Biết ghi nhận thành tích của người khác
Tôi chưa từng gặp người nào không thích hay không đánh giá cao việc bản thân được khen ngợi cả. Ngược lại, hầu hết mọi người đều cảm thấy không bằng lòng hoặc tủi thân khi không được ghi nhận. Những người cảm thấy mình được ghi nhận sống hạnh phúc hơn, ít căng thẳng và tận tụy hơn so với những người cảm thấy mình bị xem thường. Trên hết, họ làm việc chăm chỉ hơn và hợp tác tốt khi làm việc nhóm. Họ ít nghỉ việc hơn, đi làm đúng giờ, hòa đồng với người khác, có nhiều sáng kiến và luôn nỗ lực phấn đấu trong công việc. Ngược lại, những người cảm thấy mình không được đánh giá cao thường tỏ ra ấm ức và thiếu nhiệt tình trong công việc. Họ dễ nổi giận và thường tỏ ra khó chịu khi ở hoặc làm việc cùng người khác. Và hơn hết, những người này thường có khuynh hướng trầm trọng hóa những chuyện nhỏ.
Thật không may, tôi chẳng thể giúp bạn cảm thấy mình được đánh giá cao, mà tôi chỉ có thể cung cấp cho bạn bí quyết để trở thành một người biết ghi nhận người khác. Tuy nhiên, khi thực hành bí quyết này, bạn sẽ phát hiện ra rằng hai điều này gần như một. Từ những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy càng chủ động ghi nhận người khác, bản thân tôi càng cảm thấy tốt hơn về mình. Và thêm vào đó, những người tôi làm việc cùng cũng đánh giá cao tôi hơn.
Hãy ghi nhận người khác ngay cả khi họ chỉ thực hiện những nhiệm vụ của họ. Nếu có thể, hãy gửi một tấm thiệp, email hay thư viết tay khen ngợi họ. Gọi điện thoại hoặc trực tiếp nói chuyện với người đó, nhìn vào mắt họ và nói với họ rằng bạn biết ơn họ đến thế nào. Hoặc bạn cũng có thể gửi một món quà hay vật kỷ niệm nhỏ để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Hãy cho người khác biết bạn ghi nhận họ. Hãy thực hiện việc này thường xuyên.
Ví dụ, hãy cảm ơn người đã đưa thư đến cho bạn và sau đó, hãy để ý phản ứng của người ấy cũng như cảm nghĩ của bản thân bạn. Hãy cảm ơn nhân viên ở tiệm photo đã in sao tài liệu cho bạn, dù đó là nhiệm vụ của cô ấy. Tương tự, thỉnh thoảng hãy gửi những tấm thiếp cảm ơn khách hàng đã sử dụng dịch vụ của bạn. Bạn sẽ được nhận lại những điều tốt lành tương tự. Và ngay cả khi không được nhận lại, bạn vẫn phải biết đây là hành động nên làm.
Một vài lần trong năm, tôi đều gửi cho nhân viên thu gom rác thải một tấm thiệp cảm ơn và kèm một ít tiền thưởng. Và sau đó, anh nhân viên đó không những vẫy chào mỗi khi gặp tôi chạy bộ vào sáng sớm mà còn luôn tỏ ra vui vẻ dù phải thu gom thêm những rác thải phát sinh.
Khi bạn đánh giá cao đồng nghiệp, khách hàng cùng những đối tác kinh doanh của mình, các mối quan hệ của bạn sẽ phát triển. Và quan trọng hơn, bạn sẽ chủ động tạo nên niềm phấn khởi cho tất cả mọi người – bao gồm cả bản thân bạn.
Khi bạn ghi nhận ai đó, hãy để ý cảm giác của chính mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy thanh bình và mãn nguyện tựa như bạn đang trên đường đạt được mục tiêu của mình vậy. Đưa ra những lời khen ngợi chân thành sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng, ở cả người nhận lẫn người gửi.
Ngày trước, tôi có chút xích mích với một đồng nghiệp. Tôi cảm thấy cô không đáp lại những mong đợi của tôi trong công việc và giữa chúng tôi thường xảy ra tranh cãi lặt vặt. Sau đó, tôi biết được rằng thật ra, cô ấy làm việc rất chăm chỉ nhưng lại luôn cảm thấy mình không được ghi nhận. Thế là tôi quyết định thử một phương pháp mới. Thay vì tiếp tục thể hiện sự không hài lòng của mình, tôi tập trung vào những ưu điểm của cô ấy trong công việc. Tôi thống kê những công việc cô ấy đã hoàn thành tốt và viết thư cảm ơn cô. Những lời khen ngợi của tôi rất chân thật và xuất phát từ tấm lòng. Khoảng một tuần sau, tôi nhận lại một bức thư cảm ơn từ cô ấy và trong thư, cô cho biết cô cảm thấy rất dễ chịu khi làm việc cùng tôi. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy sự tiến bộ ở cô ấy. Mối quan hệ giữa hai chúng tôi đã trở lại tốt đẹp như xưa.
Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng nhận lại những phản hồi tích cực và ngay lập tức như vậy. Rất nhiều lần tôi cảm ơn mọi người đã hoàn thành công việc nhưng lại chẳng nhận được phản hồi gì cả. Nhưng tôi thấy điều đó chẳng có vấn đề gì cả. Bất kể bạn có nhận lại được gì hay không thì bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đó là hành động đúng đắn.
Hãy nhớ rằng chúng ta ghi nhận người khác không chỉ để được ghi nhận lại mà bởi nó sẽ mang đến hạnh phúc cho mọi người. Họ sẽ nhớ những lời ghi nhận của bạn và luôn cảm kích vì điều đó. Mọi người sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn và muốn nhìn thấy bạn thành công. Họ cũng sẽ chia sẻ thất bại của bạn và rộng lòng tha thứ cho bạn. Hãy nghĩ về bí quyết này. Bạn có thấy nhiều đồng nghiệp của mình rất đáng được ghi nhận không? Vậy thì bạn còn chờ gì nữa?