Chương 115: Trời tàn đất tận vẫn bên nhau

Chiếc thuyền khắc huy hiệu Thanh Long Bộ của Cao Tân chầm chậm trôi trên dòng sông Xích Thủy,

Trong khoang, Tuấn Đế đang ngồi nghỉ trên giường. Nhục Thu và Cảnh đứng bên, Tiểu Yêu ngồi bên giường, dâng bát thuốc cho Tuấn Đế.

Uống xong, Tuấn Đế lạnh lùng nói với Tiểu Yêu:

- Sau khi ta gỡ bỏ Trụ nhan hoa ra khỏi người con, các con hãy xuống thuyền.

Tiểu Yêu quỳ xuống:

- Phụ vương vì con mà trọng thương, con muốn chăm sóc…

Tuấn Đế bực mình, cắt ngang lời nàng:

- Ta đã nói không liên quan đến con kia mà! Đây là món nợ của ta với Thanh Dương, Xương Ý và Vương cơ Hiên Viên, không liên quan đến Xi Vưu, càng không liên quan đến con! Nếu nhất thiết phải quy kết, thì thực ra ta và Xi Vưu vốn có thù oán, vì hắn từng khiến ta trọng thương.

Tiểu Yêu thấy buồn vô hạn. Lẽ nào những thương yêu, chiều chuộng thuở bé, lẽ nào việc cha liều mình bao bọc, che chở cho nàng trong sa mạc, đều chỉ vì cha nợ bác và mẹ nàng hay sao? Lẽ nào cha không hề thương yêu nàng?

Tuấn Đế lặng nhìn vết bớt hình hoa đào trên trán Tiểu Yêu, bao nhiêu xúc cảm chợt ùa về. Gương mặt đẫm lệ của A Hành khi nàng phong ấn Trụ nhan hoa cứ hiển hiện trước mắt ngài, vậy mà nay họ đã âm dương cách biệt. Ngài đặt tay lên trán Tiểu Yêu, vệt sáng màu đỏ lóe lên, vết bớt biến mất, một cành đào rực rỡ, tuyệt đẹp rớt xuống bàn tay Tiểu Yêu.

Tuấn Đế khép mắt, ra lệnh cho Nhục Thu:

- Hãy đưa họ đi.

Nhục Thu khách sáo mời Tiểu Yêu và Cảnh ra ngoài. Sau khi khấu đầu lạy cha ba lạy, Tiểu Yêu theo Cảnh rời khỏi khoang thuyền.

Ba người đứng ngoài sàn thuyền, Nhục Thu ngước nhìn nước trời một màu xanh ngắt, chung quanh vắng lặng như tờ, bèn hỏi:

- Mấy nghìn năm trước, Bệ hạ là người có linh lực cao cường nhất Đại hoang. Một nghìn năm trở lại đây, người duy nhất đủ khả năng đả thương ngài chỉ có Xi Vưu. Vậy vì sao Bệ hạ bị trọng thương? Ta không có ý dò la đã xảy ra chuyện gì, nhưng ta muốn biết, ta cần phải đề phòng những gì?

Tiểu Yêu nói:

- Không ai đả thương Bệ hạ mà là… sa mạc đó.

Nhục Thu không lạ gì vùng hoang mạc ở phía Bắc Xích Thủy. Thời trai trẻ ngông cuồng, hắn đã từng cùng bạn bè xông vào sa mạc, thách đấu xem ai có thể giết được yêu quái Hạn Bạt. Kết quả, bọn họ suýt bỏ mạng tại đó. Sa mạc đáng sợ ấy để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong tâm trí hắn. Nhưng bắt đầu từ hôm qua, những trận mưa lớn liên tục trút xuống nơi ấy. Người có linh lực cao cường như Nhục Thu, dĩ nhiên cảm nhận được rất rõ sức nóng thiêu đốt của sa mạc đã biến mất hoàn toàn. Có lẽ mùa xuân năm tới, màu xanh sẽ bao phủ hoang mạc này, cỏ cây sẽ lại tốt tươi, tràn đầy sức sống.

Dù rất muốn biết sự thật, nhưng thân là bề tôi, Nhục Thu hiểu rằng hắn nên biết thân biết phận. Nghe nói Tuấn Đế không phải bị kẻ khác đả thương, Nhục Thu thở phào nhẹ nhõm, hắn vui cười trở lại:

- Không phải ta không muốn giữ hai vị, nhưng…

Hắn nhún vai:

- Tóm lại, chúng ta chia tay nhau ở đây. Ngày sau hai vị thành hôn, ta sẽ đích thân đem quà tặng long trọng đến mừng hai vị.

Lẽ ra Tiểu Yêu vẫn còn vương nỗi buồn chia ly, nhưng đã bị câu nói của Nhục Thu làm cho tan hết. Nàng khinh khỉnh bảo:

- Những là hàng quan lớn mũ cao áo rộng mà chẳng nghiêm chỉnh gì cả!

Bạch Hạc bay tới đón Cảnh, chao liệng trên không trung. Cảnh chào từ biệt Nhục Thu, ôm Tiểu Yêu, bay lên lưng hạc. Bạch Hạc kêu vang rộn rã, vút lên trời cao, len vào giữa những đám mây.

Cảnh hỏi Tiểu Yêu:

- Chúng ta về núi Thần Nông hay ra biển Đông Hải?

Tiểu Yêu nhìn túi đồ trên vai Cảnh, đáp:

- Đến Cửu Lê.

Ước nguyện duy nhất của cha mẹ nàng là được sống bên nhau trọn đời như những cặp vợ chồng bình thường khác. Xót xa thay, họ có thể ra lệnh cho toàn quân, nhưng không thể vun vén cho mình một mái ấm.

Chừng nửa ngày sau, Bạch Hạc bay đến Cửu Lê. Truyền thuyết kể rằng đất này toàn chướng khí, sâu độc, chim dữ, thú ác, sản vật khan hiếm. Cửu Lê chỉ nổi tiếng bởi hai thứ, một là Xi Vưu, hai là thuật dùng sâu độc, quả là tiếng dữ đồn xa.

Tuy đây là lần đầu Tiểu Yêu đến Cửu Lê, nhưng qua lời kể của mẹ, cảm giác của nàng về vùng đất này rất thân thuộc: Đó là trại Xi Vưu, đài tế lễ màu trắng, rừng hoa đào, ngôi nhà trúc. Nàng còn nhớ cả mảnh rèm kết từ ốc xanh treo trước cửa nhà trúc.

Cảnh từng theo đoàn thương lái của nhà Đồ Sơn đến đất Cửu Lê, nên chàng khá rành rẽ các sơn trại lớn của tộc Cửu Lê, chàng thúc Bạch Hạc bay thẳng đến trại Xi Vưu.

Tiểu Yêu nhận ra ngay đài tế lễ màu trắng. Không phải vì nó khang trang, bề thế, mà vì toàn bộ sơn trại đều là những ngôi nhà trúc giản dị đơn sơ, duy chỉ có đài tế lễ này được tạc dựng từ một khối đá trắng.

Tiểu Yêu nhảy khỏi tọa kỵ, quan sát đài tế lễ vừa quen vừa lạ ấy. Đó là một đài tế lễ cổ xưa, đã nhuốm màu thời gian. Bốn góc treo những chiếc chuông gió làm từ những mảnh xương trắng của động vật, chuông gió tinh tang trong gió. Có lẽ ngàn năm trước, cha mẹ nàng cũng từng đứng đây, lắng nghe tiếng chuông gió rộn rã, vui tai này.

Mấy thầy mo bước lại, cảnh giác nhìn Tiểu Yêu và Cảnh. Người nhiều tuổi nhất trong số họ cất giọng Trung nguyên trọ trẹ:

- Nơi này không tiếp người lạ.

Tiểu Yêu cũng đáp lại bằng giọng Cửu Lê trọ trẹ:

- Cha tôi là người Cửu Lê.

Vẻ mặt của mấy thầy mo ôn hòa hơn nhiều. Nhưng có lẽ vì bị ức hiếp quá lâu, tinh thần cảnh giác của họ vẫn rất cao độ. Thầy mo khi nãy tiếp tục hỏi bằng giọng Cửu Lê:

- Cha cô hiện ở đâu?

- Ông ấy… chết rồi.

Tiểu Yêu nhìn Cảnh, chàng tháo túi đồ trên vai, đưa cho nàng. Tiểu Yêu ôm gói đồ vào lòng:

- Tôi đưa cha mẹ tôi về đây vì tôi nghĩ họ muốn yên nghỉ ở nơi này.

Các thầy mo buồn rầu nhìn gói đồ trên tay Tiểu Yêu. Vì tộc Cửu Lê xưa nay vẫn bị coi là tộc người thấp kém, con trai sinh ra đều thành nô lệ, con gái thì thành nô tỳ. Cứ khoảng hai mươi đến ba mươi năm lại có hàng loạt các chàng trai, cô gái của Cửu Lê bị đưa đi khỏi sơn trại, bị biến thành nô lệ. Phần lớn trong số họ đều bặt vô âm tín, mãi mãi chẳng thể quay về.

Thầy mo hỏi:

- Cha cô là người của trại nào? Chúng ta sẽ cúng tế gọi hồn ông ấy, cô cứ việc rắc tro của ông ấy xung quanh sơn trại nơi ông ấy sinh sống, như vậy ông ấy sẽ được trở về với ngôi nhà của mình.

- Ông ấy là người của trại Xi Vưu, tôi nghĩ….

Tiểu Yêu đưa mắt tìm quanh, rồi trỏ tay vào rừng đào trên gò đồi ở phía Đông Nam của đài tế lễ, và nói:

- Nhà của cha mẹ tôi ở đằng kia.

Các thầy mo kinh hãi, biến sắc mặt, họ định kêu gọi sâu độc tấn công Tiểu Yêu thì một ông lão mái tóc bạc phơ quát lớn:

- Dừng tay!

- Vu vương!

Mấy thầy mo cung kính lùi lại.

Vu vương đến trước đài tế lễ, chăm chú nhìn Tiểu Yêu:

- Cô nương chắc chắn cha mẹ cô từng sống ở nơi đó chứ?

- Mẹ tôi nói, ngôi nhà trúc của cha mẹ nằm rất gần đài tế lễ, trong một rừng đào. Quanh đây, chỉ có ngọn núi kia có rừng đào.

Vu vương ngâm đọc một chuỗi dài những câu thần chú. Giọng ngài trầm bổng, du dương, ngài như đang hát một khúc ca dao cổ. Tiểu Yêu từng học thuộc bài ca dao này, nhưng nàng không biết bài ca dao có thể hát lên thành giai điệu như vậy. Nàng nhẩm hát theo Vu vương.

Vu vương dừng lại, Tiểu Yêu vẫn tiếp tục hát cho đến khi bài chú kết thúc.

Vu vương rơm rớm nước mắt, mấy thầy mo đứng sau ngài sững sờ nhìn Tiểu Yêu. Bài chú này vốn là kiệt tác do vị Vu vương kiệt xuất của Cửu Lê sáng tác. Chỉ có các Vu vương mới hát được trọn vẹn bài chú ấy.

Trước đây, khi gặp nàng, Di Mai Nhi cũng tỏ ra hết sức kinh ngạc, nên Tiểu Yêu không lấy làm lạ trước biểu cảm của mấy vị thầy mo. Nàng gật đầu với Vu vương, rồi bước về phía rừng đào.

Vu vương nói:

- Cô nương có biết ngọn núi đó là thánh địa của tộc Cửu Lê? Là nơi thờ phụng ngài Xi Vưu. Nghìn năm qua, chỉ có ngài và người vợ họ Tây Lăng của ngài sống ở đó.

Tiểu Yêu dừng bước. Thì ra, ở nơi này, thân phận của mẹ chỉ là người vợ của cha. Ngừng lại một lát, nàng tiếp tục bước về phía ngọn núi:

- Bây giờ thì tôi đã biết.

- Cô nương tên họ là gì?

- Tây Lăng Cửu Dao.

Tin đồn Tiểu Yêu là con gái của Xi Vưu đã lan truyền và dậy sóng khắp nơi, nhưng vì đường đến Cửu Lê xa xôi, hiểm trở, trao đổi thông tin bị hạn chế, nên người Cửu Lê không hề biết chuyện gì đang diễn ra bên ngoài. Lúc này, vị Vu vương tỏ ra muôn phần xúc động. Ngài nhìn theo bóng Tiểu Yêu và Cảnh khuất sau rừng hoa đào, và ra lệnh:

- Triệu tập tất cả các thầy mo, chuẩn bị đại lễ cúng tế.

Trước khi đến đây, Tiểu Yêu nghĩ rằng căn nhà trúc ấy hẳn đã cũ nát, xập xệ, hoang phế. Kỳ thực nó vẫn còn nguyên vẹn. Những vạt trúc quanh nhà được chăm sóc rất cẩn thận, cây lên đều tăm tắp, xanh rì. Hoa tươi mọc quanh đìa trúc, nào tường vy, khiên ngưu, thược dược, ngọc lan, lài tím… Ở sân giếng vẫn còn hai gàu nước, sợi dây vắt vẻo trên thành giếng, như chờ đợi chủ nhà trở về và kéo lên một hai gàu.

Tiểu Yêu nhẹ nhàng đẩy cửa, bước vào.

Giữa nhà có một bàn thờ và hai chiếc đệm cói. Trên tường có một bức tượng chân dung Xi Vưu được điêu khắc trên gỗ. Ông ấy khoác áo choàng đỏ, đứng trên lưng đại bàng, ngạo nghễ giữa đất trời.

Tiểu Yêu đặt gói đồ lên bàn thờ, ngước nhìn bức tượng, mỉm cười nói với Cảnh:

- Đây là cha em.

Cảnh quỳ lạy Xi Vưu ba lạy, thắp ba nén nhang.

Tiểu Yêu tựa người bên song cửa, dõi mắt ngắm rừng đào, nàng nói:

- Lúc bước chân vào nhà, em có một cảm giác rất lạ lùng, rằng chỉ cần em gọi khẽ, cha em sẽ đáp lại.

Cảnh đến bên Tiểu Yêu, kéo nàng vào lòng:

- Mệt rồi phải không?

Tiểu Yêu khép mắt lại:

- Đúng là rất mệt. Em không kiên cường như vẻ ngoài của em đâu. Em cảm nhận được hết thảy những lời nhục mạ, xúc xiểm, ánh mắt khinh bỉ và thù địch của người đời…

- Đã hơn bảy mươi năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhìn những vết sẹo trên thân thể, ta vẫn cảm nhận rõ rệt nỗi đau đớn và tủi nhục. Còn cảm giác mới là điều tự nhiên. Chỉ khi cảm nhận được nỗi đau, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc ngọt ngào, điều đó chứng tỏ trái tim của ta vẫn không ngừng đập.

- Tuy nói vậy, nhưng em vẫn mong mình có thể kiên cường hơn nữa.

- Chúng ta khóc khi buồn, lẩn trốn khi tổn thương, điều đó rất bình thường. Đôi lúc yếu mềm không có nghĩa chúng ta không kiên cường, mà chúng ta đang tĩnh dưỡng để chữa lành vết thương, tích lũy năng lượng.

Tiểu Yêu nhoẻn cười:

- Chàng nói hay lắm! Em sẽ để bản thân được thỏa sức yếu đuối!

Cảnh mỉm cười, xiết chặt tay Tiểu Yêu.

Tiếng ca du dương từ đài tế lễ vẳng tới, Tiểu Yêu hỏi:

- Có ai đó đang hát, họ làm gì thế nhỉ?

- Cúng tế. Ta nghĩ họ đang chào đón cha mẹ nàng trở về. Cách nhìn nhận về cái chết của người Cửu Lê khác với người Trung nguyên. Họ cho rằng sự sống đến từ trời, cái chết không phải là sự kết thúc, mà là sự quay về.

Tiếng ca vỗ về linh hồn người đã khuất, dẫn lối các vong hồn trở về, tiếng ca ấy buồn nhưng không bi thương.

Tiểu Yêu lặng nghe một hồi, rồi nàng hạ gói đồ trên bàn thờ xuống, đó là đất cát của hoang mạc phía Bắc Xích Thủy, trước khi rời đi, nàng đã xúc một ít đất, gói vào túi.

- Cảnh, cho em mượn tọa kỵ của chàng một lát.

Bạch Hạc sải cánh chao tới, Tiểu Yêu cưỡi trên lưng hạc.

Bạch Hạc bay lên, Tiểu Yêu nhìn về phía đài tế lễ, thấy hơn mười thầy mo trong bộ lễ phục cổ xưa trang trọng, đang ca múa trước đài tế. Họ nhìn thấy nàng trên cao, nhưng không hề để ý đến nàng, họ vẫn tiếp tục hát, tiếp tục nhảy.

Bạch Hạc bay lượn khắp dải núi sông Cửu Lê, Tiểu Yêu cởi nút gói đồ, đất cát trong rừng đào giữa hoang mạc ấy có màu đỏ chói, bởi thấm đẫm sắc đỏ của lớp lớp hoa đào rơi xuống suốt mấy trăm năm.

Tiểu Yêu vốc một nắm, xòe rộng bàn tay, mặc gió thổi bụi đất bay đi khắp nơi.

Những hạt cát thẫm đỏ như những giọt máu, hòa vào sông núi Cửu Lê.

Vu vương cùng các thầy mo vừa vái lạy vừa ca hát.

Nhiều năm sau, ở vùng núi Cửu Lê xuất hiện những cây phong lá đỏ, dáng cây khỏe khoắn, màu lá chói đỏ, dây leo vấn vít thân cây. Không rõ vị thầy mo nào đã nói rằng, máu huyết của Xi Vưu biến thành cây phong lá đỏ. Người Cửu Lê đời đời truyền lại sự tích ấy và cây phong lá đỏ trở thành cây thần của họ.

Tiểu Yêu thức giấc lúc ban trưa.

Nàng ngạc nhiên nhìn mặt trời:

- Em ngủ mê mệt như vậy ư? Sao chàng không gọi em?

Cảnh vừa bày bát đũa vừa nói:

- Đã lâu nàng không được ngủ ngon như vậy.

Một năm qua, Tiểu Yêu lúc nào cũng buồn phiền, nụ cười cũng kém tươi. Nhưng đến nay, mọi nỗi khúc mắc trong lòng đã được giải tỏa, nàng có thể kê cao gối ngủ yên, Cảnh đâu nỡ đánh thức nàng.

Tiểu Yêu ngồi vào bàn, ăn uống ngon lành.

Xong bữa, hai người cùng nhau lên núi dạo chơi. Tiểu Yêu có cảm giác nơi đây rất thân thuộc, nàng vui vẻ kể lại câu chuyện về cha mẹ nàng cho Cảnh nghe.

Họ đến đài tế lễ và thấy Vu vương đang ngồi uống trà ngải dưới gốc sồi.

Tiểu Yêu dừng bước, ngẫm ngợi một lát rồi nói với Cảnh:

- Chàng về nhà trúc trước đi, em có chuyện muốn nói riêng với Vu vương.

Cảnh không chịu:

- Nàng muốn hỏi ông ấy về sâu độc trong cơ thể nàng và Tương Liễu, đúng không?

Tiểu Yêu ngượng ngùng đáp:

- Em không định giấu chàng, chỉ không muốn chàng phải lo lắng thôi.

- Nàng không cho ta biết mới khiến ta lo lắng. Để ta đi cùng nàng, được không?

Tiểu Yêu gật đầu.

Vu vương mời Cảnh và Tiểu Yêu uống trà.

Tiểu Yêu nhấp một ngụm trà ngải, nói:

- Tôi có người bạn tên Di Mai Nhi, xin hỏi, Vu vương có biết bà ấy là người của sơn trại nào không?

- Thì ra cô nương chính là vị ân nhân am hiểu thuật dùng độc ấy. Bà ấy đã qua đời. Bà ấy là chị gái của mẹ ta. Năm xưa, lẽ ra đến lượt mẹ ta bị bắt đi làm nô tỳ, nhưng vì mẹ đã có người trong mộng và đang mang thai ta, nên bà ấy đã đi thay mẹ. Cảm ơn cô đã giúp bà ấy được bình an trở về.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện