Story 15: Đồng xu bám bụi và đầy phấn
Kế hoạch cuối tuần của tôi tan vỡ vì một cơn mưa. Có lẽ mưa từ mờ sáng, rất to, vì tiếng mưa dội xuống rất to, đủ làm tôi lơ mơ tỉnh giấc. Đồng hồ chỉ mới hơn năm giờ sáng. Nhìn ra cửa sổ chỉ thấy nước mưa tạo thành vô số những vệt chảy dài gấp rút trên ô kính, xa hơn nữa chỉ là một màu trắng mờ, và mùi nước thì tràn khắp phòng. Viễn cảnh hôm nay dậy sớm, tha một quyển sách mỏng lên phố Tây, tìm một chỗ hay mở sách ra, ngắm phố và nghe người ta xì xầm trò chuyện đã tan biến. Tôi quyết định trùm mền kín đầu, nằm lăn ra ngủ lại.
Đến khi tỉnh dậy đã trưa trò trưa trật. Mưa cũng đã tạnh, chẳng biết từ bao giờ, nhưng người ta vẫn phát hiện ra nó đã từng ào xuống bằng mùi nước tinh sạch sót lại. Lúc này tôi không còn hứng thú với kế hoạch tha sách lên phố Tây chơi nữa. Sau khi tắm và ăn qua loa bằng một lát bánh mì “sandwich” nho khô, tôi xắn tay áo lên dọn dẹp những cái thùng giấy bám đầy bụi để ở góc phòng. Tôi chẳng nhớ chúng đã ở đó bao lâu và trong đó đựng những gì nữa, mà phòng thì càng ngày càng chật, nên là phải dọn thôi.
Tất cả những thứ trong thùng đều bám đầy bụi dù nắp thùng giấy đã lâu rồi không mở lên. Những con thú bông là quà tặng của bao năm sinh nhật không còn muốn ôm nữa, những cuốn sách cũ không bao giờ đọc lại, những vật lưa niệm nho nhỏ đã hết chỗ trưng bày tên kệ… Và một đồng xu. Đầy bụi. Cũ kĩ.
Những con thú bông được tôi ngồi hút bụi cả buổi chiều, rồi đem cho lũ trẻ con quanh đấy cùng mấy món quà lưu niệm. Sách thì tôi đạp xe lên phố sách cũ, bán lại cho một cửa tiệm để chúng có cơ hôi được mở ra lần nữa thay vì thuộc về những chiếc xe đạp thu mua ve chai. Còn mỗi đồng xu, tôi chẳng biết làm gì với nó, chỉ tạm để trên bàn. Khi từ phố sách đạp xe về, trời đã chập choạng, vì vậy mà phòng cũng trở nên tối đi. Chỉ có đồng xu do phản chiếu lại ánh sáng hắt ra từ ánh đèn nhà hàng xóm rọi qua cửa kính nên hơi lóe sáng lên, như kí ức về một người lạ đã từng dặc biệt cũng đột ngột lóe lên.
Tôi và Tuấn rất thân thiết những năm cấp Ba, hoặc đúng hơn là tôi rất thân thiết với cậu ấy. Tóc cậu ấy rất mềm, khi cậu cười sẽ có một cái má lúm đồng tiền nho nhỏ ở má phải, cậu có một ciếc máy nghe nhạc cũ màu xanh lá cây, thích ăn bánh bao vào buổi sáng… Khi nhớ được một điều, những điều khác về Tuấn cũng cứ nối đuôi nhau xuất hiện, khiến tôi không khỏi cười thầm. Thì ra ngày xưa tôi để ý cậu ấy nhiều đến nỗi như đẫ học thuộc chúng rồi.
Hai chúng tôi học khác lớp. Lần gặp nhau đầu tiên là khi tôi đang trên đường đến thư viện. Trên hành lang ở hướng đối diện có một cậu bạn đang nhảy lò cò đến phòng y tế. Cậu đánh rơi cái ba lô không thèm kéo khóa nên vài thứ linh tinh theo đó rơi ra. Tôi đến nhặt giúp, rồi dìu cậu đến luôn phòng y tế. Cô nhân viên y tế không có ở đó, nên tôi lại tiện tay giúp cậu ấy sát trùng và băng lại ngón chân đang rớm máu. Móng của ngón chân cái suýt thì bong hẳn ra. Tuấn lè lưỡi, nhăn mặt, thề thốt với một người lạ là tôi rằng sẽ chẳng bao giờ đá banh mà không mang giày nữa. Chúng tôi đã quen biết nhau như vậy đấy.
Rất nhanh chóng, tôi biết mình thích Tuấn. Hầu như ngày nào tôi cũng kiếm cớ được gặp cậu ấy một lần, mà phần nhiều là nhắn tin bảo tôi không biết giải Toán. “Cậu giúp đi rồi tớ sẽ mua bánh bao cho cậu hai buổi sáng liền”. nếu như không có việc gì bận, Tuấn đều giúp tôi và bảo rằng chẳng phải cậu thích ăn bánh bao miễn phí đâu. Chúng tôi ngồi giải toán trong cái thư viện bé xíu của trường. Thật ra không phải đa số các bài toán ấy tôi đều mù tịt, nhưng tôi giả mù tịt rất giỏi. Tuấn bảo chưa bao giờ thấy ai khổ sở vì môn toán như tôi, giải bài tập mà cứ phải nhăn tít lông mày lại. Có lần tôi đã hứng chí nghĩ rằng mình có thể có được một đề cử Oscar vì “vai diễn này”.
Sách bài tập Toán của Tuấn đầy những quả táo được vẽ. Bằng bút chì. Bằng bút bi màu xanh, màu đỏ, màu đen. Bằng bút nhũ kim tuyến. Tôi vẽ chúng trong vô thức, cứ buồn tay là vẽ, cứ chăm chú giải toán là vẽ, cứ nhìn cậu len lén là vẽ… Để đến khi nhận ra mới hoảng hồn ngồi xóa. Nhưng tôi chỉ có thể xóa những quả táo vẽ bằng bút chì. Có không ít những quả táo không được xóa. Cứ ba quả táo không xóa được tôi phải đền cho Tuấn một cái bánh bao.
Một ngày tháng Hai, nắng rất mềm, tôi lại giả vờ mù tịt nhờ Tuấn giảng Toán. Đột ngột, cậu nói.
- Sắp sinh nhật ai đó rồi đấy nhỉ?
- Ừ, sắp rồi, ai đó không nhận được quà của ai kia là giận luôn đó nha.
- Yên tâm. Lúc nhận quà đừng thích quá lăn đùng ra xỉu là được.
Tôi giả vờ phật ý cái kiểu đùa của Tuấn rồi đưa tay vò rối tung mái tóc của cậu ấy. Chúng thật sự rất mềm.
Sinh nhật tôi năm ấy rơi đúng vào Thứ Hai. Tôi vẫn nhớ đó là một ngày đầu xuân xui xẻo khi thầy cho bài kiểm traToán đột xuất mà tôi hoàn toàn không giả vờ là mình mù tịt. ngày hôm đó càng trở nên bực dọc vì đợi mãi mà tôi chẳng thấy Tuấn qua lớp tặng quà sinh nhật, hoặc nhắn tin chúc mừng. Chẳng có gì cả. Cậu ấy biến mất cả ngày hôm đó. Và tôi thì tự ái nên không qua lớp cậu ấy tìm xem. Cho đến tận tối vẫn chẳng có tin tức gì thì tôi mới tin rằng cậu ấy đã quên sinh nhật mình, dù trước đó có hứa sẽ tặng một món quà có thể sẽ khiến tôi lăn đùng ra xỉu. Tôi ấm ức ghi vào tờ giáy nháp: “Tức muốn lăn đùng ra xỉu thì có!!”.
Hôm sau, Tuấn đến lớp tìm tôi. Vì vẫn còn giận nên tôi chỉ thò đầu ra một tí, bảo mình đang bận nên nói nhanh ở đây thôi. Mặc dù tôi biết cậu ấy ngại ngùng vì bị nhiều người trong lớp nhìn nhưng tôi cứ đứng lì ở cửa lớp. Tuấn dù lúng túng vẫn đưa cho tôi một gói quà. Cậu ấy còn lục trong túi và chìa ra trước mặt tôi một đồng xu nhỏ, là loại xu lạ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cậu ấy xin lỗi vì hôm qua cậu ấy có việc nên quên mất, nên đã không nhắc gì đến sinh nhật tôi.
- Không sao đâu.
- Đồng xu này là món quà của dì tớ trong một lần công tác. Dì nói nó là một đồng xu lỗi nên rất hiếm, vì vậy nó mang lại may mắn. khi nào cậu muốn một điều gì đó thì chỉ càn càm nó lên, nhắm mắt lại, thổi một cái thì sẽ thành sự thật đấy!
- Cảm ơn cậu.
Tuấn cười, rồi chào tạm biệt, có vẻ hơi buồn. Cậu ấy nhận ra giọng tôi đầy vẻ khách sáo. Nhưng tôi quyết định mặc kệ, dù thấy hơi áy náy.
Sự việc lần đó vô tình đã khiến chúng tôi không còn thân thiết như trước nữa. Tôi vẫn cứ giữ mãi ấm ức mà không chịu nói ra, đôi lúc thân thiết với cậu như trước, đôi lúc lại tỏ ra xa cách. Chỉ vì muốn cậu ấy phải quan tâm nhiều đến mình một chút. Tuấn thì thấy tôi có vẻ xa cách nên dần dần không chủ động tìm tôi nữa. Nhìn bên ngoài, chúng tôi chẳng có gì thay đổi, nhưng thật ra mọi thứ đã khác trước. Rồi mùa thi bận rộn của năm cuối cấp đến.
Khi tôi giật mình sực tỉnh khỏi những bài luyện thì thì kì thi Đại học đẫ kết thúc, tuổi mười tám cũng đã trôi qua.
Có kết quả Đại học, tôi và Tuấn đều đỗ, nhưng chúng tôi học khác trường. Ngày trước khác lớp còn có thể chung một hành lang, nhưng gặp nhau cũng không nhiều. Bây giở cùng một thành phố thì chẳng lần nào tôi vô tình gặp được cậu. Vì hồi cấp Ba khác lớp nên chúng tôi cũng chẳng thể gặp nhau trong dịp họp lớp. Tôi cứng đầu không liên lạc với Tuấn, còn cậu ấy không biết vì sao cũng không liên lạc. Và mọi thứ cứ như thế mà dần trôi đi, đến mức không còn gì để níu giữ.
***
Nằm trên giường cầm đồng xu ngắm nghía một lúc, nghĩ về tất cả, bây giờ tôi mới nhận ra mình cư xử thật trẻ con. Những hờn dỗi vô lý và im lặng đã khiến mọi thứ tưởng chừng như có thể tốt đpẹ đều hỏng bét rất nhanh. Có thể hôm sinh nhật đó cậu ấy đã gặp chuyện gì rất buồn lắm chứ, mà tôi thì chẳng có chút cảm thông nào cả.
Lúc này tôi thật sự muốn biết cậu ấy đang làm gì ở đâu. Thế là tôi bật dậy tìm ngay Facebook và người bạn cũ có quen Tuấn. Vì chúng tôi học khác lớp nên bạn chung của cả hai cũng thuộc dạng chỉ là quen biết sơ người kia nên chẳng ai có số điện thoại của cậu ấy. Tuấn có Facebook nhưng dòng trạng thái mới nhất đã được cập nhật khá lâu nên tôi chẳng biết cậu ấy có mở nó lên thường xuyên hay không, hoặc thậm chí đã chẳng còn dùng nữa. Tôi nói chuyện với khá nhiều bạn, dò hỏi lân la đến Tuấn, cuối cùng mới có một bạn bảo: “Tao mới gặp cậu ta ở quán Paradise, có trò chuyện một lúc thôi. Cậu ta bảo hay đến đấy lắm, tao thấy thiệt là lạ, cái quán ấy chả hợp với tao, toàn mở nhạc buồn ngủ dễ sợ”. Tôi tìm địa chỉ của Paradise rồi chép chúng lại cẩn thận.
***
Hầu như ngày nào tôi cũng ghé Paradise nếu có thời gian, nhưng chưa lần nào gặp được Tuấn. Ban đầu, tôi rất háo hức nghĩ đến viễn cảnh gặp lại, rồi nghĩ xem sẽ phải làm gì, sẽ phải nói gì, thắc mắc cậu ấy trông như thế nào, tóc cậu ấy có còn mềm không…
Nhưng rồi bỗng một ngày, tâm trạng lơ lửng như đám may ấy đột ngột bốc hơi hết. Vì khi đó tôi đã hiểu ra một chuyện. Thế rồi tôi ngồi thừ người uống hết cốc nước ép táo chua chua ngọt ngọt vừa gọi, nghĩ ngợi rất lâu. Tôi xin bác chủ quán cho mình viết ột dòng nhỏ trên tấm bảng để ở đầu quầy thu ngân. Bác gật đầu nhẹ đồng ý. Có thể Tuấn sẽ đến và nhìn thấy, có thể sẽ đến nhưng không thấy, có thể không đến, dù là trường hợp nào thì tôi cũng đã viết chúng ra rồi. “Tớ đã ở đây. Lúc nào cũng mong cậu được vui vẻ”. Không quên vẽ một quả táo như chữ kí. Tôi thổi phù một cái vào đồng xu, nhìn lại dòng chữ mình vừa viết và dán nó ngay bên cạnh quả táo.
Và rồi tôi đẩy cửa ra khỏi Paradise . Cảm thấy mình như vừa bước qua một vùng kí ức dịu dàng nhất trên đời. Chỉ là kí ức.
***
Một chàng trai đẩy cửa bước vào Paradise, dáng vẻ như cậu ta đã chạy vội vã đến đây. Tóc cậu hơi ướt. Nhìn ra ngoài thấy trời đang mưa, dường như không nặng hạt lắm nhưng cũng đủ làm người ta lạnh và ướt. Cậu gọi cà phê như thường lệ. Cậu là khách quen nên bác chủ quán vừa đứng ở quầy vừa trò chuyện với cậu đôi câu. Phần nhiều là chuyện cậu đã sắp xếp hành lí và chuẩn bị để hôm sau ra sân bay chưa. Cậu sẽ lên đường du học. Mấy ngày nay lo chuẩn bị giấy tờ và một số thứ nên cậu không đến Paradise. Cậu cười hiền, trả lời cháu đã chuẩn bị xong hết cả rồi với dáng vẻ nhẹ nhàng. Nhưng khi bác chủ quán đã đi qua cái bồn rửa, rửa dăm ba cốc, còn lại một mình ngồi ở quầy, trông cậu lại trầm tư và lo lắng. Cậu nhớ đến lần cãi nhau mới nhất với cô bạn gái vì chuyện du học này, và giờ đã trở thành bạn gái cũ.
Rồi cậu đưa mắt nhìn quanh quán, để ghi nhớ nơi mình đã dành hầu như toàn bộ thời gian sinh viên ở đây. Đọc các giáo trình, luyện tiếng Anh viết đơn xin học bổng, ngồi đọc sách. Ánh mắt cậu quay trở lại cái bàn dài ở quầy, lướt qua rất nhanh tấm bảng đen bác chủ vẫn để. Bác dùng nó để ghi bất cứ thứ gì mình thích, và đôi khi còn chi khách mà bác thích ghi những gì mình thích. Ánh mắt lướt qua rồi bỗng dưng quay ngược trở lại khi cậu nhận thấy một kí hiệu quen thuộc vẫn còn đầy trong những cuốn sách bài tập Toán thời cấp Ba của cậu, không thể xóa hết được. Bên cạnh nó là một đồng xu bị lỗi, không dễ dàng gặp một đồng xu khác giống vậy. Nó có một lớp mờ bụi phấn phủ lên do nằm gần cuối bảng, mà ở phía trên bác chủ quán vẫn thường xóa và ghi những dòng chữ mới.
Cậu sốt ruột hỏi người chủ quán về người đã vẽ nó, với nụ cười thật sáng. Cậu nhớ mình đã từng rất thích người đó, đã từng rất sợ người đó không biết điều đó, cũng đã từng bực bội vì bị người đó giận dỗi. Nụ cười hơi héo đi một chút khi cậu nghe bác chủ quán bảo rằng người đó dạo trước rất hay đến, nhưng gần một tuần nay đã không thấy quay lại quán. Cậu định hỏi người đó có để lai địa chỉ không, nhưng ngập ngừng rồi lạ thôi. Lúc này nụ cười đã tắt hẳn. Vì cậu vừa hiểu ra một chuyện. Và cậu biết người đó cũng nghĩ giống cậu nên không còn đến đây nữa. Cậu ngồi một mình một lúc lâu, uống nốt cốc cà phê của mình. Rồi cậu quyết định đã đến lúc phải về, dù ngoài trời vẫn còn mưa. Trước đó cậu xin bác chủ quán cho cậu ghi lại một dòng ngay bên dưới quả táo. “Tớ cũng đã ở đây. “Mối tình đầu”, tớ cũng mong cậu luôn vui vẻ”. Chỉ là mối tình đầu.
Rồi cậu bước ra cửa, mất hút. Chỗ cậu ngồi khi nãy giờ trống trơn, cũng không còn vết tích gì cậu đã từng ở đó. Vì cốc cà phê cậu đã uống bác chủ quán cũng đã dọn đi rồi. Và ngày mai cậu cũng chẳng sẽ trở lại nơi này.
***
Không phải là không muốn chỉ là không tìm thấy lí do để gặp lại. Vì có vài thứ giống như đồng xu đó. Nếu đã để lỡ, nếu đã không kịp nắm lấy khi có cơ hội, để nó rẽ ngoặt sang hướng khác, để nó bám đầy bụi, để nó phủ thêm một lớp bụi phấn thì sẽ không dễ dàng làm nó sáng lên một lần nữa. Vẻ lấp lánh nó từng có giờ đã thuộc về quá khứ.
Fuyu