là một ý nghĩ thoải mái".
16 tiếng sau vụ khủng bố vào tòa tháp đôi ở thành phố New York, khi Giuliani cuối cùng cũng quay lại nhà mình vào 2 giờ 30 phút sáng để nghỉ ngơi, thay vì ngủ, ông đọc chương Thế chiến II của cuốn Tiểu sử Churchill của Roy Jenkins. Ông học cách Winston Churchill giúp người dân nhìn thấy những triển vọng và tiếp tục sống. Được truyền cảm hứng, Giuliani làm đúng như vậy với người dân của thành phố mình sau sáu thập kỉ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢM NHẬN ĐƯỢC NĂNG LƯỢNG TỪ TƯ DUY TRIỂN VỌNG?
Nếu là một người tích cực từ nhỏ và đã sử dụng tư duy triển vọng, bạn sẽ theo kịp tôi. Mặc dù vậy, một số người, thay vì trở nên tích cực, lại tiêu cực và hoài nghi. Họ tin rằng những người có tư duy triển vọng là ngu xuẩn và quá hồn nhiên. Nếu bạn có một tư duy tiêu cực, hãy cho phép tôi hỏi câu này: Có bao nhiêu người cực kì thành đạt luôn luôn có suy nghĩ tiêu cực? Bao nhiêu người có tư duy "không thể" được nhắc đến là người đạt được những thành tựu lớn lao? Không ai cả!
Những người với tư tưởng nó-không-thể-thực-hiện-được có hai lựa chọn. Họ có thể chờ đợi những điều tồi tệ nhất và thường xuyên trải nghiệm chúng hoặc họ cũng có thể tự thay đổi tư duy của mình. Đó là những gì George Lucas đã làm. Tin hay không thì tùy, bởi mặc dù là một người có tư duy triển vọng nhưng ông không phải là một người tích cực từ bé. Ông nói: "Tôi là người rất hoài nghi và vì vậy, tôi nghĩ tôi có nhiều lý do để trở nên tích cực hơn". Nói cách khác, ông lựa chọn suy nghĩ một cách tích cực. Ông kết luận: "Cổ lỗ sĩ hơn bao giờ hết, sức mạnh của tư duy tích cực cần một khoảng thời gian dài để phát huy. Vì vậy, sự kiên trì cộng với suy nghĩ lạc quan cùng với tài năng và nhận thức biết mình biết người... là những yếu tố quyết định thành bại. Điều đó tưởng là một quan điểm hơi hồn nhiên, nhưng cùng lúc nó hoạt động cho cả tôi và tất cả bạn bè của tôi - vì vậy tôi mới tin vào nó".Nếu bạn muốn tư duy triển vọng đến với mình, hãy bắt đầu bằng việc làm theo những chỉ dẫn sau:
1. Không tập trung vào những việc không thể
Bước đầu tiên để trở thành một người có tư duy triển vọng là phải biết tự mình miễn dịch với những gì sai trái trong bất kì tình huống nào được đưa ra. Nhà tâm lý học thể thao Bob Rotella nói: "Tôi nói với mọi người: Nếu bạn không muốn trở nên tích cực, không sao, chỉ cần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong đầu bạn, tất cả những gì còn lại đều ổn".
Nếu tư duy triển vọng mới mẻ đối với bạn, bạn sẽ phải học rất nhiều để loại trừ những tiếng nói tiêu cực lảng vảng trong đầu. Khi bạn thấy mình bắt đầu nghĩ đến tất cả những việc có thể sai hoặc lý do khiến một việc gì đó không thể làm được, hãy ngăn chặn bản thân và tự nhủ: "Mình không được nghĩ đến những thứ đó". Hãy hỏi: "Việc này đúng ở điểm gì?" nó sẽ giúp bạn khởi đầu. Và nếu tiêu cực là một vấn đề thực sự lớn đối với bạn và những gì bi quan thoát ra khỏi miệng trước khi kịp nghĩ thông, bạn có thể phải nhờ sự trợ giúp của những người bạn hoặc những thành viên trong gia đình. Họ sẽ cảnh báo bạn mỗi khi bạn đưa ra những ý tưởng tiêu cực.
2. Tránh xa những "chuyên gia"
Nhiều khi những người được gọi là chuyên gia thường ngăn cản những ước mơ của mọi người nhiều hơn bất kì ai khác.
Những người có tư duy triển vọng miễn cưỡng trong việc tuyên bố một việc gì đó là không khả thi. Nhà tiên phong về tên lửa Wernher Von Braun nói: "Tôi đã học để sử dụng từ bất khả thi một cách rụt rè và cẩn trọng nhất". Và Napoleon Bonaparte đã tuyên bố: "Từ bất khả thi một cách rụt rè và cẩn trọng nhất". Và Napoleon Bonaparte đã tuyên bố: "Từ bất khả thi không nằm trong từ điển của tôi". Nếu bạn cảm thấy chắc chắn phải sử dụng lời khuyên của một chuyên gia, hãy nhớ trong đầu câu nói sau đây của John Andrew Holmes: "Đừng bao giờ nói với một người trẻ tuổi là việc gì đó không thực hiện được. Chúa có thể đã phải chờ hàng thế kỷ để một người có bản lĩnh bỏ qua sự bất khả thi của việc đó". Nếu bạn muốn đạt được một việc gì đó, hãy tự quyết làm việc đó, mặc cho những chuyên gia có nói gì đi nữa.
3. Tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống
Trở thành một người có tư duy triển vọng không chỉ là việc ngăn chặn bản thân bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Nó còn bao gồm cả những điều khác nữa. Nó là việc tìm kiếm những cơ hội tích cực trong mọi hoàn cảnh. Tôi vừa được nghe một câu chuyện rất tuyệt vời về cách một người tìm kiếm những cơ hội tích cực trong mọi hoàn cảnh từ Don Soderquist, cựu giám đốc của Wal-Mart. Don Soderquist đi với Sam Walton đến Huntsville, Alabama, để mở một chuỗi cửa hàng mới. Ở đó, Walton đề nghị họ đến tham quan cuộc thi của các cửa hàng. Và Soderquist đã nói lại những gì xảy ra như sau:
Chúng tôi vào một cửa hàng và tôi phải nói với bạn rằng nó là cửa hàng tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong đời mình. Nó thật sự là một cơn ác mộng.
Không có bất kì khách hàng nào cả. Không có ai dọn sàn. Trần nhà bám đầy bụi bẩn, với những gian hàng trống trơn, bẩn thỉu, mọi thứ đều rất tồi tệ. Ông ấy (Walton) đi một hướng, tôi đi hướng khác và chúng tôi gặp nhau ở lối đi. Walton hỏi: "Cậu nghĩ gì, Don?" Tôi nói: "Sam, đây thực sự là một cửa hàng tồi tệ nhất mà tôi từng vào trong suốt cuộc đời mình. Ý tôi là, ông đã nhìn thấy những gian hàng chưa"?
Ông ấy nói: "Don, cậu đã nhìn thấy những cái giá treo quần tất chưa"?
Tôi nói: "Tôi chưa. Tôi đã tham quan gian hàng khác. Tôi không nhìn thấy chúng". Walton nói: "Đó đúng là những cái giá tuyệt vời nhất mà tôi từng nhìn thấy, Don ạ". Và ông nói tiếp: "Tôi tháo cái kẹp ra và thấy nó có ghi tên của nhà sản xuất. Khi chúng ta về, tôi muốn cậu gọi nhà sản xuất đó đến ngay để chúng ta đặt hàng cho thợ làm giá. Tôi muốn những cái giá ấy phải có mặt trong cửa hàng của chúng ta. Đó thực sự là thứ tốt nhất tôi từng nhìn thấy". Và ông ấy lại nói:
"Cậu đã nhìn thấy quầy mỹ phẩm chưa?"
Tôi nói: "Sam, chắc hẳn mỹ phẩm ở gần những cái giá quần tất, vì thực sự tôi cũng không nhìn thấy nó". "Don, cậu không nhận ra rằng chúng ta mới chỉ có gian hàng mỹ phẩm dài hơn mét. Nhưng ở đây có gian hàng dài đến hơn ba mét. Chúng ta thực sự đang tụt lùi. Tôi đã viết lại tên một số nhà phân phối mỹ phẩm của họ rồi. Khi chúng ta về, tôi muốn cậu liên hệ ngay với khách hàng và bổ sung những mỹ phẩm mới vào. Chúng ta rất cần phải cải thiện gian hàng mỹ phẩm của mình".
Sam Walton đã không vỗ vào vai tôi và nói "Don, cậu đã học ra được điều gì từ việc này"? Ông ấy đã làm sáng lên trong đầu tôi khi chỉ ra những mặt tốt ở nơi mà tôi tưởng như tồi tệ nhất để tìm cách vươn tới sự hoàn thiện. Thật dễ dàng để săm soi mặt xấu của mọi người. Nhưng một trong những phẩm chất thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo mà ông ấy chỉ cho tôi và tôi sẽ không bao giờ quên, là tìm kiếm những mặt tốt trong những việc người khác đang làm và áp dụng chúng.
Không cần một người có IQ thiên tài hay 20 năm kinh ngiệm để có thể tìm ra những cơ hội trong mọi tình huống. Tất cả những gì chúng ta cần là một thái độ tích cực và bất kì ai cũng có thể thu hoạch từ nó.
4. Mơ ước lớn hơn
Một trong những cách tốt nhất để thu hoạch từ tư duy triển vọng là bạn hãy kích thích bản thân vươn tới những mơ ước lớn hơn một cỡ so với ước mơ thường ngày của mình. Hãy đối mặt với thực tế là hầu hết mọi người đều mơ ước quá nhỏ bé. Họ không suy nghĩ đủ lớn. Henry Curtis đưa ra lời khuyên: "Hãy làm cho những kế hoạch của bạn trở nên tuyệt vời, vì sau 25 năm nữa, chúng ta sẽ rất bình thường. Hãy lập ra một kế hoạch lớn hơn 10 lần kế hoạch hiện tại của bạn và 25 năm nữa, bạn sẽ tự hỏi tại sao bạn không đặt ra một kế hoạch lớn hơn 50 lần".
Nếu kích thích bản thân mình để có những ước mơ lớn hơn so với ước mơ hiện tại thì những mục tiêu của bạn sẽ vượt lên trên ngưỡng hài lòng. Lúc đó bạn sẽ được thúc đẩy để phát triển. Và bạn sẽ tin vào nhiều cơ hội và khả năng lớn hơn.
5. Thách thức hiện trạng
Hầu hết mọi người đều muốn tiếp tục phát triển, nhưng họ vẫn coi trọng sự bình yên và ổn định. Mọi người thường quên rằng bạn không thể vừa thay đổi vừa ở nguyên tại chỗ. Sự phát triển cũng có nghĩa là sự thay đổi. Nếu bạn muốn những cơ hội lớn hơn, bạn không thể yên vị với những gì bạn có hiện tại.
Khi trở thành một người có tư duy triển vọng, bạn sẽ đối mặt với rất nhiều người muốn bạn từ bỏ mơ ước và yên vị với hiện trạng. Những người thành đạt từ chối chấp nhận hiện trạng.
Khi bạn bắt đầu tìm kiếm những cơ hội lớn hơn cho mình, cho nơi mình làm việc, cho gia đình mình - và những thử thách bạn theo đuổi - bạn hãy yên tâm vì hiện tại khi bạn đang đọc cuốn này, những nhà tư duy triển vọng khác trên khắp đất nước và thế giới đang nghĩ cách để chữa trị ung thư, tạo ra những nguồn năng lượng mới cho những người bị đói ăn và tăng cường chất lượng cuộc sống. Họ đang thách thức hiện trạng - và bạn cũng nên làm như vậy.
6. Kiếm tìm cảm hứng từ những vĩ nhân
Bạn có thể phát triển tư duy triển vọng bằng cách học hỏi từ những vĩ nhân. Tôi đã nhắc đến George Lucas trong chương này. Có thể ông ấy không ấn tượng đối với bạn hoặc bạn không thích ngành công nghiệp điện ảnh. (Tôi không phải là một người hâm mộ lớn của phim khoa học viễn tưởng, nhưng tôi khâm phục Lucas như một nhà tư duy có tầm nhìn sáng tạo). Hãy biết tìm những người thành đạt mà bạn khâm phục và học hỏi họ. Hãy tìm đến những người có thái độ học hỏi như Robert F. Kennedy, người làm câu nói của George Bernard Shaw trở nên nổi tiếng: "Một số người xem xét một việc đang xảy ra và hỏi Tại sao, tôi xem xét những việc chưa bao giờ xảy ra và hỏi Tại sao không?".
Tôi biết cụm từ "tư duy triển vọng" có thể không phù hợp với cách nghĩ của nhiều người. Vậy hãy gọi nó bằng bất cứ tên nào cũng được chẳng hạn: ý chí để thành công, tin tưởng vào bản thân, tự tin vào khả năng, đức tin. Điều này thực sự đúng: Một người nghĩ họ không thể làm được việc gì, họ sẽ khó có thể làm được việc đó. Nhưng nếu bạn tin có thể làm được, bạn sẽ làm được việc đó! Đó là sức mạnh của tư duy triển vọng.
CÂU HỎI SUY LUẬN
Tôi có đang phát triển tư duy triển vọng của mình để tìm kiếm những giải pháp với những tình huống tưởng như bất khả thi?