Kim Ốc Hận
Tác giả: Liễu Ký Giang
Nguồn: BNS
Lượt xem: 1,458
Số chương: 100
Sách sử chép rằng Trung Hoa thời nhà Hán có một vị hoàng đế anh minh, chí lớn tên là Lưu Triệt, hiệu Vũ Đế. Ông lãnh đạo những nhân vật kiệt xuất như Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Tang Hoằng Dương chinh đông dẹp bắc mở rộng biên giới lãnh thổ, đặt buôn bán giao thương với Ấn Độ, Trung Á, La Mã… xây dựng nên một thời thịnh trị đỉnh cao của triều Hán.
Nhưng Vũ Đế cũng tàn nhẫn đến mức vô tình. Chuyện xưa kể rằng khi còn nhỏ, Lưu Triệt từng hứa với thanh mai trúc mã Trần A Kiều của mình, nếu sau này cưới được nàng thì sẽ xây một tòa Kim ốc cho nàng ở. Rồi hai người thành chồng vợ, rồi Lưu Triệt vì ngôi báu và tham vọng quyền lực mà lãng quên lời hứa năm xưa, phế Trần A Kiều, đẩy nàng ra sống một mình ở lãnh cung Trường Môn, sủng ái Vệ Tử Phu và nâng đỡ Vệ gia làm đối trọng với Trần gia.
Vũ Đế có hạnh phúc hay không? Trong Sử ký của Tư Mã Thiên không còn dòng nào đề cập đến đời tư của Lưu Triệt vì cả Bản kỷ về Vũ Đế đã bị chính tay vị hoàng đế này xé bỏ khi đọc những ghi chép trung thực của nhà chép sử về mình, chỉ biết rằng người dân Trung Hoa đời sau đã dùng điển tích “Kim ốc tàng kiều” để chỉ về một nhân duyên không trọn vẹn, và lời hứa lầu vàng trở thành một mối hận tình khôn nguôi…
Và Liễu Ký Giang đã khai thác điển tích còn nhiều bí ẩn này trong Kim ốc hận, một câu chuyện xoay quanh mối tình tay ba giữa Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Trần A Kiều và Vệ Tử Phu trong hành trình bảo vệ, vun đắp cho tình yêu đích thực của mình.
Liễu Ký Giang đã dùng bút pháp của người viết dã sử nhưng với lời văn mượt mà chau chuốt như những vần thơ để kể lại câu chuyện ba người trong bối cảnh cung đình đầy mưu mô và dối trá, nơi “ngươi cười với ta, ta cười với ngươi nhưng sau lưng là những thủ đoạn mà ngươi sống thì ta phải chết”. Đọc Kim ốc hận, người dịch cứ mãi ám ảnh bởi những đoạn độc thoại của các nhân vật. Đó là những hồi ức đẹp đẽ mà đau đớn, là sự tự vấn, tự dằn vặt về quá khứ hay tương lai. Kim ốc hận chẳng phải là nỗi hận giày vò người thiếu phụ nơi lãnh cung quạnh quẽ mà là tiếng thở dài của cuộc đời về nhân tình thế thái. Những nhân vật trong Kim ốc hận, dù là Lưu Triệt, Trần A Kiều hay Vệ Tử Phu, đều quyết liệt với lựa chọn của mình trên con đường đi tìm hạnh phúc.
Khi gấp lại cuốn sách này, có khi nào ta nhìn lại đời mình và tự vấn? Để thấy lòng mình bao dung hơn, biết thứ tha cho mình và cho người. Vì cuộc đời này thật dài, mà cũng thật ngắn ngủi, chúng ta hãy sống thật với lòng mình, hãy nắm tay người yêu thương đi suốt cuộc đời, có như thế chúng ta mới tìm thấy bình yên và hạnh phúc. Vì trong giấc mộng ba sinh, hết thảy đều chỉ là hư ảo, chỉ còn lại chân tình. Trời xanh vốn công bằng, mọi tấm chân tình đều được đền đáp.
Nội dung
Câu chuyện khởi đầu khi Hàn Nhạn Thanh, một thiếu nữ của thời hiện đại, xuyên qua không – thời gian để trở về thành Trần A Kiều của 2000 năm trước trong bối cảnh vừa bị phế truất, đày tới lãnh cung Trường Môn, bị Vệ Tử Phu hợp lực với Lưu Lăng truy sát, một đóa phù dung đã thành ngọn cỏ đoạn trường trong cơn kinh biến. Nàng mang theo tính cách dám yêu dám hận của người thiếu nữ hiện đại lại vừa tiếp nhận tư tưởng tận hiến, “nhất nhật vi phu” của A Kiều thời cổ đại. Nàng muốn sống cuộc đời bình dị ẩn cư nơi thôn dã, được sao trà, may áo cho người thân, nhưng thân phận của người nàng nhập vào lại không cho phép. Từ đó, nàng bước vào cuộc hành trình của mình, cuộc hành trình tìm lại niềm tin về một tình yêu đích thực.
Nàng mãi vẫn khắc ghi hình ảnh thuở ban đầu khi Lưu Triệt còn là cậu bé trốn khóc sau hòn giả sơn bị nàng bắt gặp. Nàng vẫn luôn coi Lưu Triệt là phu quân của mình nhưng y đã ngự trên ngôi cao, là một bậc quân vương quyền biến, tràn đầy hùng tâm tráng chí khiến nàng tuy độc chiếm ân sủng nhưng trong lòng vẫn luôn đau đáu nỗi xót xa. Xót xa về sự tận hiến không được đền đáp, về niềm tin đã rạn vỡ. Đến lúc Lưu Triệt sắp ra đi, nàng vẫn muốn hỏi y về điều đó, “Nàng nghĩ, nàng không có tư cách để hoài nghi nhưng vẫn muốn hỏi một câu rằng, y có từng hối hận về chuyện năm xưa? Khi y nhướng mày, nhìn nàng sâu thẳm, ‘Trẫm không hối hận’, thì nàng mới phát hiện, mình vừa vô tình, buột miệng hỏi thành lời.” (Kim ốc hận)
Lưu Triệt đã trở thành một vị đế vương thật sự, thực hiện được giấc mơ quyền lực của mình. Khi tưởng chừng đã nắm trong tay mọi thứ, y gặp lại Trần A Kiều sau nhiều năm lưu lạc. Lúc này, Trần A Kiều đã như con chim phải tên thấy cành cong cũng sợ, nàng lẩn tránh, nàng sợ hãi và hơn hết là nàng không còn tin vào tình cảm của y. “Thời gian như nước nhẹ trôi qua cầu, có thể làm dịu đi nỗi đau nhưng làm sao bắt được một con tim từng bị tổn thương không đề phòng người ngày đó đã từng phụ bạc?” Y không thể nhìn thấu, không thể khuất phục nàng.
Và Lưu Triệt bắt đầu lần tranh đấu lớn nhất đời mình. Y tranh đấu với những tham vọng đế vương, những phồn hoa hư ảo của đời người đã phủ bóng quá sâu lên chân tình, làm khuất lấp những rung động ban sơ. Có những lúc tưởng chừng như y đã chạm được vào trái tim của A Kiều nhưng rồi lại vuột xa để rồi cứ thế lầm lũi tìm lại bản ngã của mình. Trong suốt hành trình này, quyền uy đế vương cũng chẳng có ý nghĩa gì cả mà chỉ có trái tim. Đời nói y vô tình nhưng chính y dần dần cũng chẳng rõ mình vô tình hay đa tình khi A Kiều đã trở thành chính trái tim y. Đến trước khi mất, y vẫn nói chưa từng hối hận chuyện năm xưa vì nhờ đó mà y đã biết được ý nghĩa thực sự của tình yêu, như điện Chiêu Dương mà y xây nên. Chiêu Dương! Chiêu Dương! Đón vầng dương trở lại sưởi ấm cho những tháng ngày lạnh giá.
Còn Vệ Tử Phu, nàng cũng có hành trình của riêng mình. Xuất thân thấp kém, nàng ban đầu chỉ mơ ước có một cuộc sống đầy đủ, người thân được bình an, nhưng rồi nàng đã trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, truyền kỳ trong chốn nhân gian. Nàng bao lần nhủ thầm mình không được yêu y nhưng lại không cưỡng nổi tiếng gọi của trái tim mình. Nàng tranh đấu, nàng quyết liệt bảo vệ tình yêu của mình kể cả bằng biện pháp cực đoan nhất để rồi vẫn phải chịu thất bại bởi nàng là người đến sau. Nhưng tử sinh có nghĩa gì đâu khi con tim đã trao trọn cho người, và nàng chỉ an tâm uống chén canh Mạnh Bà để quên đi hết thảy những ân oán tình cừu sau khi được gặp lại quân vương của mình dưới suối vàng và biết y đang hạnh phúc.
“Gió Bắc gieo giá lạnh
Miên man kể nỗi sầu
Chung sống đến đầu bạc
Tử sinh đáng gì đâu.”
(Nỗi nhớ không tên – Kinh Thi)