Học cách từ chối

Vì thường có khuynh hướng cảm thấy tội lỗi khi nói “Không” nên ta khó nhận ra rằng chính mình mới là người đã đưa bản thân vướng vào rắc rối chỉ vì không thể kiên quyết từ chối một cách thường xuyên hơn.

Có hai vấn đề sẽ xảy đến khi bạn nói “Có” trước mọi lời đề nghị hay yêu cầu. Đầu tiên, nó khiến bạn luôn cảm thấy quá tải, căng thẳng và mệt mỏi. Bạn cần ngừng lại nếu cảm thấy tác phong, tinh thần và hiệu quả làm việc của mình đã bắt đầu xuống dốc. Lúc này, không chỉ công việc mà ngay cả bản thân và gia đình bạn cũng bị ảnh hưởng. Khi nói “Có” quá nhiều, ta có cảm giác như mình bị lợi dụng và bực bội vì phải ôm đồm quá nhiều việc.

Vấn đề thứ hai là nếu không thể nói “Không” khi cần thiết, bạn đã trở thành người thiếu thật thà. Nghĩa là lúc đó, bạn chấp nhận làm những việc mà bạn không thật lòng muốn làm – nhưng vì đã lỡ đồng ý nên bề ngoài, bạn hành động như thể mọi chuyện đều ổn thỏa vậy. Chẳng hạn, bạn đồng ý thực hiện giùm một việc hoặc đổi ca với một đồng nghiệp trong khi điều bạn thật sự cần lúc bấy giờ là được nghỉ ngơi. Thế là vì không được nghỉ ngơi như mong muốn, bạn cảm thấy như mình bị hành hạ và giận lây cả người đã nhờ vả mình! Rõ ràng, chính bạn mới là nhân tố chủ yếu tạo nên rắc rối cho bản thân, nhưng bạn lại tin rằng mọi căng thẳng của mình do yếu tố bên ngoài gây nên.

Từ chối một cách thẳng thắn không thể hiện sự ích kỷ mà trái lại, nó là một cách để bạn bảo vệ mình. Có nhiều lúc bạn sẽ đồng ý thực hiện yêu cầu của người khác theo thói quen, nghĩa vụ hoặc đơn giản là vì bạn cảm thấy có lỗi nếu từ chối. Nhưng trên thực tế, nếu những yêu cầu đó không hợp lý thì điều bạn nên làm là hãy từ chối nó.

Tất nhiên, có những trường hợp chúng ta không thể từ chối cũng như có nhiều trường hợp việc nói “Có” sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho ta, hay chỉ đơn giản là ta muốn giúp đỡ mọi người. Điều đó thật tuyệt vời! Chìa khóa của bí quyết này là bạn phải cân nhắc thay vì phản ứng theo thói quen để quyết định lúc nào nên nói “Có” và lúc nào nên nói “Không”. Bạn chỉ cần ngẫm nghĩ và tự hỏi bản thân: “Nếu xét về mọi mặt thì việc giúp đỡ này có ảnh hưởng gì đến mình hay không, hay tốt hơn hết là mình nên từ chối?”. Tôi tin rằng khi suy xét cẩn thận, bạn sẽ nhận thấy có nhiều lúc, việc nói “Không” lại là quyết định thông minh nhất của mình.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện